Bản án về tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án và yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu số 02/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 02/2023/DS-PT NGÀY 06/01/2023 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN TÀI SẢN BỊ CƯỠNG CHẾ ĐỂ THI HÀNH ÁN VÀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP VÔ HIỆU

Ngày 06 tháng 01 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 160/2022/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án và yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 220/2022/QĐXXPT-DS ngày 15 tháng 12 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ. (có mặt) Trụ sở chính: Đường số 5 KCN C, phường H, quận C, thành phố Đ. Đại diện theo pháp luật: Ông Phí Đức T, chức vụ: Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phùng Văn Đ; cư trú: Số nhà 129 đường Đ, phường H, quận C, thành phố Đ (văn bản ủy quyền ngày 12/11/2021).

- Bị đơn:

1. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V (có mặt) Trụ sở chính: Tháp BIDV số nhà 35 phố H, quận H, thành phố H.

Đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đức T, chức vụ: Chủ tịch HĐQT.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Trung H – Phó phòng quản lý rủi ro của BIDV Chi nhánh B – số 72 đường L, thành phố Q, tỉnh Bình Định (văn bản ủy quyền số 490/QĐ-TCHC ngày 25/11/2022).

2. Công ty Cổ phần T (có mặt) Trụ sở chính: Số nhà 31 đường N, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đức Qu, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Văn B; cư trú: Tổ 2, khu phố 2, phường Nh, thành phố Q, tỉnh Bình Định (văn bản ủy quyền ngày 12/10/2022).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Q; Trụ sở chính: Số 154 đường C, thành phố Q, tỉnh Bình Định (có mặt) Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Trọng T, chức vụ: Chi Cục trưởng.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đ, nơi làm việc: Số 154 đường C, thành phố Q, tỉnh Bình Định (văn bản ủy quyền số 1324/CCTHADS ngày 22/11/2021).

- Người kháng cáo: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V và Công ty Cổ phần T là bị đơn.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân thành phố Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ông Phùng Văn Đ là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn – Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ, trình bày:

Theo Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q và Quyết định thi hành án số 142/QĐ-CCTHADS ngày 09/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q (sau đây viết tắt là Chi cục Thi hành án), Công ty Cổ phần T (sau đây viết tắt là Công ty T) có nghĩa vụ trả cho Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ (sau đây viết tắt là Công ty Đ) tổng số tiền là 6.609.330.476đ, trong đó: Nợ gốc 4.780.709.205đ, tiền lãi chậm trả 1.828.621.271đ, và tiếp tục trả lãi phát sinh cho đến khi trả hết nợ. Quá trình tổ chức thi hành án, qua xác minh được biết Công ty T có tiền trong tài khoản số 58010000379966 mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V Chi nhánh B (sau đây viết tắt là BIDV B). Cho nên, Chấp hành viên đã ra Quyết định số 08/QĐ-CCTHADS ngày 02/6/2021, Quyết định số 11/QĐ-CCTHADS ngày 05/7/2021 về việc phong tỏa tài khoản; Quyết định số 64/QĐ-CCTHADS ngày 15/7/2021, Quyết định số 68/QĐ-CCTHADS ngày 02-8-2021, Quyết định số 69/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021 về việc khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án. Tuy nhiên, BIDV B không thực hiện các quyết định này và cho rằng số tiền có trong tài khoản số 580100003766 là tài khoản giao dịch thanh toán và bảo đảm trả nợ vay cho ngân hàng, đồng thời đề nghị Chi cục Thi hành án hủy bỏ các quyết định nêu trên. Thực hiện Thông báo số 1060/TB-CCTHADS ngày 15/9/2021 của Chi cục Thi hành án về việc thi hành án, Công ty Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty T và BIDV B vì những căn cứ sau đây:

- Việc xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba theo khoản 2 Điều 124 của Bộ luật Dân sự. Công ty T đã nhiều lần trốn tránh, thiếu thiện chí trong việc giải quyết nợ cho Công ty Đ từ khi xét xử vụ án trước đó cho đến nay. Công ty T không kháng cáo đối với Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 dẫn đến bản án có hiệu lực, Công ty T cũng không tự nguyện thi hành án mặc dù có đủ khả năng thi hành án. Thế nhưng, Công ty T lại ký kết với BIDV B Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 trong khi đang thực hiện nghĩa vụ thi hành án và không còn tài sản nào khác; nhằm che dấu, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với Công ty Đ theo khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự và khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ.

- Tại khoản 2 Điều 7 Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐTC ngày 02/4/2010 có quy định: “Sau khi tài sản bảo đảm hình thành, hai bên phải lập Phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng này để xác định rõ tài sản, mô tả đặc điểm và giá trị tài sản đã được hình thành…”. Tuy nhiên, Công ty T và BIDV B không lập Phụ lục sửa đổi, bổ sung mà cùng nhau ký Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 sau khi Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 có hiệu lực được 08 tháng và đang trong quá trình thi hành án. Cho nên, Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ và các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản trước đó không có tính liên tục, đồng bộ, xuyên suốt như phía BIDV nêu ra; đặc biệt là nguồn thu từ Hợp đồng mua bán điện số 11/2014 T/EVN CPC-TTC ngày 08/11/2014 chưa được xác định trong Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐTC và không tồn tại vào thời điểm giao dịch Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 và Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐTC ngày 02/4/2010.

- Theo Văn bản số 8640/EVNCPC-KD+TCKT ngày 11/10/2021 của Tổng Công ty Điện lực M về việc phối hợp trong thi hành án dân sự, nội dung thanh toán tiền điện tháng 6 năm 2021 cho Công ty T với tổng số tiền 1.842.404.620đ, được chuyển vào tài khoản số 580100003766 tại BIDV B. Quá trình tổ chức thi hành án, Tổng Công ty Điện lực M đã thanh toán tiền bán điện kỳ tháng 4 – 5 – 6 năm 2021 cho Công ty T. Cho nên, Công ty T hoàn toàn có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành.

- Việc BIDV cho rằng khoản nợ của Công ty T vay BIDV là nợ xấu cần được ưu tiên xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là không phù hợp với pháp luật, bởi khoản nợ này chưa được BIDV khởi kiện ra Tòa án để giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Tại Mục 2.1 Công văn số 3022 ngày 15/8/2017 của Tổng Cục thi hành án dân sự hướng dẫn: “Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm xác định bằng văn bản về các khoản nợ tại các bản án, quyết định của Tòa án là khoản nợ xấu để cơ quan thi hành án có cơ sở áp dụng các quy định của Nghị quyết 42”. Cho nên, tài sản thế chấp tại Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ không thể được áp dụng việc ưu tiên thanh toán tại Nghị quyết số 42.

- Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ có nhiều điều khoản bất lợi cho Công ty T như tại Điều 2 quy định tất cả các quyền, lợi ích, các khoản tiền thu được, toàn bộ số dư trên các tài khoản… đều là tài sản thế chấp. Với mong muốn nhanh chóng tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án, Công ty T đã thế chấp hầu hết tài sản của mình, tự đẩy mình vào thế bất lợi khi mà rủi ro xảy ra không được thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu không được sự chấp thuận của BIDV.

Vì vậy, căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 122, khoản 2 Điều 124, Điều 131 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự; khoản 11 Điều 1 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17-3-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ; kính đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ, tuyên bố Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 vô hiệu.

Ông Phan Trung H là người đại diện hợp pháp của bị đơn – Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V, trình bày:

Công ty Tiên Thuận đã vay vốn của BIDV B theo Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 với số tiền vay là 200.000.000.000đ. Mục đích vay vốn là để đầu tư dự án xây dựng Nhà máy thủy điện T tại thôn H, xã T, huyện T, tỉnh Bình Định. Phương án trả nợ từ nguồn hoạt động sản xuất bán điện năng và các nguồn thu khác của Công ty T. Tài sản bảo đảm bao gồm:

TT

Hợp đồng bảo đảm

Tài sản bảo đảm

Giá trị định giá tại thời điểm cho vay (VND)

Giá trị định giá gần nhất (VND)

 

Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐTC ngày 02/4/2010

Nhà máy thủy điện T

218.175.737.000

145.810.532.300

 

Hợp đồng thế chấp tài sản số 03/2012/HĐTC/23720 ngày 03/12/2012

Hệ thống máy móc, thiết bị Nhà máy thủy điện T

37.414.000.000

32.586.696.358

 

Hợp đồng thế chấp tài sản số 01/2020/23720/HĐBĐ ngày 23/4/2020

Xe ôtô tải pickup cabin kép, hiệu Toyota, biển số 77C-140.60 của Công ty T

500.000.000

500.000.000

 

Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021

Các khoản phải thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty T

 

 

Ngoài ra còn có một số tài sản bảo đảm nợ vay của bên thứ 3 là vợ chồng ông Phạm Đức Qu cho khoản vay của Công ty T.

BIDV B tài trợ vốn cho Công ty T xây dựng Nhà máy thủy điện T, tính đến thời điểm ngày 30/11/2021, tổng dư nợ là 295.618.000.000đ (trong đó: Gốc 144.473.000.000đ, lãi và phí phạt 151.145.000.000đ). Hiện khoản nợ này đang là khoản nợ xấu tại BIDV B, thuộc đối tượng cần phải được ưu tiên xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Tuy nhiên, với chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh Bình Định về việc ưu tiên phát triển, duy trì lĩnh vực sản xuất cung cấp năng lượng nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu về điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho tỉnh nhà, BIDV B đang cố gắng tạo điều kiện cho Công ty T tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất điện cung ứng cho tỉnh nhà, tạo nguồn thu cho ngân sách và công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời, sau khi trừ các khoản chi thuế, phí, chi phí vận hành, bảo dưỡng nhà máy, thiết bị và lương nhân công, số tiền còn lại Ngân hàng tiến hành thu nợ vốn vay.

Tại Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 – Điều 12 quy định hình thức bảo đảm tiền vay: “Thế chấp, cầm cố tài sản của bên vay và tài sản được hình thành từ vốn vay và vốn tự có của bên vay theo hợp đồng bảo đảm tiền vay và các hình thức bảo đảm khác (bảo lãnh…). Tài sản đầu tư bằng vốn vay là tài sản đảm bảo nợ vay của Ngân hàng cho đến khi trả hết nợ gốc và lãi vay… Toàn bộ tiền thu được phải chuyển hết vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng để hoàn trả nợ và lãi vay…”; tại khoản 10 Điều 13 quy định: “… Bên vay phải sử dụng tối đa các nguồn vốn sau để trả nợ Ngân hàng: Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu hợp pháp khác”. Tại khoản 4 Điều 1 Văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng số 03/2013/PLHĐ ngày 20/6/2013 (sửa đổi Điều 12) quy định hình thức bảo đảm tiền vay: “… Tài sản hình thành sau đầu tư, toàn bộ quyền thụ hưởng phát sinh từ dự án, các tài sản khác của bên thứ 3 cho phần hạn mức tín dụng cũ và phần hạn mức tín dụng bổ sung là tài sản bảo đảm nợ vay của Ngân hàng cho đến khi trả hết nợ gốc, lãi, phí. Trong thời gian chưa trả hết nợ và lãi vay, bên vay chỉ được nhượng bán, điều chuyển, thanh lý tài sản và các quyền phát sinh từ dự án sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Ngân hàng. Toàn bộ tiền thu được từ việc bán tài sản hình thành từ vốn vay và các quyền phát sinh từ dự án phải chuyển hết vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng để hoàn trả nợ và lãi vay”. Các cam kết, thỏa thuận trong quan hệ vay vốn xây dựng Nhà máy thủy điện T có tính hệ thống, liên tục, đồng bộ, xuyên suốt và được bổ sung, cụ thể hóa theo các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp đã ký kết giữa BIDV B và Công ty T, theo quy định của pháp luật và không thể tách rời, bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Các bên đã tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung chi tiết tại Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/2373720/HĐBĐ ngày 01/4/2021, trong đó có tài sản là “Các tài khoản và toàn bộ số dư trên các tài khoản tại ngân hàng” (khoản 3 Điều 2).

Vì vậy, việc Công ty Đ khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 là không có căn cứ, đã cản trở hoạt động hợp pháp, chính đáng của Ngân hàng, tạo tiền lệ xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến việc xử lý thu hồi nợ vay của Ngân hàng (thuộc đối tượng cần phải được ưu tiên xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội). Mặt khác, theo khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 33/2020/NĐ- CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ thì Công ty Đ nộp đơn khởi kiện khi đã hết thời hiệu khởi kiện. BIDV đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của Công ty Đ.

Ông Hà Văn B là người đại diện hợp pháp của bị đơn – Công ty Cổ phần T, trình bày:

Công ty T là chủ đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện T tại thôn H, xã T, huyện T, tỉnh Bình Định. Trong quá trình xây dựng, Công ty T được sự hỗ trợ của các đơn vị: BIDV B, Công ty Cổ phần Xây dựng 47 (sau đây viết tắt là Công ty 47), Công ty Đ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Xây dựng Đ (sau đây viết tắt là Công ty Đ), Công ty Trách nhiệm hữu hạn H (sau đây viết tắt là Công ty H) với cơ cấu nợ như sau:

TT

Nội dung

Giá trị (VND)

Tỷ lệ (%)

Ghi chú

 

BIDV B

145.155.000.000

81,04

Thông báo nợ vay số 1306/CV-BIDV.BĐ-KIII ngày 20/10/2021

 

Công ty 47

19.969.723.163

11,15

Biên bản làm việc số 235/BB-TĐTT ngày 23/5/2019

 

Công ty Đ

7.177.217.000

4,01

Biên bản làm việc số 235/BB-TĐTT ngày 23/5/2019

 

Công ty Đ

4.780.709.205

2,67

Biên bản làm việc số 235/BB-TĐTT ngày 23/5/2019

 

Công ty H

2.022.719.632

1,13

Biên bản làm việc số 235/BB-TĐTT ngày 23/5/2019

Tổng cộng

179.105.369.000

100,00

 

Đến nay nhà máy đã đi vào sản xuất, có doanh thu ổn định và tăng trưởng đều đặn; tuy nhiên, đây là nguồn thu duy nhất của công ty. Nguồn thu này dùng để duy trì sản xuất và trả nợ cho Ngân hàng và các nhà thầu. Ngày 03/10/2019, Công ty Đ khởi Công ty T. Căn cứ Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án đã ra Quyết định số 1859/QĐ-CCTHADS ngày 09/9/2020 và Quyết định số 142/QĐ- CCTHADS ngày 09/10/2020 để thi hành bản án. Quá trình thi hành án, Chấp hành viên đã ra các quyết định sau đây:

- Quyết định phong tỏa tài khoản số 11/QĐ-CCTHADS ngày 05/7/2021 đối với số tiền doanh thu tháng 5 năm 2021 là 1.816.973.822đ trong tài khoản số 580100003766 của Công ty T tại BIDV B. Thấy rằng Chấp hành viên chưa làm việc với công ty, chưa tiến hành xác minh tài liệu nên Công ty T đã phát hành 02 văn bản: Đơn kêu cứu số 0207/ĐON-CPTT ngày 09/7/2021 và Đơn kêu cứu số 0307/ĐON-CPTT ngày 12/7/2021 với cùng nội dung đề nghị Chấp hành viên xác minh các khoản chi phí phát sinh trực tiếp hàng tháng bao gồm tiền lương, tiền công, thuế, phí… của tháng 6 năm 2021 có 1.146.441.980đ, đây là nguồn chi phí bắt buộc (tài liệu kế toán duyệt chi tại BIDV B). Công ty T có gửi bảng kê chi phí và bản sao hóa đơn đính kèm cho Chi cục Thi hành án và nêu rõ: Toàn bộ số tiền doanh thu và các khoản chi phí đều có đủ chứng từ tại BIDV B – đơn vị quản lý tiền và duyệt chi; đối với số tiền còn lại 670.531.842đ đề nghị Chi cục Thi hành án làm việc với BIDV B để thỏa thuận trừ nợ. Tuy nhiên, Chấp hành viên không xác minh tài liệu để làm căn cứ mà ra các văn bản: Thông báo số 731/TB-CCTHADS ngày 12/7/2021, Quyết định số 64/QĐ-CCTHADS ngày 15/7/2021, Quyết định số 16/QĐ-CCTHADS ngày 15/7/2021. Các văn bản này đã phong tỏa nguồn chi tối thiểu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy phát điện, đồng thời triệt tiêu mọi nguồn sống của công nhân và tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vi phạm khoản 3 Điều 67, Điều 79 của Luật Thi hành án dân sự. Công ty T đã có Đơn khiếu nại số 0407/ĐON-CPTT ngày 15/7/2021 khiếu nại về hành vi của Chấp hành viên ra quyết định trái pháp luật và đã được giải quyết bằng Quyết định số 07/QĐ-CCTHADS ngày 29/7/2021 của Chi cục phó Chi cục Thi hành án với nội dung: Chấp nhận đơn khiếu nại, buộc Chấp hành viên thực hiện đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự.

- Chấp hành viên đã không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại nêu trên mà ra các văn bản trái pháp luật khác: Quyết định số 68/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021, Quyết định số 69/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021, Thông báo số 862/QĐ-CCTHADS ngày 02-8-2021. Công ty T tiếp tục khiếu nại bằng văn bản số 02/08/DON-CPTT ngày 02/8/2021, sau đó có Đơn kêu cứu số 04/08/ĐON-GPTT ngày 23/8/2021 và Công văn đề nghị giải quyết sớm đơn khiếu nại số 08.08/CV- CPTT. Chi cục Phó Chi cục Thi hành án đã giải quyết bằng Quyết định số 08/QĐ- CCTHADS ngày 27/8/2021 với nội dung: “Yêu cầu Chấp hành viên ban hành quyết định thu hồi ngay Quyết định số 69/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021… và ban hành quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản…”. Chấp hành viên vẫn không thi hành nên Công ty T đã có Đơn đề nghị thay đổi Chấp hành viên số 0309/CV- CPTT ngày 09/9/2021.

Đối với vụ kiện này, Công ty T có ý kiến như sau: Sau khi xây dựng nhà máy hoàn thành, vì lý do thời tiết khô hạn nên nguồn thu duy nhất của Nhà máy thủy điện rất hạn chế; Công ty T chỉ sử dụng một phần nguồn thu tối thiểu để duy trì hoạt động sản xuất, các chứng từ đều do BIDV B kiểm soát và thu hồi nợ từ phần lợi nhuận. Với ý thức chủ động thanh toán công nợ cùng chia sẻ với Ngân hàng và các nhà thầu, Công ty T đã phối hợp ra các văn bản thống nhất để thanh toán công nợ theo nguyên tắc: Ưu tiên trả nợ gốc trước, tiếp tục trả nợ lãi sau, theo tỷ lệ % cơ cấu nợ như đã nêu trên. Việc Công ty Đ khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 là không có căn cứ vì những lẽ sau:

- Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ giữa Công ty T và BIDV B là sự thỏa thuận, giao kết giữa hai bên bình đẳng, độc lập, không xâm phạm đến quyền và lợi ích của các đối tác khác nên cần được tôn trọng theo quy định của pháp luật.

- Trong hợp đồng, tại trang 2 đã ghi rõ từng định nghĩa, rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu: Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu, hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng cấp bảo lãnh… Đây là hoạt động bình thường giữa hai bên; hoạt động này xuyên suốt, đồng bộ cho đến khi trả hết nợ và thanh lý hợp đồng.

- Theo khoản 1 Điều 407 của Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng vô hiệu ghi rõ: Giao dịch dân sự vô hiệu được quy định từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật Dân sự; tuy nhiên, hợp đồng này không có dấu hiệu nào trong 11 dấu hiệu được mô tả.

- Việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng hợp đồng này nhằm tẩu tán tài sản là không có căn cứ thực tế và trái với pháp luật. Theo định nghĩa: Tẩu tán tài sản là hành vi xác lập các giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba; theo đó, các giao dịch thường được xác lập để nhằm mục đích tẩu tán tài sản đó là giao dịch về mua bán, tặng cho, chuyển nhượng.

- Việc vận dụng khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự để khởi kiện là hành vi đánh tráo khái niệm, suy diễn, bởi vì ở đây không có yếu tố giả tạo, không trốn tránh ai. Nhà máy, kênh mương, hai tổ máy của Công ty T vẫn còn nguyên vẹn, không có chuyển dịch; BIDV và Công ty Đ đều là chủ nợ của Công ty T thì sao gọi hợp đồng thế chấp các khoản phải thu nêu trên là tẩu tán tài sản.

- Việc giao kết hợp đồng nêu trên là một hoạt động bình thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; vì vậy các bên có quyền ký kết mà không cần phải xin phép Công ty Đ và Chi cục Thi hành án.

Vì vậy, Công ty T đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của Công ty Đ.

Ông Nguyễn Đ là đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, trình bày:

Chi cục Thi hành án đang thụ lý, tổ chức thi hành Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Q theo Quyết định thi hành án số 1859/QĐ-CCTHADS ngày 09/9/2020 và Quyết định thi hành án số 142/QĐ-CCTHADS ngày 09-10-2020 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án. Theo các Quyết định thi hành án nêu trên, Công ty T có nghĩa vụ trả cho Công ty Đ tổng số tiền là 6.609.330.476đ, trong đó: Nợ gốc chưa thanh toán 4.780.709.205đ và tiền lãi chậm trả 1.828.621.271đ; ngoài ra còn phải chịu tiền lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán nếu chậm trả; Công ty T còn phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 56.304.000đ. Quá trình tổ chức thi hành án, Công ty T không những lẩn tránh, không cung thông tin về điều kiện thi hành án mà còn có hành vi ngăn cản Tổng công ty Điện lực M cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của Công ty T. Căn cứ Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty T tại Tổng công ty Điện lực M và tại BIDV B và được biết: Ngoài các tài sản mà Công ty T đã thế chấp cho BIDV B để đảm bảo trả nợ vay trước khi bản án nêu trên có hiệu lực pháp luật, Công ty T còn có doanh thu từ việc mua bán điện với Tổng công ty Điện lực M theo Hợp đồng mua bán điện số 11/2014 T/EVN CPC-TTC ký ngày 08/11/2014; việc thanh toán tiền điện cho Công ty T được thực hiện hàng tháng qua tài khoản số 58010000379966 của Công ty T tại BIDV B trong thời kỳ Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 đang có hiệu lực thi hành. Quá trình xác minh, BIDV B chỉ cung cấp thông tin về các tài sản hiện hữu do Công ty T thế chấp cho Ngân hàng để đảm bảo trả nợ vay, còn số dư tiền gửi trong tài khoản số 580100003766 và bản sao kê số tiền giao dịch thu, chi qua tài khoản nêu trên trong ba tháng gần nhất thì Ngân hàng từ chối chưa cung cấp, gây cản trở cho việc tổ chức thi hành án, là vi phạm điểm b khoản 6 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự. Sau đó, BIDV B lại phối hợp với Công ty T ký Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/2373720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 trong thời kỳ Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 đã có hiệu lực pháp luật hơn 08 tháng, nhằm tạo điều kiện cho Công ty T trốn tránh nghĩa vụ thi hành án là vi phạm pháp luật.

Quá trình tổ chức thi hành án được biết Tổng Công ty điện lực M thanh toán tiền bán điện kỳ tháng 4, 5, 6 năm 2021 cho Công ty T qua tài khoản số 580100003766, Chi cục Thi hành án xét thấy Công ty T có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Để đảm bảo cho việc thi hành án, tránh tình trạng tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án của Công ty T, Chấp hành viên đã ban hành các quyết định phong tỏa, khấu trừ và thu tiền từ hoạt động kinh doanh để thi hành án, cụ thể: Quyết định số 08/QĐ-CCTHADS ngày 02/6/2021; Quyết định số 11/QĐ-CCTHADS ngày 05/7/2021; Quyết định số 64/QĐ-CCTHADS ngày 15/7/2021; Quyết định số 16/QĐ-CCTHADS ngày 15-7-2021; Quyết định số 68/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021; Quyết định số 69/QĐ-CCTHADS ngày 02/8/2021; Quyết định số 64/QĐ-CCTHADS ngày 15/9/2021; Quyết định số 25/QĐ-CCTHADS ngày 15/9/2021; Quyết định số 16/QĐ-CCTHADS ngày 15/9/2021; Quyết định số 82/QĐ-CCTHADS ngày 15/9/2021; Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS ngày 12-10-2021; Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS ngày 20/10/2021. Chi cục Thi hành án đã gửi các quyết định này đến BIDV B để phối hợp thực hiện, nhưng đến nay BIDV B không thực hiện và có các Văn bản số 835/BIDV.BĐ-QLRR ngày 16/7/2021, số 1916/BIDV.BĐ-QLRR ngày 11/8/2021, số 1041/BIDV.BĐ-QLRR ngày 24/8/2021, số 1126/.BĐ-QLRR ngày 20/9/2021 với cùng nội dung yêu cầu Chi cục Thi hành án hủy bỏ các quyết định phong tỏa, khấu trừ tiền và thu tiền từ hoạt động kinh doanh của Chấp hành viên đã ban hành để không thực hiện việc thi hành án với lý do sau:

- BIDV B căn cứ vào Văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 giữa BIDV B và Công ty T ký ngày 20/6/2013, tại khoản 4 Điều 1 (sửa đổi Điều 12) quy định hình thức bảo đảm tiền vay: “…Toàn bộ tiền thu được từ việc bán tài sản hình thành từ vốn vay và các quyền phát sinh từ dự án phải chuyển hết vào tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng để hoàn trả nợ và lãi vay”.

- Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/2373720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa BIDV B và Công ty T trong đó có tài sản là “Các tài khoản và toàn bộ số dư trên các tài khoản” (khoản 3 Điều 2) và đã đăng ký giao dịch bảo đảm.

Các căn cứ mà BIDV B viện dẫn nêu trên để yêu cầu Chi cục Thi hành án hủy bỏ các quyết định về thi hành án là không đúng theo quy định pháp luật về thi hành án, bởi vì: Tại khoản 2 Điều 7 Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 giữa Công ty T và BIDV B có ghi: “Sau khi tài sản bảo đảm hình thành, hai bên phải lập Phụ lục sửa đổi, bổ sung Hợp đồng này để xác định rõ tài sản, mô tả đặc điểm và giá trị tài sản được hình thành. Đồng thời, bên thế chấp phải bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ gốc chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quản lý tài sản thế chấp sau khi đã được hình thành. Việc bàn giao này phải lập thành biên bản như đã nêu tại khoản 1 Điều này”. Các điều khoản do hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 và Văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng ngày 20/6/2013 không phải là hợp đồng thế chấp tài sản và có trước khi Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 có hiệu lực pháp luật nên không có căn cứ để xem xét theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự. Mặc khác, BIDV B đã tạo điều kiện cho Công ty T trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, nên đến ngày 01/4/2021 hai bên mới ký Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ là vi phạm quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự và Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ. Như vậy, số tiền có trong tài khoản tiền gửi số 580100003766 của Công ty T tại BIDV B kỳ tháng 4, 5, 6 năm 2021 chưa thế chấp cho BIDV B trước khi Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 đã có hiệu lực pháp luật.

Vì lẽ đó, Chấp hành viên có Thông báo số 862/TB-CCTHADS ngày 02/8/2021 xác định Ngân hàng BIDV B là bên có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với số tiền gửi có trong tài khoản số 580100003766 mà Chấp hành viên đã ra các Quyết định phong tỏa, khấu trừ và thu từ hoạt động kinh doanh nêu trên để thi hành án. Tuy nhiên, hết thời hạn theo pháp luật quy định, BIDV B không khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình, coi như các quyết định nêu trên của Chấp hành viên có hiệu lực thi hành. Để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật về thi hành án, Chấp hành viên đã thông báo cho bên được thi hành án là Công ty Đ thực hiện quyền và nghĩa vụ thi hành án theo khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Ngày 19/11/2021, Chi cục Thi hành án nhận được Thông báo thụ lý vụ án số 22/TB-TLVA ngày 16/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q có nội dung: Công ty Đ đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Q tuyên bố Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty T và BIDV B vô hiệu. Chi cục Thi hành án xét thấy việc Công ty Đ khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp các khoản phải thu vô hiệu vì hợp đồng này được ký kết sau khi Bản án số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 đã có hiệu lực pháp luật hơn 08 tháng là có căn cứ được quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự và Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ. Nay Chi cục Thi hành án trình bày quá trình tổ chức việc thi hành án nêu trên để Tòa án xem xét, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Q quyết định:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Cơ khí và lắp máy Đ. Tuyên bố vô hiệu Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V Chi nhánh B.

Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn quyết định về án phí, về quyền nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

- Ngày 28/4/2022 bị đơn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V nộp đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần Cơ khí và lắp máy Đ.

- Ngày 25/4/2022 bị đơn Công ty cổ phần T nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm bổ sung yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng thế chấp các khoản phải thu vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả khi hợp đồng vô hiệu.

- Theo kháng nghị số 02/QĐ-VKS-DS ngày 12 tháng 4 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Q. Kháng nghị đối với bản án dân sự sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh B xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu: Trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng; đồng thời đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Q, kháng cáo của Công ty cổ phần T và kháng cáo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V; Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa bản án sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 28/3/2022 của TAND thành phố Q theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Đ và công nhận Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/2373720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V Chi nhánh B có hiệu lực toàn bộ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án” quy định tại khoản 12 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là còn thiếu quan hệ pháp luật “Yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu”. Bỡi lẽ nguyên đơn khởi kiện liên quan đến tài sản đã bị phong tỏa, cưỡng chế để thi hành án, đồng thời nguyên đơn còn đề nghị tòa án tuyên bố Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 vô hiệu để có điều kiện xử lý các tài sản đã phong tỏa, cưỡng chế trong giai đoạn thi hành án.

[2] Xét nội dung kháng cáo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V, Công ty cổ phần T và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2.1] Căn cứ theo bản án kinh doanh thương mại số 34/2020/KDTM-ST ngày 20/7/2020 của Tòa án nhân thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật buộc Công ty cổ phần T phải có nghĩa vụ trả cho Công ty Cổ phần Cơ khí và lắp máy Đ tổng số tiền 6.609.330.476đ (gốc 4.780.709.205đ, lãi 1.828.621.271đ) và khoản tiền lãi trên số tiền chậm trả theo khoản 4.1 của bản án.

Để thi hành bản án số 34 ngày 20/7/2020 Chi cục thi hành án dân sự thành phố Q đã ra Quyết định thi hành án số 1859/QĐ-CCTHADS ngày 09/9/2020 và Quyết định số 142 ngày 09/10/2020. Chi cục Thi hành án đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty T tại tổng Công ty điện lực miền Trung và tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh B được biết ngoài các tài sản Công ty T đã thế chấp cho Ngân hàng BIDV- Chi nhánh B để bảo đảm nợ vay theo hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng thì Công ty T còn có doanh thu từ việc mua bán điện với Tổng công ty Điện Lực Miền Trung theo Hợp đồng mua bán điện số 11/2014 T/EVN CPC-TTC ngày 08/11/2014; việc thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện được thực hiện hàng tháng qua tài khoản số 580100003766 của Công ty T mở tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh B.

Trong quá trình thi hành bản án số 34 ngày 20/7/2020 của TAND thành phố Q đã có hiệu lực thi hành nói trên thì ngày 01/4/2021 giữa Ngân hàng BIDV – Chi nhánh B và Công ty T ký kết hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ. Theo Điều 2 của Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 01/4/2021 thì Công ty T thế chấp cho Ngân hàng BIDV – Chi nhánh B các tài sản gồm: (1) Các khoản phải thu phát sinh theo Hợp đồng mua bán điện số 11/2014 T/EVN CPC-TTC ngày 08/11/2014; (2) Các khoản phải thu từ các hợp đồng bảo hiểm; (3) Các tài khoản và toàn bộ số dư trên các tài khoản tại Ngân hàng; (4) Các nguồn tiền, thu nhập phát sinh từ hoạt động khác của bên thế chấp; (5) Tất cả các quyền, lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác.

Xét Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh B được ký kết sau khi bản án số 34 ngày 20/7/2020 của TAND thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật buộc Công ty T trả nợ cho Công ty Đ và sau khi Chi cục thi hành án Dân sự thành phố Q đã có Quyết định thi hành án số 1859/QĐ-CCTHADS ngày 09/9/2020 và Quyết định số 142 ngày 09/10/2020. Khoản thu từ hợp đồng bán điện là khoản thu duy nhất của Công ty T ngoài khoản thu này thì Công ty T không còn tài sản khác để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Lẽ ra khoản thu này phải được dùng để thi hành bản án đã có hiệu lực thi hành nhưng công ty T đem tất cả khoản thu này thế chấp cho ngân hàng BIDV – Chi nhánh B nên việc thế chấp của công ty T xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của Công ty Đ. Do đó, Chấp hành viên ra các Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án phong tỏa số tiền có trong tài khoản và biện pháp cưỡng chế thi hành án khấu trừ tiền trong tài khoản đối với số tiền bán điện mà Tổng công ty Điện lực Miền Trung chuyển trả cho Công ty T qua tài khoản 580100003766 tháng 4,5, 6/2021 để thi hành bản án cho Công ty Đ là phù hợp theo hướng dẫn tại khoản 11 Điều 1 Nghị Định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án Dân sự. Do đó, mặc dù Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh B do các bên tự nguyện giao kết bởi những người có đủ thẩm quyền, hình thức hợp đồng là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, nội dung hợp đồng thế chấp có một phần không phù hợp đối với nghĩa vụ của Công ty T phải thực hiện cho Công ty Đ đã được pháp luật bảo vệ bằng bản án đã có hiệu lực thi hành.

Từ những nhận định trên, cho thấy Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh B vô hiệu một phần đối với số tiền Công ty T phải trả cho Công ty Đ. Tuy nhiên, xét thấy kể từ khi ký hợp đồng thế chấp ngày 01/4/2021 đến ngày 31/12/2022 Ngân hàng đã thu của Công ty T từ hợp đồng bán điện 37.244.000.000đ và tài khoản hiện nay đang bị cơ quan thi hành án phong tỏa số tiền 1.833.070.838đ, lẽ ra số tiền này sẽ được cưỡng chế thi hành cho Công ty Đ theo bản án đã có hiệu lực và phần còn lại ngân hàng mới thu nợ vay. Vì vậy để Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 có hiệu lực toàn bộ và có giá trị bảo đảm cho các khoản vay của Công ty T đã ký kết với Ngân hàng mà không cần thiết phải tuyên vô hiệu một phần, thì số tiền còn đang bị phong tỏa 1.833.070.838đ tại tài khoản của Công ty T mở tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh B sẽ được dùng để chi trả cho Công ty Đ và phần còn lại Ngân hàng sẽ trích từ khoản tiền Ngân hàng đã thu 37.244.000.000đ của Công ty T (từ ngày 01/4/2021 đến ngày 31/12/2021) để trả cho Công ty Đ 4.776.259.638đ và trả khoản tiền lãi trên số tiền chậm trả theo khoản 4.1 phần Quyết định của bản án số 34 ngày 20/7/2020 của TAND thành phố Q.

Do đó, cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu toàn bộ hợp đồng thế chấp số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 là không có cơ sở.

[2.2] Ngược lại, Ngân hàng cho rằng Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 không thay đổi nội dung so với thỏa thuận, cam kết trong các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà trước đây hai bên đã ký kết, cụ thể:

- Tại Điều 12 Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2010/HĐDH ngày 02/4/2010 quy định hình thức bảo đảm tiền vay “Thế chấp, cầm cố tài sản của bên vay và tài sản hình thành bằng vốn vay và vốn tự có của bên vay theo hợp đồng bảo đảm tiền vay và các hình thức bảo đảm khác (bảo lãnh)” - Tại Điều 1 Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2010/HĐTC ngày 02/4/2010 quy định tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay theo dự án đầu tư đã được quy hoạch là nhà máy thủy điện T, giá trị 218.175.737.000đ; trường hợp bên thế chấp còn sử dụng các nguồn tài chính của chính mình để đầu tư vào tài sản thế chấp nêu trên thì toàn bộ giá trị tài sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp - Theo phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/2011/PLHĐ ngày 21/01/2011 hình thức bảo đảm tiền vay (sửa đổi Điều 12) “thế chấp toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư (bao gồm cả vốn vay, vốn tự có và vốn huy động khác), toàn bộ quyền phát sinh từ dự án như quyền khai thác tài nguyên, quyền thụ hưởng từ hợp đồng bảo hiểm, quyền phát giảm khí thải (nếu có)” - Tại Điều 1 Hợp đồng thế chấp tài sản số 03/2012/HĐTC/23720 ngày 03/12/2012, tài sản thế chấp là máy móc thiết bị thuộc dự án Nhà máy thủy điện T, tổng giá trị 37.414.000.000đ.

- Theo văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng số 03/2013/PLHĐ ngày 20/6/2013 hình thức bảo đảm tiền vay (sửa đổi Điều 12) “Công ty thế chấp toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư (bao gồm cả vốn vay, vốn tự có và vốn huy động khác), toàn bộ các quyền thụ hưởng phát sinh từ dự án cho ngân hàng”.

- Theo văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng số 01/2016/23720 ngày 04/01/2016 bổ sung Điều 13 quyền và nghĩa vụ bên vay “Bên vay cam kết chuyển toàn bộ nguồn thu của dự án và các nguồn thu hợp pháp khác về tài khoản của bên vay tại Ngân hàng để trả nợ vay”.

Tuy nhiên, các điều khoản quy định về bảo đảm tiền vay nêu trên không có điều khoản nào nhắc đến việc thế chấp các khoản phải thu phát sinh theo Hợp đồng mua bán điện số 11/2014 T/EVN CPC-TTC ngày 08/11/2014 và các tài khoản và toàn bộ số dư trên các tài khoản tại Ngân hàng. Đồng thời các điều khoản quy định về bảo đảm tiền vay nêu trên đề cập đến khái niệm “quyền phát sinh từ dự án hay quyền thụ hưởng phát sinh từ dự án”, nhưng được định nghĩa tại phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/2011/PLHĐ ngày 21/01/2011 (sửa đổi Điều 12) là quyền khai thác tài nguyên, quyền thụ hưởng từ hợp đồng bảo hiểm, quyền phát giảm khí thải (nếu có). Do đó, mặc dù hợp đồng mua bán điện được ký từ ngày 08/11/2014 nhưng đến ngày 01/4/2021 các bên mới thống nhất đưa các khoản phải thu phát sinh theo hợp đồng mua bán điện làm tài sản thế chấp nên Ngân hàng cho rằng Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 không thay đổi nội dung so với thỏa thuận, cam kết trong các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà trước đây hai bên đã ký kết là không có cơ sở nên Hộ đồng xét xử không chấp nhận.

[2.3] Tại phiên tòa Phía bị đơn ngân hàng và Công ty T đồng ý trả nợ cho Công ty Đ tương ứng tỷ lệ nợ gốc và lãi so với tổng số nợ của Công ty T như biên bản làm việc ngày 29/4/2022 tại Văn phòng Công ty Cổ phần T, nhưng buổi làm việc Công ty Đ không tham gia và tại phiên tòa phúc thẩm Công ty Đ không chấp nhận trả nợ theo kế hoạch của Ngân hàng và Công ty T nên HĐXX không có cơ sở chấp nhận yêu cầu trả nợ theo kế hoạch của phía bị đơn.

[3] Từ những nhận định nêu trên tại mục [1.1], [1.2] Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng, Công ty T và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Q sửa bản án Dân sự sơ thẩm Công nhận Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 có hiệu lực toàn bộ và Ngân hàng trích một phần số tiền đã thu từ tiền bán điện và số tiền đang bị phong tỏa để thi hành án cho Công ty Đ theo bản án có đã có hiệu lực là phù hợp với quy định pháp luật.

[4] Về án phí:

[4.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Theo Điều 26, 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Công ty T và Ngân hàng mỗi bên phải chịu 300.000đ đối với tranh chấp hợp đồng vô hiệu.

Riêng đối với khoản tiền 6.609.330.476đ Công ty T phải thi hành cho Công ty Đ theo bản án số 34 thì Công ty T đã chịu án phí theo bản án số 34/2020/KDTM- ST ngày 20/7/2020 của Tòa án nhân thành phố Q đã có hiệu lực pháp luật, nên trong vụ án nay Công ty T không phải tiếp tục chịu án phí.

Công ty Đ không phải chịu án phí nên Hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí cho Công ty Đ.

[4.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Theo quy định khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì Công ty Đ và Ngân hàng không phải chịu.

[5] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là phù hợp với một phần nhận định của hội đồng xét xử nên chấp nhận một phần.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào các Điều 116, 117, 123, 130, khoản 3 Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Điều 26, 27 khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng Đầu tư và phát triển V, Công ty cổ phần T và kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định.

2. Công nhận Hợp đồng thế chấp các khoản phải thu số 01/2021/23720/HĐBĐ ngày 01/4/2021 giữa Công ty cổ phần T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V - Chi nhánh B có hiệu lực pháp luật, buộc các bên phải thực hiện.

3. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V phải trích số tiền 4.776.259.638đ (từ khoản tiền đã thu 37.244.000.000đ của Công ty Cổ phần T từ ngày 01/4/2021 đến ngày 31/12/2022) cộng với số tiền 1.833.070.838đ đang bị phong tỏa trong tài khoản số 580100003766 của Công ty cổ phần T mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V – Chi nhánh B để thi hành bản án số 34 ngày 20/7/2020 của TAND thành phố Q (đối với nghĩa vụ Công ty cổ phần T phải trả cho Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ số tiền 6.609.330.476đ theo bản án số 34). Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V còn phải trích từ khoản tiền đã thu của Công ty Cổ phần T từ ngày 01/4/2021 đến ngày 31/12/2022 để chi trả khoản tiền lãi trên số tiền chậm trả theo khoản 4.1 phần Quyết định của bản án số 34 ngày 20/7/2020 của TAND thành phố Q.

4. Về án phí:

4.1. Án phí dân sự sơ thẩm:

- Công ty Cổ phần T phải chịu 300.000đ.

- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V phải chịu 300.000đ.

- Hoàn trả lại cho Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Đ 3.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0003065 ngày 15 tháng 11 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

4.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty Cổ phần T và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V không phải chịu. Hoàn trả 300.000đ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển V đã nộp theo biên lai thu số 0004117 ngày 22/6/2022 và hoàn trả 300.000đ cho Công ty Cổ phần T đã nộp theo biên lai thu số 0004102 ngày 20/6/2022 của Chi cục thi hành án Dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định.

5. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án:

5.1. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án), hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả khác khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

5.2. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

471
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án và yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu số 02/2023/DS-PT

Số hiệu:02/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về