Bản án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản số 40/2018/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 40/2018/DS-PT NGÀY 05/09/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN

Ngày 31/8 - 05/9/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 32/2018/TLPT ngày 10 tháng 8 năm 2018, về việc “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”.

Do bản án số 04/2018/DS-ST ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân thị xã B bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2018/QĐ-PT ngày 06/8/2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Phạm Thị Hải Y, sinh năm 1988

Địa chỉ: Tổ 6, khu phố 5, phường S, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa. Tạm trú tại: Xóm T, phường S, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa.

Bị đơn: Bà Đỗ Thị Đ, sinh năm 1956

Ông Lê Văn C, sinh năm 1955

Cùng địa chỉ: SN 52 đường N tổ 6, khu phố 5, phường S, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa.

Người kháng cáo: Bị đơn bà Đỗ Thị Đ và ông Lê Văn C.

Tại phiên tòa có mặt nguyên đơn và các bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án tại tòa án, nguyên đơn chị Phạm Thị Hải Y trình bày:

Chị Phạm Thị Hải Y và anh Lê Văn N kết hôn tháng 2 năm 2014, sau khi kết hôn vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng là Đỗ Thị Đ và ông Lê Văn C tại địa chỉ số nhà 52, tổ 6, khu phố 5 phường S, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa. Vào khoảng tháng 5 năm 2014 vợ chồng chị góp tiền với bố mẹ chồng mua một miếng đất gần nhà, tháng 9/2014 chị Y sinh cháu Lê B, do điều kiện sinh hoạt chật chội và phức tạp nên vợ chồng chị xin ra làm nhà riêng để ở. Bố mẹ anh N đã họp gia đình và thống nhất chia phần đất cho các con, vợ chồng chị được chia diện tích đất mới mua để làm nhà. Khi vợ chồng chị lên kế hoạch làm nhà thì bố mẹ chồng chị có hứa là làm nhà xong sẽ sang tên QSDĐ cho anh chị và tách hộ khẩu riêng. Ông C bà Đ có nói sẽ cho vợ chồng chị 100.000.000đ để làm nhà, nhưng sau đó không cho nữa mà sẽ giúp công thợ. Bố mẹ chồng cùng với bố đẻ chị là ông Phạm Thanh H bàn bạc thuê thêm thợ và tự thi công để tiết kiệm chi phí và tận dụng nguyên vật liệu.

Tháng 8/2015 vợ chồng chị tiến hành làm nhà. Do ông C, bà Đ là thợ xây nên đã đứng ra làm thợ cả để phụ trách thi công xây dựng. Toàn bộ chi phí làm nhà gồm vật liệu xây thô, vật liệu hoàn thiện, trả phần công móng, làm điện, lắp nước và phần công thợ và các chi phí khác là do vợ chồng chị Y rút sổ tiết kiệm, bán vàng, và vay mượn thêm để chi trả hết khoảng 750.000.000 đồng.

Tháng 12 năm 2015 ngôi nhà được xây xong, vợ chồng chị chuyển đến nhà mới ở. Tháng 5/2016 anh Lê Văn N không may bị tai nạn giao thông qua đời.

Sau khi anh N mất giữa chị và ông C bà Đ đã xảy ra va chạm, mâu thuẫn, chị đưa con về bên ngoại sống.

Ngày 30/9/2016, chị Y làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng, gồm: 01 ngôi nhà 02 tầng mới xây diện tích khoảng 180m2; 01 xe máy Aiblade đứng tên anh Lê Văn N; 01 điều hòa; 01 mũ bảo hiểm; tài sản trong nhà gồm: 01 bộ bàn ghế; 01 ti vi 50inch; 01 tủ lạch; 01 bộ âm ly + loa; 01 kệ gỗ; 01 máy lọc nước; 01 giường ngủ; 01 tủ quần áo; 01 bàn trang điểm; 01 bếp ga; Tách khẩu riêng cho chị Y và cháu Lê T; Trả lại giấy tờ của anh N để sau này thuận tiện cho việc học của cháu Trang. Ước tính tổng tài sản trị giá khoảng 400.000.000 đồng.

Ngày 20/12/2016 chị Y kê khai bổ sung các khoản chi phí xây nhà và mua sắm vật dụng với tổng số tiền chi trả là:650.332.210đ (Trong đó chi phí làm nhà 562.832.210đ; chi mua sắm tài sản khác 87.500.000đ). Chị chứng minh việc gửi và rút tiền để chi phí cho việc làm nhà tại các Ngân hàng trên địa bàn thị xã B, sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Công Thương, ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV B đứng tên anh Lê Văn N và chị. Tổng số tiền anh N, chị Y đã rút từ các Ngân hàng là 299.500.000đ.

Ngày 23/02/2017 chị Y yêu cầu bổ sung đề nghị Tòa án phân chia tài sản giữa chị và gia đình bà Đ các khoản tiền thu vào khi anh N qua đời gồm:

- Tiền phúng viếng: 60.000.000đ;

- Nhà xe gây tai nạn bồi thường hỗ trợ cho cháu Lê B: 53.000.000đ;

- Chi nhánh Vietteel Thanh Hóa hỗ trợ: 45.000.000đ;

- Bảo hiểm xã hội B chi trả tiền tuất: 8.800.000đ;

- Công ty Bảo hiểm Bảo Long thanh toán cho anh N: 100.000.000đ.

- Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chi trả tiền bảo hiểm cho anh N: 70.000.000đ

Chị Y đã chi sau khi nhận các khoản tiền trên gồm:

- Chi phí cho đám tang anh N: 20.000.000đ;

- Trả cho bà Đỗ thị Đ (mẹ anh N): 20.300.000đ;

- Trả cho em chồng Lê Thị Trang: 20.000.000đ;

- Trả cho bà Lê Thị Hằng (mẹ đẻ chị Y): 20.000.000đ

- Gửi bà Đỗ Thị Đ (trả nợ hộ tiền gỗ cho chú Tiêu 16.000.000đ; Trả cho cửa hàng sơn Phương T 4000.000đ) = 20.000.000đ;

- Trả nợ anh Hoàng Văn D (02 lần): 30.000.000đ;

- Trả nợ cho ông Phạm Thanh H (bố đẻ chị Y)02 lần: 100.000.000đ;

- Chi phí cho sinh hoạt gia đình: 8.800.000đ;

-Trả nợ cho cửa hàng inox Phong Th: 1.600.000đ;

- Chi phí 50 ngày, 100 ngày, đốt bảy cho anh N: 12.000.000đ;

- Gửi cho bà Đ tiền ăn 1.500.000đ

- Chi phí sinh hoạt trong 05 tháng chị Y không đi làm: 25.000.000đ;

Số tiền còn lại là 66.400.000đ, chị yêu cầu Tòa án xem xét, phân chia tài sản giữa chị và gia đình bà Đ, ông C theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/8/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm chị Y xin rút một phần yêu cầu đối với 01 máy điều hòa, 01 máy tính xách tay, khoản chi phí ăn uống của chị Y và cháu B 20.000.000, khoản tiền ăn đưa cho bà Đ 1.500.000đ và chiếc mũ bảo hiểm của anhN; không yêu cầu giải quyết về đất đai vì đất đứng tên bà Đ.

Tại các bản khai và đơn kiến nghị và quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Đỗ Thị Đ và ông Lê Văn C trình bày như sau:

Tài sản chị Y đòi chia ông bà không đồng ý vì chị Y mới về làm dâu nhà ông bà được 17 ngày thì ông bà bỏ tiền ra mua đất, bìa đỏ, giấy phép xây dựng cũng tên ông bà C Đ. Tiền mua nguyên vật liệu, tiền sắm đồ dùng sinh hoạt cũng của ông bà và anh N (Tiền riêng của anh N trước khi lấy chị Y) bỏ ra mua nên không đồng ý chia. Không đồng ý thẩm định định giá tài sản, yêu cầu đối chất những người làm chứng.

Về nợ: Ông C, bà Đ đồng ý các khoản nợ gồm:

- Nợ ông H bố đẻ chị Y 100.000.000 đồng,

- Nợ tiền cửa gỗ 16.000.000đ;

- Nợ tiền sơn 4.000.000đ;

- Nợ cửa cổng 1.500.000đ;

- Nợ cô Tr 20.000.000 đồng;

- Vay của mẹ đẻ chị Y 900 USD = 20.000.000đ;

- Vay bạn T - D 10.000.000 đồng.

Tổng số nợ 171.500.000 đồng. Ngoài các khoản trên thì ông, bà không đồng ý một khoản nào khác.

Tiền viếng 70.000.000đ,   tiền nhà xe gây tai nạn cho anh N bồi thường 53.000.000đ, tiền Viettel hỗ trợ 45.000.000đ, tiền bảo hiểm thân thể Viettel 70.000.000đ, tiền bảo hiểm thân thể Tâm An 100.000.000đ, tiền Bảo hiểm xã hội B chi trả 8.800.000đ. Tổng cộng là 346.800.000đ, chi cho đám tang và nợ lặt vặt còn lại là 180.000.000đ, bà Đ đề nghị chuyển giao cho cháu Lê B là con của anh N cho đến khi cháu B đủ 18 tuổi được quyền sử dụng số tiền này.

Đến ngày 25/11/2016, bà Đ có tờ khai phản hồi liệt kê chi phí làm nhà hết tổng 219.499.000đ (Hai trăm mười chín triệu bốn trăm chín chín ngàn)

Số tiền làm nhà, bà rút ở ngân hàng và con gái bà là chị Trang gửi. Cụ thể: Tiền gửi ở Ngân hàng BIDV khoảng trên 100.000.000đ; tiền lương chị Trang dồn gửi  năm 2015 là 73.000.000đ. Ngoài ra bà Đ còn bán một dây chuyền vàng (05 chỉ), 01 mặt ngọc (01 chỉ), tổng cộng 06 chỉ (bán cho hiệu vàng Tiến Y), bán 02 nhẫn tròn (mỗi nhẫn 02 chỉ) cộng lại là 4 chỉ cho hiệu vàng Bính Hằng. Tổng số tiền bán 10 chỉ là 31.000.000đ, tiền trong két bà có là 17.000.000đ.

Quan điểm của bà Đ, ông C là chị Y không có đóng góp vào khối tài sản nhà bà, sau khi chồng chết một thời gian thì bỏ về nhà ngoại sinh sống và làm đơn kiện đòi chia tài sản với ông bà, không đủ tư cách đạo đức của con dâu nên ông, bà không đồng ý chia cho chị Y bất kỳ tài sản nào trong gia đình.

Tòa án đã tiến hành lấy lời khai của những người làm chứng, đối chất giữa một số người làm chứng với chị Y và ông, bà C Đ.

* Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ xác định:

Về đất: Diện tích đất đang tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nguyễn Quang S và bà Nguyễn Thị A. Đến ngày 10/6/2014 ông S và bà A chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Đỗ Thị Đ. Tổng diện tích đất là 120,2m2 đất ở (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND thị xã B cấp mang tên bà Đỗ Thị Đ).

Về nhà ở: Nhà mái bằng 2 tầng, móng bê tông cốt thép, cột chịu lực, mái bê tông cốt thép, tường gạch đỏ bao che, lăn sơn các màu, lắp điện chiếu sáng hoàn chỉnh.

Diện tích tầng 1: 96m2, tổng diện tích sàn 192m2, chiều cao tầng 1 là 3,9m, tầng 2 là 3,6m, tầng tum: 2,02m, chiều cao công trình 9,52m (có bản vẽ cấp phép xây dựng kèm theo). Nhà và đất có vị trí địa lý như sau:

- Phía Đông giáp đường khu dân cư

- Phía Tây giáp ngõ vào nhà bà H

- Phía Nam giáp nhà C H

- Phía Bắc giáp đường N

Kết cấu nhà ở:Nhà lát gạch ceramic 60 x 60cm, phía trước nhà có 02 cửa (01 cửa lim 04 cánh và 01 cửa cuốn Auto door mô tơ cuốn, hãng TEC; cửa sổ gỗ lim; cầu thang tay vịn gỗ, mặt lát đá; nhà vệ sinh lắp xí bệt, phòng tắm lắp bình nóng lạnh hãng Rosi.

Tầng 2: Có 2 phòng (1 phòng ở cửa gỗ 02 cánh (gỗ tạp), cửa sổ nhựa, thép, song chắn trộm bằng inox, cửa vào phòng ở bằng nhựa + thép; 01 phòng thờ cửa ra vào làm bằng nhựa lõi thép, cửa sổ gỗ tạp); nhà vệ sinh lắp xí bệt, nhà tắm không lắp bình nóng lạnh; bàn bếp xây lát mặt đá, có chậu rửa, vòi rửa (không có bếp nấu); 04 cánh cửa nhà vệ sinh bằng nhôm kính.

Kết quả định giá tài sản: Hội đồng định giá thị xã B áp giá theo đơn giá căn cứ vào Quyết định số: 4925/2016/QĐ- UBND ngày 21/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa:

1/ Về nhà ở: Tổng cộng: 826.462.500đ

2/ Về các tài sản và đồ dùng trong nhà:Tổng giá trị tài sản + đồ dùng trong nhà: 86.950.000đ

Tổng giá trị ngôi nhà và các tài sản trong nhà là: 913.412.500đ (chín trăm mười ba triệu bốn trăm mười hai ngàn năm trăm đồng).

Bản án số 04/2018/DS-ST ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân thị xã B quyết định:

Áp dụng: Khoản 2 Điều 26, Điều 144, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 207, 209, 219 Bộ luật dân sự; Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ quốc hội và điểm c mục II phần A danh mục án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của chị Phạm Thị Hải Y.

1. Giao cho bà Đỗ Thị Đ, ông Lê Văn C được quyền sở hữu những tài sản sau đây:

- 01( một) ngôi nhà 02 tầng ở khu phố 5, phường S, thị xã B, tỉnh Thanh Hóa (có vị trí tiếp giáp cụ thể) trị giá là 826.462.500đ(nhà xây dựng trên đất đã được cấp GCNQSD đất đứng tên bà Đỗ Thị Đ)

- Tài sản khác: 01 ti vi + 01 tủ lạnh trị giá 10.000.000đ; 01 bộ bàn ghế gỗ trị giá 31.500.000đ; 01 kệ gỗ trị giá 8.400.000đ; 01 bếp ga + 01 máy lọc nước trị giá 2.250.000đ; 01 bộ loa + aamly trị giá 4.800.000đ; 01 xe máy AirBlade trị giá 20.000.000đ; Giường + tủ + bàn trang điểm trị giá 6.000.000đ. Tổng cộng nhà và tài sản có giá trị là 909.412.500đ. Bà Đ, ông C phải giao lại cho chị Y, anh N số tiền mặt là 456.468.371đ.

2. Phần của chị Phạm Thị Hải Y và anh Lê Văn N được quyền sở hữu trong khối tài sản chung là: Nhận ở bà Đ, ông C số tiền mặt là 456.468.371đ. Do anh N chồng chị Y đã chết nên giao cho chị Y quản lý tài sản chung của vợ chồng theo Điều 66 Luật HN&GĐ.

3. Dành quyền dân sự cho các đương sự nếu có đơn yêu cầu chia tài sản thừa kế phần tài sản của anh N đã chết để lại và các khoản anh N chết được đền bù, bồi thường và khoản hỗ trợ) thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác.

Ngoài ra bản án con tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án, N vụ thi hành án, trách nhiệm do chậm thực hiện N vụ và quyền kháng cáo.

* Ngày 09, 11, 12/6/2018 bị đơn bà Đỗ Thị Đ và ông Lê Văn C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung:

+ Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm trong việc xác minh, đánh giá chứng cứ, không tiến hành đối chất và định giá không đúng quy định của pháp luật.

+ Tài sản là của ông bà và của riêng anh N, chị Y yêu cầu chia tài sản ông bà không đồng ý, Tòa án buộc ông bà phải giao lại cho chị Y, anh N số tiền mặt là 456.468.371đ ông bà không chấp nhận.

+ Ông, bà yêu cầu chia di sản thừa kế của con trai là anh N nhưng không được tòa án xem xét, giải quyết.

Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

* Ngày 12/6/2018 Viện kiểm sát nhân dân thị xã B ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 04/2018/DS-ST ngày 01/6/2018 của TAND thị xã B với nội dung:

+ Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp: Chị Y khởi kiện yêu cầu yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng, nhưng đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện của chị Y và nội dung các đương sự trình bày và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì đây là “tranh chấp chia di sản thừa kế”, Tòa án xác định là “tranh chấp quyền sở hữu tài sản” là vi phạm các quy định của pháp luật.

+ Không đưa người có quyền lợi N vụ liên quan vào tham gia tố tụng.

Tòa án phải xác định đây là quan hệ tranh chấp thừa kế tài sản, không đưa cháu B tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi cháu B là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

+ Vi phạm trong việc xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ và định giá tài sản  dẫn đến việc đánh giá vụ án thiếu khách quan khách quan, không giải quyết triệt để vụ án.

=> Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 308 BLTTDS hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, các bị đơn không rút đơn kháng cáo, VKSND tỉnh Thanh Hóa không rút kháng nghị, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Nội dung: VKSND tỉnh Thanh Hóa thay đổi, bổ sung 1 phần nội dung kháng nghị của VKSND thị xã B đó là:

+ Cần xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp chia tài sản chung và chia di sản thừa kế” vì các đương sự có yêu cầu chia tài sản có liên quan đến anh N, nhưng chưa được tòa án xem xét.

+ Ngoài việc đưa cháu B tham gia tố tụng tòa án phải đưa ông H, chị Trang, anh Dũng, ông Tiêu vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, N vụ liên quan để làm rõ quyền lợi liên quan của họ trong vụ án.

+ Việc định giá quyết định thành lập hội đồng không có tên các thành viên, khi định giá các bị đơn cản trở không cho định giá nhưng Hội đồng định giá không lập biên bản về việc không thể tiến hành định giá tài sản do có hành vi cản trở và lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự.

=> Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Căn cứ khoản 3 Điều 308 BLTTDS hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số   04/2018/DS-ST ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân thị xã B giao vụ án cho TAND thị xã B giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên toà. Sau khi nghe lời trình bày, tranh luận của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét kháng nghị của VKSND thị xã B, nội dung thay đổi, bổ sung của VKSND tỉnh Thanh Hóa và kháng cáo của ông C, bà Đ thấy rằng:

[1]Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp:

Anh N, chị Y kết hôn tháng 02 năm 2014. Tháng 5/2016 anh Lê Văn N bị tai nạn giao thông qua đời. Sau khi anh N chết giữa chị Y và ông bà C Đ xảy ra mâu thuẫn, chị Y đưa con về bên ngoại. Ngày 30/9/2016 chị Y đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật. Ngày 20/12/2016 chị Y kê khai bổ sung các khoản chi phí xây nhà và mua sắm vật dụng và chứng minh việc gửi và rút tiền để chi phí cho việc làm nhà tại một số Ngân hàng trên địa bàn thị xã B, đứng tên anh Lê Văn N và chị Y. Ngày 23/02/2017 chị Y yêu cầu bổ sung đề nghị Tòa án phân chia tài sản giữa chị và gia đình bà Đ gồm các khoản tiền thu vào khi anh N qua đời gồm: khoản tiền phúng viếng và bồi thường, chi trả bảo hiểm cho anh N.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông C, bà Đ cũng có kê khai phần tài sản phát sinh của anh N sau khi anh N qua đời do chị Y quản lý cùng một số tài sản là các vật dụng sinh hoạt do anh N mua và đồ trang sức của anh N mà chị Y đem về bên ngoại. Lúc đầu phần tài sản phát sinh của anh N ông, bà đề nghị trừ các khoản chi phí mai táng anh N và một số khoản nợ, số tiền còn lại 180.000.000đ yêu cầu chuyển giao cho cháu Lê B là con của anh N cho đến khi cháu B đủ 18 tuổi được quyền sử dụng, nhưng sau đó ông bà đề nghị tòa án làm rõ, xem xét giải quyết các tài sản phát sinh sau khi anh N chết và các tài sản khác của anh N (thể hiện ở nhiều bản tự khai, biên bản hòa giải, các đơn kiến nghị và tại phiên tòa sơ thẩm).

Trong vụ án này, tài sản là thuộc sở hữu chung của các thành viên trong gia đình, có sự trộn lẫn giữa tài sản chung của vợ chồng anh N chị Y và ông C, bà Đ. Khi các thành viên không thỏa thuận được việc phân chia, thì theo quy định tại điều 212 BLDS áp dụng sở hữu chung theo phần để giải quyết, trừ trường hợp quy định tại điều 213 của BLDS quy định về “sở hữu chung của vợ chồng”. Do đó, việc giải quyết chia tài sản chung trong trường hợp này ngoài việc áp dụng các quy định của bộ luật dân sự thì còn áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình để giải quyết. Như vậy, tất cả những tài sản liên quan đến anh N đều là di sản của người chết để lại cho các đồng thừa kế, khi có yêu cầu thì cần được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật trong cùng vụ án mới đảm bảo sự triệt để của vụ án và quyền lợi của những người có quyền, N vụ liên quan. Bản chất yêu cầu khởi kiện của chị Y là yêu cầu chia tài sản chung và chia di sản thừa kế, tại phiên tòa phúc thẩm chị Y cho rằng vì không hiểu pháp luật nên không nghĩ đó là chia di sản thừa kế. Ông C, bà Đ cũng có yêu cầu xem xét về di sản thừa kế của anh N. Lẽ ra tòa sơ thẩm cần giải thích cho nguyên đơn biết bản chất của yêu cầu khởi kiện, cũng như việc cần thiết phải giải quyết di sản của anh N trong cùng vụ án. Nếu đã giải thích nguyên đơn vẫn không yêu cầu, thì cần xác định yêu cầu của các bị đơn là yêu cầu phản tố (do một phần di sản chị Y đang quản lý) để ra thông báo nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố của ông C, bà Đ, nếu các bị đơn không nộp tạm ứng án phí thì mới giành quyền dân sự khi có yêu cầu chia di sản thừa kế bằng một vụ án khác.

Như vậy, quan hệ pháp luật trong vụ án này phải xác định là: “Tranh chấp chia tài sản chung và chia di sản thừa kế” thì mới C xác, đúng bản chất các yêu cầu của đương sự. Tòa án đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành hòa giải, nhưng do xác định không đầy đủ quan hệ pháp luật tranh chấp, nên đã không giải quyết triệt để nội dung vụ án và không đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

2. Việc xác định người tham gia tố tụng:

Trong vụ án này, khi xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thì ngoài nguyên đơn là chị Y, bị đơn là ông C, bà Đ còn phải đưa cháu Lê B (con anh N, chị Y) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, N vụ liên quan (chị Y là đại diện theo pháp luật cho con) để xem xét quyền lợi của cháu đối với di sản thừa kế của anh N.

Ngoài ra, ông H bố đẻ chị Y khai ông tham gia làm nhà cho vợ chồng N, Y góp 51 công nhưng ông C, bà Đ chỉ chấp nhận số ngày công ông H tham gia là 31 công. Phần công thợ của ông H là bao nhiêu chưa được xác định, chưa được thanh toán. Chị Y nại đã gửi bà Đ 16.000.000đ trả tiền cửa gỗ cho ông Tiêu, ông bà C Đ cho rằng còn nợ tiền cửa gỗ của ông Tiêu 16.000.000đ. Quá trình giải quyết chị Y cho rằng đã trả nợ cho ông Tiêu, ông Tiêu tại bản tự khai (BL130) khẳng định vợ chồng Y, N còn nợ ông 16.000.000đ, mâu thuẫn này chưa được làm rõ. Bà Đ nại số tiền làm nhà rút ở ngân hàng BIDV B khoảng trên 100.000.000đ, tiền lương chị Trang dồn gửi năm 2015 là 73.000.000đ, hiện tại còn nợ chị Trang 10.000.000đ tiền mua kệ. Chị Y khai vay chị Trang 20.000.000đ đã trả, nhưng chưa lấy lời khai chị Trang, đối chất làm rõ vấn đề này.

Chị Y khai còn nợ của anh Dũng 30.000.000đ, ông C bà Đ chỉ công nhận nợ anh Dũng 10.000.000đ nhưng tòa sơ thẩm cũng chưa lấy lời khai của anh Dũng để làm rõ về công nợ. Do đó, cần đưa ông H, ông Tiêu, chị Trang, anh Dũng vào tham gia tố tụng với tư cách là những người có quyền lợi, N vụ liên quan để làm rõ quyền lợi của ông H và quan điểm của ông về việc giải quyết quyền lợi ấy như thế nào? Việc nợ của ông Tiêu đã giải quyết hay chưa, ai là người trả nợ cho ông Tiêu? Việc nợ tiền chị Tr của ông bà C, và chị Y có hay không, đã giải quyết chưa? Số nợ của chị Y với anh Dũng thực chất là bao nhiêu, đã thanh toán thế nào? Việc tòa án không đưa ông H, chị Trang, anh Dũng, ông Tiêu vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi N vụ liên quan là làm mất quyền của đương sự quy định tại Điều 70, Điều 73 BLTTDS và mất quyền kháng cáo của họ quy định tại Điều 271 BLTTDS. Vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS.

3. Các vi phạm, thiếu sót khác trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ:

Trong quyết định thành lập hội đồng định giá (BL146) không có họ và tên các thành viên, khi định giá ông C, bà Đ không có mặt, đóng cửa không cho hội đồng vào nhà định giá, nhưng Hội đồng định giá không lập biên bản về việc không thể trực tiếp tiến hành định giá tài sản được, do có hành vi cản trở của các đương sự và lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự, làm căn cứ cho việc định giá tài sản theo các hình ảnh mô phỏng do chị Y cung cấp là không đúng trình tự thủ tục tố tụng. Một số tài sản có liên quan đến anh N mà ông C, bà Đ nại chị Y mang về bên ngoại là những tài sản đang có tranh chấp và thuộc di sản thừa kế của anh N cũng cần được định giá để xem xét, giải quyết

Một số nhân chứng xác nhận cho cả chị Y và bà Đ việc mua vật liệu, trang thiết bị làm nhà, công thợ, mua tài sản. Ngoài những người đã được đối chất như anh Tư, anh Bình, anh Hoàn, anh Hà. Còn lại một số người khác đã lấy lời khai, nhưng chưa được tòa đối chất với chị Y và bà Đ như: chị N (bán gạch), anh D (thợ xây), bà C(bán VLXD), chị Ph (bán Sơn).

Quá trình giải quyết vụ án chị Y đề nghị tòa án xác minh làm rõ trong các năm 2015- 2016 bà Đỗ Thị Đ có các giao dịch gửi và rút tiền ở các Ngân hàng nào trên địa bàn thị xã B để chứng minh lời nại của bà Đ về nguồn tiền làm nhà (BL 241), nhưng chưa được tòa xem xét.

Về khoản hoàn thuế thu nhập cá nhân của anh N năm 2015 tại biên bản hòa giải ngày 12/7/2017 bà Đ nại chị Y nhận, chị Y không thừa nhận, nhưng chưa được xác minh làm rõ có hay không khoản tiền này và ai là người nhận?

Như vậy, những vi phạm nêu trên của Tòa án nhân dân thị xã B đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Xác định không đầy đủ quan hệ pháp luật tranh chấp, dẫn đến giải quyết vụ án không triệt để, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì thế, cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông C, bà Đ, chấp nhận kháng nghị của VKSND thị xã B, căn cứ khoản 3 Điều 308 BLTTDS hủy bản án sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân thị xã B, giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã B giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp.

Án phí: Ông C, bà Đ được chấp nhận một phần kháng cáo và án sơ thẩm bị hủy nên không phải chịu án phí DSPT. Án phí DSST có giá ngạch sẽ được xem xét khi vụ án giải quyết sơ thẩm lại.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 3 Điều 308 BLTTDS; Khoản 3 Điều 148 Bộ luật TTDS; Khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông C, bà Đ; Chấp nhận kháng nghị của VKSND thị xã B.

1. Hủy bản án sơ thẩm số 04/2018/DS–ST ngày 01/6/218 của Tòa án nhân dân thị xã B. Giao hồ sơ vụ án cho TAND thị xã B giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Án phí: Ông C, bà Đ không phải chịu án phí DSPT, được trả lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự  thị xã B theo biên lai thu số AA/2017/0000648 ngày 13/6/2018. Án phí DSST có giá ngạch sẽ được xem xét khi vụ án giải quyết sơ thẩm lại.

3. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2364
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu tài sản số 40/2018/DS-PT

Số hiệu:40/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về