TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
BẢN ÁN 07/2023/DS-PT NGÀY 09/03/2023 VỀ TRANH CHẤP KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Ngày 09 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 28/2022/TLPT-DS ngày 08 tháng 11 năm 2022, về việc: Tranh chấp về khái thác, sử dụng tài nguyên nước do Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2023/QÐ-PT ngày 09 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Đồng nguyên đơn:
1.1. Anh Lờ A S, sinh năm 1978;
1.2. Ông Lờ A C (tên gọi khác Lờ A Chiu), sinh năm 1964;
1.3. Ông Lờ A T, sinh năm 1958; vắng mặt.
1.4. Anh Lờ A Phà, sinh năm 1978; vắng mặt.
1.5. Anh Lờ A D, sinh năm 1985; vắng mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền cho ông Tủa, anh Phà và anh Dì: Anh Lờ A S và ông Lờ A C. (Theo giấy uỷ quyền lập ngày 18-02-2022). Đều có mặt.
2. Bị đơn: Ông Giàng A E, sinh năm 1965; có mặt.
3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông Lờ A X, sinh năm 1955; vắng mặt.
3.2. Ông Giàng A B, sinh năm 1962; có mặt.
3.3. Ông Giàng A L, sinh năm 1963; có mặt.
3.4. Anh Giàng A F, sinh năm 1985; có mặt.
3.5. Anh Giàng A G, sinh năm 1997; có mặt.
Cùng trú tại: Bản DCN, xã LC, huyện MCC, tỉnh Yên Bái.
4. Những người kháng cáo: Ông Giàng A E - là bị đơn; các ông Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G - là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
5. Người phiên dịch tiếng Mông:
5.1. Ông Giàng A K - Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái; có mặt.
5.2. Ông Sùng A H - Cán bộ Báo Yên Bái; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 18-02-2022, các bản khai tiếp theo và tại phiên tòa, anh Lờ A S và ông Lờ A C trình bày có nội dung được tóm tắt như sau:
Nguồn nước tại khu vực Tà Chí Đùa thuộc Bản DCN, xã LC, huyện MCC, tỉnh Yên Bái được các hộ gia đình Lờ A S, Lờ A C, Lờ A T, Lờ A P và Lờ A D khai phá làm mương từ năm 1993. Khi chuẩn bị đào mương nước, anh Lờ A S đã hỏi ông Lờ A C (lúc đó là trưởng Bản DCN) và ông Giàng A M (là bố đẻ của anh Giàng A E): “Cháu muốn khai hoang mương nước ở trên đầu nguồn của bác về làm ruộng bác có nhất trí không ?”. Ông M trả lời: “Nước thì lo gì. Sợ làm ruộng không chín thôi. Ở dưới bác làm còn không chín. Cháu làm xem có chín không”. Sự việc này có ông Lờ A N (Sinh năm 1978, cùng trú tại bản DCN) biết. Sau đó, anh S cùng anh em trong gia đình đào mương nước từ năm 1993 đến năm 1995 thì có nước để làm ruộng bậc thang. Năm 2020, anh Giàng A I là con của ông Giàng A L đến phá mương nước của anh Lờ A S. Anh S đã báo Bí thư Chi bộ nhờ giải quyết thì anh I không phá nữa. Đến tháng 5/2021, anh Giàng A Q và anh Giàng A I (đều là con ông L) lại đến phá mương nước của anh S. Anh Lờ A P đi sửa mương nước thì bắt gặp anh Q và anh I đang phá mương nước của anh S nên hai bên xảy ra tranh chấp. Ngày 27-6-2021, Bí thư Chi bộ và Trưởng Bản DCN đã giải quyết theo hướng: Nhóm hộ ông Lờ A S được sử dụng cả hai nguồn nước, còn lại bao nhiêu hộ ông Giàng A L được dùng bấy nhiêu. Không nhất trí với cách giải quyết của Trưởng Bản DCN, ông Giàng A E là anh trai của ông Giàng A L đã làm đơn đề nghị lãnh đạo xã LC giải quyết. Ngày 16-7-2021, Ủy ban nhân dân xã LC đã giải quyết theo hướng:
Chia mạch nước to thành 03 phần. Nhóm hộ ông E được sử dụng 02 phần, nhóm hộ ông Su được sử dụng 01 phần. Không nhất trí với cách giải quyết của Ủy ban nhân dân xã LC, nhóm hộ anh S đã có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện MCC giải quyết. Ủy ban nhân dân huyện MCC đã giải quyết theo hướng: Nhóm hộ ông Lờ A S được quyền sử dụng ½ nguồn nước có lưu lượng 60 mml/s. Nhóm hộ ông Giàng A E được hưởng ½ nguồn nước trên và được hưởng thêm nguồn nước có lưu lượng 27 mml/s. Do nhóm hộ ông Lờ A S không đồng ý với Quyết định giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân huyện MCC nên có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện MCC giải quyết theo hướng nhóm hộ ông S được sử dụng cả hai nguồn nước và không chấp nhận chia nước cho nhóm hộ ông Giàng A E.
* Để chứng minh cho yêu cầu của mình, ông S đã giao nộp cho Toà án những tài liệu, chứng cứ sau:
- Bản chính biên bản hoà giải do Ủy ban nhân dân xã LC lập ngày 08-7- 2021 (BL 49);
- Bản chính Báo cáo số: 05/BC-KTTT ngày 24-01-2022 của Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra thuộc Ủy ban nhân dân huyện MCC về việc giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa nhóm gia đình ông Lờ A S và nhóm gia đình ông Giàng A E, cư trú tại Bản DCN, xã LC (BL 46, 47).
* Trong quá trình giải quyết tại Tòa án nhân dân huyện MCC:
- Ông Giàng A E thừa ủy quyền của ông Giàng A B trình bày (BL số 85) có nội dung được tóm tắt như sau: Nguồn nước đang tranh chấp với nhóm hộ anh S được ông E sử dụng từ năm 1977, là khe nước mà ông E sử dụng lại của ông Nủ Cha. Khi ông T và anh S mở mương nước thì không hỏi và không được sự nhất trí của ông E. Phát hiện ông T (Bố của S) mở mương nước đi qua, ông E đã nói với ông T thì ông T bảo có nguồn nước riêng và có máng vắt qua mương của ông E nên ông E thôi không nói nữa. Năm 2020, các cháu của ông E thiếu nước làm ruộng nên đã tháo nước về ruộng thì anh S không cho nên mới xảy ra xích mích. Đến tháng 5/2021, do anh S mở ruộng to hơn nên không đủ nước tưới tiêu và chặn hết dòng nước chảy vào ruộng của các cháu ông E nên mới xảy ra tranh chấp nguồn nước. Ông E đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết cho nhóm hộ ông E được sử dụng cả hai nguồn nước đang tranh chấp tại khu vực Tà Chí Đùa, Bản DCN.
- Ông Giàng A L trình bày (BL số 102, 103) có nội dung được tóm tắt như sau: Mương nước của tôi do anh tôi là Giàng A E mở và chia cho tôi. Sau khi anh S và ông M mở mương nước thì tôi được bố mẹ chia ruộng và khai mương mới. Từ mương của tôi đến mương của anh S không có mương nào, chỉ có mương của anh S chắn ngang dòng chảy của tôi. Khi tháo nước vào ruộng, tôi chặn hết dòng chảy lại. Nguồn nước chính đang do ông E quản lý. Trong lúc Tòa án đang giải quyết thì có người phá mương nước của anh S. Tôi không biết là ai nhưng chắc chỉ anh em tôi phía dưới phá. Bố tôi là Giàng A M đã chết từ tháng 5/2022. Con mương của tôi chỉ có tôi sử dụng.Trước đây chúng tôi sử dụng nước bình thường. Từ khi anh S mở thêm ruộng nên không đủ nước mới xảy ra tranh chấp với chúng tôi. Anh em họ Giàng và anh em họ Lờ không có mâu thuẫn gì. Chúng tôi sống cùng bản và vẫn có tình làng nghĩa xóm. Do anh S không biết sử dụng nước và muốn chiếm hết nước của chúng tôi nên chúng tôi mới phá không cho anh S nữa.
- Anh Giàng A G trình bày (BL số 104, 105) có nội dung được tóm tắt như sau: Tôi có 02 mương dẫn nước về ruộng, 01 mương cũ và 01 mương mới làm. Mương cũ do bố tôi là Giàng A O cùng các bác tôi là Giàng A E và Giàng A B khai phá từ năm nào tôi không biết. Mương này năm nào có mưa thì có nước, năm nào không mưa thì thiếu nước. Mương mới do mẹ và vợ chồng tôi khai phá từ lâu, tôi không nhớ vào năm nào. Tôi có 04 thửa ruộng, bình thường thì đủ nước. Nếu anh S chặn ở phía trên thì không đủ nước để làm ruộng. Tranh chấp xảy ra khi anh S mở thêm ruộng nên thiếu nước. Tháng 11/2022, Thanh tra huyện MCC giải quyết chia đôi nguồn nước to thì chúng tôi nhất trí vì anh S còn có nguồn nước khác nhưng anh em họ Lờ không đồng ý. Việc chúng tôi phá mương của anh S để lấy nước về ruộng năm nào cũng có nhưng anh em họ Lờ không nói gì.
- Anh Giàng A F, trình bày (BL 109, 110) có nội dung được tóm tắt như sau: Tôi là em út của anh Giàng A E và có sử dụng chung nguồn nước với anh E. Tôi có 02 thửa ruộng dưới nguồn nước đang tranh chấp. Đầu năm thì thiếu nước, đến mùa mưa thì đủ nước. Tôi tranh chấp nguồn nước với anh S và anh C vì các anh đã có nguồn nước khác rồi. Ruộng của tôi là do bố mẹ tôi là Giàng A M và Sùng Thị T1 khai phá khi tôi còn bé..
- Ông Lờ A X trình bày (BL số 106, 107) có nội dung được tóm tắt như sau: Khe nước đang tranh chấp giữa các hộ tại khu vực Tà Chí Đùa, Bản DCN được tôi sử dụng từ năm 1990. Tôi có cho ông Giàng A E phần đất mà hiện nay đã khai phá thành ruộng và cùng sử dụng khe nước với tôi. Tôi sử dụng khe nước này trước nhưng do tôi nhiều nước, không sử dụng hết nên không tham gia tranh chấp.
* Tại Quyết định số: 143/QĐ-UB ND ngày 27-01-2022 của Ủy ban nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái đã quyết định:
“Điều 1: Thống nhất giải quyết tranh chấp 02 nguồn nước tại địa điểm “Lử Tà Dê (Tà Chí Đùa)” giữa nhóm hộ ông Lờ A S và nhóm hộ ông Giàng A E cùng trú tại Bản DCN, xã LC như sau:
Nguồn nước đang tranh chấp (nguồn thứ nhất) tại thời điểm xác minh ngày 24-01-2022 với lưu lượng nước chảy khoảng Ø 60mml/s được chia thành 02 phần bằng nhau:
1. Nhóm hộ ông Lờ A S được sử dụng ½ nguồn thứ nhất.
2. Nhóm hộ ông Giàng A E được sử dụng ½ nguồn thứ nhất và hưởng thêm nguồn thứ hai có lưu lượng nước chảy khoảng Ø 27mml/s”.
* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái đã quyết định:
Căn cứ khoản 8 Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 48; Điều 147; Điều 157; Điều 271, Điều 272; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 5; Điều 252; Điều 253 của Bộ luật Dân sự; Điều 76 Luật Tài nguyên nước; Điều 166; Điều 170 Luật Đất đai; điểm đ khoản 01 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn.
Các ông Lờ A S, Lờ A C, Lờ A T, Lờ A P, Lờ A D được sử dụng chung nguồn nước tại địa điểm Tà Chí Đùa thuộc Bản DCN, xã LC, huyện MCC có tứ cận như sau: Bắc: Giáp ruộng ông Phàng A U (trên điểm cắt giữa mương và khe suối); Nam: Giáp dòng chảy xuống dưới (dưới điểm cắt giữa mương và khe suối); Đông: Giáp nương táo của ông Giàng A N1; Tây: Giáp rừng phòng hộ Bản DCN.
* Các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G được sử dụng chung nguồn nước tại địa điểm Tà Chí Đùa thuộc Bản DCN, xã LC, huyện MCC có tứ cận như sau: Các mặt đông, tây, nam, bắc đều giáp rừng phòng hộ Bản DCN.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, việc chịu chi phí tố tụng, quyền kháng cáo và các quyền về thi hành án dân sự cho các đương sự.
Ngày 06-10-2022, ông Giàng A E và các ông Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
Ông S và ông C vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nhóm hộ gia đình ông Giàng A E.
Các ông Giàng A Già, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Các đương sự không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ và không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến được tóm tắt như sau:
- Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và các đương sự từ khi thụ lý vụ án phúc thẩm đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án về cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, việc Hội đồng xét xử phúc thẩm không hoãn phiên tòa khi vắng mặt ông Lờ A X là vi phạm khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về thủ tục: Kháng cáo của đồng bị đơn trong thời hạn luật định nên cần được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm có những sai sót như sau:
+ Không đưa vợ, con của các nguyên đơn, của bị đơn và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
+ Xác định các ông Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F, Giàng A G là bị đơn là chưa phù hợp với khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự;
+ Khi tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải, Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập các ông Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F, Giàng A G tham gia là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
+ Việc áp dụng pháp luật trong vụ án này, đặc biệt là áp dụng Điều 5 Bộ luật Dân sự là chưa phù hợp.
+ Tòa án nhân dân huyện MCC có lấy lời khai anh Lờ A N, sinh năm 1976 và chị Giàng Thị R, 45 tuổi cùng trú tại: Bản DCN, xã LC, huyện MCC nhưng không đưa những người trên tham gia tố tụng tại phiên tòa với tư cách là người làm chứng là có thiếu sót.
Những sai sót trên của Tòa án cấp sơ thẩm không thể khắc phục được tại Tòa án cấp phúc thẩm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 148; khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự: Hủy bản án sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai, cùng kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục:
[1.1] Các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G kháng cáo trong thời hạn luật định, đơn kháng cáo có đủ các nội dung quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm dân sự.
[1.2] Ông Lờ A X vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhưng do ông X đang sử dụng nguồn nước không có tranh chấp nên quyền và nghĩa vụ của ông X không liên quan đến việc kháng cáo và sự vắng mặt của ông X không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên Tòa án xét xử vắng mặt ông X theo quy định Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự. [2] Về nội dung:
[2.1] Đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc hộ gia đình ông Giàng A E chấm dứt hành vi khai thác, sử dụng hai nguồn nước tại khu vực Tà Chí Đùa, Bản DCN, xã LC, huyện MCC nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước là có căn cứ.
[2.2] Về thẩm quyền giải quyết: Theo khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước thì việc khai thác, sử dụng nguồn nước đang tranh chấp thuộc trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép. Theo khoản 2 Điều 76 Luật Tài nguyên nước thì Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước nêu trên. Do không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân huyện MCC nên các nguyên đơn đã khởi kiện tại Tòa án. Việc Tòa án nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp với khoản 8 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 76 Luật Tài nguyên nước.
[2.3] Về xác định người tham gia tố tụng: Theo đơn khởi kiện đề ngày 18/02/2022 thì các ông Lờ A S, Lờ A C, Lờ A T, Lờ A P và Lờ A D đề nghị Tòa án nhân dân huyện MCC giải quyết việc tranh chấp nguồn nước với người bị kiện là ông Giàng A E.
Theo khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện... để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”.
Theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ...”.
Như vậy, trong vụ án này chỉ có ông Giàng A E là bị đơn, còn các ông Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[2.4] Xét kháng cáo của các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G, Hội đồng xét xử thấy:
Nguồn nước đang tranh chấp gồm có 02 nguồn: Nguồn to thuộc khe Háng Nhang Lê có lưu lượng khoảng Ø 60mml/s; nguồn nhỏ có lưu lượng khoảng Ø 27mml/s (vào mùa khô). Đây là các nguồn nước tự nhiên và được các đương sự khai thác, sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhóm hộ anh S khai đã dẫn nước từ nguồn to về làm ruộng từ năm 1993. Tuy nhiên, nhóm hộ ông E cho rằng nguồn nước trên do ông Giàng A Chu (bố của ông E) đắp nước theo mương cũ của người Mông Lơ trước đó và đã sử dụng từ năm 1977. Xét thấy, trên thực tế nhóm hộ anh S và nhóm hộ ông E đều có quá trình khai thác, sử dụng ổn định, lâu dài nguồn nước này để phục vụ sản xuất nông nghiệp là phù hợp với Điều 43 và Điều 46 Luật Tài nguyên nước, vì: Nguồn nước tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu. Các cá nhân đều có quyền khai thác, sử dụng chung nhưng phải đúng mục đích, đảm bảo có hiệu quả theo quy định tại các Điều 197, 199 và 203 của Bộ luật Dân sự.
Sau khi xem xét tại thực địa thấy nguồn nước tại khe Háng Nhang Lê không phải là nguồn nước duy nhất để duy trì hoạt động tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của nhóm anh S, bởi ngoài nguồn nước trên, các hộ gia đình nguyên đơn vẫn còn có các nguồn nước nhỏ khác để dẫn về ruộng phục vụ canh tác.
Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý trong việc điều hòa, phân phối nguồn tài nguyên nước tự nhiên phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp của nhóm hộ gia đình anh S và nhóm hộ gia đình ông E thấy cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Cả nhóm gia đình anh S và nhóm gia đình ông E đều được khai thác, sử dụng chung nguồn nước ở khe Háng Nhang Lê có lưu lượng khoảng 60mml/s bằng việc chia thành 02 đường dẫn nước cho các hộ gia đình cùng sử dụng là hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì nhóm hộ gia đình anh S và nhóm hộ gia đình ông E phải thỏa thuận được với nhau việc xây bể chứa hoặc xây đập và lắp đặt 02 đường ống dẫn nước có kích thước cùng loại và được đặt đồng mức trong đó có 01 ống dẫn nước chia cho nhóm hộ anh S và 01 ống dẫn nước chia cho nhóm hộ ông E.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết cho nhóm hộ ông E được sử dụng nguồn nước thứ hai có lưu lượng khoảng 27mml/s (vào mùa khô) nhằm đáp ứng nhu cầu trồng trọt của các hộ này là phù hợp, cần được giữ nguyên.
[2. 5] Xét đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử thấy:
- Đây là vụ án dân sự liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước nên việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ đưa các chủ hộ có liên quan đến tranh chấp các nguồn nước tham gia tố tụng nhằm giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân là cần thiết.
- Theo biên bản lập ngày 03-8-2022 (BL 108) thì ông Giàng A B đã ủy quyền cho ông E tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, việc Tòa án nhân dân huyện MCC không triệu tập các ông Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, tham gia phiên hòa giải và xác định sai tư cách tố tụng của họ là có thiếu sót. Tuy nhiên, các đương sự trên đều có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, đã thực hiện quyền kháng cáo và đã có mặt tại phiên tòa phúc thẩm nên không ảnh hưởng tới các quyền tố tụng của họ.
- Tòa án nhân dân huyện MCC có lấy lời khai của anh Lờ A N và chị Giàng Thị R nhưng những lời khai trên chỉ xác định thời điểm các đương sự đã sử dụng nguồn nước tại khu vực Tà Chí Đùa, Bản DCN, không có giá trị chứng minh làm cơ sở giải quyết vụ án nên việc Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập họ đến phiên tòa nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho họ khi các đương sự trong vụ án này thường xuyên có các hành vi thiếu kiềm chế là cần thiết.
- Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật chưa đúng sẽ được Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại cho phù hợp.
Tóm lại, việc hủy án sơ thẩm để giải quyết lại không làm thay đổi bản chất của vụ án mà còn làm bất lợi hơn cho các bên đương sự.
[3] Với những phần tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất:
Không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm; chấp nhận một phần kháng cáo của nhóm hộ gia đình ông E, sửa bản án sơ thẩm theo hướng:
+ Nhóm hộ gia đình anh S và nhóm hộ gia đình ông E được quyền sử dụng chung nguồn nước thuộc khe Háng Nhang Lê có lưu lượng khoảng 60 mml/s vào mùa khô.
+ Quyết định của bản án sơ thẩm về việc giao cho nhóm hộ gia đình ông E được sử dụng khe nước có lưu lượng 27 mml/s, vấn đề án phí và chi phí tố tụng là có căn cứ cần được giữ nguyên.
[4] Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên các đương sự có kháng cáo không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A Chù và Giàng A G, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 29-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện MCC, tỉnh Yên Bái như sau:
Căn cứ khoản 8 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; Điều 271, Điều 272, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; các Điều 197, 199, 203 của Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 43, 44, 46, 76 Luật Tài nguyên nước; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 và khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án:
1.1 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn như sau:
* Các ông Lờ A S, Lờ A C (tên gọi khác Lờ A C), Lờ A T, Lờ A P, Lờ A D và các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F, Giàng A G được quyền khai thác, sử dụng chung nguồn nước tại khe Háng Nhang Lê thuộc khu vực “Tà Chí Đùa”, Bản DCN, xã LC, huyện MCC, tỉnh Yên Bái, có tứ cận: Phía Bắc giáp ruộng ông Phàng A U (trên điểm cắt giữa mương và khe suối); Phía Nam giáp dòng chảy xuống dưới (dưới điểm cắt giữa mương và khe suối); Phía Đông giáp nương táo của ông Giàng A N1; Phía Tây giáp rừng phòng hộ Bản DCN.
Các ông Lờ A S, Lờ A C, Lờ A T, Lờ A P, Lờ A D và các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G có trách nhiệm tự thỏa thuận với nhau việc xây bể chứa hoặc xây đập ngăn nước và lắp đặt 02 ống dẫn nước có kích thước cùng loại, được đặt đồng mức, trong đó có 01 đường dẫn nước chia cho các hộ thuộc nhóm anh S và 01 đường dẫn nước chia cho các hộ thuộc nhóm ông E. Các bên có trách nhiệm cùng nhau quản lý, bảo vệ nguồn nước và không được cản trở nhau trong việc khai thác, sử dụng chung nguồn nước tự nhiên này.
* Các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G được sử dụng chung nguồn nước thứ hai có lưu lượng vào mùa khô khoảng Ø 27mml/s tại địa điểm “Tà Chí Đùa” thuộc Bản DCN, xã LC, huyện MCC, tỉnh Yên Bái, có tứ cận: Phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp rừng phòng hộ của Bản DCN, xã LC, huyện MCC, tỉnh Yên Bái.
1.2 Về án phí sơ thẩm và chi phí tố tụng:
+ Các đương sự được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
+ Đồng nguyên đơn phải chịu 3.000.000 đồng (ba triệu đồng); các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G phải chịu 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Xác nhận các đương sự đã nộp đủ số tiền trên.
2. Các ông Giàng A E, Giàng A B, Giàng A L, Giàng A F và Giàng A G không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yên cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp khai thác, sử dụng tài nguyên nước số 07/2023/DS-PT
Số hiệu: | 07/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Yên Bái |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về