TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C, TỈNH L
BẢN ÁN 33/2022/HNGĐ-ST NGÀY 06/05/2022 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON CHUNG
Ngày 06 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 379/2021/TLST-HNGĐ ngày 16 tháng 12 năm 2021 về việc “Tranh chấp ly hôn, nuôi con chung” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2022/QĐXXST-HNGĐ ngày 28 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị Kim H, sinh năm: 1994; Địa chỉ: Ấp 2, xã L1, huyện C, tỉnh L, có mặt.
2. Bị đơn: Ông Phạm Thanh T, sinh năm: 1992; Địa chỉ: Ấp 2, xã L1, huyện C, tỉnh L, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo lời trình bày của nguyên đơn bà Trần Thị Kim H cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án như sau:
Vợ chồng bà H và ông T tổ chức đám cưới năm 2014, có thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật tại Ủy ban nhân dân xã L1 và được cấp giấy chứng nhận kết hôn số 28/2014, ngày 15/4/2014. Hôn nhân của vợ chồng bà H là tự nguyện, vợ chồng có tìm hiểu nhau 05 năm. Vợ chồng chung sống hạnh phúc được một thời gian, đến năm 2020 thì phát sinh mâu thuẫn. Theo bà H, nguyên nhân mâu thuẫn là do quan điểm sống, tư tưởng của hai vợ chồng không giống nhau, mỗi người có suy nghĩ riêng. Ông T nghỉ việc, không đi làm kiếm tiền để phụ bà H lo chi phí sinh hoạt gia đình, ông T kêu bà H đưa tiền cho ông T tiêu xài, ngoài ra ông T còn có sử dụng ma túy. Bà H có cùng ông T trao đổi khắc phục mâu thuẫn hiện tại của vợ chồng nhưng không có kết quả. Hiện nay, bà H và ông T không còn sống chung với nhau gần 01 năm. Bà H nhận thấy tình cảm vợ chồng không có khả năng hàn gắn nên yêu cầu Tòa án giải quyết cho bà được ly hôn với ông T.
Về con chung: Vợ chồng có 01 người con chung tên Phạm Gia B, sinh ngày 07/4/2015. Từ khi vợ chồng không còn sống chung, cháu B do bà H nuôi dưỡng. Khi ly hôn, bà H yêu cầu được nuôi dưỡng cháu B, không yêu cầu ông T cấp dưỡng nuôi con.
Về tài sản chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết; nợ chung: Không có.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã tiến hành tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho ông Phạm Thanh T. Ông T không có ý kiến phản hồi về yêu cầu khởi kiện của bà H và cũng không đến Tòa án giải quyết vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Bà Trần Thị Kim H khởi kiện yêu cầu ly hôn với ông Phạm Thanh T có nơi cư trú tại ấp 2, xã L1, huyện C, tỉnh L nên Tòa án nhân dân huyện C thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 28; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Ông Phạm Thanh T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai tham gia phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, căn cứ Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án xét xử vụ án vắng mặt ông T.
[2] Về hôn nhân: Bà Trần Thị Kim H và ông Phạm Thanh T có đăng ký kết hôn và được Ủy ban nhân dân xã L1 cấp giấy chứng nhận kết hôn số 28/2014 ngày 15/4/2014 nên xác định hôn nhân giữa bà H và ông T là hôn nhân hợp pháp được pháp luật công nhận và bảo vệ. Hôn nhân của vợ chồng ông bà là tự nguyện. Theo bà H, nguyên nhân mâu thuẫn là do quan điểm sống, tư tưởng của hai vợ chồng không giống nhau, mỗi người có suy nghĩ riêng. Ông T nghỉ việc, không đi làm kiếm tiền để phụ bà H lo chi phí sinh hoạt gia đình, ông T kêu bà H đưa tiền cho ông T tiêu xài, ngoài ra ông T còn có sử dụng ma túy. Bà H có cùng ông T trao đổi khắc phục mâu thuẫn hiện tại của vợ chồng nhưng không có kết quả dẫn đến vợ chồng bà H không còn sống chung với nhau gần 01 năm. Về phía ông T, Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho ông T nhưng ông T không đến Tòa án tham gia hòa giải theo thông báo của Tòa án cũng như không gửi cho Tòa án văn bản trình bày ý kiến của ông đối với yêu cầu khởi kiện của bà H. Từ đó, Hội đồng xét xử xét thấy cả bà H và ông T đều không có thiện chí hàn gắn lại tình cảm vợ chồng, cũng như duy trì đời sống hôn nhân. Qua đó, có đủ cơ sở xác định tình cảm vợ chồng giữa bà H và ông T không còn, đời sống chung vợ chồng không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà H đối với ông T.
[3] Về nuôi con chung: Vợ chồng có 01 người con chung tên Phạm Gia B, sinh ngày 07/4/2015. Khi ly hôn, bà H yêu cầu được nuôi dưỡng cháu B. Hội đồng xét xử xét thấy trong thời gian ly thân, cháu B do bà H trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, ông T không có ý kiến gì về nuôi con chung nên để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho trẻ em nên Hội đồng xét xử xét thấy giao cho bà H nuôi dưỡng cháu B là phù hợp do đó chấp nhận yêu cầu của bà H. Về việc cấp dưỡng nuôi con, bà H không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4] Về tài sản chung: Bà H trình bày không yêu cầu Tòa án giải quyết, ông T không có ý kiến gì về nội dung này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[5] Về nợ chung: Bà H trình bày không có, ông T không có ý kiến gì về nội dung này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6] Về án phí: Bà H phải chịu án phí theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ Khoản 1 Điều 9, Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 và Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình;
Căn cứ Khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Kim H về việc yêu cầu ly hôn đối với bị đơn ông Phạm Thanh T.
Về hôn nhân: Bà Trần Thị Kim H được ly hôn với ông Phạm Thanh T.
Về nuôi con chung: Giao cho bà Trần Thị Kim H nuôi dưỡng người con chung chưa thành niên tên Phạm Gia B, sinh ngày 07/4/2015. Ông Phạm Thanh T không phải cấp dưỡng nuôi con.
Sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 của Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con.
Về án phí: Bà Trần Thị Kim H phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm ly hôn, chuyển 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí bà H đã nộp theo biên lai thu số 0005719 ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện C sang án phí.
Bản án sơ thẩm, đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung số 33/2022/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 33/2022/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Chi Lăng - Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 06/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về