Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 525/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 525/2023/DS-PT NGÀY 31/10/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 08 tháng 09 và ngày 31 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 193/2023/TLPT-DS ngày 22 tháng 5 năm 2023, về việc: Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản.

Do Bản án sơ thẩm số 02/2023/DS-ST ngày 09/01/2023 của Tòa án nhân dân quận D, thành phố H, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 371/2023/QĐ-PT ngày 03/8/2023; Quyết định hoãn phiên toà dân sự phúc thẩm số 386/2023/QĐHPT-PT ngày 18/8/2023; Thông báo về việc mở lại phiên tòa số 617/2023/TB-DS ngày 11/10/2023 giữa các đương sự:

1/ Nguyên đơn: Bà NTTH, sinh năm 1968; địa chỉ: Số 59 NC, phường T, thành phố Đ, thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo ủy quyền: Ông ĐBT, sinh năm 1981; địa chỉ: Số 16, ngõ 18 V, phường C, quận Đống Đa, thành phố H (theo Giấy uỷ quyền ngày 11/06/2022 tại Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Nam).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà NTTH: - Luật sư T, Công ty Luật hợp danh V, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Bị đơn: Bà PTHH2, sinh năm 1956; nơi đăng ký HKTT: Số 31 HT, phường T, quận D, thành phố H;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bà PTHH2: Luật sư VT- Công ty luật S.

3/ Người làm chứng: Ông NAH3, sinh năm 1976; địa chỉ: phố P, quận Đống Đa, thành phố H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:

Theo đơn khởi kiện ngày 15/11/20/22 cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày :

Ngày 03/07/2017, Bà PTHH2 có mượn của bà NTTH số tiền 2.500.000.000đ và hẹn đến ngày 31/07/2017 trả cho bà H. Bà H2 tự viết giấy mượn tiền và ký tên. Ngay khi Bà H2 viết giấy mượn tiền, bà H đã giao tiền mặt cho Bà H2 200.000.000đ và nộp số tiền 2.300.000.000đ vào tài khoản số 00071001008376 của Bà PTHH2 tại Ngân hàng V - Chi nhánh G. Nội dung nộp tiền “chị H cho chị H2 mượn”. Ngoài lần này, bà H còn cho Bà H2 mượn thêm nhiều lần nữa, cụ thể như sau:

Ngày 05/07/2022, bà H cho Bà H2 mượn 230.000.000đ; bằng hình thức nộp tiền vào tài khoản 00071001008376 của Bà PTHH2 tại Ngân hàng V, không viết giấy mượn tiền.

Ngày 07/07/2022, bà H cho Bà H2 mượn 50.000.000đ; bằng hình bằng ủy nhiệm chi từ tài khoản số 10xxxxxxxxxx của bà H tại Ngân hàng Nam Á vào tài khoản số 000000000100173 của Bà H2 tại Ngân hàng V - Chi nhánh D.

Ngày 25/08/2022, Bà H2 nói với bà H sắp có tiền để trả các khoản đã mượn của bà H nhưng đang cần tiền để xử lý công việc và đề nghị cho bà H mượn 30.000.000đ. Bà H2 hẹn vài ngày sau sẽ trả cho bà H toàn bộ số tiền đã mượn. Vì vậy, bà H đã ủy nhiệm chi số tiền 30.000.000đ từ tài khoản số 10xxxxxxxxxx của bà H tại Ngân hàng Nam Á vào tài khoản số 000000000100173 của Bà H2 tại Ngân hàng V - Chi nhánh D.

Tuy nhiên, Bà H2 không trả tiền cho bà H như đã hứa mà cứ hẹn hết lần này đến lần khác. Đến nay, Bà H2 vẫn chưa trả cho bà H số tiền đã mượn. Do đó, bà H khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân quận D giải quyết buộc Bà H2 trả cho bà H số tiền 2.500.000.000đ theo “Giấy mượn tiền” do bà Hà viết ngày 03/07/2017.Về án phí: Bà H2 phải chịu toàn bộ án phí dân sự khi xét xử.

Trong quá trình giải quyết vụ án , người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn - Bà PTHH2 trình bày:

Theo Đơn khởi kiện, bà H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà phải trả cho bà H số tiền 2.500.000.000đ theo “Giấy mượn tiền ngày 03/7/2017” là hoàn toàn không phù hợp với bản chất của sự việc. Bởi lẽ đây là số tiền bà H góp để đầu tư chung, cụ thể như sau:

Ông NAH3 là một chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên tìm kiếm các đối tác nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Năm 2017, Ông H3 đã ngỏ ý với bà và bà H cùng hợp tác thực hiện dự án kêu gọi vốn đầu tư từ đối tác người HongKong để đầu tư vào các dự án bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông H3 sẽ lo tìm đối tác nước ngoài có vốn; bà chịu trách nhiệm tìm kiếm chủ đầu tư các Dự án bất động sản trong nước đang cần vốn; bà H lo tạm ứng một khoản tiền ban đầu để trả các chi phí liên quan trong quá trình thực hiện dự án (bảo lãnh, đi lại, ăn ở,…). Khi các chủ đầu tư ở Việt Nam nhận được nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài thì họ sẽ trả cho nhóm bà, Ông H3, bà H một khoản tiền hoa hồng. Khoản hoa hồng này sau khi trừ đi khoản bà H tạm ứng trước (khoản chi phí giao dịch) thì ba người sẽ chia nhau.

Tuy nhiên, khi thực hiện hợp tác đầu tư chung, do bà là người có mối quan hệ quen biết với Ông H3 và bà H từ trước; còn bà H trước đó không quen Ông H3, chưa gặp trực tiếp mà chỉ trao đổi công việc qua email với Ông H3. Để đảm bảo cho khoản chi phí của mình, bà H yêu cầu bà phải viết giấy mượn tiền với nội dung: Bà vay của bà H 2.500.000.000đ và cam kết sẽ hoàn trả khoản tiền vay này cho bà H vào ngày 31/7/2017 (trùng với thời gian Ông H3 cam kết đối tác ở HongKong sẽ chuyển vốn đầu tư về Việt Nam). Như vậy, sự thật là giữa bà và bà H không có bất cứ thỏa thuận vay mượn tiền nào. Thoả thuận vay 2.500.000.000đ giữa bà và bà H là hợp đồng giả cách nhằm che dấu khoản góp vốn để đầu tư chung.

Thực tế, ngay sau khi nhận được khoản tiền 2.500.000.000đ của bà H, trong đó 200.000.000đ tiền mặt và 2.300.000.000đ thông qua hình thức chuyển khoản tại V ngày 3/7/2017. Bà đã ngay lập tức chuyển toàn bộ số tiền trên cho Ông H3 để Ông H3 thực hiện việc hợp tác với các nhà đầu tư người HongKong là ông và Công ty H.

Tuy nhiên, đến ngày 31/7/2017, các đối tác nước ngoài vi phạm thỏa thuận, không thực hiện việc đưa vốn về Việt Nam như đã cam kết. Ông H3 đã thông báo cho cả bà và bà H về sự việc đáng tiếc trên. Cụ thể tại email ngày 29/01/2018 Ông H3 đã thông báo cho bà và bà H biết về thực trạng việc đầu tư với các đối tác HongKong bị thất bại và có đưa ra một số giải pháp để giải quyết quyền lợi cho các bên. Cùng ngày, bà H cũng đã có email phản hồi lại cho bà và Ông H3 với nội dung đã biết về việc đầu tư chung của cả ba bị thất bại và cũng đồng tình với các phương án mà Ông H3 đưa ra. Cụ thể, trong đó có việc đồng ý chấm dứt hợp tác, Ông H3 sẽ hoàn lại một phần trong số tiền chi phí cho bà H.

Do đó, bà đề nghị đối với số tiền 2.500.000.000đ bà H đã thực hiện góp vốn hợp tác cùng Ông H3 và bà phải được xử lý trên tinh thần “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu”; cả ba người cùng phải chịu trách nhiệm, bà H cũng phải chịu rủi ro một phần trong đầu tư làm ăn. Vì vậy, bà không đồng ý việc bà H yêu cầu bà trả nợ khoản tiền 2.500.000.000đ góp vốn đầu tư.

Ng ười bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bà PTHH2 trình bày bổ sung: Giao dịch giữa bà H và Bà H2 không phải là hợp đồng vay nợ mà bản chất là thỏa thuận góp tiền đầu tư làm ăn chung - lời ăn thua chịu giữa bà H, Bà H2 và Ông H3. Việc Bà H2 viết giấy mượn tiền để làm tin vì trước đó bà H không biết Ông H3.

Sau khi dự án làm ăn không thành công thì bản thân các bên có sự trao đổi để khắc phục hậu quả. Ông H3 là người trực tiếp viết email cho cả Bà H2 và bà H để đưa ra cách khắc phục. Như vậy, thực sự không có giao dịch vay tiền ở đây mà bản chất là đầu tư góp vốn làm ăn. Giao dịch vay tiền là giao dịch giả cách.

Theo quy định tại điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”. Vì vậy, đề nghị tuyên giao dịch vay tiền là giao dịch giả cách và bị vô hiệu, công nhận giao dịch góp vốn cùng đầu tư làm ăn.

Ngoài ra, sau khi việc làm ăn chung thất bại; Bà H2 và Ông H3 đã thanh toán cho bà H số tiền gần 500.000.000đ. Bà H cũng phải chịu rủi ro một phần trong đầu tư làm ăn chung. Việc bà H yêu cầu Bà H2 trả 2.500.000.000đ là toàn bộ số tiền góp vốn đầu tư ban đầu là không có căn cứ. Đề nghị Tòa xác định đây là giao dịch góp vốn làm ăn và các bên phải tính toán các chi phí thực tế đã chi ra, còn lại sẽ hoàn trả bà H.

Tại Bản án sơ thẩ m số 02/2023/DSST ngày 09/01/2023 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình ,thành phố Hà Nội , đã xử :

I. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà NTTH đối với Bà PTHH2 về việc tranh chấp Đòi nợ.

1. Buộc Bà PTHH2 phải trả cho bà NTTH toàn bộ số dư nợ gốc theo giấy mượn tiền đã ký kết giữa hai bên là: 2.500.000.000đ (hai tỷ năm trăm triệu đồng). Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn không yêu cầu tiền lãi suất từ thời điểm vay tiền cho đến thời điểm xét xử.

2. Đề nghị Tòa án buộc Bà PTHH2 thanh toán tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật từ ngày Tòa tuyên án cho đến khi bà NTTH nhận được đầy đủ khoản nợ từ Bà PTHH2.

II. Về án phí: Bà PTHH2 lẽ ra phải chịu án phí DSST nhưng do Bà H2 đã trên 60 tuổi nên được miễn án phí theo quy định của pháp luật. Hoàn trả cho bà NTTH số tiền dự phí 41.000.000đ (bốn mươi mốt triệu đồng) đã nộp theo biên lai thu số 0002722 ngày 22/11/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận D, thành phố H.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, bên phải thi hành án phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo.

Sau phiên toà sơ thẩm, ngày 11/01/2023, Toà án sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo của Bà PTHH2; nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Ông ĐBT - người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Bà NTTH quen biết Bà PTHH2 một vài năm trước năm 2017. Bà H biết Ông NAH3 qua Bà H2 giới thiệu. Ngày 03/07/2017, sau khi Bà H2 ngỏ ý muốn vay tiền thì H cho Bà H2 vay số tiền 2.500.000.000đ; có viết giấy vay tiền; có Ông H3 làm chứng. Sau đó, bà H còn cho Bà H2 vay nhiều lần với tổng số tiền hơn 2.800.000.000đ; nhưng chỉ có số tiền 2.500.000.000đ Bà H2 có viết giấy mượn tiền rõ ràng nên hiện nay bà H chỉ đòi khoản này.

Sau khi đã cho Bà H2 vay tiền, khoảng cuối tháng 8/2017, Ông H3 nói với bà H đang cần tiền để đầu tư. Sau đó vài ngày, vào ngày 28/08/2017, bà H có chuyển cho Ông H3 số tiền 680.000.000đ, bà H không quan tâm đến lãi; Ông H3 hứa hẹn trả gốc và lãi trong thời hạn 03 tháng. Đối với số tiền này Ông H3 có viết giấy mượn tiền nhưng có nội dung để hợp tác đầu tư. Số tiền cho Ông H3 vay không liên quan đến số tiền cho Bà H2 vay, số tiền này bà H chưa khởi kiện Ông H3.

Tại phiên tòa ngày 08/09/2023, ôngT xác nhận Bà H2 đã trả số tiền 240.000.000đ, không ghi nội dung. Tại phiên tòa ngày 31/10/2023, ôngT xác nhận Bà H2 đã trả số tiền 390. 000.000đ; như vậy là thừa 60.000.000đ của số tiền không có giấy nợ nên nguyên đơn đề nghị trừ 60.000.000đ vào số tiền gốc 2.500.000.000đ; đề nghị bị đơn thanh toán cho nguyên đơn số tiền gốc còn lại là 2.440.000.000đ.

Nguyên đơn xác nhận các bên có trao đổi qua thư điện tử với địa chỉ mail của Ông H3 là th@gmail.com; địa chỉ mail của bà H là H@gmail.com; địa chỉ mail của Bà H2 là HA@gmail.com. Tuy nhiên, nội dung trao đổi chỉ liên quan đến số tiền 680.000.000đ bà H chuyển cho Ông H3 chứ không hề liên quan đến khoản 2.500.000.000đ bà H cho Bà H2 vay. Số điện thoại của bà H là số 09xxxxxxxx.

Bị đơn - Bà PTHH2 trình bày:

Bà và bà H thân thiết với nhau, cùng làm ăn chung. Bà quen biết với anh Chị H3 và giới thiệu bà H với Ông H3.

Khoảng tháng 07/2017, bà, bà H và Ông H3 có gặp gỡ nhau tại thành phố Hồ Chí Minh để bàn việc làm ăn chung, cụ thể là gọi vốn đầu tư từ Hongkong vào Việt Nam; trong đó Ông H3 tìm đối tác Hongkong; Bà H2 tìm các dự án tiềm năng trong nước; bà H ứng tiền chi phí giao dịch, phát hành bảo lãnh. Việc hợp tác làm ăn giữa các bên không có thỏa thuận bằng văn bản; chỉ trao đổi trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Ngày 03/07/2017, bà H chuyển cho bà số tiền 2.500.000.000đ. Ngay trong ngày, bà chuyển khoản cho tài khoản Ông H3 chỉ định để thực hiện việc đầu tư như đã thỏa thuận. Khi ra về, bà H yêu cầu bà viết giấy mượn tiền để cho bà H yên tâm nên bà đã viết. Sau đó, do yêu cầu của của việc đầu tư nên bà H còn chuyển thêm cho bà một số tiền nữa tổng là khoảng 2.800.000.000đ. Mỗi lần nhận được tiền bà lại chuyển ngay cho Ông H3 chứ không hề giữ lại đồng nào. Bà H có trực tiếp chuyển cho Ông H3 số tiền 680.000.000đ cũng liên quan đến việc hợp tác này.

Do dự án thất bại, bảo lãnh vẫn còn hiệu lực trong vòng 01 năm nên các bên liên quan là bà và Ông H3 vẫn tích cực tìm kiếm đối tác. Khi bắt đầu hợp tác thì các bên chỉ thỏa thuận miệng và qua điện thoại; sau đó vài tháng thì giữa ba người có trao đổi nhiều lần qua mail về việc giải quyết hậu quả. Bà thấy có trách nhiệm trả bớt một phần thiệt hại cho bà H và bà đã trả được số tiền 390.000.000đ.

Người làm chứng - Ông NAH3 trình bày:

Tuy Tòa án sơ thẩm không đưa ông vào tham gia vụ kiện nhưng với trách nhiệm của người đứng đầu nhóm hợp tác ông thấy có trách nhiệm đề nghị Tòa án đưa ông vào vụ việc. Sự thật đúng như Bà H2 khai, ông, bà H, Bà H2 cùng hợp tác làm ăn chung trong đó mỗi người một việc và bà H ứng chi phí; khi bà H chuyển tiền cho Bà H2 thì Bà H2 chuyển thẳng cho đối tác để mở bảo lãnh ngay vào tháng 7/2017. Theo quy định, bảo lãnh có giá trị trong vòng 01 năm; sau đó sẽ hết hiệu lực và phí bảo lãnh mất trắng.

Thực tế, giữa ông, bà H, Bà H2 chỉ hợp tác một dự án duy nhất bắt đầu từ tháng 07/2017. Sau đó, do có một người tham gia từ đầu rút vốn nên bị tchị H3 tiền và ông có bảo bà H bổ sung 30.000 đô la Mỹ. Bà H chuyển thẳng cho ông 680.000.000đ tương đương với 30.000 đô la Mỹ; ông có viết giấy trong đó có nội dung hợp tác làm ăn. Thời gian đầu các bên trao đổi trực tiếp và qua điện thoại, Đến khoảng tháng 01/2018, do ông làm việc ở nước ngoài nên giữa các bên trao đổi qua thư điện tử và địa chỉ mail của ông là th@gmail.com; địa chỉ mail của bà H là H@gmail.com. Do dự án không thành công, ông và Bà H2 đã nhiều lần bàn phương án giải quyết. Để bà H đỡ thiệt thòi, ông và Bà H2 đã chuyển lại cho bà H nhiều lần;

bản thân ông có chuyển 170.000.000đ; trong đó 70.000.000đ có chứng từ chuyển khoản; ông có nhờ một người bạn chuyển cho bà H 5000 đô la Singapo (tương đương với 100.000.000đ) nhưng do lâu ngày ông chưa lấy được xác nhận của người đã chuyển hộ tiền cho bà H.

Ông khẳng định đây là việc hợp tác, trên tinh thần lời ăn lỗ chịu chứ không phải Bà H2 vay bà H. Quan điểm của ông là cả ba cần ngồi lại để thống nhất với nhau; ông và Bà H2 cũng sẽ có trách nhiệm với số tiền đã bị lỗ trong quá trình hợp tác. Việc buộc Bà H2 thanh toán cho bà H toàn bộ số tiền hoàn toàn không đúng với bản chất sự việc.

Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H tham gia phiên toà phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ giai đoạn thụ lý vụ án đến phiên toà xét xử vụ án.

Về nội dung: Sau khi phân tích các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình diễn biến tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đề nghị: Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về kháng cáo:

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 09/01/2023, có mặt đại diện theo uỷ quyền của bị đơn - Bà PTHH2. Ngày 11/01/2023, Toà án sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo của Bà H2. Bà H2 đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo Thông báo số 54/TB-TA ngày 03/02/2022. Do đó, kháng cáo đảm bảo về chủ thể, hình thức, nội dung và trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 271, Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[1.2] Về có mặt của các đương sự tại phiên toà phúc thẩm:

Tại phiên tòa ngày 31/10/2023, Bà PTHH2 xác nhận không tiếp tục ủy quyền cho Công ty luật S.

Các đương sự đều đã được tống đạt hợp lệ đến tham gia phiên toà lần thứ hai. Tại phiên toà hôm nay, có mặt người đại diện theo ủy quyền của bà H, Bà H2, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà H và Bà H2; Ông NAH3. Các đương sự không có yêu cầu hoãn phiên toà để thu thập thêm chứng cứ, triệu tập người làm chứng.

[2] Xét kháng cáo của Bà PTHH2:

Hội đồng xét xử nhận thấy, có căn cứ chứng minh ngày 03/07/2017, bà H giao cho Bà H2 số tiền 2.300.000.000đ và ngay trong ngày, Bà H2 chuyển khoản cho Ông NAH3 toàn bộ số tiền này.

Quá trình giải quyết vụ án, Bà H2 và Ông H3 cho rằng số tiền 2.500.000.000đ là số tiền các bên góp vốn làm ăn chung với nhau. Bà H cho rằng số tiền 2.500.000.000đ là số tiền bà H cho Bà H2 vay.

Hội đồng xét xử nhận thấy, ngay trong ngày 03/07/2017, Bà H2 chuyển khoản qua tài khoản V cho bà Nguyễn Thị Vân Anh toàn bộ số tiền 2.300.000.000đ có nội dung: “TT cho Nguyễn Anh Chị H3”.

Quá trình tại cấp phúc thẩm, Bà H2 và Ông H3 xuất trình Vi Bằng số 751/2023/VB-VPTPLHĐ trong đó có các nội dung trao đổi qua thư điện tử của các địa chỉ mai th@gmail.com; H@gmail.com; HA@gmail.com. Tại biên bản lấy lời khai của bà NTTH ngày 19/09/2023, có mặt luật sư Cao Phúc Thuần là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà H; có mặt ông ĐBT - là người đại diện theo ủy quyền của bà H; bà H đã xác nhận: Bà có quen biết Ông NAH3 qua Bà H2; ngoài số tiền đưa cho Bà H2 thì ngày 28/08/2017, bà H có chuyển cho anh Chị H3 vay số tiền 680.000.000đ; giữa bà, Ông H3 và Bà H2 có trao đổi qua thư điện tử với tài khoản thư điện tử của Ông H3 là th@gmail.com; tài khoản thư điện tử của bà H là H@gmail.com; tài khoản thư điện tử của Bà H2 là HA@gmail.com. Ngoài ra, tại Công văn số 1760/2023/TB-NHNA-40 ngày 29/09/2023 của Ngân hàng TMCP Nam Á trả lời Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ số 274/QĐ- CCTLCC ngày 08/09/2023 của TAND thành phố H; Ngân hàng TMCP Nam Á cung cấp: Bà NTTH; sử dụng số tài khoản 10xxxxxxxxxx của Nam A Bank có địa chỉ mail là H@gmail.com và số điện thoại 09xxxxxxxx.

Do vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định: H@gmail.com là địa chỉ thư điện tử của bà H và bà H đã sử dụng trao đổi, liên hệ với Bà H2, Ông H3 sau ngày 03/07/2017.

Hội đồng xét xử nhận thấy, tại Vi bằng ghi nhận Ông H3, bà H, Bà H2 trao đổi với nhau bắt đầu từ thư của Ông H3 gửi vào lúc 1h10 phút ngày 29/01/2018 có các nội dung: …“Đây là dự án chung trên tinh thần có lợi cùng hưởng, lỗ cùng chịu”, …“Trong điều kiện nhà đầu tư chấm dứt chương trình, ngoài việc trả tiền gốc, em cũng cam kết thanh toán đền bù tiền thiệt hại về lãi suất ngân hàng theo đúng tinh thần chị em mình đã thống nhất từ trước”...

Tại thư gửi lúc 22h52 phút ngày 29/01/2018, bà H đã trả lời thư Ông H3 và chuyển tiếp cho Bà H2 có nội dung: “Nếu chị muốn rút lại khoản chị đã đầu tư trước tết âm lịch của mình, em sẽ chi trả cho chị như thế nào về khoản chị đã đầu tư”.

Tại thư gửi ngày 11/01/2019, Bà H2 đã trả lời thư có nội dung: “Chị H2 phải có trách nhiệm, vì chị H2 giới thiệu em cho chị, và cùng với em nói chị về dự án đó có phần của chị H2 nữa”.

Tại thư gửi ngày 15/12/2020, bà H đã trả lời thư có nội dung: “Số tiền chị H2 và Chị H3 tchị H3 em tính đến ngày hôm nay đã 3 năm 5 tháng”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của bà H và luật sư của H xác nhận: Tài khoản thư điện tử của bà H là H@gmail.com; bà H có gửi thư điện tử trao đổi với Bà H2 và Ông H3 như Vi bằng của bên bị đơn nộp. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung bà H gửi thư điện tử là trao đổi liên quan đến khoản tiền 680.000.000đ mà Ông H3 viết giấy xác nhận ngày 28/08/2017 chứ không liên quan đến số tiền 2.500.000.000đ mà Bà H2 viết giấy xác nhận ngày 03/07/2017.

Tuy nhiên, trong nội dung thư điện tử Ông H3 viết “Dự án Hongkong của chúng ta từ tháng 07/2017”; thư của bà H viết ngày 15/12/2020 “Số tiền chị H2 và Chị H3 tchị H3 em đến hôm nay đã 03 năm 05 tháng”. Hội đồng xét xử xét thấy từ 03/07/2017 đến ngày 15/12/2020 vừa đủ 03 năm 05 tháng; do vậy, có đủ cơ sở kết luận, số tiền 2.500.000.000đ mà Bà H2 viết giấy mượn tiền nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa ba bên là bà H, Bà H2, Ông H3 bắt đầu thực hiện từ ngày 03/07/2017. Ngoài ra, trong thư ngày 15/12/2020 của bà H có nội dung “ Cuộc sống của em bị đảo lộn rất nhiều khi số tiền hơn 03 tỷ 300 triệu đồng đó bị chị và Chị H3 chiếm giữ quá lâu”. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn xác nhận đã đưa cho Bà H2 khoảng 2.800.000.000đ; đưa cho Ông H3 680.000.000đ. Như vậy, tương đối khớp với số tiền “hơn 03 tỷ 300 triệu đồng” như bà H đã xác nhận.

Trong cả 02 giấy vay tiền do Bà H2 và Ông H3 viết thì giấy Bà H2 viết có Ông H3 xác nhận với tư cách là người làm chứng; trong giấy của Ông H3 viết thì Bà H2 xác nhận với tư cách là người làm chứng và tại giấy của Ông H3 viết có xác nhận nội dung để cùng hợp tác đầu tư kinh doanh.

Do vậy, có đủ cơ sở để xác định đây là giao dịch hợp tác đầu tư. Bà H, Bà H2, Ông H3 đầu tư chung với nhau, không phải là quan hệ vay mượn. Việc Bà H2 viết giấy mượn tiền chỉ là giả cách theo Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H là không đúng bản chất sự việc; không phù hợp với sự thật khách quan.

Trong vụ án này, bà H chỉ khởi kiện yêu cầu đòi tiền theo giấy mượn tiền ngày 03/07/2017; Bà H2 không có yêu cầu phản tố tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh. Mặc dù, Ông H3 có yêu cầu đưa Ông H3 vào tham gia tố tụng để giải quyết việc hợp tác đầu tư nhưng yêu cầu này không thuộc phạm vi khởi kiện. Do vậy, cần giành quyền khởi kiện cho các đương sự về việc tranh chấp hợp tác đầu tư kinh doanh khi các đương sự có yêu cầu.

Đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H không phù hợp với Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[3] Về nghĩa vụ chịu án phí:

[3.1] Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm: Do không được chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên bà NTTH phải chịu số tiền án phí có giá ngạch là: 36.000.000đ + (440.000.000đ x 3%) = 49.200.000đ.

[3.2] Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên người kháng cáo - Bà PTHH2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

 - Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 271, Điều 272; Điều 273; khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTVQH Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

[1] Chấp nhận kháng cáo của Bà PTHH2, sửa Bản án sơ thẩm số 02/2023/DSST ngày 09/01/2023 của Tòa án nhân dân quận D, thành phố H, cụ thể như sau:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà NTTH về việc đòi tài sản đối với Bà PTHH2 theo giấy mượn tiền ngày 03/07/2017.

Giành quyền khởi kiện cho bà NTTH, Bà PTHH2 về việc tranh chấp hợp tác đầu tư kinh doanh khi các đương sự có yêu cầu. [2] Về nghĩa vụ chịu án phí:

Bà NTTH phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 49.200.000đ (bốn mươi chín triệu, hai trăm nghìn đồng); đối trừ số tiền bà NTTH đã nộp tạm ứng án phí là 41.000.000đ (bốn mươi mốt triệu) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2021/0002722 ngày 22/11/2022 của Chi cục thi hành án dân sự quận D.

Bà NTTH còn phải nộp số tiền 8.200.000đ (tám triệu, hai trăm nghìn đồng).

Bà PTHH2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; được hoàn trả số tiền 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2021/0002929 ngày 03/02/2023 của Chi cục thi hành án dân sự quận D Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày Tòa tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 525/2023/DS-PT

Số hiệu:525/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về