Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi số 60/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 60/2022/DS-PT NGÀY 12/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ HỢP ĐỒNG GÓP HỤI

Ngày 12 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 205/2021/TLPT-DS ngày 24/12/2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 95/2021/DS-ST ngày 16/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 31/2022/QĐ-PT ngày 22/02/2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà A, sinh năm 1979, có mặt;

2. Ông B, sinh năm 1980, vắng mặt;

Cùng nơi cư trú: số 243 ấp T, xã K B, huyện C, tỉnh An Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của ông B: bà A (theo văn bản ủy quyền ngày 12/7/2021), có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà A, ông B: Luật sư C - Công ty luật TNHH MTV Tấn Thành, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang; địa chỉ: 32 B, phường M, thành phố X, tỉnh An Giang, có mặt.

- Bị đơn:

1. Ông D, sinh năm 1966, vắng mặt;

2. Bà Đ, sinh năm 1966, vắng mặt;

Cùng nơi cư trú: ấp N 1, xã M, huyện C, tỉnh An Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của ông D, bà Đ: ông E, sinh năm 1982, nơi cư trú: số 119/2, tổ 11, đường D, phường T, thành phố X, tỉnh An Giang (theo văn bản ủy quyền ngày 09 tháng 3 năm 2022), có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông T, sinh năm 1989; nơi cư trú: ấp N 1, xã M, huyện C, tỉnh An Giang, vắng mặt.

2. Bà Y, sinh năm 1990; nơi cư trú: ấp N 1, xã M, huyện C, tỉnh An Giang, vắng mặt.

3. Bà N (Thu), sinh năm 1986; nơi cư trú: ấp N 1, xã M, huyện C, tỉnh An Giang, vắng mặt.

Người kháng cáo: nguyên đơn bà A, ông B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung án sơ thẩm:

Trong đơn khởi kiện, tờ tự khai và các biên bản hòa giải, nguyên đơHn bà A trình bày:

Khoảng 2015 vợ chồng bà với vợ chồng bà Đ có giao dịch vay tiền, vợ chồng bà Đ có hỏi vay tiền của vợ chồng bà nhiều lần. Cụ thể:

- Ngày 29/10/2016 âm lịch, vợ chồng bà cho vợ chồng bà Đ, ông D vay số tiền 100.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn cho bà. Tổng số lãi bà đã nhận là 102.000.000 đồng. Việc vay này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ, ông D có ký tên. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 16/11/2016 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 100.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn cho bà. Tổng số lãi bà đã nhận là 99.000.000 đồng. Việc vay này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ có ký tên và ký tên thay cho chồng là ông D. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 16/02/2017 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 200.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn. Tổng số lãi bà đã nhận là 180.000.000 đồng. Việc vay này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ có ký tên và ký tên thay cho chồng là ông D. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 22/4/2017 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 40.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn. Tổng số lãi bà đã nhận là 33.600.000 đồng. Số tiền này do N là con bà Đ nhận tiền và việc vay này có làm biên nhận do N ký tên. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 22/7/2017 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 420.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 22/3/2019 âm lịch với số tiền 252.000.000 đồng. Sau đó, ngày 22/3/2019 bà có cho bà Đ vay số tiền 80.000.000 đồng để bà Đ trả lãi cho người khác, nên ngày 22/3/2019 tổng cộng số tiền bà Đ vay của bà 500.000.000 đồng, lãi suất cũng thỏa thuận 3%/tháng, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn. Tổng số lãi bà đã nhận là 75.000.000 đồng. Việc vay hai số tiền này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ ký tên và ký tên thay cho chồng là ông D. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 24/11/2017 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 300.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn. Tổng số lãi bà đã nhận là 189.000.000 đồng. Việc số tiền này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ ký tên và ký tên thay cho chồng là ông D. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này;

- Ngày 10/02/2019 âm lịch, bà có cho bà Đ vay số tiền 300.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, mục đích vay để làm vốn kinh doanh mua bán, thời hạn trả 01 tháng. Bà Đ trả lãi cho bà đến 19/8/2019 âm lịch thì ngưng và cũng không trả vốn cho bà. Tổng số lãi bà đã nhận là 54.000.000 đồng. Việc số tiền này có làm biên nhận do bà Đ viết, bà Đ ký tên, T con bà Đ và Y vợ T có ký tên. Đối với số tiền này thời hạn trả là 01 tháng, bà có đến đòi nhưng bà Đ xin bà khi nào có tiền sẽ trả, bà Đ hứa trả lãi đầy đủ, nên bà đã tiếp tục để cho bà Đ vay số tiền này. Do bà Đ kêu hai con của bà ký tên để bà tin tưởng, giữa bà với bà Đ, T, Y cũng không có thỏa thuận T và Y sẽ cùng bà Đ trả số tiền này cho bà. Như vậy, tổng cộng số tiền bà cho bà Đ vay là 1.540.000.000 đồng.

Ngoài ra, bà Đ còn tham gia chơi hụi do bà làm chủ, cụ thể:

- Dây hụi thứ I: Khởi khui ngày 25/6/2016 âm lịch, dây hụi 5.000.000 đồng/tháng, có 24 hụi viên, bà Đ vô 01 chân. Bà Đ hốt hụi ngày 25/01/2017 âm lịch. Số tiền hụi bà đã giao cho bà Đ 94.200.000 đồng. Việc giao tiền hụi cho bà Đ, bà Đ có ghi vào sổ hụi của bà và có ký tên. Sổ hụi này bà có nộp bản photo cho Tòa án khi nộp đơn khởi kiện, với thời gian giao tiền cho bà Đ là ngày 25/10/2016 âm lịch, nhưng sau đó bà về tính lại thì bị nhầm tháng và năm giao tiền hụi cho bà Đ, phải là ngày 25/01/2017 âm lịch mới đúng và bà có chỉnh sửa thời gian này trong sổ hụi của bà. Bà đã cung cấp lại sổ hụi này cho Tòa án. Từ khi hốt hụi bà Đ không chầu hụi chết. Dây hụi này đến 25/5/2018 âm lịch thì mãn. Tổng cộng số tiền hụi chết bà Đ chưa chầu là 75.000.000 đồng. Việc bà Đ còn nợ tiền hụi chết của bà 75.000.000 đồng không có giấy tờ, không làm biên nhận nợ. Việc chơi hụi của bà Đ với bà có hụi viên biết, còn việc bà Đ không chầu hụi chết cho bà thì hụi viên không biết;

- Dây hụi II: Khởi khui ngày 6/9/2016 âm lịch, dây hụi 5.000.000 đồng/tháng, có 24 hụi viên, bà Đ vô 02 chân. Bà Đ hốt hụi ngày 06/02/2017 âm lịch. Số tiền hụi bà đã giao cho bà Đ 81.540.000 đồng. Việc giao tiền hụi cho bà Đ, bà Đ có ghi vào sổ hụi của bà và có ký tên, đồng thời ký tên cho chồng là ông D. Sau đó, ngày 06/3/2017 âm lịch bà Đ hốt hụi, số tiền hụi bà đã giao cho bà Đ 85.300.000 đồng. Việc giao tiền hụi cho bà Đ, bà Đ có ghi vào sổ hụi của bà và có ký tên, đồng thời ký tên cho chồng là ông D. Từ khi hốt hụi bà Đ không chầu hụi chết cho bà. Dây hụi này đến 06/8/2018 âm lịch thì mãn. Tổng cộng số tiền hụi chết bà Đ chưa chầu là 175.000.000 đồng. Việc bà Đ còn nợ tiền hụi chết của bà 175.000.000 đồng không có giấy tờ, không làm biên nhận nợ. Việc chơi hụi của bà Đ với bà có hụi viên biết, còn việc bà Đ không chầu hụi chết cho bà thì hụi viên không biết;

Tổng cộng số tiền hụi bà Đ chưa chầu cho bà là 250.000.000 đồng.

Bà có đến đòi tiền bà Đ, ông D nhiều lần nhưng bà Đ, ông D không có khả năng thực hiện việc trả tiền. Sau đó, bà Đ có giao đồ gỗ gồm tủ, bàn, ghế cho bà, cũng như giao đồ gỗ cho bà G ở ấp L, xã K B, huyện C, tỉnh An Giang, tổng cộng là 480.000.000 đồng. Do đó, nay bà xác định bà Đ nợ bà số tiền vay và hụi là 1.790.000.000 đồng, bà đã nhận đồ gỗ của bà Đ trừ nợ là 480.000.000 đồng, nên bà Đ còn nợ bà số tiền 1.310.000.000 đồng.

Bà A xác định có nhận số tiền 1.000.000.000 đồng do bà Đ trực tiếp trả cho bà vào ngày 19/8/2019 âm lịch. Việc bà nhận tiền do bà Đ trả không làm biên nhận. Bà Đ, ông D vay tiền của bà tổng cộng số tiền vay là 2.540.000.000 đồng. Trong đó, số tiền vay 1.540.000.000 đồng có làm biên nhận riêng như bà đã cung cấp cho Tòa án. Còn số tiền 1.000.000.000 đồng không làm biên nhận riêng mà được thể hiện trong sổ sách của bà Đ, do bà Đ ghi và giữa bà với bà Đ thường ghi trực tiếp vào sổ bà Đ khi khấu trừ nợ với nhau. Bà không giữ bất kỳ sổ sách nào của bà Đ. Nay bà xác định yêu cầu bà Đ, ông D có nghĩa vụ trả cho bà số tiền vay và hụi là 1.310.000.000 đồng, bà xin rút yêu cầu đối với T, Y, N (Thu). Việc bà yêu cầu ông D cùng có nghĩa vụ với bà Đ là do việc vay tiền này là mục đích làm vốn kinh doanh của hai vợ chồng và ông D cũng có lần cùng với bà Đ đến nhà bà hỏi vay tiền nên biết việc vay tiền giữa bà với bà Đ. Bà không yêu cầu tính lãi trên số tiền vay và tiền hụi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà A xác định tài liệu (loại giấy tập học sinh) bà Đ cung cấp cho Tòa án là từ cuốn sổ ghi nợ của bà Đ, được bà Đ đánh dấu số 2, trên đầu có dòng chữ “(22/10/2019)”, là chứng cứ thể hiện bà Đ vay của bà số tiền 1.258.300.000 đồng từ năm 2016 đến năm 2019, không có biên nhận nợ, nhưng được ghi nhận bằng sổ ghi nợ của hai bên, do sổ ghi nợ của bà bị mất, nên bà xác nhận việc vay nợ này bằng sổ nợ của bà Đ. Bà Đ trả cho bà được 1.000.000.000 đồng từ việc bán cửa hàng của Tám H, nên bà Đ còn nợ bên ngoài không biên nhận là 258.300.000 đồng, do không có chữ ký của bà Đ nên bà không khởi kiện, mà chỉ khởi kiện theo biên nhận là 1.540.000.000 đồng. Bà xác định không chứng minh được việc bà Đ trả 1.000.000.000 đồng là trả vào số nợ bên ngoài các biên nhận nợ bà đang khởi kiện. Bà xác định yêu cầu bà Đ, ông D có nghĩa vụ trả cho bà số tiền vay và hụi là 1.310.000.000 đồng, bà xin rút yêu cầu đối với T, Y, N (Thu); rút yêu cầu đối với số tiền 480.000.000 đồng; rút yêu cầu tính lãi theo quy định pháp luật từ ngày nộp đơn khởi kiện đến ngày Tòa án xét xử đối với số tiền vay. Đồng thời, yêu cầu Tòa án tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của ông D, bà Đ.

Tại các biên bản làm việc của Tòa án, b đơn và người đại diện hợp pháp của b đơn trình bày: Giữa bà A và bà Đ có mối quan hệ vay mượn và tham gia chơi hụi với nhau. Hình thức vay rồi trả, trả xong rồi tiếp tục vay tiếp. Bà Đ xác định có nợ tiền vay tiền hụi như bà A trình bày tổng cộng 1.790.000.000 đồng, thể hiện qua các biên nhận nợ do bà A cung cấp cho Tòa án, bà Đ xác định chữ ký của bà trong các biên nhận nợ gồm biên nhận ngày 29/10/2016 số tiền 100.000.000 đồng, biên nhận ngày 16/11/2016 số tiền 100.000.000 đồng, biên nhận ngày 16/02/2017 số tiền 200.000.000 đồng, biên nhận ngày 22/4/2017 số tiền 40.000.000 đồng, biên nhận ngày 22/7/2017 số tiền 420.000.000 đồng, biên nhận ngày 24/11/2017 số tiền 300.000.000 đồng, biên nhận ngày 10/02/2019 số tiền 300.000.000 đồng. Như vậy, bà Đ xác định bà vay của bà A tổng cộng số tiền 1.540.000.000 đồng và số tiền hụi chết chưa chầu như bà A trình bày là 250.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền nợ vay và hụi là 1.790.000.000 đồng.

Sau khi chốt nợ vay và hụi của bà A 1.790.000.000 đồng, bà Đ đã trả dần cho bà A đến thời điểm 22/10/2019 bà Đ còn nợ bà A số tiền 1.258.300.000, sau đó trừ nợ của ông Tám H 1.000.000.000 đồng (thông qua việc trừ nợ với vợ chồng ông I, sinh năm 1959, bà H (Tám H), sinh năm 1966. Do bà Đ cầm cố nhà và đất cho ông I, bà H số tiền 2.500.000.000 đồng, nên bà có kêu ông I, bà H trả cho bà A 1.000.000.000 đồng). Do đó, bà Đ còn nợ bà A 258.300.000 đồng. Đồng thời, bà Đ còn nợ hụi bà A đến ngày 22/10/2019 là 160.000.000 đồng. Như vậy, tính đến ngày 22/10/2019 bà Đ nợ bà A tiền vay 258.300.000 đồng, tiền hụi 160.000.000 đồng. Tổng cộng 418.300.000 đồng. Sau đó, bà Đ có giao đồ gỗ cho bà G, không biết năm sinh, địa chỉ ấp L, xã K B, huyện C, tỉnh An Giang để trừ nợ cho bà A số tiền 423.200.000 đồng vào ngày 22/11/2020. Đồng thời, vợ chồng bà Đ có giao đồ gỗ bà A số tiền 193.000.000 đồng vào ngày 24/7/2019. Như vậy, sau khi khấu trừ nợ thì bà A còn nợ lại bà Đ số tiền 197.900.000 đồng. Tuy nhiên, bà Đ không yêu cầu bà A trả số tiền này cho bà.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn xác định, bà Đ nợ tiền bà A gồm tiền hụi là 250.000.000 đồng, tiền vay 1.540.000.000 đồng theo biên nhận nợ bà A cung cấp cho Tòa án. Bà Đ đã trả cho bà A 480.000.000 đồng qua việc giao đồ gỗ để trừ nợ, trả cho bà A được 1.000.000.000 đồng, việc này đã được bà A thừa nhận, nên xác định hiện nay chỉ còn nợ bà A 310.000.000 đồng. Đồng thời, xác định ngoài khoảng vay theo các biên nhận nợ mà bà A cung cấp cho Tòa án thì bà Đ không vay khoảng tiền nào khác mà không có làm biên nhận nợ. Nay, ông D, bà Đ đồng ý trả cho bà A, ông B số tiền vay và hụi còn nợ 310.000.000 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2021/DS-ST ngày 16/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết đ nh:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A đối với ông D, bà Đ.

Buộc ông D, bà Đ phải có nghĩa vụ liên đới trả cho ông B, bà A số tiền vay và hụi 310.000.000 (ba trăm mười triệu) đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A đối với ông D, bà Đ, về việc yêu cầu ông D, bà Đ trả cho ông B, bà A số tiền 1.000.000.000 (một tỷ) đồng.

Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A, về việc yêu cầu yêu cầu ông D, bà Đ trả số tiền 480.000.000 (bốn trăm tám mươi triệu) đồng; về việc yêu cầu ông T, bà Y, chị N (Thu) trả số tiền vay và hụi 1.790.000.000 (một tỷ, I trăm chín mươi triệu) đồng và về việc yêu cầu tính lãi theo quy định pháp luật từ ngày nộp đơn khởi kiện đến ngày Tòa án xét xử đối với số tiền vay.

Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 32/2020/QĐ-BPKCTT ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện C về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”.

Hủy bỏ Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm số 159/2020/QĐ- BPBĐ ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện C. Bà A, ông B được nhận lại số tiền 83.000.000 (tám mươi ba triệu) đồng mà ông, bà đã thực hiện biện pháp bảo đảm tại tài khoản phong tỏa số 6711205010188 tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện C, tỉnh An Giang khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà A, ông B kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, buộc ông D, bà Đ trả cho ông, bà số tiền vay, tiền hụi là 1.310.000.000đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo - nguyên đơn A, B - Luật sư C trình bày:

Bà A, ông B kháng cáo đối với số tiền 01 tỷ mà Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận nên chỉ tranh luận trong phạm vi kháng cáo. Nguyên đơn cho rằng số tiền 01 tỷ bị đơn trả cho nguyên đơn là phần nợ khác, còn bị đơn cho rằng số tiền 01 tỷ đã trả là trả cho phần nợ mà nguyên đơn đang khởi kiện.

Bị đơn cho rằng đã trả 01 tỷ cho nguyên đơn dựa trên BL 84 có dòng chữ “258.300 Đ còn nợ A” được bị đơn ghi ngày 22/10/2019 thông qua cấn trừ nợ ông Tám H 1 tỷ đồng, trong khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông I, bà H lập ngày 19/8/2019, và cũng mâu thuẫn với số tiền nợ hụi tại BL 77 do bị đơn cung cấp.

Bà A thừa nhận đã trả 01 tỷ là theo các sổ ghi của bà Đ vì bà Đ phải là người có nghĩa vụ chứng minh đã trả 01 tỷ.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị đơn đã trả số tiền 01 tỷ để cấn trừ các biên nhận nợ của nguyên đơn là không có căn cứ.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, buộc bà Đ, ông D trả số tiền 01 tỷ cho bà A, ông B, tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm thi hành án.

Bà A không có ý kiến tranh luận bổ sung Người đại diện theo ủy quyền của b đơn - bà Đ, ông D - ông E trình bày:

Bị đơn đã trả 01 tỷ được bà A thừa nhận.

Từ năm 2016 - 2019, nguyên đơn cho bị đơn vay nhiều khoản nợ. Bà A cho rằng các khoản nợ lớn mới làm biên nhận, các khoản nợ nhỏ không làm biên nhận. Các biên nhận thể hiện bà A rất kĩ trong cho vay. Vậy tại sao khoản vay 01 tỷ này bà A không làm biên nhận? Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà A đối đáp: các biên nhận được lập do thời gian đầu mới giao dịch với nhau, sau này đã quen biết thì không làm biên nhận.

Ông E đối đáp: không đồng ý với ý kiến bà A vì rõ ràng năm 2019, khi bà Đ vay 300.000.000 đồng vẫn làm biên nhận.

Luật sư C đối đáp: các tài liệu bị đơn cung cấp giữa BL 84 và BL 77 có mâu thuẫn nên không thể nào là trừ nợ 01 tỷ.

Ông E đối đáp: đây là sổ bà Đ ghi theo dõi nhiều khoản nợ, chứ không phải để đối chiếu nợ với bà A Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến:

- Về tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý đến khi xét xử.

- Về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: đương sự, người tham gia tố tụng khác đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết đối với Bản án sơ thẩm có kháng cáo:

Giữa ông B, bà A và ông D, bà Đ tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi. Hai bên thống nhất số nợ vay là 1.540.000.000 đồng và nợ hụi là 250.000.000 đồng, tổng cộng 1.790.000.000 đồng. Bà A đã nhận đồ gỗ của bà Đ trị giá 480.000.000 đồng nên rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền trên. Còn lại 1.310.000.000 đồng.

Bà A thừa nhận có nhận của bà Đ số tiền 1.000.000.000 đồng nhưng là nhận của khoản vay 1.258.300.000 đồng (không có làm biên nhận). Còn khoản vay có biên nhận thì bà Đ chưa trả. Bà A không có chứng cứ chứng minh, không được bà Đ thừa nhận. Nên bà Đ cho rằng đã trả bà A 1.000.000.000 đồng là có căn cứ chấp nhận. Tòa án nhân dân huyện C chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A. Buộc ông D, bà Đ trả số tiền còn nợ 310.000.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A đối với số tiền 1.000.000.000 đồng là có căn cứ.

Ông B, bà A kháng cáo, nhưng không cung cấp chứng cứ mới nên không có cơ sở xem xét.

Bởi các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông B, bà A, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2021/DS-ST ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: ông B, bà A kháng cáo và nộp tạm ứng án phí trong thời hạn luật định nên Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm theo quy định tại Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, vẫn tiến hành xét xử.

[2] Về nội dung:

[2.1] Nguyên đơn rút yêu cầu đối với T, Y, N (Thu); rút yêu cầu đối với số tiền 480.000.000 đồng; rút yêu cầu tính lãi theo quy định pháp luật từ ngày nộp đơn khởi kiện đến ngày Tòa án xét xử đối với số tiền vay. Xét thấy, đây là quyền tự định đoạt của đương sự và sự thay đổi này không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ theo Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[2.2] Nguyên đơn bà A và bị đơn bà Đ đều thống nhất, giữa các bên có xác lập Hợp đồng vay tài sản trên cơ sở các biên nhận nợ do nguyên đơn cung cấp vào các ngày 29/10/2016 âm lịch, 16/11/2016 âm lịch, 16/02/2017 âm lịch, 22/4/2017 âm lịch, 22/7/2017 âm lịch, 24/11/2017 âm lịch và 10/02/2019 âm lịch, với tổng số tiền vay 1.540.000.000 đồng. Đối với số tiền của các dây hụi ngày 25/6/2016 âm lịch và ngày 06/9/2016 âm lịch, mặc dù không có chứng từ xác nhận nợ hụi, nhưng được bị đơn thừa nhận tổng cộng tiền hụi bị đơn còn nợ nguyên đơn là 250.000.000 đồng. Bị đơn vay tiền và nợ tiền hụi của nguyên đơn tổng cộng 1.790.000.000 đồng.

Từ đó có đủ cơ sở xác định các bên đã xác lập hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội nên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 463, Điều 471 Bộ luật dân sự 2015.

[2.3] Quá trình làm việc tại giai đoạn sơ thẩm, bà A và bà Đ thống nhất bà Đ có giao đồ gỗ để trừ nợ cho bà A. Bà A xác định tổng cộng số tiền bà Đ giao đồ gỗ để trừ nợ là 480.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn thống nhất theo lời trình bày của nguyên đơn với số tiền bà Đ giao đồ gỗ để trừ nợ là 480.000.000 đồng.

Bà A đã rút yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 480.000.000 đồng.

[2.4] Xét nội dung kháng cáo:

[2.4.1] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền còn nợ là 1.310.000.000 đồng. Bị đơn cho rằng đã trả 1.000.000.000 đồng, chỉ còn nợ số tiền 310.000.000 đồng. Nguyên đơn thừa nhận bị đơn đã trả 1.000.000.000 đồng, nhưng cho rằng là trả cho khoản nợ khác.

[2.4.2] Đối với số tiền đã trả 1.000.000.000 đồng mà các bên đang tranh chấp.

Bà A thừa nhận bà Đ có trả cho bà 1.000.000.000 đồng vào ngày 19/8/2019 âm lịch, nhưng xác định số tiền này bà Đ trả vào số tiền 1.258.300.000 đồng bà Đ vay của bà không có biên nhận. Đồng thời, xác định chứng cứ chứng minh số tiền bà Đ vay của bà 1.258.300.000 đồng là sổ ghi nợ của bà Đ, thể hiện tại tài liệu là Giấy học sinh có tựa đề “(22/10/2019)” (BL 84) do bà Đ cung cấp cho Tòa án.

Trong khi bà Đ xác định tài liệu này là chứng cứ thể hiện số nợ 1.790.000.000 đồng bà đã trả dần cho bà A đến ngày 22/10/2019 còn số tiền là 1.258.300.000 đồng, tiếp tục bà Đ trả 1.000.000.000 đồng thông qua việc khấu trừ nợ với vợ chồng ông I, bà H, có chữ viết của bà A với dòng chữ “Còn lại 258.300.000 đồng, Đ còn nợ A”.

Như vậy, bà A không cung cấp được chứng cứ chứng minh ngoài số tiền vay 1.540.000.000 đã được bà Đ xác nhận có vay và còn nợ bà A theo các biên nhận nợ mà bà A cung cấp cho Tòa án, thì bà Đ có vay của bà A số tiền 1.258.300.000 đồng, trong khi bà Đ không thừa nhận. Mặt khác, bà A cũng không chứng minh được, vào thời điểm bà Đ trả cho bà số tiền 1.000.000.000 đồng, giữa bà và bà Đ có thống nhất tổng số tiền bà Đ vay và còn nợ bà gồm 1.540.000.000 có biên nhận; 1.258.300.000 đồng không có biên nhận và việc bà Đ trả 1.000.000.000 đồng là khấu trừ vào số tiền vay 1.258.300.000 đồng không có biên nhận.

[2.4.3] Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định trong số tiền 1.790.000.000 đồng bà Đ nợ bà A, ngoài số tiền 480.000.000 đồng bà Đ đã trả cho bà A thông qua việc giao đồ gỗ để trừ nợ, thì bà Đ có trả cho bà A số tiền 1.000.000.000 đồng.

Từ đó xác định bà Đ, ông D còn nợ bà A, ông B số tiền vay và hụi là 310.000.000 đồng (1.790.000.000 đồng – 1.480.000.000 đồng), nên xét buộc ông D, bà Đ phải có nghĩa vụ trả cho bà A, ông B số tiền này là phù hợp với Điều 466 Bộ luật dân sự 2015.

[2.5] Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:

Ông D, bà Đ là người phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà A, ông B nên cần tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 32/2020/QĐ-BPKCTT ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện C về “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” để đảm bảo việc thi hành án Do trách nhiệm trả nợ của bà Đ, ông D đối với bà A, ông B đã được xác định nên không cần thiết duy trì Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm số 159/2020/QĐ-BPBĐ ngày 11/11/2020 là có căn cứ

[3] Về án phí phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm nên căn cứ khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bà A, ông B phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Không chấp nhận kháng cáo của ông B và bà A.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2021/DS-ST ngày 16/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh An Giang.

Tuyên xử:

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A, về việc yêu cầu yêu cầu ông D, bà Đ trả số tiền 480.000.000 (bốn trăm tám mươi triệu) đồng; về việc yêu cầu ông T, bà Y, chị N (Thu) trả số tiền vay và hụi 1.790.000.000 (một tỷ, I trăm chín mươi triệu) đồng và về việc yêu cầu tính lãi theo quy định pháp luật từ ngày nộp đơn khởi kiện đến ngày Tòa án xét xử đối với số tiền vay.

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A đối với ông D, bà Đ.

Buộc ông D, bà Đ phải có nghĩa vụ liên đới trả cho ông B, bà A số tiền vay và hụi 310.000.000 (ba trăm mười triệu) đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà A đối với ông D, bà Đ, về việc yêu cầu ông D, bà Đ trả cho ông B, bà A số tiền 1.000.000.000 (một tỷ) đồng.

- Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 32/2020/QĐ-BPKCTT ngày 11 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện C về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”.

- Hủy bỏ Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm số 159/2020/QĐ- BPBĐ ngày 11/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện C. Bà A, ông B được nhận lại số tiền 83.000.000 (tám mươi ba triệu) đồng mà ông, bà đã thực hiện biện pháp bảo đảm tại tài khoản phong tỏa số 6711205010188 tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện C, tỉnh An Giang, khi bản án có hiệu lực pháp luật

- Án phí dân sự sơ thẩm: ông D, bà Đ phải chịu 15.500.000 (mười lăm triệu, năm trăm nghìn) đồng.

Ông B, bà A phải chịu 42.000.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông, bà đã tạm nộp 32.850.000 đồng theo biên lai thu số 0013806 ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh An Giang. Ông B và bà A phải nộp thêm 9.150.000 (chín triệu, một trăm năm mươi nghìn) đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: ông B, bà A mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0009760 và 0009759 ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Ông B, bà A đã nộp xong.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

514
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi số 60/2022/DS-PT

Số hiệu:60/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:12/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về