TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 03/2023/KDTM-PT NGÀY 09/02/2023 VỀ TRANH CHẤP NGHĨA VỤ THANH TOÁN THEO HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
Ngày 09 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại phúc thẩm thụ lý số 23/2021/TLPT-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2021 về việc “Tranh chấp nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST, ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 552/2023/QĐ-PT, ngày 12 tháng 01 năm 2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn B1; Trụ sở: Lầu 6, số I Đ, phường Đ, quận A, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Bảo H; địa chỉ: Số A L, quận Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Phạm Văn P – Văn phòng L1, Đoàn luật sư tỉnh Q. Có mặt.
2. Bị đơn: Công ty cổ phần L2; Trụ sở: Km6, Quốc lộ E, phường H, quận H, thành phố Hải Phòng. Người đại diện theo ủy quyền:
+ Bà Lê Thị K, sinh năm 1981; địa chỉ: Số B T, xã A, huyện A, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.
+ Bà Đoàn Thị Mỹ A, sinh năm 1984; địa chỉ: Số B H, phường H, quận L, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Tập đoàn I; Trụ sở: U Pruhonu 773/12, P, CZ-17000, Cộng hòa Séc.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1992; địa chỉ: B H, phường I, quận P, thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt.
- Công ty cổ phần P1; Trụ sở: Xã P, huyện N, tỉnh Ninh Bình. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hữu L – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Địa chỉ: Số nhà A, khu phố B, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Công ty cổ phần P1 (viết tắt là Công ty P1) là nhà đầu tư và chủ đầu tư của Dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy X, huyện N, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam ký hợp đồng (viết tắt là Hợp đồng 03) thi công nhà máy X với nhà thầu chính là Tập đoàn I (viết tắt là Tập đoàn I). Ngày 03-12-2009, Tập đoàn I ký Hợp đồng thi công công trình dân dựng Nhà máy X và Hợp đồng chế tạo và lắp đặt Nhà máy X (viết tắt là Hợp đồng 02) với nhà thầu phụ là Công ty cổ phần L2 (viết tắt là Công ty L2). Ngày 20-01-2012, Công ty L2 đã ký kết tiếp Hợp đồng số 01/LIS- BAUER/HĐKT-2012 (viết tắt là Hợp đồng 01) với nhà thầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn B1 (viết tắt là Công ty B1) giao lại một phần việc của Hợp đồng 02 cho Công ty B1. Theo Hợp đồng này, Công ty B1 đồng ý thi công cọc khoan nhồi đường kính D600, D900, D1200 của Nhà máy X có giá trị là 1.950.000 EUR. Tại Điều 3.1 của Hợp đồng thỏa thuận về điều kiện nghiệm thu thanh toán như sau: “…Khi hoàn thiện và kết thúc công việc, từng bộ phận công trình, giai đoạn thi công, từng hạng mục công trình bên B (Công ty B1) có trách nhiệm lập đủ hồ sơ liên quan theo quy định đệ trình cho bên A (Công ty L2) kiểm soát và mời tổng thầu Tập đoàn I, Chủ đầu tư kiểm tra và nghiệm thu…”. Theo Điều 6.2 của Hợp đồng về thanh toán Hợp đồng, Công ty L2 là người thanh toán trực tiếp cho Công ty B1, tất cả các lần thanh toán sẽ thanh toán sau khi nhận được thanh toán từ nhà tổng thầu là Tập đoàn I. Sau đó ngày 03-4-2012, Công ty L2 và Công ty B1 ký Phụ lục số 01 (sau đây gọi tắt là Phụ lục 01) của Hợp đồng 01/LIS- BAUER/HĐKT-2012, hủy bỏ và thay thế quy định về trình tự thanh toán và trách nhiệm thanh toán như sau: “Giá trị thanh toán này sẽ được trả trực tiếp từ nhà thầu chính INEKON vào tài khoản của B”.
Trước khi hai bên ký kết Hợp đồng 01, tại Biên bản làm việc ngày 17/01/2012, giữa Công ty B1, Tập đoàn I, Công ty P1 và Công ty L2 đã thống nhất nội dung: Công ty P1 sẽ cung cấp bê tông tươi và cốt thép.
Theo Hợp đồng, các bên thỏa thuận thanh toán tạm ứng và thanh toán thực hiện hợp đồng qua Ngân hàng D khi có đầy đủ điều kiện sau:
- Giấy đề nghị thanh toán;
- Hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật và biên bản xác nhận khối lượng hoàn thành theo từng phần và từng giai đoạn quy ước;
- Phiếu giá tổng hợp kèm theo bảng kê thanh toán khối lượng hoàn thành theo giai đoạn;
- Các tài liệu thanh toán khác theo chế độ hiện hành và các yêu cầu của ngân hàng tài trợ để giải ngân.
Theo đơn khởi kiện nộp ngày 19-3-2014 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là Công ty B1 trình bày:
Thực hiện Hợp đồng 01, Công ty B1 đã chuẩn bị máy móc và dụng cụ cần thiết để thực hiện công việc nhưng kể từ ngày 20/02/2012 đến ngày 10/4/2012 Công ty B1 đã không thể thực hiện công việc do sự chậm trễ của Công ty L2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty B1 đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng ngoài khoản tiền tạm ứng 3.000.000.000 đồng từ Công ty L2 cho Công ty B1 (ba lần vào các ngày 17/02/2012, ngày 09/3/2012, ngày 19/3/2012) thì Công ty L2 và Tập đoàn I đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bất cứ một khoản tới hạn nào cho Công ty B1, cụ thể:
- Sau ngày 03/4/2012 trách nhiệm thanh toán theo thỏa thuận thuộc về Tập đoàn I. Ngày 07/5/2012, Công ty B1 có văn bản gửi Công ty L2 và Công ty P1 đề nghị thanh toán cho công việc đã được hoàn thành đến ngày 30/4/2012 là:
5.445.783.200 đồng (tương đương 190.412 EURO) đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Ngày 29/5/2012 và ngày 05/6/2012, Công ty B1 đã gửi công văn và đề nghị thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định trong hợp đồng với mức lãi suất 0,083%/ngày cho tới khi được thanh toán đầy đủ.
- Ngày 01/6/2012, Công ty B1 đề nghị thanh toán cho công việc đã được hoàn thành từ ngày 30/4/2012 đến ngày 31/5/2012 là: 6.539.390.000 đồng (tương đương 288.650 EURO) đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Ngày 28/6/2012, Công ty B1 đã gửi công văn yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định trong hợp đồng với mức lãi suất 0,083%/ngày cho tới khi được thanh toán đầy đủ.
- Ngày 05/6/2012, Công ty B1 đã gửi Công văn số BNV/LL175.031S để đưa ra thông báo trước về dự định chấm dứt hợp đồng nếu việc vi phạm thanh toán của Công ty L2 không được khắc phục.
- Ngày 01/7/2012, Công ty B1 đề nghị thanh toán cho công việc đã được hoàn thành từ ngày 31/5/2012 đến ngày 30/6/2012 là: 5.797.391.600 đồng (tương đương 202.706 EURO) đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
- Ngày 09-7-2012, Công ty B1 đã gửi công văn yêu cầu Công ty L2 thanh toán chi phí phát sinh là 952.940 EURO bao gồm chi phí chờ đợi do huy động sớm thiết bị, chi phí chờ đợi trong quá trình khởi công, giá trị công việc đã được công Công ty B1 hoàn thành và tiền lãi do chậm thanh toán.
Tất cả các văn bản đề nghị thanh toán trên Công ty B1 đã gửi cho Công ty L2 và Tập đoàn I. Theo Văn bản ngày 08/01/2013 của Công ty B1 gửi Công ty P1 đề nghị xác nhận về việc thỏa thuận và thông báo thanh toán nợ cho Công ty B1, tại mục 4 Công ty B1 đề nghị Công ty P1 xác nhận “…như đã thống nhất thêm rằng Tập đoàn I sẽ thanh toán trực tiếp cho Công ty B1 theo xác nhận bằng cách ký kết Phụ lục số 1 của hợp đồng kinh tế ngày 03/4/2012…”.
Ngày 27/02/2013, Công ty L2 đã gửi Công văn số 050/CVPS-LS cho Công ty B1 khẳng định rằng B2 sẽ xem xét và sớm phê duyệt giải ngân thanh toán cho công việc của tất cả các nhà thầu phụ (bao gồm cả Công ty B1) theo cam kết của B2 với nhà thầu chính (Tập đoàn I) và chủ đầu tư (Công ty P1) đã đang làm việc với B2 để thực hiện việc giải ngân này. Tuy nhiên, không có khoản thanh toán nào được chuyển cho Công ty B1. Công ty B1 đã nhiều lần yêu cầu nhưng Công ty L2 và Tập đoàn I không thanh toán nên Công ty B1 đã khởi kiện yêu cầu Công ty L2 thanh toán số tiền tính ra tiền Việt Nam là 44.475.770.720 đồng, trong đó:
- Giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn và phải được thanh toán là: 27.277.076.470 đồng.
- Số tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 10/3/2014 là: 13.068.794.410 đồng.
- Số tiền bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại của Công ty B1 là: 4.129.899.840 đồng (đã trừ đi khoản thanh toán tạm ứng 3.000.000.000 đồng và số tiền lãi chậm thanh toán tính trên khoản thanh tạm ứng là 1.407.367.710 đồng).
Tại bản tự khai và các văn bản khác trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là Công ty L2 trình bày:
Công ty L2 thừa nhận giữa Công ty L2 với Công ty B1 có ký Hợp đồng 01, Phụ lục 01. Điều 6.2 Phụ lục 01 quy định lại về trình tự thanh toán và trách nhiệm thanh toán như sau: “Giá trị thanh toán này sẽ được trả trực tiếp từ nhà thầu chính INEKON vào tài khoản của B”. Đối với khoản tiền tạm ứng 3.000.000.000 đồng cho Công ty B1: Công ty L2 chỉ được Tập đoàn I thông báo về việc đã thanh toán số tiền tạm ứng nêu trên cho Công ty B1. Việc Tập đoàn I tạm ứng trực tiếp cho Công ty B1 với số lần thế nào, số tiền mỗi lần tạm ứng bao nhiêu, Công ty L2 không nắm được. Theo giấy chuyển tiền tạm ứng do Công ty B1 cung cấp, Công ty L2 khẳng định ông Chu Hữu T1 không phải là nhân viên của Công ty L2; nếu Công ty B1 cho rằng Công ty Cổ phần L2 đã thực hiện tạm ứng cho Công ty B1 thì Công ty B1 có trách nhiệm phải chứng minh.
Thực tế, Công ty L2 có nhận được khoản tiền tạm ứng của Tập đoàn I theo hai hợp đồng khác nhau, cụ thể:
- Hợp đồng bàn giao công trình dân dụng cho Nhà máy X ngày 03/12/2009 với nội dung: Tổng giá trị hợp đồng là 17.011.000 EUR, tạm ứng 15% tổng giá trị là 2.551.550EUR. Tuy nhiên, số tiền tạm ứng này, Tập đoàn I đã yêu cầu Công ty L2 thanh toán cho Công ty P1 2.380.860,95 EUR (thể hiện tại Biên bản thỏa thuận 3 bên ngày 06/7/2011), còn lại số tiền 170.689,05 EUR. Kèm theo Hợp đồng là Phụ lục số 01 ngày 03/12/2009, Phụ lục số 02 ngày 03/12/2009. Việc tạm ứng thể hiện bằng giấy có số 0033 ngày 30/12/2009 của Ngân hàng B2 chi nhánh H1. Sau khi ký hợp đồng bàn giao công trình dân dụng cho Nhà máy X ngày 03/12/2009, Công ty L2 đã thực hiện các công việc cụ thể: Xây dựng khu nhà văn phòng để điều hành việc thi công tại Nhà máy X với giá trị là 118.940,82 EUR; thuê nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần C (viết tắt là Công ty C) để thực hiện công tác thi công một số cọc khoan nhồi có giá trị là 248.524,84 EUR; xây dựng cọc thử và cọc khoan cùng Công ty B1 có giá trị là 400.586 EUR. Tổng giá trị Công ty L2 đã thực hiện theo hợp đồng là 768.051,66 EUR. Sau khi đối trừ khoản tạm ứng còn lại thì số tiền Tập đoàn I còn nợ Công ty L2 là 597.362,61 EUR.
- Hợp đồng chế tạo và lắp đặt Nhà máy X ngày 03-12-2009 với nội dung: Thực hiện và thi công chế tạo thiết bị công nghệ và lắp đặt các thiết bị cho Nhà máy X, tổng giá trị hợp đồng là 12.445.000 EUR, tạm ứng 10% tổng giá trị là 1.244.500 EUR. Việc tạm ứng thể hiện bằng giấy có số 3 ngày 24/9/2010 của Ngân hàng B2 chi nhánh H1. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty L2 đã rất tích cực cùng Công ty B1 để hoàn thiện hồ sơ thanh toán, nhưng đến nay chưa được phía Tập đoàn I xác nhận và thanh toán. Xuất phát từ việc chủ đầu tư (Công ty P1) và nhà thầu chính (Tập đoàn I) chưa thanh toán cho Công ty B1 theo đúng quy định của Phụ lục 01 dẫn đến việc Công ty B1 đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, việc thanh toán cho Công ty B1 không thuộc trách nhiệm của Công ty L2 mà thuộc về Tập đoàn I. Công ty L2 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B1, mà Công ty B1 phải yêu cầu Tập đoàn I thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận, cam kết đã ký trên hợp đồng và Phụ lục hợp đồng.
Theo kết quả uỷ thác tư pháp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn I trình bày: Tập đoàn I đã tạm ứng cho Công ty L2 khoản thanh toán ở mức 15% giá trị cả hai hợp đồng. Tập đoàn I nhiều lần thông báo cho Công ty L2 rằng mình chấp thuận để khoản tiền tạm ứng được sử dụng riêng cho công việc xây dựng do nhà thầu phụ Công ty L2 với Công ty B1. Việc thanh toán hợp đồng tạm ứng giữa Công ty L2 với Tập đoàn I vẫn chưa được giải quyết và hiện thời Tập đoàn I đang ghi nhận khoản nợ thay cho Công ty L2 vượt quá 250.000 EUR.
Ngoài ý kiến nêu trên, Tập đoàn I không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì thể hiện việc ứng tiền và số tiền cụ thể là bao nhiêu, ứng tiền theo hai hợp đồng nào, không rõ là hợp đồng 01 hay 02…Tại kết quả này, Tập đoàn I chỉ có văn bản nêu ý kiến, không cung cấp, giao nộp bất cứ tài liệu, chứng cứ nào khác cho Tòa án.
Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần P1: Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án đã nhiều lần triệu tập nhưng Công ty P1 không đến Tòa án, không có văn bản ghi ý kiến và cũng không giao nộp bất kỳ tài liệu nào cho Tòa án. Qua xác minh, thu thập chứng cứ được biết, Công ty P1 vẫn đang hoạt động theo đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu L có địa chỉ tại: Số nhà A, khu phố B, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trên thực tế Công ty P1 không còn hoạt động cả về con người và hoạt động sản xuất; trụ sở Công ty P1 bỏ không, cổng vào khóa ngoài; các công trình của Công ty P1 chưa hoàn thiện; mới có phần cọc bê tông được khoan nhồi dưới lòng đất. Người đại diện hợp pháp của Công ty P1 là ông Nguyễn Hữu L có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ nêu trên tuy nhiên ông L không sinh sống tại địa chỉ trên, ông L sinh sống ở đâu địa phương không xác định được.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng D1 - chi nhánh Thành phố H (gọi tắt là Ngân hàng) ý kiến: Ngân hàng thực hiện bảo lãnh tiền tạm ứng theo Chứng thư Bảo lãnh số 790BG01200216 ngày 21/02/2012 (với số tiền bảo lãnh là 2.730.000.000 đồng) và bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo Chứng thư Bảo lãnh số 790BG01200212 ngày 21/02/2012 (với số tiền bảo lãnh là 5.460.000.000 đồng) cho Công ty Cổ phần L2. Các chứng thư bảo lãnh này hết hạn từ ngày 21/8/2012. Theo các chứng thư bảo lãnh này, người được bảo lãnh là Công ty B1, bên thụ hưởng là Công ty L2 và Công ty L2 là bên duy nhất có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện việc thanh toán. Ngân hàng không biết Công ty B1 đã nhận khoản thanh toán tạm ứng với số tiền nêu trên hay chưa do Ngân hàng không nhận được bất kỳ văn bản thông báo nào từ Công ty B1 về việc này. Trong suốt thời gian từ ngày phát hành cho đến ngày hết hạn của thư bảo lãnh, Ngân hàng không thực hiện bất kỳ yêu cầu thanh toán nào do không nhận được yêu cầu thanh toán từ Công ty L2. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST ngày 16 tháng 11 năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 37, Điều 39, Điều 147, Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 307 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 302, Điều 306 Luật Thương mại; khoản 1 Điều 76 Luật Xây dựng 2003; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí năm 2009. Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn B1: Buộc Tập đoàn I A.S phải thanh toán cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn B1 số tiền là: 56.785.133.287 đồng, trong đó: Giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn phải được thanh toán và bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại là: 29.264.425.945 đồng; tiền lãi chậm trả là: 28.378.675.957 đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng khác, nghĩa vụ thi hành án, nghĩa vụ chậm trả và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/11/2018, nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn B1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại đơn kháng cáo đề tháng 10/2019, thông qua Tòa án quận P, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn I kháng cáo toàn bộ bản án do Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định được đầy đủ các tình tiết của vụ án, quyết định dựa trên đánh giá pháp lý không chính xác, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, dựa trên những căn cứ sau:
- Theo Hợp đồng 03, Công ty I1 đã thanh toán số tiền tạm ứng cho Công ty L2 là 2.551.550 EUR, tức 15% giá trị Hợp đồng và số tiền 1.244.500 ERU theo Hóa đơn số 01-INEKON/LSC từ 30/8/2011. Ngày 07/6/2011, giữa Công ty P1, Công ty I1 và Công ty L2 đã ký kết thỏa thuận ba bên đồng thuận xác nhận rằng khoản tiền tạm ứng do Công ty I1 đã thanh toán cho Công ty L2 được sử dụng để mua vật liệu cần thiết từ Công ty T2, do đó, Công ty L2 chỉ có nghĩa vụ thực hiện những công việc xây dựng cho Công ty I1 ở mức 170.689,05 EUR.
- Trước khi Công ty B1 thực hiện gói thầu, nhà thầu phụ của Công ty L2 là Công ty Cổ phần C không có kinh nghiệm thực tế, kiến thức phù hợp để thực hiện gói thầu, không đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan nên Công ty I1 đã từ chối thanh toán chi phí cho Công ty C. Tháng 4/2012, Công ty B1 bắt đầu thực hiện Hợp đồng với tư cách nhà thầu phụ của Công ty L2. Không may đã xảy ra tình huống không thể giải ngân được khoản vốn vay từ Ngân hàng B2 dự định để trang trải cho công việc xây dựng nên cuối cùng công việc bị đình chỉ. Trong thời gian đó, Công ty I1 đã liên tục thông báo cho Công ty L2 rằng đồng ý tính những chi phí của Công ty B1 vào tổng số tiền tạm ứng 1.244.500 ERU và số tiền 170.689,5 EUR nêu trên.
- Công ty L2 chưa bao giờ chính thức đưa cho Công ty I1 các hóa đơn để thanh toán về những công việc xây dựng đã thực hiện.
- Không có bất cứ tài liệu nào thể hiện sự đồng ý của Công ty I1 đối với nghĩa vụ thanh toán những chi phí về công việc xây dựng được thực hiện bởi các nhà thầu phụ của Công ty L2. Do đó, trách nhiệm thanh toán cho Công ty B1 chỉ thuộc về L. Ngày 16/11/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/BPB-KDTM với nội dung:
- Quá trình giải quyết vụ án, Công ty B1 chỉ yêu cầu Tòa án buộc Công ty L2 phải có nghĩa vụ thanh toán nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Tập đoàn I phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty B1 là vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự, vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào thỏa thuận riêng tại Điều 6.2 phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 03/4/2012 giữa Công ty L2 và Công ty B1 để buộc Tập đoàn I phải thanh toán cho Công ty B1, trong khi không có sự tham gia, đồng ý về thời hạn, trách nhiệm thanh toán của Tập đoàn I và cũng không có bất kỳ sự thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ thanh toán nào từ Công ty L2 cho Tập đoàn I là không đúng quy định pháp luật về thỏa thuận của các bên đương sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; quá trình giải quyết vụ án, Tập đoàn I cũng có quan điểm không chấp nhận thanh toán thay cho Công ty L2 mà chỉ chấp thuận cho Công ty L2 dùng khoản tạm ứng của Tập đoàn I để thanh toán cho Công ty B1 (phù hợp quy định tại mục 5.1.1 của Hợp đồng giữa Tập đoàn I và Công ty L2 ngày 03/12/2009).
Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nội dung kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn là Công ty L2 phải thanh toán cho Công ty B1; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng:
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn là Công ty L2, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty P1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo là Tập đoàn I đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 02 lần nhưng đều vắng mặt không rõ lý do, trường hợp của Tập đoàn I bị coi như từ bỏ việc kháng cáo, căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của Tập đoàn I đồng thời đưa vụ án ra xét xử.
[2]. Về nội dung:
Hợp đồng xây dựng 01 được ký giữa Công ty B1 và Công ty L2 ngày 20/01/2012 có nội dung: “Công ty B1 đồng ý thi công cọc khoan nhồi đường kính D600, D900, D1200 của Nhà máy X có giá trị là 1.950.000 EUR” nên chịu sự điều chỉnh bởi Luật xây dựng năm 2003, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010. Khoản 3 Điều 95 Luật xây dựng năm 2003 quy định: “3. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có thể giao một phần công việc của hợp đồng cho thầu phụ.
Thầu phụ phải có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng tương ứng và được chủ đầu tư xây dựng công trình chấp nhận; thầu phụ không được giao toàn bộ hoặc phần việc chính theo hợp đồng cho các nhà thầu khác”.
Đối chiếu với Hợp đồng 02 được ký kết giữa Tập đoàn I và Công ty L2 thì Hợp đồng 01 chỉ thực hiện một phần công việc của Hợp đồng 02, do đó, việc Công ty L2 ký kết Hợp đồng 01 với Công ty B1 là không trái quy định pháp luật; Mặt khác, Hợp đồng 01 được ký kết bởi người có thẩm quyền, có nội dung không trái với quy định của pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội nên phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng. Thực tế, các bên không có tranh chấp gì về hiệu lực của hợp đồng nên Hợp đồng 01 có giá trị thực hiện.
[3] Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành xác minh về Công ty P1 là chủ đầu tư và người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu L, kết quả xác minh, trên thực tế Công ty P1 không còn hoạt động cả về con người và hoạt động sản xuất; trụ sở Công ty P1 bỏ không, cổng vào khóa ngoài; các công trình của Công ty P1 chưa hoàn thiện; mới có phần cọc bê tông được khoan nhồi dưới lòng đất. Người đại diện hợp pháp của Công ty P1 là ông Nguyễn Hữu L có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ: số nhà A, khu phố B, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương tuy nhiên ông L không sinh sống tại địa chỉ trên, ông L sinh sống ở đâu địa phương không xác định được. Mặt khác, quá trình ủy thác tư pháp, Tập đoàn I ngoài ý kiến trình bày thì không cung cấp tài liệu nào khác. Do đó, theo hồ sơ vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập được Hồ sơ số 03 được ký kết giữa Công ty P1 và Tập đoàn I. Tuy nhiên, có đủ căn cứ xác định Công ty L2 là nhà thầu phụ được Công ty P1 chấp nhận, bởi theo Biên bản làm việc ngày 17/01/2012 được ký kết giữa bốn bên là Công ty B1, Tập đoàn I, Công ty P1 và Công ty L2 đã thống nhất nội dung: Công ty P1 sẽ cung cấp bê tông tươi và cốt thép, ngoài ra, trước đó, giữa Công ty P1, Tập đoàn I và Công ty L2 còn ký kết văn bản thỏa thuận ngày 07/6/2011.
[4] Về nghĩa vụ thanh toán:
Khoản 1 Điều 81 Luật xây dựng 2003 quy định về thanh toán, quyết toán trong hoạt động xây dựng: “Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu”.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán Hợp đồng xây dựng: “Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có quy định khác”.
Khoản 10 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định: “...a) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ của bên nhận thầu, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục và chuyển đề nghị thanh toán tới cơ quan cấp phát, cho vay vốn”.
Theo Điều 3.1 của Hợp đồng 01 thì Công ty B1 có trách nhiệm lập đủ hồ sơ liên quan theo quy định đệ trình cho Công ty L2 kiểm soát và mời tổng thầu là Tập đoàn I, Chủ đầu tư là Công ty P1 kiểm tra và nghiệm thu; Điều 6.2 của Hợp đồng 01 quy định về thanh toán hợp đồng, theo đó Công ty L2 là người thanh toán trực tiếp cho Công ty B1, việc thanh toán sẽ được thực hiện sau khi nhận được thanh toán từ nhà tổng thầu là Tập đoàn I. Các quy định này của Hợp đồng 01 đều phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật xây dựng 2003; Khoản 3, khoản 10 Điều 18 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng sau khi ký kết Hợp đồng 01, ngày 03/4/2012, giữa Công ty L2 và Công ty B1 tiếp tục ký kết Phụ lục hợp đồng 01, tại Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 lại hủy bỏ và thay thế quy định về trình tự thanh toán và trách nhiệm thanh toán tại Hợp đồng 01, theo đó giá trị thanh toán sẽ được trả trực tiếp từ Tập đoàn I vào tài khoản của Công ty B1. Điều 370 Bộ luật dân sự quy định về chuyển giao nghĩa vụ:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật dân sự thì Công ty L2 để có thể chuyển giao nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn I thì ngoài sự đồng ý Công ty B1 thì phải có sự thỏa thuận giữa Công ty L2 với Tập đoàn I thể hiện Tập đoàn I đồng ý có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ giá trị Hợp đồng 01 cho Công ty B1. Tại văn bản trả lời của Tập đoàn I cũng như tại đơn kháng cáo, Tập đoàn I khẳng định đây chỉ là thỏa thuận giữa Công ty L2 và Công ty B1, không có bất cứ tài liệu nào thể hiện sự đồng ý của Công ty I1 đối với nghĩa vụ thanh toán những chi phí về công việc xây dựng được thực hiện bởi các nhà thầu phụ của Công ty L2. Mặc dù Công ty I1 có quan điểm thể hiện đã liên tục thông báo cho Công ty L2 rằng đồng ý tính những chi phí của Công ty B1 vào tổng số tiền tạm ứng 1.244.500 ERU và số tiền 170.689,5 EUR là phần còn lại của khoản tiền tạm ứng do Công ty I1 đã thanh toán cho Công ty L2 nhưng việc này cũng không đồng nghĩa với việc Tập đoàn I đồng ý có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty B1. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận riêng tại Điều 6.2 phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 03/4/2012 để buộc Tập đoàn I phải thanh toán cho Công ty B1, trong khi Tập đoàn I không đồng ý là không đúng quy định pháp luật về thỏa thuận của các bên đương sự, là chưa đủ căn cứ vững chắc, có thể xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn I. Để có cơ sở vững chắc khẳng định nghĩa vụ thanh toán thuộc về Công ty P1, Tập đoàn I hay Công ty L2 thì cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh bổ sung có sự chuyển giao nghĩa vụ giữa các bên hay không, đặc biệt là Hợp đồng 03 được ký kết giữa Công ty P1 và Tập đoàn I về điều khoản thanh toán của Hợp đồng xem các bên có thỏa thuận nào khác hay không, từ đó xác định Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 có giá trị pháp lý hay không.
[5] Một trong những nội dung quan trọng cần phải xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của Công ty L2 là Tập đoàn I cho rằng Công ty L2 chưa bao giờ chính thức đưa cho Công ty I1 các hóa đơn để thanh toán cho những công việc xây dựng đã thực hiện (ngoài yêu cầu thanh toán đối với nhà thầu phụ là Công ty C), còn Công ty L2 có quan điểm cho rằng Công ty L2 đã rất tích cực cùng Công ty B1 để hoàn thiện hồ sơ thanh toán, nhưng đến nay chưa được phía Tập đoàn I xác nhận và thanh toán. Do chủ đầu tư (Công ty P1) và nhà thầu chính (Tập đoàn I) chưa thanh toán cho Công ty B1 theo đúng quy định của Phụ lục 01 dẫn đến việc Công ty B1 đơn phương chấm dứt hợp đồng. Điều này cũng mâu thuẫn với quan điểm của Ngân hàng D1 - chi nhánh Thành phố H khi cho rằng theo các chứng thư bảo lãnh đối với Hợp đồng 01, người được bảo lãnh là Công ty B1, bên thụ hưởng là Công ty L2 và Công ty L2 là bên duy nhất có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện việc thanh toán, nhưng trong suốt thời gian từ ngày phát hành cho đến ngày hết hạn của thư bảo lãnh, Ngân hàng không thực hiện bất kỳ yêu cầu thanh toán nào do không nhận được yêu cầu thanh toán từ Công ty L2. [6] Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, Công ty B1 luôn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Công ty L2 có nghĩa vụ thanh toán tiền thi công công trình theo Hợp đồng, tiền lãi và đền bù thiệt hại do việc chấm dứt Hợp đồng mà không có quan điểm bổ sung, thay đổi đề nghị Tập đoàn I phải có nghĩa vụ liên đới thanh toán cùng Công ty L2 hoặc có trách nhiệm trực tiếp thanh toán cho Công ty B1. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ khởi kiện bị đơn là Công ty L2 mà không yêu cầu Công ty có nghĩa vụ thanh toán hay liên đới thanh toán cùng Công ty L2. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Tập đoàn I phải thanh toán cho Công ty B1 số tiền là: 56.785.133.287 đồng, trong đó: Giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn phải được thanh toán và bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại là: 29.264.425.945 đồng; tiền lãi chậm trả là: 28.378.675.957 đồng là vượt quá yêu cầu khởi kiện của Công ty B1, vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Mặt khác, ngay cả khi Điều 6.2 của Phụ lục hợp đồng 01 có giá trị pháp lý thì số tiền 56.785.133.287 đồng bao gồm cả giá trị hợp đồng đối với công việc đã được Công ty B1 thực hiện, tới hạn phải được thanh toán; bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại và lãi chậm trả. Mà trách nhiệm về việc bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại là trách nhiệm của riêng Công ty L2 khi chậm bàn giao mặt bằng, chi phí chờ đợi do huy động sớm thiết bị, chi phí chờ đợi trong quá trình khởi công... Việc chuyển giao nghĩa vụ cho Tập đoàn I là chuyển giao nghĩa vụ thanh toán chứ không chuyển giao nghĩa vụ bồi thường cho các tổn thất, thiệt hại của Công ty B1 do lỗi của Công ty L2. Nghĩa vụ bồi thường các tổn thất, thiệt hại không liên quan đến Tập đoàn I. [7]. Xét thấy, việc thu thập chứng cứ và chứng minh của cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể khắc phục được; quá trình xét xử, cấp sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn là Công ty B1 và kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng; hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[8]. Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị hủy nên người kháng cáo là Công ty B1 không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm; Sung vào công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà Tập đoàn I đã nộp.
Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được xác định khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 3 Điều 148; điểm d khoản 1 Điều 289; Điều 295; khoản 3 Điều 296; khoản 3, khoản 5 Điều 308; Điều 310; khoản 2 Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 18; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn I. 2. Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2018/KDTM-ST ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
3. Về án phí:
Công ty B1 không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trả lại 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0010919 ngày 28/11/2018 tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng.
Sung vào công quỹ nhà nước số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm Tập đoàn I đã nộp theo Giấy nộp tiền đề ngày 13/8/2020 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á vào tài khoản số 394901054385 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần N - Chi nhánh H1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được xác định khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng số 03/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 03/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 09/02/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về