Bản án về tranh chấp mua bán tài sản số 90/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 90/2022/DS-PT NGÀY 10/05/2022 VỀ TRANH CHẤP MUA BÁN TÀI SẢN

Trong các ngày 04 và ngày 10 tháng 5 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 09/2022/TLPT- DS ngày 02 tháng 3 năm 2022 về tranh chấp mua bán tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 52/2021/DS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 39/2022/QĐ-PT ngày 18 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn L.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Quang S – Chức vụ: Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn L; địa chỉ: cụm C, xã T, huyện T, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền: Chị Đoàn Xuân Khánh Q, sinh năm 1974 – Chức vụ: Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn L (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Dương Tấn L1 – Văn phòng luật sư Dương Tấn L1 thuộc đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (có mặt).

- Bị đơn: Anh Trần Thế C (K), sinh năm 1975; địa chỉ: ấp L, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của bị đơn anh Trần Thế C: Anh Quang N, sinh năm 1994; địa chỉ: khu vực T, phường P, quận C, thành phố Cần Thơ (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn anh Trần Thế C: Luật sư Nguyễn Thị H – Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ (có mặt).

- Người kháng cáo: Anh Trần Thế C – bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn L – Người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Vào ngày 25/4/2020, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) L và anh Trần Thế C có ký hợp đồng bao tiêu lúa lương thực số 11/HĐSXTT, tiếp đến ngày 28/4/2020, hai bên có ký phụ lục hợp đồng số 11a/PLHĐSXTT, trong đó Công ty TNHH L bao tiêu và anh C cung ứng lúa lương thực đạt tiêu chuẩn chất lượng với sản lượng như sau:

Về giống lúa gồm:

Giống ST 24 gieo xạ huyện A, tỉnh Kiên Giang, diện tích gieo xạ là 100 ha, ước tính thu hoạch là 500 tấn.

Giống Hương Châu 6 gieo xạ huyện G, tỉnh Kiên Giang, diện tích gieo xạ là 60 ha, ước tính thu hoạch là 300 tấn.

Hơn nữa, theo phụ lục hợp đồng số 11a/PLHĐSXTT ngày 28/4/2020, Công ty đã cung ứng giống gốc theo đúng thỏa thuận, với số lượng và giá trị như sau:

Giống ST24, khối lượng 6.760kg, đơn giá 15.300 đồng/kg, thành tiền là 103.428.000 đồng.

Giống Hương Châu 6, khối lượng 12.320kg, đơn giá 15.200 đồng/kg, thành tiền là 187.264.000 đồng.

Sau đó, Công ty đã hỗ trợ điều chỉnh giảm giá giống gốc cho ông C số tiền là 46.825.000 đồng, tiền giống gốc anh C còn nợ Công ty sau khi điều chỉnh giảm giá giống gốc là 290.692.000đ – 46.825.000đ = 243.867.000 đồng.

Theo thỏa thuận tại phụ lục hợp đồng số 11a/PLHĐSXTT, số tiền giống gốc là 243.867.000 đồng sẽ được trừ theo tiến độ anh C giao lúa lương thực cho Công ty.

Để thực hiện giao lúa thành phẩm lúa lương thực ST24 cho Công ty, căn cứ hợp đồng số 11/HĐSXTT, ông C đã gởi 03 văn bản đề nghị ứng tiền mua nguyên lúa tươi lương thực ST24, với tổng số tiền là 2.200.000.000 đồng.

Căn cứ hợp đồng số 11/HĐSXTT và văn bản đề nghị ứng tiền của ông C thì Công ty đã chuyển khoản cho ông C 3 lần với tổng số tiền là 2.120.000.000 đồng.

Như vậy, tính đến ngày 22/9/2020, Công ty đã tạm ứng cho anh C tổng số tiền là 2.363.867.000 đồng (trong đó: Tiền giống gốc là 243.867.000đ và tiền tạm ứng là 2.120.000.000đ).

Sau khi anh C nhận được tiền tạm ứng mua lúa lương thực ST24 của Công ty TNHH L, anh C đã vi phạm các điều khoản hợp đồng, không thực hiện cam kết giao lúa lương thực theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, cơ cấu hàng hóa cụ thể:

- Vào ngày 21/9/2020, anh C chở đến Công ty khoảng 80.000kg lúa lương thực ST24, Công ty đã tiến hành kiểm tra chất lượng kết quả lô hàng không đạt chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng là tỷ lệ hạt xanh non 3,7% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa ám mùi khói, gạo xát màu chì, cơm nấu có màu trắng ngà, có mùi chua nặng. Do chất lượng lô lúa lương thực không đạt tiêu chuẩn nên Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này.

- Tiếp đến ngày 25/9/2020, ông C chở đến Công ty khoảng 100.000 kg lúa lương thực ST24, Công ty đã tiến hành kiểm tra chất lượng kết quả lô lúa lương thực không đạt chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng là tỷ lệ tạp chất 4% (so với quy định theo hợp đồng không quá 2%), tỷ lệ hạt xanh non 3,5% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa có mùi khói, không sáng màu, hạt bị nảy mầm, gạo màu chì, cơm có mùi khói, chua nhẹ. Do chất lượng lô lúa lương thực không đạt tiêu chuẩn nên Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này.

- Tiếp đến ngày 26/9/2020, anh C chở đến Công ty khoảng 70.000 kg lúa lương thực ST24, Công ty đã tiến hành kiểm tra chất lượng kết quả lô lúa lương thực này cũng không đạt chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng là tỷ lệ tạp chất 2,7% (so với quy định theo hợp đồng không quá 2%), tỷ lệ hạt xanh non 3,5% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa có mùi khói, hạt bị nảy mầm, gạo đục màu chì, cơm có mùi khói nhẹ, lúa bị chua. Do chất lượng lô lúa lương thực không đạt tiêu chuẩn nên Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này.

Như vậy, anh C đã không thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng số 11/HĐSXTT ngày 25/4/2020 về cả tiêu chuẩn chất lượng, số lượng và cơ cấu hàng hóa.

Kể từ ngày 27/10/2020, anh C không chuyển lúa lương thực ST24 và Hương Châu 6 theo quy định của hợp đồng và cũng không thanh toán, trả tiền giống gốc và tiền đã tạm ứng cho Công ty TNHH L. Trước tình hình đó, ngày 10/11/2020, Công ty đã làm việc và yêu cầu anh C thanh toán toàn bộ công nợ cho Công ty với số tiền: 2.363.867.000 đồng. Công ty đã nhiều lần đến làm việc để yêu cầu anhC thanh toán công nợ nhưng đến nay ngày 15/01/2021 anh C vẫn chưa thanh toán cho Công ty TNHH L nên Công ty khởi kiện anh C.

Nay xét thấy, anh Trần Thế C có hành vi chiếm dụng tiền của Công ty TNHH L Việt Nam và có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH L. Để đảm bảo thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Công ty. Công ty chúng tôi làm đơn khởi kiện anh Trần Thế C để buộc anh C phải thanh toán toàn bộ số tiền anh C còn nợ Công ty TNHH L là 2.363.867.000 đồng (hai tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu tám trăm sáu mươi bảy nghìn đồng). Anh C cho rằng Công ty chúng tôi có cử cán bộ xuống lò sấy để kiểm tra chất lượng lúa nào đạt thì mới cho sấy và chở về kho của Công ty là không có mà Công ty chỉ cử cán bộ xuống để theo dõi tiến độ sản xuất và kiểm tra lúa có chở về lò sấy không.

Bị đơn anh Trần Thế C trình bày: Anh xác định theo đơn khởi kiện và đại diện theo ủy quyền của Công ty trình bày về ký kết hợp, phụ lục hợp đồng, giống lúa, diện tích gieo xạ, kỹ thuật và tiền tạm ứng là đúng sự thật nên anh không có ý kiến về thêm gì. Sau khi ký hợp đồng xong thì phía Công ty giao giống lúa ST24 và Hương Châu 6 cho anh và giao lại cho nông dân gieo xạ. Đến ngày 07/9/2020 hai bên đã thống nhất duyệt giá thu mua nông sản ST24 là 9.220 đồng/kg và giá thu mua nông sản Hương Châu 6 là 6.250đ/kg, giá duyệt tính cả chi phí chuyên chở, bốc vác theo hợp đồng đã ký. Trong khi chốt giá lúa cho bà con nông dân có sự chứng kiến của chính quyền địa phương xã Vĩnh P và Phòng nông nghiệp huyện G.

Sau khi tiến hành hợp đồng giá với nông dân xong, anh tiến hành gửi tiền đặt cọc cho bà con nông dân với giá 800.000đ/01 công là 100 ha và anh đã thông báo cho Công ty TNHH L biết thông qua anh Phạm Quốc H là cán bộ của Công ty.

Đến khi thu hoạch lúa thì phía Công ty có cử cán bộ là anh Phạm Quốc H xuống khảo sát, kiểm tra đồng ruộng. Anh Huy đã thống nhất lúa là đảm bảo chất lượng theo hợp đồng thì cho nông dân tiến hành cắt lúa. Khi lúa được cắt xong đợt 1 ngày 15/9/2020 thì chuyển về lò sấy của anh Ngô Thanh Đ để sấy khô, lúc này công ty có cử anh Sang trực tiếp xuống kiểm tra, lúa nào không đạt chất lượng thì tách riêng ra không nhận, lúa nào đạt chuẩn chất lượng thì nhận. Sau khi kiểm tra chất lượng lúa đạt yêu cầu thì Công ty mới cho chuyển xuống xà lang đưa về công ty nhập kho.

Sau đó lúa được chuyển xuống 03 xà lang cụ thể: Vào ngày 21/9/2020 là 80.000kg; tiếp đến ngày 25/9/2020 là 100.000kg và tiếp tục ngày 26/9/2020 là 70.000kg. Tổng cộng là 250.000kg. Như vậy, lúa đã đảm bảo chất lượng sản phẩm thì công ty mới chuyển đi.

Đồng thời, Công ty đã chuyển khoản tạm ứng cho tôi đến ngày 22/9/2020 với số tiền là 2.120.000.000 đồng và không chuyển thêm nữa. Nhưng theo hợp đồng với nông dân là 500.000kg lúa khô với giá 9.200đ/kg, tương ứng với số tiền 4.610.000.000 đồng, trong khi đó Công ty mới tạm ứng cho tôi 2.120.000.000 đồng, còn thiếu lại 2.490.000.000 đồng cho nông dân.

Khi lúa đã được chuyển về tới Công ty thì phía Công ty lại kiểm tra theo 3 đợt vào ngày 21/9/2020; 25/9/2020 và 26/9/2020, đã xác định lúa không đạt chất lượng theo hợp đồng. Sau đó, phía Công ty thông báo cho anh là không nhận 03 lô hàng mà tôi đã chuyển về cho Công ty thông qua anh H và anh Bé H. Trong khi đó phía Công ty không có văn bản hay thông báo, không có mời anh làm việc hay thương lượng mà neo lúa của tôi thêm 02 ngày. Do lúa được sấy khô rồi chuyển về Công ty phải mất thời gian 7 - 8 ngày, khi về tới Công ty lại không chịu nhập kho thì lúa sẽ mất chất lượng. Trong vấn đề này anh cho rằng tôi không có lỗi. Hơn nữa, khi chuyển 3 đợt lúa nêu trên thì anh không có trực tiếp đi mà giao cho chủ ghe vận chuyển cho anh.

Anh cho rằng nếu lúa không đạt chất lượng thì Công ty đâu cho nông dân cắt, đâu cho sấy khô, vì trước khi lúa được chuyển xuống xà lang Công ty có cử người xuống kiểm tra chất lượng rồi, lúa đạt chất lượng mới cho chuyển về Công ty. Hơn nữa, Công ty không nhận lúa làm anh phải lổ trên 2 tỷ đồng là tiền phải thanh toán cho nông dân.

Nay Công ty TNHH L khởi kiện yêu cầu anh phải thanh toán toàn bộ số tiền là 2.363.867.000 đồng (hai tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu tám trăm sáu mươi bảy nghìn đồng) thì anh không đồng ý trả lại cho Công ty số tiền này vì anh không có lỗi.

Tại bản án sơ thẩm số 52/2021/DS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G đã quyết định:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TNHH L đối với bị đơn là ông Trần Thế C.

Ông Trần Thế C phải có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH L số tiền là 2.363.867.000 đồng (hai tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu tám trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

Án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và báo quyền kháng cáo theo hạn luật định.

Ngày 07 tháng 01 năm 2022 bị đơn anh Trần Thế C kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện G theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Anh Phạm Quang N là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn anh Trần Thế C sửa đổi yêu cầu kháng cáo. Yêu cầu hủy bản án sơ thẩm. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng về việc thu thập chứng cứ, xác định sai quan hệ pháp luật, xác định chưa khách quan đối với người làm chứng; thẩm quyền của người giám định chất lượng lúa gạo, tòa án không trưng cầu giám định lại. Về nội dung: biên bản nhập kho theo bút lục 64, 65, 66 là chưa đúng, chỉ mang tính nội bộ của Công ty. Theo hợp đồng anh C đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, công ty không thu mua của anh C thì anh C mới lấy lúa để xây gạo bán. Công ty đã thanh toán cho anh C 90% số tiền chứ không phải là tiền tạm ứng, trong hợp đồng không thể hiện là hoàn trả tiền lại. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng và nội dung đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty TNHH L không đồng ý theo đơn kháng cáo của bị đơn, yêu cầu Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm lấy lời khai những người làm chứng là do phía bị đơn yêu cầu. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm lấy lời khai những người làm chứng là muốn giải quyết dứt điểm vụ án. Công ty đã hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho anh C theo hợp đồng, tại đơn kháng cáo anh C cũng thừa nhận. Trong hơp đồng giữa Công ty với anh C không có thể hiện việc ai vi phạm là hoàn tiền hay bồi thường, nhưng Công ty khởi kiện yêu cầu anh C hoàn tiền lại số tiền anh C đã nhận là căn cứ vào quy định của pháp luật để yêu cầu là chính đáng. Do đó, kháng cáo của anh C là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện G.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Về thủ tục tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là chưa đúng, cần phải xác định quan hệ pháp luật là Tranh chấp mua bán tài sản mới đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh Trần Thế C. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 52/2021/DS-ST ngày 27/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang và sửa lại quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp mua bán tài sản, cấp sơ thẩm xác định chưa đúng. Tuy nhiên, xét thấy không làm ảnh hưởng ảnh đến giải quyết vụ án, nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty TNHH L khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Trần Thế C trả số tiền do hợp đồng bao tiêu lúa lương thực. Nhưng cấp sơ thẩm lại xác định quan hệ pháp luật “tranh chấp kiện đòi lại tài sản do hợp đồng bao tiêu lúa lương thực” là chưa đúng, mà phải xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp mua bán tài sản” mới chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đều áp dụng pháp luật theo Điều 430, Điều 431, Điều 432, Điều 433 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên việc căn cứ để giải quyết vụ án, nên không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung: Xét nội dung đơn kháng cáo của bị đơn anh Trần Thế C yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Do Tòa án cấp sơ thẩm không khách quan, chưa xem xét đúng những tình tiết của vụ án và chứng cứ liên quan, nhận định chủ quan, chưa giải quyết thỏa đáng, vì giữa hai bên đã cùng nhau xác định và thống nhất lịch thu hoạch lúa; trong quá trình sản xuất anh đã thực hiện đúng các điều khoản thỏa thuận, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật dưới sự giám sát của anh H là nhân viên kỹ thuật của Công ty, kể cả quá trình thu hoạch lúa anh C tuân thủ hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, nên diện tích lúa nào không đạt tiêu chuẩn thì nhân viên kỹ thuật yêu cầu không thu hoạch lúa thì anh sẽ không thu hoạch. Quá trình sấy lúa tại lò sấy nguyên đơn cũng cử nhân viên xuống giám sát, kiểm tra chất lượng lúa. Toàn bộ sự việc đều có sự xác nhận của những người làm chứng ông Ngô Thanh Đ (Giám đốc lò sấy Hạt Ngọc Đ) và ông Phạm Quốc H (nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH L) nhưng không được xem xét. Theo hợp đồng được ký kết giữa các bên nếu có gì phát sinh thì hai bên cùng nhau bàn bạc giải quyết nhưng khi anh đề nghị tạm ứng thêm tiền thì Công ty không đồng ý, đồng thời Công ty không đưa ra hướng giải quyết mà kêu anh C tự giải quyết đối với lúa của anh. Vậy Công ty không có thiện chí thu mua lúa của anh C sản suất, cố ý gây thiệt hại cho anh C và người dân.

Hội đồng xét xử xét thấy, Công ty TNHH L và anh Trần Thế C thừa nhận vào ngày 25/4/2020 giữa Công ty với anh C có hợp đồng bao tiêu lúa lương thực số 11/HĐSXTT, ngày 28/4/2020 hai bên ký phụ lục hợp đồng số 11a/PLHĐSXTT và anh C thừa nhận có nhận lúa giống và tiền tạm ứng của Công ty TNHH L với tổng số tiền là 2.363.867.000 đồng (trong đó: Tiền lúa giống là 243.867.000 đồng và tiền tạm ứng là 2.120.000.000 đồng) là sự thật.

Đồng thời, việc hai bên ký kết hợp đồng bao tiêu lúa lương thực là trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện thi hành, sự việc này không phải chứng minh, phù hợp với Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Sau khi lúa được thu hoạch xong đợt 1 ngày 15/9/2020 thì chuyển về lò sấy của anh Ngô Thanh Đ để sấy khô, lúc này có anh Sang trực tiếp xuống kiểm tra, lúa nào không đạt chất lượng thì tách riêng ra không nhận, lúa nào đạt chất lượng thì nhận. Sau đó, lúa được chuyển xuống 03 xà lang cụ thể ngày 21/9/2020 là 80.000kg; ngày 25/9/2020 là 100.000kg; ngày 26/9/2020; là 70.000kg, vậy anh C cho rằng lúa đã được bảo đảm chất lượng sản phẩm là chuyển xuống xà lang đưa về Công ty. Theo lời khai của người làm chứng anh Ngô Thanh Đ (bút lục 92) cho rằng anh Đ là chủ lò sấy, anh C có đem lúa đến sấy và có thấy Công ty cử người xuống khảo sát chất lượng lúa nhưng việc này cũng không có làm văn bản thể hiện. Về việc giao dịch giữa ông C và Công ty như thế nào ông không biết. Đồng thời, theo lời khai của người làm chứng anh Phạm Quốc H (bút lục 94) cho rằng anh là nhân viên của Công ty nên anh xác định khi lúa mà Công ty ký kết với anh C thì khi thu hoạch xong đưa về lò sấy và khi sấy đủ độ khô thì Công ty có cử và đem máy móc để xác định chất lượng lúa nên lúa nào đạt chất lượng thì cho xuống nghe còn giao lại cho anh C. Việc kiểm tra chất lượng lúa tại lò sấy là do ông Nguyễn Hữu S trực tiếp kiểm tra và khi kiểm tra tại lò sấy cũng không có làm văn bản lúa đã đủ chất lượng. Tuy nhiên, những việc kiểm tra chất lượng lúa như thế nào các bên lại không lập thành văn bản như trong hợp đồng đã được ký giữa Công ty TNHH L với anh C. Mặt khác, anh Nguyễn Hữu S có bản tường trình như sau: “Nay tôi làm bản tường trình về việc liên quan đến hợp đồng bao tiieu lúa lương thực số 11/HĐSX ngày 25/4/2020 của ông Trần Thế C như sau: Đối với việc thực hiện hợp đồng này, tôi có nhận được chỉ đạo tăng cường hỗ trợ kiểm tra việc thu hoách lúa đem về lò sấy Ngọc Đ tại huyện L, tỉnh Hậu Giang theo kế hoạch. Ngoài ra đối với hợp đồng này, cũng như trong suốt thời gian tôi làm việc tại Công ty TNHH L, tôi chỉ làm nhiệm vụ của nhân viên sản xuất theo chức năng nhiệm vụ được phân công, không có chức năng tham gia vào công tác kiểm tra về mặt số lượng, chất lượng lúa”, đối với việc này anh S cho rằng anh không có chức năng tham gia vào công tác kiểm tra chất lượng lúa. Do đó, Hội đồng xét xử không có cở sở để chấp nhận khai nại của anh C.

Tuy nhiên, phía Công ty kiểm tra Lúa/Gạo nhập kho cụ thể: ngày 21/9/2020 trong hợp đồng là tỷ lệ hạt xanh non 3,7% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa ám mùi khói, gạo xát màu chì, cơm nấu có màu trắng ngà, có mùi chua nặng. Do chất lượng lô lúa lương thực không đạt tiêu chuẩn nên Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này (bút lục số 34) tại Điều II của hợp đồng. Ngày 25/9/2020 kết quả lô lúa lương thực không đạt chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng là tỷ lệ tạp chất 4% (so với quy định theo hợp đồng không quá 2%), tỷ lệ hạt xanh non 3,5% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa có mùi khói, không sáng màu, hạt bị nảy mầm, gạo màu chì, cơm có mùi khói, chua nhẹ, Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này (bút lục số 35); ngày 26/9/2020, ông C chở đến Công ty khoảng 70.000kg lúa lương thực ST24, Công ty đã tiến hành kiểm tra chất lượng kết quả lô lúa lương thực này cũng không đạt chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng là tỷ lệ tạp chất 2,7% (so với quy định theo hợp đồng không quá 2%), tỷ lệ hạt xanh non 3,5% (so với quy định theo hợp đồng không quá 3%), lúa có mùi khói, hạt bị nảy mầm, gạo đục màu chì, cơm có mùi khói nhẹ, lúa bị chua, do chất lượng lô lúa lương thực không đạt tiêu chuẩn nên Công ty không nhập kho đối với lô lúa lương thực này (bút lục số 36). Đến ngày 10/11/2020 tại Văn phòng Hội sở VinaRice, Bên A Công ty TNHH L (VinaRice), bên B: Trần Thế C; có ý kiến của các bên như sau: “Ông Bùi Quang S – Tổng Giám đốc VinaRice: Căn cứ theo hợp đồng lúa bao tiêu lương thực giữa hai bên, đến khi lúa về kho do chất lượng không đạt: chua, hôi khối, nên bên A không tiếp nhận được do VinaRice làm gạo thương hiệu nên chất lượng là hàng đầu. Nay đã gần hết năm tài chính, kiểm toán cuối năm nên đề nghị bên B tiến hành hoàn trả các khoản tạm ứng là 2.120.000.000 đồng (hai tỷ một trăm hai mươi triệu đồng). Tiền gốc 243.867.000 đồng (hai trăm bốn mươi ba triệu tám trăm sáu mươi bảy ngàn đồng)VinaRice sẽ xem xét giảm cho bên B. Ông Trần Thế C: Do tình hình thu mua rơi vào mua mưa, giữa hai bên chưa hiểu nhau về chất lượng thu mua nên xảy ra tình trạng không nhập lúa được. Trong đợt thu mua vừa rồi bên B bị thua lỗ nên bên B không thể hoàn các khoản tạm ứng cho bên A được. Bên B sẽ tính toán lại chi tiết cụ thể các khoản thua lỗ để thương lượng tiếp theo với bên A để giải quyết các khoản công nợ. Thời gian trong tháng 11/2020” (bút lục số 37, 38), theo biên bản làm việc giữa Công ty với anh C thì anh C đã thừa nhận các khoản nợ trên của Công ty đưa ra. Ttại thời điểm Công ty không nhận lúa của anh C mà anh C không làm việc để thỏa thuận với Công ty mà anh C đem số lượng lúa mà Công ty trả lại đem lúa bán cho người khác. Vậy phía anh C đã vi phạm hợp đồng tại Điều V của hợp đồng ngày 25/4/2020. Đồng thời, anh C cho rằng Công ty không nhận lúa của anh nên anh đã lỗ đối với số lượng lúa mà Công ty không mua. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã thông báo cho anh C về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ làm đơn phản tố và cung cấp chứng cứ chứng minh nhưng anh C không làm đơn phản tố cũng như việc cung cấp chứng cứ chứng minh cho việc anh C bị thua lỗ khi bán lúa. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty TNHH L là có cơ sở đúng quy định pháp luật, nghĩ nên không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn anh Trần Thế C.

Từ những nhận định trên, trong thảo luận nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận ý kiến của Kiểm sát viên, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn anh Trần Thế C cũng như trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn anh Trần Thế C. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số:

52/2021/DS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Án phí phúc thẩm: Bị đơn anh Trần Thế C phải chịu án phí phúc thẩm 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng các Điều 11, Điều 430, Điều 431, Điều 432, Điều 433 của Bộ luật Dân sự 2015; khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn anh Trần Thế C.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 52/2021/DS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TNHH L đối với bị đơn là ông Trần Thế C.

Ông Trần Thế C phải có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH L số tiền là 2.363.867.000 đồng (hai tỷ ba trăm sáu mươi ba triệu tám trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất thỏa thuận hoặc theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Buộc bị đơn anh Trần Thế C phải chịu án phí 79.277.000 đồng (bảy mươi chín triệu hai trăm bảy mươi bảy nghìn đồng).

Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn L Việt Nam được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 39.639.000 đồng (ba mươi chín triệu sáu trăm ba mươi chín nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0009737 ngày 02/3/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Án phí phúc thẩm: Bị đơn anh Trần Thế C phải chịu án phí phúc thẩm 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.0000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo lai thu số 0006614 ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

194
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp mua bán tài sản số 90/2022/DS-PT

Số hiệu:90/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về