Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 47/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 47/2024/DS-PT NGÀY 17/04/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 17/2024/TLPT-DS ngày 07/3/2024 về việc Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 16/01/2024 của Toà án nhân dân huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 120/2024/QĐ-PT ngày 05 tháng 4 năm 2024 giữa:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1957. Có đơn xin vắng mặt HKTT: Thôn K, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa.

Bị đơn:

1. Chị Hà Thị U, sinh năm 1977. Có mặt HKTT: Thôn M, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hoá

2. Ông Nguyễn Hữu D, sinh năm 1981. Có mặt. HKTT: Thôn M, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hoá.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Tại đơn khởi kiện, các tài liệu trong hồ sơ và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị T trình bày:

Vợ chồng anh D, chị U nhiều lần vay tiền của bà T. Đến ngày 22/01/2017, anh D, chị U đã chốt số tiền còn nợ bà Tuậy là 180.000.000đ (Một trăm tám mươi triệu đồng). Chị U đã viết “Giấy nhận vay tiền”. Trong giấy vay tiền không thoả thuận thời hạn vay và lãi suất nhưng hai bên thoả thuận miệng là 1,5%/tháng. Sau đó bà T tự ghi lãi suất 1,5% vào phía dưới nội dung vay tiền trước phần ký tên người cho vay.

Trong thời gian vay tiền, chị U có trả cho bà T 20.000.000đ tiền lãi vào ngày 22/12/2017. Vào khoảng tháng 3 năm 2018, chị U chốt lãi với bà T tính đến tháng 4 năm 2018 là 23.000.000đ, hẹn đến tháng 4 năm 2018 tiếp tục trả lãi đầy đủ. Sau đó, anh D và chị U không trả lãi cho bà T theo thoả thuận mà đến ngày 22/12/2020 trả 30.000.000đ.

Bà T đã đòi tiền nhiều lần nhưng anh D và chị U không trả. Quá trình hoà giải tại Toà án, anh D và chị U đề nghị số tiền đã trả 02 lần bằng 50.000.000đ trừ vào tiền gốc đã vay. Bà T đồng ý và đề nghị tính lãi suất đối với số tiền vay như sau: Đối với số tiền 180.000.000đ vay từ ngày 22/01/2017 đến ngày 22/12/2017 là 11 tháng nhân với lãi suất 1,5% bằng 29.700.000đ.

Sau khi trả 20.000.000đ thì số tiền vay còn 160.000.000đ tính từ ngày 22/12/2017 đến ngày 22/6/2020 là 30 tháng nhân với lãi suất 1,5% bằng 72.000.000đ.

Ngày 22/6/2020 trả 30.000.000đ thì số tiền vay còn 130.000.000đ tính từ ngày 23/6/2020 đến ngày 16/01/2024 là 42 tháng 16 ngày nhân với lãi suất 1,5% bằng 82.925.753đ. Tổng cộng số tiền lãi là 184.625.753đ.

Bà Nguyễn Thị T đề nghị Toà án buộc anh D, chị U phải trả cho bà số tiền gốc là 130.000.000đ và lãi là 184.625.753đ. Tổng cộng 314.625.753đ.

2. Các bị đơn là chị Hà Thị U và anh Nguyễn Hữu D trình bày:

Ngày 22/01/2017, chị U và anh D đã chốt nợ vay số tiền của bà T là 180.000.000đ (Một trăm tám mươi triệu đồng). Chị U là người viết “Giấy nhận vay tiền” có nội dung “Ngày 22/01/2017 tên tôi là Hà Thị U (vợ), Nguyễn Hữu D (chồng). Tôi có vay với bà T số tiền 180.000.000đ” anh D và chị U đã ký vào giấy. Đối với Giấy vay tiền có nội dung “Tên tôi Hà Thị U, số tiền vay 23.000.000đ. Tôi xin hứa đến tháng 4 năm 2018 tiếp tục trả lãi đầy đủ với số tiền đã vay”, chị U đã ký vào giấy. Số tiền này là tiền lãi chốt lãi từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018, không thoả thuận thời hạn trả, chị U viết giấy vay nhưng chưa trả cho bà T.

Ngày 22/12/2017 chị U trả cho bà T 20.000.000đ. Ngày 22/6/2020, chị U trả cho bà T 30.000.000đ. Anh D, chị U đề nghị trừ vào số tiền gốc đã vay của bà T. Nay do khó khăn nên xin toàn bộ tiền lãi, đối với số tiền gốc 130.000.000đ, anh D, chị U xin trả dần mỗi tháng 4.000.000đ.

Tại phiên toà, bà T đồng ý số tiền 50.000.000đ chị U đã trả trừ vào số tiền gốc đã vay. Bà T yêu cầu anh D, chị U phải trả nốt số tiền gốc 130.000.000đ và tiền lãi nhân 1,5%/tháng theo từng thời điểm. Bà T không đồng ý với đề nghị của anh D, chị U.

3. Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 16/01/2024 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Thanh Hoá đã Quyết định: Căn cứ vào Điều 357; 463; 466; 468 Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 192; Điều 147; Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện số tiền gốc 130.000.000đ. Chấp nhận mức lãi suất 10%/năm.

Chấp nhận số tiền lãi chị Hà Thị U và anh Nguyễn Hữu D phải trả cho bà Nguyễn Thị T là 102.757.076đ.

Tổng cả gốc và lãi bà Nguyễn Thị T được chấp nhận là 130.000.000đ + 102. 757.076đ = 232.757.076đ.

Buộc chị Hà Thị U và anh Nguyễn Hữu D phải liên đới trả cho bà Nguyễn Thị T tổng cả gốc và lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 232.757.076đ.

Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí, Luật Thi hành án dân sự, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

4. Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngày 30/01/2024, Tòa án sơ thẩm nhận được đơn kháng cáo của anh Nguyễn Hữu D kháng cáo bản án sơ thẩm với các nội dung: Kháng cáo phần lãi suất của bản án.

5. Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện. Tại đơn xin xét xử vắng mặt, nguyên đơn đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá giữ nguyên kết quả xét xử của Toà án sơ thẩm với lý do bị đơn đã thống nhất số tiền gốc 130.000.000đ vay có lãi, nguyên đơn đã chấp nhận lãi suất theo bản án sơ thẩm không có ý kiến gì khác.

Bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa: Quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về hướng giải quyết vụ án: Các nội dung kháng cáo của bị đơn anh Nguyễn Hữu Dũng không có căn cứ. Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308; khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Không chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Hữu D; Giữ nguyên bản án sơ thẩm; Anh D phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà; nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về sự vắng mặt của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị T có đơn xin xét xử vắng mặt, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bà T.

[2]. Sau khi xét xử sơ thẩm, anh Nguyễn Hữu D nộp đơn kháng cáo trong thời hạn quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Anh D đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[3]. Xét nội kháng cáo của anh Nguyễn Hữu D:

Anh D kháng cáo không đồng ý trả lãi theo quyết định của bản án. Xét thấy:

Tại “Giấy nhận vay tiền” có nội dung “Ngày 22/01/2017 tên tôi là Hà Thị U (vợ), Nguyễn Hữu D (chồng). Tôi có vay với bà Tuậy số tiền 180.000.000đ”…..

Dưới mục “Người vay” có chữ ký, chữ viết của chị U và anh D ở góc phải trang giấy; Ở góc trái trang giấy có chữ ký, chữ viết người cho vay Nguyễn Thị T”. Bà T khai lãi suất do 2 bên thoả thuận miệng với nhau nên bà đã viết phía dưới giấy nhận vay tiền là “Lãi xuất 1,5%/tháng”.

Đối với Giấy vay tiền có nội dung: Tên tôi Hà Thị U, số tiền vay 23.000.000đ. Tôi xin hứa đến tháng 4 năm 2018 tiếp tục trả lãi đầy đủ với số tiền đã vay. Chị U đã ký vào giấy. Số tiền này là tiền lãi chốt lãi từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018, không thoả thuận thời hạn trả, chị U viết giấy vay nhưng chưa trả cho bà T.

Tại các bản tự khai của chị U và anh D đều thừa nhận những lần vay tiền của bà T từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 7 năm 2014 đều có lãi suất từ 2% đến 3%/tháng. Chị U khai đối với số tiền vay 23.000.000đ là tiền lãi chốt từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018, đồng thời chị U hứa đến tháng 4 năm 2018 tiếp tục trả lãi đầy đủ với số tiền đã vay. Như vậy thể hiện việc chị U, anh D vay tiền của bà T có thoả thuận về lãi suất.

Tại biên bản hoà giải ngày 19/12/2023 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Thanh Hoá chị U và anh D công nhận có vay tiền của bà T và chốt nợ với nhau đến ngày 22/01/2017 còn nợ lại 180.000.000đ, lãi thoả thuận 1,5%/ tháng. Số tiền chốt lãi từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 4 năm 2018 là 23.000.000đ nhưng chưa trả; Tại biên bản hoà giải, các đương sự đã thống nhất nội dung: “Đến ngày 22/01/2017 chị U và anh D nợ bà T 180.000.000đ, vay không thời hạn, lãi suất 1,5%/ tháng”. Chị U và anh D có nguyện vọng xin toàn bộ tiền lãi và xin trả dần tiền gốc.

Tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác...Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực". Như vậy, lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo Bộ luật dân sự không quá 20%/năm (tức 1,67%/tháng).

Các bên đều thừa nhận hợp đồng vay có lãi, lãi suất thoả thuận 1,5% /tháng là không vượt quá quy định của Bộ luật dân sự. Hợp đồng vay tiền giữa bà T với chị U, anh D thuộc trường hợp vay không kỳ hạn có lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật dân sự. Do đó, chị U và anh D phải trả lãi cho bà T cho đến khi trả hết khoản nợ gốc.

Toà án cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 10%/năm (tức 0,833%/tháng) là thấp hơn thoả thuận của các bên, thấp hơn yêu cầu của bà T nhưng do bà T không kháng cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Giấy nhận vay tiền ngày 22/01/2017 giữa chị U, anh D với bà T, xác định số tiền 20.000.000đ đã trả vào ngày 22/12/2017 và số tiền 30.000.000đ đã trả vào ngày 22/6/2020 được trừ vào nợ gốc để xác định từng thời điểm tính lãi của số tiền nợ gốc chưa trả là có căn cứ.

Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Hữu D.

Ngoài ra, tại đơn khởi kiện bà T yêu cầu chị U, anh D trả số tiền lãi 130.000.000đ. Toà án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận số tiền lãi mà chị U, anh D phải trả là 102.757.076đ nhưng không nhận định việc bà T phải chịu án phí đối với số tiền không được chấp nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án là thiếu xót nhưng do bà T là người cao tuổi, được miễn án phí nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[4]. Án phí phúc thẩm: Đương sự kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Hữu D.

2. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2024/DS-ST ngày 16/01/2024 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Thanh Hoá.

3. Án phí phúc thẩm: Anh Nguyễn Hữu D phải nộp 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0005919 ngày 06/02/2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Thanh Hoá.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không xét.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

66
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 47/2024/DS-PT

Số hiệu:47/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:17/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về