Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng bảo lãnh số 01/2024/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐĂNG,TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 01/2024/DS-ST NGÀY 10/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN VÀ HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

Trong ngày 10 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh B xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 111/2023/TLST-DS ngày 20 tháng 6 năm 2023, về “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản và Hợp đồng bảo lãnh” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 284/2023/QĐXXST-DS, ngày 20/11/2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Ôn Mai H, sinh năm: 1977 (có mặt) NCT: Thôn C, xã B, huyện B, tỉnh B

- Bị đơn:

1. Bà Trần Thị T, sinh năm: 1980 (vắng mặt) NCT: Thôn G, xã B, huyện B, tỉnh B.

2. Bà Lê Thị T1, sinh năm 1965 (vắng mặt) NCT: Thôn C, xã B, huyện B, tỉnh B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 11/6/2023, quá trình giải quyết v án nguyên đơn bà Ôn Mai H trình bày:

Bà là nhân viên của Trung tâm hỗ trợ bồi thường thuộc Công ty B có văn phòng đại diện tại huyện B. Bà Trần Thị T là nhân viên làm việc tại văn phòng, bà Lê Thị T1 là giám đốc trung tâm, nên trong tháng 10/2022 bà có cho bà T mượn tiền để đóng 04 hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng của bà T gồm ông Đặng Trung N, ông Nguyễn Thanh T2, bà Mỗ Thị M và ông Lê Tấn T3.

Sau đó công ty B ký hợp đồng với khách hàng Mỗ Thị M1 và hoàn trả lại tiền, nhưng bà T không thông báo cho bà biết mà đưa bà M1 ra ngân hàng nhận tiền, không trả lại tiền cho bà mà tự ý sử dụng khoản tiền này mua hợp đồng cho khách hàng khác. Khi bà biết việc có trao đổi, giải quyết với bà T nhưng không thống nhất được, nên bà đã đến gặp 03 khách hàng còn lại là ông N, ông T3 và ông T2 để mượn hợp đồng xem lại. Do không tin tưởng bà T nên bà đến văn phòng Trung tâm hỗ trợ bồi thường làm thủ tục đề nghị công ty B hủy 03 hợp đồng với ông N, ông T3 và ông T2 nhằm mục đích lấy lại tiền. Trước khi làm thủ tục đề nghị hủy hợp đồng bà gọi điện thoại thông báo với bà T1; bà T1 yêu cầu bà không được hủy vì ký hợp đồng khó khăn và hủy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của công ty B; Bà T1ếp tục trao đối với bà T về việc hủy hợp đồng khách hàng, bà T nói nếu hủy thì bà phải tìm 02 hợp đồng khác ký thay vào cho bà T, nhưng bà không đồng ý nên đến gặp nhân viên tại văn phòng ở B làm thủ tục hủy hợp đồng. Bà T1 gọi điện cho bà đề nghị không được hủy hợp đồng, đồng thời tổ chức gặp mặt giữa bà T1, bà T với bà vào ngày 10/11/2022. Tại buổi gặp mặt bà yêu cầu nếu không hủy hợp đồng thì bà T phải viết giấy nợ số tiền của 04 hợp đồng, bà T1 đứng ra bảo lãnh nếu bà T không trả thì bà T1 có trách nhiệm trả tiền cho bà thay cho bà T thì bà mới đồng ý. Cả ba bên thống nhất nội dung trên, bà T viết giấy mượn tiền, bà T1 viết cam kết bảo lãnh cho bà T sẽ chịu trách nhiệm nếu bà T không trả tiền cho bà đối với khoản tiền 68.300.000đ, tính đúng là 70.582.000đ nhưng bà T1 tính nhầm và đọc cho bà T ghi chỉ có 68.300.000đ, bà không tính lại, nay bà chấp nhận số tiền trên.

Tuy nhiên, hết tháng 3/2023 (âm lịch) bà T không trả tiền cho bà theo thỏa thuận, bà liên hệ với bà T1 nhưng bà T1 cũng không trả tiền cho bà nên bà kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà T1 và bà T phải trả số tiền 68.300.000đ. Trường hợp bà T không trả tiền hoặc không trả toàn bộ số tiền nợ thì buộc bà Lê Thị T1 phải trả toàn bộ số tiền Trần Thị T hoặc số tiền tương ứng số tiền còn lại mà bà T không trả.

Quá trình giải quyết vụ án, bà xác định T1 là người bảo lãnh cho bà T, nay bà T không trả tiền nên bà yêu cầu bà T1 phải trả tiền cho bà; Ngoài ra, sau khi Tòa án làm việc ông N đã trực tiếp trả cho bà cho bà số tiền 7.090.000đ, nên bà yêu cầu bà T1 trả số tiền còn lại 61.210.000đ. Ngoài ra, không yêu cầu gì khác.

* Quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Trần Thị T trình bày:

Bà xác nhận có ký giấy mượn tiền ngày 10/11/2022 là đúng; số tiền 68.000.000đ là tiền bà H bỏ ra để mua 04 hợp đồng bảo hiểm. Lý do vì bà H là người tuyển bà vào làm thành viên công ty, 04 hợp đồng trên là của khách hàng do bà giới thiệu để mua bảo hiểm, nhưng sau đó bà H đến nhà khách hàng mà bà đã giới thiệu nói với khách hàng là hợp đồng không đúng để lấy hợp đồng đi hủy, khách hàng gọi điện cho bà, bà không hiểu nên gọi điện cho bà T1, bà T1 nói chuyện với bà H thế nào bà không biết. Sau đó bà T1 gọi bà ra quán cà phê để gặp bà H và bà H yêu cầu bà ký giấy mượn tiền nhưng bà không đồng ý, bà T1 nói với bà “em ký giấy để bảo lãnh cho khách hàng, uy tín công ty có gì chị chịu trách nhiệm” nên bà mới đồng ý ký.

Nay bà có ý kiến cả ba người cùng đi gặp các khách hàng để yêu cầu họ thanh toán khoản nợ còn lại; nếu khách hàng không trả thì bà sẽ trả nợ cho bà H khoản tiền mà bà mượn để ứng trước cho khách hàng, nhưng bà H phải trả lại cho bà toàn bộ số tiền hoa hồng mà bà H đã được hưởng từ các hợp đồng đối với các khách hàng, hiện tại bà chưa biết chính xác là bao nhiêu vì cần phải có xác nhận của công ty B.

* Quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Trần Thị T4 trình bày:

Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H vì bà H cho khách hàng mượn tiền bà tự nguyện, khi bà H đưa tiền để đóng bảo hiểm cho các khách hàng là bà H tự nguyện đến nhà khác hàng ký hợp đồng cho khách hàng và tự nguyện cho khách hàng mượn tiền còn bà chỉ đi tư vấn cho khách hàng hiểu về giá trị và quyền lợi của bảo hiểm nhân thọ trước đó. Khi bà H thay đổi và tự đến nhà khách hàng lấy lại hợp đồng đòi hủy, với tư cách lãnh đạo để giữ uy tín cho công ty B và để bảo vệ khách hàng bà mới đồng ý ký bảo lãnh cho bà T viết giấy vay số tiền trên để đóng cho khách hàng. Ngoài ra, khi bà H cho khách hàng mượn tiền thì khách hàng hẹn đến mùa điều sẽ trả, vì tin tưởng khách hàng sẽ trả tiền bà mới đồng ý ký bảo lãnh cho bà T để giữ hợp đồng lại cho khách hàng. Nay khách hàng chưa trả số tiền trên là do bà H khởi kiện ra toà mà không cùng bà và bà T đi thu tiền nợ của khách hàng.

* Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B tại phiên tòa:

Về tố tụng, Tòa án thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền, đảm bảo thủ tục tố tụng.

Về nội dung, nhận thấy bà T4 là người bảo lãnh cho bà T khoản tiền bà T mượn của bà H để cho bốn khách hàng ứng trước mua hợp đồng bảo hiểm; nếu bà T4 không đứng ra bảo lãnh cho bà T thì bà H không cho bà T mượn tiền vì bà H không tin tưởng bà T; đồng thời bà T cũng xác nhận nếu bà T4 không bảo lãnh cho bà thì bà không viết giấy mượn tiền của bà H. Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà H đối với bà T4 là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, buộc bà T4 phải thanh toán cho bà H số tiền còn lại là 61.210.000đ; bà T4 phải chịu án phí theo luật định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận phiên Toà, Hội đồng xét xử nhận định về vụ án như sau:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp : Nguyên đơn bà Ôn Mai H kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn Lê Thị T1 phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bị đơn Trần Thị T đối với hợp đồng mượn tiền ngày 10/11/2022, nên tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng bảo lãnh quy định tại các điều 463, 335 của Bộ luật dân sự 2015.

[2] Về tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay bà H có mặt, các bị đơn bà T1 và bà T đã được Tòa án tống đạt hợp lệ nhưng vắng mặt lần thứ hai tại phiên toà không có lý do, nên Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt các bị đơn Lê Thị T1 và Trần Thị Thể theo quy định tại các điều 227, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung khởi kiện, yêu cầu của nguyên đơn bà Ôn Mai H đối với bị đơn Lê Thị T1 và Trần Thị T:

Căn cứ vào nội dung trình bày của bà H, bà T1, bà T và các tài liệu, chứng cứ các đương sự cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án thể hiện: Trong năm 2022 bà H, bà T1 và bà T cùng là nhân viên của Công ty cổ phần T6 (TCA) và cùng làm việc ở văn phòng tại thị trấn Đ, huyện B, tỉnh B. Bà T1 là tuyến trên của bà H đồng thời là giám đốc trung tâm, bà H là tuyến trên của bà T.

Trong tháng 10 năm 2022, bà T giới thiệu được 04 khách hàng mua bảo hiểm là Đặng Trung N, Nguyễn Thanh T2, Mỗ Thị M, Lê Tấn T3 cho bà T1 tư vấn. Khi 04 khách hàng nói trên đồng ý mua bảo hiểm nhưng chưa có tiền nên bà T mượn tiền của bà H ứng trước cho khách hàng mua bảo hiểm, trong đó giá trị hợp đồng của các khách hàng gồm: Ông Đặng Trung N 15.925.000đ, bà Mỗ Thị M1 17.503.000đ, ông Lê Tấn T3 18.229.000đ và ông Nguyễn Thanh T2 18.925.000đ, tổng cộng là 70.528.000đ.

Sau đó khách hàng Mỗ Thị M1 bị công ty B ký hợp đồng mà hoàn trả lại tiền, bà T đưa bà M1 ra ngân hàng nhận tiền nhưng không thông báo, không trả lại tiền cho bà H mà tự ý sử dụng khoản tiền này chuyển sang mua hợp đồng cho khách hàng khác là anh Nông Văn H1 con trai của bà M1. Khi bà H biết việc và trao đổi giải quyết với bà T nhưng không thống nhất được. Do không tin tưởng và sợ bà T sẽ lấy tiền của các hợp đồng còn lại mua hợp đồng khác nên bà H gặp 03 khách hàng còn lại là ông N, ông T3 và ông T2 mượn lại hợp đồng sau đó đến văn phòng làm thủ tục hủy 03 hợp đồng mục đích để lấy lại các khoản tiền đã cho bà T mượn ứng cho ông N, ông T3 và ông T2 mua bảo hiểm. Trước khi làm thủ tục hủy hợp đồng, bà H thông báo với bà T1 và bà T biết. Bà T1 không đồng ý cho bà H hủy hợp đồng với khách hàng mà tổ chức gặp mặt giữa bà T1, bà T với bà H vào ngày 10/11/202 để thương lượng giải quyết.

Tại buổi gặp mặt ba bên thống nhất: Bà T viết giấy mượn bà H số tiền của 04 hợp đồng bảo hiểm nói trên 70.582.000đ, nhưng do tính nhầm nên ghi là 68.300.000đ, hẹn đến ngày 30/3/2023 âm lịch trả lại, nếu không hoàn kịp thì T1 sẽ hỗ trợ số tiền trên. Bà T1 viết cam kết bảo lãnh: “Tôi Lê Thị T1 là người chịu trách nhiệm cho khoản tiền cô T nợ cô H. Nếu đến hẹn cô T không thanh toán cho cô H thì tôi sẽ là người trả số tiền trên”. Bà H cho rằng nếu bà T1 không cam kết bảo lãnh cho bà T thì bà không cho bà T mượn tiền mà sẽ hủy hợp đồng để lấy lại tiền; Bà T cũng xác nhận, nếu bà T1 không cam kết chịu trách nhiệm cho bà khoản tiền trên đối với bà H thì bà không viết giấy mượn tiền đối với bà H.

Tuy nhiên, hết tháng 3/2023 âm lịch bà T không trả tiền cho bà H theo thỏa thuận; bà H liên hệ với bà T1, nhưng bà T1 cũng không trả nên bà H kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà T1 và bà T phải trả số tiền 68.300.000d.

Bị đơn bà Trần Thị T thừa nhận có việc mượn số tiền 68.300.000đ của bà H để đóng bảo hiểm cho 04 khách hàng, bà T1 là người bảo lãnh cho bà như bà H trình bày là đúng, nhưng không đồng ý trả tiền cho bà H mà có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Tại biên bản đối chất ngày 15/6/2022 bà T trình bày: vì hai khách hàng là Nông Văn H1 (lấy tiền từ hợp đồng của bà Mỗ Thị M1 chuyển sang) và khách hàng Nguyễn Văn H2 (lấy tiền từ hợp đồng của Nguyễn Tấn T5 chuyển sang) chưa thanh toán cho cho bà, nên bà chưa có tiền thanh toán cho bà H; hợp đồng của ông Đặng Trung N 15.925.000đ, đã thanh toán cho bà T1 8.000.000đ, nhưng bà T1 chưa trả lại cho bà H; Hợp đồng của Nguyễn Thanh T2 18.925.000d chưa thanh toán vì ông T2 cho rằng bà T1 với bà H tư vấn sai nên không thanh toán, vì vậy bà T đề nghị bà T1 với bà H gặp khách hàng để giải quyết; Tại biên bản lấy lời khai ngày 02/8/2023 bà T đề nghị cho bà 10 ngày để liên hệ thu phí trả tiền cho bà H nhằm bảo vệ khách hàng và uy tín của công ty, nhưng bà T cũng không thu được tiền từ các khách hàng để trả lại cho bà H; Tại biên bản làm việc ngày 04/10/2023 bà T cho rằng bà chỉ là người trung gian giữa khách hàng với bà H và bà T1, nên không đồng ý trả tiền cho bà H và yêu cầu bà H và bà T1 có trách nhiệm cùng với bà đến nhà khách hàng đề thu hồi lại số tiền mà bà H yêu cầu; Tại biên bản hòa giải ngày 17/11/2023 bà T cho rằng bà H là người tuyển bà vào làm thành viên công ty, khách hàng do bà giới thiệu, bà H đưa tiền đóng bảo hiểm trước cho khách hàng nên bà mới ký nhận trả số tiền đó cho bà H và bà T1 là người lãnh đạo nên mới bảo lãnh số tiền đó cho bà, nên bà không đồng ý trả tiền cho bà H.

Bị đơn bà Lê Thị T1 xác nhận có ký bảo lãnh cho bà T trong “Giấy mượn tiền” ngày 10/11/2022 là đúng; số tiền 68.300.000đ là tiền bà H bỏ ra để mua 04 hợp đồng bảo hiểm. Lý do bà bảo lãnh cho bà T vì bà là giám đốc văn phòng của công ty ở huyện B nên nếu hủy hợp đồng sẽ làm mất uy tín của công ty và cũng ảnh hưởng đến uy tín của bà; Đồng thời, bà là tuyến trên của bà H, bà H là tuyến trên của bà T nên bà T có khách hàng thì cả bà H và bà đều được hưởng hoa hồng theo cấp bậc; phần nữa là do bà tin tưởng khi đến mùa thu hoạch thì khách hàng có tiền sẽ thanh toán. Bà thừa nhận có nhận 8.000.000đ từ khách hàng Đặng Trung N, nhưng bà và bà H phải tính lại khoản tiền bà H mượn bà 32.000.000đ sau đó sẽ thanh toán cho bà H. Tại biên bản đối chất ngày 15/6/2022 bà T1 cho rằng việc bán bảo hiểm là hưởng hoa hồng theo cấp bậc, cùng hưởng lợi từ một khách hàng, nên khi khách hàng nợ phải cùng nhau đi thu hồi nợ từ khách hàng, chứ bà không đồng ý trả tiền cho bà H. Đối với khoản tiền của ông T2 còn nợ và cho rằng do tư vấn sai là không đúng vì có thể khi tư vấn khách hàng nghe nhầm lẫn giữa tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường biến chứng tuýp 1, bà có trách nhiệm tư vấn, giải quyết trực tiếp với ông T2; Tại biên bản hòa giải 17/11/2023 bà T1 cho rằng bà H tự nguyện cho khách hàng mượn tiền, việc cho ứng trước tiền đóng bảo hiểm cho khách hàng là thỏa thuận giữa bà H và bà T, việc viết giấy mượn tiền ngày 10/11/2022 là sau khi các bên đã ứng trước tiền bảo hiểm cho khách hàng, với tư cách giám đốc trung tâm vì sợ mất lòng tin khách hàng, mất uy tín công ty bảo hiểm nên bà mới ký bảo lãnh cho bà T, nên bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà H.

Quá trình giải quyết vụ án, theo đề nghị của các đương sự vào ngày 12/10/2023 Tòa án đã làm việc giữa bà T1, bà T, bà H với ông Đặng Trung N, bà Mỗ Thị M1 và ông Nguyễn Thanh T2 để làm rõ vai trò của bà T1, bà T, bà H đối với việc cho khách hàng ứng tiền mua bảo hiểm trước thanh toán sau. Ông Đặng Trung N cho biết: bà T là người giới thiệu ông mua bảo hiểm; bà T1 là người tư vấn trực tiếp; bà T1, bà T và bà H nói với ông sẽ bỏ tiền ra đóng trước cho ông khi nào có tiền thì trả lại, sau khi mua ông đã đóng cho bà T1 và bà T số tiền 8.000.000đ; Bà Mỗ Thị M1 xác nhận: bà T là người gọi điện trực tiếp giới thiệu cho bà mua bảo hiểm, bà nói không có tiền thì bà T nói không cần đóng tiền trước mà người của công ty sẽ đóng hộ khi nào có thì trả lại nên bà mới mua, sau đó do bà bị tiểu đường không mua được nên bà T tư vấn cho bà chuyển sang cho con trai bà là Nông Xuân H3 nên bà đồng ý. Nay bà không muốn mua bảo hiểm nữa nên sẽ trả lại tiền cho bà T vì bà chỉ biết bà T; Ông Nguyễn Thanh T2 xác nhận: ông có mua gói bảo hiểm 18.925.000đ do bà T là người giới thiệu, bà T1 là người tư vấn; không biết ai trực tiếp cho ứng tiền, hiện nay chỉ biết bà T1. Đối với khoản tiền 18.229.000đ cho ông Nguyễn Tấn T5 ứng trước, sau khi ông T5 hủy hợp đồng với công ty B bà đã rút về chuyển sang mua bảo hiểm cho ông Nguyễn Văn H2.

Bà T có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khẳng định bà T1 bảo lãnh cho bà thì bà mới viết giấy mượn tiền của bà H; Bà không đồng ý trả tiền cho bà H một phân vì chưa thu được tiền của khách hàng, một phần vì bà H với bà T1 tư vấn sai cho một khách hàng nên khách hàng không trả tiền, một phần vì bà H cũng là người được hưởng hoa hồng nên phải cùng chịu rủi ro.

Xét ý kiến của bà T là không có căn cứ vì bốn khách hàng mua bảo hiểm đều do bà T giới thiệu, họ chỉ biết bà T không biết bà H nên bà T phải chịu trách nhiệm đối với các khoản tiền bà H cho bà T mượn để ứng trước cho bốn khách hàng mua bảo hiểm, trường hợp các khách hàng không trả tiền thì bà T có quyền khởi kiện để yêu cầu họ trả tiền đã cho mượn. Vì vậy, hợp đồng mượn tài sản giữa bà T với bà H có hiệu lực pháp luật, nên bên vay có nghĩa vụ trả tiền cho bên vay theo thỏa thuận.

Bà T1 cho rằng việc bà H cho khách hàng mượn tiền là tự nguyện và mọi người đều phải cùng có trách nhiệm đi thu hồi nợ vì cùng được hưởng hoa hồng từ việc khách hàng mua bảo hiểm là không có căn cứ vì quan hệ giữa bà T với các khách hàng là việc bà T cho khách hàng của bà T giới thiệu ứng tiền để mua hợp đồng bảo hiểm còn quan hệ giữa bà T với bà H là việc bà T mượn tiền của bà H. Riêng quan hệ giữa bà T1 với bà T, bà H là quan hệ bảo lãnh; bà T1 là bên bảo lãnh, bà T là người được bảo lãnh, bà H là bên nhận bảo lãnh theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do bà T không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thoả thuận mượn tiền với bà H nên bà T1 là người bảo lãnh cho bà T phải trả số tiền 68.300.000đ mà bà T đã mượn của bà H, trong đó đến thời điểm hiện nay một khách hàng là ông N đã trả cho bà T1 8.000.000đ nhưng bà T1 chưa trả lại cho bà H.

Đối với việc khách hàng có ý kiến do tư vấn sai nên không trả tiền là quan hệ giữa khách hàng với bà T là người cho ứng tiền, bà T1 là người tư vấn và công ty B về các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, không liên quan đến tranh chấp hợp đồng mượn tiền giữa bà T với bà H cũng như hợp đồng bảo lãnh giữa bà T1, bà T và bà H.

Quá trình giải quyết vụ án đến ngày 31/10/2023 ông Đăng Trung N1 đã trả trực tiếp cho bà H số tiền 7.090.000đ còn lại trong số tiền 15.925.000đ mà bà H cho bà T mượn mua bảo hiểm cho ông N1; Vì vậy, bà T1 còn phải trả cho bà H số tiền 61.210.000đ.

Đối với ý kiến của bà T1 trong quá trình giải quyết vụ án cho rằng trong tháng 9/2022 bà có bỏ ra 32.000.000đ cho bà H mượn để ứng mua bảo hiểm cho khách hàng Nguyễn Thanh T2 nhưng bà H chưa thanh toán lại cho bà T1 và nghĩa vụ của người được bảo lãnh là bà T đối với người bảo lãnh là bà T1 do bà T1 chưa yêu cầu Tòa án giải quyết nên không xem xét, trường hợp bà sau này T1 có khởi kiện thì giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

[3] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H được chấp nhận nên bị đơn bà T1 phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ vào các điều 26, 35, 40, 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ các điều 335, 336, 342, 463 Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Ôn Mai H đối với bị đơn bà Lê Thị T1; buộc bà Lê Thị T1 trả cho bà Ôn Mai H số tiền 61.210.000đ (sáu mươi mốt triệu, hai trăm mười nghìn đồng).

2. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

- Buộc bà Lê Thị T1 phải nộp 3.060.500đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh B hoàn trả lại cho bà Ôn Mai H số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.708.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001092 ngày 20/6/2023.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

3. Quyền kháng cáo: Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

122
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng bảo lãnh số 01/2024/DS-ST

Số hiệu:01/2024/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bù Đăng - Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về