Bản án về tranh chấp hụi số 177/2021/DS-PT  

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 177/2021/DS-PT NGÀY 27/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỤI 

Ngày 27 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 241/2021/TLPT-DS ngày 21 tháng 10 năm 2021 về việc tranh chấp hụi.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 150/2021/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 204/2021/QĐ-PT ngày 04 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Trần Lệ Th, sinh năm 1976 (Có mặt);

2. Ông Dương Minh T2, sinh năm 1980 (Có mặt);

Cùng địa chỉ: Khóm 5, Phường 1, thành phố C, tỉnh C .

- Bị đơn:

1. Bà Võ Tố H1, sinh năm 1981 (Vắng mặt);

2. Ông Phan Út H, sinh năm 1977 (Có mặt);

Cùng địa chỉ: Khóm 5, Phường 1, thành phố C, tỉnh C

- Người kháng cáo: Ông Phan Út H và bà Võ Tố H1, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo ông Dương Minh T2 trình bày:

Năm 2018, ông Phan Út H và bà Võ Tố H1có tham gia 02 dây hụi do vợ chồng ông làm chủ cụ thể như sau:

- Dây hụi 2.000.000 đồng mở ngày 10/02/2019 âm lịch, mãn ngày 10/5/2020 âl, có 32 chân, 15 ngày khui một lần. Ông H, bà H1 tham gia 01 chân, bỏ 300.000 đồng, hốt lần thứ 26 vào ngày 25/02/2020 âm lịch. Số tiền hốt là 59.000.000 đồng. Từ khi hốt thì ông H, bà H1 có đóng đủ đến kỳ thứ 26 thì ngưng đến nay. Hiện còn nợ là 12.000.000 đồng.

- Dây hụi 5.000.000 đồng mở ngày 10/10/2018 âm lịch (dây thứ nhất), mãn ngày 20/4/2020 âl, có 30 chân, 20 ngày khui một lần. Ông H, bà H1 tham gia 01 chân, bỏ 1.410.000 đồng, hốt lần thứ 13 vào ngày 10/6/2019 âm lịch. Số tiền hốt là 89.900.000 đồng. Từ khi hốt thì ông H, bà H1 đóng đủ đến kỳ thứ 14 và kỳ thứ 15 đóng được 4.000.000 đồng, còn nợ lại 1.000.000 đồng thì ngưng đến nay. Hiện còn nợ là 76.000.000 đồng.

Tổng số tiền nợ hụi đối với 2 dây hụi trên là 88.000.000 đồng. Hai bên có kết hụi vào ngày 08/7/2020 âm lịch. Đối với hai dây hụi này ông yêu cầu bà H1, ông H trả tiền vốn là 88.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 08/7/2020 âl đến ngày 01/5/2021 âl (lãi suất 20%/năm) là 14.666.000 đồng. Quá trình tham gia hụi, ông H, bà H1 đã trả được 10.000.000 đồng. Đối trừ với số tiền đã thanh toán, ông H bà H1 còn nợ lại số tiền là 92.666.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 05/5/2021 ông T2 bà Th có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu thêm dây hụi 5 000.000 đồng, cụ thể:

- Dây hụi 5 triệu đồng mở ngày 10/10/2018 âl (dây thứ nhất), mãn ngày 20/4/2020 âl, có 30 chân, 20 ngày khui một lần. Ông H, bà H1 tham gia 01 chân, bỏ 1.900.000 đồng, hốt đầu vào ngày 10/10/2018 âl. Số tiền hốt là 83.800.000 đồng. Từ khi hốt thì ông H, bà H1 đóng đủ đến kỳ thứ 17 thì ngưng đến nay, hiện còn nợ là 65.000.000 đồng.

- Dây hụi 5 triệu đồng mở ngày 10/10/2018 âl (dây thứ hai), mãn ngày 20/4/2020 âl, có 30 chân, 20 ngày khui một lần. Ông H, bà H1 tham gia 01 chân, bỏ 1.800.000 đồng, hốt đầu vào ngày 10/10/2018 âl. Số tiền hốt là 86.600.000 đồng. Từ khi hốt thì ông H, bà H1 đóng đủ đến kỳ thứ 17 thì ngưng đến nay, hiện còn nợ là 65.000.000 đồng.

Đối với hai dây hụi này, ông yêu cầu bà H1, ông H trả tổng cộng số tiền nợ hụi là 130.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 20/4/2020 âl đến ngày 20/4/2021 âl (lãi suất 20%/năm) là 26.000.000 đồng. Quá trình tham gia hụi, ông H bà H1 có trả được 40.500.000 đồng. Đối trừ số tiền đã thanh toán, hiện ông H, bà H1 còn nợ lại số tiền là 115.500.000 đồng.

Tổng cộng số tiền nợ hụi của các dây hụi ông H, bà H1 còn nợ lại là 208.166.000 đồng.

- Theo bà Trần Lệ Th trình bày:

Bà Ththống nhất với lời trình bày và yêu cầu của ông T2, không có ý kiến bổ sung.

- Theo bà Võ Tố H1 trình bày:

Bà H1 thống nhất với lời trình bày của ông T2 về số chân hụi, quá trình tham gia hụi, loại hụi, số tiền đã đóng, số tiền đã hốt hụi và số tiền đã trả cho ông T2, bà Th.

Đối với 02 chân hụi theo đơn khởi kiện đề ngày 30/3/2021 của ông T2, bà Th, vợ chồng bà nợ tổng cộng là 88.000.000 đồng, đã thanh toán được số tiền 10.000.000 đồng, còn nợ lại 78.000.000 đồng.

Đối với 02 chân hụi theo đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 05/5/2021 của ông T2 và bà Th, vợ chồng bà nợ tổng cộng là 130.000.000 đồng, đã thanh toán được 40.500.000 đồng, còn nợ lại 89.500.000 đồng.

Tổng cộng bà còn nợ ông T2 và bà Th số tiền là 167.500.000 đồng và đồng ý trả cho ông T2 và bà Th; bà không đồng ý trả lãi theo yêu cầu của ông T2, bà Th. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà đồng ý trả lãi với mức lãi suất 12%/năm.

- Theo ông Phan Út H trình bày:

Việc vợ ông là bà Võ Tố H1 tham gia hụi của ông T2 và bà Th ông biết, tuy nhiên không biết cụ thể số tiền, thời gian tham gia hụi. Ông thừa nhận và đồng ý thanh toán số tiền hụi còn nợ cho ông T2, bà Th là 167.500.000 đồng, không đồng ý thanh toán lãi. Việc ông đồng ý thanh toán nợ cho ông T2, bà Th là thanh toán thay cho vợ ông, không đồng ý việc ông T2, bà Th khởi kiện ông với tư cách là bị đơn. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông đồng ý trả nợ cùng với bà H1 và đồng ý trả lãi với mức lãi suất 12%/năm.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 150/2021/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dương Minh T2, bà Trần Lệ Th. Buộc bà Võ Tố H1, ông Phan Út H trả cho ông T2, bà Th số tiền 198.276.400 đồng (trong đó nợ hụi là 167.500.000 đồng và lãi là 30.776.400 đồng).

- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T2, bà Thsố tiền là 9.889.600 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí, và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 23/7/2021, bà Võ Tố H1và ông Phan Út H có đơn kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm: Xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông H không phải là bị đơn; không buộc ông H liên đới với bà H1 trả nợ cho ông T2 và bà Th; buộc bà H1 trả cho ông T2, bà Th số tiền theo thừa nhận 167.500.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phan Út H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Phần tranh luận tại phiên toà:

Ông H phát biểu: Yêu cầu cấp phúc thẩm điều chỉnh lại mức lãi suất mà cấp sơ thẩm áp dụng 20%/ năm; ông đồng ý thanh toán theo mức lãi suất 12%/năm.

Ông T2 và bà Th phát biểu: Yêu cầu cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Võ Tố H1; căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo bà Võ Tố H1, ông Phan Út H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Bà Võ Tố H1 là người có kháng cáo, bà H1 đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng bà H1 vắng mặt không có lý do chính đáng, bà H1 cũng không có văn bản ủy quyền cho người khác đại diện để tham gia phiên tòa và cũng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Như vậy xem như bà H1 đã từ bỏ việc kháng cáo. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Võ Tố H1.

Xét kháng cáo của ông Phan Út H, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2] Đối với nội dung kháng cáo của ông H yêu cầu xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông H không phải là bị đơn, thấy rằng: Ông T2 và bà Thcho rằng năm 2018 bà H1 và ông H tham gia hụi do ông T2 và bà Th làm chủ hụi. Bà H1 và ông H sau khi hốt hụi không đóng lại tiền hụi đầy đủ, nên ông T2 và bà Th khởi kiện bà H1 và ông H yêu cầu thanh toán số tiền hụi còn nợ. Theo khoản 3 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, các nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm”. Căn cứ vào quy định nêu trên, cấp sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng của ông H là bị đơn trong vụ án là đúng quy định pháp luật.

[3] Đối với nội dung kháng cáo của ông H không buộc ông H liên đới với bà H1 trả nợ cho ông T2 và bà Th, thấy rằng: Bà H1 và ông H có mối quan hệ là vợ chồng, bà H1 tham gia giao dịch hụi với ông T2 và bà Thtrong thời kỳ hôn nhân của bà H1 và ông H còn đang tồn tại. Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm bà H1 trình bày tiền hốt hụi bà sử dụng để lo bương trãi cho con và gia đình. Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “ Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này”. Khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: “… 2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yêu của gia đình …”. Hơn nữa, tại cấp sơ thẩm, ông H cũng trình bày ông biết việc bà H1 tham gia hụi của ông T2 và bà Th, đồng thời ông H cũng đồng ý thanh toán số tiền hụi còn nợ cho ông T2 và bà Th. Do đó, cấp sơ thẩm buộc ông H liên đới với bà H1 trả nợ cho ông T2 và bà Th là có căn cứ.

[4] Đối với nội dung kháng cáo của ông H buộc bà H1 trả cho ông T2 và bà Th số tiền 167.500.000 đồng, thấy rằng: Qua các tại liệu chứng cứ có tại hồ sơ và lời trình bày của các bên đương sự tại cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, có cơ sở xác định số tiền hụi phải đóng lại mà bà H1 còn nợ ông T2 và bà Th là 167.500.000 đồng, cụ thể: Dây hụi 2.000.000 đồng mở ngày 10/02/2019 âm lịch, bà H1 còn nợ 12.000.000 đồng; Dây hụi 5.000.000 đồng mở ngày 10/10/2018 âm lịch, bà H1 còn nợ 76.000.000 đồng. Tổng cộng 02 dây hụi này bà H1 còn nợ là 88.000.000 đồng, bà H1 có làm giấy nhận nợ ngày 08/7/2020 âm lịch; bà H1 và ông H có trả được 10.000.000 đồng, còn nợ lại 78.000.000 đồng. Dây hụi 5.000.000 đồng mở ngày 10/10/2018 âm lịch (dây thứ nhất) bà H1 còn nợ 65.000.000 đồng; Dây hụi 5.000.000 đồng mở ngày 10/10/2018 âm lịch (dây thứ hai) bà H1 còn nợ 65.000.000 đồng. Tổng cộng 02 dây hụi này bà H1 còn nợ là 130.000.000 đồng; bà H1 và ông H có trả được 40.500.000 đồng, còn nợ lại 89.500.000 đồng. Do đó, cấp sơ thẩm buộc bà H1 và ông H trả cho bà Th và ông T2 số tiền hụi còn nợ 167.500.000 đồng là có căn cứ.

[5] Đối với trình bày của ông T2 và bà Th cho rằng số tiền mà bà H1 và ông H đã trả 10.000.000 đồng và 40.500.000 đồng là thanh toán lãi là không có cơ sở chấp nhận.

[6] Về phần lãi suất chậm trả, quá trình giải quyết vụ án bà Thvà ông T2 có yêu cầu bà H1 và ông H thanh toán lãi suất chậm trả; bà H1 và ông H cũng không có ý kiến gì và đồng ý thanh toán lãi suất chậm trả cho bà Th và ông T2, nên cấp sơ thẩm buộc bà H1 và ông T2 thanh toán cho bà Thvà ông T2 lãi suất chậm trả đối với số tiền hụi còn nợ là có cơ sở. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 20%/năm là chưa phù hợp, bởi lẽ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự “ Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.

Khoản 1 Điều 468 BLDS quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác …”.

Khoản 2 Điều 468 BLDS quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

[7] Xét thấy, trong quá trình giao dịch hụi các bên cũng không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả; khi phát sinh tranh chấp ông T2 và bà Thkhởi kiện mới đặt ra yêu cầu bà H1 và ông H thanh toán lãi suất chậm trả theo mức lãi suất 20%/năm; bà H1 và ông H đồng ý thanh toán lãi suất chậm trả cho nguyên đơn theo mức lãi suất 12%/năm. Việc bà H1 và ông H đồng ý thanh toán lãi suất chậm trả cho ông T2 và bà Th theo mức lãi suất 12%/năm là cao hơn mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điếu 468 của Bộ luật dân sự, có lợi cho ông T2 và bà Th. Đáng lẽ ra cấp sơ thẩm nên áp dụng mức lãi suất mà bà H1 và ông H thống nhất 12%/năm để buộc bà H1 và ông H thanh toán cho ông T2 và bà Thmới phù hợp, nhưng cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 20%/năm theo yêu cầu của ông T2 và bà Thlà chưa phù hợp. Do đó, cấp phúc thẩm cần sửa án sơ thẩm đối với phần lãi suất chậm trả theo mức lãi suất 12%/ năm (1%/tháng) mà bà H1 và ông H đồng ý thanh toán cho ông T2 và bà Th. Về thời gian tính lãi suất, các bên không có ý kiến gì và cũng không có tranh chấp, nên được giữ nguyên thời gian tính lãi như cấp sơ thẩm đã xác định.

[8] Như vậy, số tiền lãi chậm trả bà H1 và ông H phải thanh toán cho ông T2 và bà Thđược xác định như sau:

- 78.000.000 đồng x 12%/năm x 10 tháng (từ ngày 08/7/2020 đến ngày 01/5/2021 âl) = 7.800.000 đồng;

- 89.500.000 đồng x 12%/năm x 12 tháng (từ ngày 20/4/2020 đến ngày 20/4/2021 âl) = 10.740.000 đồng.

Tổng số tiền lãi là 18.540.000 đồng.

Tổng cộng nợ gốc và lãi buộc bà H1 và ông H phải thanh toán cho ông T2 và bà Thlà 186.040.000 đồng.

[9] Không chấp nhận yêu cầu của ông T2 và bà Th với số tiền là 22.126.000 đồng.

[10] Án phí dân sự sơ thẩm các đương sự phải chịu được điều chỉnh lại theo quy định pháp luật.

[11] Từ phân tích trên, cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phan Út H, sửa một phần bản án sơ thẩm là phù hợp.

[12] Án phí dân sự phúc thẩm: Bà H1 đã dự nộp được sung quỹ Nhà nước;

Ông Hậu không phải chịu án phí, đã dự nộp được nhận lại.

[13] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 296; khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Võ Tố H1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phan Út H.

Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 150/2021/DS-ST ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dương Minh T2 và bà Trần Lệ Th.

Buộc bà Võ Tố H1 và ông Phan Út H trả cho Dương Minh T2 và bà Trần Lệ Th số tiền 186.040.000 đồng (trong đó tiền nợ gốc 167.500.000 đồng, tiền lãi 18.540.000 đồng).

Kể từ ngày ông T2 và bà Thcó đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên thì hàng tháng bà H1 và ông H còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dương Minh T2 và bà Trần Lệ Th số tiền là 22.126.000 đồng.

Án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Võ Tố H1 và ông Phan Út H phải chịu số tiền là 9.302.000 đồng.

Ông Dương Minh T2 và bà Trần Lệ Th phải chịu là 1.106.300 đồng. Ông T2 và bà Th đã dự nộp số tiền 2.207.000 đồng theo biên lai số 0000538 ngày 08/4/2021 và 2.808.000 đồng theo biên lai thu số 0001018 ngày 05/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, tổng cộng là 5.015.000 đồng; đối trừ ông T2 và bà Thđược nhận lại 3.908.700 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm:

Ngày 14/9/2021, bà H1 đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0001363 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được sung quỹ Nhà nước.

Ông Phan Út H không phải chịu án phí. Ngày 14/9/2021 ông H đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0001362 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được nhận lại.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

238
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hụi số 177/2021/DS-PT  

Số hiệu:177/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về