Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 70/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 70/2023/DS-PT NGÀY 15/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 09 và 15 tháng 05 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 36/2023/TLPT-DS ngày 06 tháng 03 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 44/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân Tp. Đ, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 58/2023/QĐXX-PT ngày 06/04/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

Bà Trần Thị Thanh N - Sinh năm: 1972 (vắng mặt) Trú tại: Ấp 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Thanh N: Ông Ngô Quốc C – Sinh năm: 1973 (Có mặt) Trú tại: Số 420 Quốc lộ 14, khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn:

Bà Võ Thị Trà G – Sinh năm: 1977 (vắng mặt) Trú tại: Tổ 3, khu phố PT, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị Trà G: Bà Đào Thị N – Sinh năm: 1978 (có mặt) Trú tại: Tổ 2, khu phố PL, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Phạm Thái M – Sinh năm: 1970 (vắng mặt) Trú tại: Tổ 3, khu phố PT, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Thái M: Bà Đào Thị N – Sinh năm: 1978 (Có mặt).

Trú tại: Tổ 2, khu phố PL, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N, bị đơn bà Võ Thị Trà G.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ông Ngô Quốc C là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N trình bày:

Bà Trần Thị Thanh N yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Đ giải quyết buộc bà Võ Thị Trà G và ông Phạm Thái M có trách nhiệm liên đới phải trả cho bà Trần Thị Thanh N số tiền gốc đã vay là 1.700.000.000 đồng (Một tỷ bảy trăm triệu đồng), tiền lãi chậm trả trên số tiền nợ gốc tạm tính từ khi vay cho đến tháng 28/9/2022 là 947.413.322 đồng (Chín trăm bốn mươi bảy triệu bốn trăm mưới ba ngàn ba trăm hai mươi hai đồng) và tiền lãi trên số tiền nợ gốc tính từ ngày 29/9/2022 cho đến khi bà G, ông M trả hết nợ cho bà Trần Thị Thanh N theo mức lãi suất với lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Để chứng M cho yêu cầu của mình, bà Trần Thị Thanh N căn cứ vào các chứng cứ:

- Số tiền 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng) bà Trần Thị Thanh N chuyển cho bà Võ Thị Trà G ngày 03/10/2019 theo Giấy báo nợ ngày 03/10/2019.

- Số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) bà Trần Thị Thanh N chuyển cho bà Võ Thị Trà G ngày 07/10/2019 theo Giấy báo nợ ngày 07/10/2019.

- Số tiền 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng) bà Trần Thị Thanh N chuyển cho bà Võ Thị Trà G ngày 07/10/2019 theo Giấy báo nợ ngày 07/10/2019.

- Tin nhắn qua ZALLO qua lại giữa bà Trần Thị Thanh N với bà Võ Thị Trà G.

Bà Đào Thị N là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Võ Thị Trà G, ông Phạm Thái M trình bày:

Ngày 29/05/2021, bà Trần Thị Thanh N khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Đ tuyên buộc bà Võ Thị Trà G và ông Phạm Thái M cùng liên đới trả cho bà N số tiền gốc là 1.700.000.000 đồng (Một tỷ bảy trăm triệu đồng), tiền lãi chậm trả trên số tiền nợ gốc tạm tính từ khi vay cho đến tháng 28/9/2022 là 947.413.322 đồng (Chín trăm bốn mươi bảy triệu bốn trăm mưới ba ngàn ba trăm hai mươi hai đồng) và tiền lãi trên số tiền nợ gốc tính từ ngày 29/9/2022 cho đến khi bà G, ông M trả hết nợ cho bà Trần Thị Thanh N theo mức lãi suất với lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Với yêu cầu nêu trên của bà Trần Thị Thanh N, bà G và ông M hoàn toàn không đồng ý, bởi các lý do sau:

Khoảng giữa năm 2019, bà G được bà Bùi Thị Vĩ C có CMND số 212630504, ngụ tại số 132/34/4 Lý Thường Kiệt, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước đề nghị tham gia cho vay tiền thực hiện đáo hạn tại ngân hàng S với mức lãi suất 1,5%/tháng, thời hạn cho vay từ 1-3 ngày.

Vì bà G không có tiền để “làm ăn” chung với bà C nên bà G đã giới thiệu bà C với bà N (vốn là khách hàng của bà G tại Ngân hàng A – Chi nhánh Bình Phước). Bà N thống nhất cho bà C vay tiền làm thủ tục đáo hạn cho khách hàng tại S - Chi nhánh tỉnh Bình Phước với lãi suất cho vay khoảng 2%/tháng. Chi tiết cụ thể về số tiền vay, thời hạn trả nợ sẽ được bà C thông báo mỗi lần vay.

Do bà G là người quen của cả bà C, bà N và là người giới thiệu nên khi thực hiện việc vay, mượn tiền bà N không đồng ý chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của bà C mà đã chuyển khoản thông qua tài khoản của bà G . Từ giữa tháng 9/2019 đến đầu tháng 10/2019, bà N đã cho bà C mượn tiền một vài lần và các lần đó bà C đều trả gốc, lãi đúng hạn.

Để cảm ơn bà G đã giới thiệu và làm trung gian giúp mình, ngày 19/9/2019 bà N chuyển khoản cho bà G số tiền 1.500.000 đồng, ngày 25/9/2019 bà N chuyển khoản cho bà G số tiền 600.000 đồng, ngày 07/10/2019 bà N chuyển khoản cho bà G số tiền 3.000.000 đồng. Trên các Giấy báo có bà N đều ghi “N ck” và bà N báo qua điện thoại là “gửi G chút tiền uống cà phê” để cảm ơn việc bà G làm trung gian chuyển tiền cho bà N.

Tuy nhiên, từ ngày 03-07/10/2019, bà N có cho bà C vay số tiền 1.700.000.000 đồng nhưng bà C không thực hiện trả gốc, lãi đúng hẹn. Cụ thể:

+ Ngày 03/10/2019, bà N chuyển vào tài khoản của bà G số tiền 800.000.000 đồng. Cùng ngày bà G đã chuyển vào tài khoản của bà C toàn bộ số tiền nói trên (Lần 1: 300.000.000 đồng, Lần 2: 500.000.000 đồng) để bà C làm đáo hạn và hẹn khoảng 1 tuần sẽ hoàn trả.

+ Ngày 07/10/2019 bà N chuyển vào tài khoản của bà G số tiền 900.000.000 đồng, Ny sau đó bà G đã chuyển số tiền nói trên vào tài khoản của bà C (Lần 1: 200.000.000 đồng, Lần 2: 500.000.000 đồng, Lần 3: 200.000.000 đồng) để bà C làm đáo hạn và hẹn 6 đến 7 ngày sau hoàn trả.

Ngày 14/10/2019, bà C đột ngột báo với bà G toàn bộ số tiền 1.700.000.000 đồng đã mất do khách hàng bị bắt. Ngay khi nhận được tin, bà G đã thông báo cho bà N biết vụ việc, đồng thời tích cực liên lạc với bà C để tìm cách tháo gỡ vướng mắc vì toàn bộ các giao dịch chuyển tiền giữa bà N và bà C đều đang thực hiện thông qua số tài khoản của bà G. Tuy nhiên, bà C cố tình né trách, không thiện chí hợp tác để trả lại số tiền trên. Thậm chí cuối năm 2019, bà C cùng gia đình đã tẩu tán tài sản, nghỉ việc tại S - Chi nhánh tỉnh Bình Phước và dời chổ ở, cắt đứt mọi liên lạc với bà G.

Bà G đã làm đơn tố giác tội phạm gửi tới Cơ quan cảnh sát điều tra, công an Bình Phước, Công an thành phố Đ đề nghị xem xét hành vi của bà Bùi Thị Vĩ C có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quá trình tố cáo, khởi kiện của bà G đối với bà C bà N đều biết, hỗ trợ và cùng bà G liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Ngày 19/4/2021, bà C chuyển số tiền 20.000.000 đồng nhờ bà G trả cho bà N. Số tiền này bà G đã chuyển cho bà N Ny sau đó. Khi chuyển tiền bà G có nhắn tin cho bà N như sau “chị ơi sáng ni C có chuyển khoản trả 20 triệu em mới chuyển vô tài khoản chị đó, chị nhận được chưa” bà N trả lời: “được rồi, G xem còn lại 1.680.000.000 đồng lo trả sớm cho chị nha, thời gian cũng lâu rồi ông không cho để nữa G lo trả cho ông đi chị cũng khổ lăm rồi”.

Từ các nội dung trên có thể thấy:

+ Mỗi lần bà N chuyển tiền bà G đều chuyển toàn bộ cho bà C. Nếu bà G là người vay và cho bà C vay lại thì số tiền chuyển qua lại tại tài khoản đứng tên bà G phải có sự chênh lệch về gốc lãi. Trong khi đó, thực tế số tiền chênh lệch gốc, lãi chỉ thể hiện tại số tài khoản của bà N và bà C. Số tiền bà N gửi sang cho tôi chuyển đi chỉ có tiền gốc, số tiền bà C chuyển cho bà G để trả bà N đã bao gồm cả gốc lẫn lãi vay.

+ Nếu bà G là người vay tiền của bà N sẽ không có chuyện bà N chuyển tiền cho bà G vào các ngày 19/9/2019, 25/9/2019 và 07/10/2019. Chỉ có con nợ mới là người phải chuyển trả tiền cho chủ nợ chứ không thể có chuyện chủ nợ chuyển cho con nợ một vài triệu để “cảm ơn”.

+ Toàn bộ quá trình cho bà C vay tiền bà N đã có thái độ lừa dối, cố tình lợi dụng lòng tin của bà G để “gài bẫy” hòng bắt bà G trả nợ thay cho bà C nếu bà C không trả được tiền. Thực tế bà N biết tới sự tồn tại của bà C, biết người vay tiền là bà C và bà N cũng đã cùng bà G tới Cơ quan cảnh sát điều tra để báo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà C. Hiện nay, khi thấy khả năng bà C trả tiền cho mình là rất thấp, bà N lập tức phủ nhận việc bà N biết, cho bà C vay mượn tiền để yêu cầu bà G – một người trung gian đứng ra trả nợ.

Toàn bộ quá trình vụ việc, bà G chỉ là người trung gian giới thiệu cho các bên mượn tiền của nhau, chồng bà G (ông Phạm Thái M) không biết và cũng không có liên quan vào vụ việc trên. Việc bà N yêu cầu chồng bà G là ông Phạm Thái M cùng liên đới trả gốc, lãi số tiền 1.700.000.000 đồng là không có căn cứ.

Từ những căn cứ trên, bà Võ Thị Trà G và ông Phạm Thái M không đồng ý trả tiền theo yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thanh N. Bà G, ông M đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của bà Trần Thị Thanh N.

* Bà Bùi Thị Vy C là người làm chứng trong vụ án vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nên không có lời trình bày.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân Tp. Đ, tỉnh Bình Phước quyết định:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thanh N. Buộc bà Võ Thị Trà G phải trả cho bà Trần Thị Thanh N số tiền 1.680.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm tám mươi triệu đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị Thanh N về việc buộc bà Võ Thị Trà G phải trả cho bà Trần Thị Thanh N số tiền lãi 947.413.322 đồng (Chín trăm bốn mươi bảy triệu bốn trăm mưới ba ngàn ba trăm hai mươi hai đồng) - Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị Thanh N về việc buộc ông Phạm Thái M phải liên đới cùng với bà Võ Thị Trà G phải trả tiền gốc và lãi cho bà Trần Thị Thanh N.

Ngoài ra, bản án còn tuyên phần án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 06/10/2022 nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N kháng cáo yêu cầu Tòa án buộc bị đơn bà Võ Trà G phải trả số tiền lãi theo quy định; ngày 04/10/2022 bị đơn Võ Trà G có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án của Tòa án từ khi thụ lý đến khi xét xử phúc thẩm của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Đề nghị HĐXX căn cứ vào Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Võ Trà G. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 44/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân Tp. Đ, tỉnh Bình Phước.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu,chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn làm trong thời hạn luật định, có hình thức, nội dung và phạm vi kháng cáo phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272 và 273 của BLTTDS năm 2015 nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thanh N về việc buộc trả tiền lãi trong lãi theo mức lãi suất 1,6%/1 tháng số tiền 1.700.000.000 đồng và quá hạn từ khi vay cho đến khi xét xử phúc thẩm. HĐXX xét thấy theo lời trình bày của đại diện nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm ông Ngô M C cho rằng việc vay mượn giữa bà N và bà G được thực hiện qua việc chuyển khoản tiền trong các ngày 03, ngày 07 tháng 10 năm 2019 với tổng số tiền là 1.700.000.000 đồng. Đối với lãi suất theo ông C, hai bên thỏa thuận miệng là 1.500 đồng/1 triệu/ 1 ngày tương đương với 4,5%/1 tháng. Tuy nhiên lời trình bày này không được người đại diện bị đơn thừa nhận và các giấy chuyển tiền giữa hai bên cũng không thể hiện nội dung vay mượn có lãi suất và cũng không thể hiện nôi dung chuyển tiền vì lý do gì. Phía đại diện bị đơn thừa nhận trong các ngày trên phía bà N có chuyển cho bà G số tiền 1.700.000.000 đồng. Hiện nay bà G đã trả cho bà N số tiền 20.000.000 đồng và còn thiếu lại 1.680.000.000 đồng, các bên không thỏa thuận thời gian vay mượn và lãi suất. Do đó căn cứ điều 469 Bộ luật Dân sự thì xác định đây là hợp đồng vay không kỳ hạn. Căn cứ khoản 2 điều 469 và khoản 4 điều 466 Bộ luật Dân sự thì phía bị đơn vi phạm việc trả nợ vào ngày nguyên đơn khởi kiện. Ngày 29/5/2021 là thời hạn bị đơn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất không quá 10%1 năm. Do đó kháng cáo của nguyên đơn đề nghị được tính lãi từ ngày vay đầu đến ngày xét xử phúc thẩm là không có căn cứ. Để đảm đảo quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay nên cần phải tính lãi đối với số tiền gốc hiện nay bà G còn nợ bà N là 1.680.000.000 đồng và lãi suất được tính theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Mức lãi là 10%/1 năm và thời gian tính lãi được tính từ ngày bà N khởi kiện 29/5/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 28/9/2022 là 15 tháng 29 ngày là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Cấp sơ thẩm không buộc bà G tính lãi cho bà N là có thiếu sót. Do đó kháng cáo yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần và cần sửa một phần bản án sơ thẩm.

Số tiền lãi được tính như sau: 1.680.000.000 đồng×10%/1 năm × 15 tháng 29 ngày=223.538.000 đồng. Tổng số tiền bà G phải trả cho bà N cả gốc lẫn lãi là 1.680.000.000 đồng + 223.538.000 đồng = 1.903.538.000 đồng.

Đối với kháng cáo của nguyên đơn đề nghị HĐXX buộc ông Phạm Thái M phải có trách nhiệm liên đới trả số tiền trên cho bà N cả gốc lẫn lãi. HĐXX thấy rằng bà N chuyển tiền cho bà G (tài khoản riêng bà G), khi chuyển tiền ông M không biết và bà G cũng không bàn bạc với ông M. Theo bà G sau khi nhận tiền của bà N, bà G đã chuyển cho bà C. Hiện nay bà C đã bỏ đi khỏi địa phương cũng chưa trả lại cho bà G và bà G cũng không dùng số tiền trên phục vụ cho lợi ích gia đình ông M, bà G. Do đó bà G phải chịu trách nhiệm riêng đối với số tiền trên. Vì vậy cấp sơ thẩm tuyên buộc bà G có trách nhiệm trả số tiền trên là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Do đó kháng của bà N yêu cầu ông M phải có trách nhiệm liên đới là không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Đối với kháng cáo của bà G đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX xét thấy tại lời khai của bà G và người đại diện của bà G là bà N tại phiên tòa phúc thẩm thừa nhận số tiền bà N chuyển khoản cho bà G là 1.700.000.000 đồng. Tuy nhiên bà N không tin tưởng bà C nên bà N đã chuyển khoản cho bà G. Do đó bà G không có trách nhiệm đối với số tiền trên với bà N. Thấy rằng bà N có chuyển khoản cho bà G tổng cộng là 1.700.000.000 đồng và hai bên đều thừa nhận sự việc trên. Tuy nhiên bà N cho rằng chỉ cho bà G vay, không cho bà C vay, còn việc bà G chuyển cho ai và cho ai vay thì bà N không biết. Vì vậy bà khởi kiện đối với bà G để đòi nợ chứ không khởi kiện đối với bà C vì giữa bà C và bà N không có quan hệ vay mượn. Tại phiên tòa phúc thẩm bà N đại diện theo ủy quyền của bà G cũng không đưa ra được chứng cứ nào để chứng M cho kháng cáo của bị đơn là có căn cứ. Do đó kháng cáo của bà G về việc để nghị bác yêu cầu khởi kiện là không có căn cứ.

[4] Án phí dân sự sơ thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên cần tính lại án phí dân sự sơ thẩm.

[5] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị đơn bà Võ Trà G không được Hội đồng xét xử chấp nhận nên bị đơn bà G phải chịu theo quy định của pháp luật. Kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N được Hội đồng xét xử được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

[6] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phù hợp một phần với quan điểm Hội đồng xét xử nên được chấp nhận một phần.

[7] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Võ Thị Trà G.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N.

Sửa một phần bản án dân sự số 44/2022/DS-ST ngày 28/9/2022 của Tòa án nhân dân Tp. Đ, tỉnh Bình Phước về việc tính lãi suất;

Căn cứ vào Điều 117, Điều 131, Điều 328, Điều 429, Điều 466, Điều 468 và Điều 469 của Bộ luật Dân sự;

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thanh N.

- Buộc bà Võ Thị Trà G phải trả cho bà Trần Thị Thanh N số tiền nợ gốc là 1.680.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm tám mươi triệu đồng) và tiền lãi là 223.538.000 đồng (hai trăm hai mươi ba triệu năm trăm ba mươi tám nghìn đồng). Tổng số tiền là 1.903.538.000 đồng (Một tỷ chín trăm linh ba triệu năm trăm ba mươi tám nghìn đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị Thanh N về việc buộc ông Phạm Thái M phải liên đới cùng với bà Võ Thị Trà G phải trả tiền gốc và lãi cho bà Trần Thị Thanh N.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn bà Võ Thị Trà G phải chịu 69.106.000 đồng (sáu mươi chín triệu một trăm linh sáu nghìn đồng). Nguyên đơn bà Trần Thị Thanh N phải chịu 32.955.000 đồng (ba mươi hai triệu chín trăm năm mươi lăm nghìn đồng) được khấu trừ vào số tiền 48.000.000 đồng (bốn mươi tám triệu đồng) tạm ứng án phí mà bà N đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0026325, Quyển số 000527 ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đ hoàn lại cho bà Trần Thị Thanh N số tiền 15.045.000 đồng(mười lăm triệu không trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Võ Thị Trà G phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004708 ngày 20/12/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Đ, tỉnh Bình Phước. Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu N không phải án phí phúc thẩm, hoàn trả lại 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004698 ngày 08/12/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Tp. Đ, tỉnh Bình Phước.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trong trường hợp Bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

204
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 70/2023/DS-PT

Số hiệu:70/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về