Bản án về tranh chấp phân chia di sản theo di chúc số 75/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 75/2023/DS-PT NGÀY 22/05/2023 VỀ TRANH CHẤP PHÂN CHIA DI SẢN THEO DI CHÚC

Trong các ngày 15 và 22 tháng 05 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 29/2023/TLPT-DS ngày 27 tháng 02 năm 2023 về việc “Tranh chấp phân chia di sản theo di chúc”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 72/2023/QĐXX-PT ngày 21/4/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Đào Văn B, sinh năm: 1961 và ông Đào Văn D, sinh năm 1978(có mặt);

Địa chỉ: Thôn 7, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn: Bà Đào Thị R , sinh năm: 1974(có mặt); Địa chỉ: Thôn 7, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

Đại diện theo ủy quyền của bà R: Ông Phạm Đức H, sinh năm 1967(có mặt);

Địa chỉ: Khu phố N, thị trấn L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Bà Đào Thị N, sinh năm 1972(có đơn xin xét xử vắng mặt);

- Ông Đào Văn C, sinh năm: 1983(có đơn xin xét xử vắng mặt);

- Bà Đào Thị L, sinh năm: 1959(có đơn xin xét xử vắng mặt); Đại diện theo ủy quyền cho bà L:Ông Đặng Đức H, sinh năm: 1956(có đơn xin xét xử vắng mặt);

- Bà Ngô Thị Y, sinh năm: 1955(có đơn xin xét xử vắng mặt);

Cùng địa chỉ: Thôn 7, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

- Ông Đào Văn Nh (Đào Văn H), sinh năm 1956(có đơn xin xét xử vắng mặt);

Địa chỉ: Xóm H, xã N, huyện N, tỉnh Nam Định.

- Bà Đào Thị N1, sinh năm 1969(vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

Đại diện theo ủy quyền của bà N1: Ông Ngô Văn C1, sinh năm 1967(có mặt);

Địa chỉ: Ấp 3, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

- Bà Lê Thị T2, sinh năm 1964(vắng mặt);

Địa chỉ: Thôn 2, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

8. UBND huyện B Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Công D1 - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B(có mặt);

Địa chỉ: Khu phố T, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

4. Người kháng cáo: Bị đơn bà Đào Thị R.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 22/8/2019, tại các biên bản tự ghi lời khai, biên bản lấy lời khai, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn ông Trần Minh T trình bày:

Cha mẹ ông Đào Văn B và ông Đào Văn D là ông Đào Văn Q và bà Trần Thị T1 có sinh được 09 người con gồm: Ông Đào Văn M (đã chết), Đào Văn Nh (tên thường gọi là Đào Văn H), Đào Thị L, Đào Văn B, Đào Thị N1, Đào Văn Tr (đã chết), Đào Thị N, Đào Thị R và Đào Văn D. Ông Q mất vào năm 1979 bà Trần Thị T1 vào miền nam lập nghiệp năm 1987 và có khai hoang được 01 thửa đất có diện tích: 13.532m2 (trong đó có 400m2 đất thổ cư), tọa lạc tại: Thôn 1(Nay là thôn 7), xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất vào năm 2001 đứng tên hộ bà Trần Thị T1, ngày 02/5/2006 bà T1 có lập 01 di chúc phân chia thửa đất trên cho các con và cháu trong gia đình như sau: (Đào Văn C là con của ông Đào Văn M là cháu nội đích tôn, Đào Văn M, Đào Văn H (Nh), Đào Thị L, Đào Văn B, Đào Thị N1, Đào Thị R mỗi người được 05 (năm)m, đất có diện tích chiều ngang mặt đường 05 (năm)m, ngang hậu 05(năm)m, dài 50m, Đào Thị N được chia 15m ngang mặt đường, ngang hậu 15m, dài 50m, phần còn lại để cho Đào Văn D. Những người được chia đất trên đã nhận đất và sử dụng ổn định từ năm 2006 đến nay trong gia đình có bà Đào Thị R, Đào Thị N đã làm thủ tục cấp GCNQSD đất, số người được chia đất còn lại chưa làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSD riêng nên còn nằm trong diện tích đất được GCNQSD đất của bà T1, năm 2013 bà R vì cần vốn làm ăn nên đã nhờ bà T1 thế chấp GCNQSD đất để vay vốn ngân hàng, do bà T1 đã lớn tuổi nên Ngân hàng không đồng ý cho vay đồng thời ngân ngân hàng hướng dẫn nên sang tên GCNQSD đất cho một người nào đó trong gia đình để đi vay. Vì muốn giúp đỡ con phát triển kinh tế nên bà T1 lập hợp đồng tặng cho QSD đất trên cho bà Đào Thị R. Sau khi làm thủ tục sang nhượng cho bà R thì diện tích đất còn lại là 10.832.2m2. Đại diện theo ủy quyền của đồng nguyên đơn ông Trần Minh T yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản là QSDĐ theo di chúc của bà Trần Thị T1 để lại vào ngày 02/5/2006 hiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Đào Thị R có diện tích 10.832,2m2.Tọa lạc tại thôn 1(Nay là thôn 7), xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.

Đồng nguyên đơn: Ông Đào Văn B, Đào Văn D thống nhất với ý kiến của ông T và không trình bày gì thêm.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Phạm Đức H trình bày: Bà R thừa nhận lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là hoàn toàn đúng và đồng ý phân chia di sản thừa kế theo di chúc của bà Trần Thị T1 để lại ngày 02/6/2006 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 644439 đứng tên hộ bà Trần Thị T1 có tổng diện tích 12.001 m2, sau khi làm thủ tục sang nhượng cho bà R thì diện tích đất còn lại là 10.832.2m2, tọa lạc tại thôn 1(nay là thôn 7), xã T, huyện B cho những người còn lại chưa tách sổ là bà Đào Thị L, Đào Văn B, Đào Thị N1, Ngô Thị Y và ông Đào Văn C nhưng không đồng ý chia cho ông Đào Văn D với lý do ông D đã được bà T1 chia đất và đã bán đi sử dụng rồi, mặt khác phần đất này bà T1 đã tặng riêng cho bà đồng thời giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện Nay đứng tên bà. Vì vậy bà có quyền quyết định mọi vấn đề.

Trong quá trình giải quyết vụ án ngày 06/9/2019 bị đơn bà Đào Thị R có đơn yêu cầu phản tố nội dung không đồng ý chia diện tích đất còn lại 7972,2m2cho ông D vì lý do đất này là của mẹ bà để lại nên bà yêu cầu chia đều cho 8 anh em trong gia đình mỗi người 1 phần để làm kỷ niệm, tuy nhiên ngày 09/10/2019 bà R có đơn xin rút yêu cầu phản tố đối với vụ án nêu trên vì thấy không cần thiết.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị N1 và các đồng thừa kế thế vị của ông M trình bày: Các con ông M, bà N1 thống nhất ý kiến của người đại diện theo ủy các nguyên đơn, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Đào Thị R phải có nghĩa vụ phân chia di sản và làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tờ di chúc do bà T1 để lại ngày 02/5/2006.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện theo ủy quyền của bà L: ông Đặng Đức H trình bày: Ông H thống nhất với ý kiến của người đại diện theo ủy nguyên đơn và không có ý kiến gì thêm.

Bà Đào Thị N có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt. Trong quá trình giải quyết vụ án bà N trình bày phần đất của bà được phân chia theo tờ di chúc ngày 02/5/2006 do bà T1 để lại thì bà được chia chiều ngang mặt tiền 15m, ngang hậu 15m, dài 50m bà đã làm thủ tục tách giấy chứng nhận QSDĐ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã sử dụng ổn định từ năm 2006 đến nay.

Vì vậy bà không có yêu cầu gì phần quyền lợi của mình.

Ông Đào Văn C có đơn yêu cầu vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án tại biên bản tự ghi lời khai và đơn yêu cầu xét xử vắng mặt đề ngày 18/9/2019 ông C thống nhất với yêu cầu của ông B, ông D yêu cầu bị đơn bà Đào Thị R phải có nghĩa vụ thực hiện phân chia di sản thừa kế theo di chúc của bà Trần Thị T1 để lại.

Ông Đào Văn H (Nh) có đơn yêu cầu vắng mặt đồng thời từ chối nhận di sản nhận thừa kế và không có yêu cầu gì về phần quyền lợi của mình.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà L Thị T2 trình bày: Ngày 05 tháng 4 năm 2020, bà T2 có cho bà R vay số tiền 150.000.000đ(một trăm năm mươi triệu đồng). Khi vay, hai bên có tiến hành lập giấy biên nhận tiền, bà R có ký tên ở cuối giấy biên nhận tiền. Để tạo lòng tin, bà R ghi trong giấy biên nhận tiền ngày 23/4/2020 và đưa cho bà T2 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(thửa đất số 29, tờ bản đồ số 25 đứng tên bà Đào Thị R). Hai bên không thỏa thuận về lãi suất và thỏa thuận thời hạn trả là 1 tháng kể từ ngày vay. Vì vậy, bà yêu cầu Tòa án nhân dân huyện B giải quyết buộc bà Đào Thị R trả số tiền gốc 150.000.000đ(một trăm năm mươi triệu đồng) và tiền lãi(10%/năm) tính từ ngày 23/5/2020 đến Nay theo quy định của pháp luật là 31 tháng 10 ngày = 150.000.000đx 31 tháng 10 ngày x 0,83% = 39.010.000đ(ba mươi chín triệu không trăm lẻ một nghìn đồng).

Bà Đào Thị R thống nhất, bà có vay bà T2 vay số tiền 150.000.000đ(một trăm năm mươi triệu đồng) nên đến nay chưa trả được cho bà T2.

Nay trước yêu cầu khởi kiện của Bà T2, bà Đào Thị R đồng ý trả cho bà Lê Thị T2 số tiền gốc: 150.000.000đ(một trăm năm mươi triệu đồng) và tiền lãi(10%/năm) tính từ ngày 05/5/2020 đến nay theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước quyết định:

[1] Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện về việc “Tranh chấp phân chia di sản theo di chúc” của đồng nguyên đơn ông Đào Văn B và ông Đào Văn D đối với bị đơn bà Đào Thị R.

Buộc bà Đào Thị R phải thực hiện nghĩa vụ phân chia di sản theo bản di chúc do bà Trần Thị T1 lập ngày 02/5/2006 như sau:

+ Bà Đào Thị N1 được quyền quản lý sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 5,80m, ngang hậu 13,66m, chiều dài cạnh giáp đất ông B được chia 50m tính từ mép đường, chiều dài giáp thửa 29 gồm 02 đoạn 42,9m + 7,78m, tổng diện tích 517,2m2 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp thửa 29, phía tây giáp đường, phía nam giáp thửa 40, 91, phía bắc giáp đất ông B trên đất không có tài sản. Trị giá tài sản bà N1 được quyền sử dụng là: 26.972.800 đồng (hai mươi sáu triệu, chín trăm bảy mươi hai nghìn tám trăm đồng).( ký hiệu thửa 29F theo sơ đồ).

+ Ông Đào Văn B được quyền quản lý sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 05, ngang hậu 05m, chiều dài 50m tính từ mép đường, tổng diện tích 250m2 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp ông D, phía tây giáp đường, phía nam giáp đất bà N1, phía bắc đất bà Y. Trên đất không có tài sản. Trị giá tài sản ông B được quyền sử dụng là: 15.216.000đ đồng (mười bốn triệu, chín trăm mười hai nghìn, bốn trăm đồng). (có ký hiệu thửa số 29E theo sơ đồ).

+ Bà Ngô Thị Y được quyền quản lý sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 05, ngang hậu 05m, chiều dài 50m tính từ mép đường, tổng diện tích 250m2 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp ông D, phía tây giáp đường, phía nam giáp đất ông B, phía bắc giáp bà N. Trên đất không có tài sản. Trị giá phần tài sản bà Y được quyền sử dụng là: 15.216.000 đồng (mười năm triệu, hai trăm mươi sáu nghìn đồng). (có ký hiệu thửa số 29D theo sơ đồ).

+ Bà Đào Thị N được quyền quản lý sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 08, ngang hậu 08m, chiều dài 50m tính từ mép đường, tổng diện tích 399,8m2 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp ông D, phía tây giáp đường, phía nam giáp đất bà Y, phía bắc giáp thửa 33(bà N). Trên đất không có tài sản. Trị giá phần tài sản bà Y được quyền sử dụng là: 21.311.200 đồng (Hai mươi mốt triệu, ba tram mười một nghìn, hai trăm đồng). (có ký hiệu thửa số 29C theo sơ đồ).

+ Ông Đào Văn C được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 06, ngang hậu gồm hai đoạn có điểm mốc 1 đến 3 theo sơ đồ dài 9,1m và 7,60m, chiều dài cạnh giáp đất ông Vũ 79,01m(điểm mốc 35 đến 03), cạnh giáp đất bà L dài 50m(điểm mốc 36 đến điểm mốc 38 kéo qua 05m) và đoạn giáp thửa 79 phía bắc dài 27,77m (tính từ điểm mốc 38 đến mốc 01 theo sơ đồ) tổng diện tích 812,5m2 (trong đó có 30 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp đường, phía tây giáp đường, phía nam giáp đất ông Vũ, ông D, phía bắc giáp đất bà L, thửa 79. Tài sản trên đất gồm có: 01 căn nhà cấp 4 dùng để thờ cúng có diện tích chiều ngang 05m x dài 12m tổng diện tích 60m2 , có kết cấu tường xây gạch có tô dầy 10cm, mái tôn có đóng trần la phông và gỗ, nền gạch men, cửa kính khung sắt. Trị giá phần tài sản ông C được quyền sử dụng là: 39.966.000 đồng (Ba mươi chín triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn đồng). (có ký hiệu thửa số 29B theo sơ đồ).

+ Bà Đào Thị L được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất có chiều ngang mặt tiền đường nhựa 05m, ngang hậu 05m, chiều dài 50m tính từ mép đường, tổng diện tích 249.8m2 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau:

Phía đông giáp ông C, phía tây giáp đường, phía nam giáp ông C, phía bắc giáp thửa 79. Tài sản trên đất gồm: 01 căn nhà một tầng diện tích ngang 05m x dài 14m = 70m2, kết cấu: tường xây gạch dày 10cm có tô, nền gạch men, móng gạch, mái tôn xà gồ gỗ, cửa kính khung sắt. Trị giá tài sản bà L được quyền sử dụng là: 15.207.000 đồng (mười lăm triệu, hai trăm lẻ bảy nghìn đồng). (có ký hiệu thửa số 29A theo sơ đồ).

+ Ông Đào Văn D được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 8352,9m2 một phần thửa đất số 29, tờ bản đồ số 25, được UBND huyện B cấp cho bà Đào Thị R vào ngày 15/8/2013 (trong đó có 34 m2 đất ở), có tứ cận giáp ranh như sau: Phía đông giáp đường (tính từ điểm 3 đến điểm 20, và từ điểm 20 đến điểm 22 giáp thửa 87); Phía tây giáp giáp thửa 164, thửa 33, giáp đất bà N1, ông B, bà Y, bà N, bà L, phía nam giáp thửa 91, 44; Phía bắc giáp đất ông C từ điểm 34 đến điểm 03, giáp đất ông Vũ từ điểm 32 đến 33. Giá trị QSDĐ 371.743.600đ, giá trị tài sản trên đất.

Tài sản trên đất:

Nhà 01: Nhà 01 tầng, móng xây gạch, mái lợp tôn, xà gồ thép, tường bao xây gạch dày 10cm, tường gạch quét vôi, nền gạch Ceramic, có đóng trần, cửa kính khung sắt, diện tích (8x7) + (3x3) = 65m2 Nhà 02: Nhà 01 tầng, móng xây gạch, mái lợp tôn, xà gồ thép, tường bao xây gạch dày 10cm, không tô, nền xi măng, không đóng trần, cửa kính khung sắt, diện tích (8,7x7) = 60,9m2.

01 chuồng Dê, mái lợp tôn, cột kèo gỗ, diện tích (7x8) + (12,5x5) = 118,5m2 1.000m2 cỏ chăn nuôi.

30 cây Điều 02 (hai) tuổi 01 cây Hương 20 (hai mươi) tuổi 03 cây Hương 10 (mười) tuổi (đường kính 15cm/2 cây và 01 cây có đường kính 21cm) 01 giếng đào, sâu 12m 02 giếng khoan sâu 70m. Tổng trị giá tài sản: 587.639.500 đồng(năm trăm tám mươi bảy triệu sáu trăm ba mươi chín nghìn năm trăm đồng).

[2] Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Buộc bà Đào Thị R có Trách nhiệm trả cho bà T2 150.000.000đ tiền gốc và 39.010.000đ.Tổng cộng 189.010.000đ(một trăm tám mươi chín triệu, không trăm mười nghìn đồng).

Bà Lê Thị T2 có Trách nhiệm trả lại cho bà R 01 GCNQSDĐ số BN 076326, thửa đất số 29, tờ bản đồ số 25 đứng tên bà Đào Thị R tọa lạc tại thôn 7, T huyện B, được UBND huyện B cấp ngày 15/8/2013.

Đình chỉ đối với yêu cầu phản tố của bà Đào Thị R về việc bà R không đồng ý phân chia di sản thừa kế là phần diện tích đất còn lại là 7972,2m2đã được lập trong bản di chúc do bà Trần Thị T1 để lại cho ông Đào Văn D.

Ngoài ra, bản án còn tuyên phần án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17/01/2023 bị đơn bà Đào Thị R có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án của Tòa án từ khi thụ lý đến khi xét xử phúc thẩm của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 của BLTTDS 2015 của bị đơn bà Đào Thị R. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 05/1/2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thụ lý và giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự vì trong vụ án chỉ có ông B và ông D có đơn khởi kiện, những người còn lại không có đơn yêu cầu độc lập, Tòa án không thụ lý nhưng vẫn giải quyết các yêu cầu của họ là vi phạm. Diện tích đất tranh chấp được cấp cho Hộ bà T1, nhưng chưa được làm rõ hộ bà T1 thời điểm đó có những ai để xác định quyền định đoạt của bà T1 có đúng quy định của pháp luật hay không; Diện tích đất bị giảm qua các lần cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa làm rõ lý do giảm; Di chúc có 2 phần, một phần là tặng cho quyền sử dụng đất cho các con và cháu mỗi người 250m2, bà N được cho 750m2, phần này đã được thực hiện. Phần diện tích đất còn lại nêu trong di chúc giao cho ông D sử dụng là di sản thừa kế còn lại sau khi bà T1 chết nhưng trong di chúc không nêu rõ giao cho ông D quản lý sử dụng hay được toàn quyền định đoạt, vì vậy phần này được chia theo pháp luật. Kết quả đo đạc diện tích đất các bên đang sử dụng ngày 29/7/2022 không được thẩm định; Diện tích đất có tranh chấp được bà T1 lập hợp đồng tặng cho bà R, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết hủy hợp đồng này là không thể thi hành án được.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu,chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1]Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong thời hạn luật định, có hình thức, nội dung và phạm vi kháng cáo phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272, 273 của BLTTDS năm 2015 nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn xác định chấm dứt ủy quyền cho ông Trần Minh T để trực tiếp tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Bị đơn xác định chấm dứt ủy quyền cho ông Tạ Duy V tham gia tố tụng. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt theo quy định.

[2] Về nội dung tranh chấp:

Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, các bên đương sự đều thừa nhận: Vào năm 1987, bà Trần Thị T1 đến thôn 1(Nay là thôn 7), xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước lập nghiệp và khai hoang được diện tích đất, đến năm 2001 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ bà Trần Thị T1 là 13.532m2 (trong đó có 400m2 đất thổ cư).

Ngày 02/5/2006 bà T1 có lập 01 di chúc phân chia thửa đất trên cho các con và cháu trong gia đình như sau: (Đào Văn C là con của ông Đào Văn M là cháu nội đích tôn, ông Đào Văn M, ông Đào Văn H (Nh), bà Đào Thị L, ông Đào Văn B, bà Đào Thị N1, bà Đào Thị R mỗi người được hưởng diện tích đất mặt đường 05 (năm)m, ngang hậu 05(năm)m, dài 50m, bà Đào Thị N được chia 15m ngang mặt đường, ngang hậu 15m, dài 50m, phần còn lại để cho Đào Văn D trồng cây và ở sau này với điều kiện khi bà T1 mất đi ông D mới được sử dụng, nếu bà T1 khó khăn thì vẫn có thể sang nhượng cho người khác. Những người được chia đất đã nhận đất sử dụng cho đến Nay. Trong số đó có bà Đào Thị R, Đào Thị N đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia.

Ngày 19/6/2006, bà T1 được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng số AE 644439, đất đứng tên hộ bà Trần Thị T1, diện tích đất còn lại 12.001m2. Đến ngày 08/7/2013, được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ bà Trần Thị T1, diện tích đất còn lại 10.832,2m2.

Do bà R cần vay vốn làm ăn nên đã nhờ bà T1 làm hợp đồng tặng cho tạm sang tên quyền sử dụng đất cho bà R đứng tên để vay vốn ngân hàng. Ngày 26/7/2013 bà T1 lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên cho bà R.

Ngày 15/8/2013, bà R được Ủy ban nhân dân huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN: 076326 với diện tích đất còn lại là 10.832.2m2.

Năm 2014, bà T1 chết.

Năm 2019 những người được chia đất muốn làm thủ tục tách quyền sử dụng đất nhưng bà R không đồng ý nên các bên phát sinh tranh chấp.

[3] Xét kháng cáo của bà Đào Thị R và việc giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm nhận thấy:

[ 3.1] Thủ tục thụ lý vụ án:

Các bên đương sự trong vụ án đều thừa nhận tại thời điểm lập Bản di chúc ngày 02/5/2006, bà T1 còn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, nội dung bản di chúc đúng ý chí của bà T1 và có mặt các con cháu đều biết và cùng ký vào bản di chúc.

Theo Điều 633 BLDS 2005 quy định thời điểm, địa điểm mở thừa kế “1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này……….”.

Theo quy định trên thì sau khi người để lại di sản chết thì di sản thừa kế mới được phân chia cho những người thừa kế theo di chúc. Trong vụ án này, tuy bà T1 lập Bản di chúc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của bà để lại cho con, cháu, nhưng bản di chúc được tất cả mọi người ký tên trong đó, sau khi lập bản di chúc bà T1 đã giao đất cho các con và cháu sử dụng ổn định từ thời điểm đó, những phần đất này đã được bà T1 phân chia, định đoạt trước khi bà T1 chết. Trong số những người được chia đất có bà Đào Thị R và bà Đào Thị N đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia, nên cần phải xác định đây là việc bà T1 lập giấy tặng cho quyền sử dụng đất cho các con và cháu. Phần diện tích đất còn lại giao cho ông Đào Văn D trồng cây và ở sau này với điều kiện khi bà T1 mất đi ông D mới được sử dụng là di sản thừa kế. Như vậy, những người được chia đất nêu trên có quyền lợi độc lập với nhau. Khi phát sinh tranh chấp, ông B và ông D có đơn khởi kiện đối với bà R thì ông B, ông D là nguyên đơn, bà R là bị đơn, những người còn lại bao gồm bà N1, bà Y, bà N, ông C, bà L nếu có yêu cầu Tòa án xem xét buộc bà R có trách nhiệm tách thửa đối với diện tích của hộ được chia thì họ là Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và phải có đơn yêu cầu để Tòa án thụ lý để giải quyết. Tòa cấp sơ thẩm không hướng dẫn những người này làm đơn yêu cầu nhưng vẫn giải quyết vụ án và buộc bà R có nghĩa vụ phân chia quyền sử dụng đất cho những người này là không đúng, vượt quá yêu cầu của đương sự.

[3.2] Các đương sự đều thống nhất việc bà T1 lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trên cho bà R vào ngày 26/7/2013 để giúp bà R vay tiền ngân hàng, diện tích đất bà T1 tặng cho bà R là 10.832,2m2 bao gồm cả các diện tích đất bà T1 đã chia giao cho các con, cháu từ năm 2006. Căn cứ vào hợp đồng trên, bà R đã làm các thủ tục và được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Nay bà R chỉ đồng ý tách quyền sử dụng đất cho những người được chia đất, riêng phần diện tích đất còn lại bà không đồng ý giao cho ông D. Như vậy, tính đến thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết thì diện tích đất trên được định đoạt bằng 2(hai) giao dịch, và cả hai giao dịch này hiện vẫn đang tồn tại, Nay các bên đang có tranh chấp đối với bản di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T1 và bà R, khi giải quyết vụ án, cần phải xem xét tính pháp lý của cả hai giao dịch trên, nếu công nhận quyền sử dụng đất cho những người được chia đất như trong Bản di chúc thì phải tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T1 và bà R là vô hiệu. Cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn có ý kiến không cần hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T1 và bà R và UBND xã T không còn lưu giữ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất này để không xem xét giải quyết là không đúng quy định vì bản Hợp đồng này đã được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp (BL 324).

[3.3] Theo bản di chúc ngày 02/5/2006 thì thời điểm đó diện tích đất của bà T1 là là 13.532m2 (trong đó có 400m2 đất thổ cư). Đến ngày ngày 19/9/2006, bà T1 được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE 644439, đất đứng tên hộ bà Trần Thị T1, diện tích đất còn lại 12.001m2. Đến ngày 08/7/2013, được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN076052 đứng tên hộ bà Trần Thị T1, diện tích đất còn lại 10.832,2m2. Khi giải quyết lại vụ án cấp sơ thẩm cũng chưa làm việc với các cơ quan chức năng để xác định rõ lý do diện tích đất bị giảm để giải quyết vụ án.

[3.4] Kết quả đo đạc diện tích đất các bên đang sử dụng ngày 29/7/2022 không được thẩm định nên có sai sót, không đúng với thực tế. Cụ thể, kết quả đo đạc xác định ông B đang sử dụng 02 thửa đất, gồm thửa số 29B có diện tích 812,5m2 và thửa 29E diện tích 250.0m2 (BL 444), kết quả này là không đúng, vì thực tế ông B chỉ sử dụng thửa 29E. Cấp sơ thẩm không phát hiện ra sai sót này nhưng vẫn tuyên ông B được sử dụng thửa 29E, còn ông C được sử dụng thửa 29B là không đúng và không thể thi hành án được.

Ngoài các nội dung trên, thì việc xác định những người thừa kế của ông Đào Văn M cũng chưa được cấp sơ thẩm thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người thừa kế theo quy định của pháp luật. Đồng thời trong bản án chỉ xác định bà Y là người thừa kế của ông M mà không xác định các con ông M là đồng thừa kế là thiếu sót.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án không đầy đủ dẫn đến việc giải quyết vụ án không triệt để, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được vì vậy cần hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên kháng các của bị đơn bà R được chấp nhận 1 phần.

[4] Đối với phần tranh chấp hợp đồng vay tài sản: Hội đồng xét xử xét thấy việc giải quyết lại vụ án có liên quan đến việc xem xét lại tính hợp pháp của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T1 và bà Đào Thị R và tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BN 076326, mà hiện Nay bà L Thị T2 đang giữ. Do vậy để giải quyết vụ án triệt để Hội đồng xét xử xét thấy cần hủy phần quyền định thỏa thuận giữa bà Đào Thị R và bà L Thị T2 về hợp đồng vay tài sản để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định pháp luật.

[5] Án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng sẽ được xử lý khi vụ án được giải quyết lại.

[6] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị R được Hội đồng xét xử chấp nhận nên bà R không phải chịu.

[7] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị R.

1. Hủy Bản án dân sự số 01/2023/DS-ST ngày 05/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước;

Giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết theo quy định chung.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng sẽ được xử lý khi vụ án được giải quyết lại.

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn Đào Thị R không phải chịu án phí. Được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0017697 ngày 01/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Bình Phước.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

154
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp phân chia di sản theo di chúc số 75/2023/DS-PT

Số hiệu:75/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về