Bản án về tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung khi ly hôn, đòi tài sản số 13/2022/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 13/2022/HNGĐ-PT NGÀY 21/07/2022 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, CHIA TÀI SẢN CHUNG KHI LY HÔN, ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 7 năm 2022, tại Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 11/2022/TLPT-HNGĐ ngày 10/6/2022 về việc “Tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung khi ly hôn; đòi tài sản”, do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 06/2022/HNGĐ-ST ngày 07/4/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2022/QĐ-PT ngày 27/6/2022, giữa:

- Nguyên đơn: bà Thiều Kim P, sinh năm 1996; nơi cư trú: số X, ấp VT, thị trấn CD, huyện CP, tỉnh An Giang (có đơn xin xét xử vắng mặt, đơn đề ngày 09/7/2022).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P: Luật sư LVĐ – Văn phòng luật sư HĐ, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang; địa chỉ: số X Cử Trị, phường CPA, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (có mặt).

- Bị đơn: ông Đỗ Bá K, sinh năm 1995; nơi cư trú: số X đường CTT, khóm VT1, phường NS, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đỗ Bá P1 (cha ông K), sinh năm 1964 (có mặt);

2. Bà Nguyễn Thị Mỹ T (mẹ ông K) sinh năm 1971 (có mặt);

Cùng cư trú: số X đường CTT, khóm VT1, phường NS, thành phố CĐ, tỉnh An Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông P, bà T: Luật sư NMH – Văn phòng luật sư TTH, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: X ND, phường BN, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Ông Thiều Thanh Q (cha bà P), sinh năm 1969 (có đơn xin xét xử vắng mặt, đơn đề ngày 09/7/2022);

4. Bà Phạm Thị N (mẹ bà P), sinh năm 1972 (có đơn xin xét xử vắng mặt, đơn đề ngày 09/7/2022);

Cùng cư trú: số X, ấp VT, thị trấn CD, huyện CP, tỉnh An Giang.

- Người làm chứng:

1. Ông Ngô Văn T, sinh năm 1950, nơi cư trú: tổ Y, ấp VT, xã VTT, huyện CP, tỉnh An Giang (vắng mặt).

2. Ông Mai Quốc P, sinh năm 1977; nơi cư trú: ấp VQ, thị trấn CD, huyện CP, tỉnh An Giang (vắng mặt).

3. Bà Lê Thị N, sinh năm 1952; nơi cư trú: tổ Y, ấp VT, thị trấn CD, huyện CP, tỉnh An Giang (vắng mặt).

4. Ông Mai Thanh H, sinh năm 1986; nơi cư trú: số X, ấp VT, thị trấn CD, huyện CP, tỉnh An Giang (vắng mặt).

5. Ông Lê Tấn T, sinh năm 1961; nơi cư trú: số X, khóm VP, phường NS, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (vắng mặt).

6. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1946; nơi cư trú: khóm VT1, phường NS, thành phố CĐ, tỉnh An Giang (vắng mặt).

- Người kháng cáo: bị đơn Đỗ Bá K, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Bá P (cha ông K), bà Nguyễn Thị Mỹ T (mẹ ông K).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 09/7/2020, đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 04/11/2021, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Thiều Kim P trình bày:

Bà và ông Đỗ Bá K quen biết nhau do mai mối, sau 02 tháng tìm hiểu thì đi đến hôn nhân, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân phường Núi Sam (Giấy chứng nhận kết hôn số 10, ngày 20/01/2020). Trong thời gian chung sống, ông K có hành vi sử dụng chất kích thích (ma túy) và mỗi lần sử dụng thì không làm chủ bản thân, lớn tiếng chửi mắng, không tôn trọng cảm xúc của bà, dẫn đến vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, hai bên gia đình đã nhiều lần hàn gắn tình cảm nhưng không thành. Bà với ông K đã không còn sống chung với nhau từ tháng 7/2020 cho đến nay. Nhận thấy tình cảm vợ chồng đối với ông K không còn, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các nội dung sau:

Về quan hệ hôn nhân: yêu cầu ly hôn với ông Đỗ Bá K;

Về con chung, nợ chung: không có (không yêu cầu Tòa án giải quyết); Về tài sản chung:

- Đối với tài sản, nữ trang cho riêng bà theo biên bản xác định tài sản cho nữ trang - thống nhất định giá tài sản ngày 05/3/2021 (bao gồm 11 món tài sản), bà xác định đây là tài sản chung của vợ chồng, đồng ý chia tài sản chung của vợ chồng đối với các tài sản, nữ trang này, nhưng các bên đã tự thỏa thuận phân chia xong với nhau theo biên bản về việc thỏa thuận phân chia tài sản là nữ trang ngày 25/01/2022 (BL 212) tại Tòa án xong, không yêu cầu xem xét tài sản này.

- Tài sản vợ chồng được tặng cho chung trong ngày cưới còn có 1.100.000.000 đồng (một tỷ một trăm triệu đồng) và 09 (chín) lượng vàng 24 kara loại vàng SJC, bà yêu cầu chia đôi tài sản chung của vợ chồng đối với 1.100.000.000 đồng và 09 lượng vàng. Bà yêu cầu được nhận 550.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng. Số tiền và vàng này hiện do ông P1, bà T (cha mẹ ông K) đang quản lý, nên bà yêu cầu ông P1, bà T (cha mẹ ông K) giao trả lại phần tài sản chung nêu trên cho bà.

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là: hình ảnh chụp sính lễ, tiền, vàng tặng cho trong ngày cưới, ảnh hai họ chứng kiến.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Đỗ Bá K trình bày:

Ông thống nhất về thời gian quan hệ hôn nhân như bà P trình bày. Khi chung sống, bà P có quan hệ tình cảm thân thiết quá mức với người cùng giới nên dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, bà P xin ly hôn ông đồng ý lý hôn theo yêu cầu của bà P. Sau đó nhận thấy vẫn còn tình cảm với bà P, mong muốn hàn gắn tình cảm vợ chồng nên ông không đồng ý ly hôn. Về con chung, nợ chung: không có. Về tài sản chung, ông thừa nhận trong lễ cưới vợ chồng được cha mẹ ông tặng cho chung 1.100.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara loại vàng SJC. Tuy nhiên, khi tham gia tố tụng tại Tòa án, ông được biết 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara là vàng giả, tiền giả, chỉ có 100.000.000 đồng là tiền thật, việc cha mẹ tuyên bố tặng cho vợ chồng tại lễ cưới chỉ mang tính hình thức để cho ông và bà P hãnh diện với xã hội. Khi tuyên bố tặng cho có kèm theo điều kiện là vợ chồng phải yêu thương nhau, sống hòa thuận, trọn đạo vợ chồng. Ông không biết ai đang quản lý đối với số tài sản trên nên không đồng ý yêu cầu chia tài sản chung theo yêu cầu của bà P; liên quan đến số tiền 1.100.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara loại vàng SJC, ông thống nhất với ý kiến, lời trình bày của cha mẹ là ông P1, bà T.

Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thiều Thanh Q và bà Phạm Thị N (cha, mẹ bà P) trình bày:

Về quan hệ hôn nhân của P, K, ông, bà không có ý kiến. Về các tài sản chung P, K được tặng cho trong ngày cưới đúng như trình bày của P. Đối với số tiền 1.100.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara ông, bà xác định đây là tiền thật, vàng thật (tài sản này cho trước hai họ tại đám cưới). Tài sản này P và ông Q đã giao lại cho ông P1, bà T (cha, mẹ K) giữ; ông P1, bà T đã nhận lại số tài sản này. Ông, bà thống nhất theo các ý kiến, yêu cầu của P; ông, bà không giữ bất kỳ tài sản nào của P, K.

Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T (cha, mẹ ông K) trình bày:

Về quan hệ hôn nhân của P, K thì ông, bà không có ý kiến. Ngày 25/01/2022, giữa ông, bà với P có thỏa thuận được với nhau về tài sản là nữ trang bao gồm 11 món theo biên bản xác định tài sản cho nữ trang - thống nhất định giá tài sản ngày 05/3/2021 tại Tòa án nên ông, bà đã có đơn rút lại yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập bổ sung về việc yêu cầu P giao trả số nữ trang P đang quản lý (không tranh chấp các tài sản này, vì thỏa thuận xong). Đối với yêu cầu của P chia tài sản chung của vợ chồng là 1.100.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara và buộc ông, bà giao trả 1/2 tài sản chung là 550.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng 24 kara thì ông, bà không đồng ý bởi vì, 09 lượng vàng 24 kara (vàng miếng SJC) và số tiền 1.000.000.000 đồng được tặng cho trong ngày cưới là vàng giả, tiền giả; việc cho, nhận chỉ mang tính hình thức giả tạo để các con hãnh diện với xã hội và với điều kiện P, K phải chung sống hạnh P1, trọn nghĩa vợ chồng. Ông P1 xác định số tiền 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng 24 kara chính ông P1 đã nhận lại sau ngày cưới, do bà P, ông Q giao, nhưng đây là vàng giả, tiền giả nên ông để vào giỏ đồ nghề để trong nhà ông, trong nhà có nhiều người làm ra vào, hiện đã thất lạc. Ông, bà không đồng ý giao tài sản chung nêu trên cho P theo yêu cầu chia tài sản chung của P.

Theo lời khai cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, những người làm chứng Ngô Văn T, Mai Quốc P, Lê Thị N, Mai Thanh H, Lê Tấn T cùng trình bày:

Tại buổi lễ gia tiên nhà gái ngày 02/01/2020, ông P1, bà T (cha, mẹ K) có tuyên bố cho chung P, K 1.000.000.000 đồng, 09 lượng vàng SJC, một số nữ trang và 100.000.000 đồng phụ đám nhà gái. Số tiền 100.000.000 đồng được ông Q đại diện nhận và tuyên bố cho lại P, K tại buổi lễ ấy. Theo đó tại buổi lễ gia tiên nhà trai ngày 03/01/2020, ông Q (cha bà P) và P có giao lại 1.000.000.000 đồng và vàng của hai con (P, K) cho ông P1, bà T (cha, mẹ K) đại diện nhận tại bàn trưởng tộc, mọi người trong lễ cưới chứng kiến.

Tại phiên tòa sơ thẩm, - Bà P xác định 09 lượng vàng được tặng cho chung trong ngày cưới là vàng miếng SJC (loại vàng đúng như tuyên bố cho tài sản của ông P1, cha ông K). Bà P rút yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản đối với số tiền 100.000.000 đồng, chỉ yêu cầu chia tài sản chung theo pháp luật 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC.

- Ông K đồng ý việc rút một phần yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản đối với 100.000.000 đồng của bà P; thống nhất 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng được tặng cho chung trong ngày cưới là vàng SJC. Khi cha mẹ tuyên bố tặng cho ông không biết đây là vàng giả, tiền giả chỉ đến khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án ông mới biết số tiền 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng SJC được tặng cho chung trong ngày cưới là vàng giả, tiền giả. Ông không đồng ý yêu cầu chia tài sản chung của P, yêu cầu Tòa án xét xử theo pháp luật.

- Ông P1 đồng ý rút một phần yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản đối với 100.000.000 đồng của bà P. Ông thừa nhận có tuyên bố cho vợ chồng P, K trong ngày cưới trước hai họ 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC, nhưng mang tính tượng trưng, danh giá gia đình, môn đăng hộ đối và với điều kiện P, K phải chung sống trọn đời, học hành thành tài. Ông P1, bà T không đồng ý yêu cầu chia tài sản chung của P, yêu cầu Tòa án xét xử theo pháp luật.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Châu Đốc phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm: việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, các đương sự tham gia tố tụng trong vụ án thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, Kiểm sát viên đề nghị Hội đông xét xử: xử cho bà P được ly hôn với ông K; về tài sản chung: xử buộc ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) là người đang quản lý tài sản 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà P 1/2 số tài sản chung (1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC) cho bà P. Đối với yêu cầu độc lập và yêu cầu độc lập bổ sung của ông P1, bà T đòi lại số nữ trang đã cho bà P trong ngày cưới, ông P1, bà T đã có đơn rút lại yêu cầu và trước khi mở phiên tòa, bà P có đơn rút lại yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản đối với số tiền 100.000.000 đồng nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Tại Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 06/2022/HNGĐ-ST ngày 07/4/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc quyết định:

Căn cứ các Điều 33, 38, 51, 56 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 147, 244, 266, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 4 Điều 26; điểm a, b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Thiều Kim P đối với yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).

2. Đình chỉ yêu cầu độc lập, yêu cầu độc lập bổ sung của ông Đỗ Bá P1, bà Nguyễn Thị Mỹ T đối với yêu cầu bà Thiều Kim P trả lại tài sản nữ trang là: 01 lắc hột xanh; 01 (một) đôi bông hột xoàn; 01 (một) nhẫn kết hột xoàn; 01 (một) nhẫn xoàn, củ; 01 (một) dây chuyền vàng 18 kara xi trắng; cặp vỏ của 01 (một) đôi bông hột xoàn.

3. Về quan hệ hôn nhân: bà Thiều Kim P được ly hôn với ông Đỗ Bá K (Giấy chứng nhận kết hôn số 10, ngày 20/01/2020 của Ủy ban nhân dân phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang không còn giá trị pháp lý).

4. Về con chung, nợ chung: không có.

5. Về tài sản chung khi ly hôn:

Công nhận tài sản chung khi ly hôn của bà Thiều Kim P với ông Đỗ Bá K là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) và 09 (chín) lượng vàng SJC.

- Bà Thiều Kim P được chia 1/2 giá trị tài sản chung là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

- Ông Đỗ Bá K được chia 1/2 giá trị tài sản chung là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

6. Buộc ông Đỗ Bá P1, bà Nguyễn Thị Mỹ T có nghĩa vụ giao trả cho bà Thiều Kim P 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

7. Về án phí sơ thẩm:

Bà Thiều Kim P phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm và 36.288.000 đồng án phí trên phần tài sản chung được chia nhưng được khấu trừ vào 35.800.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp, cụ thể: 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003922 ngày 10/7/2020; 450.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003923 ngày 10/7/2020; 17.550.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003926 ngày 13/7/2020 và 17.500.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001839 ngày 15/11/2021. Bà P còn phải nộp thêm 788.000 đồng (bảy trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Ông Đỗ Bá K không phải chịu án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm. Ông Đỗ Bá K phải chịu án phí trên phần tài sản chung được chia là 36.288.000 đồng (ba mươi sáu triệu hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 36.288.000 đồng nhưng được khấu trừ vào 5.479.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp, cụ thể: 4.125.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2019/0004159 ngày 17/11/2020 và 1.354.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2019/0004556 ngày 14/5/2021; ông P1, bà T còn phải nộp thêm 30.809.000 đồng (ba mươi triệu tám trăm lẻ chín nghìn đồng).

8. Về quyền kháng cáo:

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, ông Đỗ Bá K, ông Đỗ Bá P1 có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Riêng thời hạn kháng cáo của bà Thiều Kim P, ông Thiều Thanh Q, bà Phạm Thị N, bà Nguyễn Thị Mỹ T được tính là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao hoặc được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.

Ngày 14/4/2022 bị đơn ông Đỗ Bá K kháng cáo cho rằng tài sản chung (1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC) là tiền giả, vàng giả, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của bà P đòi chia tài sản chung tiền, vàng nêu trên. Ngày 14/4/2022 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T (cha, mẹ ông K) kháng cáo cho rằng tài sản chung đang tranh chấp (1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC) là tiền giả, vàng giả, ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T không đồng ý giao trả lại cho bà P 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm:

Luật sự Hưng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) cho rằng số tiền 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC cho trong ngày cưới là cho có mục đích mong muốn hôn nhân hai con được hạnh P1, là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Ngoài ra, Luật sư còn trích dẫn các chứng cứ tại hồ sơ, cho rằng tài sản vàng, tiền nêu trên do ông P1, bà T tặng cho bà P, ông K trong ngày cưới chưa xác lập quyền sở hữu chung về tài sản theo quy định tại Điều 158, Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông P1, bà T, bác yêu cầu đòi chia tài sản chung của bà P.

Ông K, ông P1, bà T xác định giữ nguyên nội dung kháng cáo, theo đó ông K thừa nhận tài sản chung được cha mẹ ông (ông P1, bà T) có tuyên bố tặng cho trước hai họ cho ông với bà P là 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC, nhưng khi tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung ông mới nghe cha ông là ông P1 nói là tiền giả, vàng giả. Ông cũng biết cha, mẹ ông là (ông P1, bà T) quản lý tài sản giả này, còn thuê ai làm giả, làm ở đâu ông không rõ. Ông xác định không cung cấp chứng cứ mới cho Tòa án, yêu cầu tòa án không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của bà P.

Khác với quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bà T (mẹ ông K) khẳng định trước Hội đồng xét xử tài sản chung tặng cho P, K trong ngày cưới trước hai họ 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC đúng là tiền thật, vàng thật, nhưng do hai con ly hôn mọi người kêu bà nói là vàng giả, tiền giả (vì đó là tiền, vàng vay mượn), nghe lời người khác nên mới khai vậy. Ông P1 ban đầu xác định chính ông tuyên bố tặng cho cho hai con (P, K) tài sản chung trong ngày cưới là 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC nhưng cho rằng đó là tiền giả, vàng giả, nhưng khi nghe bà T vợ ông xác định tiền, vàng tặng cho trong ngày cưới là tiền thật, vàng thật thì ông P1 xác định lại trước Hội đồng xét xử tài sản chung ông tuyên bố tặng cho chung K, P trong ngày cưới trước hai họ 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền thật, vàng thật. Theo đó ông P1, bà T xác định có nhận lại tài sản 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC do ông Q (cha bà P) và bà P giao là có thật, nhưng ông để tại giỏ trong nhà ông đã bị mất, nay không còn, nên ông P1, bà T không đồng ý giao trả lại cho bà P 500.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng SJC. Ông P1, bà Thủy xác định không có chứng cứ mới cung cấp cho Hội đồng xét xử, các đương sự ông K, ông P1, bà T cùng yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét lại phần chia tài sản chung, ông K, ông P1, bà T xác định không kháng cáo các nội khác của bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án xét xử vụ án theo pháp luật.

Phát biểu tranh luận lại ý kiến của Luật sư Hưng, ông K, ông P1, bà T để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P, Luật sư Đức cho rằng lời thừa nhận của ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) tại phiên tòa phúc thẩm là tài sản tặng cho chung (1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC) được ông P1 tuyên bố tặng cho trước hai họ cho chung hai con P, K trong ngày cưới là tiền đồng Việt Nam thật, vàng thật, nên đủ căn cứ xác định 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền thật, vàng thật. Đây là tài sản chung của bà P, ông K hiện do ông P1, bà T đang quản lý, nên tòa sơ thẩm xử buộc ông P1, bà T giao trả lại cho bà P 500.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng SJC (tương ứng 1/2 giá trị tài sản chung) là đúng pháp luật. Ông K, ông P1, bà T kháng cáo nhưng không có chứng cứ mới chứng minh, nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông K, ông P1, bà T và giữ nguyên án sơ thẩm. Ngoài ra, đối đáp lại quan điểm của Luật sư Hưng cho rằng việc ông P1, bà T tặng cho P, K 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC trong ngày cưới với lời chúc hai con hạnh P1, trọn nghĩa vợ chồng, đây chỉ là lời chúc P1, sự mong muốn, kỳ vọng mà cha mẹ gửi gắm vào hai con chứ không phải là hợp đồng tặng cho có điều kiện.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu:

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, các đương sự tham gia tố tụng trong vụ án thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: trên cơ sở phân tích các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, dẫn chiếu căn cứ pháp luật, Kiểm sát viên xác định tại phiên tòa phúc thẩm chính bà T, ông P1 thừa nhận có tặng cho bà P, ông K 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền thật, vàng thật, do không muốn chia tài sản cho P nên mới khai nại là vàng giả, tiền giả. Bà T, ông P1 thừa nhận đã nhận lại tài sản trên từ ông Q (cha bà P) nên đủ căn cứ xác định số tiền, vàng nêu trên là tài sản chung của bà P, ông K nên mỗi người được chia 1/2 giá trị tài sản chung theo khoản 2, 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình. Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc ông P1, bà T (cha, mẹ ruột ông K) giao trả lại cho bà P 500.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng SJC là có căn cứ, ông K, ông P1, bà T kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới để chứng minh; yêu cầu xem xét lại tỷ lệ chia tài sản chung để có điều kiện trả nợ, ông K còn phải lo học Cao học, gia đình các đương sự khó khăn về kinh tế nhưng cũng không có chứng cứ chứng minh. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông K, ông P1, bà T và giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc các đương sự chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên, Luật sư, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Ngày 14/4/2022 bị đơn ông Đỗ Bá K kháng cáo, ngày 14/4/2022 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T kháng cáo và nộp tạm ứng án phí phúc thẩm đúng quy định, nên được chấp nhận để xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Bà P, ông Q, bà N cùng có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm (đơn đề ngày 09/7/2022) nên tiến hành xét xử vắng mặt đối với các đương sự này là đúng quy định pháp luật.

[1.3] Đối với những người làm chứng: Ngô Văn T, Mai Quốc P, Lê Thị N, Mai Thanh H, Lê Tấn T, Nguyễn Thị M vắng mặt, nhưng đã có lời khai đầy đủ, việc vắng mặt những người làm chứng này không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, khi cần thiết Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai của họ. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người làm chứng.

[1.4] Đối với nội dung quyết định do Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử (do các đương sự tự nguyện rút lại yêu cầu) không có kháng cáo, không bị kháng nghị và các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không đề cập đến.

[1.5] Các đương sự ông K, ông P1, bà T, các Luật sư, Kiểm sát viên không có ý kiến gì về việc các đương sự bà P, ông Q, bà N xin xét xử vắng mặt, vắng mặt người làm chứng, đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án, nên vụ án được tiến hành xét xử theo thủ tục chung là đúng quy định pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về quan hệ hôn nhân: bà P, ông K không kháng cáo, không bị kháng nghị; con chung, nợ chung: không có, án sơ thẩm không xem xét, nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

[2.2] Định tính, định lượng, chủng loại tiền, vàng tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung trong vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay các đương sự bà P, ông K, ông P1, bà T thừa nhận và xác định tài sản tranh chấp tặng cho trong ngày cưới, tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung trong vụ án là 1.000.000.000 đồng, tiền đồng Việt Nam và 09 lượng vàng miếng SJC, nên đủ căn cứ xác định tài sản tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung của bà P là 1.000.000.000 đồng, tiền đồng Việt Nam và 09 lượng vàng miếng SJC làm căn cứ để xét xử vụ án.

[2.3] Nội dung kháng cáo của ông K, ông P1, bà T về tài sản chung:

Ông K kháng cáo cho rằng tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền giả, vàng giả, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của bà P đòi chia tài sản chung tiền, vàng nêu trên. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T (cha, mẹ ông K) kháng cáo cho rằng tài sản chung đang tranh chấp (1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC) là tiền giả, vàng giả, ông P1 và bà T không đồng ý giao trả lại cho bà P 500.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng SJC. Các phần nội dung khác của bản án sơ thẩm ông K, ông P1, bà T không kháng cáo; bà P, ông Q, bà N không kháng cáo. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ xét xử nội dung kháng cáo của ông K, ông P1, bà T liên quan đến tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC.

[2.4] Xét nội dung kháng cáo của ông K liên quan đến tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Ông K xác định tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC của ông và bà P được cha, mẹ ông là ông P1, bà T tuyên bố tặng cho cho vợ, chồng ông trong ngày 02 cưới (tại nhà bà P ngày 02/01/2020, tại nhà ông ngày 03/01/2020) trước hai họ là có thật, tài sản vàng, tiền này sau đó giao lại cho cha, mẹ ông (ông P1, bà T) quản lý giùm là có trong thực tế, nhưng khi phát sinh tranh chấp ly hôn, yêu cầu chia tài sản chung ông mới biết tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền giả, vàng giả do cha mẹ ông (ông P1, bà T) nói, chứ ban đầu ông không biết gì về việc này. Lời nại này của ông K không được bà P, ông Q, bà N thừa nhận và cũng không thực tế bởi lẽ: ông không có chứng cứ khách quan chứng minh để phản bác lại ý kiến của bà P, ông Q, bà N và những người làm chứng khác. Theo đó ông với bà P tổ chức đám cưới ngày 02 và 03/01/2020, đăng ký kết hôn ngày 20/01/2020, chung sống với nhau được một thời gian thì bà P xin ly hôn, nên ông là người biết hơn ai hết tài sản ông P1, bà T tặng cho vợ chồng ông trong 02 ngày cưới trước hai họ là tiền thật, vàng thật hay giả. Điều này được chứng minh trực quan tại ảnh cưới (BL 12 đến BL 16), không những thế mà còn phù hợp với lời khai của những người làm chứng là Trưởng tộc của hai gia đình và những người có mặt trực tiếp tại hôn lễ: bà Niệm (BL 176), ông Phong (BL 172), ông Tôn (BL 170), ông Thành (BL 198), ông Hải (BL 178), cùng có lời khai xác định rõ là tiền thật, vàng thật được chính ông P1 (cha ông K) tuyên bố cho P và K 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC. Theo đó, tiền mỗi cọc 500.000.000 đồng có giấy niêm phong của Ngân hàng Sacombank, đúng như bản ảnh cưới chụp ghi nhận, có sự chứng kiến của hai họ tại đám cưới, nên việc ông K cho rằng 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền giả, vàng giả là không thực tế. Điều này càng được chứng minh rõ hơn là tại phiên tòa phúc thẩm chính mẹ ruột ông là bà T xác định trước Hội đồng xét xử 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC do bà với ông P1 tặng cho ông và bà P trong ngày cưới là tiền thật, vàng thật. Chỉ nhằm muốn loại trừ tránh nhiệm của cha, mẹ ông đối với khối tài sản chung này do bà P yêu cầu chia, nên việc khai nại của ông là không có cơ sở chấp nhận. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận ý kiến, yêu cầu của ông, xác định tài sản chung của bà P với ông là 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC để xem xét chia tài chung theo yêu cầu của bà P là có căn cứ.

[2.5] Xét nội dung kháng cáo của ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) liên quan đến tài sản chung 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC đang tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung của bà P, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm, ông P1, bà T cùng xác định trong ngày cưới của P và K (ngày 02/01/2020 bên nhà Gái và ngày 03/01/2020 bên nhà Trai) trước Trưởng tộc hai họ, ông P1 đại diện nhà Trai tuyên bố tặng cho hai con P và K tài sản 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là có thật, nhưng ông P1, bà T đã nhận lại sau ngày cưới do bà P, ông Q (cha bà P) giao. Nhưng cho rằng đây là vàng giả, tiền giả nên ông P1 để vào giỏ đồ nghề để trong nhà, do trong nhà có nhiều người làm ra vào, hiện đã thất lạc, ông, bà không đồng ý giao 1/2 tài sản chung nêu trên theo yêu cầu chia tài sản chung của P. Ông P1, bà T không có chứng cứ chứng minh đó là tiền giả, vàng giả, Tòa sơ thẩm yêu cầu ông P1 cung cấp vật chứng tiền giả, vàng giả này để phục vụ cho việc giám định, truy nguyên đối tượng làm tiền giả, vàng giả đưa cho ông P1 sử dụng lưu thông trong xã hội, cụ thể là ông P1 dùng tiền, vàng này tặng cho K và P trong ngày cưới để giám định xử lý theo quy định pháp luật, nhưng ông P1 từ chối và không cung cấp vật chứng tiền, vàng nêu trên. Khi kháng cáo ông P1, bà T cũng cho rằng 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC do ông, bà tặng cho P và K trong ngày cưới là có thật, nhưng đó là tiền giả, vàng giả, nên không đồng ý giao trả tài sản cho bà P như án sơ thẩm tuyên.

Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm hôm này, chính bà T (mẹ ông K, vợ ông P1) khẳng định trước Hội đồng xét xử tài sản chung chồng bà là ông P1 tuyên bố tặng cho K và P trong ngày cưới trước hai họ 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền thật, vàng thật, nhưng do hai con ly hôn mọi người kêu bà nói là vàng giả, tiền giả (vì đó là tiền, vàng vay mượn), nghe lời người khác nên bà mới khai vậy. Ông P1 ban đầu (khi Hội đồng xét xử hỏi ông P1) ông xác định chính ông tuyên bố tặng cho hai con tài sản chung trong ngày cưới là 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC trước hai họ tộc là có thật, nhưng ông cho rằng đó là tiền giả, vàng giả, nhưng khi nghe bà T vợ ông xác định tiền, vàng tặng cho trong ngày cưới là tiền thật, vàng thật do nghe lời người khác nên khai không đúng sự thật, khi Hội đồng xét xử hỏi lại ông P1, thì ông P1 xác định lại trước Hội đồng xét xử, ông khẳng định tài sản chung ông tuyên bố tặng cho chung K và P trong ngày cưới trước hai họ 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC là tiền thật, vàng thật, lời thừa nhận này của ông P1, bà T (cha, mẹ ruột ông K) phù hợp với lời khai ông P1 tại biên bản ghi lời khai ngày 11/3/2021 ông P1 xác định 09 lượng vàng 24 kara (sau đó khai là vàng miếng SJC) là thật nên đừng đề cập nữa. Lời khai thừa nhận nêu trên của ông P1, bà T phù hợp với lời khai của bà P, ông Q, bà N (cha, mẹ bà P), phù hợp với lời khai của những người làm chứng là Trưởng tộc của hai gia đình và những người có mặt trực tiếp tại hôn lễ của bà P, ông K. Như vậy theo phong tục truyền thống và theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 thì tiền, vàng nêu trên đã xác lập quyền sở hữu chung của bà P, ông K, là tài sản chung của bà P, ông K; ông P1, bà T là người giữ tài sản chung của bà P, ông K nên có trách nhiệm giao trả lại cho bà P 1/2 giá trị tài sản chung theo khoản 2, 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, tương ứng số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC theo yêu cầu chia tài sản chung, đòi tài sản của bà P là phù hợp pháp luật. Do đó, cấp sơ thẩm không chấp nhận ý kiến, yêu cầu của ông P1, bà T và xác định tài sản chung của bà P với ông K là 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC để chia tài sản chung theo yêu cầu của bà P là có căn cứ.

[2.6] Tại phiên tòa phúc thẩm ông K, ông P1, bà T khai hiện đang đầu tư tài chính cho việc học Cao học của ông K; ông P1, bà T cho rằng cần tài chính để trả nợ vì 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC tiền thật, vàng thật tặng cho ông K, bà P trong ngày cưới là có vay mượn nên đề nghị Hội đồng xét xử có xem xét lại tỷ lệ chia tài sản chung (không có trong nội dung kháng cáo của các đương sự). Xét ý kiến, yêu cầu này của các đương sự Hội đồng xét xử thấy:

Tài sản chung ông K, bà P được tặng cho chung trong ngày cưới không phải chỉ có 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC mà còn có số tiền 100.000.000 đồng (bà P yêu cầu chia, nhưng sau đó không yêu cầu) và rất nhiều nữ trang có giá trị lớn như : 01 lắc hột xanh; 01 (một) đôi bông hột xoàn; 01 (một) nhẫn kết hột xoàn; 01 (một) nhẫn xoàn, cũ; 01 (một) dây chuyền vàng 18 kara xi trắng; cặp vỏ của 01 (một) đôi bông hột xoàn được ông P1, bà T tặng cho bà P trong ngày cưới, nhưng ông P1, bà T đã khởi kiện yêu cầu độc lập đòi lại toàn bộ các tài sản nữ trang nêu trên đã tặng cho bà P trong ngày cưới, bà P cũng đồng ý giao trả lại cho ông P1, bà T tòan bộ các nữ trang nêu trên và 11 món tài sản khác (nên ông P1, bà T đã rút yêu cầu đòi các tài sản này). Tuy nguồn gốc tài sản chung của ông K, bà P có được là của ông P1 bà T tặng cho trong ngày cưới, nhưng tất cả khối tài sản này đã xác lập thành tài sản chung của ông K, bà P, bà P cũng có quyền yêu cầu chia toàn bộ tài sản chung (trong đó có xem xét đến nguồn gốc tài sản chung được tặng cho, công sức hình thành tài chung) đối với tài sản nêu trên theo quy định pháp luật, nhưng trong vụ án này bà P không yêu cầu chia số tiền 100.000.000 đồng (bà P yêu cầu chia nhưng sau đó không yêu cầu) và yêu cầu chia rất nhiều nữ trang có giá trị lớn như: 01 lắc hột xanh;

01 (một) đôi bông hột xoàn; 01 (một) nhẫn kết hột xoàn; 01 (một) nhẫn xoàn, củ; 01 (một) dây chuyền vàng 18 kara xi trắng; cặp vỏ của 01 (một) đôi bông hột xoàn được ông P1, bà T tặng cho bà P trong ngày cưới, mà tự nguyện giao trả lại toàn bộ nữ trang có giá lớn nêu trên cho ông P1, bà T là có lợi cho phía gia đình ông P1, bà T và ông K khi chia tỷ lệ tài sản chung theo yêu cầu của bà P. Tại phiên tòa hôm nay ông K, ông P1, bà T không chứng minh khó khăn về kinh tế (hộ gia đình ông P1 kinh doanh tiệm vàng), nên không có căn cứ để xem xét yêu cầu này.

Từ những căn cứ pháp luật đã phân tích, nhận định trên cho thấy, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá toàn diện các chứng có trong hồ sơ vụ án, xem xét nguồn gốc hình thành tài sản chung của ông K, bà P, xác định phần tài sản chung của ông K, bà P là 1.000.000.000 đồng (Việt Nam đồng) và 09 lượng vàng miếng SJC để chia theo pháp luật, nhưng tài sản chung này do ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) quản lý, nên tuyên xử chấp nhận yêu cầu chia 1/2 tài chung của vợ chồng đối với số tiền 1.000.000.000 đồng và 09 lượng vàng miếng SJC của bà P và buộc ông P1, bà T (cha, mẹ ông K) có nghĩa vụ giao trả cho bà P 500.000.000 đồng và 4,5 lượng vàng SJC là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Theo đó những tài sản chung là nữ trang có giá trị nêu trên bà P được tặng cho, nhưng bà P không yêu cầu chia, tự nguyện giao trả lại cho ông P1, bà T nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông P1, bà T.

[3] Bị đơn ông K, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án ông P1, bà T kháng cáo, tại phiên tòa hôm nay ngoài lời khai của chính mình, thì các đương sự không bổ sung, cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh cho nội dung kháng cáo, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông K, ông P1, bà T, không có cơ sở chấp nhận đề nghị của Luật sư Hưng, cần giữ nguyên án sơ thẩm như Kiểm sát viên đề nghị và ý kiến của Luật sư Đức.

[4] Ông K, ông P1, bà T kháng cáo nhưng không được chấp nhận, nên các đương sự phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định pháp luật.

[5] Các phần quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, phúc xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Bá K.

Không chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Bá P1, bà Nguyễn Thị Mỹ T.

Giữ nguyên Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 06/2022/HNGĐ-ST ngày 07/4/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Căn cứ các Điều 33, 38, 51, 56 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 147, 244, 266, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 4 Điều 26; điểm a, b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án,

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Thiều Kim P đối với yêu cầu chia tài sản chung và đòi tài sản số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).

2. Đình chỉ yêu cầu độc lập, yêu cầu độc lập bổ sung của ông Đỗ Bá P1, bà Nguyễn Thị Mỹ T đối với yêu cầu bà Thiều Kim P trả lại tài sản nữ trang là: 01 lắc hột xanh; 01 (một) đôi bông hột xoàn; 01 (một) nhẫn kết hột xoàn; 01 (một) nhẫn xoàn, củ; 01 (một) dây chuyền vàng 18 kara xi trắng; cặp vỏ của 01 (một) đôi bông hột xoàn.

3. Về quan hệ hôn nhân: bà Thiều Kim P được ly hôn với ông Đỗ Bá K (Giấy chứng nhận kết hôn số 10, ngày 20/01/2020 của Ủy ban nhân dân phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang không còn giá trị pháp lý).

4. Về con chung, nợ chung: không có.

5. Về tài sản chung khi ly hôn:

Công nhận tài sản chung khi ly hôn của bà Thiều Kim P với ông Đỗ Bá K là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) và 09 (chín) lượng vàng SJC.

Bà Thiều Kim P được chia 1/2 giá trị tài sản chung là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

Ông Đỗ Bá K được chia 1/2 giá trị tài sản chung là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

6. Buộc ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T có nghĩa vụ giao trả cho bà Thiều Kim P 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và 4,5 (bốn phẩy năm) lượng vàng SJC.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

7. Về án phí sơ thẩm:

Bà Thiều Kim P phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm và 36.288.000 đồng án phí trên phần tài sản chung được chia nhưng được khấu trừ vào 35.800.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp, cụ thể: 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003922 ngày 10/7/2020; 450.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003923 ngày 10/7/2020; 17.550.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2017/0003926 ngày 13/7/2020 và 17.500.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001839 ngày 15/11/2021. Bà P còn phải nộp thêm 788.000 đồng (bảy trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Ông Đỗ Bá K không phải chịu án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm. Ông Đỗ Bá K phải chịu án phí trên phần tài sản chung được chia là 36.288.000 đồng (ba mươi sáu triệu hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 36.288.000 đồng nhưng được khấu trừ vào 5.479.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp, cụ thể: 4.125.000đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2019/0004159 ngày 17/11/2020 và 1.354.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số TU/2019/0004556 ngày 14/5/2021; ông P1, bà T còn phải nộp thêm 30.809.000 đồng (ba mươi triệu tám trăm lẻ chín nghìn đồng).

8. Về án phí phúc thẩm: ông Đỗ Bá K, ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm, nhưng được khấu trừ vào 900.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm các đương sự đã nộp theo các biên lai thu số 0002099; số 0002098; số 0002097 cùng ngày 20/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (ông Đỗ Bá K, ông Đỗ Bá P1 và bà Nguyễn Thị Mỹ T đã nộp xong).

9. Các phần quyết định khác của Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 06/2022/HNGĐ-ST ngày 07/4/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1735
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung khi ly hôn, đòi tài sản số 13/2022/HNGĐ-PT

Số hiệu:13/2022/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:21/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về