Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng số 01/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 01/2022/KDTM-PT NGÀY 13/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Ngày 13 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 03/2021/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 11 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố N bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2022/QĐPT-DS ngày 16 tháng 02 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 03/2022/QĐPT-DS ngày 15 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty A (tên gọi cũ là Công ty S, ngày 07/01/2021 đổi thành Công ty A); địa chỉ: tầng 3, tòa nhà X, số 28 Y, phường M, quận N, thành phố H.

Ngưi đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: ông S – Giám đốc.

Ngưi đại diện hợp pháp theo ủy quyền của nguyên đơn: ông L - Luật sư Công ty Luật V; địa chỉ: P504 tòa nhà G, D10 G, phường G, quận B, Thành phố H (giấy ủy quyền ngày 30/12/2021).

2. Bị đơn: Công ty H; địa chỉ: lô CN1, CN2, cụm công nghiệp C, phường P, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

Ngưi đại diện theo pháp luật của bị đơn: ông K – Chức vụ: Tổng giám đốc.

Ngưi đại diện hợp pháp theo ủy quyền của bị đơn: ông T; địa chỉ: tầng 4, số 337 T, phường K, quận X, Thành phố H (giấy ủy quyền ngày 16/7/2021).

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: ông H - Luật sư Công ty Luật H; địa chỉ: tầng 4, tòa nhà 337, đường C, quận X, Thành phố H.

3. Người kháng cáo: Công ty H.

Tại phiên tòa có mặt: ông L, ông T, ông H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

ại đơn khởi kiện, đơn bổ sung đơn khởi kiện, bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp theo pháp luật và theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Công ty A (trước đây là Công ty S) và Công ty H ký Hợp đồng thi công số 2018-HDV-C-101/HADO-ADD ngày 01/8/2018 và Phụ lục Hợp đồng số 2019-PLHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019 có nội dung như sau:

Tên dự án: đầu tư xây dựng Nhà máy may vải không dệt xăm kim H, địa điểm tại cụm công nghiệp C, phường P, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; thời gian thi công từ ngày 01/8/2018 đến ngày 30/3/2019; giá trị hợp đồng không bao gồm thuế VAT là 75.792.200.000 VNĐ; thuế VAT: 7.579.220.000 VNĐ; tiến độ tạm ứng và thanh toán: tạm ứng hợp đồng: bên A sẽ tạm ứng cho bên B số tiền là 34.106.490.000 VNĐ tương đương 45% giá trị của hợp đồng.

- Tỷ lệ tạm ứng từng đợt do bên B đề xuất và được bên A chấp nhận.

- Tiền tạm ứng sẽ được bên A khấu trừ vào các đợt thanh toán theo tỷ lệ % cho đến khi bên A thu hồi hết số tiền tạm ứng … - Thanh toán: việc thanh toán dựa theo khối lượng công việc hoàn thành.

- Thời hạn bảo hành: 12 tháng; giá trị bảo hành là 5% trước thuế của hợp đồng. Tổng giá trị khối lượng phát sinh theo phụ lục số 2019-PHHDV-C- 101/HADO-SE ADD-01 là 6.128.580.000 VNĐ (đã bao gồm thuế VAT).

Tại Điều 15 của hợp đồng quy định:

1. Liên quan đến thanh toán cho các phần đã hoàn thành theo hợp đồng, bên B có thể yêu cầu kiểm tra đối với phần mà bên B đã hoàn thành, theo đó bên A phải ngay lập tức tiến hành công tác kiểm tra.

2. Bên B căn cứ theo kết quả kiểm tra tại khoản 1 và đơn giá của dự toán giá công trình thi công tại phụ lục hợp đồng số 01. Giá hợp đồng để tính toán và yêu cầu thanh toán cho giá trị đã hoàn thành và bên A phải thanh toán theo đúng như nội dung đã ghi rõ trên hợp đồng.

3. Trường hợp bên A trì hoãn thanh toán số tiền cho hạng mục đã hoàn thành như khoản 2 bên trên thì sẽ áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 17.

Tại Điều 16 của hợp đồng có quy định:

1. Khi bên B hoàn thành xong công trình thì phải thông báo cho bên A và bên A sau khi nhận thông báo phải tiến hành kiểm tra ngay dưới sự tham gia của bên B.

2. Trường hợp bên B không đạt kiểm tra trên khoản 1 phải tiến hành sửa chữa, tu bổ ngay lập tức để có thể kiểm tra lại… Tại Điều 17 của hợp đồng quy định:

1. Sau khi bên B đã được bên A kiểm tra hoàn công đạt chất lượng thì phải sắp xếp các vật liệu dư thừa, rác thải, công trình tạm thời như tiến hành tháo dỡ, đem ra khỏi công trường, sau đó có thể yêu cầu bên A thanh toán số tiền của công trình.

2. Bên A phải nhận bàn giao công trình của hợp đồng đã cam kết và đồng thời phải thanh toán giá trị của công trình đã hoàn thành cho bên B.

3. Trường hợp bên A không thanh toán giá trị công trình trong thời hạn quy định thì sẽ phải thanh toán cả phần lãi suất chậm thanh toán được tính theo tỷ lệ lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank cho số ngày chậm thanh toán kể từ ngay sau ngày đến hạn thanh toán cho số tiền chưa thanh toán.

Tại Điều 19 của hợp đồng quy định:

1. Giá trị bảo hành công trình bên A giữ lại là 5% giá trị hợp đồng (gọi là “tiền bảo đảm bảo hành”). Sau khi hoàn thành thi công xây dựng công trình, bên B phải nộp cho bên A số tiền mặt tương ứng với tiền bảo đảm bảo hành hoặc một trong các chứng nhận đảm bảo sau: Thư bảo đảm bảo hành của Ngân hàng đại diện cho bên B phát hành; Trái phiếu bảo lãnh.

2. Trong suốt quá trình trách nhiệm bảo hành theo quy định trong hợp đồng, kể từ ngày hoàn thành công tác kiểm tra hoàn công, bên B phải bảo hành cho tất cả các vấn đề phát sinh của công trình trong phạm vi hợp đồng. Tuy nhiên sau khi đã bàn giao công trình sẽ không áp dụng nếu vấn đề phát sinh do điều kiện bất khả kháng như thiên tai hay các nguyên nhân không do bên B.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng nói trên, phía Công ty S đã thực hiện nghiêm túc các điều khoản mà hai bên đã ký kết, đã hoàn thành việc thi công xây dựng công trình và bàn giao cho phía Công ty H đi vào hoạt động theo đúng như nội dung hợp đồng đã ký kết (trong đó nhà xưởng 1 hoàn thành trước ngày 22/02/2019, nhà xưởng 2 hoàn thành trước ngày 30/3/2019). Sau đó, các bên đã lập biên bản nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng (ngày 22/02/2019 và ngày 15/3/2019). Ngày 12/9/2019 hai bên đã ký Thanh lý Hợp đồng số 120919/HADO-SEA/TL-2019. Tại biên bản thanh lý hai bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và phụ lục hợp đồng số 2019-PLHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019 với những nội dung sau:

1. Phần công việc đã thực hiện:

Bên B đã hoàn thành thực hiện hạng mục: thi công Nhà máy H Ninh Bình theo đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật theo như hợp đồng đã ký kết.

2. Phần giá trị: Giá trị quyết toán hai bên A – B là: 89.500.000.000 VNĐ. Giá trị bên A đã thanh toán là : 73.708.324.650 VNĐ. Giữ lại bảo hành 1 năm:

4.068.181.818 VNĐ. Giá trị bên A còn phải thanh toán là: 11.723.493.532 VNĐ đã bao gồm thuế VAT 10%.

3. Kết luận:

- Sau khi bên A thực hiện thanh toán đúng như trong điều khoản của hợp đồng thì hợp đồng 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và phụ lục hợp đồng số 2019-PLHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019 thì hợp đồng và phụ lục hợp đồng trên hết giá trị và hiệu lực.

- Sau khi thanh lý, hai bên cam kết không còn tranh chấp, khiếu kiện về hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và phụ lục hợp đồng số 2019-PLHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019.

Tuy nhiên, sau khi hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng nói trên phía Công ty H mới chỉ thanh toán trả tiếp cho Công ty S số tiền là 6.000.000.000 VNĐ trong tháng 10/2019 và ngày 24/3/2020 tiếp tục trả tiếp số tiền 600.000.000 VNĐ. Như vậy, đến nay Công ty H vẫn còn phải trả cho Công ty S 5.123.493.532 VNĐ và tiền lãi do chậm thanh toán.

Ngoài ra, tính đến ngày 24/4/2020 là thời điểm hết thời hạn bảo hành công trình liên quan đến hợp đồng thi công xây dựng mà hai bên đã ký kết. Do đó, Công ty H còn có nghĩa vụ phải hoàn trả toàn bộ số tiền bảo đảm bảo hành cho Công ty S với số tiền là 4.068.181.818 VNĐ.

Công ty S đã rất nhiều lần gửi văn bản, email và làm việc trực tiếp với Công ty H để yêu cầu thanh toán công nợ còn tồn đọng, tiền bảo đảm bảo hành cùng tiền lãi do chậm thanh toán. Tuy nhiên, Công ty S không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty H. Vì vậy, Công ty A yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố N giải quyết:

1. Buộc Công ty H phải thanh toán trả cho Công ty A số công nợ còn lại là:

5.123.493.532 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank (10,5%/1 năm) tính từ ngày 13/9/2019 cho đến khi trả hết nợ tạm tính đến ngày 10/9/2021 là 1.040.701.951 VNĐ.

2. Tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán, tính theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank tính từ ngày 25/4/2020 tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 VNĐ.

Ngày 14/7/2021, Công ty A có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện về phần tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán tính theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank tính từ ngày 25/4/2020 tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 VNĐ.

Tại đơn trình bày quan điểm ngày 07/9/2021, đại diện nguyên đơn trình bày ý kiến như sau:

Việc thi công xây dựng Nhà máy H phía Công ty S không vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng và phục lục hợp đồng mà hai bên đã ký kết cụ thể: tại khoản 4 Điều 1 của hợp đồng có quy định thời gian thi công từ ngày 01/8/2018 đến ngày 30/3/2019.

Ngay sau khi hai bên ký kết hợp đồng Công ty S đã bắt tay vào thi công xây dựng Nhà máy H theo đúng nội dung hợp đồng và công việc thi công toàn bộ Nhà máy H đã được hoàn thành trước ngày 30/3/2019 cụ thể:

- Ngày 25/02/2019, Sở xây dựng tỉnh Ninh Bình đã có Công văn số 332/SXD- CCGĐ thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn công công trình Nhà xưởng số 1 thuộc công trình đầu tư xây dựng Nhà máy may vải không dệt xăm kim H. Tại mục II của văn bản thể hiện: công trình đã thi công xong tất cả các hạng mục nhà xưởng số 1 thuộc dự án. Đến thời điểm kiểm tra công trình chưa có dấu hiệm giảm sút chất lượng. Công trình thi công đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Tại mục V kết luận: hạng mục công trình đạt chất lượng theo thiết kế để nghiệm thu hoàn thành.

- Từ ngày 05/4/2019 đến ngày 10/4/2019, đại diện Công ty H, đại diện tư vấn giám sát là Công ty TNHH Plan ADD Việt Nam và Đại diện nhà thầu thi công là Công ty S đã tiến hành nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình để đưa công trình vào sử dụng. Việc nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình đưa vào sử dụng đã được các bên lập Biên bản ngày 15/4/2019. Tại mục 5 của biên bản kết luận:

đồng ý nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình để đưa vào sử dụng.

- Ngày 24/4/2019 Sở xây dựng tỉnh Ninh Bình có Công văn số 865/SXDCCGĐ thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình tại mục II có nêu hiện trạng chất lượng của công trình: hạng mục nhà xưởng số 1 đã được kiểm tra nghiệm thu hoàn thành theo quy định; hạng mục nhà xưởng số 2, nhà điều hành + nhà ăn và các hạng mục phụ trợ cơ bản đã hoàn thiện theo thiết kế được phê duyệt. Đến thời điểm kiểm tra công trình chưa có dấu hiệu giảm sút chất lượng. Công trình thi công đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Tại mục V kết luận: công trình đạt chất lượng theo thiết kế để tiến hành nghiệm thu hoàn thành theo quy định.

- Tại Bản thanh lý hợp đồng số 120919/HADO-SEATL-2019 ký ngày 12/9/2019 cũng thể hiện: bên B (tức Công ty S) đã hoàn thành thực hiện hạng mục thi công Nhà máy H Ninh Bình theo đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật theo như hợp đồng đã ký kết. Sau khi thanh lý, hai bên cam kết không tranh chấp, khiếu kiện hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và phụ lục hợp đồng số 2019- PLHDV-C-101/HADO- SE ADD ngày 10/3/2019.

- Trong thời gian thi công đến khi hoàn thành đưa nhà máy vào sử dụng, hai bên không có bất kỳ văn bản nào nói rằng phía Công ty S đã vi phạm tiến độ thi công nhà máy như nội dung hợp đồng đã ký kết. Công ty S chưa từng có bất kỳ thỏa thuận hay đồng ý với Công ty H về việc Công ty S vi phạm tiến độ công trình dẫn đến phạt tiến độ cũng chưa từng ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào nhân danh Công ty đứng ra để thảo luận, ký kết cũng như xác nhận liên quan đến việc chậm tiến độ dự án. Do đó, việc Công ty H yêu cầu Công ty S phải thanh toán tiền phạt tiến độ là 3.000.000.000 VNĐ như biên bản nói trên là không có cơ sở.

- Công ty S khẳng định rằng trong thời gian bảo hành công trình theo hợp đồng thi công đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình liên quan đến việc sửa chữa bảo hành công trình. Nội dung này đã được thể hiện bằng việc khi có yêu cầu sửa chữa bảo hành từ phía chủ đầu tư phía Công ty S đã yêu cầu các nhà thầu thi công cử ngay cán bộ kỹ thuật xuống nhà máy khảo sát và tiến hành sửa chữa theo yêu cầu của phía Hado. Quá thời gian bảo hành công trình phía Se ADD còn nhiều lần cử cán bộ kỹ thuật xuống sửa chữa bảo hành theo yêu cầu của phía Hado nhưng khi cán bộ kỹ thuật nhà thầu của Se ADD xuống khảo sát thì bà Nhung đại diện Hado đã không đồng ý cho làm cố tình kéo dài thời gian gây khó khăn. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo hành, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Hợp đồng thi công xây dựng số 2018-HDV-C-101/HADO-ADD có quy định “kể từ ngày hoàn thành công tác kiểm tra hoàn công, bên B phải bảo hành cho tất cả các vấn đề phát sinh trong phạm vi hợp đồng”. Như vậy, nếu căn cứ theo quy định này thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo hành sẽ được xác định từ ngày 30/3/2020 đây là thời điểm bên B đã hoàn thành công tác thi công và bước vào giai đoạn nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình đưa vào sử dụng (để thực hiện việc nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng buộc phải có hồ sơ hoàn công công trình các hồ sơ bản gốc này đã được Se ADD bàn giao lại cho Công ty H ngày 06/5/2019 và ngày 16/5/2019). Tuy nhiên, phía Công ty S xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ bảo hành bắt đầu từ ngày 24/4/2019 là thời điểm có văn bản thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Sở xây dựng tỉnh Ninh Bình. Việc Công ty H căn cứ vào Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng số 03/HADO-SEA/NT-2019 để xác định thời điểm bắt đầu bảo hành được tính từ ngày 12/9/2019 là hoàn toàn vô căn cứ, không thể nói là thời điểm bắt đầu bảo hành được tính từ ngày 12/9/2019.

Tại đơn đề nghị, Văn bản ý kiến và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp, người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:

Công ty H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty ADD bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trong quá trình thi công xây dựng công trình theo hợp đồng đã ký SE ADD đã để xảy ra lỗi và chưa khắc phục hết. Ngày 01/8/2018, Công ty H và Công ty ADD đã ký Hợp đồng thi công số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD với nội dung công việc là thi công xây dựng Nhà máy H. Ngày 12/9/2019, nguyên đơn và bị đơn đã ký “Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng” số 01/HADO-SEA/NT-2019. Cùng ngày 12/9/2019, nguyên đơn và bị đơn đã ký bản “Báo cáo vấn đề cần khắc phục” số 120919/HADO-SEA/DR-2019 trong đó có liệt kê chính xác 17 lỗi, kèm biện pháp sửa chữa và thời gian dự kiến hoàn thành sửa chữa. Sau đó, ngày 07/01/2020 nguyên đơn đã có văn bản số SEA/CV-20-0701 gửi cho bị đơn có nội dung chốt tiến độ thi công lắp đặt camera như yêu cầu của bị đơn (do nguyên đơn chưa thực hiện theo đúng bảng tổng hợp hạng mục thi công kèm theo Hợp đồng thi công). Theo biên bản thỏa thuận số 01/HADO-SEA/TT-2019 ngày 12/9/2019 thì nguyên đơn ghi nhận số tiền phạt 3.000.000.000 VNĐ do chậm tiến độ thi công hoàn thiện công trình theo Hợp đồng thi công đã ký. Bị đơn đã có văn bản yêu cầu nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền này nhưng đến nay vẫn không có kết quả.

Thứ hai, Công ty H chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán hợp đồng với Công ty ADD. Tại Điều 6 của hợp đồng các bên thỏa thuận: “việc thanh toán dựa theo khối lượng công việc hoàn thành”. Tại Điều 2 Phụ lục hợp đồng các bên thỏa thuận: “2. Điều khoản thanh toán bên A thanh toán cho bên B 95% giá trị phụ lục hợp đồng sau khi bên B hoàn thành công việc”. Căn cứ theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng, hai bên đã thống nhất việc thanh toán dựa trên khối lượng công việc hoàn thành. Như vậy, căn cứ theo chứng cứ bị đơn cung cấp là Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng số 03/HADO-SEA/NT-2019 và báo cáo các vấn đề cần khắc phục số 120919/HADO-SEA/DR-2019 thì Công ty S xác nhận một số hạng mục trong công trình xây dựng vẫn còn lỗi cần sửa chữa. Hiện nay, các công trình vẫn chưa được Công ty ADD tiến hành sửa chữa hết.

Thứ ba, Công ty ADD chưa xuất đủ hóa đơn cho Công ty H. Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định Công ty ADD có trách nhiệm lập và giao hóa đơn cho Công ty H với thời điểm lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình. Tính đến ngày 25/11/2019 Công ty ADD mới xuất hóa đơn cho Công ty H 5 lần với tổng số tiền 83.971.420.000 VNĐ. Số tiền mà Công ty ADD còn chưa xuất đủ hóa đơn cho Công ty H là 5.582.580.000VNĐ. Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định các khoản chi sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp phải có điều kiện sau: “khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Ngày 12/9/2019, hai bên ký biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình nhưng từ đó đến nay Công ty ADD vẫn chưa xuất đủ hóa đơn cho Công ty H dẫn đến Công ty H không có đủ lượng hóa đơn để chi tiền và quyết toán thuế theo đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân Công ty H vẫn chưa thể thực hiện việc thanh toán số tiền còn lại cho Công ty ADD.

Thứ tư, việc Công ty ADD yêu cầu trả lãi do chậm thanh toán là không có cơ sở. Tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 37/2015/CĐ-CP quy định: “các bên thỏa thuận trong hợp đồng về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán”. Nội dung Hợp đồng 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD và Phụ lục, Biên bản nghiệm thu số 03/HADO- SEA/NT-2019 cũng như các thỏa thuận khác được ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn đều không có điều khoản quy định về thời hạn thanh toán. Tại khoản 3 Điều 519 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trả tiền dịch vụ như sau: “3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do không có điều khoản quy định về thời hạn thanh toán cùng với đó như đã phân tích ở trên do phía Công ty ADD chưa hoàn thành công việc do chưa tiến hành sửa chữa, khắc phục các lỗi theo “Báo cáo vấn đề cần khắc phục” số 120919/HADO-SEA/DR-2019 nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đề nghị Công ty H thanh toán thêm số tiền: 512.349.353 VNĐ (lãi do chậm thanh toán tính đến ngày 13/7/2020) là không có cơ sở.

Thứ năm, đề nghị Tòa án yêu cầu Công ty ADD thực hiện nghĩa vụ bảo hành và khắc phục, sửa chữa các lỗi thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Ngày 14/7/2021, Công ty A đã có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện trong vụ án nói trên cụ thể như sau: rút yêu cầu về phần tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán tính theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của ngân hàng Vietcombank tính từ ngày 25/4/2020 (tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 đồng tiền lãi chậm thanh toán).

Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu Công ty ADD thực hiện nghĩa vụ bảo hành công trình theo đúng các nội dung của hợp đồng. Bởi lẽ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của hợp đồng thi công “Trong suốt quá trình trách nhiệm bảo hành theo quy định trong hợp đồng, kể từ ngày hoàn thành công tác kiểm tra hoàn công, bên B phải bảo hành cho tất cả các vấn đề phát sinh của công trình trong phạm vi hợp đồng...”. Bị đơn đã rất nhiều lần gửi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo hành cho nguyên đơn, điển hình tổng hợp lại tất cả các yêu cầu là tài liệu gửi ngày 11/9/2020 với các lỗi và phương pháp khắc phục (bị đơn đã tham khảo ý kiến tư vấn của đơn vị tư vấn được ký hợp đồng là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng VCC Hà Nội) nhưng phía nguyên đơn tiếp tục không thiện chí hợp tác và thực hiện nghĩa vụ bảo hành. Đến thời điểm hiện tại, Công ty ADD chưa hoàn thành việc sửa chữa và bảo hành đối với các lỗi đó. Tại khoản 1 Điều 125 Luật xây dựng 2014 quy định: “Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo hành công trình do mình thi công”. Tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định: “Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành phần công việc do mình thực hiện sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành”. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S và thực hiện nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa khắc phục các lỗi thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021, Tòa án nhân dân thành phố N đã căn cứ các Điều 5, 30, 35, 39, 147, khoản 1 Điều 228, 238, 244, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 112, 113, 123, 124, 138, 139, 140, 141, 144, 147 của Luật xây dựng; Điều 306 của Luật thương mại; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện đòi thanh toán khoản tiền bảo đảm bảo hành công trình 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính từ ngày 25/4/2020 (tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 đồng tiền lãi chậm thanh toán), giữa nguyên đơn Công ty A và bị đơn Công ty H.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty H.

2.1 Buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số tiền còn phải thanh toán trong hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và Phụ lục hợp đồng số 2019-PLHDV-C-101/HADO- SE ADD ngày 10/3/2019 là 5.123.493.532 VNĐ (năm tỷ một trăm hai mươi ba triệu bốn trăm chín mươi ba nghìn năm trăm ba mươi hai đồng).

2.2 Buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 13/9/2019 đến ngày 10/9/2021 là 1.040.701.951 VNĐ (một tỷ không trăm bốn mươi triệu bảy trăm linh một nghìn chín trăm năm mươi mốt đồng).

2.3 Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận là mức lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

3. Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Buộc Công ty H phải chịu 114.164.000 VNĐ (một trăm mười bốn triệu một trăm sáu mươi tư nghìn đồng). Hoàn trả lại cho Công ty A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 58.800.000 VNĐ (năm mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số:

0001587 ngày 14/7/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố N.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 21 tháng 9 năm 2021, Công ty H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án với nội dung: Quyết định của bản án không khách quan, không đúng pháp luật, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố N theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

Về tố tụng: Thư ký, Thẩm phán và Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; không chấp nhận kháng cáo của Công ty H, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố N.

Án phí dân sự phúc thẩm Công ty H phải nộp theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đơn kháng cáo của Công ty H được làm trong thời hạn pháp luật quy định và đúng hình thức, nội dung theo quy định tại các Điều 272, 273 và 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét nội dung kháng cáo nhận thấy:

[2.1] Công ty A (trước đây là Công ty S) và Công ty H ký Hợp đồng thi công số 2018-HDV-C-101/HADO-ADD ngày 01/8/2018 và Phụ lục Hợp đồng số 2019- PLHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019 có nội dung như sau:

Tên dự án: đầu tư xây dựng Nhà máy may vải không dệt xăm kim H, địa điểm tại cụm công nghiệp C, phường P, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; thời gian thi công từ ngày 01/8/2018 đến ngày 30/3/2019; giá trị hợp đồng không bao gồm thuế VAT là 75.792.200.000 VNĐ; thuế VAT là 7.579.220.000 VNĐ; thời hạn bảo hành là 12 tháng; giá trị bảo hành là 5% trước thuế của hợp đồng. Tổng giá trị khối lượng phát sinh theo phụ lục số 2019-PHHDV-C-101/HADO-SE ADD-01 là 6.128.580.000 VNĐ (đã bao gồm thuế VAT).

Ngày 12/9/2019 hai bên ký Thanh lý Hợp đồng số 120919/HADO-SEA/TL- 2019. Tại biên bản thanh lý hai bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng số 2018-HDV- C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và phụ lục hợp đồng số 2019-PLHDV-C- 101/HADO-SE ADD-01 ngày 10/3/2019 với những nội dung sau: phần công việc đã thực hiện: bên B đã hoàn thành thực hiện hạng mục: thi công Nhà máy H Ninh Bình theo đúng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật theo như hợp đồng đã ký kết. Phần giá trị: giá trị quyết toán hai bên A – B: 89.500.000.000 VNĐ. Giá trị bên A đã thanh toán: 73.708.324.650 VNĐ. Giữ lại bảo hành 1 năm:

4.068.181.818 VNĐ. Giá trị bên A còn phải thanh toán là: 11.723.493.532 VNĐ (đã bao gồm thuế VAT 10%).

Sau khi hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng, Công ty H thanh toán trả tiếp cho Công ty A số tiền là 6.600.000.000 VNĐ, đến nay Công ty H vẫn còn phải trả cho Công ty A số tiền là 5.123.493.532 VNĐ.

[2.2] Tại đơn khởi kiện ngày 17/6/2020, đại diện theo pháp luật của Công ty A yêu cầu Tòa án: buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số công nợ còn lại là:

5.123.493.532 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank (10,5%/1 năm) tính từ ngày 13/9/2019 đến khi trả hết nợ và tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán, tính theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank tính từ ngày 25/4/2020.

Ngày 14/7/2021, Công ty A có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện về phần tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán tính theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Vietcombank tính từ ngày 25/4/2020 tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 VND. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà nguyên đơn đã rút là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi quyết định đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu này, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hậu quả của việc đình chỉ xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 218, khoản 3 Điều 192 và khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố N theo hướng Công ty A có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu kiện đòi thanh toán khoản tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán khoản tiền này đối với Công ty H bằng vụ án khác.

[2.3] Ngày 12/9/2019, là lần cuối cùng hai bên nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và thanh lý hợp đồng. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất bị đơn còn nợ nguyên đơn tiền thanh toán công trình là 5.123.493.532 VNĐ (không tính số tiền bảo đảm bảo hành).

Theo thỏa thuận tại khoản 2 Điều 17 của Hợp đồng thi công số 2018-HDV-C- 101/HADO-ADD ngày 01/8/2018 thì ngay khi nhận bàn giao công trình, bị đơn phải thanh toán giá trị công trình cho nguyên đơn. Bị đơn cho rằng bản thanh lý hợp đồng là để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và hợp lệ thủ tục để thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy nhưng Bị đơn không đưa ra được các tài liệu chứng cứ có giá trị pháp lý chứng minh cho yêu cầu của mình. Ngoài bản thanh lý hợp đồng ngày 12/9/2019, không có văn bản, tài liệu nào thể hiện các bên chỉ thanh lý hợp đồng mang tính hình thức để hợp lệ thủ tục trình các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, trước khi thanh lý hợp đồng các bên đã mời cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở xây dựng tỉnh Ninh Bình thẩm định trước khi bàn giao đưa vào sử dụng. Trên thực tế, công trình đã được bị đơn đưa vào sử dụng trong thời gian dài; đồng thời các bên đã thống nhất việc nguyên đơn thi công công trình chậm tiến độ so với thỏa thuận và hai bên đã thống nhất nguyên đơn chịu phạt khoản tiền 3.000.000.000 VNĐ – nội dung này bị đơn đang chấp nhận và khởi kiện nguyên đơn tại Tòa án nhân dân quận N, Thành phố H.

Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đã rút yêu cầu đối với khoản tiền đảm bảo bảo hành, Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này. Trong thời hạn tố tụng, bị đơn không có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn về việc phải trả tiền phạt tiến độ số tiền 3.000.000.000 VNĐ và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, không đảm bảo yêu cầu theo thiết kế được duyệt, thi công không bảo đảm chất lượng nhưng bị đơn đã khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân quận N, Thành phố H thụ lý giải quyết đối với hai yêu cầu này. Như vậy, yêu cầu của bị đơn đối với nguyên đơn về việc phải trả tiền phạt tiến độ số tiền 3.000.000.000 VNĐ và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, không đảm bảo yêu cầu theo thiết kế được duyệt, thi công không bảo đảm chất lượng đang được Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án không phụ thuộc và kết quả giải quyết hai yêu cầu khởi kiện của bị đơn tại Tòa án nhân dân quận N, thành phố H; trường hợp phát sinh nghĩa vụ thanh toán của nguyên đơn đối với bị đơn khi có bản án của Tòa án nhân dân quận N, thành phố H sẽ được Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xem xét.

Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số tiền còn phải thanh toán theo hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và Phụ lục hợp đồng số 2019- PLHDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 10/3/2019 là 5.123.493.532 VNĐ (năm tỷ một trăm hai mươi ba triệu bốn trăm chín mươi ba nghìn năm trăm ba mươi hai đồng) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; cần bác yêu cầu kháng cáo này của bị đơn.

[2.4] Ngày 12/9/2019, là lần cuối cùng Công ty H và Công ty A nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào hoạt động và cũng là thời điểm bị đơn phải thanh toán hết tiền giá trị công trình cho nguyên đơn, trừ số tiền giữ lại bảo đảm bảo hành nhưng bị đơn chưa thanh toán số tiền còn lại cho nguyên đơn nên theo thỏa thuận tại khoản 3 Điều 17 của hợp đồng và quy định tại Điều 306 của Luật thương mại, bị đơn phải chịu khoản tiền lãi chậm thanh toán. Căn cứ Văn bản số 184/VCBNBi-KT ngày 04/8/2021 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình (Vietcombank) thì lãi suất áp dụng khi vay vốn của Vietcombank tháng 9 năm 2021 là 10,5%/năm. Như vậy, số tiền lãi do chậm thanh toán mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn từ ngày 13/9/2019 đến ngày xét xử 10/9/2021 là 1.040.701.951 VNĐ. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Công ty H phải trả cho Công ty A 1.040.701.951 VNĐ tiền lãi do chậm thanh toán là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; cần bác yêu cầu kháng cáo này của bị đơn.

[3] Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty H phải nộp 114.164.000 VNĐ (một trăm mười bốn triệu một trăm sáu mươi tư nghìn đồng). Trả lại cho Công ty A số tiền 58.800.000 VNĐ (năm mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001587 ngày 14/7/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố N.

[4] Án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do bản án bị sửa nên Công ty H không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Trả lại cho Công ty H số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 112, 113, 123, 124, 138, 139, 140, 141, 144, 147 của Luật xây dựng; Điều 306 của Luật thương mại; khoản 2 Điều 148, Điều 217, 218, 244, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

Sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 10/9/2021 của Tòa án nhân dân thành phố N. Cụ thể:

1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện đòi thanh toán khoản tiền bảo đảm bảo hành công trình 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán theo lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính từ ngày 25/4/2020 tạm tính đến ngày 25/6/2020 là 81.363.362 VNĐ, giữa nguyên đơn Công ty A và bị đơn Công ty H.

2. Công ty A có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu kiện đòi thanh toán khoản tiền bảo đảm bảo hành công trình là 4.068.181.818 VNĐ cùng tiền lãi do chậm thanh toán khoản tiền này đối với Công ty H bằng một vụ án khác.

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty H.

3.1 Buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số tiền còn phải thanh toán trong hợp đồng số 2018-HDV-C-101/HADO-SE ADD ngày 01/8/2018 và Phụ lục hợp đồng số 2019- PLHDV-C-101/HADO- SE ADD ngày 10/3/2019 là 5.123.493.532 VNĐ (năm tỷ một trăm hai mươi ba triệu bốn trăm chín mươi ba nghìn năm trăm ba mươi hai đồng).

3.2 Buộc Công ty H phải trả cho Công ty A số tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 13/9/2019 đến ngày 10/9/2021 là 1.040.701.951 VNĐ (một tỷ không trăm bốn mươi triệu bảy trăm linh một nghìn chín trăm năm mươi mốt đồng).

3.3 Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận là mức lãi suất áp dụng khi vay vốn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

4. Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty H phải nộp 114.164.000 VNĐ (một trăm mười bốn triệu một trăm sáu mươi tư nghìn đồng). Trả lại cho Công ty A số tiền 58.800.000 VNĐ (năm mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001587 ngày 14/7/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố N.

5. Án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty H không phải nộp, được trả lại số tiền 2.000.000 VND (hai triệu đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0000645 ngày 07/10/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2013
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng số 01/2022/KDTM-PT

Số hiệu:01/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:13/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về