Bản án về tranh chấp quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ số 27/2023/HNGĐ-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 27/2023/HNGĐ-ST NGÀY 30/09/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN, NGHĨA VỤ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG MẸ VÀ YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI CẢN TRỞ QUYỀN, NGHĨA VỤ CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG MẸ

Từ ngày 21 đến ngày 30 tháng 9 năm 2023, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý 85/2023/TLST-HNGĐ ngày 04/7/2023 về “Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2265/2023/QĐXXST-HNGĐ, ngày 05/9/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 08/2023/QDST-HNGĐ ngày 28/9/2023 của Toà án nhân dân huyện Nghĩa Hành, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

+ Ông VVD (sinh năm 1965), địa chỉ: Thôn X, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông VVD: Ông NĐP- Văn phòng Luật sư NĐP - thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi.

+ Bà VTB (sinh năm 1967), địa chỉ: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi;

+ Bà VTH (sinh năm 1976), địa chỉ: 26-28 đường D, khu biệt thự A, phường T, quận X , thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo ủy quyền của bà VTH là ông VVD, theo văn bản ủy quyền ngày 04/8/2023, người đại diện theo ủy quyền của bà VTH là ông TVT theo văn bản ủy quyền ngày 08/9/2023.

+ Bà VTNTh (sinh năm 1980), địa chỉ: 80/14G B, phường X, quận T, thành phố Hồ Chí Minh, người đại diện theo ủy quyền của bà VTNTh là ông VVD, theo văn bản ủy quyền ngày 05/8/2023.

Các đương sự có mặt tại phiên tòa.

2. Bị đơn:

- Bà VTL (sinh năm 1964), địa chỉ: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi;

- Ông VVT (sinh năm 1973), địa chỉ: Thôn H, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.

- Bà VTT (sinh năm 1969), địa chỉ: Tổ dân phố P, thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi;

Các đương sự có mặt tại phiên tòa.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà NTK, sinh năm 1937, địa chỉ: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

4. Người làm chứng: Ông VL1 (sinh năm 1955), ông VL2 (sinh năm 1963), bà LTQT ( sinh năm 1961), đều trú tại Đội 7 thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; ông NNS (sinh năm 1970, trú tại TDP P, thị trấn C, huyện N, Quảng Ngãi), các ông, bà nêu trên có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và tại phiên tòa, phía nguyên đơn trình bày:

Ông VVG (sinh năm 1932, chết ngày 05/5/2023) và bà NTK (sinh năm 1937) là cha và mẹ của nguyên đơn ông VVD, bà VTB, bà VTH, bà VTNT và bị đơn bà VTL, bà VTT và ông VVT.

Khi ông VVG còn sống thì ông G và bà K được các con chăm sóc, nuôi dưỡng, ông G và bà K sinh sống tại nhà của ông, bà ở thôn P, xã H. Đến năm 2017 ông G bị ngã nên các con đưa ông G vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị, mọi chi phí do H và T lo, sau đó đưa ông G về xã H sinh sống, bà B phải nghỉ việc ở thành phố Hồ Chí Minh về nuôi cha, mẹ từ năm 2017 đến tháng 2/2023, còn bà VTH và bà VTNTh gửi tiền và hàng hóa về chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ.

Đến ngày 25/9/2022 (trước lúc ông G chết) khi bà VTNTh về cùng với bà VTB để chăm sóc cha, mẹ thì bị bị đơn ngăn cản đuổi đánh chảy máu đầu, không cho thăm gặp cha, mẹ.

Ông VVT hăm dọa và đánh bà VTB gãy ngón tay, đến tháng 02/2023, nguyên đơn phải nhờ công an xã can thiệp để đưa bà VTB ra khỏi nhà an toàn vì ông T đã cắt điện, chiếm đoạt hết đất đai, nhà và đuổi bà VTB ra khỏi nhà.

Ngày 05/5/2023 ông VVG chết, nguyện vọng của ông VVG trước khi chết là muốn bà K được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất, nên vào ngày 09/5/2023 sau khi mở cửa mả cho ông G xong thì nguyên đơn có trao đổi với bị đơn về việc vợ chồng bà H và vợ chồng bà T muốn đưa bà K đi để nuôi dưỡng, nhưng bị đơn không đồng ý, vì vậy hai bên xảy ra xô xát, bị đơn dùng dao hăm dọa không cho nguyên đơn dẫn mẹ đi, sự việc này nguyên đơn có báo Công an xã H giải quyết, nhưng bất thành. Sau khi xây mộ cho ông VVG xong thì bị đơn đã lắp cánh cửa và khóa cửa mộ, không cho nguyên đơn thắp hương cho cha.

Ngày 13/5/2023, nguyên đơn yêu cầu chính quyền địa phương, Công an xã H và các ban ngành liên quan đến can thiệp để nguyên đơn thăm gặp mẹ và dẫn mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh chăm sóc phụng dưỡng nhưng bị đơn cản trở, cầm dao rượt đuổi, đe dọa đánh nguyên đơn.

Từ ngày 13 đến ngày 15/6/2023, nguyên đơn về thăm mẹ là bà K nhưng ông VVT và bà VTL ngăn cản, hành hung, đòi đánh, không cho nguyên đơn gặp thăm bà NTK, nguyên đơn có nhờ Công an xã H và Công an xã H can thiệp, nhưng bị đơn luôn khóa cổng hoặc cản trở không cho vào nhà nên nguyên đơn không thăm gặp bà NTK được.

Ngày 29/6/2023, bà VTB về thăm mẹ nhưng bà VTL cũng ngăn cản không cho gặp mẹ, mặc dù bà đứng ngoài cổng gọi cửa rất lâu và nhờ người khác gọi giúp nhưng vẫn không được gặp mẹ. Nhà của ông G, bà K là nơi hiện có bàn thờ ông VVG cũng bị bà L và ông T khóa cửa, vì vậy nguyên đơn không vào thắp hương cho ông G được.

Ngày 04/8/2023, khi nguyên đơn đến thăm gặp mẹ NTK thì bị bà VTL và ông VVT cản trở không cho vào nhà thăm mẹ, ông Tùng xách bình xịt chữa cháy ra ngăn cản, bị đơn chửi xúc phạm nguyên đơn.

Hiện nay sức khỏe của bà NTK đã yếu, bà K bị bệnh tiểu đường và bị bệnh dạ dày, về sức khỏe tinh thần thì bà K bị “lẫn”, lúc nhớ, lúc quên đã hơn 10 năm nay, cách nay 1 năm nguyên đơn đã có hai lần đưa bà K vào thành phố Hồ Chí Minh khám về việc bà K bị “lẫn”, bác sĩ có cho bà K thuốc uống bổ thần kinh. Bà K chưa được cơ quan chức năng nào kết luận giám định về thần kinh.

Vì lý do: Mặc dù ông T đã viết cam kết không đánh chị, em, nhận trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ đến cuối đời vì đã sang tên đất đai, nhà cửa của cha mẹ cho ông và hứa không cấm cản hay đuổi bất kỳ ai ra khỏi nhà của cha mẹ, vì nhà của cha mẹ nên các con đều được phép ra vào, nhưng thực tế ông Tùng không thực hiện cam kết, nguyên đơn đến thăm mẹ đã bị bị đơn cản trở. Bên cạnh đó, bị đơn đã chửi cha, mẹ. Mẹ NTK bị lẫn, nay lại bị bị đơn cấm cản, khóa cửa không cho ra ngoài sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của mẹ. Trong thời gian chăm sóc cha là ông VVG các bị đơn đã không chăm sóc tốt cho cha nên lưng cha bị lở loét, bà L đã đưa hình cha không mặc quần áo, lưng bị lở loét lên mạng, nên nguyên đơn không yên tâm giao mẹ NTK cho bị đơn tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.

Vì vậy, nay nguyên đơn yêu cầu:

- Yêu cầu bà VTL, ông VVT và bà VTT chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK của ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh;

- Yêu cầu Tòa án buộc bà VTL , ông VVT và bà VTT giao bà NTK cho ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

Vào ngày 25/9/2023, nguyên đơn ông VVD có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà NTK , tại phiên tòa ngày 28/9/2023 nguyên đơn ông VVD yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà NTK , nhưng vào ngày 29/9/2023, ông VVD đã có đơn đề nghị tòa tuyên án đối với vụ án nêu trên vì sức khỏe mẹ K đã già yếu, thời gian sống của mẹ tính bằng phút, bằng giây.

Tại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và tại phiên tòa, bị đơn ông VVT, bà VTL , bà VTT trình bày:

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ K thời gian qua chủ yếu là do ông T và bà L thực hiện, còn bà T do sức khỏe yếu nên thỉnh thoảng mới về thăm mẹ.

Lý do bị đơn không đồng ý cho vợ chồng bà H và vợ chồng bà Th đưa bà K đi để nuôi dưỡng là vì mới mở cửa mả cho cha được 3 ngày mà đòi đưa mẹ đi nên bị đơn không đồng ý vì muốn mẹ ở nhà dự tụng kinh thất cho cha.

Trong thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc cha, mẹ thì bị đơn không ngược đãi cha, mẹ. Khi ông VVG ốm đau thì bị đơn Tùng cũng lo kinh phí và đưa cha đi điều trị. Bà H và bà Th cũng có đóng góp cùng bị đơn điều trị cho cha khi ở bệnh viện và có gửi tiền về quê cho cha, mẹ còn những người con ở quê nhà thì vừa đóng góp tiền vừa trực tiếp chăm sóc cha, mẹ. Khi cha ốm đau thì vợ chồng bà Th và vợ chồng bà H có đến thăm cha nhưng không ở chăm sóc cha. Việc bị đơn bà L chụp hình cha trong tư thế không quần áo, lưng bị lở loét là vì lý do cha bị ốm đau nằm lâu ngày nên lưng bị lở loét, bà L chụp hình lưng cha bị lở loét và đưa lên nhóm của chị em trong gia đình với mục đích để tìm thuốc điều trị lở loét cho cha chứ không phải đưa lên mạng xã hội với người ngoài. Sau khi xây mộ cho cha xong thì vì lý do gió làm tắt đèn và trẻ nhỏ lấy mất đồ cúng nên bị đơn có làm cửa khóa và để chìa khóa ở gần đó, nhưng sau này bị đơn đã mở luôn cửa, không khóa nữa.

Vì có lần bà Th nói là ông T muốn giết cha, cướp tài sản nên ông Tùng mới bức xúc và dùng dép ném bà Thông, bà Ba can ngăn nên trúng tay bà Ba bị thương chứ ông không cố ý đánh bà Th, bà B.

Bị đơn không cản trở việc nguyên đơn đến thăm, gặp mẹ NTK , nhưng vì có lần nguyên đơn về nhà cha mẹ để thăm mẹ thì mẹ lại ở nhà của bị đơn ông T nên không thăm được và vì lý do nguyên đơn đến thăm mẹ nhưng cứ dùng điện thoại quay video, ghi hình ảnh nên bị đơn không cho vào thăm mẹ.

Theo bị đơn, cách nay khoảng 02 năm bà K bị “lẫn”, hay nhớ chuyện xưa nhiều hơn, sau khi ông G chết thì sức khỏe và tinh thần của bà K có bị suy sụp, nhưng hiện nay sức khỏe của bà K đã ổn định, tinh thần thoải mái. Khi bà K có biểu hiện “lẫn” thì bị đơn cũng có đưa bà K đi khám bệnh, bác sĩ cho bà K uống thuốc 3B. Bà K bị bệnh tiểu đường nên 2 lần/ tháng bị đơn đưa bà K đến Trung tâm y tế huyện N để kiểm tra đường huyết, thời điểm cao nhất tiểu đường của bà K ở mức hơn “7 chấm”, hiện nay đã ổn định, còn “6 chấm”. Bà K chưa được cơ quan chức năng nào kết luận giám định về thần kinh, bị đơn sẵn sàng đưa mẹ đi giám định.

Nay bị đơn không đồng ý giao mẹ NTK cho nguyên đơn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, vì ông D nhà ở không có phòng đầy đủ, vợ bị ốm đau, con nhỏ. Bà B buôn bán nhỏ lẻ, không có chỗ ở nên không đảm bảo điều kiện kinh tế nuôi mẹ, bà H và bà Th ở xa và khi cha còn sống chưa có ngày nào chăm sóc cha, đút sữa, thay tã cho cha, nên bị đơn yêu cầu nguyên đơn không được đưa mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh nuôi dưỡng vì ở quê còn 5 người con, đi thăm mẹ không tiện. Các anh chị em đã bắt bị đơn ông T viết cam kết nhận nuôi mẹ đến cuối đời nên bị đơn ông T đang thực hiện cam kết này. Nay bị đơn yêu cầu Tòa án giao mẹ cho bị đơn ông T và bà L nuôi tại nhà bà L và nhà ông T, những người con khác đi về thăm mẹ, vì bà L sống độc thân, nên nhờ bà L trực tiếp chăm sóc mẹ, những người con còn lại đều có nghĩa vụ về thăm mẹ và đóng góp kinh phí với bà L nuôi dưỡng mẹ. Bị đơn mong muốn 7 anh, chị, em con của bà K nên cùng ngồi lại với nhau bàn bạc, cùng có tiếng nói chung để lo cho mẹ NTK tốt hơn.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn VVD :

Yêu cầu của nguyên đơn là hợp tình, hợp lý, vì: Bị đơn VVT đã có hành vi dùng vật cứng gây thương tích cho chị, em là bà VTB , bà VTNTh là có dấu hiệu tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, bị đơn đánh đuổi bà B ra khỏi nhà là có dấu hiệu tội phạm hình sự tội “ Xâm phạm chỗ ở của người khác`” theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật hình sự. Bà B và bà Th về chăm sóc cha mẹ mà ông T đánh đuổi là hung hăng, thiếu đạo đức nên không đủ tư cách nuôi dưỡng mẹ. Bà L khi nuôi cha đã quay video đưa hình ảnh cha trong tư thế nhạy cảm lên mạng là có dấu hiệu tội phạm hình sự tội “Làm nhục người khác” quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự, nên không đủ tư cách nuôi dưỡng mẹ. Bà T có hành vi vi phạm đạo đức, đã nói từ cha, nên không đủ tư cách nuôi dưỡng mẹ. Nguyên đơn có đạo đức, có điều kiện kinh tế, có hiểu biết nên đủ điều kiện chăm sóc mẹ. Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 71 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đề nghị Hội đồng xét xử giao bà NTK cho 4 người con là ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh nuôi dưỡng.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến:

- Về việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự nguyên đơn đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71 của Bộ luật tố tụng dân sự, bị đơn chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 70,72 Bộ luật tố tụng dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 70,73 Bộ luật tố tụng dân sự - Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ khoản 8 Điều 28, 35, 39, 68, 203, khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015;

Điều 70, 71, 111 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 26 Nghị quyết 326 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, kính đề nghị Hội đồng xét xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc ông Võ Văn Tùng, bà VTL , bà VTT giao mẹ là cụ NTK cho nguyên đơn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Tất cả 07 người con gồm ông VVD , bà VTH , bà VTB , bà VTNTh, ông VVT, bà VTL , bà VTT có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Các con khác có quyền và nghĩa vụ hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ. Người trực tiếp nuôi dưỡng cụ K không được cản trở người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ thực hiện nghĩa vụ và quyền của con đối với mẹ. Người không trực tiếp nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi mẹ.

Ông VVT, bà VTL , bà VTT không cản trở ông VVD , bà VTH , bà VTB , bà VTNTh thực hiện quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK.

Về án phí: nguyên đơn phải chịu án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

* Về tố tụng:

Bị đơn đều có nơi cư trú ở huyện N, tỉnh Quảng Ngãi, do đó vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi theo quy định tại khoản 8 Điều 28, Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đây là “Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ” quy định tại Khoản 2 Điều 70 và Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nên Toà án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã thụ lý là đúng quy định.

Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận bà NTK bị lẫn là do tuổi già nên suy giảm trí nhớ, hai bên đều thừa nhận việc này nên đây là tình tiết, sự kiện rõ ràng, mọi người đều biết nên không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, vì vậy việc trưng cầu giám định pháp y về tâm thần đối với bà NTK là không cần thiết, kết quả việc giám định pháp y tâm thần đối với bà NTK không làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án.

* Về nội dung:

[1] Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn bà VTL , ông VVT và bà VTT chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK của ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh:

Qua lời trình bày của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ đã thu thập và được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bà NTK (sinh năm 1937) là mẹ đẻ của nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh và bị đơn bà VTL , bà VTT và ông VVT.

Từ tháng 05/2023 đến nay, bị đơn ông VVT, bà VTL là người trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK , bà VTT đi về thăm chứ không trực tiếp nuôi mẹ.

Thời điểm trước khi ông VVG chết thì nguyên đơn và bị đơn cùng nhau đóng góp vật chất và công sức chăm sóc, nuôi dưỡng cha, mẹ, nhưng kể từ ngày 09/5/2023 (sau khi ông G chết được 3 ngày) cho đến nay thì nguyên đơn và bị đơn xảy ra mâu thuẫn căng thẳng, nên khi nguyên đơn về thăm mẹ là bà NTK thì bị đơn đã có hành vi cản trở không cho nguyên đơn gặp, thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK .

Năm nay bà NTK đã 86 tuổi, thuộc trường hợp người cao tuổi. Nguyên đơn và bị đơn đều trình bày là hiện nay bà K bị “lẫn”, lúc nhớ, lúc quên và bà K bị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày nên thuộc trường hợp ốm đau, già yếu.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”, theo quy định tại Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì “Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình” , như vậy bảy người con của bà NTK là ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh, bà VTL , bà VTT và ông VVT đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ là bà NTK .

Hành vi cản trở của bị đơn không cho nguyên đơn thăm, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK là vi phạm Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009, vì vậy nguyên đơn yêu cầu bị đơn chấm hành vi cản trở nguyên đơn thăm gặp, chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ NTK là có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[2] Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án buộc bà VTL , ông VVT và bà VTT giao bà NTK cho ông VVD , bà VTB , bà VTH, bà VTNTh trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70, Khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 10 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì các con đều có quyền và nghĩa vụ nuôi mẹ ngang nhau. Theo quy định tại điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” .

Bà NTK thuộc trường hợp người cao tuổi, già yếu, ốm đau, không có khả năng lao động, nên các con đều phải có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng.

Nếu con cái có hành vi ngược đãi cha mẹ thì bị xử phạt hành chính theo quy định Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính Phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Cả 07 người con của bà NTK chưa có ai bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi ngược đãi cha, mẹ, do đó cả 07 người con của bà NTK là ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh, bà VTL , bà VTT và ông VVT đều có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho mẹ là bà NTK .

Nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh và bị đơn bà VTL , bà VTT và ông VVT đều có yêu cầu nhận nuôi dưỡng mẹ, do đó đã xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Để 07 người con của bà K đều có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và bà NTK được nhận sự phụng dưỡng của cả 07 người con, vì hiện bà K tuổi đã cao, già yếu, ốm đau, Hội đồng xét xử nhận thấy các đương sự không thỏa thuận được việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ, nên cần phải có sự can thiệp, phân công và xác định thời gian cụ thể để cho 07 người con của bà NTK có căn cứ và thuận tiện trong việc phân công người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ, người cấp dưỡng nuôi mẹ. Hiện bà NTK tuổi đã cao, già yếu, ốm đau, vì vậy cần xác định cho mỗi bên đương sự nuôi dưỡng mẹ là bà NTK trong thời gian 06 tháng, sau đó hai bên đương sự luân phiên thay nhau để nuôi dưỡng mẹ (mỗi lần luân phiên nuôi dưỡng mẹ của một bên đương sự là 06 tháng), cho đến khi bà NTK chết hoặc cho đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự. Trong thời gian không trực tiếp nuôi dưỡng mẹ thì những người con còn lại thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi mẹ.

Từ ngày 09/5/2023 đến nay (gần 6 tháng), bị đơn bà VTL , bà VTT và ông VVT đã trực tiếp nuôi dưỡng mẹ NTK , vì vậy thời gian 06 tháng tiếp theo (tính từ ngày 01/10/2023) giao cho nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh trực tiếp nuôi dưỡng mẹ là bà NTK . Hết thời gian 06 tháng nguyên đơn nuôi dưỡng mẹ là bà NTK thì bị đơn tiếp tục nuôi dưỡng mẹ và ngược lại. Trong thời gian nguyên đơn nuôi dưỡng mẹ thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi mẹ. Người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ là bà NTK không được cản trở người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ thực hiện nghĩa vụ và quyền của con đối với mẹ.

[3] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành về việc giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng. Hoàn trả lại cho nguyên đơn tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005794 ngày 03/7/2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Nghĩa Hành.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 8 Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 68, khoản 4 Điều 147, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 39 Bộ luật dân sự 2015; Khoản 2 Điều 70, khoản 2 Điều 71, Điều 111 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 10 Luật người cao tuổi năm 2009, Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh;

1. Buộc bị đơn bà VTL , ông VVT và bà VTT chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ là bà NTK của ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh.

2. Nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh có quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK trong thời gian 06 tháng tính từ ngày 01/10/2023, bị đơn bà VTL , ông VVT và bà VTT có nghĩa vụ giao bà NTK cho nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh trực tiếp nuôi dưỡng trong thời gian 06 tháng tính từ ngày 01/10/2023.

Hết thời gian 06 tháng kể từ ngày 01/10/2023, bị đơn bà VTL , ông VVT và bà VTT có quyền và nghĩa vụ trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK trong thời gian 06 tháng tiếp theo, nguyên đơn ông VVD , bà VTB , bà VTH và bà VTNTh phải giao bà NTK để bị đơn bà VTL , ông VVT và bà VTT trực tiếp nuôi dưỡng trong thời gian 06 tháng tiếp theo.

Mỗi bên đương sự luân phiên thay nhau trực tiếp nuôi dưỡng mẹ là bà NTK trong thời gian 06 tháng cho đến khi bà NTK chết hoặc cho đến khi có sự thỏa thuận khác của các đương sự. Thời gian nuôi dưỡng bà NTK bắt đầu tính từ ngày 01/10/2023.

Trong thời gian nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK thì bị đơn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi bà NTK và ngược lại trong thời gian bị đơn trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK thì nguyên đơn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cấp dưỡng nuôi bà NTK .

Người trực tiếp nuôi dưỡng bà NTK không được cản trở người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ thực hiện nghĩa vụ và quyền của con đối với mẹ. Người không trực tiếp nuôi mẹ không được lạm dụng việc thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho mẹ để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ của người trực tiếp nuôi dưỡng mẹ.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà VTL , ông VVT và bà VTT phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng.

- Hoàn trả cho ông VVD , bà VTB , bà VTH , bà VTNTh số tiền tạm ứng án phí 300.000đồng đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005794 ngày 03/7/2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Nghĩa Hành.

Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

72
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ số 27/2023/HNGĐ-ST

Số hiệu:27/2023/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:30/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về