Bản án về tranh chấp lối đi chung số 137/2020/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 137/2020/DS-PT NGÀY 11/08/2020 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG

Ngày 11 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử công khai vụ án dân sự thụ lý số 56/2020/TLPT-DS ngày 05 tháng 3 năm 2020, do có kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với bản án dân sự sơ thẩm số 109/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5530/2020/QĐ-PT ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, vụ án có các đương sự sau:

* Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Gi, sinh năm 1977; Địa chỉ: Thôn Sơn H, xã Đắc S, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Phạm Việt A, sinh năm 1992; địa chỉ: Số 60 Thái H1, phường Trung L, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Có mặt.

* Bị đơn:

1. Anh Nguyễn Văn H2, sinh năm 1973; Có mặt;

2. Anh Nguyễn Văn H3, sinh năm 1978; Có mặt;

3. Bà Lê Thị Kh, sinh năm 1952;

Người đại diện theo ủy quyền của bà Kh: Anh Nguyễn Văn H2 và anh Nguyễn Văn H3 (con trai bà Kh); Có mặt;

Các đương sự cùng địa chỉ: Thôn Sơn Hà, xã Đắc S, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Nguyễn Thị H4, sinh năm 1979; địa chỉ: Thôn Sơn H, xã Đắc S, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Có mặt.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội;

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Từ Thị Kim Ng - Chức vụ: Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Hoài Đức; Có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp sau cũng như tại phiên toà, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Gi và người đại diện theo ủy quyền trình bày: Chị là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất số 124, tờ bản đồ số 04 tại thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Thửa đất này đã được Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội cấp GCNQSD đất số CH 047382 ngày 08/3/2017 mang tên chị Nguyễn Thị Gi.

Nguồn gốc của thửa đất này có được do chị mua của ông Tạ Đăng T; khi chị nhận chuyển nhượng thì thửa đất đã được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSD đất mang tên ông T. Và trước đó, ông T nhận chuyển nhượng thửa đất này năm 1993 từ vợ chồng ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị L1. Chị được biết, khi ông T nhận chuyển nhượng đất từ vợ chồng ông M thì thửa đất này có ngõ đi chung với các hộ liền kề là bà Lê Thị Kh và các con bà là anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3 và chị Nguyễn Thị H4. Ngõ đi chung này có chiều rộng 03m và trên GCNQSD đất mang tên chị cũng thể hiện rõ lối đi này. Nhưng khi chị có nhu cầu làm nhà ở tại thửa đất trên thì bà Kh, anh H2, anh H3 không cho chị sử dụng chung ngõ đi và làm cổng khóa lại gây khó khăn cho chị khi sử dụng thửa đất.

Chị yêu cầu Tòa án căn cứ pháp luật để buộc bà Kh và các anh phải để chị cùng sử dụng lối đi. Trường hợp đó là ngõ đi chung của bà Kh và các anh chị thì chị sẽ góp tiền để được sử dụng chung ngõ đi.

* Bị đơn bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3 cùng trình bày: Bà và 2 anh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của chị Gi. Với lý do: Ngõ đi giáp với thửa đất chị Gi mua của ông T thuộc đất của gia đình bà Kh và là ngõ đi riêng của gia đình bà Kh. Ngõ đi này thuộc đất của cha ông để lại đến đời bà Kh và các con là anh H2, anh H3 và chị H4 (con dâu bà Kh). Bà Kh đã phân chia thửa đất của cha ông để lại cho mỗi người con một mảnh là anh H2, anh Hân và chồng chị H4; phần còn lại thuộc quyền của bà Kh; khi phân chia đất bà Kh có để lại ngõ đi chung cho mấy mẹ con. Các mảnh đất được phân chia đã được UBND cấp GCNQSD đất và có thể hiện rõ ngõ đi chung của bà Kh và các con; không phải ngõ đi chung với thửa đất mà chị Gi nhận chuyển nhượng của ông T. Còn thửa đất chị Gi mua của ông T, trước kia là đất của vợ chồng ông M, bà L1 sử dụng. Vợ chồng ông M đã bán 1 phần đất phía Đông cho bố ông Sơn (chủ sử dụng bây giờ); vợ chồng ông M có để lại 1 ngõ đi (rộng khoảng 2m) để ra đường cho mảnh đất phía sau và giáp với ngõ đi của gia đình bà Kh. Sau vợ chồng ông M cần tiền nên bán nốt phần đất để giành ngõ đi này cho bố ông Sơn, vì vậy phần đất phía sau không có đường đi ra. Sau khi ông T mua thửa đất có ở đó 1 năm nhưng vì không có ngõ đi nên sang gia đình bà Kh để xin đi nhờ ngõ đi. Nay ông T lại bán diện tích đất không có ngõ đi cho chị Gi, thì chị Gi tự mở ngõ đi khác, gia đình bà Kh không đồng ý cho chị Gi đi cùng ngõ đi chung của gia đình.

* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Nguyễn Thị H4 có lời khai như sau: Chị là con dâu bà Kh, bà Kh có chia cho vợ chồng chị mảnh đất giáp với đất chị Gi, anh H2, và anh H3; chị sử dụng ngõ đi chung cùng bà Kh, anh H2, anh H3. Nay chị Gi kiện liên quan đến việc đi chung ngõ đi của gia đình bà Kh, chị không nhất trí mà đề nghị chị Gi tìm ngõ đi khác.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội do người nhận ủy quyền có ý kiến bằng văn bản số 906/VPĐKĐĐ- BKBĐ ngày 14/8/2018 như sau: Ngày 15/4/2013, UBND huyện Hoài Đức cấp Giấy chứng nhận (lần đầu) số BN 120879 cho hộ ông Tạ Đăng T với thửa đất số 124, tờ bản đồ số 04, diện tích 231,0m2 tại thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày 01/3/2017, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh VPĐK đất đai Hà Nội huyện Hoài Đức tiếp nhận hồ sơ của bà Nguyễn Thị Gi, nội dung yêu cầu giải quyết: Chuyển nhượng và cấp đổi GCN, mã hồ sơ: 1721000516 BDCD, thời gian hẹn trả kết quả 21/3/2017. Cụ thể hộ ông Tạ Đăng T chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất theo GCN nêu trên cho bà Nguyễn Thị Gi. Hồ sơ cấp GCN cho bà Nguyễn Thị Gi gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; HĐCNQSD đất số 510.2017/HĐCN ngày 23/02/2017 do Văn phòng công chứng Tây Đô lập. Như vậy về thành phần hồ sơ, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức đã thực hiện đầy đủ theo Quyết định số 2086/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai… Hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp cho bà Nguyễn Thị Gi đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: Chấp nhận đơn khởi kiện của chị Nguyễn Thị Gi về việc mở ngõ đi qua bất động sản liền kề.

Chị Nguyễn Thị Gi có quyền sử dụng ngõ đi chung có diện tích 124m2 trị giá 620.000.000đ cùng với gia đình bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H3, anh Nguyễn Văn H2, chị Nguyễn Thị H4 (có sơ đồ kèm theo). Buộc chị Nguyễn Thị Gi thanh toán 1/5 giá trị quyền sử dụng đất ngõ đi chung là 124.000.000đ cho gia đình bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H3, anh Nguyễn Văn H2, chị Nguyễn Thị H4. Buộc gia đình bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H3, anh Nguyễn Văn H2, chị Nguyễn Thị H4 di chuyển các công trình gây cản trở việc chị Gi sử dụng ngõ đi chung.

Ngõ đi chung 124m2 được thể hiện trong các GCNQSD đất số BN 120867 do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013 cho ông Nguyễn Văn H2; GCNQSD đất số BN 120868 do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013 cấp cho ông Nguyễn Văn H3; GCNQSD đất số BN 120873 do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013 cấp cho chị Nguyễn Thị H4; nay chị Gi được quyền sử dụng; nên các bên đương sự có quyền đến cơ quan cấp có thẩm quyền để đăng ký biến động quyền sử dụng đất ngõ đi chung theo quyết định của bản án khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định trách nhiệm trong trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/12/2019, bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3, chị Nguyễn Thị H4 có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung không đồng ý cho chị Nguyễn Thị Gi được đi trên đất của gia đình bà Kh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3, (đồng thời anh H2, anh H3 là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Kh) và chị Nguyễn Thị H4 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Anh H2, anh H3 trình bày: Bà Kh là mẹ đẻ các anh, hiện nay bà Kh tuổi cao, đi lại khó khăn, quan điểm trình bày của bà Kh cũng như quan điểm trình bày của 02 anh, tại cấp sơ thẩm bà Kh đã ủy quyền cho 02 anh, tại cấp phúc thẩm bà Kh vẫn tiếp tục ủy quyền cho 02 anh và 02 anh cũng đồng ý nhận việc ủy quyền của bà Kh. Gia đình bà Kh không đồng ý cho chị Gi đi chung trên diện tích ngõ đi này bởi lẽ diện tích đất này là của gia đình bà Kh và gia đình bà không còn sử dụng diện tích này làm ngõ đi nữa mà đã có kế hoạch xây dựng các công trình để sử dụng trong gia đình.

Đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn trình bày: Không đồng ý với kháng cáo của gia đình bà Kh, Tòa án cấp sơ thẩm cho chị Gi sử dụng chung lối đi chung của gia đình bà Kh là hợp tình, hợp lý. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của gia đình bà Kh và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Về tố tụng: Hội đồng xét xử và Thư ký đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Kháng cáo của đương sự trong thời hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Bị đơn là bà Kh vắng mặt nhưng đã ủy quyền cho anh H2, anh H3; đại diện theo ủy quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Về nội dung: Gia đình chị Nguyễn Thị Gi không có lối đi nào khác. Qua xem xét thẩm định thì lối đi của gia đình nhà bà Kh có diện tích 124m2 đi ra ngõ xóm, diện tích ngõ đi này gia đình chị Gi sử dụng chung là phù hợp vì trên thực tế chị Gi không có lối đi nào khác. Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 254 Bộ luật dân sự để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Gi và buộc chị Gi phải thanh toán cho gia đình bà Kh 1/5 giá trị quyền sử dụng đất ngõ đi chung là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa, sau khi tranh tụng trên cơ sở lời khai của các đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm có nhận định sau:

[1]. Về tố tụng: Chị Nguyễn Thị Gi khởi kiện liên quan đến quyền sử dụng ngõ đi đối với bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3. Vì vậy: “Tranh chấp quyền sử dụng ngõ đi qua bất động sản liền kề” thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân. Trong vụ án này, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H4 đi lao động ở nước ngoài nên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án là đúng thẩm quyền.

Tại phiên tòa hôm nay, anh Nguyễn Văn H2 và anh Nguyễn Văn H3 vẫn đồng ý nhận ủy quyền của bà Lê Thị Kh (mẹ đẻ anh H2, anh H3) vì quyền và lợi ích hợp pháp của bà Kh với anh H2, anh H3 như nhau nên Hội đồng xét xử chấp nhận việc ủy quyền này.

[2]. Về nội dung vụ án:

[2.1]. Quyền sử dụng đất ngõ đi mà chị Nguyễn Thị Gi yêu cầu được sử dụng nằm giáp ranh giới phía Nam của thửa đất mà chị Gi nhận chuyển nhượng từ ông Tạ Đình T. Ngõ đi này thuộc quyền sử dụng do gia đình bà Lê Thị Kh và các con bà là anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3 và chị Nguyễn Thị H4 đã được cấp GCNQSDĐ, hiện nay đang sử dụng để đi ra đường làng.

Những thửa đất hiện nay mà các đương sự đang sử dụng đều được cấp GCNQSD đất, cụ thể như sau:

- Thửa đất số 124, tờ bản đồ số 04 thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp mang tên chị Nguyễn Thị Gi.

- Anh Nguyễn Văn H2 sử dụng thửa đất số 123/1 diện tích 550m2 đất (trong đó: sử dụng riêng là 426m2; sử dụng chung 124m2 với các thửa 123/1;123/2;123/3;123/4) do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013. Diện tích 124m2 đất là ngõ đi chung.

- Anh Nguyễn Văn H3 sử dụng thửa đất số 123/3 diện tích 458m2 đất (trong đó: sử dụng riêng là 334m2; sử dụng chung 124m2 với các thửa 123/1;123/2;123/3;123/4) do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013. Diện tích 124m2 đất là ngõ đi chung.

- Chị Nguyễn Thị H4 sử dụng thửa đất số 123/2 diện tích 437m2 đất (trong đó: sử dụng riêng là 313m2; sử dụng chung 124m2 với các thửa 123/1;123/2;123/3;123/4) do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013. Diện tích 124m2 đất là ngõ đi chung.

- Bà Lê Thị Kh (mẹ anh H3 và anh H2) sử dụng thửa đất số 123/4 diện tích 263m2 đất do UBND huyện Hoài Đức cấp ngày 15/4/2013.

Như vậy, có căn cứ xác định: Phần diện tích ngõ đi chung 124m2 (đất vườn) được thể hiện trên GCNQSDĐ do UBND huyện Hoài Đức cấp cho bà Kh, anh H2, anh H3, chị H4 và được thể hiện là “Ngõ đi chung của các thửa 123/1,123/2,123/3,123/4”.

GCNQSDĐ mang tên chị Gi không thể hiện có ngõ đi về phía Nam thửa đất. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lối đi có diện tích 124m2 là ngõ đi chung của bà Kh, anh H2, anh H3 và chị H4 là có căn cứ đúng pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo của các bị đơn và người có quyền lợi liên quan là chị Nguyễn Thị H4 cho rằng phía nguyên đơn có thể thỏa thuận với chủ thửa đất số 125 là gia đình ông Sơn để mở đường đi về phía Đông hoặc thửa đất số 105 là gia đình ông Hiệp để mở đường đi về phía Bắc, Hội đồng xét xử thấy:

Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện thửa đất của chị Gi giáp liền kề với ngõ đi chung của mẹ con bà Kh. Nay chị Gi yêu cầu có ngõ đi và đi chung ngõ đi của mẹ con bà Kh. Mẹ con bà Kh không chấp nhận yêu cầu của chị Gi mà đề nghị chị Gi đi nhờ lối đi ở phía Bắc của gia đình khác. Tuy nhiên, theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thì lối đi phía bắc giáp thửa đất số 105 của hộ gia đình ông Hiệp, còn thửa đất số 125 là thửa đất của gia đình ông Sơn, cả hai thửa đất trên đều đã xây dựng nhà và việc mở ngõ đi lại sẽ không phù hợp với thực tế sử dụng nên ngõ đi hợp lý và thuận tiện nhất của thửa đất mà chị Gi đang sử dụng chính là ngõ đi chung của gia đình bà Kh. Ngoài ra, trước kia, ông T là chủ sử dụng thửa đất có đi nhờ trên ngõ đi chung này, sau đó, ông T bán đất cho chị Gi thì gia đình bà Kh không cho chị Gi đi trên lối này nữa. Như vậy, gia đình bà Kh chỉ cho ông T đi trên lối đi chung này, còn chị Gi tuy lối đi này là phù hợp và thuận tiện nhất nhưng gia đình bà Kh không cho chị Gi đi với lý do gia đình bà Kh đang quy hoạch ngõ đi để xây nhà. Tuy nhiên, trên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Kh, anh H3, anh H2 và chị H4 đều thể hiện diện tích ngõ đi 124m2 là diện tích đất vườn sử dụng chung của 04 thửa đất. Việc bà Kh không cho chị Gi đi trên lối đi chung này vì lý do gia đình bà chuẩn bị xây nhà trên diện tích đất vườn sử dụng chung này là có phần khiên cưỡng và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Quyền về lối đi qua: 1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. ...chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác...” để chấp nhận đơn khởi kiện của chị Gi và quyết định cho chị Gi được đi lại trên ngõ đi chung và buộc chị Gi chi trả giá trị của diện tích lối đi cho gia đình bà Kh là có căn cứ đúng pháp luật.

[4]. Ngõ đi chung là diện tích sử dụng chung của 04 thửa đất của bà Kh, anh H2, anh H3 và chị H4. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định cho chị Gi được sử dụng ngõ đi chung này và buộc chị Gi phải trả 1/5 giá trị đất (tương đương 124.000.000 đồng) cho gia đình bà Kh là đã đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà Kh.

Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử thấy rằng gia đình bà Kh kháng cáo nhưng không đưa ra được căn cứ để có thể chấp nhận kháng cáo nên cần chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, vụ án này được Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thụ lý sơ thẩm ngày 18/10/2017 và chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án là không đúng; lẽ ra phải căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án để giải quyết vụ án thì mới phù hợp. Thiếu sót nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án, không xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự nên chỉ cần rút kinh nghiệm với Tòa án cấp sơ thẩm.

[5]. Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của anh Hân, anh H2 và chị H4 không được chấp nhận nên anh H3, anh H2 và chị H4 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; kháng cáo của bà Kh không được chấp nhận nhưng do bà Kh là người cao tuổi nên Hội đồng xét xử miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Kh.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 [1]. Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Kh, anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3 và chị Nguyễn Thị H4; giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 109/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Miễn án phí phúc thẩm cho bà Lê Thị Kh. Anh Nguyễn Văn H2, anh Nguyễn Văn H3 và chị Nguyễn Thị H4 mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm (được đối trừ với số tiền 900.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền số 0013859 ngày 27/12/2019 của Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

175
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp lối đi chung số 137/2020/DS-PT

Số hiệu:137/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về