Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng số 155/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 155/2021/KDTM-PT NGÀY 24/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Trong các ngày 18/01/2021, 22/7/2021 và 24/9/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 131/2020/KTPT ngày 28/4/2020 về việc tranh chấp hợp đồng xây dựng do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2019/KDTM- ST ngày 25/10/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 631/2020/QĐXX- PT ngày 25/11/2020 và các Quyết định hoãn phiên tòa số 681/2020/QĐPT- KDTM ngày 18/12/2020 Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 69/2021/QĐPT- TN ngày 18/01/2021 và Thông báo mở lại phiên tòa số 316/2021/TB- TA ngày 28/6/2021, giữa:

Ngun đơn: Công ty TNHH liên hợp xây dựng VC Trụ sở: ……………………………………, TP Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Thị Minh H- Chủ tịch Hội đồng quản trị; Người đại diện theo ủy quyền ngày tuyên án 24/9/2021): chị Hoàng Thị Hoài Th (địa chỉ tại số …………. Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, theo giấy ủy quyền ngày 23/9/2021).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Thị Khánh Linh và Luật sư Phạm Thị Hiền- Văn phòng Luật sư Danh Tín (địa chỉ tại số 4 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

(Bà Hà có mặt ngày18/01/2021, 22/7/2021 vắng mặt ngày 24/9/2021, chị Thơ có mặt ngày 24/9/2021, Luật sư Linh có mặt ngày 22/7/2021 và ngày 24/9/2021, Luật sư Hiền vắng mặt tại phiên tòa).

Bị đơn: ng ty TNHH MTV xây dựng công trình giao thông …………… (nay là Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông ………………) Trụ sở: ………………………. TP Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Trần Huy H- Chủ tịch Hội đồng quản trị; Người đại diện theo ủy quyền: bà Lê Thị An H, ông Bùi Duy V và bà Vũ Thị T (địa chỉ tại ………………………. TP Hà Nội).

(Bà An H và bà T có mặt tại phiên tòa, ông Văn vắng mặt).

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tng công ty xây dựng công trình giao thông ………….

Trụ sở: …………………… TP Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Hồ Tuấn S- Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Hoàng Mạnh H và bà Lê Thị An H.

(Bà An H và ông H có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 26/2/2013 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty TNHH liên hợp xây dựng VC (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) trình bày:

Công ty TNHH MTV xây dựng công trình giao thông …………… (bên A, nay là Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông ………. gọi tắt là bị đơn) trực thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông ………… (sau đây gọi tắt là Tổng công ty…..) đã ký Hợp đồng liên doanh thầu phụ thi công một số Dự án với nguyên đơn (bên B), cụ thể:

- Dự án cải tạo quốc lộ 5 (hợp đồng 3): Hợp đồng kinh tế liên doanh xây dựng số 138/HĐKT 1997, nội dung là bị đơn giao cho nguyên đơn thi công hạng mục mặt đường bê tông nhựa từ KM 93 đến Km 105; Khối lượng nghiệm thu thực tế; đơn giá theo đơn giá thanh toán theo hợp đồng giữa Tổng công ty và bị đơn ký ngày 05/11/1997; Giá trị hợp đồng tạm tính là 30 tỷ đồng; Thanh toán theo lịch thanh toán của Ban điều hành Tổng công ty . Thanh toán làm 02 lần, lần 1 là 90% giá trị được Ban điều hành Tổng công ty nghiệm thu, thanh toán. Lần 2 khi hoàn thành công trình thanh quyết toán, giữ lại tiền bảo hành.

Hai bên ký bổ sung Phụ lục hợp đồng số 10/HĐKT với nội dung bị đơn giao cho nguyên đơn thi công hạng mục bê tông nhựa tại hợp đồng 3, với khối lượng nghiệm thu thực tế và giá trị thanh toán của hợp đồng 3.

Ngày 25/3/2004, hai bên ký Bảng tổng hợp khối lượng hoàn công việc và bù giá. Tổng cộng giá trị xây lắp hoàn thành (chưa bao gồm VAT) là 49.527.840.980 đồng. Bị đơn đã tạm ứng chi phí cho nguyên đơn là 49.110.676.564 đồng. Số tiền sản lượng của nguyên đơn sau khi đã trừ các khoản bị đơn tạm ứng còn được thanh toán là 417.164.416 đồng. Số tiền thuế VAT nguyên đơn đã xuất hóa đơn là 2.353.777.029 đồng và số tiền thuế VAT bị đơn đã trả cho nguyên đơn là 2.087.731.139 đồng. Số tiền thuế VAT bị đơn còn phải hoàn trả cho nguyên đơn là 286.045.890 đồng. Tổng số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn đơn là 703.210.306 đồng.

- Dự án hợp đồng 4 (Tam Kỳ- Quảng Ngãi), Hợp đồng số 18/HĐKT ngày 31/12/2000 có nội dung công việc là bị đơn giao cho nguyên đơn làm thầu phụ thi công hạng mục mặt đường hợp đồng 4 (Tam Kỳ - Quảng Ngãi). Đơn giá là 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Vật liệu chính nguyên đơn cung cấp, trường hợp khó khăn bị đơn mua hộ nguyên đơn. Bị đơn thanh toán cho nguyên đơn sau 45 ngày theo giá nguyên đơn mua tương đương với giá bị đơn mua cùng thời điểm, để quá hạn phải trả lãi suất 0,75%/tháng. Nghiệm thu hai bên thỏa thuận căn cứ vào khối lượng thực hiện được tư vấn nghiệm thu hàng tháng. Phương thức thanh toán là bị đơn thanh toán cho nguyên đơn chậm nhất không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền từ chủ đầu tư và không quá 90 ngày kể từ ngày nghiệm thu.

Sau đó, hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 161/PL-HĐKT về việc bổ sung hạng mục thi công tưới nhựa thấm, nhựa dính bám, sơn phẳng, sơn gồ. Trong đó đơn giá tính theo Bill thầu (có tính chênh lệch tỷ giá USD và các khoản trượt giá) theo quy định của Hợp đồng với PMI, tỷ lệ trích nộp cho bị đơn cho các hạng mục trên là 5%. Bị đơn chấp nhận không khấu trừ chi phí bảo hiểm vào đơn giá các hạng mục này.

Ngày 31/7/2006, hai bên đã tiến hành đối chiếu lập Bảng tổng hợp khối lượng hoàn thành hạng mục mặt đường, lý trình từ Km 960 đến Km 1045 đoạn Đông Hà - Quảng Ngãi.

Ngày 16/8/2006, hai bên lập Biên bản làm việc, theo đó hai bên nhất trí đối với hợp đồng 4 Dự án đại tu Quốc lộ 1A Đông Hà - Quảng Ngãi, lý trình từ Km 960 đến Km 1045. Khối lượng theo Bảng tổng hợp khối lượng hai bên đã ký ngày 31/7/2006, đơn giá tính chung cho các loại bê tông nhựa là 300.000 đồng/tấn. Đơn giá tính chung các hạng mục nhựa thấm, nhựa dính bám, sơn phẳng, sơn gồ, tỷ lệ trích nộp cho các hạng mục này là 5% và bị đơn chấp nhận không khấu trừ chi phí bảo hiểm vào đơn giá các hạng mục này. Nguyên đơn chịu 1.283.944.913 đồng do PM1 khấu trừ và chịu các khoản khấu trừ do độ chặt bê tông, độ rỗng dư, không tính lãi đối với phần mua nhựa đường mà bị đơn chậm trả.

Ngày 16/8/2007, hai bên tiến hành lập Bảng tổng hợp giá trị khối lượng hoàn thành, sau khi khấu trừ các khoản, giá trị còn lại nguyên đơn được thanh toán là 91.463.452.108 đồng.

Sau đó, hai bên tiến hành Thanh lý hợp đồng và trong Điều 1 ghi rõ là giá trị được thanh toán là 93.500.239.615 đồng, các khoản khấu trừ là 2.036.787.507 đồng, giá trị thanh lý là 91.463.452.108 đồng. Hai bên thống nhất khối lượng và giá trị thanh lý hợp đồng như trên. Nguyên đơn đã xuất hoá đơn tài chính cho bị đơn.

Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn được tạm ứng một phần tiền thi công và phải trả tiền thuê máy, mua một số vật tư, tiền vận chuyển…. Tổng số tiền là 91.903.899.426 đồng.

Dự án hợp đồng 4 (Tam Kỳ - Quảng Ngãi) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo Điều 7 của hợp đồng, bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn giá trị hợp đồng chưa trả và lãi chậm thanh toán, cụ thể giá trị xây lắp hoàn thành là 91.463.452.108 đồng, thuế được hoàn bổ sung là 3.729.757.229 đồng. Tổng số tiền nguyên đơn được hưởng là 95.193.209.337 đồng. Số tiền nguyên đơn đã nhận là 91.903.899.426 đồng. Số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn 3.289.309.911 đồng.

Sau khi thanh lý hợp đồng, nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bị đơn đối chiếu công nợ, thanh toán số tiền còn phải trả và thông báo cho đơn vị chủ quản của bị đơn là Tổng công ty và Bộ Giao thông nhờ can thiệp và hỗ trợ thanh toán nhưng cho đến nay bị đơn vẫn chưa thanh toán.

Nguyên đơn khởi kiện đề nghị Toà án buộc bị đơn và Tổng công ty phải trả số tiền cụ thể như sau:

- Đối với hợp đồng 3 - QL5, số tiền gốc là 703.210.306 đồng, số tiền lãi chậm trả là 843.852.367 đồng. Tổng là 1.547.062.673 đồng;

- Đối với hợp đồng 4 (Tam Kỳ- Quảng Ngãi), số tiền gốc là 3.289.309.911 đồng, số tiền lãi chậm trả là 5.320.047.617 đồng.

Tổng cộng cả hai hợp đồng là 10.909.822.143 đồng.

Bị đơn trình bày: bị đơn chuyển đổi thành Công ty cổ phần từ tháng 10/2013. Trong quá trình chuyển đổi, bị đơn đã thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để các cá nhân tập thể có công nợ đối với bị đơn đến để đối chiếu công nợ.

Khi kiểm tra sổ sách, báo cáo tài chính của bị đơn không có khoản công nợ nào với nguyên đơn. Vì vậy, bị đơn không có cơ sở về việc thanh toán công nợ trên.

Đối với việc nguyên đơn đề nghị bị đơn thanh toán số tiền hoàn thuế VAT, thì quan điểm của bị đơn là quyền và nghĩa vụ của hai bên thực hiện theo hợp đồng giữa hai bên ký kết. Căn cứ để thanh toán giữa hai bên chỉ liên quan đến Biên bản đối chiếu công nợ, các điều khoản theo hợp đồng đã ký kết giữa các bên. Đối với việc hoàn thuế VAT theo đề nghị yêu cầu thanh toán của nguyên đơn không có cơ sở để thanh toán.

Tổng công ty trình bày: Tổng công ty không ký kết các hợp đồng nêu trên với nguyên đơn nên không có nghĩa vụ trả nợ. Hai hợp đồng trên nguyên đơn ký kết với bị đơn đều là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân riêng. Tổng công ty chỉ có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở đối với bị đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2019/KDTM- ST ngày 25/10/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu thực hiện thanh toán theo hợp đồng của nguyên đơn đối với bị đơn.

Xác định bị đơn còn nợ chưa thanh toán cho nguyên đơn số tiền của các hợp đồng tính đến ngày 25/10/2019 tổng cộng là 10.909.822.143 đồng. Trong đó nợ gốc là 3.992.520.217 đồng và tiền lãi là 6.917.301.926 đồng.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên bị đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của bị đơn để đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn khởi kiện hoàn toàn có căn cứ pháp luật, sau khi hoàn thành công trình và đã được bị đơn nghiệm thu và đưa vào sử dụng, nguyên đơn có rất nhiều văn bản đề nghị bị đơn, Tổng công ty và Bộ Giao thông can thiệp để bị đơn trả tiền cho nguyên đơn. Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông và Tổng công ty nguyên đơn đã yêu cầu bị đơn đối chiếu công nợ chậm nhất là ngày 15/12/2012 tại Văn bản số 469/KH-KT ngày 06/12/2012. Nguyên đơn xác định thời điểm quyền lợi của mình bị xâm phạm là từ ngày 15/12/2012. Ngày 26/02/2013, nguyên đơn khởi kiện đối với bị đơn là vẫn còn thời hiệu.

Nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện về thời điểm tính lãi của cả hai hợp đồng tính từ ngày 15/12/2012 và mức lãi suất theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước ban hành vào thời điểm 15/12/2012 (9%/năm) đối với số tiền chậm trả. Cụ thể nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn các khoản tiền cụ thể như sau:

Hợp đồng số 138/HĐKT: nợ gốc 417.164.416 đồng, tiền thuế VAT 286.045.890 đồng. Tổng cộng hai khoản 703.210.306 đồng. Lãi chậm trả 440.561.257 đồng (tính từ ngày 15/12/2012 đến 25/10/2019). Tổng cộng cả gốc và lãi là 1.143.771.563 đồng.

Hợp đồng số 18/HĐKT: nợ gốc 3.289.309.911 đồng, lãi chậm trả 2.060.725.659 đồng (tính từ ngày 15/12/2012 đến 25/10/2019). Tổng cộng là 5.350.062.570 đồng.

Tổng cộng cả 2 hợp đồng gốc và lãi là 6.493.834.133 đồng.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: bị đơn vẫn giữ nguyên các ý kiến đã trình tại Tòa án và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Toàn bộ các hồ sơ sổ sách của bị đơn không thể hiện có khoản nợ của nguyên đơn, khi bị đơn tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các tổ chức, cá nhân ... đến giải quyết các vấn đề có liên quan nhưng không có tài liệu nào thể hiện việc bị đơn có khoản nợ với nguyên đơn.

Về vấn đề thời hiệu: bị đơn chỉ trình bày ý kiến tại phiên tòa sơ thẩm nhưng không làm văn bản gửi Tòa án thể hiện nội dung này. Bị đơn nêu vấn đề này trong đơn kháng cáo và cho rằng nguyên đơn khởi kiện đã hết thời hiệu nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty trình bày: Tổng công ty không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, mỗi lần thanh toán khác nhau đều xuất hóa đơn VAT và đã thanh toán đầy đủ cho nhau. Sau khi có Luật thuế giá trị gia tăng, mỗi lần khối lượng thanh toán đều thể hiện rõ số liệu hai bên khi tiến hành đối chiếu đã thanh lý ghi rõ có cả VAT, do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn thanh toán tiền VAT không phù hợp.

Bị đơn đã tiến hành công bố trước khi cổ phần hóa, đã kiểm tra đối chiếu và các tài liệu đều không có ghi nhận khoản nợ của nguyên đơn, điều này phù hợp với các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ.

Về quyền khởi kiện: nguyên đơn biết quyền của nguyên đơn bị xâm phạm tính từ 2006, đến 2013 mới xét xử lần đầu nên đề nghị Tòa án xem xét lại về vấn đề thời hiệu, chúng tôi đã trình bày với Tòa án cấp sơ thẩm nhưng không biết lý do gì không có trong hồ sơ.

Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về thời hiệu, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa, tuy nhiên do cần thu thập tài liệu, chứng cứ và dịch bệnh nên vụ án bị kéo dài do bất khả kháng. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về yêu cầu kháng cáo của bị đơn: bị đơn cho rằng đã đề nghị Tòa án sơ thẩm xem xét thời hiệu, nhưng chỉ trình bày tại phiên tòa sơ thẩm mà không có bất kỳ văn bản nào thể hiệu điều này nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo về thời hiệu của bị đơn. Nguyên đơn khởi kiện là còn trong thời hiệu và có căn cứ pháp luật.

Về án phí: kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Án phí sơ thẩm, do sửa lại Bản án theo thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên đề nghị sửa lại án phí sơ thẩm cho bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng:

Về thẩm quyền giải quyết vụ án: đây là tranh chấp hợp đồng xây dựng, bị đơn có trụ sở tại quận Thanh Xuân nên theo quy định tại các điều 30, 35, 38 và 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm là đúng thẩm quyền và phù hợp quy định của pháp luật.

Bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định. Do vậy, kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.

Về tư cách tham gia tố tụng của Tổng công ty : Tòa án sơ thẩm đã xác định Tổng công ty chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là đúng quy định của pháp luật.

Về thời hiệu khởi kiện vụ án, bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của bị đơn để đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy theo quy định tại Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đều quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra Bản án.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý sơ thẩm ngày 11/3/2013 cho đến khi Tòa án sơ thẩm ban hành Bản án sơ thẩm số 17/2019/KDTM- ST ngày 25/10/2019, bị đơn không có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của bị đơn trình bày bị đơn không có đơn hoặc văn bản trình bày đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn có nêu ý kiến này. Hội đồng xét xử đã xem xét Biên bản phiên tòa và trong Bản án sơ thẩm không thể hiện như bị đơn trình bày. Bị đơn chỉ có yêu cầu xem xét thời hiệu trong Đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng thời hiệu để đình chỉ giải quyết vụ án là không có sơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn về vấn đề thời hiệu.

Ngoài ra, nguyên đơn xuất trình các tài liệu chứng cứ kèm theo Đơn khởi kiện đề ngày 25/2/2013 và Tòa án sơ thẩm nhận được ngày 26/2/2013 là các văn bản trao đổi về việc đối chiếu công nợ giữa nguyên đơn và bị đơn cùng các văn bản của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty yêu cầu nguyên đơn và bị đơn đối chiếu, giải quyết dứt điểm công nợ của hai bên từ năm 2011. Văn bản cuối cùng nguyên đơn gửi cho bị đơn là văn bản số 469/KH- KT ngày 06/12/2012 yêu cầu bị đơn bố trí sắp xếp lịch để đối chiếu công nợ giữa hai bên muộn nhất là ngày 15/12/2012 kèm theo xác nhận của bưu điện về việc chuyển phát văn bản đến cho bị đơn. Bị đơn trình bày tại phiên tòa phúc thẩm là do thời gian đã lâu nên không còn nhớ những văn bản trao đổi giữa hai bên nên không cung cấp và trình bày được cho Hội đồng xét xử về các văn bản này. Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử thấy trong vụ án này nguyên đơn khởi kiện trong thời hiệu.

Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn đối với Hợp đồng kinh tế số 138/HĐKT năm 1997 và Phụ lục hợp đồng số 10/HĐKT (dự án cải tạo quốc lộ 5- hợp đồng số 3):

Ngày 25/3/2004, hai bên đã ký Bảng tổng hợp khối lượng hoàn công và bù giá. Tổng cộng giá trị xây lắp hoàn thành (chưa bao gồm VAT) là 49.527.840.980 đồng.

Căn cứ vào Bảng đối chiếu chi phí công trình đã được đối chiếu và được kế toán trưởng của bị đơn ký xác nhận đã ghi nhận công nợ từng khoản. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền sản lượng còn thiếu là 49.527.840.980 đồng - 49.110.676.564 đồng = 417.164.416 đồng đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét và chấp nhận yêu cầu khởi kiện này, buộc bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc này cho nguyên đơn là có căn cứ.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền thuế VAT đối với Hợp đồng số 138/HĐKT năm 1997 là 286.045.890 đồng, Hội đồng xét xử thấy nguyên đơn và bị đơn ký kết vào năm 1997, thời điểm này chưa áp dụng Luật thuế GTGT. Từ năm 1999, Luật thuế GTGT mới được áp dụng, đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt tại thời điểm này được quy định là 5% theo điểm I khoản 3 mục II Thông tư số 89/1998/TT- BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ- CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTTG.

Căn cứ điểm c mục I phần H Thông tư số 89/1998/TT- BTC ngày 27/6/1998 quy định là đối với các công trình xây dựng dở dang chuyển từ những năm trước sang năm 1999 thì thuế GTGT áp dụng như sau:

- Đối với khối lượng công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành bàn giao trước ngày 01/01/1999 không tính thuế VAT;

- Đối với khối lượng công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao từ ngày 01/01/1999 thì khi lập chứng từ thanh toán, bên nhận thầu xây dựng phải xác định lại giá không thuế VAT và thuế VAT theo quy định của Luật thuế GTGT.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, nguyên đơn phải xác định lại giá có thuế VAT và thuế VAT với chủ đầu tư. Tuy nhiên, nguyên đơn đã không thực hiện việc xác định lại giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế VAT. Tại thời điểm xuất hóa đơn nguyên đơn tự xác định tổng giá trị khối lượng hoàn thành 49.527.840.980 đồng là đã bao gồm thuế VAT. Như vậy, nguyên đơn xuất hóa đơn với giá thanh toán như hợp đồng nhưng đã bao gồm thuế VAT cho bị đơn là đúng theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn. Bị đơn có nghĩa vụ phải thanh toán khối lượng hoàn thành và tiền thuế VAT cho nguyên đơn.

Cụ thể, nguyên đơn xuất hoá đơn thuế VAT với tổng giá trị đã xuất là 2.353.777.029 đồng, bị đơn đã hoàn thuế cho nguyên đơn là 2.087.731.139 đồng. Còn nợ lại 286.045.890 đồng. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền thuế VAT còn thiếu 286.045.890 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền nợ gốc của Hợp đồng số 138/HĐKT cho nguyên đơn là 417.164.416 đồng + 286.045.890 đồng = 703.210.306 đồng là có căn cứ.

Hợp đồng số 18/HĐKT ký ngày 31/12/2000 và Phụ lục hợp đồng số 16/PL-HĐKT (dự án cải tạo quốc lộ 1A- hợp đồng 4):

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả số tiền 3.289.309.911 đồng, Hội đồng xét xử thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn đã cung cấp các hoá đơn VAT và các hoá đơn này đã được Cục thuế TP Hà Nội trả lời là bị đơn đã được hoàn thuế VAT.

Tại Công văn số 27787/CTHN- TTKT10 ngày 19/7/2021 về việc tham gia ý kiến của Cục thuế TP Hà Nội trả lời Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thể hiện:

Theo quy định tại điểm 7 mục I phần B Thông tư số 89/1998/TT- BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ- CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTTG quy định về giá tính thuế đối với hoạt động xây dựng và lắp đặt, thì:

- Đối với hoạt động xây dựng các công trình xây dựng (không phân biệt có bao thầu hay không bao thầu vật tư, nguyên liệu) giá tính thuế VAT là giá xây dựng chưa có thuế VAT.

- Trường hợp xây dựng công trình thực hiện thanh toán theo đơn giá và tiến độ hàng mục công trình, phần công việc hoàn thành bàn giao thì thuế VAT tính trên phần giá trị hoàn thành bàn giao.

Căn cứ khoản 1 mục III phần B Thông tư số 89/1998/TT - BTC ngày 27/6/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ- CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTTG quy định về phương pháp tính thuế VAT.

Căn cứ Điều 2 quy định tại Hợp đồng số 18/HĐKT ngày 31/12/2000 được ký giữa nguyên đơn và bị đơn quy định đơn giá hợp đồng là chưa bao gồm thuế VAT.

Nguyên đơn đã xuất hóa đơn thuế VAT phần giá trị xây lắp hoàn thành với số tiền thuế VAT cho bị đơn là đúng quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền thanh toán ghi trên hóa đơn (bao gồm giá trị xây lắp hoàn thành và số tiền thuế VAT).

Căn cứ vào giá trị sản lượng từng năm nguyên đơn đã xuất hóa đơn thuế VAT cho bị đơn với giá trị là 4.182.558.559 đồng. Khi thanh lý hợp đồng, nguyên đơn đã xuất tiếp hóa đơn thuế VAT cho sản lượng còn lại nhưng bị đơn không nhận vì dự án đã kết thúc lâu, hóa đơn thuế VAT sẽ không được hoàn. Bị đơn chỉ chấp nhận hoàn thuế cho nguyên đơn là 3.729.757.229 đồng.

Tại Biên bản đối chiếu chi phí công trình HD4, Kế toán trưởng của bị đơn đã ký xác nhận xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền 3.289.309.910 đồng. Đối chiếu với các quy định nêu trên, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền thuế VAT là 3.289.309.910 đồng và đã được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.

Xét yêu cầu tính lãi suất chậm thanh toán của nguyên đơn, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn cho rằng giữa nguyên đơn và bị đơn có nhiều Văn bản trao đổi với nhau về việc đối chiếu công nợ, Văn bản cuối cùng số 469/KH-KT ngày 06/12/2012 nguyên đơn yêu cầu hạn cuối cùng bị đơn phải đối chiếu công nợ là ngày 15/12/2012 nên nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu tính lãi của cả hai hợp đồng xây dựng mà hai bên đang có tranh chấp từ ngày 15/12/2012 cho đến ngày xét xử sơ thẩm là có lợi cho bị đơn nên được chấp nhận.

Về mức lãi suất chậm thanh toán, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải chịu mức lãi suất 9%/năm trên tổng số tiền còn nợ, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy nguyên đơn và bị đơn ký kết các hợp đồng đều trước khi Nghị định số 48/2010/CP ngày 07/10/2010 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng được ban hành nên lãi suất chậm thanh toán được áp dụng theo quy định tại Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005, do đó yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ để chấp nhận.

Như vậy, tổng cộng tiền nợ gốc và tiền lãi chậm trả nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán là 6.493.834.133 đồng, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có cơ sở để chấp nhận.

Do nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện về thời điểm tính lãi và mức lãi suất chậm trả nên Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm.

Về án phí: yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên trả lại số tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn. Bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm kinh doanh thương mại sau khi tính lại là 114.493.000 đồng.

Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm.

Rút kinh nghiệm Tòa án sơ thẩm trong việc áp dụng Luật thương mại khi giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng là không đúng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH 

Căn cứ:

- Các điều 293, 294, 308 và 309 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Luật xây dụng năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

- Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Sửa Bản án sơ thẩm số 17/2019/KDTM- ST ngày 25/10/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH liên hợp xây dựng VC đối với Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông ......

Buộc Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông ...... phải thanh toán cho Công ty TNHH liên hợp xây dựng VC tổng số tiền gốc và lãi là 6.493.834.133 (sáu tỷ bốn trăm chín mươi ba triệu tám trăm ba mươi tư nghìn ba trăm ba mươi ba) đồng theo Hợp đồng kinh tế số 138/HĐKT năm 1997 và Phụ lục hợp đồng số 10/HĐKT (dự án cải tạo quốc lộ 5- hợp đồng số 3) và Hợp đồng số 18/HĐKT ký ngày 31/12/2000 và Phụ lục hợp đồng số 16/PL-HĐKT (dự án cải tạo quốc lộ 1A- hợp đồng 4).

Kể từ ngày kế tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông .... còn phải tiếp tục chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 trên số tiền 6.493.834.133 (sáu tỷ bốn trăm chín mươi ba triệu tám trăm ba mươi tư nghìn ba trăm ba mươi ba) đồng cho đến khi thi hành xong toàn bộ số tiền này.

3. Về án phí sơ thẩm: Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông .... phải chịu 114.493.000 (một trăm mười bốn triệu bốn trăm chín mươi ba nghìn) đồng án phí sơ thẩm.

Công ty TNHH liên hợp xây dựng VC được trả lại số tiền 58.186.470 (năm mươi tám triệu một trăm tám sáu nghìn bốn trăm bảy mươi) đồng đã nộp tại Biên lai thu tiền án phí, lệ phí Toà án số 4369 ngày 11/3/2013 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân.

Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông .... phải chịu án phí phúc thẩm, số tiền 2.000.000 (hai triệu) đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tiền số 6501 ngày 04/11/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

645
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng số 155/2021/KDTM-PT

Số hiệu:155/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 24/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về