Bản án về tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản số 01/2021/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 01/2021/DS-ST NGÀY 21/01/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN

Trong ngày 21/01/2021, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện N, tỉnh Lai Châu, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự, thụ lý số 05/2020/TLST-DS, ngày 12 tháng 06 năm 2020, về việc tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2020/QĐXXST-DS ngày 13/12/2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Khoàng Văn S - Sinh năm 1952; trú tại: Bản M I, xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu. (có mặt).

Bị đơn: Ông Điêu Văn B - Sinh năm 1960; trú tại: Bản M I, xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu. (có mặt).

Những người làm chứng:

1. Ông Khoàng Văn Ng, sinh năm 1934, địa chỉ: Bản Nậm Hài, xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu (có mặt).

2. Ông Mào Văn Ngh, sinh năm 1959, địa chỉ: Bản M II, xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu (có mặt).

3. Anh Lò Văn C, sinh năm 1989, địa chỉ: Bản M I, xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, các biên bản ghi lời khai và các biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn Khoàng Văn S Trình bày: Gia đình ông có 01 con trâu đực, khoảng hơn 07 tuổi; màu lông đen, đầu lồi, sừng đẹp, chân to, cao và dài. Con trâu không bị di tật gì, bốn chân phát triển bình thường. Nguồn gốc con trâu đực là do con trâu cái nhà ông đẻ ra từ tháng 09 (âm lịch) năm 2013. Hiện gia đình đang còn có 01 con trâu mẹ (cái) cùng huyết thống với con trâu đực đang tranh chấp.

Trong quá trình chăn nuôi con trâu, đến tháng 7 âm lịch năm 2019 gia đình ông không thấy trâu về chuồng nên đã đi tìm nhưng không thấy.Thấy cháu Khoàng Văn V nói có một con trâu đực to bơi đi bơi lại tại khu vực vỏ bè khu vực Huổi Vo bên kia sông là bãi chăn thả Huổi Thín là ông Điêu Văn B thả đàn trâu ở đấy. Hai vợ chồng ông đi xuống tìm và thấy ở cùng đàn trâu của ông B, tối hôm đó ông đến gặp bà D, ông B tại nhà, bà D nói con trâu đó là con trâu của gia đình, ông S hỏi mẹ nó đi đâu, bà D bảo mẹ nó đẻ đang ở trong rừng. Ngày hôm sau, gia đình ông đi bắt, có vợ chồng ông B, bà D ở tại chỗ con trâu, ông choàng lấy con trâu không may bị đứt dây, ông về nhà và từ đó không sờ mó đến con trâu nữa. Từ đó đến giờ ông B vẫn quản lý, chăn dắt. Đặc điểm nhận dạng của con trâu đang tranh chấp: Trâu đực, Lông màu đen, đầu lồi, sừng đẹp, chân to, cao và dai, khoảng hơn 7 tuổi, giá trị thực tế tại địa phương khoảng 35.000.000 đồng. Sau khi phát hiện bị mất trâu ông đã trực tiếp báo với trưởng bản, Công an viên về sự việc đó. Sau hai lần giải quyết và hòa giải tại nhà văn hóa bản M I, xã M, huyện N không thành. Ngày 03/01/2020, tổ hòa giải của xã yêu cầu hai bên gia đình lên để giải quyết nhưng ông Khoàng Văn S đã bỏ về. Đến ngày 06/01/2020 tổ hòa giải của UBND xã M triệu tập hai bên đưa đàn trâu đến Ủy ban nhân dân xã M đã hòa giải nhưng không thành nên đã tạm giao con trâu đang tranh chấp cho gia đình ông Điêu Văn B tiếp tục chăm sóc chờ kết quả giải quyết của Tòa án. Do đó, ông Khoàng Văn S khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Điêu Văn B trả lại con trâu đực có đặc điểm như trên cho gia đình ông. Ngoài ra ông không có yêu cầu gì thêm.

Trong quá trình giải quyết vụ án cả nguyên đơn, bị đơn đều nhất trí con trâu đực đang tranh chấp có giá trị 35.000.000 đồng (theo biên bản thỏa thuận lập vào hổi 15 giờ 00 phút ngày 18/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện N), nên không yêu cầu Tòa án định giá tài sản. Nguyên đơn ông Khoàng Văn S yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định ADN giữa con trâu đực đang tranh chấp với trâu đối ứng để xác định mối quan hệ huyết thống (mẹ con) và xin chịu mọi chi phí giám định theo quy định của pháp luật. Bị đơn ông Điêu Văn B nhất trí giám định ADN theo yêu cầu của nguyên đơn.

Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của các đương sự Tòa án đã ra Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ số 02/2020/QĐ - XXTĐTC ngày 01/07/2020 để xem xét thẩm định tại chỗ đối với con trâu đang tranh chấp và Quyết định trưng cầu giám định ADN số: 01/2020/QĐ-TCGĐ ngày 17/9/2020 trưng cầu Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật - Viện chăn nuôi xác định huyết thống con trâu đang tranh chấp với các con trâu mẹ mà các bên đưa ra làm mẫu đối ứng. Kết quả giám định gen trâu số 26/PTNTĐ-KHCN ngày 22/09/2020 kết luận: mẫu trâu có ký hiệu “M1” (là con trâu mẹ trong đàn trâu của ông Điêu Văn B) có quan hệ huyết thống mẹ - con; còn mẫu trâu có ký hiệu “ M2 ” (là con trâu mẹ trong đàn trâu của ông Khoàng Văn S) không có quan hệ huyết thống mẹ - con.

Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ, ngày 07/07/2020 của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện N kết luận: Con trâu đang tranh chấp có đặc điểm như sau: Con trâu đực khoảng 04 tuổi, lông màu đen, sừng dài khoảng 45cm, răng có 8 răng thay 4 răng giữa, đuôi dài khoảng 65 cm, phía trước chân trái 01 khoáy, phía trước hỏm hông chân sau 01 khoáy, phía trước hỏm hông bên phải chân sau 01 khoáy, trước hốc mắt bên phải 01 khoáy, phía trên của đỉnh mũi có vết sẹo, bộ phân sinh dục phát triển bình thường, 04 chân phát triển bình thường, không có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm khác.

Về chi phí giám định: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Khoàng Văn S đã yêu cầu Tòa án giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống (trâu mẹ - trâu con). Ông Khoàng Văn S đã nộp cho Tòa án với số tiền chi phí giám định ADN là: 8.917.000 đồng. Nay kết quả giám định xác định yêu cầu của ông Khoàng Văn S là không có căn cứ, cho nên ông Khoàng Văn S sẽ phải chịu toàn bộ chi phí giám định, với số tiền là 8.917.000 đồng.

Bị đơn ông Điêu Văn B trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, trình bày: Tháng 4 năm 2016 thực hiện theo quy định của xã và bản không chăn thả rông gia súc gần khu dân cư sinh sống, gia đình ông đã chuyển đàn trâu gồm 7 con ( 02 con đực; 05 con cái) của gia đình lên chăn thả tại bãi Huổi Thín thuộc địa phận xã M, huyện N cùng với gia đình ông Lò Văn Ch. Đến năm 2017 trâu cái sinh sản thêm 01 con cái; đến năm 2018 đàn trâu lại sinh sản thêm 02 con trâu đực; năm 2019 đàn trâu sinh sản thêm 01 con trâu đực. Trong suốt quá trình chăn thả và chăm sóc thì chỉ có đàn trâu của gia đình ông và gia đình ông Lò Văn Ch là chăn thả tại bãi Huổi Thín, không có đàn trâu khác chăn thả tại đó. Đến ngày 05/10/2019 ông Khoàng Văn S có lên nhà ông thông báo là 01 con trâu đực trong đàn trâu của nhà ông là trâu của ông S và ông S sẽ bắt về, con trâu đó đẻ vào tháng 2 năm 2015. Đặc điểm nhận dạng của con trâu đang tranh chấp: Trâu đực, lông màu đen, thân Trán nhô, sừng bên phải cách khoảng 10 cm bị mục, ở dưới cằm có nốt lông trắng, chưa sỏ mũi, chân to, sừng đẹp, khoảng hơn 5 tuổi, giá trị thực tế tại địa phương khoảng 35.000.000 đồng. Khi hai bên xảy ra tranh chấp thì vào ngày 25/11/2019 tổ hòa giải bản M I, xã M đã gọi hai bên để tiến hành hòa giải nhưng không thành, do cuộc hòa giải ở bản M I không thành nên ngày 06/01/2020 UBND xã M triệu tập hai bên để tiến hành hòa giải nhưng hai bên vẫn khăng khăng là trâu của gia đình mình nên cuộc hòa giải không thành. Hiện tại 01 (một) con trâu đực đang tranh chấp vẫn còn sống và do gia đình ông đang quản lý và chăn thả. Ông S khởi kiện và yêu cầu gia đình ông trả lại 01 con trâu đực đang tranh chấp, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Khoàng Văn S.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, sau khi nghe Tòa án công bố kết luận giám định ADN giữa con trâu đực đang tranh chấp và con trâu mẹ của ông B có cùng huyết thống (mẹ con) ông B đồng ý; cũng như việc ông Khoàng Văn S yêu cầu ông B trả lại con trâu đực nói trên cho ông Khoàng Văn S, ông B không nhất trí trả vì con trâu đực đang tranh chấp là trâu của gia đình nhà ông B. Vì vậy ông B đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra ông B không có yêu cầu gì thêm.

Đối với nguyên đơn ông khoàng Văn S, sau khi có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì Tòa án đã tổ chức lấy mẫu giám định và gửi mẫu và yêu cầu Viện chăn nuôi giám định theo quy định của pháp luật, ông Khoàng Văn S hoàn toàn nhất trí với quy trình lấy mẫu của cơ quan có thẩm quyền và khi có kết quả giám định ADN thì ông Khoàng Văn S không chấp nhận với kết quả giám định gen trâu của Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật - Viện chăn nuôi và ông đã làm đơn yêu cầu giám định lại, tuy nhiên khi Tòa án ra thông báo nộp chi phí để trưng cầu giám định và giấy triệu tập yêu cầu nộp tiền chi phí cho việc giám định gen trâu thì nguyên đơn ông Khoàng Văn S đã từ chối nộp mà không có lý do. Tòa án đã lập biên bản làm việc về việc đương sự không chịu nộp chi phí trưng cầu giám định gen trâu và lập biên bản lấy lời khai của đương sự về việc không nộp chi phí giám định.

Người làm chứng bên phía nguyên đơn: ông Mào Văn Ngh tại biên bản ghi lời khai ngày 29/6/2020 trình bày: Con trâu đang tranh chấp giữa ông Khoàng Văn S với ông Điêu Văn B là con trâu đực, trước đây có chăn thả cùng nhau, tuy nhiên đặc điểm của con trâu đang tranh chấp thì ông Mào Văn Ngh không biết, ông Mào Văn Ngh khẳng định con trâu đực đang tranh chấp là của gia đình ông Khoàng Văn S.

Còn đối với người làm chứng bên phía bị đơn: ông Khoàng Văn Ng, anh Lò Văn C tại biên bản ghi lời khai ngày 29/6/2020 đều trình bày: Con trâu đang tranh chấp giữa ông Khoàng Văn S với ông Điêu Văn B là con trâu đực, có đặc điểm lông màu đen, sừng to, nhọn, đẹp, khoảng 5 tuổi. Qua lời khai của ông Ng và anh C đều khẳng định là do gia đình ở cùng xã, đi chăn thả cùng nhau nên biết rõ nguồn gốc con trâu đực đang tranh chấp là của gia đình ông Điêu Văn B.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Nguyên đơn ông Khoàng Văn S vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu bị đơn ông Điêu Văn B trả lại con trâu đực đang tranh chấp cho gia đình ông, ngoài ra ông không có yêu cầu gì thêm. Bị đơn ông Điêu Văn B cho rằng con trâu đực đang tranh chấp là tài sản hợp pháp của mình nên bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N tham gia phiên toà phát biểu ý kiến như sau: Về thủ tục tố tụng: Từ khi thụ lý đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về việc giải quyết vụ án:

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 155; 156; 157; 158; 159; 161 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 163, Điều 164 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Khoàng Văn S.

Về chi phí giám định; chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 147; 155; 156; 157; 158; 159; 160; 161 BLTTDS; Căn cứ điều 26; khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Đề nghị HĐXX buộc ông Khoàng Văn S phải chịu án phí DSST có giá ngạch theo quy định. Buộc ông Khoàng Văn S phải chịu toàn bộ chi phí giám định và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện ý kiến của các bên đương sự Hội đồng xét xử có cơ sở nhận định:

[1].Về tố tụng: Ông Khoàng Văn S yêu cầu Tòa án buộc ông Điêu Văn B trả lại 01 con trâu đực khoảng hơn 07 tuổi vì ông Khoàng Văn S cho rằng con trâu thuộc quyền sở hữu của ông. Do đó đây là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Bị đơn cư trú tại xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu nên theo quy định tại khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Lai Châu.

[2].Về nội dung: Đặc điểm con trâu đực đang tranh chấp: Đối với yêu cầu của ông Khoàng Văn S về việc đề nghị Tòa án buộc ông Điêu Văn B phải trả lại cho ông 01 con trâu đực khoảng hơn 07 tuổi. Đối với nguyên đơn và người làm chứng bên phía nguyên đơn mô tả đặc điểm về hình dáng của con trâu đực đang tranh chấp, như sau: Con trâu đực tại thời điểm tranh chấp khoảng hơn 07 tuổi, lông màu đen, đầu lồi, sừng đẹp, chân to, cao và dài. Con trâu không bị di tật gì, bốn chân phát triển bình thường. Còn đối với bị đơn và một số người làm chứng bên phía bị đơn mô tả đặc điểm về hình dáng của con trâu đực đang tranh chấp, như sau: Con trâu đực tại thời điểm tranh chấp khoảng hơn 05 tuổi, lông màu đen nâu, trán nhô, sừng bên phải cách khoảng 10 cm bị mục; ở dưới cằm có nốt lông trắng, chưa sỏ mũi, chân to, sừng đẹp.

Con trâu không bị di tật gì, bốn chân phát triển bình thường.

Do phong tục thả rông nên con trâu đực trên đã tách ra khỏi đàn trâu của gia đình các bên không biết. Tháng 7 âm năm 2019, gia đình ông Khoàng Văn S đã đi tìm trâu bị thất lạc, biết tin con trâu bị thất lạc mà gia đình ông đang đi tìm ở cùng đàn trâu của gia đình ông Điêu Văn B. Sau đó gia đình ông Khoàng Văn S đến nhà ông Điêu Văn B bắt trâu có sự chứng kiến của vợ chồng ông Điêu Văn B, tuy nhiên trong khi bắt trâu do bị đứt dây nên gia đình ông Khoàng Văn S không bắt được trâu và trở về nhà và từ đó đến nay gia đình ông Điêu Văn B vẫn giữ và chăn thả. Sau khi xem xét con trâu, ông Khoàng Văn S khẳng định đó là con trâu đực của gia đình ông đã bị thất lạc. Hai bên xảy ra tranh chấp, Ủy ban nhân dân xã M, huyện N, tỉnh Lai Châu đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành nên đã tạm giao con trâu đang tranh chấp cho gia đình ông Điêu Văn B tiếp tục chăm sóc chờ kết quả giải quyết của Tòa án. Việc gia đình ông Khoàng Văn S đi tìm và nhận con trâu từ gia đình ông Điêu Văn B là hoàn toàn ngay tình vì cho rằng đó là con trâu của gia đình bị thất lạc. Tuy nhiên, theo kết luận giám định ADN số 26/PTNTĐ - KHCN ngày 22/09/2020 của Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật -Viện chăn nuôi đã thể hiện con trâu đực mà gia đình ông Khoàng Văn S định bắt về không cùng huyết thống với con trâu mẹ trong đàn trâu của gia đình ông Khoàng Văn S mà con trâu đang tranh chấp có cùng huyết thống với con trâu mẹ trong đàn của gia đình ông Điêu Văn B.

[3]. Về thái độ của các đương sự trước và trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ và giám định ADN để giải quyết vụ án: Nguyên đơn và bị đơn ông Khoàng Văn S và ông Điêu Văn B luôn tự nguyện cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bị đơn luôn hợp tác và có mặt đúng thời gian theo giấy triệu tập của Tòa án và có thái độ, cử chỉ tôn trọng khi làm việc với Tòa án cũng như các Cơ quan liên quan. Chấp hành các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án và không có thái độ ngăn cản. Đối với nguyên đơn ông Khoàng Văn S cùng gia đình luôn có thái độ không hợp tác, không tự nguyện cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đó, khi Tòa án và Cơ quan chuyên môn xuống làm việc tại địa phương để tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ thì ông Khoàng Văn S đều không hợp tác với Tòa án và Cơ quan chức năng, không ký vào biên bản xem xét thẩm định tại chỗ. Sau khi có kết quả giám định ADN, Tòa án đã triệu tập các đương sự đế tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, tuy nhiên nguyên đơn ông Khoàng Văn S đã không ký vào các biên bản của Tòa án với lý do không đồng ý với kết quả giám định ADN của Phòng thí nghiệm trọng điểm, công nghệ, tế bào động vật -Viện chăn nuôi, và yêu cầu cơ quan chuyên môn lấy mẫu gen trâu để giám định lại. Theo yêu cầu của nguyên đơn ông Khoàng Văn S về việc giám định lại gen trâu, Tòa án đã ra thông báo nộp chi phí trưng cầu giám định và giấy triệu tập, tuy nhiên nguyên đơn ông Khoàng Văn S vẫn không nộp chi phí cho việc giám định gen trâu theo quy định của pháp luật. Vì vậy Hội đồng xét xử nhận định rằng, nếu nguyên đơn ông Khoàng Văn S cho rằng con trâu đực đang tranh chấp là tài sản hợp pháp của gia đình ông, do con trâu mẹ (trâu cái) của gia đình ông đẻ ra con trâu đực đó, thì lý do gì nguyên đơn ông Khoàng Văn S lại không tự nguyện nộp chi phí giám định gen trâu theo như yêu cầu trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo yêu cầu của Tòa án cũng như Cơ quan chuyên môn mà cần phải tôn trọng sự thật khách quan, thông qua việc lấy mẫu giám định ADN để xác định mối quan hệ huyết thống (mẹ con) giữa con trâu đực đang tranh chấp với con trâu mẹ, đúng như lời khai của ông trong quá trình giải quyết vụ án.

[4]. Xét về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Khoàng Văn S về yêu cầu đòi lại con trâu đực, khoảng hơn 7 tuổi, lông màu đen trị giá 35.000.000 đồng mà ông Điêu Văn B đang tạm chăn dắt. Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại trâu, vì: Theo lời khai của bị đơn ông Điêu Văn B và những người làm chứng Khoàng Văn Ng; Lò Văn C thì con trâu đực đang tranh chấp là con trâu của gia đình ông Điêu Văn B, do con trâu cái của gia đình ông B đẻ ra. Theo kết quả giám định gen trâu số 26/ PTNTĐ - KNCN ngày 22/09/2020, kết luận về đối tượng giám định: Mẫu trâu có ký hiệu “M1” (là con trâu mẹ của bị đơn ông Điêu Văn B) có quan hệ huyết thống mẹ - con với mẫu trâu có ký hiệu “ Trâu tranh chấp”. Con với mẫu trâu có ký hiệu “M2” (là con trâu mẹ của nguyên đơn ông Khoàng Văn S) không cùng huyết thống mẹ - con với mẫu trâu có ký hiệu “ Trâu tranh chấp ”. Do đó Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định con trâu đực đang tranh chấp là con trâu của ông Điêu Văn B. Trong quá trình giải quyết vụ án nhận thấy lời khai của bị đơn ông Điêu Văn B phù hợp với lời khai của những người làm chứng Khoàng Văn Ng, Lò Văn C đều khẳng định con trâu đực đang tranh chấp có đặc điểm màu lông đen, khoảng hơn 5 tuổi do con trâu cái của nhà ông Điêu Văn B đẻ ra. Lời khai của bị đơn còn phù hợp với đặc điểm của con trâu đực đang tranh chấp theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 07/07/2020. Trên cơ sở phân tích đánh giá nêu trên và các chứng cứ tài liệu đã được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án, có đủ cơ sở khẳng định con trâu đực đang tranh chấp là con trâu của gia đình bị đơn ông Điêu Văn B. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Khoàng Văn S về việc đòi lại trâu đối với ông Điêu Văn B.

[5].Về chi phí tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống (trâu mẹ - trâu con). Tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ. Tòa án đã tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, tổ chức lấy mẫu giám định và gửi mẫu và yêu cầu Viện chăn nuôi giám định theo quy định của pháp luật. Tổng chi phí lấy mẫu giám định, phí giám định và kinh phí hỗ trợ cán bộ mang mẫu từ Lai Châu đến Viện chăn nuôi để giám định ADN hết 8.917.000 đồng, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ hết 2.000.000 đồng. Ông Khoàng Văn S đã nộp cho Tòa án số tiền chi phí giám định ADN là: 8.917.000 đồng. Tòa án đã giao tổng chi phí giám định ADN cho tổ giám định với số tiền 8.917.000 đồng. Nay kết quả giám định xác định yêu cầu của ông Khoàng Văn S là không có căn cứ. Do vậy ông Khoàng Văn S sẽ phải chịu toàn bộ chi phí giám định và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Xác nhận nguyên đơn ông Khoàng Văn S đã nộp đủ số tiền chi phí giám định; chi phí xem xét thẩm định tại chỗ nêu trên. Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên Hội đồng xét xử tuyên buộc nguyên đơn ông Khoàng Văn S chịu toàn bộ chi phí giám định với số số tiền 8.917.000 đồng ( theo biên bản thu tiền ngày 14/9/2020) và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ với số tiền 2.000.000 đồng ( theo biên bản giao nhận ngày 30/6/2020), đây là số tiền mà nguyên đơn ông Khoàng Văn S đã nộp chi phí giám định AND và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ trước đó. Theo quy định tại Điều 155; Điều 156; khoản 1 Điều 157; Điều 158;

Điều 159; khoản 1 Điều 161 Bộ luật tố tụng Dân sự.

[6]. Về án phí : Theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự;

khoản 1, khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Ông Khoàng Văn S yêu cầu đòi lại tài sản con trâu đực trị giá 35.000.000 đồng và Tòa án không chấp nhận; cho nên ông Khoàng Văn S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: khoản 2 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 155; Điều 156; khoản 1 Điều 157; Điều 158; Điều 159; khoản 1 Điều 161; Điều 227, Điều 266, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 163, Điều 164, của Bộ luật Dân sự. Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1, khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Khoàng Văn S về việc đòi lại 01 (một) con trâu đực đang tranh chấp với ông Điêu Văn B. Khẳng định 01 (một) con trâu đực đang tranh chấp là tài sản hợp pháp của ông Điêu Văn B, giao cho ông Điêu Văn B quản lý.

2. Về chi phí giám định và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Khoàng Văn S không được chấp nhận nên ông Khoàng Văn S phải chịu toàn bộ chi phí giám định và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ cụ thể phải chịu: số tiền 8.917.000đ (Tám triệu chín trăm mười bảy nghìn đồng) chi phí giám định và 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Ông Khoàng Văn S đã nộp đủ số tiền chi phí giám định và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

3. Về án phí: Ông Khoàng Văn S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch, đối với giá trị tài sản tranh chấp là 35.000.000 đồng x 5% = 1.750.000 đồng ( Một triệu bảy trăm năm mươi ngìn đồng), được khấu trừ 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo biên lai thu tiền số AA/2010/0003022 ngày 11/06/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện N. Như vậy ông Khoàng Văn S còn phải nộp 1.450.000 đồng ( Một triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

4. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

117
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản số 01/2021/DS-ST

Số hiệu:01/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nậm Nhùn - Lai Châu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về