Bản án về tranh chấp lao động số 01/2022/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 01/2022/LĐ-PT NGÀY 25/03/2022 VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Ngày 25 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT- LĐ ngày 28 tháng 12 năm 2021 về việc “Tranh chấp lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2022/QĐ-PT ngày 25 tháng 02 năm 2022 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Đoàn Thị N, sinh năm 1993; trú tại: thôn T, xã V, huyện C, tỉnh Tuyên Q.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đoàn Văn L, sinh năm 1966; trú tại: thôn T, xã V, huyện C, tỉnh Tuyên Q, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 18 tháng 02 năm 2022).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Phan Ngọc Q - Luật sư, văn phòng luật sư PC - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: số 6, ngách 139/69 HL, phường VH, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Công ty N; địa chỉ trụ sở: Km 10, quốc lộ 1A, xã GT, huyện GV, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo pháp luật: ông Phạm Thành L - chức vụ Tổng Giám đốc, Công ty.

Người kháng cáo: ông Đoàn Văn L, là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

Tại phiên tòa: ông L, ông L, ông Q (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 15 tháng 10 năm 2015, chị Đoàn Thị N và Công ty N có ký hợp đồng kỹ năng có thời hạn tại Nhật Bản với nội dung: Thời hạn hợp đồng dựa trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc liên quan đến chương trình thực tập sinh kỹ năng dành cho người nước ngoài được ký tháng 01 năm 2014 giữa Công ty N với tổ chức tiếp nhận (Nghiệp đoàn F của Nhật Bản) là 03 năm, chia làm hai giai đoạn gồm: thời gian học ngắn hạn là 01 tháng; thời gian thực tập kỹ năng là từ tháng thứ 2 cho đến khi kết thúc hợp đồng. Địa chỉ nơi thực tập kỹ năng là Công ty cổ phần D. Quyền lợi và nghĩa vụ của thực tập sinh và Công ty N được quy định rõ trong hợp đồng ký kết giữa hai bên. Sau khi ký hợp đồng, ngày 03/11/2015 chị Đoàn Thị N được Công ty N đưa sang Nhật Bản, được Nghiệp đoàn đón tiếp và đưa về Nghiệp đoàn để học tập, sau đó đưa đến Công ty cổ phần D làm việc. Công ty cổ phần D và thực tập sinh (TTS) chị Đoàn Thị N có ký hợp đồng lao động cho thực tập kỹ năng và điều kiện lao động cho thực tập kỹ năng ngày 30/7/2015 có thời hạn 3 năm, kể từ ngày 03/12/2015 đến ngày 03/11/2018. Đến ngày 03/4/2017 chị N được người của Nghiệp đoàn đến thông báo phải về nước và cùng ngày chị N đã về nước trước thời hạn, trong thời gian làm việc chị N không bị kiểm điểm hay xử lý kỷ luật bằng hình thức nào. Do đó phía Công ty N đã vi phạm hợp đồng ký kết giữa hai bên với nhau, đưa chị N về nước trước thời hạn. Vì vậy chị Đoàn Thị N yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (N) phải bồi thường số tiền do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, cụ thể: phải trả 18 tháng lương còn lại, mỗi tháng là 143.104 Yên (tương đương 30.051.000đ/1 tháng) là 540.918.000đồng; tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng là 45.200.000đồng. Tổng cộng số tiền là 586.118.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm phía nguyên đơn có ý kiến: đồng ý nhận số tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng do Công ty N hoàn trả là 2.000USD tương ứng số tiền 46.200.000đồng và đồng ý nhận số tiền mà Công ty N trả cho chị N là 3.000 USD tương ứng số tiền 69.300.000đồng. Tổng cộng là 115.500.000đồng.

- Ngoài ra yêu cầu Công ty N phải trả số tiền lãi của số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng là 46.200.000đồng, tính từ tháng 4/2017 đến thời điểm xét xử tương ứng là 55 tháng với mức lãi suất là 0,46%/tháng, là 46.200.000đ x 0,46% x 55 = 11.690.000đồng.

- Yêu cầu Công ty N phải hoàn trả một nửa số tiền phí dịch vụ thực hiện hợp đồng đã thu tương ứng số tiền là 16.950.000đ. (số tiền phí dịch vụ thực hiện hợp đồng Công ty N đã thu của chị N là 33.900.000đồng).

- Yêu cầu Công ty N phải bồi thường cho chị N tổng số tiền là 255.000.000đồng, được đối trừ đi số tiền Công ty N đồng ý trả cho chị N là 3.000USD tương ứng số tiền 69.300.000đ. Yêu cầu Công ty N phải tiếp tục bồi thường thêm cho chị N số tiền là 185.700.000đồng.

Tại bản tự khai ngày 16/8/2019, quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty N trình bày: chị Đoàn Thị N là thực tập sinh tham gia chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài theo hợp đồng về chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài ký giữa Công ty N và Nghiệp đoàn F của Nhật Bản (sau đây gọi tắt là Nghiệp đoàn). Công ty N là công ty phái cử đưa chị Đoàn Thị N sang Nhật Bản theo Hợp đồng về chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài ký số 2014/10/23 ngày 29/7/2015 ký giữa Công ty N và Nghiệp đoàn. Công ty cổ phần D là công ty tiếp nhận nơi thực tập sinh Đoàn Thị N làm việc. Ngày 02/11/2015 thực tập sinh Đoàn Thị N đã xuất cảnh sang Nhật Bản, sau đó Công ty cổ phần D và Đoàn Thị N có ký hợp đồng lao động cho thực tập kỹ năng và điều kiện lao động cho thực tập kỹ năng ngày 30/7/2015 có thời hạn 3 năm kể từ ngày 03/12/2015 đến ngày 03/11/2018. Theo như thông báo của Nghiệp đoàn F, thực tập sinh Đoàn Thị N đã nhiều lần vi phạm nội quy, quy định của Công ty D (nơi Đoàn Thị N thực tập), Công ty D đã nhiều lần nhắc nhở nhưng Đoàn Thị N vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần vi phạm. Vì vậy Công ty D và Nghiệp đoàn bàn bạc và quyết định hình thức kỷ luật đối với thực tập sinh Đoàn Thị N là huỷ hợp đồng và cho về nước trước hạn, tránh ảnh hưởng và gây tiền lệ tới các thực tập sinh khác. Nghiệp đoàn đã trực tiếp gửi thông báo và quyết định qua đường bưu điện cho Công ty N về việc huỷ hợp đồng và cho thực tập sinh Đoàn Thị N về nước trước hạn. Ngày 03/4/2017 thực tập sinh Đoàn Thị N về nước. Như vậy Công ty N chỉ ký hợp đồng đưa chị Đoàn Thị N sang Nhật Bản theo hợp đồng, không phải là nơi sử dụng lao động và cũng không phải là phía đưa chị N về nước mà việc chị N bị đưa về nước là do phía tiếp nhận là Nghiệp đoàn F Nhật Bản. Như vậy Công ty N không có lỗi, do đó Công ty N không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của chị Đoàn Thị N đòi công ty N phải bồi thường số tiền ban đầu là 586.118.000đồng. Công ty N chỉ đồng ý trả lại cho chị Đoàn Thị N khoản tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng là 2.000USD tương ứng 46.200.000đồng. Đồng thời Công ty N tự nguyện hỗ trợ thêm cho chị Đoàn Thị N số tiền là 3.000USD tương ứng 69.300.000đồng. Tổng số tiền Công ty N hoàn trả và tự nguyện hỗ trợ cho chị Đoàn Thị N là 115.500.000đồng (Một trăm mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng).

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình quyết định: Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Đoàn Thị N. Buộc Công ty N phải trả lại cho chị Đoàn Thị N số tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng là 46.200.000đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty N có trách nhiệm hỗ trợ cho chị Đoàn Thị N số tiền là 69.300.000đồng. Tổng cộng số tiền Công ty N phải hoàn trả và tự nguyện hỗ trợ cho chị Đoàn Thị N là 115.500.000đồng (một trăm mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 04 tháng 11 năm 2021, ông Đoàn Văn L là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, có đơn kháng cáo một phần quyết định của bản án sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình, với lý do nguyên đơn không đồng ý phần bồi thường thiệt hại ngoài số tiền mà bị đơn đã đồng ý hoàn trả là 115.500.000đồng. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết buộc bị đơn phải bồi thường thêm cho nguyên đơn số tiền là 185.700.000đồng cho các tháng lương còn lại do nguyên đơn phải về nước trước hạn.

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo; Người đại diện hợp pháp của bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng phía Công ty N chỉ dựa văn bản một chiều, không đưa ra được tài liệu căn cứ nào chứng minh có giá trị pháp lý chị Đoàn Thị N vi phạm, không thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng với bên tiếp nhận thực tập sinh, tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian thực tập sinh trên cơ sở điều khoản đã ký với tổ chức tiếp nhận và phù hợp với pháp luật của hai nước Việt Nam và Nhật Bản, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của thực tập sinh. Mặc dù trong hợp đồng không có điều khoản nào Công ty phải bồi thường, nhưng phải căn cứ vào Điều 48 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do Công ty N có lỗi nên phải bồi thường thêm số tiền là 185.700.000đồng cho các tháng lương còn lại do nguyên đơn phải về nước trước hạn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử có căn cứ và đúng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ: khoản 1 Điều 308; khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử không chấp nhận nội dung yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình. Về án phí lao động phúc thẩm, nguyên đơn thuộc trường hợp không phải nộp án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định; hình thức, nội dung đơn kháng cáo đúng theo quy định tại Điều 272, 273 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy đơn kháng cáo của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn hợp lệ, nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Xét về nội dung yêu cầu kháng cáo của người đại diện hợp pháp nguyên đơn kháng cáo một phần quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét buộc bị đơn phải bồi thường thêm số tiền là 185.700.000đồng cho các tháng lương còn lại do chị Đoàn Thị N phải về nước trước thời hạn.

Hội đồng xét xử xét thấy: căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chị Đoàn Thị N và Công ty N ký hợp đồng lao động số 98/2015/HĐ-TTS – N được ký kết ngày 15/10/2015. Công ty N là công ty phái cử đưa chị Đoàn Thị N sang Nhật Bản theo hợp đồng về chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài ký số 2014/10/23 ngày 29/7/2015 ký giữa Công ty N và Nghiệp đoàn F được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện theo phiếu trả lời số 1634/2015/NBCADDNA- PTL ngày 22/7/2015. Theo hợp đồng Công ty N có nghĩa vụ tiếp nhận xử lý hồ sơ thực hiện các thủ tục cho chị Đoàn Thị N xuất cảnh sang Nhật, cùng với chị N giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian thực hiện hợp đồng. Chị N có nghĩa vụ trước khi xuất cảnh phải chuẩn bị các khoản tài chính nộp cho công ty gồm phí môi giới, phí dịch thuật hồ sơ, phí bảo đảm thực hiện hợp đồng, quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, Nhật Bản, các cam kết đã ký với công ty, tổ chức tiếp nhận Nhật Bản. Trong thời gian thực tập nếu vi phạm, như vi phạm kỷ luật lao động, nội quy ăn ở, không tôn trọng ý kiến của người quản lý, quản đốc, kỹ sư giám sát... thì coi như là vi phạm cam kết, tự ý phá vỡ hợp đồng tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo luật hiện hành của nước Nhật Bản và Việt Nam. Đây là một trong các vi phạm cam kết của thực tập sinh mà tổ chức tiếp nhận thực tập sinh có quyền chấm dứt việc thời gian thực tập của thực tập sinh. Ngày 02/11/2015 chị Đoàn Thị N xuất cảnh sang Nhật Bản, sau đó chị Đoàn Thị N có ký hợp đồng lao động với Công ty D, nơi tiếp nhận chị Đoàn Thị N vào làm việc là Công ty D có thời hạn là 03 năm kể từ ngày 03/12/2015 đến ngày 03/11/2018. Như vậy Công ty N đã thực hiện hoạt động dịch vụ đưa chị Đoàn Thị N đi làm việc ở Nhật Bản theo hình thức thực tập kỹ năng có thời hạn 3 năm như hợp đồng số 98/2015/HĐTTS-N ngày 15/10/2015 mà hai bên đã ký kết.

Trên cơ cở hợp đồng lao động ngày 30/7/2015 chị Đoàn Thị N đã ký với công ty nơi tiếp nhận vào làm việc của Nhật Bản quy định điều kiện lao động cho thực tập sinh. Trong quá trình làm việc chị Đoàn Thị N nhiều lần vi phạm nội quy, quy định của Công ty nơi làm việc, theo thông báo của nghiệp đoàn ngày 03/7/2017 và quyết định thi hành kỷ luật ngày 31/3/2017 của nghiệp đoàn. Do không thực hiện đúng nội quy, quy định của công ty nơi làm việc, ngày 03/4/2017 chị Đoàn Thị N bị về nước trước thời hạn là do phía Công ty D và nghiệp đoàn tiếp nhận của Nhật Bản thực hiện.

Do bị về nước trước hạn nên chị Đoàn Thị N khởi kiện yêu cầu Công ty N phải bồi thường số tiền do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng, tổng số tiền là 586.118.000đồng.

Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm Công ty N đồng ý trả lại cho nguyên đơn số tiền phí bảo đảm thực hiện hợp đồng là 2000 USD tương ứng số tiền là 46.200.000đồng và tự nguyện hỗ trợ thêm cho nguyên đơn số tiền là 3000USD tương đương số tiền là 69.300.000đồng. Tổng cộng là 115.500.000đồng. Ngoài số tiền Công ty N trả lại và hỗ trợ cho nguyên đơn là 115.500.000đồng, nguyên đơn còn yêu cầu Công ty N phải bồi thường thêm số tiền là 185.700.000đồng. Do không được chấp nhận, nên người đại diện theo ủy quyền của chị Đoàn Thị N là nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Công ty N phải bồi thường thêm số tiền là 185.700.000đồng cho các tháng còn lại do chị Đoàn Thị N phải về nước trước thời hạn.

Tại phiên tòa người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đưa ra các căn cứ chứng minh để yêu cầu Công ty N phải trả cho nguyên đơn số tiền là 185.700.000đồng dựa vào hợp đồng số 98 ngày 15/10/2015 giữa hai bên đã ký kết và Điều 48 Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phía Công ty N không thực hiện nghĩa vụ phối hợp để giải quyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động như hợp đồng đã ký, Công ty N có lỗi nên phải bồi thường số tiền là 185.700.000đồng cho nguyên đơn phải về nước trước hạn. Tuy nhiên yêu cầu trên của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận. Vì Công ty N chỉ ký hợp đồng phái cử đưa chị Đoàn Thị N sang Nhật Bản theo hợp đồng thực tập kỹ năng, không phải là công ty sử dụng lao động cũng như sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động với chị Đoàn Thị N. Do đó các nội dung luật sư cũng như người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đưa ra là tranh chấp về bồi thường tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động là Công ty D với người lao động là chị Đoàn Thị N, phía nguyên đơn có quyền khởi kiện Công ty D nơi sử dụng lao động tại vụ án khác.

Do đó, bản án sơ thẩm không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty N bồi thường số tiền là 185.700.000đ là có căn cứ. Vì vậy, nội dung yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn buộc bị đơn phải bồi thường thêm số tiền là 185.700.000đồng cho các tháng lương còn lại do chị Đoàn Thị N phải về nước trước hạn là không có cơ sở chấp nhận.

Từ các căn cứ nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình.

[3]. Về án phí lao động phúc thẩm: người kháng cáo không được Tòa án chấp nhận nội dung kháng cáo phải nộp án phí. Tuy nhiên, do vụ án thuộc trường hợp không phải nộp án phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016, nên người kháng cáo không phải nộp án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 1 Điều 308; khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận nội dung yêu cầu kháng cáo của ông Đoàn Văn L là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

2. Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện GV, tỉnh Ninh Bình.

3. Những phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Về án phí phúc thẩm: nguyên đơn thuộc trường hợp được miễn án phí phúc thẩm.

5. Bản án lao động phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 25/3/2022).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2622
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp lao động số 01/2022/LĐ-PT

Số hiệu:01/2022/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 25/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về