Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng và hợp đồng mua bán hàng hóa số 252/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 252/2023/KDTM-PT NGÀY 30/11/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG VÀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 30/11/2023, Tòa án nhân dân TP H xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 212/2023/KDTM-ST ngày 12/10/2023 về tranh chấp hợp đồng xây dựng và hợp đồng mua bán hàng hóa do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 57/2023/KDTM-ST ngày 28/7/2023 của Tòa án nhân dân quận N bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 762/2023/QĐXX- PT ngày 15/11/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 781/2023/QĐPT- KDTM ngày 24/11/2023, giữa:

Nguyên đơn: Công ty TNHH xây dựng và thương mại BP Trụ sở: ………. TP Hải Phòng. Người đại diện theo pháp luật: ông Ngô Văn T, Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH MTV SLC do ông Nguyễn Đức D và bà Nguyễn Thị Thu T là người đại diện tham gia tố tụng. Bà T có mặt phiên tòa, ông D vắng mặt.

Bị đơn: Công ty cổ phần SA Trụ sở: …., quận N,TP H.

Người đại diện theo pháp luật: ôngK…….., Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: bà Tạ Thị T, ông Đỗ Kỳ A Ông Kỳ A có mặt tại phiên tòa, bà T vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty TNHH xây dựng và thương mại BP do người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty cổ phần SA (sau đây gọi tắt là bị đơn) có nhu cầu mua thép xây dựng để cấp cho Dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyền tải tại Khu công nghiệp ….. HN. Do đó, bị đơn và Công ty TNHH xây dựng và thương mại BP (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) cùng nhau ký kết các hợp đồng sau:

1. Hợp đồng kinh tế số 250820/HĐKT/BP-SANG-A ngày 25/8/2020 và Phụ lục hợp đồng số 041120/PLHĐ/BP-SANG-A (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 250820) về việc nguyên đơn cung cấp thép xây dựng theo yêu cầu của bị đơn cho Dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyền tải tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam. Các điều khoản cơ bản của Hợp đồng như sau:

Chủng loại hàng hóa: thép xây dựng có đường kính từ D6mm đến D25mm theo các tiêu chuẩn TCVN 1651-2008 (CB240, CB300V, CB400V).

Khối lượng: theo nhu cầu cụ thể của bên A và được xác định trên đơn đặt hàng của từng đơn hàng (khối lượng nêu trên hợp đồng là khối lượng tạm tính, khối lượng cuối cùng sẽ là khối lượng theo đơn đặt hàng cụ thể của bên A).

Tổng giá trị khối lượng công việc tạm tính là 11.001.099.450 đồng.

Đơn giá: đơn giá tại thời điểm cấp hàng, đã bao gồm phí vận chuyển.

Phương thức thanh toán: bên A tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho bên B sau khi ký hợp đồng 3 ngày và trước khi cấp hàng. Phần còn lại thanh toán trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao hàng. Chứng từ thanh toán gồm: biên bản giao nhận hàng hóa, hóa đơn giá trị gia tăng bản gốc, biên bản đối chiếu xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành, đơn đề nghị thanh toán.

Theo thỏa thuận tại Hợp đồng số 250820, nguyên đơn đã giao hàng cho bị đơn với số lượng như sau:

- Ngày 18/9/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép cuộn D06, thép cuộn D08, thép cây D10, thép cây D12, thép cây D14, thép cây D16, thép cây D18, thép cây D20 cho bị đơn với tổng trọng lượng là 178.510 kg;

- Ngày 19/9/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép cuộn D06, thép cuộn D08, thép cây D10, thép cây D12, thép cây D14, thép cây D16, thép cây D18, thép cây D20 cho bị đơn với tổng trọng lượng là 74.092 kg;

- Ngày 14/10/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép cây D12, thép cây D14, thép cây D16, thép cây D20) cho bị đơn với tổng trọng lượng là 148,342 kg;

- Ngày 23/10/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép D10) cho bị đơn với tổng trọng lượng là 207.255 kg;

- Ngày 24/10/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép D10) cho bị đơn với tổng trọng lượng là 339.144 kg;

- Ngày 25/10/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép cuộn D08, thép cây D10, thép cây D14, thép cây D20) cho bị đơn với tổng trọng lượng là 40.740kg;

- Ngày 31/10/2020, nguyên đơn giao thép xây dựng (loại thép cây D10 cho bị đơn với tổng trọng lượng là 184.645kg.

Sau khi hoàn thành giao hàng và lập bảng tổng hợp thanh toán, tổng giá trị khối lượng công việc quyết toán mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 13.555.945.700 đồng. Trong đó, bị đơn mới thanh toán một phần công nợ, cụ thể:

- Ngày 05/11/2020, bị đơn thanh toán 1.000.099.950 đồng;

- Ngày 08/02/2021, bị đơn thanh toán 500.000.000 đồng;

- Ngày 27/4/2021, bị đơn thanh toán 5.000.000.000 đồng;

- Ngày 20/7/2021, bị đơn thanh toán 1.000.000.000 đồng;

- Ngày 27/8/2021, bị đơn thanh toán 1.000.000.000 đồng.

Như vậy, tính đến ngày 27/8/2021, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền phát sinh từ Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng nêu trên là 8.500.099.950 đồng.

Số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn là 5.055.845.750 đồng.

2. Hợp đồng nguyên tắc số 140621/HĐNT/BP-SANG A ngày 14/6/2021 (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 140621) về việc cung cấp thép xây dựng.

- Ngày 17/6/2021, nguyên đơn cung cấp thép xây dựng D10 với tổng trọng lượng là 30.319 kg;

- Ngày 29/6/2021, nguyên đơn cung cấp thép xây dựng D10 với tổng trọng lượng là 60.639 kg;

- Ngày 13/7/2021, nguyên đơn cung cấp thép xây dựng D10 với tổng trọng lượng là 14.077 kg;

- Ngày 22/6/2021, nguyên đơn cung cấp thép xây dựng D10, thép xây dựng D14, thép xây dựng D18 với tổng trọng lượng là 51.004 kg.

Đại diện hai bên ký Bảng xác nhận đơn giá kiêm giá trị đơn hàng qua các đợt. Theo đó, tổng giá trị khối lượng công việc quyết toán mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 2.924.139.295 đồng. Bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn như sau:

- Ngày 17/6/2020, bị đơn thanh toán 568.632.845 đồng;

- Ngày 21/6/2021, bị đơn thanh toán 500.000.000 đồng;

- Ngày 12/7/2021, bị đơn thanh toán 261.771.785 đồng;

- Ngày 20/7/2021, bị đơn thanh toán 456.450.220 đồng;

- Ngày 20/7/2021, bị đơn thanh toán 1.137.284.445 đồng.

Tính đến ngày 20/7/2021, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn toàn bộ số tiền phát sinh từ Hợp đồng nêu trên là 2.924.139.295 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thanh toán nợ gốc, bị đơn liên tục vi phạm thời hạn thanh toán nên bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi phát sinh trên số nợ gốc chưa thanh toán là 2.330.203 đồng.

3. Hợp đồng kinh tế số 03092020/SA-BP ngày 03/9/2020 và Phụ lục hợp đồng số 03112020/PLHĐ/SANG-A-BP ngày 03/11/2020 (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 3092020) về việc nguyên đơn (nhà thầu phụ-bên B) cung cấp cọc bê tông cốt thép và thi công ép cọc bằng Robot, thí nghiệm cọc, thí nghiệm nén tĩnh cọc, huy động và giải thể thiết bị theo yêu cầu của bị đơn (nhà thầu chính- bên A) cho Dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyền tải tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nội dung cụ thể của Hợp đồng như sau:

Theo yêu cầu của bị đơn, nguyên đơn sẽ thực hiện cung cấp cọc bê tông cốt thép, thi công ép cọc, thí nghiệm cọc, thí nghiệm nén tĩnh cọc…Tổng giá trị hợp đồng là 24.434.300.000 đồng (đã bao gồm VAT), thời gian thi công là 15 ngày từ thời điểm ép cọc đại trà. Bị đơn tạm ứng cho nguyên đơn 20% tổng giá trị hợp đồng. Sau khi nguyên đơn thi công hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc hai bên tiến hành nghiệm thu, bị đơn thanh toán hết toàn bộ khối lượng còn lại cho nguyên đơn sau 20 ngày kể từ ngày nguyên đơn cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán và xuất hóa đơn thanh toán. Hồ sơ quyết toán gồm: Biên bản nghiệm thu bàn giao được bị đơn xác nhận, khối lượng được bị đơn xác nhận, bên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng.

Nguyên đơn đã thực hiện các nội dung công việc, khối lượng công việc như sau:

- Cung cấp cọc bê tông cốt thép D350: 13.602m;

- Thi công ép cọc D350 bằng Robot: 13.600m;

- Cung cấp cọc bê tông cốt thép D300: 111,782m;

- Thi công ép cọc D300 bằng Robot: 111.780m;

- Thí nghiệm cọc: 1 point;

- Thí nghiệm nén tĩnh cọc: 1 Point;

- Huy động và giải thể thiết bị: 4 Lot.

Sau khi thực hiện công tác cung cấp và thi công cọc cho bị đơn, đại diện hai bên đã lập và ký xác nhận Bảng khối lượng hoàn thành. Theo đó, tổng giá trị khối lượng công việc quyết toán mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 25.107.896.000 đồng. Bị đơn đã thanh toán được một phần công nợ, cụ thể:

- Ngày 03/11/2020, bị đơn thanh toán 2.442.600.000 đồng;

- Ngày 04/11/2020, bị đơn thanh toán 2.000.000.000 đồng;

- Ngày 05/1/2021, bị đơn thanh toán 10.000.000.000 đồng;

- Ngày 06/1/2021,bị đơn thanh toán 2.000.000.000 đồng;

- Ngày 18/6/2021, bị đơn thanh toán 5.000.000.000 đồng.

Tính đến ngày 18/6/2021, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền phát sinh từ Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng nêu trên là 21.442.600.000 đồng.

Tổng số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn phát sinh từ Hợp đồng số 3092020 là 3.665.296.000 đồng.

Căn cứ vào các Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng đã ký kết, nguyên đơn tiến hành cung cấp dịch vụ và thực hiện công việc theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của bị đơn. Đối với mỗi hợp đồng, hai bên tiến hành lập Biên bản đối chiếu xác nhận giá trị khối lượng và ký bảng tổng hợp giao hàng. Nguyên đơn đã xuất hóa đơn GTGT với các giá trị tương ứng được ghi nhận.

Sau khi tiến hành xuất hóa đơn GTGT và hoàn thiện bộ hồ sơ thanh toán, nguyên đơn đã rất nhiều lần đề nghị bị đơn thực hiện theo đúng nghĩa vụ đã cam kết, tuy nhiên bị đơn chỉ hợp tác thanh toán một phần công nợ. Căn cứ vào Biên bản đối chiếu khối lượng, giá trị giữa hai bên, hóa đơn giá trị gia tăng nguyên đơn đã xuất cho bị đơn và sao kê ngân hàng của nguyên đơn, ngày 05/5/2022 đại diện nguyên đơn và đại diện bị đơn tiến hành ký Biên bản đối chiếu & xác nhận công nợ với tổng giá trị còn phải thanh toán là 8.721.141.750 đồng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán cho nguyên đơn các khoản tiền sau đây:

1. Đối với Hợp đồng số 3092020, bị đơn phải thanh toán số tiền là 3.665.296.000 đồng. Lãi suất do chậm thanh toán tính từ ngày 20/11/2020 đến ngày 02/3/2023 với mức lãi suất 10%/năm là 1.263.980.927 đồng. Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu thanh toán cả gốc và lãi là 4.929.276.927 đồng;

2. Đối với Hợp đồng số 250820, số tiền bị đơn phải thanh toán 5.055.845.750 đồng. Lãi suất do chậm thanh toán tính từ ngày 05/11/2020 đến 02/3/2023 với mức lãi suất 10%/năm là 1.564.130.950 đồng. Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là 6.619.976.700 đồng.

Tổng số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tính đến ngày 02/3/2023 là 11.550.404.385 đồng, trong đó tiền phát sinh theo 02 Hợp đồng đã ký kết còn phải thanh toán là 8.721.141.750 đồng. Lãi suất do chậm thanh toán 2.829.262.635 đồng.

Bị đơn còn phải chịu lãi suất do chậm thanh toán cho đến khi thanh toán xong.

3. Đối với Hợp đồng số 140621, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi phát sinh trên số nợ gốc chưa thanh toán là 2.579.471 đồng.

Tại Công văn số 128/CV ngày 19/5/2023 nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với tiền lãi do chậm thanh toán của các Hợp đồng số 250820 và Hợp đồng số 140621 và Hợp đồng số 03092020.

Ngày 12/6/2023, nguyên đơn không đồng ý miễn tiền lãi cho bị đơn như nội dung Công văn số 128/CV ngày 19/5/2023, đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải chịu tiền lãi với mức lãi suất 8%/năm đối với các Hợp đồng kinh tế nêu trên.

Người đại diện theo uỷ quyền của Bị đơn trình bày:

Tại các Biên bản hòa giải ngày 02/3/2023 và ngày 08/3/2023, bị đơn thống nhất ý kiến của nguyên đơn về các Hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn đúng như nguyên đơn trình bày. Quá trình thực hiện các hợp đồng bị đơn xác nhận còn nợ nguyên đơn số tiền nợ gốc đúng như đại diện nguyên đơn trình bày. Trong hợp đồng các bên có thỏa thuận lãi nhưng cụ thể số tiền lãi thì phía bị đơn chưa tính lại.

Tại Bản tự khai đề ngày 18/01/2023, nộp cho Tòa án ngày 14/3/2023, đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Ngày 25/8/2020, bị đơn và nguyên đơn ký kết Hợp đồng số 250820, tổng giá trị của hợp đồng là 11.001.099.450 đồng và ngày 05/11/2020 bị đơn đã tạm ứng 1.000.099.950 đồng.

Ngày 03/9/2020, nguyên đơn và bị đơn ký kết Hợp đồng số 3092020 về việc cung cấp cọc cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyền tải tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với giá trị 24.434.300.000 đồng. Ngày 03/11/2020 và ngày 04/11/2020, bị đơn đã tạm ứng tổng số tiền 4.442.600.000 đồng theo đúng điều khoản được ghi trong hợp đồng. Ngày 08/2/2021, bị đơn thanh toán tiếp 500.000.000 đồng.

Tính đến ngày 27/8/2021, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền là 33.279.756.365 đồng. Số tiền còn nợ nguyên đơn là 8.721.141.750 đồng, đây là tiền nợ của Hợp đồng số 3092020. Việc nguyên đơn cho rằng số tiền còn nợ là của cả hai hợp đồng là Hợp đồng số 250820 và Hợp đồng số 3092020 là không đúng vì ngày 05/01/2021 bị đơn thanh toán 10 tỷ đồng với nội dung chuyển tiền là “Sang-A thanh toán tiền cho Bảo Phúc” được hiểu rằng thanh toán cho hai Hợp đồng số 250820 và Hợp đồng số 3092020.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 57/2023/KDTM- ST ngày 28/7/2023 của Tòa án nhân dân quận N đã xử:

- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền nợ gốc và nợ lãi đối với bị đơn đối với Hợp đồng số 250820, Hợp đồng số 3092020 và tiền nợ lãi của Hợp đồng số 140621.

Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ gốc và nợ lãi của Hợp đồng số 250820 về việc nguyên đơn cung cấp thép xây dựng theo yêu cầu của bị đơn cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyển tải tại Khu công nghiệp Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam, số tiền nợ gốc là 5.055.845.750 đồng. Nợ lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 28/7/2023) = 1.397.164.692 đồng. Tổng số tiền là 6.453.010.442 đồng.

Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ gốc và lãi chậm thanh toán của Hợp đồng số 3092020 về việc nguyên đơn cung cấp cọc bê tông cốt thép và thi công ép cọc bằng Robot, thí nghiệm cọc, thí nghiệm nén tĩnh cọc… theo yêu cầu của bị đơn cho dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện và chế tạo máy biến áp truyền tải tại Khu công nghệp Đồng Văn 4, tổng số tiền là 4.856.992.039 đồng, trong đó nợ gốc là 3.665.296.000 đồng và nợ lãi tính đến ngày 28/7/2023 là 1.191.696.039 đồng.

Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán của Hợp đồng số 140621 tính đến ngày 28/7/2023 là 2.330.203 đồng.

Tổng số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 11.312.332.684 đồng, trong đó nợ gốc là 8.721.141.750 đồng và tiền lãi tính đến ngày 28/7/2023 là 2.591.190.934 đồng.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày:

Bị đơn đưa ra phương án hòa giải là đề nghị nguyên đơn miễn giảm toàn bộ nợ lãi cho bị đơn, số tiền nợ gốc sẽ cho bị đơn trả dần và kỳ đầu tiên trả nợ sau 01 năm. Nếu nguyên đơn không đồng ý phương án hòa giải thì bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm vì các lý do như sau:

- Phiên tòa sơ thẩm không có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa;

- Số tiền nợ gốc của ba hợp đồng thì nguyên đơn và bị đơn đã có nhiều Biên bản đối chiếu công nợ nên bị đơn không có ý kiến gì. Tuy nhiên, số tiền nợ lãi nguyên đơn đề nghị Tòa án áp dụng mức lãi 8%/năm là không đúng với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2019 của TAND tối cao và thời điểm tính lãi của các hợp đồng là chưa chính xác, nguyên đơn không có căn cứ rõ ràng thời điểm xuất hóa đơn cho bị đơn. Ngoài ra, trong Hợp đồng còn không thỏa thuận về lãi nên Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng.

Người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Về phương án hòa giải bị đơn đưa ra, nguyên đơn không đồng ý, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm vì nguyên đơn đòi số tiền nợ gốc và lãi đúng quy định của pháp luật. Nguyên đơn đưa ra mức lãi 8%/năm là có lợi cho bị đơn theo như quy định tại Điều 306 Luật thương mại và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật xây dựng và Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP H tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm.

Về thủ tục tố tụng: bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về nội dung kháng cáo của bị đơn: nguyên đơn và bị đơn đều công nhận đã ký kết 03 hợp đồng đúng như Bản án sơ thẩm đã nêu. Quá trình thực hiện 03 hợp đồng, nguyên đơn đã hoàn thành phần công việc của mình theo hợp đồng và bị đơn còn thiếu tiền nợ gốc mà hai bên đã có đối chiếu công nợ. Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền nợ gốc còn thiếu và số tiền lãi là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật xây dựng, Nghị định số 37, Luật thương mại và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao. Bản án sơ thẩm đã xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ nên Viện kiểm sát không tham gia phiên tòa sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật tố tụng.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm và bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: nguyên đơn, bị đơn là hai pháp nhân, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng xây dựng và hợp đồng mua bán hàng hóa là tranh chấp kinh doanh thương mại. Bị đơn có trụ sở tại quận N, nên Tòa án nhân dân quận N thụ lý vụ án theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.

Do Tòa án sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ nên phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa là đúng quy định của pháp luật tố tụng.

Tại cấp phúc thẩm, bị đơn có kháng cáo và nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ mới cung cấp cho Tòa án. Các bên đương sự đều thừa nhận các tài liệu, chứng cứ đã nộp cho Tòa án sơ thẩm đều là chứng cứ thật và liên quan trong vụ án.

Xét nội dung kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Nguyên đơn và bị đơn ký kết 03 hợp đồng mua bán hàng hóa và xây dựng đúng như Bản án sơ thẩm đã nêu. Các hợp đồng đều do người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn, bị đơn ký trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối. Nội dung của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực thi hành đối với các bên.

Quá trình thực hiện 03 hợp đồng, nguyên đơn đã hoàn thành phần công việc của mình theo hợp đồng, hai bên đã có Biên bản đối chiếu công nợ và xác nhận phần nợ gốc bị đơn còn nợ nguyên đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn không có ý kiến phản đối về việc thực hiện các hợp đồng và số tiền nợ gốc bị đơn còn nợ. Bị đơn đưa ra phương án hòa giải nhưng nguyên đơn không chấp nhận, nên bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy Bản án sơ thẩm vì cho rằng Bản án sơ thẩm tính lãi không chính xác với mức lãi suất 8%/năm là chưa đủ cơ sở xác định có lợi hay bất lợi cho bị đơn. Hội đồng xét xử nhận thấy bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy Bản án sơ thẩm chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian trả nợ. Bị đơn cho rằng mức lãi 8%/năm là chưa có căn cứ, Hội đồng xét xử thấy rằng nguyên đơn chỉ yêu cầu mức lãi suất 8%/năm là phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật thương mại, Nghị định số 37 của Chính phủ và Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao và có lợi cho bị đơn, nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ:

- Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Luật Xây dựng;

- Luật thương mại;

- Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần SA

2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 57/2023/KDTM- ST ngày 28/7/2023 của Tòa án nhân dân quận N.

3. Về án phí phúc thẩm:

Công ty cổ phần SA phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 35557 ngày 31/8/2023 của Chi cục thi hành án dân sự quận N.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

49
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng và hợp đồng mua bán hàng hóa số 252/2023/KDTM-PT

Số hiệu:252/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 30/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về