TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 581/2021/LĐ-PT NGÀY 04/11/2021 VỀ TRANH CHẤP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Ngày 04 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án Lao động thụ lý số 50/2021/LĐPT, ngày 28 tháng 10 năm 2020 về việc: “Tranh chấp về kinh phí công đoàn”. Do bản án lao động sơ thẩm số 22/2020/LĐ-ST, ngày 03/9/2020 của Tòa án nhân dân quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3905/QĐXXPT-LĐ ngày 25 tháng 10 năm 2021, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Liên đoàn Lao động quận DDD.
Trụ sở: Số 17, đường DD, phường TT, quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Hoàng Thị Kim H, sinh năm 1990.
Địa chỉ: Số 35, Đường SS, khu phố NN, phường TTT, quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Dương Văn T – Cán bộ tư vấn pháp luật của Trung tâm Tư vấn Pháp luật thuộc Hội luật gia TTT (có mặt).
2. Bị đơn: Công ty TNHH VVV.
Trụ sở: Số 57-59, Đường số BB, khu phố TT, phường TTT, quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Thanh T, sinh năm 1995.
Địa chỉ: Phòng 804, Lầu 8, số 151, đường CCC, phường SS, Quận BB, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
Luật sư Nguyễn Duy A - Chi nhánh Công ty Luật TNHH TM tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
Địa chỉ: Phòng 804, Lầu 8, số 151, đường CCC, phường SS, Quận BB, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Nguyên đơn Liên đoàn Lao động quận DDD do ông Trần Huy T.H là đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty TNHH VVV (viết tắt là Công ty VVV) được thành lập từ năm 2000 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 20/10/2000 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp.
Từ tháng 01/2013, theo quy định của pháp luật, hàng tháng Công ty VVV phải đóng kinh phí công đoàn về Liên đoàn lao động quận DDD. Liên đoàn Lao động quận đã nhiều lần đến vận động, nhắc nhở nhưng đơn vị vẫn không thực hiện đóng kinh phí công đoàn, gây khó khăn cho tổ chức công đoàn do hạn chế kinh phí hoạt động. Đến nay, Công ty vẫn chưa đóng kinh phí công đoàn. Hiện Công ty VVV còn nợ kinh phí công đoàn từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2019 là 1.259.186.000 đồng. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty VVV phải nộp ngay số tiền đóng kinh phí công đoàn còn nợ tính từ tháng 01/2013 đến ngày xét xử, tạm tính đến hết tháng 6/2020 là 1.491.920.000 đồng.
Ngoài ra, nguyên đơn không có yêu cầu nào khác. Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn rút lại phần yêu cầu đóng kinh phí công đoàn từ tháng 01/2020 đến ngày xét xử. yêu cầu Công ty TNHH VVV phải nộp ngay số tiền đóng kinh phí công đoàn còn nợ tính từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2019, số tiền là 1.268.166.000 (Một tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn) đồng.
2. Bị đơn Công ty TNHH VVV do bà Phạm Thị Oanh K và bà Hà Thị L là đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty VVV được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 18/9/2000 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp. Công ty VVV xác định vẫn còn nợ kinh phí công đoàn từ tháng 01/2013 cho đến nay. Công ty sẽ cố gắng đóng kinh phí công đoàn từ năm 2020 trở đi. Riêng khoản kinh phí công đoàn từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2019 quá lớn, tình hình kinh doanh của Công ty VVV gặp nhiều khó khăn, không có khả năng tài chính để nộp, mong Liên đoàn Lao động quận DDD xem xét miễn giảm để tạo điều kiện Công ty VVV tiếp tục hoạt động. Ngoài ra Công ty không có yêu cầu nào khác.
Án sơ thẩm đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Liên đoàn Lao động quận DDD.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn cho Liên đoàn Lao động quận DDD từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2019, số tiền là 1.268.166.000 (Một tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn) đồng.
2. Trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV chậm đóng thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV phải đóng tiền lãi đối với số tiền chậm đóng tương ứng với thời gian chậm đóng theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Liên đoàn Lao động quận DDD về việc buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV đóng kinh phí công đoàn từ tháng 01/2020 đến ngày xét xử.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của hai bên đương sự.
Ngày 09/9/2020, Công ty TNHH VVV kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm về việc tuyên buộc Công ty TNHH VVV thanh toán phí công đoàn cho Liên đoàn Lao động quận DDD, với lý do Liên đoàn Lao động quận DDD không có thẩm quyền thu phí từ tháng 5/2017 trở về trước, cũng như không có thông báo cho Công ty về việc đóng tiền phí công đoàn từ năm 2013 đến năm 2019, và cũng không có tổ chức thu phí công đoàn đối với công ty, nên nay không có quy định bắt buộc Công ty thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ do vi phạm của bị đơn.
Ngày 05/11/2020, theo Quyết định số 608/QĐ–LĐLĐ của Liên đoàn Lao động quận DDD, Công ty TNHH VVV đã thành lập Công đoàn cơ sở.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Phía công ty VVV đề nghị nay Liên đoàn Lao động Thành phố DDD phải trích lại tỷ lệ số tiền kinh phí công đoàn lại cho Công ty VVV vì Công ty đã chăm lo đời sống của công nhân công ty trong suốt giai đoạn chưa thành lập tổ chức công đoàn. Số tiền mà Công ty đóng cho Liên đoàn Lao động trong giai đoạn hiện nay, Liên đoàn Lao động cũng không thể thực hiện cho việc chăm lo cho đoàn viên công đoàn của những năm 2013 đến khi Công ty hiện nay đã có tổ chức công đoàn cơ sở, vì vậy việc trích lại số tiền 69% quỹ kinh phí công đoàn nêu trên cần phải được Liên đoàn Lao động thực hiện và hướng dẫn cho Công đoàn cơ sở trong việc thanh quyết toán lại với Công ty toàn bộ khoản tiền quỹ trích lại đó.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trần Thị Diệu T, Chủ tịch Liên đoàn Lao động THM có ý kiến riêng: Về vấn đề khởi kiện của Liên đoàn Lao động Quận DDD (nay là Liên đoàn Lao động Thành phố DDD), Liên đoàn Lao động THM đồng tình với việc khởi kiện tranh chấp kinh phí công đoàn, căn cứ theo Luật tố tụng dân sự và Luật Công đoàn, Liên đoàn Lao động cấp trên cơ sở có quyền khởi kiện đòi tranh chấp kinh phí.
Đại diện nguyên đơn Liên đoàn Lao động Thành phố DDD cho rằng Vấn đề trích tỷ lệ theo quy định chung của pháp luật về kinh phí công đoàn, không phải là yêu cầu hay phát sinh tình tiết mới tại cấp phúc thẩm, mà phải theo quy định của Luật Công đoàn về đóng kinh phí, Công đoàn cơ sở có nộp thì Liên đoàn Lao động cấp trên cơ sở mới có duyệt chi, trích lại theo quy định của tài chính công đoàn. Do vậy, không cần thiết phải đặt ra vấn đề này tại Tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi kinh phí công đoàn còn thiếu của Công ty VVV. Việc thu nộp, trích lại sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài chính công đoàn.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát đối với Thẩm phán và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án cho đến khi nghị án là đầy đủ và đúng quy định pháp luật.
Đối với nội dung kháng cáo của phía bị đơn là không phù hợp các quy định pháp luật đã viện dẫn theo Điều 26 Luật Lao Động và Khoản 2 Điều 6 Nghị Định 191 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn về kinh phí công đoàn, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên án sơ thẩm đã tuyên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cùng lời khai của đương sự, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Liên đoàn Lao động quận DDD khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH VVV đóng tiền kinh phí công đoàn. Căn cứ vào quyết định 52/QĐ-LĐLĐ, ngày 11/3/2021 của Liên đoàn Lao động THMthì nay do sự sát nhập các Liên đoàn Lao động tại các quận DDD, Quận 9 và Quận 2 thành Liên đoàn Lao động Thành phố DDD nên tại án phúc thẩm, Hội Đồng xét xử xác định phía nguyên đơn được đổi tên thành Liên đoàn Lao động Thành phố DDD.
Bị đơn Công ty TNHH VVV có trụ sở tại quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Khoản 3 Điều 32, điểm c Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Khoản 3 Điều 30 Luật Công đoàn, quan hệ tranh chấp là tranh chấp về kinh phí công đoàn, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận DDD, Thành phố Hồ Chí Minh. Xét đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn Lao động THMtại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xác định Liên đoàn Lao động Thành phốDDD nay là có quyền khởi kiện tranh chấp đòi kinh phí công đoàn đối với Công ty TNHH VVV.
[2] Về nội dung:
Tại phiên tòa, xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn đóng kinh phí công đoàn từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2019, Hội đồng xét xử nhận thấy: Công ty TNHH VVV có mã số doanh nghiệp: 0303106549, đăng ký lần đầu ngày 18/9/2000, đăng ký thay đổi lần thứ 13, ngày 25/10/2019 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Cấp sơ thẩm nhận định việc tranh chấp kinh phí công đoàn của Liên Đoàn Lao động quận DDD nay là Thành phố DDD là đúng theo quy định của Khoản 9 Điều 22 Luật Công đoàn năm 2012 về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn quy định:“… đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này”.
Và Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21 tháng 11 năm 2013 (viết tắt là Nghị định 191/2013/NĐ-CP) của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn quy định về đối tượng đóng kinh phí: “Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm: … 4. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư…”.
Như vậy, việc có hay không có tổ chức công đoàn cơ sở của doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm đóng phí công đoàn.
Căn cứ vào Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 và Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định về Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn thì mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội Và tại Khoản 2 Điều 6 và Điều 11 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và mức đóng được thực hiện từ ngày Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2013).
Các quy định của pháp luật về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn nêu trên và Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều quy định rõ doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn cho tổ chức công đoàn và mức đóng. Trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn là trách nhiệm của doanh nghiệp. Do vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu đòi kinh phí công đoàn của nguyên đơn đối với Công ty VVV từ năm 2013 đến 2019 là có cơ sở, nên cấp phúc thẩm không chấp nhận việc kháng cáo với lý do không được nhắc nợ và không biết cơ quan nào được phân cấp thu phí để thực hiện là không đúng quy định, vì dù cho Công ty chưa có công đoàn cơ sở, thì Công ty vẫn phải có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn theo quy định.
Về căn cứ nộp số tiền phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 191 quy định: “Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cấp sơ thẩm đã dựa vào Văn bản số 592/CV-BHXH ngày 17/6/2020 của Bảo hiểm xã hội quận DDD và Danh sách tham gia BHXH từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2019 của Công ty VVV thì quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động từ năm 2013 đến năm 2019, tổng cộng số tiền kinh phí công đoàn mà Công ty VVV phải đóng 19 là 1.268.166.000 (Một tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn) đồng, là phù hợp, được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận số tiền kinh phí án sơ thẩm đã tuyên.
Đối với yêu cầu đòi trích lại tỷ lệ công đoàn phí của Công ty theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 của Quyết định số 1908, ngày 19/12/ 2016 quy định: Theo lý luận của phía Công ty thì:
“ Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết phải quản lý, theo dõi và trả lại cho công đoàn cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức công đoàn;” Vấn đề này là sự kiện pháp lý phát sinh sau khi xét xử sở thẩm, và không nằm trong nội dung tranh chấp của bản án sơ thẩm. Lý do vì ngày 05/11/2020, theo Quyết định số 608/QĐ-LĐLĐ của Liên đoàn Lao động quận DDD, Công ty TNHH VVV đã thành lập Công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, theo đại diện của Liên đoàn Lao động Thành Phố DDD, thì cơ quan này sẽ tiến hành chiết tính và trả lại tỷ lệ theo quy định của pháp luật, cho công đoàn cơ sở của Công ty, khi họ thực hiện việc nộp đủ số tiền kinh phí theo bản án sơ thẩm đã tuyên. Khi Công ty chưa thanh toán về công đoàn cấp trên cơ sở, thì Tòa cũng không cần tuyên nội dung này trong bản án, vì pháp luật quy định rõ vấn đề trích lại kinh phí công đoàn sau khi công đoàn cơ sở nộp kinh phí. Hội đồng xét thấy trình bày này là hợp lý, vì việc tuyên thanh toán lại theo tỷ lệ nộp kinh phí của công đoàn cấp trên trực tiếp cho công đoàn cơ sở, chỉ xảy ra sau khi có việc nộp kinh phí công đoàn. Nên tuyên vào trong nội dung bản án là không cần thiết, khi mà Công ty cũng chưa có nộp kinh phí còn thiếu cho Liên đoàn Lao động, thì không thể có việc tuyên trả lại số tiền theo tỷ lệ. Việc này chỉ xảy ra sau khi bản án có hiệu lực, xác định rõ số tiền còn thiếu và đơn vị kinh doanh nộp đủ tiền theo hàng tháng về đóng kinh phí, thì việc trích kinh phí này mới thực hiện ngay sau đó, cho nên Hội đồng xét xử không giải quyết gì thêm về nội dung này.
Việc trích lại tiền kinh phí này khi công đoàn của Công ty thành lập, sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về kinh phí công đoàn. Và là một quan hệ khác về trích tỹ lệ kinh phí công đoàn.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu khởi kiện của Liên đoàn Lao động quận DDD và đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố DDD buộc Công ty VVV phải đóng kinh phí công đoàn từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2019 với số tiền 1.268.166.000 (Một tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn) đồng là có căn cứ, nên cấp phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH VVV. Nghĩ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Công ty VVV phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Án phí phúc thẩm: Công ty TNHH VVV chịu 300.000 đồng, đã nộp theo biên lai thu số 057705 ngày 21/9/2020 của Cục thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào Khoản 3 Điều 32, điểm c Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 186, Khoản 2 Điều 244, Điều 271, Điều 273, Điều 290, 293, 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ vào Điều 22, Điều 26, Điều 30 Luật Công đoàn;
- Căn cứ vào Điều 2, Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 11 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;
- Căn cứ Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn Công ty TNHH VVV. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Liên đoàn Lao động quận DDD, (nay là Liên đoàn Lao động Thành Phố DDD).
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn cho Liên đoàn Lao động Thành phố DDD từ tháng 01/2013 đến hết tháng 12/2019, số tiền là 1.268.166.000 (Một tỷ, hai trăm sáu mươi tám triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn) đồng.
2. Trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV chậm đóng thì Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV còn phải thanh toán tiền lãi chậm trả, đối với số tiền chưa thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Liên đoàn Lao động quận DDD về việc buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV đóng kinh phí công đoàn từ tháng 01/2020 đến ngày xét xử.
4. Về án phí lao động sơ thẩm: Liên đoàn Lao động Thành phố DDD không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn VVV phải chịu 29.363.320 (Hai mươi chín triệu, ba trăm sáu mươi ba ngàn, ba trăm hai mươi) đồng.
Án phí Lao động phúc thẩm: Công ty TNHH VVV chịu 300.000 đồng, đã nộp theo biên lai thu số 057705 ngày 21/9/2020 của Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp kinh phí công đoàn số 581/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 581/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 04/11/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về