Bản án về tranh chấp quyền sở hữu gia súc 03/2019/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HƯƠNG KHÊ, TỈNH HÀ TĨNH

BẢN ÁN 03/2019/DS-ST NGÀY 04/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU GIA SÚC

Ngày 04/4/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xét xử công khai vụ án thụ lý số 22/2018/TLST-DS ngày 24/12/2018 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu gia súc” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2019/QĐXXST-DS ngày 11/3/2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thái B, sinh năm: 1948; Địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Có mặt.

- Bị đơn: Anh Hồ Đức L, sinh năm: 1983; Địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Hồ Thị T, sinh năm 1960; Địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (tham gia tố tụng với bên nguyên đơn); Có mặt.

Chị Trần Thị H, sinh năm 1993; Địa chỉ: Xóm T, xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (tham gia tố tụng với bên bị đơn); Có mặt.

- Người làm chứng:

Ông Trần Hữu T; ông Lê Văn Đ; Đều có địa chỉ: Xóm T, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Đều có mặt.

Bà Hồ Thị H; bà Hồ Thị M; anh Nguyễn Xuân T; Đều có địa chỉ: Xóm N, xã P, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh; Đều có mặt.

Anh Phan Trọng H, sinh năm 1976; Địa chỉ: Xóm B, xã T, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 19/12/2018, bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Nguyễn Thái B trình bày:

Gia đình nguyên đơn chăn nuôi được một đàn bò có 06 con (gồm 02 con bò mẹ, 01 con me cái (bò con) gần ba tuổi, 01 bò con đực hơn một tuổi và 02 bò con đực mới sinh). Hàng ngày đàn bò của gia đình được thả vào rừng cùng với đàn bò của các hộ dân trên địa bàn, thỉnh thoảng gia đình mới vào kiểm tra và lùa bò về nhà nhốt ở chuồng. Vào ngày 07/8/2018 để chuẩn bị đi chữa bệnh ở miền Nam nên ông đã lùa đàn bò của gia đình vào rừng thả như những lần trước. Ngày 18/8/2018 anh Hồ Đức L người cùng xóm vào rừng bắt 01 bò con cái màu vàng gần ba tuổi của gia đình ông trong khi ông đang điều trị bệnh ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Nguyên nhân sự việc là anh Hồ Đức L vào dịp cuối năm trước tết nguyên đán 2018 có mua một con me cái (bò con) về nuôi và dịp trước tết 2018 thả vào rừng cùng đàn bò của ông Lê Văn Đ và đàn bò của ông. Sau một thời gian anh L vào rừng tìm thì không thấy bò của mình, từ đó không ai thấy bò của anh L đâu nữa và anh L đã báo với UBND xã là bò của anh đã mất. Chiều ngày 18/8/2018 vợ ông là bà Hồ Thị T đang phơi đậu thoáng thấy có con bò chạy vào chuồng bò gia đình và anh L đuổi ra cùng với đàn bò nhà ông Đ nên không để ý. Đến sáng ngày 19/8/2018 vợ ông ra đồng sớm đi trâu phiên thì thấy đàn bò nhà đã về ăn nằm ở cánh đồng nhưng kiểm tra thấy thiếu con bò con gần ba tuổi và buổi trưa hôm đó vợ ông tìm thấy nó khi anh Hồ Đức L đang dắt giữ ở bờ sông gần nhà. Gia đình ông yêu cầu anh L trả lại con bò con đang chiếm giữ nhưng anh L không chịu. Đến ngày 28/8/2018 ông đã làm đơn đề nghị UBND xã P giải quyết nhưng không được giải quyết thấu đáo và hướng dẫn ông khởi kiện đến Tòa án.

Trong lúc gia đình ông chưa kịp viết đơn gửi Tòa án thì vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 26/9/2018 khi vợ và ông đang trồng chuối ở vườn thì con bò của gia đình ông nói trên đi cùng với đàn bò ông Đ và bà S (người cùng xóm) đến ngõ nhà ông thì đã tách khỏi đàn và vào chuồng bò nhà ông nằm chờ bò mẹ nó chưa về. Gia đình đã báo sự việc này với cán bộ xóm, chính quyền địa phương và giữ nguyên nó lại ở trong chuồng. Tuy nhiên, đến 2 giờ 30 phút ngày 27/9/2018 Ban Công an xã đã mời gia đình ông và anh L lên làm việc nhưng giải quyết không xong nên hướng dẫn ông làm đơn khởi kiện đến Tòa án và sau đó giao cho anh L quản lý con bò đang tranh chấp trong thời gian ông làm đơn khởi kiện đến Tòa án.

Về nguồn gốc con bò con đang tranh chấp là do con bò mẹ của gia đình ông sinh ra vào ngày 30/11/2015, hiện nay gia đình ông còn có cả bò mẹ và bò chị của bò đang tranh chấp. Con bò đang tranh chấp là bò cái được ông đặt tên là “Chị đẹp”, lông màu vàng, sừng ngắn, miệng ngắn, có 01 xoáy chính giữa trán và 01 xoáy trên lưng ngang xuống bụng. Ngoài ra có đặc điểm riêng đó là có 01 mụn cóc phía trên mắt trái đã được ông chữa lành và phía sau đuôi được ông cắt một nhúm lông đuôi khi ông thả vào rừng để làm dấu bò của nhà ông. Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông và buộc bị đơn anh Hồ Đức L trả lại con bò cái màu vàng, gần ba tuổi đang tranh chấp, trị giá do hai bên thống nhất là 12 triệu đồng.

Bị đơn anh Hồ Đức L trình bày:

Gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ vốn để mua bò con về chăn nuôi phát triển kinh tế. Vào ngày 01/11/2017 anh có mua một bò con cái màu vàng, 06 tháng tuổi, có xoáy trên lưng sau chỗ ngồi của anh Phan Trọng H ở xóm B, xã T, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Do gia đình chưa có chuồng nên anh gửi sang chuồng của nhà ông Lê Văn Đ cùng xóm. Sau đó được ông Đ chăn thả vào rừng cùng đàn bò ông Đ vào khoảng ngày 10/12/2017 (AL). Đến ngày 06/01/2018 (AL), ông Đ lùa đàn bò về nhà nhưng con bò của anh theo đàn bò của ông Nguyễn Thái B về chuồng bò của ông B nhưng ông B không thông báo cho anh biết. Sau một thời gian anh thả bò vào rừng, kiểm tra không thấy bò nên anh đi tìm. Đến khoảng ngày 08/7/2018 (AL) anh vào rừng thấy con bò của anh nên anh đã lùa về. Nay ông B làm đơn khởi kiện yêu cầu anh trả lại con bò thì anh không đồng ý, vì đó là con bò của anh có màu lông vàng đậm hơn bò ông B và trước khi thả vào rừng có cột ở cổ dây vải xanh đọt chuối làm dấu; đồng thời anh yêu cầu Tòa án công nhận con bò đang tranh chấp là của anh; trường hợp nếu không phải là bò của anh thì đề nghị xem xét công chăn dắt trong thời gian giải quyết tranh chấp.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Hồ Thị T (vợ ông Nguyễn Thái B) có ý kiến trình bày thống nhất như lời trình bày của nguyên đơn ông Nguyễn Thái B.

Chị Trần Thị H (vợ anh Hồ Đức L) có ý kiến trình bày thống nhất như lời trình bày của bị đơn anh Hồ Đức L.

Trong quá trình giải quyết vụ án, chính quyền địa phương và Tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Nguyên đơn, bị đơn đều thống nhất giá trị con bò đang tranh chấp có trị giá là 12.000.000đ; đều thống nhất lựa chọn tổ chức giám định là Công ty TNHH Di truyền số iDNA có trụ sở tại Hà Nội và đề nghị Tòa án trưng cầu giám định huyết thống mẹ con giữa bò đang tranh chấp và hai bò mẹ liên quan (bò mẹ của nguyên đơn và bò mẹ mà bị đơn mua của ông Phan Trọng H ở xã T). Tòa án đã thông báo, giải thích cho đương sự về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chí phí tố tụng giám định. Nguyên đơn ông B đã nộp đủ tiền tạm ứng chi phí giám định theo thông báo lấy 02 mẫu (bò đang tranh chấp và bò mẹ của nguyên đơn) là 11.000.000đ. Bị đơn anh L không nộp tiền tạm ứng theo thông báo là 5.000.000đ để giám định với mẫu bò mẹ giả định của bị đơn đưa ra. Do đó, ngày 29/01/2019 Tòa án đã ra Quyết định số 01/2019/QĐ-TCGĐ trưng cầu giám định mối quan hệ huyết thống giữa bò con đang tranh chấp với bò mẹ của nguyên đơn đưa ra. Kết quả xét nghiệm huyết thống ngày 25/02/2019 của Công ty TNHH Di truyền số iDNA, kết luận: “Dữ liệu từ kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, 28/28 market được xét nghiệm có sự cho nhận. Không loại trừ khả năng bò mẹ giả định chính là bò mẹ sinh học của bò con. Xác suất có mối quan hệ mẹ con là 99,99%”.

Tòa án tiến hành xác minh về thu nhập, chi phí công chăn dắt gia súc tại địa phương xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Về thu nhập bình quân theo đầu người của xã P là 28.000.000đ/người/năm; 90% lao động trên địa bàn là sản xuất nông nghiệp; thu nhập hàng tháng là 2.300.000đ/người. Về chí phí chăn dắt trâu bò, theo hình thức thả rông trong rừng là 3.000đ/ngày/con; hình thức buổi ngày chăn thả, đêm nhốt chuồng là 5.000đ/ngày/con; hình thức nuôi nhốt trong chuồng tận dụng thức ăn dư thừa, rơm rạ trong gia đình cho ăn là 10.000đ/ngày/con.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm nghị án đã thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 161, 163, 164, 166, 221, 237, 579, 580, 583 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn anh Hồ Đức L phải trả lại con bò cái trị giá 12.000.000đ cho ông Nguyễn Thái Bình. Căn cứ khoản 1 Điều 160, điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về đề nghị Tòa án công nhận con bê đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của bị đơn. Chấp nhận chi phí chăn dắt bò của anh Hồ Đức L tính từ ngày được giao quản lý là 27/9/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm với chi phí chăn dắt là 10.000đ/ngày x 187 ngày = 1.870.000đ. Đồng thời buộc bị đơn phải chịu chi phí giám định và án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Nguyên đơn yêu cầu Tòa án công nhận và buộc bị đơn trả lại con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Bị đơn có địa chỉ cư trú tại xã P, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Căn cứ vào khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Hương Khê thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền và quan hệ pháp luật được xác định là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (gia súc).

Ngày 10/01/2018 nguyên đơn và bị đơn có văn bản xác nhận giá trị con bò đang tranh chấp là 12.000.000đ. Căn cứ Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án không cần thiết phải tiến hành định giá tài sản tranh chấp và xác định giá trị tài sản tranh chấp là 12.000.000đ.

Bị đơn anh L có yêu cầu Tòa án công nhận con bò đang tranh chấp là của anh và nộp tạm ứng án phí, do đó ngày 14/01/2019 Tòa án đã thông báo thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Anh L có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định nhưng không chịu nộp tạm ứng chi phí giám định đối với huyết thống bò đang tranh chấp với bò mẹ giả định mà mình đưa ra. Căn cứ khoản 1 Điều 160; đoạn 2 điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố này của bị đơn. Tại phiên hòa giải ngày 01/3/2019 và tại phiên tòa bị đơn anh L có yêu cầu xem xét công chăn dắt làm tăng giá trị bò đang tranh chấp theo quy định. Đây cũng là yêu cầu phản tố của bị đơn có liên quan yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cần giải quyết trong vụ án đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét nguyên đơn yêu cầu công nhận và buộc bị đơn trả lại con bò cái đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn:

Căn cứ vào lời trình bày của các đương sự, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ được xem xét công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định: Gia đình nguyên đơn có một đàn bò 06 con, trong đó có con bò cái màu vàng, gần ba tuổi do bò mẹ trong đàn của nguyên đơn sinh ra. Theo điều kiện tự nhiên tại xã P thì đàn bò của nguyên đơn được thả rông trong rừng cùng với đàn trâu bò của các hộ dân trên địa bàn. Còn gia đình bị đơn được nhà nước hỗ trợ vốn mua bò, nên vào ngày 01/11/2017 bị đơn mua của ông Phan Trọng H ở xã T một con bò cái màu vàng, 6 tháng tuổi. Do gia đình bị đơn chưa có chuồng nên gửi sang chuồng của ông Lê Văn Đ và sau đó được thả vào rừng cùng đàn bò của ông Đ và đàn bò của nguyên đơn. Thả được một thời gian thì bò của bị đơn bị mất nên bị đơn đi tìm nhưng không thấy và có báo cho chính quyền địa phương. Đến ngày 18/8/2018 bị đơn cho rằng đã tìm thấy bò trong rừng cùng với đàn bò của các hộ dân nên lùa về nhà thì gia đình nguyên đơn phát hiện, do đó xẩy ra tranh chấp. Như vậy, có căn cứ xác định việc gia đình nguyên đơn và bị đơn đều có con bò cái, màu vàng, được thả vào rừng và việc bị đơn bị mất bò là sự thật.

Tuy nhiên, qua lời trình bày của nguyên đơn xét thấy: Nguyên đơn có con bò cái màu vàng, nguyên đơn biết được cụ thể ngày sinh là ngày 30/11/2015, được tiêm phòng đầy đủ và được thả cùng đàn bò của gia đình vào rừng cùng với đàn bò của các hộ dân trên địa bàn. Những người làm chứng sinh sống trên địa bàn đều khẳng định gia đình nguyên đơn có con bò cái như nguyên đơn trình bày, đồng thời tại phiên tòa anh Nguyễn Xuân T là người có đàn bò thả cùng đàn bò của ông B và các hộ dân tại địa phương, sau khi được Hội đồng xét xử cho xem hình ảnh con bò đang tranh chấp đã nhận ra và khẳng định đó là bò của gia đình nguyên đơn ông Nguyễn Thái B. Về thời điểm gia đình nguyên đơn biết đàn bò của mình thiếu con bò cái đang tranh chấp là vào sáng ngày 19/8/2018 và đến trưa cùng ngày thì bà T (vợ nguyên đơn) đã phát hiện ngay con bò mà bị đơn anh L đang chăn dắt là bò của gia đình mình; trong khi thời điểm bị đơn bị mất bò là vào khoảng tháng 01/2018 (AL) nhưng hơn 06 tháng sau (ngày 18/8/2018) bị đơn mới cho rằng đã tìm thấy bò. Hơn nữa, trong quá trình thả bò trong rừng các hộ lùa bò về thì chiều ngày 18/8/2018 có sự việc “bò đang tranh chấp” vào chuồng của nguyên đơn nhưng bị đơn đuổi ra khỏi chuồng nhà nguyên đơn. Và trong lúc hai bên đang tranh chấp tại địa phương thì sáng ngày 26/9/2018 có sự việc “bò đang tranh chấp” cùng với đàn bò gia đình khác đi qua nhà nguyên đơn đã tách đàn vào chuồng của nhà nguyên đơn. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án nguyên đơn, bị đơn đều có đơn đề nghị giám định huyết thống bò đang tranh chấp nhưng bị đơn lại không nộp tiền tạm ứng chi phí giám định để giám định đối với đối tượng giám định bò mẹ mà mình đưa ra. Đặc biệt, theo kết quả giám định huyết thống ADN, kết luận: “Dữ liệu từ kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, 28/28 market được xét nghiệm có sự cho nhận. Không loại trừ khả năng bò mẹ giả định chính là bò mẹ sinh học của bò con. Xác suất có mối quan hệ mẹ con là 99,99%”. Kết luận này cho thấy con bò đang tranh chấp mà bị đơn anh L đang được giao quản lý có mối quan hệ huyết thống mẹ con với bò mẹ của nguyên đơn ông B đưa ra. Xét thấy kết luận giám định này là hoàn toàn khách quan, phù hợp với lời trình bày của nguyên đơn, phù hợp với các tình tiết sự việc khách quan đã diễn ra và phù hợp với lời trình bày của một số người làm chứng sinh sống tại địa phương.

Từ nhận định trên có cơ sở xác định con bò tranh chấp mà bị đơn đang quản lý là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của nguyên đơn theo quy định tại Điều 166, 221, 579, 580 Bộ luật Dân sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu hợp pháp của nguyên đơn và buộc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn con bò có đặc điểm theo Biên bản xác minh xem xét dấu vết của Tòa án. Trường hợp bị đơn làm mất hoặc để xẩy ra thiệt hại đối với con bò trên thì phải đền bù bằng tiền cho nguyên đơn trị giá là 12.000.000đ.

[3] Xét yêu cầu chi phí công chăn dắt của bị đơn anh Hồ Đức L, Hội đồng xét xử xét thấy: Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại địa phương, ngày 27/9/2018 bị đơn anh Hồ Đức L được Ban Công an xã giao trực tiếp quản lý, chăn dắt con bò trong thời gian giải quyết tranh chấp. Như vậy, bị đơn anh L được giao quản lý con bò đang tranh chấp trong thời gian giải quyết tranh chấp là hoàn toàn ngay tình. Đồng thời, từ ngày được giao đến nay anh L đều quản lý, chăn dắt bò tại nhà tận dụng thức ăn dư thừa, rơm rạ trong gia đình làm tăng giá trị con bò. Theo biên bản xác minh tại địa phương thì chi phí cho việc chăn dắt theo hình thức này là 10.000đ/ngày với thời gian từ ngày được giao đến ngày xét xử sơ thẩm là 187 ngày. Do đó, Hội đồng xét xử cần chấp nhận chi phí cần thiết mà bị đơn đã bỏ ra chăn dắt, làm tăng giá trị của tài sản tranh chấp với số tiền 1.870.000đ là phù hợp thực tế và phù hợp với quy định tại Điều 583 Bộ luật Dân sự.

[4] Về chi phí giám định: Chi phí giám định huyết thống ADN hết 11.000.000đ và yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nên buộc bị đơn anh Hồ Đức L phải chịu chi phí giám định. Nguyên đơn ông Nguyễn Thái B đã nộp tạm ứng giám định là 11.000.000đ. Do đó buộc bị đơn anh Hồ Đức L phải hoàn trả cho nguyên đơn ông Nguyễn Thái B số tiền 11.000.000đ tạm ứng chi phí giám định đã nộp theo quy định tại Điều 161, 162 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[5] Về án phí: Nguyên đơn yêu cầu công nhận và đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình được Tòa án chấp nhận, do đó bị đơn anh Hồ Đức L phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự. Yêu cầu về chi phí chăn dắt bò của bị đơn được Tòa án chấp nhận cho nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Tuy nhiên, nguyên đơn là đối tượng người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên Hội đồng xét xử miễn án phí cho nguyên đơn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án.

[6] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; Điều 161, 162; khoản 1 Điều 160; đoạn 2 điểm đ khoản 1 Điều 217; Điều 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều 166, 221, 579, 580, 583; Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14; khoản 2, 5, 9 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Thái B. Công nhận con bò tranh chấp mà bị đơn đang quản lý thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Buộc bị đơn anh Hồ Đức L trả lại con bò cái, có đặc điểm lông màu vàng, sừng ngắn, miệng ngắn, 01 xoáy nằm chính giữa trán, 01 xoáy trên lưng ngang xuống bụng (rốn), 02 răng dưới đã lên cao (thay hai), có trị giá là 12.000.000đ cho nguyên đơn ông Nguyễn Thái B.

Trường hợp bị đơn anh Hồ Đức L làm mất hoặc gây thiệt hại đối với con bò trên thì phải đền bù bằng tiền trị giá là 12.000.000đ cho nguyên đơn.

2. Đình chỉ yêu cầu của bị đơn về đề nghị công nhận con bò đang tranh chấp là của bị đơn anh Hồ Đức L.

3. Chấp nhận yêu cầu chi phí công chăn dắt bò của bị đơn anh Hồ Đức L. Buộc nguyên đơn ông Nguyễn Thái B trả cho bị đơn anh Hồ Đức L số tiền 1.870.000đ.

4. Về chi phí giám định: Buộc bị đơn anh Hồ Đức L có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn chi phí giám định là 11.000.000đ.

Đối trừ nghĩa vụ (ở mục 3 với mục 4), buộc bị đơn anh Hồ Đức L có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn ông Nguyễn Thái B số tiền là 9.130.000đ.

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn ông Nguyễn Thái B. Buộc bị đơn phải chịu 300.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai nộp tạm ứng án phí số 001363 ngày 10/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hương Khê.

5. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2261
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu gia súc 03/2019/DS-ST

Số hiệu:03/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hương Khê - Hà Tĩnh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về