Bản án về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận số 01/2021/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 01/2021/KDTM-PT NGÀY 21/07/2021 VỀ TRANH CHẤP PHÁT SINH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI GIỮA TỔ CHỨC CÓ ĐĂNG KÝ KINH DOANH VỚI NHAU VÀ ĐỀU CÓ MỤC ĐÍCH LỢI NHUẬN

Ngày 21 tháng 7 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2021/TLPT-KDTM ngày 08 tháng 3 năm 2021 về việc “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Toà án nhân dân thành phố N bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2021/QĐ-PT ngày 07 tháng 06 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2021/QĐ-PT ngày 25/6/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đ, năm 2018 đổi tên là Công ty cổ phần Tập đoàn Đ theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần đăng ký thay đổi lần thứ 7 ngày 19/9/2018 (sau đây viết tắt là Công ty Đ); địa chỉ: Xóm 2, xã C (nay là thôn CT, xã XC), huyện K, tỉnh Ninh Bình.

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Đoàn Văn Q, Chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Công ty luật T; địa chỉ: Số 15E, lô A10, khu đô thị NTY, đường NC, phường YH, quận CG, Thành phố Hà Nội là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 15 tháng 6 năm 2021).

Người đại diện hợp pháp của Công ty luật T: Ông Nghiêm Xuân T1 và bà Nguyễn Thị Phương H; địa chỉ: Số 15E, lô A10, khu đô thị NTY, đường NC, phường YH, quận CG, Thành phố Hà Nội là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 23 tháng 6 năm 2021).(có mặt)

2. Bị đơn: Công ty cổ phần S Ninh Bình, năm 2019 đổi tên là Công ty cổ phần A theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 25/4/2019 (sau đây viết tắt là Công ty S); địa chỉ: Phố KĐ, phường NK, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị P, Tổng giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Lương Văn K1; địa chỉ: Đội 1, VT, xã K2, huyện Y, tỉnh Ninh Bình là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 16/12/2019). (có mặt)

3. Người làm chứng:

3.1. Ông Lương Chiêu T2, Địa chỉ: Phố KĐ, phường NK, thành phố N, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.2. Ông Lê Anh Đ; Địa chỉ: Xóm 2, xã KC, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.3. Ông Đoàn Hải D; Địa chỉ: Xóm 2, xã C, huyện K, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.4. Ông Đoàn Văn T3; Địa chỉ: Xóm 4, xã KC, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.5. Ông H1 Văn D1 (H1 V1 D1); Địa chỉ: Xã PN, huyện BT, tỉnh Lào Cai. (vắng mặt)

3.6. Ông Quách Hồng T4; Địa chỉ: Số nhà 229, phố LĐH, phường KT, thành phố LC, tỉnh Lào Cai. (vắng mặt)

3.7. Ông Nguyễn Văn T5 (Nguyễn Duy T5); Địa chỉ: Xóm 3A, xã Khánh Nhạc, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.8. Ông Nguyễn Quốc V1; Địa chỉ: Số nhà 181, đường ĐB, tổ 26A, phường DH, thành phố LC, tỉnh Lào Cai. (vắng mặt)

3.9. Ông Đinh Nguyên H1; Địa chỉ: Số 155, NTH, phường ĐB, quận BĐ, thành phố Hà Nội. (vắng mặt)

3.10. Ông Quách Cao T6; Địa chỉ: Thôn LT, xã GL, huyện GV, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.11. Ông Trần Anh B; Địa chỉ: Xóm 3, xã QT, huyện K, tỉnh Ninh Bình . (vắng mặt)

3.12. Ông Hoàng Văn L1; Địa chỉ: xóm 3B, xã KN, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.13. Ông Phạm Văn L2 ; Địa chỉ: xóm 9, xã KN, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.14. Ông Lương Anh V2; Địa chỉ: Đội 1, VT, xã K2, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (có mặt)

3.15 Ông Lê Xuân Đ1; Địa chỉ: Xóm 2, VT, xã K2, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (có mặt)

3.16. Ông Nguyễn Xuân D2; Địa chỉ: Xóm 14, xã KC, huyện Y, tỉnh Ninh Bình. (có mặt)

3.17. Ông Đoàn Văn K1; Địa chỉ: Thôn CT, xã XC, huyện K, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.18. Ông Trần Trung T7; Địa chỉ: Thôn CT, xã XC, huyện K, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.19. Ông Phạm Tuấn D3; Địa chỉ: Thôn CT, xã XC, huyện K, tỉnh Ninh Bình. (vắng mặt)

3.20. Ông Đoàn Văn D4; Địa chỉ: Thôn CT, xã XC, huyện K, tỉnh Ninh Bình.

(vắng mặt)

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn, Công ty Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các đơn bổ sung đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng tại Tòa án Công ty Đ trình bày:

Năm 2009, Công ty Đ và Công ty CTT trúng thầu gói thầu số 5 tại TCT, huyện BH, tỉnh Lào Cai. Do có mối quan hệ quen biết giữa bà Phạm Thị Th, Phó Giám đốc Công ty Đ, là bạn học phổ thông với ông Lương Chiêu T2 là anh trai của ông Lương Văn K1, Giám đốc Công ty S. Ngày 10/8/2014, Công ty Đ đã ký hợp đồng thi công xây dựng số: 668/2014/ HĐXD để thi công gói thầu số 5 nói trên. Trong quá trình thi công gói thầu nói trên, hai Công ty Đ và Công ty S thường xuyên có mối quan hệ vay mượn tài sản là tiền mặt, vật tư như: Base trải đường, xi măng, đá các loại và mua chịu dầu của nhau.v.v… Khoảng đầu tháng 4/2015, Công ty Đ và công ty S có thỏa thuận miệng với nhau là: Công ty Đ cho Công ty S thuê một chiếc máy nghiền đá công suất 60m3/h do Trung Quốc sản xuất và một chiếc máy san hiệu Komatsu do Nhật Bản sản xuất để phục vụ thi công công trình đường từ trung tâm xã TCT, BL, huyện BH, tỉnh Lao Cai đến trung tâm xã TT, NĐ, huyện BY, tỉnh Lao Cai. Máy nghiền đá giá thuê là 120.000.000 đồng/tháng, Máy san giá thuê là 50.000.000 đồng/tháng. Hợp đồng thuê máy nghiền đá, máy san do Công ty Đ soạn và ký tên trước, sau đó gửi cho giám đốc Công ty S ký nhưng giám đốc Công ty S không ký, không gửi lại cho Công ty Đ. Nhiều lần kế toán của Công ty Đ điện thoại nhắc Công ty S ký gửi lại hợp đồng thuê thiết bị máy móc nhưng Công ty S không gửi. Căn cứ vào tập quán thương mại được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thương mại và theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 tại các Điều 121, 122, 123, 124 Điều 390 về “Đề nghị giao kết hợp đồng”; Điều 391về “Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực” và theo quy định tại khoản 4 Điều 3 (trang 9) hợp đồng thi công xây dựng số 668/2014 HĐXD ngày 10/8/2014 có ghi: “Bên B (Công ty S) phải trả lời bằng văn bản các đề nghị hay yêu cầu của bên A (Công ty Đ) trong khoảng thời gian 03 ngày, nếu trong khoảng thời gian này, bên B (Công ty S) không trả lời thì được coi như bên B chấp nhận đề nghị hay yêu cầu của bên A. Do đó, hợp đồng thuê máy nghiền đá, máy san đã được Công ty S chấp nhận. Sau khi hai Công ty thống nhất việc thuê máy, ngày 16/4/2015, Công ty Đ đã cử Ông Lê Anh Đức là cán bộ của Công ty Đ trực tiếp giao máy nghiền đá cho đại diện của Công ty S là anh Đinh Nguyên H1, cán bộ của Công ty S và là người quản lý công trình TCT và ông Lương Anh V2 - anh trai của anh Lương Văn K1. Đối với máy san Công ty S và yêu cầu Công ty Đ phải cử người lái máy san, Công ty Đ đã thuê anh Thắng lái máy san này. Thời gian thuê máy san từ ngày 03/4/2015 đến 21/7/2015.

Sau khi nhận máy, Công ty S đã vận hành và khai thác dàn máy nghiền đá, đến ngày 20/8/2015 thì dàn máy nghiền đá bị hỏng. Sau khi dàn máy nghiền đá bị hỏng, Công ty S không sửa chữa, không trả lại dàn máy cho Công ty Đ, nhiều lần Công ty Đ có văn bản mời đại diện Công ty S đến làm việc để thanh toán công nợ và trả lại dàn máy nghiền đá nhưng Công ty S không đến làm việc và không trả lời, không hợp tác, không thanh toán tiền thuê máy và chưa trả lại máy cho Công ty Đ. Công ty Đ đã phải thuê người trông coi bảo vệ suốt nhiều năm nay. Việc thuê máy nghiền đá, máy san còn được các nhân chứng là những người làm việc cho Công ty S và Công ty khác biết đó là anh Trần Văn Bổng, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần xây dựng 9; ông Nguyễn Văn T5, ông Phạm Văn L2, ông Hoàng Văn L1 là những người được Công ty S thuê vận hành máy nghiền đá; ông Nguyễn Quốc V1, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng V1 là Công ty cùng thi công công trình TCT; anh Quách Cao T6 là người được thuê làm Giám đốc Công ty S; ông Đoàn Hải D, anh Đoàn Văn T3, Ông Lê Anh Đ, anh H1 Văn D1, anh Quách Hồng T4.

Căn cứ vào hợp đồng số 668 ngày 10/8/2014 được ký giữa hai công ty Đ và Công ty S, hai công ty thường xuyên vay mượn, mua bán vật của nhau để thi công, khối lượng công trình mà Công ty S đã thi công được Công ty Đ nghiệm thu và đã thanh toán một phần. Số còn lại do bên Công ty S không chịu đến đối chiếu, chốt công nợ nên đã xảy ra tranh chấp. Công ty S đã khởi kiện Công ty Đ, Bản án số 02/2017/KDTM-PT ngày 19/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh bình đã tách yêu cầu phản tố bù trừ nghĩa vụ của Công ty Đ đối với Công ty S để giải quyết thành vụ án khác. Trong hồ sơ vụ án các bản tự khai và lời khai của những người làm chứng khẳng định trong quá trình thi công công trình Công ty S đã mua chịu vật tư là đá các loại của Công ty Đ.

Công ty Đ khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty S phải trả tiền thuê máy san, máy nghiền đá và khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Công ty S có hành vi làm cho máy nghiền đá của Công ty Đ bị hỏng nhưng Công ty S cố ý không chịu sửa chữa ,không bàn giao máy nghiền đá cho Công ty Đ làm cho Công ty Đ không khai thác được gây thiệt hại cho Công ty Đ và các khoản tiền mua vật tư cụ thể như sau: Theo đơn khởi kiện ngày 14/3/2018, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả cho nguyên đơn các khoản gồm: Tiền thuê máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 01/01/2018 là 33,5 tháng x 120.000.000 đồng/tháng = 4.020.000.000 đồng và trả lại máy nghiền đá; Tiền sửa máy nghiền đá, số tiền là 646.926.500 đồng; Tiền thuê máy san từ ngày 03/4/2015 đến ngày 21/7/2015 là 3,5 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 175.000.000 đồng; khoản tiền cung cấp dầu Diezen cho Công ty S từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 490 lít x 16.500 đồng/l = 8.085.000 đồng khoản tiền cung cấp đã xô bồ cho Công ty S từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.213,4 m3 x 230.000 đồng/m3 = 532.082.000 đồng; khoản tiền cung cấp đá cấp phối đá dăm (base) cho Công ty S từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.395 m3 x 230.000 đồng/m3 = 905.050.000 đồng; chi phí sửa cống hỏng do Công ty S thi công không đạt yêu cầu là 214.904.405 đồng; chi phí thí nghiệm công trình là 12.261.802 đồng; Chi phí hoàn công công trình là 12.261.802 đồng; Chi phí quản lý công trình là 367.854.062 đồng; Chi phí bảo hành công trình là 122.618.021 đồng; Tiền thuế VAT là 567.987.810 đồng.

Tại đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện và thay đổi bổ sung một phần yêu cầu khởi kiện ngày 15/8/2019, nguyên đơn thay đổi bổ sung như sau: Sửa yêu cầu trả tiền thuê máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 20/8/2015 là 04 tháng x 120.000.000 đồng/tháng = 480.000.000 đồng; sửa yêu cầu trả tiền cung cấp đã xô bồ cho Công ty S từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.213,4 m3 x 230.000 đồng/m3 = 739.082.000 đồng; sửa yêu cầu trả tiền cung cấp đá cấp phối đá dăm (base) cho Công ty S từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.395 m3 x 230.000 đồng/m3 = 780.850.000 đồng; bổ sung yêu cầu trả tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 1.108.204.612 đồng. Nguyên đơn xin rút các yêu cầu khởi kiện gồm: Chi phí thí nghiệm công trình là 12.261.802 đồng; chi phí hoàn công công trình là 12.261.802 đồng; chi phí quản lý công trình là 367.854.062 đồng.

Tại đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện và thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện ngày 06/7/2020, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả cho nguyên đơn các khoản tiền như sau:

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi làm cho dàn máy nghiền đá của Công ty Đ bị hỏng nhưng Công ty S không sửa chữa, không bàn giao lại cho Công ty Đ gây thiệt hại do không khai thác được, số tiền thiệt hại là 50.000.000 đồng/tháng (41,6% của giá tiền cho thuê máy) tính từ ngày 20/8/2015 (ngày mà các bên lập biên bản về việc dàn máy nghiền đá bị hỏng) đến ngày 20/6/2020 = 58 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 2.900.000.000 đồng (Khoản tiền này được điều chỉnh bằng việc loại bỏ yêu cầu sửa máy nghiền đá và loại bớt khoản tiền 30 tháng tiền thuê máy);

2. Trả tiền lấy đá xô bồ từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 2.313,4m3 x 63.636 đồng/m3 = 147.216.000 đồng;

3. Trả tiền lấy đá dăm (base) từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.395m3 x 200.000 đồng/m3 = 679.000.000 đồng;

4. Trả tiền thuê máy san từ ngày 03/4/2015 đến ngày 21/7/2015 là 3,5 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 175.000.000 đồng;

5. Trả tiền thuê máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 20/8/2015 là 4 tháng x 120.000.000 đồng/tháng = 480.000.000 đồng.

Các yêu cầu khác nguyên đơn xin rút.

Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn:

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi làm cho dàn máy nghiền đá của Công ty Đ bị hỏng nhưng S không sửa chữa, không bàn giao lại cho Đ gây thiệt hại do không khai thác được, số tiền thiệt hại là 50.000.000 đồng/tháng (41,6% của giá tiền cho thuê máy) tính từ ngày 20/8/2015 (ngày mà các bên lập biên bản về việc dàn máy nghiền đá bị hỏng) đến tháng 9/2020 là 61 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 3.050.000.000 đồng;

2. Buộc Công ty S trả tiền lấy đá xô bồ từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 2.313,4m3 x 63.636 đồng/m3 = 147.216.000 đồng;

3. Buộc Công ty S trả tiền lấy đá dăm (base) từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là 3.395m3 x 200.000 đồng/m3 = 679.000.000 đồng;

4. Buộc Công ty S trả tiền thuê máy san từ ngày 03/4/2015 đến ngày 21/7/2015 là 3,5 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 175.000.000 đồng;

5. Buộc Công ty S trả tiền thuê máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 20/8/2015 là 4 tháng x 120.000.000 đồng/tháng = 480.000.000 đồng.

Các yêu cầu khác trong đơn khởi kiện, đơn bổ sung đơn khởi kiện nguyên đơn xin rút.

Ý kiến của bị đơn về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Các yêu cầu của nguyên đơn là phi lý, ngụy tạo nhằm trốn tránh việc phải thi hành án về khoản nợ 2,8 tỷ đồng mà nguyên đơn nợ bị đơn đã được Tòa án phán quyết và đã có hiệu lực. Từ khi khởi kiện vụ án đến nay, nguyên đơn luôn thay đổi, bổ sung, rút một phần yêu cầu khởi kiện; nội dung trình bày mâu thuẫn; tài liệu chứng cứ giao nộp do tạo dựng, bịa đặt nên không có giá trị pháp lý. Ví dụ như bản hợp đồng kinh tế về việc thuê máy móc, thiết bị, nguyên đơn tạo dựng nên không ghi số ngày, tháng, năm, không ghi thời gian thực hiện, không ghi địa điểm lập hợp đồng và không có sự chấp thuận của bên thuê. Việc bà Th khai chỉ thỏa thuận miệng với ông Lương Chiêu T2 trong khi ông T2 không có tư cách đại diện cho Công ty S. Đại diện pháp nhân của Công ty S lúc đó là ông Lương Văn Kh không biết gì về sự thỏa thuận thuê máy cũng như bản hợp đồng này. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Th đã xác định do ông Kh (bố đẻ Lương Chiêu T2) không biết gì chỉ được vợ con dựng lên làm bù nhìn nên bà Th không trao đổi với ông Kh. Do đó, nếu có thỏa thuận giữa bà Th với ông T2 về việc cho thuê dàn máy nghiền đá, máy san cũng chỉ là thỏa thuận giữa hai cá nhân với nhau. Hợp đồng bà Th cung cấp để khởi kiện bị đơn không có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành.

Đối với yêu cầu khởi kiện buộc Công ty S bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi làm cho dàn máy nghiền đá bị hỏng. Bà Th khai về việc khi dàn máy nghiền đá bị hỏng, bà có yêu cầu Công ty S sửa máy (điện thoại cho ông T2); Công ty Đ không gặp trực tiếp Công ty S yêu cầu sửa; không có văn bản cho S. Hiện tại dàn máy nghiền đá đã được Công ty Đ thanh lý. Lời khai đó ông Lương Anh V2 và các nhân chứng các ông T5, L2, L1 khẳng định ông Đoàn Văn D4 đã thỏa thuận cho ông Lương Anh V2 sử dụng dàn máy nghiền đá với điều kiện ông Văn bỏ tiền sửa chữa, bảo dưỡng máy, đóng điện, chi phí nhân công, nguyên liệu để dàn máy nghiền đá vận hành. Việc quản lý máy vẫn do Công ty Đ mà trực tiếp là ông Đoàn Văn T3 thủ kho của Đ quản lý. Khi máy nghiền bị sự cố, ông T5 đã bàn giao ngay lại dàn máy cho ông T3 quản lý. Do đó, không có căn cứ để xác định sự kiện Công ty S thuê dàn máy nghiền đá của Công ty Đ nên Công ty S không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi dàn máy nghiền đá bị hỏng.

Về các yêu cầu mua vật tư, nguyên đơn cho rằng là có hợp đồng, khi giao nhận đá có ký với nhau nhưng do giấy tờ bị thất lạc không cung cấp được cho Tòa án. Nguyên đơn cho rằng khối lượng đá Công ty Đ sản xuất được chỉ giao cho Công ty S chứ không giao cho ai khác. Nguyên đơn cũng không xác định được khối lượng đá sản xuất được bao nhiêu? đã sử dụng bao nhiêu? giao cho Công ty S bao nhiêu? không trình được giấy tờ, sổ sách, tài liệu “gốc” chứng minh việc giao nhận đá, các lời khai của người làm chứng đều là người thân, ruột thịt của Công ty Đ hoặc không có mặt tại công trường nên bị đơn không chấp nhận các yêu cầu này của nguyên đơn.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 30/12/2019, bị đơn nộp đơn phản tố gửi Tòa án nhân dân thành phố N với nội dung: Từ năm 2015, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ do ông Phạm Văn Q là người đại diện theo pháp luật và bà Phạm Thị Th là Phó Tổng Giám đốc đã mua một số vật tư của Công ty Cổ phần S Ninh Bình, cụ thể: Đá Base loại I: 2.600 m3 x 1.969.000 đồng/m3 = 5.119.400.000 đồng; Đá 1x2: 180m3 x 2.268.000 đồng/m3 = 408.240.000 đồng. Tổng số tiền 5.527.640.000 đồng. Đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ vẫn chưa trả nợ. Công ty Cổ phần S Ninh Bình đề nghị Tòa án nhân dân thành phố N xem xét giải quyết buộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ trả cho Công ty Cổ phần S Ninh Bình số tiền 5.527.640.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả nợ là 1%/tháng, thời gian tính lãi chậm trả nợ từ ngày 27/01/2016 cho đến khi trả hết nợ. Do bị đơn nộp đơn phản tố sau khi Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc kiểm tra giao nộp chứng cứ nên không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận.

Tại bản án số 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố N đã căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35 và các Điều 36, 39, 147, 229, khoản 2 Điều 244 , 271, 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Căn cứ Điều 385, 472 của Bộ luật Dân sự 2015; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đ (nay là Công ty cổ phần tập đoàn Đ) đề nghị Tòa án buộc Công ty cổ phần S Ninh Bình (nay là Công ty cổ phần A) thanh toán:

- Chi phí thí nghiệm công trình, số tiền 12.261.802 đồng;

- Chi phí hoàn công công trình, số tiền 12.261.802 đồng;

- Chi phí quản lý công trình, số tiền 367.854.062 đồng;

- Chi phí bảo hành công trình là 344.756.268 đồng;

- Tiền thuế VAT là 344.756.268 đồng;

- Tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.108.204.612 đồng;

- Chi phí sửa cống hỏng là 214.904.405 đồng;

- Tiền cung ứng dầu Diezel số tiền 8.085.500 đồng;

- Yêu cầu trả máy nghiền đá.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đ (nay là Công ty cổ phần tập đoàn Đ) về yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần S Ninh Bình (nay là Công ty cổ phần A) thanh toán cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đ (nay là Công ty cổ phần tập đoàn Đ) các khoản tiền sau:

- Tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi làm cho dàn máy nghiền đá của Công ty Đ bị hỏng nhưng Công ty S (nay là Công ty A) không chịu sửa chữa, không bàn giao dàn máy nghiền đá cho Công ty Đ, làm cho Công ty Đ không khai thác được, gây thiệt hại cho Công ty Đ, số tiền thiệt hại là 50.000.000 đồng/tháng tính từ ngày 20/8/2015 đến tháng 9/2020 là 61 tháng x 50.000.000.đồng = 3.050.000.000 (Ba tỷ không trăm năm mươi triệu) đồng.

- Tiền thuê máy san của Công ty Đ từ ngày 03/4/2015 đến ngày 21/7/2015 là 3,5 tháng x 50.000.000 đ/tháng = 175.000.000 (Một trăm bảy mươi lăm triệu) đồng.

- Tiền thuê dàn máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 20/8/2015 là: 04 tháng với giá thuê là 120.000.000 đồng/tháng, thành tiền là: 480.000.000 (Bốn trăm tám mươi triệu) đồng.

- Tiền đá xô bồ từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là:

2.313,4 m3 x 63.636 đồng = 147.216.000 (Một trăm bốn mươi bảy triệu hai trăm mười sáu nghìn) đồng .

- Tiền đá dăm (base) từ ngày 03/9/2014 đến ngày 29/7/2015 là:

3.395 m3 x 200.000 = 679.000.000 (Sáu trăm bảy mươi chín triệu) đồng. Tống cộng: 4.531.216.000 (Bốn tỷ năm trăm ba mươi mốt triệu hai trăm mười sáu nghìn) đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 28/12/2020, Công ty Đ là nguyên đơn trong vụ án kháng cáo toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Toà án nhân dân thành phố N đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Toà án nhân dân thành phố N để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm với lý do bản án sơ thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ thiên vị cho bị đơn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Công ty Đ vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Công ty S không chấp nhận nội dung kháng cáo và đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm Đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Sau khi nhận định các tình tiết của vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Về án phí phúc thẩm Công ty Đ phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định về những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của Công ty Đ được làm trong thời hạn pháp luật quy định và đúng hình thức, nội dung theo quy định tại các Điều 272, 273, 276 của Bộ luật Tố tụng Dân sự nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa:

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn, người đại diện hợp của bị đơn có mặt. Vắng mặt một số người làm chứng không có lý do. Những người làm chứng vắng mặt đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và trong hồ sơ vụ án đã có lời khai của những người làm chứng này. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những người này theo quy định của pháp luật.

[1.3] Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm nguyên đơn có thay đổi, rút một phần yêu cầu khởi kiện cụ thể nguyên đơn rút phần yêu cầu khởi kiện về việc đề nghị Tòa án buộc bị đơn trả cho nguyên đơn: Tiền dầu Diezen; tiền chi phí sửa cống hỏng; tiền chi phí thí nghiệm công trình; tiền chi phí hoàn công công trình; tiền chi phí quản lý công trình; tiền chi phí bảo hành công trình; tiền thuế VAT; tiền thuế thu nhận doanh nghiệp. Xét việc rút một phần yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là tự nguyện. Căn cứ khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng Dân sự cấp sơ thẩm đã đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà nguyên đơn đã rút là đúng quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn Công ty S phải trả tiền thuê máy nghiền đá từ ngày 16/4/2015 đến ngày 20/8/2015 là 4 tháng x 120.000.000 đồng/tháng = 480.000.000 đồng và khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi làm cho dàn máy nghiền đá của Công ty Đ bị hỏng nhưng S không sửa chữa, không bàn giao lại cho Đ gây thiệt hại do không khai thác được, số tiền thiệt hại là 50.000.000 đồng/tháng (41,6% của giá tiền cho thuê máy) tính từ ngày 20/8/2015 đến tháng 9/2020 là 61 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 3.050.000.000 đồng. Buộc Công ty S trả tiền thuê máy san từ ngày 03/4/2015 đến ngày 21/7/2015 là 3,5 tháng x 50.000.000 đồng/tháng = 175.000.000 đồng.

Nguyên đơn xuất trình chứng cứ là bản hợp đồng kinh tế về việc thuê máy móc thiết bị giữa Công ty Đ và Công ty S nhưng không có chữ ký và đóng dấu của bên thuê máy là Công ty S. Nguyên đơn cho rằng việc thỏa thuận thuê máy là do ông Lương Chiêu T2, ông Lương Anh V2, ông Lương Văn K1 đến trụ sở Công ty Đ thỏa thuận. Khi đến, ông Lương Chiêu T2 vào phòng làm việc của Công ty Đ trực tiếp thỏa thuận với bà Th và ông Đinh Văn Q còn ông V2 và ông K1 thì ngồi ở ngoài. Sau khi thỏa thuận xong, Công ty Đ soạn thảo hợp đồng và ký tên trước, sau đó gửi hợp đồng cho giám đốc Công ty S ký, nhưng Giám đốc Công ty S không ký, không gửi lại cho Công ty Đ, nhiều lần kế toán của Công ty Đ điện thoại nhắc Công ty S ký và gửi lại hợp đồng thuê thiết bị máy móc cho Công ty Đ nhưng Công ty S không ký, không gửi nên theo tập quán thương mại thì Công ty S đã chấp nhận việc thuê thiết bị theo nội dung hợp đồng mà nguyên đơn xuất trình cho Tòa án. Hội đồng xét xử xét thấy: Bản hợp đồng nguyên đơn cung cấp làm căn cứ khởi kiện không có số, không có ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng, không có chữ ký và đóng dấu của bên thuê máy nghiền đá và máy san là Công ty S. Do đó, Bản hợp đồng này không có giá trị chứng minh về việc Công ty S đã thuê máy móc thiết bị của Công ty Đ. Mặt khác, nguyên đơn đã khẳng định đại diện Công ty Đ chỉ thỏa thuận miệng với ông Lương Chiêu T2 trong khi không có văn bản nào thể hiện ông T2 đại diện cho pháp nhân Công ty S. Đại diện pháp nhân của Công ty S tại thời điểm đó là ông Lương Văn Kh nhưng ông Kh không biết gì về sự thỏa thuận thuê máy cũng như nội dung bản hợp đồng mà nguyên đơn giao nộp tại Tòa án. Người được nguyên đơn cho rằng đã trực tiếp thỏa thuận thuê dàn máy nghiền đá và máy san là ông Lương Chiêu T2 lại khẳng định việc làm ăn giữa Công ty Đ và Công ty S bản thân ông T2 không có liên quan gì, những nội dung, sự việc liên quan đến nguyên đơn và bị đơn trong vụ án này ông T2 không được chứng kiến. Những người làm chứng ông Lê Anh Đ ông Đinh Văn Th lái máy san, ông Nguyễn Văn T5, ông Hoàng Văn L1 và ông Phạm Văn L2 là người vận hành máy nghiền đá có lời khai khẳng định không biết sự việc thuê, bàn giao máy nghiền đá và máy san giữa Công ty Đ và Công ty S. Bị đơn Công ty S khẳng định không nhận được hợp đồng kinh tế về việc thuê máy móc thiết bị do Công ty Đ gửi, không nhận được văn bản hay điện thoại của Công ty Đ yêu cầu Công ty S ký, gửi lại hợp đồng thuê thiết bị máy móc như Công ty Đ trình bày. Công ty Đ không gặp trực tiếp Công ty S để yêu cầu sửa dàn máy nghiền đá cũng như không có văn bản thông báo cho Công ty S biết về việc dàn máy nghiền đá bị hỏng. Lời khai của ông Lương Anh V2 và lời khai của các nhân chứng các ông T5, L2, L1đều khẳng định ông Đoàn Văn D4 đã thỏa thuận cho ông Lương Anh Văn sử dụng dàn máy nghiền đá với điều kiện ông V2 bỏ tiền sửa chữa bảo dưỡng máy, đóng điện, chi phí nhân công, nguyên liệu để máy được vận hành. Việc quản lý máy nghiền đá vẫn do Công ty Đ mà trực tiếp là ông Đoàn Văn T3 thủ kho của Đ quản lý. Khi máy nghiền bị sự cố, ông T5 đã bàn giao ngay lại dàn máy cho ông T3 quản lý. Hiện nay dàn máy nghiền đá Công ty Đ đã thanh lý và đã rút yêu cầu khởi kiện yêu cầu Công ty S trả lại dàn máy nghiền đá. Với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không có căn cứ để xác định sự kiện Công ty S thuê dàn máy nghiền đá và máy san của Công ty Đ nên các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán các khoản tiền thuê dàn máy nghiền đá, máy san và bồi thường thiệt hại do dàn máy nghiền đá bị hỏng là không có căn cứ. Nội dung kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này là không có cơ sở để chấp nhận.

[2.2 Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty S trả tiền lấy đá xô bồ từ ngày 03/9/2014 đến 29/7/2015 là 2.313,4m3 x 63.636 đồng/m3 = 147.216.000 đồng; Buộc Công ty S trả tiền lấy đá dăm (base) từ 03/9/2014 đến 29/7/2015 là 3.395m3 x 200.000 đồng/m3 = 679.000.000 đồng.

Nguyên đơn không đưa ra được bất cứ tài liệu chứng cứ nào để chứng minh Công ty Đ bán vật liệu cho Công ty S. Người làm chứng Đoàn Hải D là quản lý công trường; Đoàn Văn T3 thủ kho; H1 Văn D1 lái xe; Quách Hồng T4 lái xe của Công ty Đ cũng không xác định được khối lượng cụ thể và cũng không chứng minh được là đã giao hàng cho ai, Nguyên đơn xác định khi giao hàng hai bên có sổ và có ký nhận nhưng hiện nay sổ sách bị mất. Nguyên đơn cho rằng khối lượng đá Công ty Đ sản xuất được Công ty Đ sử dụng một phần, còn lại chỉ giao cho Công ty S chứ không giao cho ai khác nhưng không có chứng cứ chứng minh. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Nội dung kháng cáo của nguyên đơn về nội dung này là không có cơ sở.

[3] Các nội dung kháng cáo về việc cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng về thời gian giải quyết vụ án đã được Viện kiểm sát kiến nghị. Những vi phạm tố tụng của cấp sơ thẩm không làm thay đổi bản chất của vụ án. Do đó, cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[4] Từ những nhận định trên, yêu cầu kháng cáo của bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm là không có cơ sở để chấp nhận. Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát tỉnh Ninh Bình có nội dung phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận.

[5] Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sựNghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm 04/2020/KDTM-ST ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

2. Những phần bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Công ty Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.0000 (hai triệu đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí Công ty Đ đã nộp là 2.000.0000 (hai triệu đồng). Theo biên lai tạm ứng án phí số AA/2018/0001771 ngày 04/01/2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (21/7/2021)

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

270
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận số 01/2021/KDTM-PT

Số hiệu:01/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về