Bản án về tranh chấp quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương số 40/2023/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1 – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 40/2023/DS-ST NGÀY 15/06/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN, LỢI ÍCH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LÀM, TIỀN LƯƠNG

Trong ngày 15 tháng 6 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động sơ thẩm thụ lý số: 3/2022/LDST ngày 17 tháng 01 năm 2022 về tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3081/2023/QĐXXST-LĐ ngày 08 tháng 5 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 3957/2023/QĐST-LĐ ngày 25 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Võ Thanh T, sinh năm 1966.

Địa chỉ: 1/4B Huỳnh Tấn P, Khu phố 7, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp Nguyên đơn: Bà Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1998, ông Phạm Huỳnh H, sinh năm 1999.

Địa chỉ: Lầu 11, 246 C, Phường PNL, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Theo Giấy ủy quyền số 001378 ngày 17/01/2022).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn: Ông Nguyễn Bùi Bá H, sinh năm 1989 thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Công ty Cổ phần phân phối M.

Trụ sở: Phòng 503, Tầng 5, Tòa nhà F, 31 LD, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp Bị đơn: Ông Nguyễn Đình T, sinh năm 1993.

Địa chỉ liên hệ: 68/240 Trần Quang K, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Theo Giấy ủy quyền số 01/2022/GUQ ngày 01/6/2022).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ.

Trụ sở: 408 T, Phường 07, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lê Văn L, sinh năm 1982, Chức danh - Giám đốc.

Địa chỉ: 184 H, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo pháp luật.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Võ Thanh T trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:

Ông Võ Thanh T trước đây là người lao động của Công ty Cổ Phần Phân Phối Moёt H (Gọi tắt là Công ty H) theo Hợp đồng lao động số MHVD- 08/2010, đây là hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 01/10/2010. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng lao động, ông T và Công ty H phát sinh tranh chấp đối với các yêu cầu như sau:

Thứ nhất, liên quan đến chương trình “facing 6 months”:

Hàng năm, bộ phận bán hàng kênh siêu thị do ông T phụ trách có triển khai chương trình “Facing 6 tháng” vào dịp cuối năm để thực hiện xúc tiến thương mại (Mặt hàng rượu tại các siêu thị) theo sự chỉ đạo của Công ty H, trong quá trình thực hiện thì ông T chi trước tiền cá nhân cho các hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai. Sau khi kết thúc chương trình, thực hiện quyết toán thì Công ty H sẽ hoàn trả vào năm sau. Tuy nhiên năm 2019, Công ty H không đồng ý hoàn trả sau khi quyết toán chương trình “Facing 6 tháng” của năm 2018.

Công ty H cho rằng nguyên đơn đã tự ý thay đổi về số lượng siêu thị và số lượng hàng hóa trưng bày. Nguyên đơn không đồng ý bởi việc thay đổi (giảm bớt số lượng siêu thị tham gia) là hoàn toàn bình thường do thực tế triển khai có sự thay đổi theo hoàn cảnh cụ thể; Nguyên nhân sự thay đổi này đã được báo cáo cho Công ty H (Mr. Paul và Mr. Nicolas);

Đối với thay đổi số lượng hàng hóa trưng bày: Công ty H đã nêu không đúng sự thật. Việc thanh toán của chương trình này giữa Công ty H và nhà phân phối Đại Đợi ( Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ) là thỏa thuận thương mại. Thực tế triển khai, Công ty H và cả Công ty Đại Lợi không trực tiếp thương lượng với Siêu thị mà do nguyên đơn đứng ra thỏa thuận và chịu trách nhiệm với siêu thị nên nguyên đơn có trách nhiệm, nghĩa vụ và buộc phải trả tiền cho các Siêu thị.

Nguyên đơn cũng đã trả tiền này cho Siêu thị vì việc trả tiền này là điều kiện để hoàn thành các chương trình, tốt cho Công ty H cũng như nhà phân phối Đại Lợi. Do đó nguyên đơn hoàn toàn có đủ tư cách, căn cứ để yêu cầu Công ty H trả các khoản tiền này (dù có thông qua hay không thông qua Công ty Đại Lợi).

Thứ hai, liên quan đến Market Visit:

Công ty H gây khó khăn và trì hoãn việc thanh toán lại cho nguyên đơn các chi phí tiếp đối tác theo chính sách Market Visit của Công ty H mà nguyên đơn đã ứng tiền cá nhân để chi trả. Công ty H cho rằng: Việc không/từ chối thanh toán là do chính sách của Công ty H về quản lý tài chính… Công ty H yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng: Họ tên đầy đủ, tên công ty, chức vụ, số điện thoại, email làm việc, ngày giờ, số lượng khách…Tuy nhiên, nguyên đơn không đồng ý với quan điểm này. Thực tế, các năm trước và các tháng trước đó, nguyên đơn cũng thực hiện ghi chép, đề nghị thanh toán thông thường, theo trình tự và thủ tục nhưng vẫn được Công ty H thanh toán.

Ngoài ra, Công ty H yêu cầu ghi rõ các dữ liệu cá nhân (thuộc về khách hàng) để làm thủ tục thanh toán Market Visit. Nguyên đơn không đồng ý.

Thứ ba, vấn đề thiếu tôn trọng và ý kiến của Nicolas:

Ông Nicolas Ruellan đe dọa đuổi việc nguyên đơn thể hiện qua mail trong quá trình trao đổi liên quan đến việc thanh toán chương trình “Facing 6 tháng”, điều này gây áp lực và tổn hại tinh thần to lớn cho nguyên đơn vì mail này còn được nhiều cá nhân có liên quan theo dõi.

Theo Thư nhắc nhở ngày 18/6/2019 về việc báo cáo sản lượng hợp đồng bổ sung (CVR), trong đó có nội dung “hành vi của ông cấu thành vi phạm đối với Nội quy lao động của Công ty” và “Công ty sẽ không dung thứ cho những hành vi có cùng tính chất hay bất kỳ vi phạm tương tự nào khác trong tương lai” và rằng “thư nhắc nhở này không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động khiển trách theo quy định pháp luật” nhưng “bất kỳ sự tái phạm nào trong tương lai đối với hành vi vi phạm nói trên đều có thể dẫn tới việc xử lý kỷ luật lao động, lên đến và bao gồm sa thải”.

Nguyên đơn nhận thấy nội dung thư nhắc nhở này là không đúng sự thật, bởi nguyên đơn đã thực hiện việc cập nhật báo cáo bán hàng (PCR) trên hệ thống quản lý E-workflow từ ngày 10/06/2019 như thực hiện từ trước đến nay và tương tự như những người lao động khác của Công ty H nhưng Công ty không theo dõi hệ thống dẫn đến việc không cập nhật kịp thời thông tin.

Tất cả các hành động trên của Công ty H đều chủ đích “đánh” vào cá nhân nguyên đơn. Công ty H đang lợi dụng vị thế người sử dụng lao động có quyền quản lý, phân công, điều động người lao động để có các hành vi gây áp lực về tinh thần, về tài chính với nguyên đơn.

Đối với tất cả các vấn đề bất cập, bức xúc của Công ty H, nguyên đơn đã đề nghị giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Công ty H đã từ chối và không có bất kỳ thiện chí nào giải quyết các vấn đề tồn động. Mặt khác công ty còn ngụy biện, nêu ra những thông tin không có cơ sở để bảo vệ bao che cho các hành động trù dập, phân biệt đối xử với người lao động. Nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết các yêu cầu sau:

- Thứ nhất: Yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months với số tiền là 241.920.000 đồng.

- Thứ hai: Yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng với số tiền là 20.000.000 đồng.

- Thứ ba: Yêu cầu bị đơn có văn bản xin lỗi chính thức gửi cho nguyên đơn tại trụ sở Công ty về các nội dung thiếu tôn trọng, đe dọa sa thải và xem xét chưa đúng khi đưa ông vào chương trình cải thiện theo Thư nhắc nhở ngày 18/6/2019.

* Tại phiên tòa, nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng với số tiền là 22.494.340 đồng. Các yêu cầu khởi kiện khác giữ nguyên.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Bùi Bá H trình bày tại phiên tòa:

- Đối với yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months với số tiền là 241.920.000 đồng:

Theo Công ty H, chương trình Facing 6 months là thỏa thuận thương mại riêng của Hennessy và Đại Lợi, không liên quan đến cá nhân ông T. Điều này là không đúng với thực tế, bởi lẽ: Theo hợp đồng, Công ty H là người sử dụng dịch vụ, Công ty Đ là người cung cấp dịch vụ. Vậy Công ty Đ phải là người có trách nhiệm chụp ảnh báo cáo tình hình thực hiện chương trình, làm Đề xuất thanh toán gửi cho Công ty H để được thanh toán phí dịch vụ đã thực hiện, cũng như giải trình lý do giảm số lượng siêu thị, số lượng siêu thị trong từng chuỗi siêu thị so với Phụ lục Hợp đồng. Tuy nhiên, người làm những việc này, trên thực tế lại không phải là Công ty Đ mà là cá nhân ông T.

Trên thực tế, ông T mới là người trực tiếp thực hiện chương trình và thanh toán chi phí cho các siêu thị và đang thực hiện việc quyết toán để Công ty H trả lại khoản tiền ông T đã ứng trước.

Bị đơn cho rằng Bị đơn đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho phía Công ty Đ. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp chứng từ, tài liệu chứng minh Công ty H đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Đ như lời khai của đại diện Công ty, đại diện Bị đơn từ chối cung cấp vì lý do bảo mật kinh doanh. Chúng tôi cho rằng điều này là không được chấp nhận vì: Việc cung cấp Hợp đồng dịch vụ và chứng từ thanh toán cho Tòa án chỉ nhằm mục đích giải quyết nội dung tranh chấp khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months là 241.920.000 đồng, không công khai nội dung ra bên ngoài; Việc cung cấp chứng từ thanh toán là có lợi cho phía Bị đơn, bởi lẽ nội dung đang tranh chấp là số tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 months, nếu thực tế Bị đơn đã thanh toán số tiền này cho Công ty Đ, các chứng từ thanh toán là chứng cứ có lợi cho Bị đơn đề Tòa án bác yêu cầu của Nguyên đơn.

- Đối với yêu cầu thanh toán khoản Market Visit tháng 5, tháng 6 năm 2019: số tiền 22.494.340 đồng: Ông V Thanh T ng đã thực hiện đúng quy trình để đề nghị thanh toán Market Visit theo quy định của Công ty: Quy trình này đã được Công ty áp dụng xuyên suốt cho khoảng thời gian trước đó. Đối với khoản Market Visit tháng 5, tháng 6 năm 2019, ông T vẫn thực hiện đầy đủ đúng theo quy trình này; việc Công ty thay đổi quy trình và từ chối thanh toán khoản Market visit tháng 5, tháng 6 năm 2019 là không có căn cứ vì Công ty không hề ban hành Quy trình/ Thông báo/ Chính sách mới cho khoản chi Market visit, trong đó yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của khách hàng được tiếp đãi.

Như vậy, ông T đã thực hiện quy trình đề nghị thanh toán đúng theo quy định của Công ty đối với khoản chi Market visit tháng 5, 6 năm 2019. Tuy nhiên, cấp quản lý của Công ty đã từ chối thanh toán khoản chi này, tự ý sửa đổi quy trình mà không có bất kỳ tài liệu, chính sách nào được thông báo. Do đó, việc từ chối thanh toán khoản chi Market visit tháng 5, 6 năm 2019 của Công ty là không có căn cứ. Việc ông T yêu cầu Công ty hoàn trả lại khoản tiền Market visit nêu trên là ph hợp.

- Đối với yêu cầu Công ty có văn bản xin lỗi chính thức gửi đến ông V Thanh T ng tại trụ sở Công ty về các nội dung thiếu tôn trọng, đe dọa sa thải và xem xét chưa đúng khi đưa ông T vào chương trình cải thiện:

Trong các email trao đổi liên quan đến thanh toán chương trình Facing 6 months, ông Nicolas Ruellan - Chức vụ Sale Director (Giám đốc kinh doanh) đã đe dọa đuổi việc ông T, gây áp lực và tổn hại tinh thần cho ông T vì email này được nhiều cá nhân khác theo d i.

Người đại diện Công ty ký kết Hợp đồng lao động và có thẩm quyền chấm dứt Hợp đồng lao động với ông T là Tổng giám đốc Công ty. ng Nicolas Ruellan với chức danh Giám đốc kinh doanh không hề có thẩm quyền này.

Do đó, những lời nói của ông Nicolas là sự đe dọa không có căn cứ, gây tổn hại tinh thần cho ông T và ông T xứng đáng nhận được lời xin lỗi chính thức từ phía Công ty H.

- Đối với yêu cầu của Bị đơn về việc đình chỉ giải quyết đối với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, nguyên đơn xét thấy không có cơ sở vì: Căn cứ vào quy định tại Điều 153 BLDS 2015 thì các sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính tại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt. Và bản án số 07/2021/LĐ-ST ngày 03/03/2021 Tòa án nhân dân Quận 1 được xem là quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu. Như vậy, thời hiệu phải được tính lại từ đầu, kể từ ngày 03/3/2021. Và thực tế ông T đã nộp đơn hòa giải tranh cấp lao động cho Phòng Lao Động - Thương Binh và Xã Hội Quận 1 vào ngày 09/4/2021, một tháng sau khi thời hiệu được tính lại từ đầu.

- Đối với vấn đề tranh chấp lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động:

Thực tế ông Võ Thanh T đã nộp đơn hòa giải tranh chấp lao động cá nhân vào ngày 09/4/2021. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 1 đã có Công văn số 351/LĐTBXH ngày 13/4/2021 trả lời đơn tranh chấp lao động cá nhân của người lao động trước khi nộp đơn khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Quận 1 không tiến hành hòa giải tranh chấp lao động nêu trên do hết thời hiệu hòa giải theo quy định và hướng dẫn ông Võ Thanh T liên hệ Tòa án nhân dân Quận 1 để được xem xét, giải quyết.

Từ những lý do trên, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử bác ý kiến của phía Bị đơn về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện và chấp nhận tòa bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn Công ty Cổ phần phân phối M có người đại diện theo ủy quyền ông Ông T trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:

Thứ nhất: Đối với các yêu cầu khởi kiện, gồm: Yêu cầu thanh toán các khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months là 241.920.000 đồng.

Chương trình Facing 6 Months được triển khai thông qua sự hợp tác giữa Công ty Moёt Hennessy và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ theo Hợp đồng dịch vụ ký ngày 01/11/2018, Thời gian hợp đồng 6 tháng tính đến hết 30/4/2019. Theo đó, Công ty Moёt Hennessy không có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền này cho nguyên đơn mà bị đơn đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho phía Công ty Đại Lợi. Ngoài ra, chương trình này được thực hiện xong từ tháng 4/2019 và tới nay đã hơn 03 năm.

Thứ hai: Đối với yêu cầu thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng với số tiền là 22.494.340 đồng.

Khoản tiền market visit mà nguyên đơn đề nghị công ty thanh toán là đối với các khoản tiền tồn động mà nguyên đơn cho rằng đó là chi phí công tác trước năm 2019. Trong quá trình làm việc trước đây, bị đơn đã nhiều lần yêu cầu ông T cung cấp hồ sơ, chứng từ có liên quan nhưng đều bị từ chối. Tới nay đã là hơn 3 năm liên quan đến vấn đề này.

Căn cứ vào Điều 190 Bộ luật Lao động về Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là: “01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Do đó, bị đơn khẳng định việc khởi kiện của nguyên đơn khởi kiện đã không còn thời hiệu khởi kiện. Bị đơn đề nghị Quý tòa áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện và xem xét quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này.

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 thì tranh chấp của ông T với bị đơn là tranh chấp lao động cá nhân và không thuộc trường hợp loại trừ theo luật định nên trước khi được giải quyết tại Tòa án, tranh chấp này phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trên thực tế, các yêu cầu nêu trên cũng đã bị đình chỉ giải quyết do chưa thực hiện thủ tục hòa giải cơ sở tại Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội Quận 1 theo Bản án số 07/2021/LĐ-ST ngày 03/03/2021 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án số 544/2021/LĐ-PT ngày 21/06/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trường hợp khởi kiện của ông T đối với hai yêu cầu nêu trên thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện tại tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, bị đơn đề nghị Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án đối với hai yêu cầu nêu trên của nguyên đơn.

Thứ ba: Đối với yêu cầu bị đơn có văn bản xin lỗi chính thức gửi cho nguyên đơn tại trụ sở Công ty về các nội dung thiếu tôn trọng, đe dọa sa thải và xem xét chưa đúng khi đưa ông vào chương trình cải thiện:

Tòa án nhân dân Quận 1 đã xét xử sơ thẩm theo Bản án số 07/2021/LĐ- ST ngày 03/03/2021 về việc tranh chấp về lao động liên quan đến tiền lương, thưởng và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm theo Bản án số 544/2021/LĐ-PT ngày 21/06/2021 về việc tranh chấp về hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng. Theo đó, không chấp nhận đối với các yêu cầu khởi kiện trong đó có Yêu cầu Công ty có văn bản xin lỗi chính thức gửi đến Ông T và công khai trước toàn thể nhân viên Công ty… Sau khi nguyên đơn kháng cáo thì Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận 1.

Như vậy, yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là giống như yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết bằng các bản án nêu trên. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự yêu cầu này thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án.

Từ những căn cứ đã phân tích nêu trên, bị đơn để đình chỉ giải quyết toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn nêu ra trong đơn khởi kiện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ: Vắng mặt và không có ý kiến nộp cho Tòa án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu ý kiến như sau:

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng:

[1.1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Toà án:

Nguyên đơn ông Võ Thanh T khởi kiện tranh chấp về lao động về quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương với bị đơn là Công ty Cổ phần phân phối Moët Hennessy Việt Nam. Bị đơn là pháp nhân có địa chỉ trụ sở tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm thụ lý. Căn cứ khoản 5 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

[1.2] Về sự vắng mặt của đương sự: Tòa án đã triệu tập và Tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ và người đại diện theo pháp luật của Công ty Đại Lợi giải quyết vụ án và tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, Công ty và và người đại diện hợp pháp của Công ty Đại Lợi vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 227, khoản 1 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[1.3] Về ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu hoãn phiên tòa để thu thập tài liệu, chứng cứ đồng thời yêu cầu Hội đồng xét xử xử phạt vi phạm hành chính đối với Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp, trù các trường hợp sau đây:

b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án”.

Khoản 4 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”.

Tuy nhiên trong vụ án này, quá trình giải quyết và tại phiên tòa, nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đều xác nhận nghĩa vụ thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months mà nguyên đơn yêu cầu là nghĩa vụ của Công ty Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ. Hơn nữa, Hợp đồng dịch vụ giữa Công ty Công ty Cổ phần phân phối Moët Hennessy Việt Nam và Công ty Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ là tài liệu chứng cứ không cần phải chứng minh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ làm căn cứ để Hội đồng xét xử giải quyết vụ án. Do đó, yêu cầu nêu trên của nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[1.3] Về yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện của đại diện hợp pháp của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months và tiền các khoản Market Visit còn đang tồn đọng.

Tại khoản 3, khoản 4 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019 quy định “Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Tại hồ sơ lao động sơ thẩm thụ lý số 172/2020/LĐST ngày 03/11/2020 về việc “Tranh chấp liên quan đến tiền lương, thưởng”, nguyên đơn đã có yêu cầu khởi kiện về việc buộc Công ty H thanh toán tiền liên quan đến chương trình Facing 6 Months là 241.920.000 đồng; thanh toán khoản tiền Market Visit còn đang tồn động với số tiền 20.000.000 đồng (tại phiên tòa sơ thẩm này này, nguyên đơn thay đổi số tiền là 22.494.340 đồng). Tại bản án phúc thẩm số 544/2021/LĐ-PT ngày 21/6/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ giải quyết các yêu cầu khởi kiện nêu trên với lý do các yêu cầu khởi kiện này chưa thông qua thủ tục hòa giải tại cơ sở theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012, thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Như vậy, Bộ luật Lao động quy định rõ về thời hiệu khởi kiện và nguyên đơn đã khởi kiện trong thời hạn 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cụ thể: Ngày 19/6/2019 Công ty H đã có email từ chối chi trả khoản tiền này ( Facing 6 Months là 241.920.000 đồng) và email của đại diện công ty ngày 12/6/2019 yêu cầu ông Võ Thanh T cung cấp cho Công ty số điện thoại di động; chức danh, email doanh nghiệp của những khách hàng MT trong chuyến tiếp cận thị trường của nguyên đơn nhằm mục đích kiểm toán của công ty; nguyên đơn không đồng ý cung cấp và cho rằng Công ty đã từ chối thanh toán khoản tiền này cho nguyên đơn và nguyên đơn đã có đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung ngày 04/6/2020 trong vụ án lao động sơ thẩm thụ lý số 172/2020/LĐST ngày 03/11/2020 của Tòa án nhân dân Quận 1; như vậy thời hiện khởi kiện vụ án vẫn còn; việc Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đình chỉ giải quyết các yêu cầu nêu trên là do thiếu thủ tục tố tụng (chưa thông qua thủ tục hòa giải cơ sở) chứ không phải hết thời hiệu khởi kiện. Tại hồ sơ lao động sơ thẩm này, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã đủ thủ tục về mặt hình thức; do đó Hội đồng xét xử bác ý kiến của đại diện bị đơn về việc đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ yêu cầu khởi kiện do hết thời hiệu.

[2] Về áp dụng pháp luật nội dung:

[2.1] Về luật áp dụng:

Nguyên đơn và bị đơn xác lập quan hệ lao động theo Hợp đồng lao động số MHVD-08/2010 ngày 01/10/2010. Năm 2019, hai bên phát sinh tranh chấp. Thời điểm thực hiện hợp đồng giữa các bên là Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực nên Tòa án áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản có liên quan để điều chỉnh quan hệ tranh chấp. [2.2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

[2.3.1] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months với số tiền là 241.920.000 đồng:

Hội đồng xét xử nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận chương trình Facing 6 Months được triển khai thông qua sự hợp tác giữa công ty Moet Hennessy Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ theo Hợp đồng dịch vụ ký ngày 01/11/2018, thời gian hợp đồng 06 tháng tính đến hết 30/4/2019.

Tòa án đã triệu tập Công ty Đại Lợi tham gia tố tụng để làm rõ mối quan hệ giữa các bên liên quan đến hợp đồng dịch vụ nêu trên. Tuy nhiên Công ty Đại Lợi vắng mặt và không cung cấp bất kì tài liệu, chứng cứ nào theo như thông báo giao nộp chứng cứ số 1200/TB-GNCC ngày 13/3/2023 của Tòa án. Vì vậy, để khẳng định yêu cầu khởi kiện của mình là có cơ sở thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về nguyên đơn.

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn không cung cấp bất kì tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên liên quan đến chương trình “Facing 6 Months” bao gồm:

- Thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn hoặc Công ty Đại Lợi về việc bị đơn sẽ thanh toán chi phí cho nguyên đơn để cho chạy chương trình tại siêu thị (Nếu có).

- Chi phí nguyên đơn thực tế chi trả cho các siêu thị để từ đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán lại (Nếu có).

Đồng thời tại phiên tòa, nguyên đơn cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đều thừa nhận nghĩa vụ thanh toán số tiền nguyên đơn đã tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months là 241.920.000 đồng là nghĩa vụ của Công ty ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đại Lợi chứ không phải nghĩa vụ thanh toán của Công ty H. Tuy nhiên, để có cơ sở khởi kiện Công ty Đại lợi đối với số tiền nêu trên thì phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh là bị đơn đã thanh toán các khoản tiền liên quan đến Hợp đồng dịch vụ mà các bên đã ký kết. Hội đồng xét xử xét thấy: Trường hợp có việc thanh toán liên quan đến Hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa Công ty H và Công ty Đại Lợi thì có quan hệ giữa hai công ty này, không liên quan đến tranh chấp khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn, Trên thực tế, nguyên đơn không chứng minh được số tiền đã tạm ứng tương đương 241. 920.000 đồng và thừa nhận nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền này không phải là trách nhiệm của bị đơn.

Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán số tiền tạm ứng chương trình liên quan đến chương trình “Facing 6 Months”.

[2.3.2] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng với số tiền là 22.494.340 đồng:

Nguyên đơn cho rằng Công ty H gây khó khăn và trì hoãn việc thanh toán lại cho nguyên đơn các chi phí tiếp đối tác theo chính sách Market Visit của Công ty mà nguyên đơn đã ứng tiền cá nhân để chi trả. Đồng thời, việc bị đơn yêu cầu nguyên đơn cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng: Họ tên đầy đủ, tên công ty, chức vụ, số điện thoại, email làm việc, ngày giờ, số lượng khách…là không hợp lý.

Bị đơn cho rằng yêu cầu nêu trên chưa được tiến hành hòa giải cơ sở là trái với trình tự giải quyết tranh chấp lao động của cá nhân theo quy định pháp luật lao động, thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện tại tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Theo đó, bị đơn yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án đối với hai yêu cầu nêu trên của nguyên đơn.

Hội đồng xét xử nhận thấy theo Công văn số 351/LĐTBXH về việc trả lời đơn tranh chấp lao động cá nhân của người lao động ngày 13/4/2021. Các nội dung ông Võ Thanh T yêu cầu hòa giải bao gồm: “Thanh toán khoản tiền trong chương trình Facing 6 months; thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng; yêu cầu công ty thu hồi thư nhắc nhở ngày 18/6/2019…”. Như vậy, trên thực tế, trước khi khởi kiện tại Tòa, nguyên đơn đã yêu cầu hòa giải lao động tại cơ sở. Mặc dù các yêu cầu trên đã hết thời hiệu hòa giải theo quy định. Tuy nhiên, điều này không làm mất đi quyền khởi kiện của người lao động tại Tòa án. Điều này được áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho người lao động.

Xét nội dung yêu cầu: Theo các email trao đổi, các tài liệu đính kèm và lời trình bày của bị đơn, nội quy của Công ty, việc thanh toán các chi phí mà nhân viên đã chi trả phải rõ ràng, minh bạch, có thông tin cụ thể.

Đối với việc tiếp đãi khách hàng ở nhà hàng thì hoá đơn cần phải ghi rõ họ tên đầy đủ, tên Công ty và chức vụ của người khách được tiếp đãi đó; ngày và giờ cụ thể; số lượng khách; thông tin về thức ăn và thức uống đã đặt, số tiền (nếu không được ghi r trong hoá đơn) và tiền thuế. Chính sách này được áp dụng thống nhất trong Công ty từ trước tới nay và các nhân viên khác đều tuân thủ thực hiện. Các chính sách và quy định này nhằm đảm bảo nhân viên của Công ty thực hiện đúng nhiệm vụ và bảo vệ Công ty khỏi các rủi ro về mặt pháp lý, phục vụ cho việc kiểm toán của Công ty chứ không nhằm làm mất uy tín, thông tin cá nhân hay ảnh hưởng đến công việc của khách hàng như lời trình bày của nguyên đơn. Tuy nhiên, ông T đã không cung cấp đầy đủ các thông tin trên khi yêu cầu thanh toán khoản Market Visit, do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.3.3] Yêu cầu bị đơn có văn bản xin lỗi chính thức gửi cho nguyên đơn tại trụ sở Công ty về các nội dung thiếu tôn trọng, đe dọa sa thải và xem xét chưa đúng khi đưa ông vào chương trình cải thiện:

Theo nguyên đơn trình bày, ngày 18/6/2019, ông Nicolas Ruellan - Chức vụ Giám đốc kinh doanh đã có hành vi đe dọa đuổi việc nguyên đơn thể hiện qua mail trong quá trình trao đổi liên quan đến việc thanh toán chương trình “Facing 6 tháng”, đồng thời, nội dung thư nhắc nhở ngày 18/06/2019 có nội dung “hành vi của ông cấu thành vi phạm đối với Nội quy lao động của Công ty” và “Công ty sẽ không dung thứ cho những hành vi có cùng tính chất hay bất kỳ vi phạm tương tự nào khác trong tương lai” và rằng “thư nhắc nhở này không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động khiển trách theo quy định pháp luật” nhưng “bất kỳ sự tái phạm nào trong tương lai đối với hành vi vi phạm nói trên đều có thể dẫn tới việc xử lý kỷ luật lao động, lên đến và bao gồm sa thải”:

Nguyên đơn cho rằng các nội dung này gây áp lực và tổn hại tinh thần to lớn cho nguyên đơn vì mail này còn được nhiều cá nhân có liên quan theo dõi.

Bị đơn cho rằng yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là giống như yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết bằng các bản án số 07/2021/LĐ-ST ngày 03/03/2021 của Tòa án nhân dân Quận 1 và Bản án số 544/2021/LĐ-PT ngày 21/06/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên đề nghị Tòa án đình chỉ yêu cầu theo quy định của pháp luật Hội đồng xét xử nhận thấy, nội dung ông T yêu cầu bị đơn xin lỗi trong 02 bản án nêu trên liên quan đến thư nhắc nhở ngày 20/02/2019; không phải liên quan đến email của ông Nicolas Ruellan và Thư nhắc nhở ngày 18/6/2019, Vì vậy, Hội đồng xét xử xem xét yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.

Xét nội dung trao đổi email và thư nhắc nhở ngày 18/6/2019: Việc trao đổi, đánh giá nội dung, chất lượng công việc thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động. Việc Công ty ban hành Thư nhắc nhở ngày 18/6/2019 đối với người lao động thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động, không vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nội dung email và thư nhắc nhở cũng khẳng định đây không phải là một trong những hình thức xử lý kỷ luật lao động, không ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cũng như quyền lợi của ông T và không vi phạm pháp luật lao động. Đồng thời, ông Nicolas Ruellan cũng không phải là người đại diện theo pháp luật của bị đơn để thay mặt bị đơn thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật lao động (Nếu có) với nguyên đơn theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3] Về án phí sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Về quyền kháng cáo, kháng nghị: Các đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án theo quy định tại Điều 271, khoản 1 Điều 273, Điều 278 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 5 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 192, Điều 217, Điều 218, Điều 244 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 102, Điều 103, Điều 201, Điều 220 Bộ Luật lao động 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Võ Thanh T về việc:

- Yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền tạm ứng trong chương trình Facing 6 Months với số tiền là 241.920.000 đồng.

- Yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản Market Visit còn đang tồn đọng với số tiền là 22.494.340 đồng.

- Yêu cầu bị đơn có văn bản xin lỗi chính thức gửi cho nguyên đơn tại trụ sở Công ty về các nội dung thiếu tôn trọng, đe dọa sa thải và xem xét chưa đúng khi đưa ông vào chương trình cải thiện theo Thư nhắc nhở ngày 18/6/2019.

2. Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu là 7.932.430 đồng nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.928.800 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0005333 ngày 17/01/2022. Ông Võ Thanh T còn phải nộp số tiền án phí là 4.003.630 đồng.

3. Về quyền kháng cáo, kháng nghị: Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cấp cùng cấp có quyền kháng nghị bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Đ vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

14
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền, lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương số 40/2023/DS-ST

Số hiệu:40/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về