Bản án về tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và tranh chấp hợp đồng tín dụng số 38/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 38/2022/DS-PT NGÀY 28/09/2022 VỀ TRANH CHẤP NGHĨA V GIAO TÀI SN BẢO ĐẢM CỦA KHON N XU VÀ TRANH CHẤP HP ĐỒNG N DỤNG

Ngày 28 tháng 9 năm 2022, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 24/2022/TLPT-DS ngày 08 tháng 8 năm 2022 về “Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 04/7/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 24/2022/QĐXX-PT ngày 05 tháng 9 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Tiêu Phạm Ngọc L1, sinh năm 1995.

Nơi ĐKHKTT: Số 78, ngõ 127, đường V, phường L, quận Đ, TP. Hà Nội; Nơi đăng ký tạm trú: Thôn N, xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).

Người đại diện của nguyên đơn: Ông Tiêu Hà P1, sinh năm 1972; Địa chỉ:

Số nhà 5, liền kề 40, Khu đô thị V, huyện Đ, TP. Hà Nội (có mặt).

- Bị đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần S; trụ sở: Số XYZ đường N, phường B, Quận A, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn:

- Bà Chiêu Tú P2- Trưởng bộ phận xử lý nợ khách hàng cá nhân- Phòng xử lý nợ của S;

- Ông Võ Long P2- Chuyên viên xử lý nợ khách hàng doanh nghiệp- Phòng xử lý nợ S;

- Ông Trịnh Xuân T - Giám đốc Ngân hàng S - Chi nhánh Hải Dương; địa chỉ: Số 133 đường T, P. T, thành phố H, tỉnh Hải Dương;

(Theo Giấy uỷ quyền số 145/UQ-S-TGĐ.22.00 ngày 19/7/2022),(Đều có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Trần Mạnh H1, sinh năm 1991; Nơi ĐKHKTT: Thôn L, xã V, huyện B, TP. Hải Phòng; Nơi đăng ký tạm trú: Thôn N, xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương; (vắng mặt, có đơn xin vắng mặt).

+ Công ty đấu giá hợp danh T; trụ sở: Số 594 đường T, phường N, thành phố H, tỉnh Hải Dương; Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thế T2- Giám đốc công ty; (có mặt; đến phần tranh luận, nghị án và tuyên án xin phép vắng mặt).

+ Chị Nguyễn Thị Ngọc H2, sinh năm 1974; Địa chỉ: Số 18 T, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương; (vắng mặt).

+ Anh Nguyễn Xuân Q, sinh năm 1991 và chị Nguyễn Thị T3, sinh năm 1991; Địa chỉ: Thôn K, xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương (Đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 26/10/2016, Ngân hàng thương mại cổ phần S - chi nhánh Hải Dương ký hợp đồng tín dụng với chị Tiêu Phạm Ngọc L1 và anh Trần Mạnh H1, theo đó ngân hàng đã giải ngân cho chị L1, anh H1 vay 02 tỷ đồng. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, chị L1 và anh H1 đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở 3 tầng, các tài sản gắn liền với đất, địa chỉ thửa đất số 299, tờ bản đồ 07, diện tích 513,5m2 ở thôn N, xã C, huyện T (tài sản đứng tên một mình chị L1 và là tài sản riêng của chị L1), theo hợp đồng thế chấp số 111/HĐTC-S-CNHD.16 ngày 26/10/2016, hợp đồng có công chứng. Chị L1, anh H1 không trả nợ đúng hạn nên ngân hàng yêu cầu thanh toán nợ trước hạn và bàn giao tài sản thế chấp nếu không trả được nợ. Đơn đề ngày 16/4/2018 của chị L1, anh H1 gửi ngân hàng xin tự nguyện được bàn giao tài sản thế chấp là chữ ký giả mạo của anh H1, còn chị L1 là bị ép buộc ký. Tuy nhiên trong vụ án này phía nguyên đơn không yêu cầu giám định chữ ký của anh H1, nếu có sẽ xem xét vụ án khác.

Chị L1 không đồng ý giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng nên ngân hàng ra Thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ đề ngày 28/6/2018 và Thông báo về việc thay đổi thời gian thu giữ tài sản bảo đảm đề ngày 25/10/2018. Hai Thông báo này, chị L1 và anh H1 đều đã nhận được. Ngày 06/11/2018, ngân hàng S chi nhánh Hải Dương tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm cùng với chính quyền địa P1. Chị L1 có tham gia nhưng không tự nguyện bàn giao tài sản, bị ngân hàng lôi ra ngoài cùng với người thân trong gia đình. Nay tài sản này đã bán đấu giá và sang tên cho người khác.

Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản thế chấp của chị L1 là không đủ điều kiện theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (viết tắt là Nghị quyết 42), thu giữ tài sản trái pháp luật. Vì hợp đồng thế chấp mà hai bên ký không có nội dung thỏa thuận bên bảo đảm đồng ý cho ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản vi phạm điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết 42. Nay, nguyên đơn khởi kiện: Buộc Ngân hàng S công khai xin lỗi trên phương tiện truyền thông; Trả lại quyền khai thác và sử dụng tài sản thế chấp cho nguyên đơn và thực hiện việc đòi nợ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nguyên đơn không yêu cầu Toà án giải quyết nội dung nào khác.

Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tiền thuê chỗ ở 72 triệu đồng, thiệt hại vật nuôi, cây trồng 15 triệu đồng, tổng là 87 triệu đồng, đại diện của nguyên đơn xin rút yêu cầu này.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn không đồng ý. Vì phản tố của bị đơn là đòi tiền không ăn nhập với nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn là thu giữ tài sản thế chấp không đúng.

* Bị đơn do người đại diện hợp pháp trình bày:

Ngân hàng TMCP S - chi nhánh Hải Dương và chị Tiêu Phạm Ngọc L1, anh Trần Mạnh H1 ký hợp đồng cho vay ngắn hạn (món vay) số 113/HĐTD-S- CNHD.16 ngày 26/10/2016 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 111/HĐTC-S-CNHD.16 ngày 26/10/2016 trên cơ sở tự nguyện, hợp đồng thế chấp có công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 26/10/2016 tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện T. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở 3 tầng, các tài sản gắn liền với đất, địa chỉ thửa đất 299, tờ bản đồ 07, diện tích 513,5m2 ở thôn N, xã C, huyện T được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) đứng tên chị Tiêu Phạm Ngọc L1.

Quá trình thực hiện hợp đồng, chị L1, anh H1 không trả được nợ đúng hạn. Món vay quá hạn từ ngày 25/02/2017, chuyển nợ xấu từ ngày 17/5/2017. S nhiều lần làm việc yêu cầu khách hàng trả nợ nhưng họ không còn khả năng thanh toán. Theo quy định của pháp luật về xử lý nợ, S đã tiến hành thủ tục thu giữ tài sản thế chấp, ban hành các văn bản, thông báo, cụ thể: Ngày 26/03/2018 thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, ngày 11/04/2018 thông báo về việc bàn giao tài sản thế chấp, ngày 16/4/2018 chị L1, anh H1 có Đơn đề nghị gửi ngân hàng xin tự nguyện được bàn giao tài sản thế chấp nên ngày 26/04/2018 ngân hàng ra thông báo về việc thay đổi thời gian bàn giao tài sản thế chấp. Do chị L1, anh H1 không tự nguyện bàn giao tài sản. Nên ngân hàng ban hành Thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ ngày 28/6/2018, và Thông báo về việc thay đổi thời gian thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ quá hạn ngày 25/10/2018, thời gian thu giữ được tiến hành vào ngày 06/11/2018. Các Thông báo này, S đều đã gửi cho Công an, UBND xã C, chị L1, anh H1 và được niêm yết tại UBND xã C, đăng cổng thông tin điện tử nội bộ, đảm bảo thời hạn 15 ngày trước ngày thu giữ. Ngày 06/11/2018, Ngân hàng tiến hành thu giữ thành công tài sản bảo đảm với sự hỗ trợ của UBND và Công an xã C. Việc thu giữ có lập biên bản. Chị L1 có tham gia và có ý kiến không tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp. Ngân hàng S không áp dụng biện pháp thu giữ vi phạm điều cấm của pháp luật.

Sau khi thu giữ thành công tài sản bảo đảm, S đã tiến hành thực hiện việc định giá độc lập do công ty TNHH thẩm định giá B định giá và bán đấu giá tài sản do công ty cổ phần đấu giá S1 tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, qua 8 phiên đấu giá vẫn chưa đấu giá thành công (giá bán đấu giá lần thứ 8 là 2.251.331.113đ).

Do việc bán đấu giá nêu trên không hiệu quả và để xác định lại giá trị tài sản bảo đảm nên vào tháng 5/2020, ngân hàng S thực hiện định giá độc lập lại, do công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá N định giá, theo hợp đồng dịch vụ thẩm định giá số 103 ngày 4/5/2020, chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá, kết quả định giá tài sản nhà, đất thu giữ là 2.602.980.000đ. Ngày 02/6/2020 ngân hàng và công ty đấu giá hợp danh số 1 T ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Bán đấu giá tài sản với giá khởi điểm lần 1 làm tròn là 2.603.000.000đ. Sau 3 phiên giảm giá với mức giá không quá 10% cho mỗi phiên vì không có người tham gia đấu giá, đến phiên đấu giá lần thứ 4, ngày 16/10/2020 chị Nguyễn Thị Ngọc H2 đã trúng đấu giá với giá bán tài sản 2.004.680.000đ. Cùng ngày 16/10/2020, ngân hàng và chị H2 ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 90/2020/HĐ-MBTSĐG ngày 16/10/2020.

Trước khi thu giữ, bán đấu giá tài sản, chị L1 anh H1 chưa trả được khoản nợ gốc nào; trả được lãi trong hạn 54.967.028đ, lãi của lãi trong hạn bị chậm thanh toán là 12.013.764đ, lãi của nợ gốc quá hạn là 56.228.899đ. Vì vậy, số tiền 2.004.680.000đ thu được từ việc bán đấu giá trừ đi các chi phí khi xử lý tài sản thế chấp tổng là 314.508.000đ (trong đó chi phí tổ chức bán đấu giá 36.408.000đ, chi phí định giá 21.000.000đ, chi phí thuê bảo vệ trông giữ tài sản thế chấp từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019 là 237.600.000đ, chi phí thực tế khác (chi phí tạm ứng) 19.500.000đ); số tiền còn lại 1.690.172.000đ ngân hàng đã trừ vào số nợ gốc 02 tỷ của chị L1 anh H1. Vì vậy, tính đến ngày 22/3/2022 chị L1 và anh H1 vẫn còn nợ ngân hàng tiền gốc là 309.828.000đ, lãi trong hạn 147.405.193đ, lãi quá hạn 920.204.514đ, lãi chậm trả lãi 94.939.753đ, tổng 1.472.377.460đ.

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hợp đồng thế chấp do các bên thiết lập là hoàn toàn tự nguyện. Theo các điều 5,6,7,8 hợp đồng thế chấp, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Khoản 13.14 Điều 13 hợp đồng cho vay ngắn hạn ngày 26/10/2016 thì chị L1, anh H1 không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp với S khi thực hiện các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi nợ. Thực tế, chị L1, anh H1 vi phạm nghĩa vụ trả nợ, khoản vay đã chuyển nợ quá hạn, nợ xấu. Bên bảo đảm có đơn xin tự nguyện được bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý nhưng sau đó không bàn giao. Vì vậy, ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản của chị L1 là đúng, phù hợp với Điều 7 Nghị quyết 42. Tài sản đã được ngân hàng thu giữ, thẩm định giá, bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật và đã sang tên cho người khác.

Ngày 01/11/2021, ngân hàng S có đơn yêu cầu phản tố. Số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp sau khi trừ đi các chi phí khi xử lý tài sản thế chấp không đủ để trả nợ, nên ngân hàng S yêu cầu buộc chị L1 và anh H1 trả nợ (tính đến ngày 22/3/2022) tiền gốc 309.828.000đ, lãi trong hạn 147.405.193đ, lãi quá hạn 920.204.514đ, lãi chậm trả lãi 94.939.753đ, tổng 1.472.377.460đ và lãi phát sinh kể từ ngày tiếp theo cho đến khi trả hết nợ theo mức lãi suất đã thoả thuận; được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền thực hiện việc xác minh tài sản khác của chị L1, anh H1 để xử lý thu hồi nợ nếu không trả được nợ.

Ngày 12/5/2022, sau khi đưa vụ án ra xét xử, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố bổ sung, yêu cầu nguyên đơn công khai xin lỗi; nhận lại các tài sản động sản (không nằm trong danh mục tài sản bảo đảm) khi S thu giữ và buộc chị Tiêu Phạm Ngọc L1 thanh toán số tiền 59.400.000đ tiền thuê kho bãi trong coi và quản lý tài sản này trong cùng vụ án.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty đấu giá hợp danh T (gọi tắt là công ty T) trình bày: Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 32/2020/HĐDVĐG ngày 02/6/2020 và các phụ lục hợp đồng sửa đổi giữa S và công ty T ký kết trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật. Tài sản bán đấu giá là nhà, đất đang tranh chấp trong vụ án. Qua 03 phiên đấu giá không thành và giảm giá 3 lần, đến phiên thứ 4, chị Nguyễn Thị Ngọc H2 là người trúng đấu giá. Sau đó, ngân hàng S thực hiện việc ký hợp đồng mua bán tài sản và bàn giao tài sản cho chị Hà. Công ty T và ngân hàng S đã thanh lý hợp đồng, chi phí đấu giá là 36.408.000đ, S đã thanh toán đủ cho công ty. Hồ sơ đấu giá và các tài liệu chứng minh, công ty đã cung cấp cho Toà án. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là hợp pháp, trình tự thủ tục đấu giá đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật đấu giá tài sản nên công ty T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Chị Nguyễn Thị Ngọc H2 trình bày: Tháng 10/2020, chị có tham gia mua bán tài sản đấu giá của ngân hàng S - chi nhánh Hải Dương, do tổ chức bán đấu giá Công ty bán đấu giá hợp danh T thực hiện. Tài sản đấu giá là nhà, đất đang tranh chấp trong vụ án. Ngày 16/10/2020, chị là người trúng đấu giá, với giá là 2.004.680.000đ. S và chị đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 90 ngày 16/10/2020. Ngày 29/10/2020, UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đứng tên chị. Ngày 06/11/2020, với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ngân hàng S đã bàn giao nhà, đất cho chị. Sau đó, chị chuyển nhượng nhà đất lại cho anh Nguyễn Xuân Q và chị Nguyễn Thị T. Các bên đã thực hiện xong hợp đồng. Nay, nguyên đơn khởi kiện, chị không đồng ý, lý do chị mua tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai, đã đăng ký sang tên chị và khi mua không biết tài sản đang có tranh chấp.

3. Anh Nguyễn Xuân Q và chị Nguyễn Thị T trình bày: Ngày 05/4/2021, anh chị nhận chuyển nhượng của chị Nguyễn Thị Ngọc H2 thửa đất số 299, tờ bản đồ số 07 ở Thôn N, xã C, huyện T và các tài sản gắn liền trên đất. Hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng, có công chứng và đã đăng ký sang tên. Ngày 20/4/2021, UBND huyện T đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà mang tên anh chị. Hiện, tài sản do anh chị quản lý, sử dụng. Quá trình sử dụng, do sàn nhà gỗ bị ẩm, mục nên anh chị có sửa sang và nâng cấp một số hạng mục để ở như hiện nay. Anh chị nhận chuyển nhượng tài sản của chị Hà là ngay tình, không biết tài sản có tranh chấp. Nay, nguyên đơn khởi kiện, anh chị đề nghị Toà án căn cứ Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 để xem xét bảo đảm quyền lợi cho anh chị là người thứ ba ngay tình.

4. Anh Trần Mạnh H1 (chồng chị Tiêu Phạm Ngọc L1) vắng mặt tại nơi cư trú và không có quan điểm trình bày giải quyết vụ án.

* Kết quả xác minh với UBND xã Cẩm Chế và Công an xã Cẩm Chế: Nhà, đất đang tranh chấp có nguồn gốc của bà Lê Thị Q2 (bà nội của chị L1) tặng cho chị Tiêu Phạm Ngọc L1. Nhà, đất này không bị tranh chấp trong vụ án khác, không bị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không bị kê biên, không bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Trước khi thu giữ tài sản, UBND và Công an xã có nhận được các Thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ ngày 28/6/2018 và Thông báo về việc thay đổi thời gian thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ quá hạn ngày 25/10/2018 của S. S có niêm yết các thông báo này tại trụ sở UBND xã C. Tổ chức đấu giá có niêm yết các Thông báo đấu giá tài sản nhiều lần tại trụ sở UBND xã C. UBND và Công an xã có tham gia chứng kiến, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình S thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. S và chính quyền địa phương không sử dụng biện pháp thu giữ vi phạm điều cấm của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 04/7/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương:

Căn cứ các Điều 34, 116, Điều 117, Điều 119, khoản 2 và 3 Điều 133, Điều 299, Điều 300, Điều 301, điểm a khoản 1 Điều 303, Điều 304, Điều 319 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 7, Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 40, 42, 44, 45, 46, 53 và 57 Luật đấu giá tài sản năm 2016; Điều 167, khoản 3 Điều 188 Luật đất đai; khoản 3 và 14 Điều 26, Điều 147, khoản 2 Điều 244 BLTTDS; Điều 4, Điều 7, Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí và lệ phí Tòa án.

- Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn về đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tiền thuê nhà và thiệt hại vật nuôi, cây trồng) tổng 87.000.000đ.

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ngân hàng S công khai xin lỗi chị Tiêu Phạm Ngọc L1 về việc thu giữ tài sản bảo đảm không đúng trên P1 tiện loa tuyền thanh UBND xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Tiêu Phạm Ngọc L1 về việc yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần S trả lại quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản thế chấp (quyền sử dụng đất và nhà ở 3 tầng, các tài sản gắn liền với đất, thông tin thửa đất số 299, tờ bản đồ 07, diện tích 513,5m2 ở thôn N, xã C, huyện T, Hải Dương).

- Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần S có trách nhiệm bồi hoàn cho chị Tiêu Phạm Ngọc L1 số tiền 3.291.888.349đ.

- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Ngân hàng thương mại cổ phần S. Buộc chị Tiêu Phạm Ngọc L1 và anh Trần Mạnh H1 có nghĩa vụ thanh toán cho S tổng số tiền 1.021.231.429đ (trong đó nợ lãi trong hạn là 130.711.429đ, nợ lãi quá hạn là 890.520.000đ).

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ trả lãi do chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18/7/2022 đại diện nguyên đơn ông Tiêu Hà P1 kháng cáo một phần bản án nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định pháp luật không chính xác; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu trả lại quyền khai thác, sử dụng tài sản thế chấp là nhà đất tại thửa 299, tờ bản đồ 07 thôn N, xã C, huyện T, Hải Dương là quyết định sai trái vì ngân hàng S đã thu giữ trái pháp luật tài sản thế chấp thì việc bán đấu giá và giao dịch mua bán tài sản thu giữ trái pháp luật này đều không có giá trị pháp lý. Đề nghị cấp phúc thẩm tuyên bố mọi giao dịch đấu giá và mua bán tài sản thu giữ đều vô hiệu, buộc Ngân hàng S khôi phục nguyên trạng và giao lại quyền khai thác sử dụng cho chị L1. Đối với yêu cầu phản tố của ngân hàng S nguyên đơn không đồng ý tính lãi vì S đã thu giữ tài sản bảo đảm, đề nghị buộc Ngân hàng phải trả lãi phần thu giữ thừa cho chị L1.

Ngày 12/07/2022, bị đơn Ngân hàng thương mại cổ phần S kháng cáo toàn bộ bản án: Xác định việc ngân hàng S thu giữ tài sản bảo đảm là của bà L1 là hoàn toàn đúng pháp luật. Việc bà L1 khởi kiện ngân hàng S là thực hiện trái với các thỏa thuận của khách hàng với ngân hàng S tại các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp. Đề nghị cấp phúc thẩm :

-Hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 14/7/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương.

- Bác toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của bà L1 đối với ngân hàng S.

- Buộc bà L1, ông H1 tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng S theo Hợp đồng cho vay ngắn hạn số 113 ngày 26/10/2016, số dư nợ tổng là 1.493.817.067đ (tiền gốc 309.828.000đ, lãi trong hạn 147.405.193đ, lãi quá hạn 934.840.271đ, lãi phạt chậm thanh toán lãi 101.743.603đ, và lãi phát sinh kể từ ngày 12/7/2022 cho đến khi trả hết nợ theo mức lãi suất 150% lãi trong hạn;

- Trường hợp bà L1, ông H1 không trả nợ hoặc trả không hết nợ S có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi nợ theo quy định.

- Toàn bộ án phí và các chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và thi hành án bà L1, ông H1 phải chịu.

- Buộc nguyên đơn công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Buộc nguyên đơn nhận lại các tài sản rời không nằm trong danh mục tài sản được bảo đảm và buộc nguyên đơn hoàn trả toàn bộ chi phí thuê kho bãi là 72.600.000đ.

Tại kháng nghị số 01/QĐ-KNPT-VKS-DS ngày 18/7/2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương kháng nghị nội dung: Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 04/7/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương:

Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp về thu giữ tài sản bảo đảm: Tại Bản án đã áp dụng 2 Điều 7 Nghị quyết số 42; Điều 301 Bộ luật dân sự nhận định “khi chị Tiêu Phạm Ngọc L1 không đồng ý giao tài sản bảo đảm, có tranh chấp, S phải dừng việc thu giữ và thực hiện việc khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục rút gọn. S không khởi kiện đến Toà án mà tự thu giữ, niêm phong tài sản là trái pháp luật” là áp dụng pháp luật không đầy đủ, không áp dụng Nghị quyết 42/QH để giải quyết đối với khoản nợ xấu là thiếu sót.

Vi phạm trong việc đánh giá lỗi: Tại bản án sơ thẩm định ngân hàng S có lỗi mà không xem xét đến lỗi của bà L1 không tự nguyện bàn giao để xử lý tài sản bảo đảm là đánh giá lỗi không khách quan, toàn diện ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng S. Đề nghị HĐXX phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm về các nội dung trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các nội dung kháng cáo. Xác định Ngân hàng có quyền thu giữ tài sản thế chấp nhưng chưa đủ điều kiện để thu giữ theo Nghị quyết 42 vì chị L1 không tự nguyện đồng ý giao tài sản nên Ngân hàng thu giữ là trái pháp luật. Đề nghị giám định chữ ký của anh Trần Mạnh H1 tại đơn đề nghị xin tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp. Đối với yêu cầu giải quyết hợp đồng tín dụng của S nguyên đơn không đồng ý. Đề nghị xem xét việc tính lãi của S khi đã thu giữ và bán tài sản đấu giá.

Đại diện bị đơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo không đề nghị hủy án sơ thẩm mà chỉ đề nghị sửa án sơ thẩm, các nội dung kháng cáo khác giữ nguyên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Công ty đấu giá hợp danh số 1 T: Xác định việc Công ty ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với S và trình tự thủ tục bán đấu giá đúng quy định của pháp luật, không đồng ý yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) từ khi thụ lý đến khi xét xử. Về quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát phân tích các căn cứ xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bị đơn, kháng nghị của Viện kiểm sát, ý kiến của các bên đương sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và một phần kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn; sửa bản án sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 04/7/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương; Xác định Ngân hàng S tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ là đúng. Xác định lỗi cả của nguyên đơn do không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm. Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Kháng cáo của đại diện nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương trong thời hạn luật định, là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ.

Tại phiên tòa vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Xét thấy anh H1 đã có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Các đương sự khác vắng mặt đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 2 lần, nên căn cứ Điều 296 BLTTDS xét xử vắng mặt các đương sự nói trên.

[2].Xét kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, kháng nghị của VKSND thành phố Hải Dương:

[2.1]. Đối với kháng cáo, kháng nghị về việc thu giữ tài sản thế chấp:

Các đương sự trong vụ án đều xác định: Chị Tiêu Phạm Ngọc L1 và anh Trần Mạnh H1 ký hợp đồng cho vay ngắn hạn (món vay) số 113/HĐTD-S- CNHD.16 ngày 26/10/2016 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 111/HĐTC-S-CNHD.16 ngày 26/10/2016; tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và nhà ở 3 tầng, các tài sản gắn liền với đất, địa chỉ thửa đất 299, tờ bản đồ 07, diện tích 513,5 m2 ở N, C, T được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) đứng tên chị Tiêu Phạm Ngọc L1. Các bên đương sự đều xác định các hợp đồng nói trên là tự nguyện thỏa thuận, phù hợp pháp luật, không tranh chấp về nội dung hợp đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, chị L1, anh H1 không trả được nợ đúng hạn. Món vay quá hạn từ ngày 25/02/2017, chuyển nợ xấu từ ngày 17/5/2017 theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 42. S thông báo nhiều lần yêu cầu chị L1, anh H1 trả nợ theo hợp đồng tín dụng nhưng anh H1, chị L1 không thực hiện được. S tiến hành thu giữ tài sản thế chấp nêu trên. Đối chiếu với khoản 2 Điều 7 (quyền thu giữ tài sản bảo đảm) Nghị quyết 42, S đáp ứng đầy đủ điều kiện về quyền thu giữ tài sản thế chấp bảo đảm. Về trình tự thủ tục thông báo thu giữ S đã tiến hành đầy đủ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ngày 06/11/2018, khi S tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, chị L1 có mặt tham gia nhưng không đồng ý và không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm và có ý kiến ghi rõ tại Biên bản thu giữ tài sản bảo đảm (BL 01-06) nhưng S vẫn tổ chức tiến hành thu giữ tài sản thế chấp. Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 42 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Điều 301 Bộ luật dân sự: Ngày 06/11/2018, khi chị L1 không đồng ý tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm là có tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, thế chấp thì S không được tự thu giữ tài sản thế chấp và thực hiện việc khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp trên. S không khởi kiện đến Toà án mà tự thu giữ, niêm phong tài sản là trái pháp luật. Do đó, tại bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn và buộc S công khai xin lỗi trên phương tiện loa truyền thanh UBND xã C, huyện T, tỉnh Hải Dương theo quy định tại Điều 34 BLDS là có căn cứ, đúng pháp luật. Do vậy nội dung kháng cáo của bị đơn và kháng nghị xác định việc thu giữ đúng pháp luật là không có căn cứ, nên không được chấp nhận. Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn đề nghị giám định chữ ký của anh H1 tại đơn đề nghị xin tự bàn giao tài sản thế chấp. Ông P1 xác định chữ ký của chị L1 là đúng nhưng do bị ép buộc ký, nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên, xác định khi thu giữ chị L1 thể hiện ý chí không đồng ý tự nguyện giao tài sản thế chấp và xác định việc thu giữ của S là trái pháp luật, nên không cần thiết phải giám định.

[2.2].Đối với nội dung kháng cáo của nguyên đơn buộc S trả lại quyền khai thác, sử dụng tài sản thế chấp cho nguyên đơn:

Hiện nay tài sản thế chấp thông qua việc đấu giá tài sản chị Nguyễn Thị Ngọc H2 là người trúng đấu giá ngay tình, được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào ngày 29/10/2020. Sau đó, chị H2 làm thủ tục chuyển nhượng đăng ký sang tên cho anh Nguyễn Xuân Q, chị Nguyễn Thị T. Xác định việc chuyển nhượng là ngay tình. Anh Q và chị T đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào ngày 20/4/2021. Quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật đấu giá tài sản và khoản 2 Điều 133 BLDS. Do vậy, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn buộc S trả lại quyền khác thác và sử dụng đối với tài sản thế chấp là không có căn cứ chấp nhận.

[2.3].Đối với kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát thành phố Hải Dương về xem xét lỗi của các bên:

Như phân tích ở trên, S thu giữ tài sản thế chấp của nguyên đơn không đúng pháp luật, có lỗi, dẫn đến tài sản sang nhượng cho nhiều người. Tuy nhiên căn cứ các nội dung thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp thì khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, các chi phí liên quan nhưng bên có tài sản bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bà L1 phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho S để xử lý thu hồi nợ theo Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Hợp đồng thế chấp. Bản thân bà L1, ông H1 cũng đã có đơn đề nghị (ghi ngày 16/4/2018), đại diện nguyên đơn xác định chị L1 ký đơn với nội dung đã mất khả năng trả nợ cho ngân hàng nên xin được bàn giao tài sản bảo đảm cho S, nhưng khi Ngân hàng thu giữ lại không tự nguyện bàn giao tài sản thế chấp. Do vậy, xác định lỗi của cả nguyên đơn và bị đơn, nên cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và kháng cáo của bị đơn về nội dung này. Đánh giá lỗi của nguyên đơn và bị đơn là ngang nhau mỗi bên 50%. Căn cứ kết quả định giá ngày 09/6/2022 của Hội đồng định giá tài sản tổng giá trị quyền sử dụng đất, nhà ở và các vật kiến trúc, cây cối trên đất của nguyên đơn (đã bóc tách các hạng mục mà vợ chồng anh Q, chị T sửa chữa, cải tạo thêm năm 2021) là 5.296.568.349đ, trong đó: quyền sử dụng đất (theo hiện trạng 482,7m2 gồm 421,5m2 đất ở có giá 7,2 triệu đồng/m2 và 61,2m2 đất vườn có giá 5,2 triệu đồng/m2) có giá trị 3.353.040.000đ; nhà ở, vật kiến trúc và cây cối có giá trị 1.943.528.349đ. Tài sản trên S chuyển nhượng cho chị Nguyễn Thị Ngọc H2 vào ngày 16/10/2020 có tổng giá trị là 2.004.680.000đ. Nên phần chệnh lệch 3.291.888.349đ giá trị tài sản thế chấp so với giá trị bán đấu giá được tính là thiệt hại xác định lỗi mỗi bên là 50%. Do vậy S phải có trách nhiệm bồi hoàn cho nguyên đơn là 1.645.944.000đ (làm tròn). Đối với các chi phí khi xử lý tài sản thế chấp (như chi phí tổ chức bán đấu giá, chi phí định giá, chi phí thuê người trông giữ tài sản và các chi phí khác) tổng cộng là: 314.508.000 nguyên đơn, bị đơn mỗi bên phải chịu 50% là 157.254.000đ.

[2.3].Đối với kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn về yêu cầu nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng.

Xét yêu cầu của bị đơn buộc bà L1, ông H1 tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho S theo Hợp đồng cho vay ngắn hạn số 113 ngày 26/10/2016. Đây là yêu cầu phát sinh trên cơ sở hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự cần xem xét yêu cầu này trong cùng vụ án. Tại bản án sơ thẩm đã xem xét chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, đã tính toán đối trừ số tiền S thu được từ việc bán đấu giá tài sản để trừ đi nghĩa vụ phải thanh toán của nguyên đơn. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên xác định nguyên đơn chịu lỗi 50% đối với chi phí khi xử lý tài sản thế chấp là 157.254.000đ. Do đó, số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản thế chấp là : 2.000.000.000đ -157.254.000đ = 1.847.426.000đ ; Nghĩa vụ thanh toán của chị L1, anh H1 cho S theo hợp đồng tín dụng cho đến nay là:

- Nợ gốc: 152.574.000đ - Nợ lãi trong hạn (tính từ ngày 27/10/2016 đến ngày 26/10/2017, lãi suất 9,98%/năm là: 202.405.221đ đã trả được 66.980.792đ, còn nợ 135.424.429đ.

- Nợ lãi quá hạn: Tính từ ngày 27/10/2017 đến ngày 16/10/2020- ngày ngân hàng thu được tiền từ việc bán đấu giá tài sản, lãi suất 14,97%/năm, của nợ gốc 2.000.000.000đ là: 890.520.000đ. Tính từ ngày 17/10/2020 đến ngày 04/7/2022 (ngày xét xử sơ thẩm) lãi suất 14,97%/năm, của nợ gốc 152.574.000đ là 39.145.784đ. Tổng lãi quá hạn là: 929.665.784đ.

Tổng nghĩa vụ chị L1, anh H1 phải thanh toán cho S là 1.178.518.429đ và lãi phát sinh từ sau ngày xét xử sơ thẩm (ngày 04/7/2022) đến khi thi hành xong theo lãi suất tại hợp đồng tín dụng. Phần yêu cầu của S không được chấp nhận là 313.777.575đ.

Đối với yêu cầu khoản tiền lãi của chậm trả lãi S kháng cáo căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất phạt vi phạm thì yêu cầu lãi chậm trả lãi của S không được chấp nhận. Do vậy không chấp nhận kháng cáo của bị đơn về nội dung này.

Đối với yêu cầu của S về việc chị L1, anh H1 không trả được nợ hoặc trả không hết, S được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền thực hiện việc xác minh tài sản khác của chị L1, anh H1 để xử lý thu hồi nợ còn lại. Đây là quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự tại giai đoạn thi hành án, theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Nên yêu cầu này của S không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nên cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là phù hợp. Do vậy yêu cầu này cũng không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm.

Đối với yêu cầu của bị đơn nhận lại các tài sản động sản (không nằm trong danh mục tài sản bảo đảm) khi S thu giữ và buộc nguyên đơn thanh toán số tiền 59.400.000đ tiền thuê kho bãi trông coi và quản lý tài sản (tính đến ngày 12/5/2022). Xét yêu cầu này của bị đơn phát sinh sau khi Toà án đưa vụ án ra xét xử và hoãn phiên toà lần đầu (ngày 29/4/2022). Căn cứ khoản 3 Điều 200 BLTTDS, yêu cầu phản tố bổ sung này của bị đơn, Toà án cấp sơ thẩm không thụ lý xem xét giải quyết trong cùng vụ án là đúng pháp luật. Do vậy yêu cầu này cũng không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm.

[2.3].Đối với kháng cáo của bị đơn về án phí và chi phí tố tụng:

Tại bản án đã xác định nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự theo nghĩa vụ phải thi hành. Tuy nhiên, do sửa án sơ thẩm đối với nghĩa vụ thanh toán của nguyên đơn cho bị đơn theo hợp đồng tín dụng là 1.178.518.429đ, nên nguyên đơn phải chịu án phí 47.355.500đ (làm tròn); nghĩa vụ hoàn trả của bị đơn cho nguyên đơn số tiền là 1.645.944.000đ nên bị đơn phải chịu án phí là: 61.378.320đ và phải chịu án phí đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận là:

313.777.575đ x 5% = 15.688.879đ; tổng cộng S phải chịu 77.067.000đ (làm tròn) án phí dân sự sơ thẩm.

Đối với kháng cáo của S buộc nguyên đơn chịu toàn bộ án phí là không có cơ sở chấp nhận. Đối với các chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án sau này.

[3].Đối với kháng cáo của bị đơn đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm:

Cấp sơ thẩm đã tiến hành các thu thập tài liệu chứng cứ đảm bảo quy định của Bộ luật tố tụng đầy đủ và đã xem xét giải quyết đầy đủ toàn diện các yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của nguyên đơn, bị đơn, nên không có căn cứ hủy án theo kháng cáo của bị đơn. Tại phiên tòa bị đơn, thay đổi nội dung kháng cáo, không đề nghị hủy án chỉ đề nghị sửa án sơ thẩm. Với những phân tích trên, có căn cứ chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát và một phần kháng cáo của bị đơn; sửa một phần bản án sơ thẩm về xác định lỗi của các bên, nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng và án phí. Các nội dung khác giữ nguyên như bản án sơ thẩm.

[4].Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo Điều 148 BLTTDS, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của đại diện nguyên đơn ông Tiêu Hà P1; Chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND thành phố Hải Dương và một phần kháng cáo của bị đơn S; Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 11/2022/DS-ST ngày 14/7/2022 của Toà án nhân dân thành phố Hải Dương

2. Căn cứ các Điều 34, 116, Điều 117, Điều 119, khoản 2 và 3 Điều 133, Điều 299, Điều 300, Điều 301, điểm a khoản 1 Điều 303, Điều 304, Điều 319 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 7, Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 40, 42, 44, 45, 46, 53 và 57 Luật đấu giá tài sản năm 2016;

Điều 167, khoản 3 Điều 188 Luật đất đai; khoản 3 và 14 Điều 26, Điều 147, khoản 2 Điều 244 BLTTDS; Điều 4, Điều 7, Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn về đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tiền thuê nhà và thiệt hại vật nuôi, cây trồng) tổng 87.000.000đ.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xác định việc S thu giữ tài sản thế chấp là trái pháp luật.

Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần S công khai xin lỗi chị Tiêu Phạm Ngọc L1 về việc thu giữ tài sản bảo đảm không đúng trên phương tiện loa tuyền thanh UBND xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Tiêu Phạm Ngọc L1 về việc yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần S trả lại quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản thế chấp (quyền sử dụng đất và nhà ở 3 tầng, các tài sản gắn liền với đất, thông tin thửa đất số 299, tờ bản đồ 07, diện tích 513,5m2 ở thôn N, C, T, Hải Dương).

4. Buộc Ngân hàng thương mại cổ phần S có có trách nhiệm bồi hoàn cho chị Tiêu Phạm Ngọc L1 số tiền 1.645.944.000đ (một tỷ, sáu trăm bốn mươi năm triệu, chín trăm bốn mươi bốn nghìn đồng).

5. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Ngân hàng thương mại cổ phần S. Buộc chị Tiêu Phạm Ngọc L1 và anh Trần Mạnh H1 có nghĩa vụ thanh toán cho S tổng số tiền 1.178.518.429đ (Một tỷ, một trăm bảy mươi tám triệu, năm trăm mười tám nghìn, bốn trăm hai mươi chín đồng) (trong đó nợ gốc:

152.574.000đ nợ lãi trong hạn là 135.424.429đ, nợ lãi quá hạn là 929.665.784đ).

6. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 04/7/2022) chị L1, anh H1 tiếp tục phải chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong nợ gốc, theo mức lãi suất tại hợp đồng cho vay ngắn hạn (món vay) số 113/HĐTD-S-CNHD.16 ngày 26/10/2016.

7. Về án phí:

7.1 Án phí sơ thẩm:

- Trả lại cho nguyên đơn chị Tiêu Phạm Ngọc L1 số tiền tạm ứng án phí 300.000 án phí dân sự theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2018/0005054 ngày 10/3/2021 và 2.175.000đ tạm ứng án phí dân sự theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2018/0005054 ngày 10/3/2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương.

- Chị Tiêu Phạm Ngọc L1 và anh Trần Mạnh H1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 47.355.500đ (Bốn mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi năm nghìn, năm trăm đồng).

- Ngân hàng TMCP S phải chịu 61.378.320đ án phí dân sự sơ thẩm đối với nghĩa vụ bồi hoàn và 15.688.879đ án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được chấp nhận. Tổng: 77.067.000đ. Đối trừ với số tiền tạm ứng án phí mà S nộp 27.677.000đ theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2020/0001644 ngày 12/11/2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương. S còn phải nộp 49.390.000đ (làm tròn) (Bốn mươi chín triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

7.2. Án phí phúc thẩm:

- Trả lại cho nguyên đơn chị Tiêu Phạm Ngọc L1 số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2021/0000290 ngày 18/7/2022 (do ông Tiêu Hà P1 nộp thay) của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương.

- Trả lại cho bị đơn S số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2021/0000293 ngày 18/7/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương.

8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (28/9/2022).

Bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1204
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và tranh chấp hợp đồng tín dụng số 38/2022/DS-PT

Số hiệu:38/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về