Bản án về tranh chấp khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước (tranh chấp việc sử dụng mỏ nước) số 27/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẠ LANG, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 27/2022/DS-ST NGÀY 29/09/2022 VỀ TRANH CHẤP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC

Ngày 29 tháng 9 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 09/2022/TLST-DS ngày 23 tháng 6 năm 2022 về việc “Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 804/2022/QĐXXST - DS ngày 23 tháng 9 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Bạch Thị N, sinh năm 1957.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Nông Văn T, sinh năm 1992 (theo văn bản ủy quyền ngày 04/7/2022).

Cùng địa chỉ: Xóm TQ, xã TH, huyện HL, tỉnh Cao Bằng. (Có mặt.)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nông Văn S - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng.  (Có mặt)

2. Bị đơn:

- Ông Nông Minh S, sinh năm 1973

- Ông Đàm Văn Th, sinh năm 1977 Cùng địa chỉ: Xóm TQ, xã TH, huyện HL, tỉnh Cao Bằng. (Đều có mặt.)

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nông Văn Ph, sinh năm 1984 Địa chỉ: Xóm TQ, xã TH, huyện HL, tỉnh Cao Bằng. (Có mặt.)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 16/6/2022, bản tự khai và quá trình hòa giải tại Tòa án, nguyên đơn, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng thống nhất trình bày:

Hộ gia đình bà Bạch Thị N, anh Nông Văn T, Nông Văn Ph có thửa đất rẫy diện tích 430,9m2, thuộc thửa số 117, tờ bản đồ số 62, địa chỉ thửa đất tại PC, xóm TQ, xã TH, huyện HL, tỉnh Cao Bằng, đất đã được Ủy ban nhân dân huyện HL cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 157521 mang tên hộ ông Nông Văn D (đã chết), bà Nông Thị N, bìa đỏ cấp chung có 15 thửa đất tổng diện tích là 4954,3m2. Trên phần bờ của thửa đất rẫy có 01 mỏ nước tự nhiên, nguồn nước từ mỏ được gia đình dẫn nước xuống phục vụ canh tác các đám ruộng tại PC, LP cách mỏ nước này khoảng hơn 100m, việc này đã diễn ra từ đời ông, cha. Năm 1997, gia đình ông Đàm Văn Th và ông Nông Minh S bắt đầu đến khai thác, sử dụng mỏ nước trên và có cải tạo, đào mở rộng, xây miệng giếng, lắp vòi nhựa dẫn nước về nhà để sử dụng riêng. Trước năm 1997, gia đình bà N canh tác được 02 vụ, kể từ khi ông Th và ông S cải tạo, khai thác mỏ nước đến năm 2021, do thiếu nước gia đình chỉ canh tác được 01 vụ. Ngày 07/4/2022, gia đình ông Th và ông S tiếp tục cải tạo, xây trát bê tông kiên cố mỏ nước trên dẫn đến nguồn nước cạn kiệt, ảnh hưởng đến canh tác các đám ruộng của gia đình bà N. Nay bà yêu cầu, công nhận toàn bộ quyền sử dụng mỏ nước trên cho gia đình bà, buộc ông Th và ông S chấm dứt hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tháo dỡ công trình đã xây dựng kiên cố trên phần đất của gia đình bà.

Bị đơn ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th tại các bản tự khai, quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cùng thống nhất trình bày:

Trước năm 1997, gia đình ông S, ông Th phải đi gánh nước ở Lũng Pàu, cách nhà khoảng 500m-600m. Do có khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho gia đình nên từ năm 1997, hai ông đã đi cải tạo mỏ nước hiện đang tranh chấp để sử dụng cho gia đình. Vị trí mỏ nước nằm ở chân bờ ruộng gia đình bà N địa chỉ tại PC, xóm TQ, xã TH cách gia đình hai ông khoảng hơn 1km. Khi hai ông cải tạo mỏ nước, gia đình bà N và mọi người trong xóm đều biết nhưng không ai có ý kiến gì. Ngoài nguồn nước ở mỏ này, gia đình hai ông không có nguồn nước nào khác phục vụ sinh hoạt gia đình. Về nguồn nước này vào mùa mưa thì có nhiều nhưng mùa khô thì ít nước. Khi khai thác nguồn nước, ngoài gia đình ông S, ông Th sử dụng, khi nước về nhiều hai ông còn chia cho một số anh em trong xóm sử dụng. Quá trình sử dụng, hai ông vẫn thường xuyên cải tạo mỏ nước. Ngày 07/4/2022, do nước về ít nên hai ông trát xi măng, ốp kiên cố để nước không rõ rỉ ra ngoài. Ông S và ông Th khẳng định việc lấy nước để phục vụ sinh hoạt gia đình hai ông không gây lãng phí và không ảnh hưởng đến việc canh tác ruộng của gia đình bà N. Nay bà N khởi kiện yêu cầu lấy toàn bộ mỏ nước trên, các bị đơn không nhất trí với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Ngày 20/7/2022, Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản theo yêu cầu của các bên đương sự, kết quả:

Kiểm tra trên bản đồ: Mỏ nước tự nhiên nằm ở chân thửa đất số 115, tờ bản đồ số 62, diện tích 263,3m2, có tên gọi theo tiếng địa phương là Pò Chả, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nông Văn D và bà Bạch Thị N.

Kiểm tra trên thực địa: Mỏ nước nằm ở chân thửa rẫy, có hai phần, phần phía dưới xây đá, trát xi măng theo bờ, phần phía trên có đá ốp lên. Mỏ nước được cây kín, có ống vòi dẫn nước ngầm đã được chôn trong đất để dẫn nước về gia đình ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th. Chiều cao từ khe nước lên đến phần đã trát xi măng của mỏ nước là khoảng 1,2m, chiều rộng khoảng 60cm. Gần mỏ nước có một khe nước tự nhiên đi qua cạnh mỏ nước, hiện không có nước chảy. Toàn bộ ống dẫn từ mỏ nước đến gần đường đều được chôn ngầm dưới đất dẫn đến một mỏ nước ngầm cạnh đường dân sinh, mỏ nước ngầm này hợp với nguồn nước ở mỏ trên (mỏ đang tranh chấp) và chia thành hai đường nước, một đường dẫn ra ông sắt có nước chảy ra ngoài, đường nước còn lại dẫn về nhà ông S, ông Th để dùng nước sinh hoạt. Khoảng cách từ mỏ nước cạnh đường dân sinh đến nhà ông S, ông Th khoảng hơn 1km. Các thửa ruộng của bà Bạch Thị N cho rằng bị ảnh hưởng gồm 07 thửa, hiện trạng lúa vẫn tốt, đã ra bông, chỉ có 02 thửa phải cấy lại nên lúa vẫn còn xanh, chưa ra hạt, 02 thửa này nằm giữa các thửa còn lại. Nguồn nước dẫn đến nhà ông S, ông Th có nước chảy ra liên tục, theo bị đơn vào mùa khô lượng nước chỉ được 1/2 mùa mưa. Gia đình ông Nông Minh S có khoan chung giếng nước với ông Nông Văn Nam (hàng xóm), tuy nhiên muốn sử dụng nguồn nước này phải bơm lên. Các đương sự đều nhất trí với kết quả xem xét thẩm định.

Kết quả định giá tài sản: Phần đã cải tạo, xây kín trát xi măng đối với mỏ nước tự nhiên; cụ thể: Chiều rộng đáy là 0,6m, chiều rộng phía trên là 1m, chiều cao là 1,2m; phía trên phần đã xây xếp đá hộc, chiều rộng 1,2m, chiều cao là 0,5m. Giá tài sản cần định giá là 1.962.000đ (một triệu chín trăm sáu mươi hai nghìn đồng), gồm tiền công xây dựng, vận chuyển, tiền vật liệu (xi măng, đá, cát). Các bên đương sự nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.

Ngày 22/7/2022, Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án chuyển hồ sơ cho Ủy ban nhân dân huyện HL tiến hành hòa giải để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của Luật Tài nguyên nước nhưng hòa giải không thành, các bên đương sự vẫn yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

Ngày 22/9/2022, Tòa án tiến hành hòa giải lần hai, các đương sự thống nhất chia nguồn nước của mỏ nước tự nhiên thành 03 đường dẫn nước về phục vụ cho gia đình ông Nông Minh S, ông Đàm Văn Th và bà Bạch Thị N. Ngoài ra, các đương sự còn tự thỏa thuận về việc lắp đặt, phân chia nước, chi phí tố tụng và án phí. Tuy nhiên, ngày 23/9/2022, ông Nông Văn T có văn bản không nhất trí với thỏa thuận nên việc hòa giải không thành.

Tại phiên tòa:

- Người đại diện của nguyên đơn, các bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ không cần thiết phải tiến hành thẩm định, định giá lại.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Mỏ nước tự nhiên nằm thửa đất số 115, tờ bản đồ số 62, diện tích 263,3m2 là đất của gia đình bà N được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là được sử dụng toàn bộ mỏ nước và yêu cầu ông S, ông Th tháo dỡ toàn bộ công trình đã xây dựng trên đất của gia đình bà N.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Đề nghị công nhận quyền sử dụng chung mỏ nước đang tranh chấp cho gia đình bà N, vì nguồn nước tự nhiên là sở hữu toàn dân, mặc dù ông S, ông Th có quá trình sử dụng lâu dài, tuy nhiên khi khai thác nước cũng để một phần nước ngấm xuống đất chảy theo khe mương tự nhiên và khi dẫn nước vào mỏ bên dưới có lắp đặt ống dẫn để một phần nước thoát ra ngoài cho các hộ trong xóm sử dụng canh tác ruộng. Do đó cần chia mỏ nước đang tranh chấp thành ba đường dẫn nước cho ba hộ gia đình bà N, ông S và ông Th cùng sử dụng như các bên đã thỏa thuận tại phiên hòa giải lần thứ hai.

- Các bị đơn: Không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Vì cho rằng, mỏ nước tự nhiên này đã được gia đình hai ông sử dụng lâu dài, quá trình khai thác, sử dụng gia đình bà N và mọi người trong xóm đều không có ý kiến phản đối. Việc xây dựng, cải tạo mỏ nước không làm ảnh hưởng đến thửa đất gia đình bà N cũng như các đám ruộng khu vực phía dưới, vì ngoài gia đình bà N còn nhiều gia đình trong xóm cũng có ruộng khu vực phía dưới.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Nhất trí và có cùng ý kiến như người đại diện diện hợp pháp của nguyên đơn đã trình bày.

- Kiểm sát viên phát biểu: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử , Thư ký Tòa án và của đương sự, kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án không có gì sai phạm. Về đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng các Điều 43, 44, 45, 46 và 54 của Luật Tài nguyên nước năm 2012; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, công nhận quyền sử dụng chung mỏ nước, cụ thể chia ba đường nước đều nhau dẫn nước từ mỏ ra cho bà N, ông S và ông Th cùng sử dụng. Các đương sự phải chịu chi phí tố tụng và án phí, riêng bà N được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về quan hệ tranh chấp: Theo đơn khởi kiện, bà Bạch Thị N yêu cầu, công nhận quyền sử dụng mỏ nước thuộc chân bờ rẫy cho gia đình bà và buộc ông Th và ông S chấm dứt hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xây dựng công trình kiên cố trên phần đất của gia đình bà. Vì vậy, đây là tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước theo khoản 8 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

[2]. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Theo quy định tại khoản 8 Điều 26 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về nguồn nước do đó Tòa án đã thụ lý vụ án, tại khoản 2 Điều 76 Luật Tài nguyên nước năm 2012 có quy định về trách nhiệm giải quyết tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân huyện, vì vậy Tòa án đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án để xác định thẩm quyền giải quyết. Sau khi hòa giải tại Ủy ban nhân dân huyện HL không thành, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án. Do đó, việc Tòa án nhân dân huyện HL thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c, khoản 1 Điều 39 BLTTDS và khoản 2 Điều 76 Luật Tài nguyên nước năm 2012.

[3]. Việc nguyên đơn trình bày yêu cầu cụ thể là được sử dụng toàn bộ mỏ nước đang tranh chấp và yêu cầu ông S, ông Th tháo dỡ công trình đã xây dựng trên đất không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên được chấp nhận.

[4]. Về nội dung và đường lối giải quyết vụ án: Xét yêu cầu được sử dụng toàn bộ mỏ nước tự nhiên nằm ở chân thửa đất số 115, tờ bản đồ số 62, diện tích 263,3m2 của gia đình bà N, Hội đồng xét xử nhận định:

Về nguồn gốc mỏ nước tự nhiên đã có từ lâu, do thiếu nước sinh hoạt nên gia đình ông S và ông Th bắt đầu khai thác, cải tạo, đầu tư ống dẫn nước để đưa nước về phục vụ sinh hoạt gia đình từ năm 1997 đến nay. Đây là mỏ nước tự nhiên, việc khai thác, sử dụng nước phục vụ cho gia đình thuộc trường hợp không phải đăng ký, không phải xin phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 của Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ thấy rằng, vị trí mỏ nước tự nhiên nằm ở bờ của thửa số 115, tờ bản đồ số 62, diện tích 263,3m2 đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Bạch Thị N, do đó mỏ nước này được xác định là nằm trên ranh giới của thửa đất nên gia đình bà N có quyền khai thác, sử dụng chung mỏ nước này. Gia đình ông S, ông Th tuy không có phần đất tiếp giáp xung quanh mỏ nước nhưng trên thực tế đã có quá trình khai thác, sử dụng ổn định, lâu dài nguồn nước tại mỏ này để phục vụ nước sinh hoạt, việc sử dụng mỏ nước này gia đình bà N và mọi người cùng xóm đều biết, không ai có ý kiến hoặc tranh chấp. Việc gia đình ông S, ông Th khai thác, sử dụng là phù hợp quy định tại các Điều 43, 44 và 45 của Luật Tài nguyên nước. Gần mỏ nước có khe mương dẫn nước xuống khu vực phía dưới có các đám ruộng của gia đình bà N với khoảng cách từ mỏ nước tự nhiên đến các đám ruộng khoảng 100m, hiện trạng mương khô không có nước chảy, các bên đều thừa nhận trước đây nước còn nhiều chảy theo khe mương này dẫn xuống các đám ruộng. Việc gia đình bà N yêu cầu được sử dụng chung nguồn nước tự nhiên này để phục vụ sản xuất nông nghiệp là phù hợp với quy định tại Điều 46 Luật Tài nguyên nước.

Xét thấy, nguồn nước tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu, các cá nhân đều có quyền khai thác, sử dụng nhưng phải đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định các Điều 197, 199 và 203 của Bộ luật Dân sự 2015. Việc gia đình ông S, ông Th cho rằng gia đình đã khai thác, sử dụng từ năm 1997 không ai có ý kiến nên trát xi măng, ốp đá bịt kín hoàn toàn nguồn nước, không nhất trí cho gia đình bà N sử dụng chung là không hợp lý. Bởi lẽ, nguồn nước này là nguồn nước ngầm tự nhiên, được chảy ra từ bờ của thửa đất gia đình bà N, lượng nước chảy ra phụ thuộc vào thiên nhiên, hơn nữa, nước là tài nguyên quốc gia không phải sở hữu riêng của ai, do đó các bên đều có quyền khai thác, sử dụng chung. Tại Điều 54 của Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng phải căn cứ vào khả năng thực tế của nguồn nước, đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý giữa các cá nhân sử dụng nước; ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm an ninh lương thực; tại khoản 2 Điều 54 Luật này quy định: “2. Trong trường hợp thiếu nước, việc điều hòa, phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt; các mục đích sử dụng khác phải được điều hòa, phân phối theo quy định…”. Kết quả thẩm định tại chỗ cho thấy lượng nước dẫn về nhà ông S, ông Th đảm bảo đủ để sinh hoạt gia đình, dòng chảy nước tuy không mạnh nhưng liên tục, ông S, ông Th cũng thừa nhận thời điểm nước nhiều có chia cho các anh em trong xóm cùng sử dụng; ngoài ra tại mỏ nước ngầm dưới đường dân sinh do ông S, ông Th xây kín cũng đặt 01 ống sắt để nước chảy ra ngoài, như vậy gia đình ông S, ông Th không thuộc trường hợp thiếu nước sinh hoạt; tuy nhiên các bên đều thừa nhận có tình trạng thiếu nước vào mùa khô, do đó để đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô cần ưu tiên nước cho sinh hoạt việc chia nguồn nước mỏ trên thành 03 đường dẫn nước từ mỏ, trong đó 02 đường nước cho gia đình ông S, ông Th phục vụ sinh hoạt gia đình và 01 đường nước cho gia đình bà N sản xuất nông nghiệp là phù hợp với thực tế, vì nước để sinh hoạt hàng ngày cần thiết hơn cho việc canh tác theo mùa vụ. Về phía gia đình bà N cho rằng ảnh hưởng đến 07 đám ruộng nhưng khi thẩm định tại chỗ chỉ có 02 đám ruộng bị ảnh hưởng, vì cây lúa chưa trổ bông, còn các đám ruộng xung quanh thì vẫn phát triển tốt, do đó tuy có ảnh hưởng nhưng không thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của nguồn nước mỏ tự nhiên đến việc canh tác các đám ruộng của hộ gia đình bà N, bởi việc canh tác ruộng cũng cần sử dụng nước mưa là nguồn nước tự nhiên phụ thuộc vào thời tiết. Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý trong việc điều hòa, phân phối nguồn tài nguyên nước tự nhiên phục vụ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của gia đình ông S, ông Th và gia đình bà N, việc khai thác, sử dụng chung mỏ nước tự nhiên bằng việc chia thành 03 đường dẫn nước cho các hộ gia đình là hợp lý và hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với yêu cầu phá dỡ công trình đã xây trên mỏ nước: Hiện trạng mỏ nước tự nhiên đã được gia đình ông S, ông Th xây trát kín hoàn toàn, xét thấy công trình không ảnh hưởng đến việc canh tác thửa đất của gia đình bà N và việc khai thác, sử dụng chung mỏ nước của các bên, do đó không cần thiết phải phá dỡ công trình này nên cần giữ nguyên hiện trạng.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, xét thấy quan điểm của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và đại diện Viện kiểm sát đưa ra là phù hợp nên cần chấp. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[5]. Bà Bạch Thị N, ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th có trách nhiệm tự thỏa thuận với nhau việc lắp đặt ống chia thành 03 (ba) đường dẫn nước từ mỏ nước trên, trong đó 02 đường dẫn nước cho gia đình ông S, ông Th và 01 đường dẫn nước cho gia đình bà N, đảm bảo đường ống có kích thước cùng loại để dẫn nước chia đều cho ba hộ gia đình.

[6]. Về chi phí tố tụng: Bà Bạch Thị N tạm nộp trước số tiền 2.000.000đ (hai triệu đồng), ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th mỗi người tạm nộp số tiền 1.000.000đ (một triệu đồng), tổng số tiền các đương sự đã nộp là 4.000.000đ (bốn triệu đồng), số tiền này Hội đồng xem xét thẩm định và định giá tài sản đã chi phí hết. Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên mỗi bên đương sự phải chịu 1/2 chi phí tố tụng; xác nhận các bên đương sự đã nộp đủ.

[7]. Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần, nên bà Bạch Thị N, ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th mỗi người đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) để sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, bà N thuộc trường hợp hộ nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn đề nghị miễn án phí nên được miễn án phí theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 26, 35, 39, 157, 165 và 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

các Điều 197, 199 và 203 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 43, 44, 45, 46, 54 và 76 Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: Bà Bạch Thị N được quyền quản lý, khai thác, sử dụng chung một mỏ nước tự nhiên với ông Nông Minh S, ông Đàm Văn Th tại chân thửa đất số 115, tờ bản đồ số 62, diện tích 263,3m2, có tên gọi theo tiếng địa phương là PC, xóm TQ, xã TH, huyện HL, tỉnh Cao Bằng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nông Văn D và bà Bạch Thị N. Bà N, ông S và ông Th có trách nhiệm tự thỏa thuận với nhau việc lắp đặt ống chia thành 03 (ba) đường dẫn nước từ mỏ nước trên, trong đó 02 đường dẫn nước cho gia đình ông S, ông Th và 01 đường dẫn nước cho gia đình bà N, đảm bảo đường ống có kích thước cùng loại để dẫn nước chia đều cho 03 (ba) hộ gia đình. Các bên có trách nhiệm cùng quản lý, bảo vệ mỏ nước và không được cản trở nhau trong việc khai thác, sử dụng chung mỏ nước tự nhiên trên.

2. Về chi phí tố tụng: Áp dụng khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên phải chịu 1/2 chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ số tiền 4.000.000đ (bốn triệu đồng). Xác nhận bà Bạch Thị N, ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th đã nộp đủ.

3. Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bà Bạch Thị N, ông Nông Minh S và ông Đàm Văn Th mỗi người đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) để sung quỹ Nhà nước. Xác nhận bà N đã nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng), nay được hoàn lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0002254 ngày 23/6/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về quyền kháng cáo: Áp dụng các Điều 271, 272 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo Bản án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo đối với phần liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ tại Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

678
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước (tranh chấp việc sử dụng mỏ nước) số 27/2022/DS-ST

Số hiệu:27/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hạ Lang - Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về