Bản án về tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, yêu cầu BTTH tài sản, yêu cầu chấm dứt hành vi tranh chấp số 45/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 45/2022/DS-PT NGÀY 17/10/2022 VỀ TRANH CHẤP QSDĐ VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT, YÊU CẦU BTTH TÀI SẢN, YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI TRANH CHẤP

Ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 27/2022/TLPT-DS ngày 25 tháng 7 năm 2022 về việc "Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản; yêu cầu chấm dứt hành vi tranh chấp".Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 46/2022/QĐ-PT ngày 05 tháng 9 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 75/2022/QĐ-PT ngày 20 tháng 9 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 78/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 9 năm 2022, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đặng Tằng S, sinh năm 1949; địa chỉ: Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Đặng Tằng S: Ông Lương Văn T – Luật sư Văn phòng luật sư Lương Tuấn; địa chỉ: Số 168, đường T, phường C, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

Bị đơn: Anh Chu Văn T, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn B, xã H, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn anh Chu Văn T: Bà Lương Thị H – Luật sư Văn phòng luật sư Kim Mai; địa chỉ: Số 11, đường C, phường H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn, có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Uỷ ban nhân dân xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện theo pháp luật: Ông Dương Trồng M – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.

+ Bà Dương A M, sinh năm 1952 (có mặt); anh Đặng A N (Đặng Văn Q), sinh năm 1982 (vắng mặt); chị Dương Mùi P, sinh năm 1989 (vắng mặt); cùng địa chỉ: Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

+ Ông Chu Văn C, bà Hoàng Thị V, chị Ngô Thị T; cùng địa chỉ: Thôn B, xã H, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt. Người đại diện theo uỷ quyền của ông Chu Văn C, bà Hoàng Thị V, chị Ngô Thị T (Giấy uỷ quyền ngày 10/01/2022): Bị đơn anh Chu Văn T, có mặt.

+ Ông Dương Trùng H, bà Hoàng Thị T; cùng địa chỉ: Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.

4. Người làm chứng:

+ Ông Triệu Văn D, ông Triệu Văn Đ, ông Triệu Văn Q, ông Vi Văn Đ; cùng địa chỉ: Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.

+ Ông Lường Văn T, sinh năm 1940; ông Ngô Duy T, sinh năm 1957; ông Chu Văn Đ, sinh năm 1965; ông Trần Văn U, sinh năm 1968; cùng địa chỉ: Thôn B, xã H, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ông Chu Văn T là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm và tài liệu có trong hồ sơ, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Theo đơn khởi kiện ngày 12/5/2021, ông Đặng Tằng S trình bày: Tại khu đồi Kéo Khon - Cốc Có thuộc Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc đất của Hợp tác xã M quản lý từ những năm 1960, sau khi Hợp tác xã M giải thể thì gia đình ông đã tự quản lý và sử dụng một phần của khu đồi từ năm 1986, bao gồm các thửa đất số 09, 405, 403 có tổng diện tích khoảng 2,6ha. Năm 1992 gia đình ông gồm có ông, vợ Dương A M, con là Đặng A N đi trồng khoảng 2000 cây thông trên 03 thửa đất 09, 405, 403. Khoảng năm 2015-2016 gia đình ông trồng một hàng cây sa mộc giáp với khe đồi vừa làm ranh giới và vừa để sở hữu, quản lý, sau đó ông tiếp tục trồng bằng hạt cây sở rải rác trên cả 03 thửa đất trên, tuy nhiên không nhớ trồng bao nhiêu cây. Năm 2011 gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất số 09, 405. Năm 2011 gia đình ông khai thác thông có chọn lọc trên toàn bộ 03 thửa đất dẫn đến tranh chấp với các gia đình ở Thôn B, xã H, huyện L, tỉnh Lạng Sơn trong đó có gia đình anh Chu Văn T. Đồng thời ông mới phát hiện là thửa đất 403 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Dương Trùng H, bà Hoàng Thị T và Năm 2017 gia đình ông tiếp tục trồng thông trên cả 3 thửa đất trên, riêng thửa đất 403 là trồng khoảng 800 cây thông. Ngày 15/01/2021 anh Chu Văn T đã chặt 18 cây sa mộc và 01 cây thông, Hạt Kiểm lâm huyện L đã lập biên bản về sự việc này. Ông đồng ý với kết quả đo đạc của Toà án, yêu cầu Toà án giải quyết những nội dung sau: Yêu cầu được quản lý và sử dụng diện tích đất tranh chấp là 6.028m2 thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M và sở hữu toàn bộ cây trên đất là cây thông, cây sa mộc, cây sở; Yêu cầu anh Chu Văn T bồi thường thiệt hại 18 cây sa mộc và 01 cây thông, mỗi cây trị giá là 200.000 đồng, tổng là 3.800.000 đồng, giá cây ông căn cứ vào công tự trồng, chăm sóc và quản lý, không căn cứ vào giá thị trường; Yêu cầu anh Chu Văn T chấm dứt hành vi tranh chấp với gia đình ông. Ông rút yêu cầu quản lý và sử dụng diện tích đất là 46,3m2 thuộc một phần thửa đất số 402; diện tích đất là 462,7m2 thuộc một phần thửa đất số 405 tờ bản đồ số 04; diện tích đất là 885,8m2 thuộc một phần thửa đất số 09, tờ bản đồ số 01. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, án phí: Đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại phiên toà ông Đặng Tằng S bổ sung thêm yêu cầu được quản lý phần diện tích đất còn lại của thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04 là 2.242m2.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn ông Đặng Tằng S là ông Lương Văn T trình bày: Nhất trí với ý kiến của ông Đặng Tằng S đưa ra.

Tại Bản khai ngày 30/11/2021, các biên bản lấy lời khai, những lời trình bày tiếp theo cũng như tại phiên toà bị đơn anh Chu Văn T trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp gia đình anh quản lý cùng với gia đình ông Lường Văn T từ năm 1970. Trước khi gia đình anh quản lý thì đây là đất của Hợp tác xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Đến khoảng năm 1992, 1993 chỉ có riêng bố anh là ông Chu Văn C trồng khoảng 200 cây thông trên đất, có ông Lường Văn T, ông Trần Văn U, ông Chu Văn Đ là người nhìn thấy bố anh trồng. Gia đình anh có trồng cây bạch đàn làm ranh giới với thửa đất của ông Đặng Tằng S, tuy nhiên những cây bạch đàn này đã chết hết. Đến năm 2009 – 2010 gia đình tiến hành khai thác cạo nhựa 144 cây thông. Gia đình cũng làm lán tại đồi để trông coi và quản lý, tuy nhiên cái lán này hiện nay đã không còn. Trong năm 2010 ông Đặng Tằng S trộm nhựa thông của gia đình anh và đã được hai thôn B, xã H và thôn T, xã M hoà giải, kết luận là hai thửa đất đã có ranh giới rõ ràng, bên ai người đó quản lý và không được lấy của nhau. Ranh giới giữa hai thửa đất số 09 với thửa đất số 403 là có một đường rãnh hào sâu khoảng từ 10 đến 20cm, do bố anh và ông Chu Đức V (đã chết), ông Ngô Văn L (đã chết), ông Ngô Duy T cùng nhau đào, đường rãnh ranh giới này hiện nay vẫn còn; ranh giới giữa thửa đất số 405 với thửa đất số 403 có đường xe bò do ông Ngô Duy L (ông hiện nay đã cao tuổi) làm, tuy nhiên hiện nay đường xe bò này cũng không còn. Việc trộm nhựa thông của ông Đặng Tằng S giải quyết đã xong, gia đình anh không có yêu cầu gì. Đến năm 2011 ông Đặng Tằng S khai thác thông tại thửa đất số 09, 405, tuy nhiên lại khai thác cây thông sang thửa đất số 403 nên dẫn đến tranh chấp với gia đình anh và trong năm 2011 anh mới phát hiện thửa đất số 403 đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T. Đến năm 2016 - 2017 khi anh vào xem xét, kiểm tra rừng tại thửa đất số 403 thì thấy trên đất đã có cây thông con, tuy nhiên chỉ trồng một phần trên thửa đất 403 giáp với phần đất của thửa đất số 09, 405. Anh đoán là ông Đặng Tằng S trồng do giống với cây thông con trồng trên thửa đất số 09, 405. Năm 2020 anh phát hiện trên đất có thêm cây thông con và 18 cây sa mộc trên thửa đất số 403, tuy nhiên anh không được nhìn thấy ông Đặng Tằng S trồng và trồng khi nào nên anh đã chặt 18 cây sa mộc và 01 cây thông trên thửa 403. Lý do gia đình anh không kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất 403 là do không được Uỷ ban nhân dân xã M thông báo. Gia đình anh đã làm đơn yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện L thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T vì gia đình anh đã chứng minh được ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T không quản lý, sử dụng thửa đất số 403, nay đã bị UBND huyện L thu hồi. Nên anh đi kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 403, thì xảy ra tranh chấp với ông Đặng Tằng S. Anh yêu cầu giải quyết những nội dung sau: Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đưa ra; anh yêu cầu được quản lý và sử dụng diện tích đất tranh chấp là 6.028m2 thuộc một phần thửa đất số 403 và sở hữu 41 cây thông to trên đất; yêu cầu ông Đặng Tằng S di dời 400 cây thông, 18 cây sa mộc, 03 cây sở; Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 cây sa mộc và 01 cây thông bị chặt vào ngày 15/01/2021 mỗi cây có giá là 200.000 đồng, tổng là 3.800.000 đồng cho ông Đặng Tằng S, vì ông Đặng Tằng S tự trồng cây trong quá trình đất đang tranh chấp, nên anh không biết là ai trồng, do nóng giận nên anh mới chặt đi; không yêu cầu quản lý và sử dụng diện tích đất là 46,3m2 thuộc thửa đất số 402; diện tích đất là 462,7m2 thuộc thửa đất số 405 tờ bản đồ số 04; diện tích đất 885,8m2 thuộc thửa đất số 09, tờ bản đồ số 01. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, án phí: Đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn anh Chu Văn T là bà Lương Thị Hồng trình bày: Nhất trí với ý kiến của anh Chu Văn T.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Dương A M, anh Đặng Văn Q, chị Dương Mùi P trình bày ý kiến tại bản khai giống như ý kiến của ông Đặng Tằng S.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Chu Văn C, bà Ngô Thị T, chị Hoàng Thị V trình bày giống như ý kiến của anh Chu Văn T trình bày và ủy quyền toàn bộ cho anh Chu Văn T tại các phiên tòa.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Dương Trùng H, bà Hoàng Thị T trình bày: Gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa đất số 403, tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M vào ngày 15/6/2011 mang tên Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T, thuộc khu đồi Kéo Khon-Cốc Có, Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Khi Nhà nước đo đạc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 403 này, thì ông không được đi chỉ nên không biết thửa đất số 403 nằm ở vị trí nào. Đến khi ông Đặng Tằng S khai thác gỗ thông trên thửa đất số 403 vào năm 2011 thì ông mới biết là thửa đất số 403 nằm ở vị trí đang tranh chấp hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thửa đất số 403 gia đình ông không quản lý và sử dụng. Từ nhỏ bản thân ông đã đi chăn trâu ở khu đồi Kéo Khon-Cốc Có này có nhìn thấy ông Đặng Tằng S trồng thông trên thửa đất số 403 đang tranh chấp với ông Chu Văn T hiện nay và thường xuyên nhìn thấy ông Đặng Tằng S phát cây quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây. Đây là thửa đất mà ông Đặng Tằng S đã quản lý sử dụng từ lâu nên đề nghị giải quyết cho ông S được quản lý và sử dụng đất số 403 và toàn bộ tài sản trên đất. Tên ông là Dương Trùng H không phải là Dương Trùng H, tuy nhiên do mọi người gọi ông là H nên có nhiều văn bản ghi tên ông là H nhưng Dương Trùng H và Dương Trùng H đều là ông. Ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T chỉ nghe nói là Uỷ ban nhân dân huyện L đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất số 403, tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, ông bà vẫn chưa nhận được quyết định này và không biết lý do vì sao lại bị thu hồi, nhưng ông bà cũng nhất trí để gia đình ông Đặng Tằng S quản lý và sử dụng diện tích đất trên. Do không liên quan gì đến vụ án nên ông đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt ông, bà.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Uỷ ban nhân dân xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện theo pháp luật ông Dương Trồng M - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã M trình bày: Sau khi Uỷ ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 4082/QĐ-UBND về việc huỷ bỏ việc công nhận quyền sử dụng đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T đối với thửa đất 403, tờ bản đồ số 04. Sau khi thửa đất bị thu hồi Giấy chứng nhận trên thì Uỷ ban nhân dân xã M không quản lý và sử dụng đối với thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04. Sau khi có quyết định thu hồi thửa đất 403 hiện nay trên bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M vẫn giữ nguyên, chưa có sự thay đổi, vẫn quy chủ trên bản đồ là gia đình ông Dương Trùng H. Anh Chu Văn T đã có đơn xin kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 403, ông Đặng Tằng S có đơn đề nghị không được cấp thửa đất này do ông đã quản lý từ trước và cây trên đất là do ông trồng. Năm 1992 trên địa bàn xã M không có dự án trồng thông nào, người dân trên địa bàn xã tự mua, tự ươm giống cây về trồng. Năm 2010 Uỷ ban nhân dân xã M không nhận được đơn và không hoà giải vụ việc liên quan đến việc cạo nhựa thông tại thửa đất số 403. Uỷ ban nhân dân xã M không yêu cầu gì, đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật và xin giải quyết vắng mặt cho đến khi kết thúc vụ án.

Những người làm chứng khai: Ông Lường Văn T khai có quản lý và sử dụng một thửa đất ở khu đồi Kéo Khon, Thôn T, xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn giáp với diện tích đất tranh chấp. Năm 1970 ông và ông Chu Văn C (bố của anh Chu Văn T) cùng nhau tự đi nhận đất quản lý tại khu đồi Kéo Khon, có được nhìn thấy ông Chu Văn C phát quang cây để chăm sóc cây thông; đầu tiên đất của gia đình ông quản lý, đến đất của ông Chu Văn C quản lý, tiếp đến đất của ông Đặng Tằng S quản lý. Gia đình ông và gia đình ông Đặng Tằng S không tranh chấp gì với nhau về quyền sử dụng đất. Ông Trần Văn U trình bày tại khu đồi Kéo Khon-Cốc Có trước đây là đất của Hợp tác xã M, khoảng năm 1990 thì Hợp tác xã M giải thể thì ông có quản lý một thửa đất ở khu đồi này giáp ranh với đất của ông Đặng Tằng S và có được nhìn thấy vợ ông Đặng Tằng S là bà Dương A M trồng cây thông con. Ông Chu Văn Đ khai nguồn gốc đất ở khu đồi Kéo Khon-Cốc Có là đất của Hợp tác xã Lục Thôn trước đây, đến khoảng năm 1994 Hợp tác xã tan, người dân ở các nơi đến nhận đất, diện tích đất tranh chấp các gia đình quản lý như thế nào thì ông không biết. Ông Ngô Duy T khai gia đình ông có quản lý và sử dụng một thửa đất ở khu đồi Kéo Khon-Cốc Có, thỉnh thoảng ông có vào rừng được nhìn thấy ông Chu Văn C phát cây, tỉa cành cây thông con trên đất tranh chấp. Khoảng những năm 1980 và năm 1990 có được cùng ông Chu Văn C thoả thuận thống nhất 2 (hai) lần đào rãnh hào làm ranh giới giữa thửa đất của gia đình ông và gia đình ông Chu Văn C. Tuy nhiên thửa đất của gia đình ông tranh chấp với ông Đặng Tằng S và vụ việc đã được Toà án giải quyết giao thửa đất đó cho ông Đặng Tằng S được quyền quản lý, sử dụng.

Khoảng năm 2009 - 2010 ông có nhìn thấy gia đình ông Chu Văn C khai thác nhựa thông trên diện tích đất tranh chấp. Ông Triệu Sinh Đ khai ông không nắm được diện tích đất tranh chấp ai là người quản lý và sử dụng. Ông Triệu Văn D khai nguồn gốc đất tranh chấp là của Hợp tác xã M quản lý, đến năm 1993 Hợp tác xã M tan người dân ở các nơi khác nhau đến khai thác cây thông do Hợp tác xã M trồng để đem đi Trung Quốc bán. Khoảng năm 1994, 1995 ông có được nhìn thấy ông Đặng Tằng S trồng thông trên diện tích đất tranh chấp. Ranh giới rõ ràng tại biên bản hoà giải giữa hai thôn T và thôn B là ranh giới giáp với thửa đất của ông Lương Văn Tàu. Ông Triệu Văn Q, ông Vi Văn Đ đều khai nguồn gốc đất tại khu đồi Kéo Khon – Cốc có là của Hợp tác xã M, trong quá trình Hợp tác xã M quản lý và sử dụng đã trồng thông, quản lý chung không giao đất cho hộ cá nhân nào, đến năm 1986 Hợp tác xã M không quản lý, các hộ dân xung quanh đến khai thác, nhận đất quản lý. Những người làm chứng trên đều yêu cầu Toà án giải quyết xét xử vắng mặt.

Tại văn bản số 936/UBND-TNMT ngày 22/2/2022 của Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn trình bày về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T đối với thửa đất 403, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 02/8/2019 Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 4082/QĐ- UBND về việc huỷ bỏ việc công nhận quyền sử dụng đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ ông Dương Trùng H và bà Hoàng Thị T đối với thửa đất 403, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M với lý do thu hồi cấp không đúng đối tượng sử dụng đất. Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thửa đất 403, tờ bản đồ số 04 đang quy hoạch vào mục đích đất rừng sản xuất, đủ điều kiện được Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tại công văn số 36a/CV-KL, ngày 07/3/2022 của Hạt kiểm lâm huyện L về hồ sơ giao đất lâm nghiệp, những hộ gia đình được giao đất còn được lưu tại Sổ lâm bạ xã M, tuy nhiên sau nghiên cứu, tra cứu không thể hiện thông tin gì về hai hộ gia đình ông Đặng Tằng S và gia đình ông Chu Văn C. Tại Bản án số 07/2014/DS-PT, ngày 22/01/2014 của Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc tranh chấp quyền sử dụng đất bồi thường thiệt hại về tài sản đã giải quyết gia đình ông Đặng Tằng S và bà Dương A M được quản lý và sử dụng thửa đất số 09, tờ bản đồ số 01, bản đồ đất lâm nghiệp xã H; thửa đất số 405, tờ bản đồ số 04, bản đồ đất lâm nghiệp xã M. Tại Bản án số 08/2018/DS-PT, ngày 05/02/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chấp nhận yêu cầu của ông Đặng Tằng S yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trên thửa đất số 09, tờ bản đồ số 01, bản đồ đất lâm nghiệp xã H; thửa đất số 403, 405, tờ bản đồ số 04, bản đồ đất lâm nghiệp xã M.

Với nội dung trên, Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn đã Căn cứ vào các Điều 3, 4, 166, 170, 179, 203 Luật Đất đai năm 2013; các Điều 158, 160, 161, 163, 164, 169, 189, 221, 235, 280, 357, 468, 584, 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158, khoản 1 Điều 165, Điều 166, khoản 2 Điều 227, 228, Điều 229; Điều 271, khoản 1, 3 Điều 273, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, 14, 15, 26, điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 3/12/2016 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông Đặng Tằng S được quyền quản lý và sử dụng diện tích đất là 6.028m2 thuộc một phần thửa đất số 403 tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn và được quyền sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất.

Diện tích đất có tứ cận tiếp giáp và độ dài các cạnh thể hiện bởi hình vẽ nối các điểm A2-A3-A4-A5-A7-A11-A12 (ký hiệu số thửa tạm là 403.1) thể hiện tại Trích đo khu đất kèm theo Bản án.

Gia đình ông Đặng Tằng S có nghĩa vụ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Chấp nhập một phần yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại về tài sản là 18 cây sa mộc và 01 cây thông, mỗi cây trị giá là 16.000 đồng (mười sáu nghìn đồng). Buộc anh Chu Văn T phải có trách nhiệm thanh toán cho ông Đặng Tằng S với số tiền là 304.000 đồng (ba trăm linh bốn nghìn đồng).

3. Buộc anh Chu Văn T và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bên phía gia đình anh Chu Văn T chấm dứt hành vi tranh chấp với gia đình ông Đặng Tằng S đối với diện tích đất nêu tại mục 1.

4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đặng Tằng S yêu cầu được quản lý và sử dụng diện tích là 46,3m2 thuộc một phần thửa đất số 402 (ký hiệu thửa tạm 402.1) tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn và tài sản trên đất. Diện tích đất có tứ cận tiếp giáp và độ dài các cạnh thể hiện bởi hình vẽ nối các điểm A2-A3-A4-A5-A7-A11-A12 (ký hiệu số thửa tạm là 402.1) thể hiện tại Trích đo khu đất kèm theo Bản án.

5. Về chi phí xem xét, thẩm đinh tại chỗ, định giá tài sản:

Ông Đặng Tằng S phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 2.542.000 đồng (hai triệu năm trăm bốn mươi hai nghìn đồng). Xác nhận ông Đặng Tằng S đã nộp đủ.

Anh Chu Văn T phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 10.958.000 đồng. Anh Chu Văn T có trách nhiệm hoàn trả cho ông Đặng Tằng S số tiền là 10.958.000 đồng (mười triệu chín trăm năm mươi tám nghìn đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản.

Ngoài ra cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, lãi xuất chậm trả tại thời điểm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn luật định ngày 20/6/2022 bị đơn anh Chu Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm. Buộc nguyên đơn ông Đặng Tằng S phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng. Ngày 15/7/2022, anh Chu Văn T có đơn kháng cáo bổ sung, đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo, sửa Bản án sơ thẩm, cho anh được quản lý sử dụng diện tích 6.028 m2 đất đang tranh chấp, thuộc một phần thửa đất 403, tờ bản đồ số 04 bản đồ địa chính xã M và sở hữu toàn bộ tài sản trên đất, bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về tài sản của nguyên đơn. Yêu cầu cấp phúc thẩm đi xem xét thẩm định tại chỗ lại diện tích đất tranh chấp. Tài liệu chứng cứ kèm theo gồm: 01 Biên bản ghi lời khai của ông Đặng Tằng S, Biên bản ghi lời khai của ông Dương Trùng H (Học), Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư; Thông báo niêm yết công khai và danh sách công khai.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn anh Chu Văn T và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào mảnh trích đo ngày 18/01/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm. Không căn cứ vào mảnh trích đo ngày 05/9/2022 do anh Chu Văn T tự thuê Công ty cổ phần tư vấn Tài nguyên số 1 Lạng Sơn nữa, với lý do Công ty đã đo cả phần thửa đất số 09 và 405 ông Đặng Tằng S đã rút yêu cầu khởi kiện, nên số liệu cao hơn. Chỉ đồng ý với biên bản xem xét thẩm định về kiểm đếm và xác định số cây trên đất ngày 05/9/2022 của Hội đồng cấp phúc thẩm. Đối với phần chi phí đo đạc ông tự nguyện chịu toàn bộ. Về nội dung kháng cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu và đề nghị sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

Nguyên đơn ông Đặng Tằng S và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Lạng Sơn và chỉ đồng ý căn cứ vào mảnh trích đo ngày 18/01/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm, không đồng ý với mảnh trích đo của anh Chu Văn T tự thuê đo vẽ ngày 05/9/2022. Chỉ nhất trí với biên bản xem xét thẩm định lại của cấp phúc thẩm về xác định các cây trên đất tranh chấp.

Ý kiến phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm. Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa; Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định pháp luật.Việc tuân theo pháp luật của nguyên đơn, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm thực hiện đúng quy định pháp luật. Đơn kháng cáo của bị đơn anh Chu Văn T làm trong thời hạn luật định, nên kháng cáo là hợp lệ.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị đơn đã cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới phục vụ cho việc kháng cáo của mình. Về nguồn gốc đất các bên đương sự đều trình bày nguồn gốc đất của Hợp tác xã M quản lý trồng thông từ những năm 1960, sau khi tan HTX nhiều người dân đến chặt phá cây mang đi Trung Quốc bán và tự khoanh đất để sử dụng, do đó có căn cứ xác định nguồn gốc đất là của HTX M. Việc quản lý, sử dụng đất tranh chấp, nguyên đơn ông S trình bày về việc trồng cây thông có mẫu thuẫn, không thống nhất, không phù hợp với thông tin của UBND xã M. Về ranh giới đất tranh chấp, các đương sự đều nhất trí kết quả xem xét thẩm định tại chỗ lần 1 và lần 2, điều đó cũng phù hợp với lời khai của ông Triệu Văn D là trưởng thôn T, xã M thời điểm khi xảy ra tranh chấp việc cạo nhựa thông năm 2010. Đối với thửa đất số 403, thời điểm năm 2012 các đương sự có tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng ông S, ông C đã rút yêu cầu nên không giải quyết. Sau đó gia đình anh T thực hiện các thủ tục kê khai thửa 403, khi niêm yết công khai thì ông S có đơn không cấp GCNQSDĐ cho anh T nên mới xảy ra tranh chấp, việc chứng minh quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp của nguyên đơn là không có căn cứ, Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được quản lý, sử dụng đất và cây trên đất là không có căn cứ. Bản án sơ thẩm tuyên nguyên đơn được sở hữu toàn bộ tài sản cây trên đất nhưng không xác định rõ các cây trên diện tích đất nguyên đơn đã rút tại thửa 405, thửa 402 và thửa 09 là không chính xác. Do bị đơn chứng minh được việc quản lý, sử dụng đất và các tài sản cây trên đất nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn, anh T được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất trên và sở hữu các cây trồng trên đất và có trách nhiệm thanh toán giá trị 380 cây thông có đường kính gốc dưới 5cm, 02 cây sở, 14 cây sa mộc cho ông Đặng Tằng S.

Về chi phí tố tụng: Do có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn nên nguyên đơn phải chịu chi phí tố tụng của ngày 18/01/2022 (lần 1) tại cấp sơ thẩm với số tiền 13.500.000đồng. Chi phí đo đạc, thẩm định ngày 05/9/2022 (lần 2) bị đơn tự nguyện chịu nên ghi nhận sự nguyện của bị đơn.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 16/6/2022 của TAND huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Về án phí xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nhưng họ đã có văn bản ủy quyền và đơn xin xét xử vắng mặt, một số người làm chứng vắng mặt đã có đơn xin xét xử vắng mặt và đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2; ý kiến của nguyên đơn, bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa và Kiểm sát viên đề nghị xét xử vắng mặt họ. Hội đồng xét xử sau khi thảo luận tại chỗ, đã áp dụng Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn anh Chu Văn T, đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng cáo của anh, sửa Bản án sơ thẩm đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng đối với diện tích 6028 m2 thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn và được sở hữu toàn bộ cây Thông trên đất. Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tài sản của nguyên đơn. Chi phí tố tụng tại cấp sơ thẩm ông S phải chịu toàn bộ. Anh cho rằng; thửa đất nêu trên gia đình anh đã quản lý, sử dụng từ năm 1970 cùng thời với ông Lường Văn T (thửa số 402) và bố của anh là ông Chu Văn C, cùng nhau đi nhận đất để quản lý, sử dụng trồng cây Thông, năm 1990 đã khai thác gỗ thông bán sang Trung Quốc. Năm 1992 -1993 tiếp tục trồng cây Thông trên đất hiện nay đang tranh chấp, đến năm 2009-2010 đã khai thác nhựa Thông, cũng năm 2010 gia đình anh đã bắt quả tang ông Đặng Tằng S cạo trộm nhựa thông, nên đã làm đơn ra hai Thôn (thôn T, xã M và thôn B, xã H ) để giải quyết. Khi đó Trưởng hai thôn và gia đình anh với ông S đều có mặt tại thực địa. Kết luận của 02 trưởng thôn: Đất đã có ranh giới bằng đường rãnh rõ ràng, bên ai người đó quản lý... Bị đơn cho rằng đường rãnh do ông Chu Văn C (bố anh T) và ông Lường Văn T đào từ những năm 1980 và năm 1993. Năm 2011 ông S được khai thác cây thông tại thửa đất 09 và 405 đã được cấp GCNQSDĐ cho ông S, nhưng ông lại khai thác sang phần của thửa đất số 403 nên đã xảy tranh chấp và bị đơn mới phát hiện thửa đất 403 đã được cấp GCN mang tên ông Dương Trùng H. Năm 2013 ông Đặng Tằng S khởi kiện về tranh chấp quyền sử dụng đất đối với thửa 403, Tòa án nhân dân huyện L đã thụ lý để giải quyết, sau khi đi xem xét thẩm định tại chỗ xong, ông S là người đã rút đơn khởi kiện đối với ông Chu Văn C (bố anh T) đối với thửa đất 403. Năm 2014 và các năm tiếp theo anh Chu Văn T đã có đơn khiếu nại đến UBND xã M và UBND huyện L để xem xét thu hồi GCN đã cấp cho ông Dương Trùng H, qua nhiều năm xác minh, đến năm 2019 UBND huyện L đã có quyết định thu hồi GCN đối với ông Dương Trùng H và anh đã đi kê khai cấp GCNQSDĐ mới xảy ra tranh chấp với ông S. Nay ông Đặng Tằng S khởi kiện yêu cầu được quản lý sử dụng diện tích 6028 m2 thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L và yêu cầu được quản lý các cây trên đất cùng các cây thông con ông mới trồng năm 2017 và yêu cầu anh bồi thường 18 cây xa mộc với số tiền 3.800.000 là không có căn cứ, vì ông S đã cố tình trồng khi đang có tranh chấp, nên anh kháng cáo đề nghị đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng cáo của anh, sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm.

[3] Hội đồng xét xử thấy rằng: việc thu thập và đánh giá chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập và xác định đúng vị trí, địa danh đất tranh chấp; định giá tài sản đúng quy định pháp luật. Thể hiện tại các Văn bản yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan, Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ; Biên bản định giá theo giá Nhà nước, giá chuyển nhượng tại địa phương của các bên đương sự. Tuy nhiên, trong biên bản xem xét thẩm định Tòa án cấp sơ thẩm không xác định rõ số lượng cây trên đất của từng thửa đất số 09, 405, 402 và 403 gồm có bao nhiêu cây, gồm những cây gì trên các thửa đất? Sau khi có kết quả đi xem xét thẩm định tại chỗ và tại phiên tòa nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện đối với thửa số 09 và 405 đã được cấp GCNQSDĐ cho nguyên đơn, thửa đất số 402 của ông Lường Văn T, nhưng cấp sơ thẩm không xác định trên diện tích các thửa đất trên có bao nhiêu cây thông các loại theo biên bản thẩm định, do đó không xác định được trên thửa đất 403 đang tranh chấp, có bao nhiêu cây thông to... bao nhiêu cây thông nhỏ và cây xa mộc, cây sở mới trồng năm 2017 (bút lục số 179 đến 181). Mặt khác, bị đơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh đi xem xét thẩm định lại, tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 05/9/2022 đã xác định được cây thông có đường kính gốc 30 đến 45cm là 19 cây, đường kính gốc từ 20 đến 30cm có 12 cây; từ 10 đến 20cm có 05 cây và đường kính gốc từ 08 đến 10cm có 05 cây; cây thông có đường kính gốc dưới 05cm có 400 cây. Trong đó: Có 20 cây thông đường kính gốc dưới 05cm và 01 cây thông đường kính gốc 20 đến 30cm nằm trong thửa đất số 405 theo GCN mang tên ông Đặng Tằng S. Cây xa mộc đường kính gốc dưới 05cm có 18 cây, trong đó có 14 cây đã bị chặt ngọn hiện đang tái sinh chồi, do nguyên đơn trồng 2017-2018. Trong đó: Có 02 cây nằm trong thửa đất số 09 theo GCN mang tên ông Đặng Tằng S; 02 cây nằm trong thửa đất 402 hiện mang tên ông Lường Văn T, đang quản lý sử dụng. Số còn lại 14 cây nằm trong thửa 403. Cây sở có 03 cây, trong đó 02 cây nằm trong thửa 403, 01 cây nằm trong thửa 09 đất ông S quản lý, sử dụng. Tại phiên tòa hôm nay, các bên đương sự đều nhất trí với biên bản định giá tài sản tranh chấp theo giá Nhà nước; ngoài ra còn một số cây gỗ tạp nguyên đơn và bị đơn không yêu cầu kiểm đếm để định giá và nhất trí theo mảnh trích đo ngày 18/01/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm, không đồng ý với mảnh trích đo ngày 05/9/2022 của bị đơn tự thuê đo vẽ. Tại mục 1. phần Quyết định của Bản án sơ thẩm tuyên "Chấp nhận... ông Đặng Tằng S được quyền quản lý và sử dụng diện tích đất là 6.028m2 thuc một phần thửa đất số 403 ...và được quyền sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất...". Tuy nhiên, không tuyên cụ thể số cây trên đất, gồm có bao nhiêu cây thông to, bao nhiêu cây thông nhỏ, cây xa mộc, cây sở mới trồng. Tại mục 2. phần Quyết định của Bản án tuyên "Chấp nhập một phần... về tài sản là 18 cây sa mộc và 01 cây thông, mỗi cây trị giá là 16.000 đồng (mười sáu nghìn đồng). Buộc anh Chu Văn T phải có trách nhiệm thanh toán cho ông Đặng Tằng S với số tiền là 304.000 đồng". Tuyên như vậy là không đảm bảo quyền lợi của bị đơn, vì trong tổng 18 cây xa mộc có 02 cây thuộc thửa số 09 đất ông S đang quản lý sử dụng; 02 cây nằm trong thửa 402 của ông Lường Văn T, nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện, như vậy bị đơn chỉ còn phải bồi thường thiệt hại của14 cây xa mộc nằm trong thửa số 403 đang tranh chấp mới chính xác.

[4] Xét kháng cáo yêu cầu được quản lý sử dụng diện tích đất tranh chấp là 6.028m2, thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04; Hội đồng xét xử thấy rằng: nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận nguồn gốc đất là của Hợp tác xã (HTX) M quản lý, sử dụng sau khi HTX giải thể, người dân đã đến khai thác cây thông bán sang Trung Quốc, nên trở thành đồi núi trọc, người dân xã M và xã H, huyện L đã tự đến khoanh vùng quản lý sử dụng. Đồng thời, theo lời khai của người làm chứng là ông Lường Văn T thì năm 1970 ông và ông Chu Văn C (bố bị đơn) đã tự đi nhận đất và đào rãnh phân định ranh giới, quản lý và trồng thông trên phần đất đã nhận, đất của ông Tàu ở phía trên, tiếp đó là đến ông Chu Văn C phía dưới và tiếp xuống phía dưới là đất ông S quản lý, có nhìn thấy ông Chu Văn C là người phát quang, chăm sóc cây thông (BL.234). Đến năm 2009-2010 gia đình ông C đi khai thác nhựa thông đã phát hiện ông Đặng Tằng S đã trộm nhựa thông của ông C, nên xảy ra tranh chấp, sự việc đã được hai thôn (thôn T, xã M và thôn B, xã Hữu Khánh) tiến hành hòa giải và kết luận đất đã có ranh giới, thuộc gia đình nào gia đình đó quản lý, không lấn chiếm của nhau (BL.

129-130). Hơn nữa, tại Bản án sơ thẩm năm 2013 của TAND huyện L và Bản án phúc thẩm số 07/2014 của TAND tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện rõ, khi ông Đặng Tằng S khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại các thửa 09; 405 và thửa 403, sau khi có kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thì ông Đặng Tằng S đã tự nguyện rút yêu cầu khởi kiện đối với ông Chu Văn C về thửa đất số 403, lý do đất không nằm trong diện tích thửa 09 và 405 ông S đã được cấp GCNQSDĐ. Đồng thời ông Chu Văn C cũng đã rút yêu cầu phản tố (BL. 27). Ngày 09/7/2014 và các lần tiếp theo anh Chu Văn T đã có đơn đề nghị UBND huyện L thu hồi GCNQSDĐ đã được cấp cho hộ ông Dương Trùng H (BL. 133,134,135). Đến ngày 02/8/2019 UBND huyện L đã ban hành quyết định hủy bỏ và thu hồi GCNQSDĐ của hộ ông Dương Trùng H, với lý do cấp không đúng đối tượng...

(BL.136). Mặt khác, tại Bản án số 11/2017 của TAND huyện L thụ lý giải quyết về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại mục [3] của Bản án đã nhận định "...Ông Đặng Tằng S còn khai thác ở một phần thửa đất số 403, thửa đất này đã được UBND huyện L cấp GCNQSDĐ cho ông Dương Trùng H (BL. 59). Vụ án này gia đình anh Chu Văn T đã có hành vi cản trở ông Đặng Tằng S vận chuyển gỗ đã khai thác nên phải bồi thường, vì cây Thông đã khai thác còn lại không vận chuyển được đã bị mục nát không sử dụng được và không xác định được cây thông đã khai thác nằm trên các thửa đất 09, 405 và 403 là bao nhiêu. Hơn nữa lời khai của các người làm chứng cũng khai nhận ông Chu Văn C là người quản lý sử dụng thửa đất 403 từ khi HTX giải thể và thấy gia đình ông Chu Văn C khai thác nhựa thông từ những năm 2009-2010, lời khai đó phù hợp với biên bản hòa giải của hai thôn như đã nêu trên. Việc quản lý, sử dụng đất tranh chấp, nguyên đơn ông Đặng Tằng S trình bày về việc trồng cây thông có mẫu thuẫn, không thống nhất, tại đơn khởi kiện ông cho rằng năm 1992 được nhà nước giao khoảng 2000 cây thông con, nhưng tại biên bản hòa giải ngày 22/4/2022 ông lại cho rằng giống cây thông lấy từ HTX M khoảng 1000 cây, tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa hôm nay ông lại trình bày lấy cây con từ nơi khác về trồng. Theo thông tin của UBND xã M cung cấp năm 1992 trên địa bàn xã không có dự án cấp giống cây nào, do đó ông Đặng Tằng S trình bày được giao cây thông giống là không có cơ sở. Tại biên bản lấy lời khai của ông Dương Trùng H ngày 15/6/2016 (có trong hồ sơ vụ án) thì ông Dương Trùng H khai diện tích đất đã được cấp GCN cho gia đình ông không có cạnh nào tiếp giáp với đất của ông Đặng Tằng S, chỉ tiếp giáp với ông Đ, thôn P, xã Đ; giáp ông K, thôn B, xã H (BL.132). Tại phiên tòa sau khi công bố những lời khai của người làm chứng và người có quyền lợi liên quan, thấy rằng ông Đặng Tằng S đều khai mâu thuẫn và không phù hợp với lời khai của chính ông tại các bút lục 08, 11 và 344, 345 có trong hồ sơ vụ án.

[5] Từ những phân tích, nhận định nêu trên, có căn cứ khẳng định diện tích 6.028m2 đất thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, gia đình ông Chu Văn C (bố của anh T) đã quản lý sử dụng trước năm 1992 và trước khi ông Dương Trùng H được cấp GCNQSDĐ năm 2011, theo GCN thì thửa đất số 403 có tổng diện tích là 8.270m2. Nên việc UBND huyện L thu hồi hủy bỏ GCN đã cấp cho ông Dương Trùng H là có căn cứ. Sau đó anh Chu Văn T đã hoàn tất thủ tục kê khai xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa 403 là đúng. Tuy nhiên, do ông Đặng Tằng S có đơn khiếu nại về việc xin cấp Giấy của anh T, nên chưa được cấp và xảy ra tranh chấp. Khi thụ lý giải quyết Tòa án cấp sơ thẩm đã căn căn cứ vào mục [2] và mục [3] phần nhận định của Bản án phúc thẩm số 08/2018 ngày 05/02/2018 của TAND tỉnh Lạng Sơn, để làm căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Tằng S, xử cho ông được quản lý sử dụng 6.028m2 thuộc một phần thửa 403, tờ bản đồ 04. Bác yêu cầu của ông S đối với diện tích còn lại là 2.242m2 của thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04. Như vậy là chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh Chu Văn T. Bởi, tại mục [2] và mục [3] phần nhận định của Bản án số 08/2018 ngày 05/02/2018 của TAND tỉnh Lạng Sơn đã vi phạm Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng do phần quyết định của Bản án tuyên giữ nguyên quyết định sơ thẩm của Bản án số 11/2017/DS-ST ngày 14/9/2017 của Tòa án huyện L. Do đó, nội dung nhận định của Bản án phúc thẩm nêu trên không phải những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong Bản án, theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự. Mặt khác, tại văn bản số 936/UBND-TNMT ngày 22/02/2022 của UBND huyện L, tỉnh Lạng Sơn cho rằng việc thu hồi GCN của hộ ông Dương Trùng H là đúng quy định pháp luật. Do cấp không đúng đối tượng sử dụng đất và do không xác định đối tượng sử dụng đất đối với thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04 thuộc quyền quản lý của ai. Như vậy, có căn cứ khẳng định bị đơn là người đang quản lý sử dụng, phù hợp với biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 18/01/2022, phù hợp với các biên bản công khai chứng cứ và hòa giải của Tòa án cấp sơ thẩm. Từ những phân tích trên, có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án sơ thẩm đối với phần đất đang tranh chấp, diện tích là 6.028m2 thuộc một phần thửa đất số 403, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì có căn cứ.

[6] Đối với tài sản trên đất là 18 cây xa mộc; 03 cây sở và 400 cây thông đều có đường kính gốc dưới 05cm, do nguyên đơn trồng năm 2017-2018, theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 18/01/2022 và ngày 05/9/2022 thấy rằng; trong tổng 18 cây xa mộc, có 02 cây nằm trong thửa đất số 402 do ông Lường Văn T đang quản lý; 02 cây nằm trong thửa đất số 09 do ông S quản lý và 02 diện tích đất này ông S đã rút yêu cầu khởi kiện, nên xác định còn lại 14 cây nằm trong thửa đất số 403. Đối với 400 cây thông có 20 cây nằm trong thửa đất số 405, ông Đặng Tằng S đã rút yêu cầu khởi kiện đối với thửa đất này, số còn lại là 380 cây nằm trong thửa đất số 403. Đối với 03 cây sở thì có 01 cây nằm trong thửa 09, thửa đất này ông Đặng Tằng S cũng đã rút yêu cầu khởi kiện, còn lại 02 cây nằm trong thửa 403. Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết chưa xem xét cụ thể các cây thông, cây xa mộc, cây sở trên từng vị trí các thửa đất là thiếu sót. Hội đồng xét xử thấy rằng: 380 cây thông, 02 cây sở và 14 cây xa mộc đều do nguyên đơn trồng năm 2017-2018, có đường kính gốc tương đồng là dưới 05cm và nằm trong diện tích 6.028m2 thuộc thửa đất số 403, bị đơn yêu cầu được quản lý diện đất tranh chấp và yêu cầu nguyên đơn di dời các cây này đi nơi khác là có cơ sở. Tuy nhiên, các loại cây này nguyên đơn đã trồng từ năm 2017, hiện đã và đang phát triển bình thường, nếu phải di dời sẽ không đảm bảo độ sống và sinh trưởng và gây bất lợi cho nguyên đơn. Tại phiên tòa sau khi phân tích, bị đơn đã đồng ý có trách nhiệm thanh toán giá trị các cây này cho nguyên đơn theo giá của Hội đồng định giá cấp sơ thẩm, cụ thể: 380 cây Thông và 14 cây xa mộc đường kính gốc dưới 05cm, có giá trị là 16.000đồng/1 cây, 02 cây sở đường kính gốc dưới 05cm, có giá trị là 38.000đồng/1cây, bị đơn có quyền quản lý và sở hữu số cây trên. Hội đồng xét xử thấy cần ghi nhận vì quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đã được đảm bảo.

[7] Về chi phí tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác nhận nguyên đơn ông Đặng Tằng S đã nộp 13.500.000 đồng tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản ngày 18/01/2022 (lần 1). Sau khi có kết quả tại phiên tòa nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với các thửa 09, 405 và 402 nên nguyên đơn phải chịu một phần chi phí tố tụng đối phần đã rút. bị đơn phải chịu phần còn lại là 10.958.000đồng, do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định. Tuy nhiên, trong hạn luật định bị đơn có đơn kháng cáo và yêu cầu cấp phúc thẩm thành lập hội đồng đi xem xét thẩm định và định giá lại số cây trồng trên đất tranh chấp và tự thuê Công ty cổ phần tư vấn Tài nguyên số 1 Lạng Sơn đo vẽ lại mảnh trích đo. Tại phiên tòa hôm nay, bị đơn cho rằng, sau khi nhận được kết quả đo vẽ (sơ họa mảnh trích đo) có số diện tích khác hơn so với mảnh trích đo ngày 18/01/2022 (lần 1) của Tòa án cấp sơ thẩm. Nên đề nghị Hội đồng xét xử không căn cứ vào mảnh trích đo của Công ty cổ phần tư vấn Tài nguyên số 1 Lạng Sơn nữa, mà bị đơn chỉ đồng ý sử dụng mảnh trích đo ngày 18/01/2022 của cấp sơ thẩm để giải quyết, mọi chi phí tố tụng của ngày 05/9/2022 (lần 2) bị đơn xin tự nguyện chịu toàn bộ. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, do sửa Bản án sơ thẩm, nên yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Tằng S không được chấp nhận đối với diện tích 6.028m2 đất, thuộc một phần của thửa đất số 403 và không xem xét giải quyết đối với các diện tích thuộc thửa đất số 09; 405 và 402 do ông Đặng Tằng S đã rút yêu cầu khởi kiện. Nên ông S phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng của ngày 18/01/2022 (lần 1). Xác nhận ông S đã nộp đủ số tiền là 13.500.000đồng (mười ba triệu năm trăm nghìn đồng). Anh Chu Văn T phải tự chịu số tiền chi phí tố tụng ngày 05/9/2022 (lần 2). Tổng số tiền là 16.014.000 đồng. Xác nhận anh Chu Văn T đã nộp đủ.

[8] Đối với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, không được Hội đồng xét xử chấp nhận, vì không có căn cứ và không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[9] Đối với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, được Hội đồng xét xử chấp nhận, vì có căn cứ và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[10] Đối với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, được Hội đồng xét xử chấp nhận, vì phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[11] Về án phí sơ thẩm: Ông Đặng Tằng S phải chịu toàn bộ tiền án phí sơ thẩm. Nhưng do ông là người cao tuổi, dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn tiền án phí. Do đó ông Đặng Tằng S được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[12] Về án phí phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm, nên anh Chu Văn T không phải chịu, trả lại cho anh Chu Văn T số tiền 300.000 đồng đã nộp, theo Biên lai thu tiền của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

[13] Các quyết định khác của bản dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308; Điều 309; Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Chấp nhận kháng cáo của anh Chu Văn T. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 16/6/2022 của TAND huyện L, tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể như sau:

Căn cứ vào các Điều 3, 4, 166, 170, 179, 203 Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ vào các Điều 158, 160, 161, 163, 164, 169, 189, 221, 235 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 158, khoản 1 Điều 165, Điều 166, khoản 2 Điều 227, 228, Điều 229; Điều 271, khoản 1, 3 Điều 273, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;

1. Anh Chu Văn T, được quyền quản lý và sử dụng diện tích đất là 6.028m2 thuộc một phần thửa đất số 403 tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp xã M, huyện L, tỉnh Lạng Sơn và được quyền sở hữu toàn bộ tài sản gắn liền với đất gồm có: 19 cây thông có đường kính gốc 30 đến 45cm; 11 cây đường kính gốc từ 20 đến 30cm; 05 cây từ 10 đến 20cm và 05 cây đường kính gốc từ 08 đến 10cm; 380 cây thông; 02 cây sở 14 cây xa mộc đều có đường kính gốc dưới 05cm. Diện tích đất có tứ cận tiếp giáp và độ dài các cạnh thể hiện bởi hình vẽ nối các điểm A2-A3-A4-A5-A7-A11-A12 (ký hiệu số thửa tạm là 403.1) thể hiện tại Trích đo khu đất kèm theo Bản án.

Gia đình anh Chu Văn T có nghĩa vụ kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật đất đai.

2. Buộc anh Chu Văn T phải có trách nhiệm thanh toán giá trị 380 cây thông x 16.000 đồng/cây = 6.080.000 đồng + 14 cây xa mộc x 16.000đ/cây = 224.000đồng + 02 cây sở x 38.000đồng/cây = 76.000 đồng. Tổng cộng là 6.380.000 đồng. (sáu triệu, ba trăm tám mươi nghìn đồng) cho ông Đặng Tằng S.

3. Về nghĩa vụ chịu lãi suất chậm trả: Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền phải thi hành án mà người phải thi hành án chậm thi hành án thì còn phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh chậm trả được quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Buộc ông Đặng Tằng S và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bên phía gia đình ông Đặng Tằng S chấm dứt hành vi tranh chấp với gia đình ông Chu Văn T đối với diện tích đất nêu tại mục 1.

5. Về chi phí xem xét, thẩm đinh tại chỗ, định giá tài sản:

Ông Đặng Tằng S phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản ngày 18/01/2022 (lần 1) là 13.500.000 đồng (mười ba triệu năm trăm nghìn đồng). Xác nhận ông Đặng Tằng S đã nộp đủ.

Anh Chu Văn T phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản ngày 05/9/2022 (lần 2) là 16.014.000 đồng (mười sáu triệu không trăm mười bốn nghìn đồng). Xác nhận ông Chu Văn T đã nộp đủ.

6. Về án phí sơ thẩm: Ông Đặng Tằng S được miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

7. Về án phí phúc thẩm: Anh Chu Văn T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho anh Chu Văn T số tiền 300.000 đồng, đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0005152 ngày 12/7/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

8. Các quyết định khác của bản dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

298
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, yêu cầu BTTH tài sản, yêu cầu chấm dứt hành vi tranh chấp số 45/2022/DS-PT

Số hiệu:45/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:17/10/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về