TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HOÀ
BẢN ÁN 40/2021/DS-PT NGÀY 07/12/2021 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 07 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 53/2021/TLPT-DS ngày 19 tháng 7 năm 2021 về tranh chấp “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh H bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 62/2021/QĐ-PT ngày 10 tháng 9 năm 2021 và các Thông báo hoãn phiên tòa của Tòa án nhân dân tỉnh H, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông T Địa chỉ: khu dân cư T, xã N, thành phố T, tỉnh H. (Có mặt). Chỗ ở hiện nay: đường T, phường T, thành phố T, tỉnh H
2. Bị đơn: Phòng công chứng số 1 tỉnh H Địa chỉ: đường T, thành phố T, tỉnh H.
Người đại diện theo pháp luật bà H– Quyền Trưởng văn phòng công chứng. (Vắng mặt) 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông D Địa chỉ: đường T, phường T, thành phố T, tỉnh H. (Có mặt).
- Bà T (Nguyễn T). (Vắng mặt).
Địa chỉ: Số 1đường T, thành phố T, tỉnh H.
- Bà H – Công chứng viên. (Vắng mặt). Địa chỉ: đường T, TP. Nha T, tỉnh H.
4. Người kháng cáo: Ông T là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, các tài liệu đã thu thập được và tại phiên tòa, nguyên đơn ông T trình bày: Cha mẹ của ông là ông M và bà L đã lập Di chúc tại Phòng công chứng số 1 tỉnh H và đã được công chứng viên H công chứng vào ngày 25/7/2007. Nội dung công chứng liên quan đến tài sản của ông M bà L là nhà đất tại số 16A Nguyễn T, phường, thành phố N. Bà L chết ngày 07/8/2011, ông M chết ngày 17/12/2012. Ông M và bà L có 03 người con gồm: Bà T (bà T), sinh năm 1968; Ông D, sinh năm 1970 và ông T, sinh năm 1971; ngoài ra ông M bà L không có con nuôi hay con riêng.
Trước khi cha mẹ chết thì gia đình ông D và gia đình ông T đều sinh sống tại căn nhà này. Sau khi cha mẹ ông T chết, ông D đã gây khó khăn cho ông T trong việc sinh hoạt của gia đình. Đến năm 2016, ông T mới được biết trước khi cha mẹ chết đã lập di chúc tại Phòng công chứng số 1 tỉnh H. Ông T đã sao lục được bản di chúc tại Phòng công chứng số 1. Sau khi nghiên cứu Di chúc, ông thấy Di chúc cha mẹ để lại không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể đoạn cuối ghi: “Chúng tôi nhất trí giao cho ông D quản lý và bảo vệ để lại của cha mẹ tạo dựng để lại cho các con ở tại đây”. Qua cách hành văn cho thấy nội dung di chúc không chỉ định rõ ràng về di sản để lại, dùng từ tối nghĩa dẫn đến hiểu sai về quyền và nghĩa vụ các bên được thừa hưởng di sản. Nội dung di chúc không sử dụng thuật ngữ theo quy định. Hình thức di chúc bị viết chồng, sửa chữa, viết tắt. Công chứng viên đã không kiểm tra di chúc mà đã công chứng Di chúc là không đúng theo quy định của Luật công chứng năm 2006.
Yêu cầu Tòa án áp dụng điểm b khoản 1 Điều 630; khoản 3 Điều 631; Điều 648 Bộ luật dân sự; Điều 3, 6, 40, 43, 58, 59 Luật công chứng năm 2006 Tuyên bố toàn bộ nội dung di chúc vô hiệu.
Yêu cầu Phòng công chứng số 1 tỉnh H phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông T số tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng), vì lý do: Theo Điều 35 Luật công chứng thì Công chứng viên phải kiểm tra di chúc nhưng Công chứng viên đã không kiểm tra dẫn đến Di chúc của cha mẹ ông T lập tại Phòng công chứng đã sai về nội dung lẫn hình thức mà vẫn được Công chứng viên chứng nhận. Từ đó dẫn đến ông D đã hiểu sai về quyền mình được hưởng, ông D thường xuyên chửi bới ông T làm gia đình bất hòa. Ông T đã phải bỏ việc tại thành phố H để về nhà nên bị thất nghiệp, không có thu nhập nên ảnh hưởng đến tinh thần lẫn vật chất.
*Bị đơn, đại diện bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H trình bày tại các tài liệu trong hồ sơ: Ngày 25/7/2007, ông M và bà L có đến Phòng công chứng số 1 tỉnh H xin chứng nhận di chúc theo phiếu yêu cầu chứng hợp đồng văn bản đề ngày 25/7/2007 đối với nhà đất tại 16A Nguyễn T, Vạn T,. Về hình thức di chúc được viết bằng tay do người đã có tuổi (ông M sinh năm 1930, bà L sinh năm 1940). Di chúc chứa đựng tình cảm, tâm tư, nguyện vọng sâu sắc, về nội dung Di chúc là để lại nhà đất nêu trên làm từ đường thờ cúng tổ tiên họ N và 3 người con được ở đoàn tụ gia đình và tôn tạo khi xuống cấp. Đoạn cuối Di chúc được viết: “Chúng tôi nhất trí giao cho D quản lý và bảo vệ để lại của cha mẹ tạo dựng để lại cho các con tại đây”. Nội dung này cũng có ý nghĩa là giao cho một người quản lý (Người quản lý di sản của người chết chỉ quản lý di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt di sản dưới bất kỳ hình thức nào). Với nội dung Di chúc này thì Di chúc là làm từ đường và ông bà chỉ định cho các con mà không cho cá nhân.
Với tâm huyết của ông M bà L, sau khi tư vấn, thì Công chứng viên H đã chứng nhận bản Di chúc trên.
Tại Điều 645 Bộ luật dân sự quy định: “Trường hợp người lập Di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng Di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng” Vì vậy tài sản trên đã được ông M và bà L chỉ định làm từ đường thì bản thân nhà đất đó đã không được tự do định đoạt. Di chúc này được viết bằng tay, mặc dù câu chữ không trơn tru do người đã cao tuổi viết nhưng nó khẳng định ý chí tự nguyện của người lập Di chúc rất cao đúng theo quy định của pháp luật nên không thể là Di chúc vô hiệu. Từ đó việc ông T yêu cầu bồi thường là không có căn cứ.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông D trình bày: Cha mẹ ông D là ông M và bà L. Bà L chết ngày 7/8/2011, ông M chết ngày 17/12/2012. Ông M và bà L có 03 người con gồm; Bà T, sinh năm 1968; Ông D sinh năm 1970 và ông T sinh năm 1971; ngoài ra ông M bà L không có con nuôi hay con riêng. Căn nhà tại số 16A Nguyễn G là tài sản của cha mẹ ông D. Cha mẹ chết có để lại di chúc, Di chúc này được ông M bà L lập tại Phòng công chứng số 1 vào ngày 25/7/2007 do Công chứng viên H công chứng. Nội dung di chúc là tâm nguyện của cha mẹ ông D, giao căn nhà này cho ông D là người quản lý để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Ông D đã thực hiện theo đúng di chúc. Theo di chúc ông D chỉ là người được quản lý tài sản để thờ cúng. Bà T và ông T đều có quyền về tại căn nhà này để thờ cúng cha mẹ, ông D không cản trở hoặc gây khó khăn.
Việc ông T yêu cầu tuyên bố Di chúc vô hiệu ông D không đồng ý, vì Di chúc là tâm nguyện của cha mẹ ông để lại.
*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà T đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt (không có lời khai trong quá trình tố tụng).
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố T tỉnh H đã áp dụng Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 648, Điều 652, Điều 653, Điều 655, Điều 657, Điều 667, Điều 668, Điều 670 Bộ luật dân sự; Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 35, Điều 37, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 48 Luật công chứng năm 2006; đã tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T về việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng là Di chúc của ông M và bà L được lập ngày 25/7/2007, được Phòng công chứng số 1 tỉnh H công chứng số công chứng 114 quyển số DC-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 25/7/2007 (công chứng viên H) vô hiệu.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T về việc yêu cầu bị đơn Phòng công chứng số 1 tỉnh H bồi thường thiệt hại 60.000.000 đồng do Di chúc bị tuyên bố vô hiệu.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí; quyền, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 19 tháng 5 năm 2021, ông T có đơn kháng cáo với nội dung:
- Công chứng viên đã không kiểm tra đọc lại di chúc mà ký công chứng vào di chúc là vi phạm khoản 2, 3, 5, 6 Điều 35 Luật công chứng năm 2006, mặc dù hình thức di chúc đã vi phạm Điều 40 Luật công chứng năm 2006, viết tắt, viết chồng, tẩy xóa, sửa chữa, viết sai ý rất nhiều mà vẫn không được Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét.
- Hội đồng xét xử sơ thẩm không đồng ý cho ông nộp chứng cứ mới tại phiên tòa là trước khi ký vào di chúc, cha ông là ông M bị đục thủ tinh thể do tuổi già, không thấy rõ thể hiện chữ ký và viết tên trong Di chúc.
- Do hành vi cố ý vi phạm pháp luật của Công chứng viên về công chứng dẫn tới anh trai ông là D hiểu sai quyền nên gây khó khăn cho ông và gia đình ông tại chính ngôi nhà cha mẹ để lại cho các con.
- Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định nội dung định đoạt di chúc không trái pháp luật và không hề đề cập đến hành vi, việc làm trái pháp luật của Công chứng viên. Vì vậy, ông kháng cáo yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần.
* Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông T giữ nguyên kháng cáo.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H phát biểu ý kiến:
- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử; thư ký phiên tòa đều thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về kháng cáo của nguyên đơn ông T là không có căn cứ, nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư và đương sự;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Về sự vắng mặt của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn Phòng công chứng số 01 tỉnh H có đơn xin xét xử vắng mặt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà T (Nguyễn T) vắng mặt (dù đã được tòa án triệu tập hợp lệ). Vì vậy, căn cứ khoản 2 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[1.2] Về đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông T còn trong thời hạn luật định, nên có căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét.
[2] Về nội dung kháng cáo:
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Ông M và bà L có 3 người con chung là T (Nguyễn T), sinh năm 1968, ông D, sinh năm 1970, ông T, sinh năm 1971. Ngoài ra, ông bà không có con riêng, con nuôi. Bà L chết năm 2011, ông M chết năm 2012.
Ngày 25/7/2007 ông M và bà L đến Phòng công chứng số 01 tỉnh H để công chứng Di chúc lập ngày 25/7/2007 nhằm định đoạt tài sản chung của ông bà (theo sổ chứng nhận sở hữu nhà số N ngày 27/5/1992 do Sở xây dựng H cấp cho ông M và bà L) do công chứng viên bà H thực hiện việc công chứng Di chúc.
[2.1] Nguyên đơn kháng cáo cho rằng: Di chúc bị tẩy xóa, sửa chữa, viết tắt, viết chồng, viết sai rất nhiều nhưng công chứng viên vẫn ký công chứng mà không kiểm tra đọc lại Di chúc, dẫn đến việc ông D hiểu sai về quyền, nên đã gây khó khăn cho gia đình ông.
Qua xem xét bản chính Di chúc lưu giữ tại Phòng công chứng số 01 tỉnh H (Tòa án mượn theo công văn số 229/2021/CV-DS ngày 06/12/2021) thì bản Di chúc ghi ngày 25 tháng 7 năm 2007 do ông M và bà L cùng trú tại 16A Nguyễn T, phường T, thành phố N, tỉnh H lập, được công chứng tại Phòng công chứng số 01 tỉnh H ngày 25/7/2007 do công chứng viên H thực hiện (số công chứng 114 quyển số DC-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 25/7/2007).
Hội đồng xét xử nhận thấy: Di chúc được viết tay, chữ viết rõ ràng, dễ đọc, không viết tắt, không viết chồng chữ, không có việc tẩy xóa, sửa chữa chữ viết và cuối mỗi trang đều có chữ ký của ông M, bà L và Công chứng viên H; nội dung Di chúc thể hiện ý nguyện của người lập Di chúc là ông M và bà L trực tiếp ký tên và điểm chỉ vân tay trước mặt Công chứng viên Phòng công chứng số 1 tỉnh H theo đúng quy định của Luật công chứng. Do đó, lời trình bày của nguyên đơn là không có cơ sở.
[2.2] Nguyên đơn cho rằng nội dung Di chúc viết sai ý, ở đoạn cuối của Di chúc viết tối nghĩa khó hiểu gây hiểu nhầm như “chúng tôi nhất trí giao cho con D quản lý và bảo vệ để lại của cha mẹ tạo dựng để lại cho các con ở tại đây”.
Tuy trong đoạn trên của Di chúc ông M và bà L không ghi cụ thể tài sản để lại nhưng ông, bà đã xác định tài sản trong Di chúc thuộc quyền sở hữu của ông bà là sổ chứng nhận sở hữu nhà số sổ 283/92/CNSHN ngày 27/5/1992. Theo đó, trong sổ chứng nhận sở hữu nhà đã thể hiện nhà đất tại 16A Nguyễn T, phường T , thành phố T đã được Sở Xây dựng tỉnh H cấp cho ông M và bà L và đây chính lại tài sản mà ông M, bà L đề cập trong Di chúc. Mặt khác, ông T và ông D cũng đều thừa nhận bản di chúc này do cha mẹ của các ông lập, nội dung của Di chúc liên quan đến việc cha mẹ của các ông để lại tài sản là căn nhà số 16A Nguyễn T, phường T , Thành phố T Do đó, có cơ sở xác định nội dung Di chúc ông M, bà L lập là để định đoạt tài sản của mình đối với nhà đất tại 16A Nguyễn T. Điều này thể hiện rõ trong nội dung của Di chúc: “Chúng tôi tự nguyện lập di chúc để định đoạt tài sản là căn nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chúng tôi sổ chứng nhận nhà Sở xây cấp sổ số 283/92/CNHN ngày 27/5/1992”. Trong di chúc, ông M và bà L thể hiện rõ ý chí trong việc định đoạt tài sản của mình là:“…Vợ chồng tôi nhất trí căn nhà nói trên để lại làm nhà từ đường thờ cúng tổ tiên họ nguyễn và 3 con tôi được ở đoàn tụ gia đình và tôn tạo khi bị xuống cấp…di chúc này chúng tôi lập trong tinh thần minh mẫn sáng suốt không bị lừa dối đe dọa hoặc cưỡng ép…chúng tôi nhất trí giao cho con trai trưởng quản lý và bảo vệ…” . Qua đó, cho thấy ông M, bà L thể hiện rất rõ ý nguyện của mình đề lại tài sản thuộc quyền sở hữu của ông bà là căn nhà tại 16A Nguyễn T, phường T, thành phố T, tỉnh H làm nhà từ đường, thờ cúng tổ tiên họ Nguyễn (tức là di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế). Do trong phần đầu của bản di chúc người lập di chúc đã thể hiện rõ ý chí của mình, tài sản để lại dùng làm nơi thờ cúng, nên phần cuối của bản di chúc đã không lập lại ý trên, mà chỉ thêm ý giao quyền quản lý và bảo vệ tài sản được thừa kế của cha mẹ tạo dựng để lại cho ông D. Hơn nữa, ông M, bà L còn khẳng định đã lập di chúc trong lúc tinh thần còn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối hay ép buộc. Như vậy, người lập di chúc đã thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của mình khi định đoạt tài sản và đây cũng chính là quyền của cá nhân được pháp luật thừa nhận theo Điều 609 Bộ luật dân sự. Nội dung di chúc cũng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật nên di chúc này hợp pháp theo quy định tại Điều 652, 653, 657 Bộ luật dân sự năm 2005. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn cho rằng nội dung di chúc viết sai ý, viết tối nghĩa, khó hiểu, gây hiểu nhầm là do cách hiểu của nguyên đơn, ngoài ra không có cơ sở nào khác để chấp nhận lời trình bày của nguyên đơn.
[2.3] Đối với nội dung kháng cáo: Hội đồng xét xử sơ thẩm không xem xét tài liệu do nguyên đơn cung cấp chứng minh ông M bị đục thủy tinh thể do tuổi già không nhìn thấy:
Hội đồng xét xử xét thấy: Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn gửi kèm theo đơn kháng cáo các tài liệu: Hóa đơn bán lẻ thuốc, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh của ông M.
Tại biên bản phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 14/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố T không thể hiện việc nguyên đơn đã cung cấp các tài liệu cho Hội đồng xét xử sơ thẩm như nguyên đơn nêu.
Qua xem xét các tài liệu do nguyên đơn cung cấp nhận thấy: Trong sổ khám bệnh của ông M thể hiện tại thời điểm khám bệnh ngày 23/7/2001, thị lực mắt của ông M: Mắt phải đếm ngón tay ở khoảng cách tối đa là 1m; mắt trái đếm ngón tay ở khoảng cách tối đa là 9,8m; hai mắt thoái hóa hoàng điểm tuổi già; mắt phải đã mổ đặt Iol (kính nội nhãn); mắt trái đục thể thủy tinh tiến triển. Nhưng vào thời điểm lập di chúc ngày 25/7/2007 nguyên đơn lại không cung cấp các tài liệu gì để chứng minh mắt của ông M không nhìn thấy. Trong khi đó ông T và ông D đều thừa nhận di chúc được Phòng công chứng số 1 tỉnh H công chứng ngày 25/7/2007 là do cha mẹ các ông lập. Mặt khác, cuối bản di chúc có thể hiện người lập di chúc ký tên M và chữ ký của bà L. Do đó, nguyên đơn kháng cáo cho rằng ông M không thấy gì khi lập di chúc là không có căn cứ.
[2.4] Về kháng cáo yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần:
Xét thấy: Di chúc do ông M và bà L lập và được Phòng công chứng số 01 tỉnh H công chứng ngày 25/7/2007 là di chúc hợp pháp. Vì yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu của nguyên đơn không được chấp nhận, nên không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với bị đơn. Vì vậy, kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần 60.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận.
Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về án phí: Vì kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận, nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 củBộ luật tố tụng dân sự 2015a ;
Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Điều 609, Điều 648, Điều 652, Điều 653, Điều 657, Điều 667, Điều 668, Điều 670 Bộ luật dân sự;
Căn cứ vào Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 35, Điều 37, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 48 Luật công chứng năm 2006;
Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông T; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T về việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng là Di chúc của ông M và bà L được lập ngày 25/7/2007, đã được Phòng công chứng số 1 tỉnh H công chứng số công chứng 114 quyển số DC-TP/CC-SCC/HĐGD ngày 25/7/2007 (công chứng viên H) vô hiệu.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T về việc yêu cầu bị đơn Phòng công chứng số 1 tỉnh H bồi thường thiệt hại 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng) do Di chúc bị tuyên bố vô hiệu.
4. Về án phí:
4.1. Án phí sơ thẩm: Do toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đối với yêu cầu tuyên bố Di chúc vô hiệu và 3.000.000đ (Ba triệu đồng) đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2016/0016413 ngày 08/4/2020. Nguyên đơn còn phải nộp 3.000.000đ (Ba triệu đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
4.2. Án phí phúc thẩm: Ông T phải nộp án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng nhưng được trừ vào 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2021/0000371 ngày 09/6/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 40/2021/DS-PT
Số hiệu: | 40/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/12/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về