Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 44/2024/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI 

BẢN ÁN 44/2024/DS-PT NGÀY 31/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 31 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 397/2023/TLPT- DS ngày 11 tháng 11 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” do có kháng cáo của bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 397/2023/QĐ-PT ngày 11/11/2023, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Bà Trần Thị N, sinh năm 1956; địa chỉ: 26 D TOWER – L 5E8.5TG; vắng mặt.

* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đăng K, sinh năm 1969, địa chỉ: Số 135, đường Q, phường H1, quận H2, thành phố H, là người đại diện theo ủy quyền, văn bản ủy quyền ngày 17/01/2023; vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

* Bị đơn: Bà Cao Thị Kim G, sinh năm 1965; địa chỉ: Số nhà 21/11A/111 Đ, quận N1, thành phố H; có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Cao Thị Bích N2, sinh năm 1977; địa chỉ: Số nhà 1079, đường N3, quận N1, thành phố H; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn bà Trần Thị N và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Nguyễn Đăng K trình bày: Khoảng năm 2013, bà Cao Thị Kim G có hỏi vay của bà tiền để bà G mở công ty gỗ H3 tại khu công nghiệp T, huyện A, thành phố H. Từ năm 2013 đến năm 2019, bà cho bà G vay tiền nhiều lần với tổng số là 70.000 Bảng Anh. Đến năm 2020, khi bà về nước thì bà G có hỏi vay thêm số tiền 30.000 Bảng Anh và viết tay “Giấy biên nhận” ngày 28/6/2020 với nội dung xác nhận bà G có vay của bà tổng số tiền là 100.000 Bảng Anh.

Sau đó, bà đã nhiều lần yêu cầu bà G phải trả lại số tiền 100.000 Bảng Anh đã vay (tương đương với 2.800.000.000 đồng tiền Việt Nam) nhưng bà G không trả với lý do bà G đã đưa tiền cho con gái ruột của bà là Cao Thị Bích N2 để chị N2 trả cho bà. Tuy nhiên, đến nay bà không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ bà G hay chị N2. Việc bà G nói đưa tiền cho chị N2 không được sự đồng ý của bà. Việc vay nợ giữa bà G và chị N2 không liên quan đến việc bà cho bà G vay số tiền 100.000 Bảng Anh (tương đương với 2.800.000.000 đồng tiền Việt Nam). Bà G và chị Cao Bích N2 có dấu hiệu thông đồng với nhau để chiếm đoạt số tiền này của bà. Nay, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Cao Thị Kim G phải hoàn trả cho bà toàn bộ số tiền 100.000 Bảng Anh tương đương với 2.800.000.000 Việt Nam đồng.

Bị đơn là bà Cao Thị Kim G trình bày: Bà với bà N có mối quan hệ là chị dâu và em chồng. Bà N lấy anh trai của bà. Bà N có con gái là Cao Thị Bích N2 là cháu ruột gọi bà bằng cô. Bà có chăm sóc nuôi dưỡng cháu N2 từ năm 03 tuổi cho đến khi trưởng thành.

Khoảng năm 2007, bà có cho chị N2 01 căn nhà để chị N2 ở riêng. Vào ngày 28/6/2020, bà có xuống nhà chị N2 chơi theo lời mời của bà N, thời điểm đó bà N đang ở Việt Nam. Lúc đó không có chị N2 ở nhà, bà N đã nhờ bà viết giấy biên nhận với nội dung “Tôi có vay của chị Trần Thị N số tiền 100.000 Bảng Anh”. Bà viết toàn bộ giấy biên nhận và ký chữ ký tên. Ngoài ra, bà không ký, không viết giấy nào khác. Bà N nhờ bà viết giấy biên nhận nợ số tiền trên nhằm mục đích để bà N chứng minh mình có tài sản. Mục đích bà N muốn chứng minh có tài sản để làm gì thì bà không biết. Thực tế bà chưa bao giờ hỏi vay tiền của bà N và cũng chưa bao giờ nhận tiền từ bà N. Việc bà viết giấy biên nhận là do tin tưởng bà N và nghĩ việc viết giấy như vậy giữa chị em ruột cũng là bình thường.

Tại biên bản kiểm tra việc tiếp nhận, giao nộp công khai chứng cứ bà G trình bày: Bà thừa nhận các tin nhắn trong ứng dụng Z giữa bà và bà N được thể hiện trên Vi bằng số 15/VB-TPLBĐ ngày 30/3/2023 của Văn phòng Thừa phát lại B là do bà nhắn tin với bà N. Tuy nhiên, việc bà nhắn tin nhận nợ với bà N là để nhận nợ hộ chị N2, việc vay nợ giữa hai mẹ con bà N và chị N2 tự giải quyết với nhau.

Trong nội dung nhắn tin qua Z cho bà N bà có chụp cho bà N giấy biên nhận do chị N2 viết là do chị N2 nói với bà: “Cô cứ nhận như thế giúp cháu”. Vì bà đã nuôi dạy chị N2 từ bé và coi chị N2 như con và chị N2 cứ năn nỉ bà đứng ra nhận nợ hộ giúp cháu nên bà mới nói giúp chị N2 và đã nhắn tin cho bà N về việc chị N2 và bà N tự giải quyết với nhau về khoản tiền vay mượn nêu trên chứ bà không có liên quan gì cả.

Thực tế, chị N2 vay tiền của bà N để làm ăn nhưng thua lỗ không trả được. Khi bà N hỏi nhiều quá thì chị N2 quay ra nói với bà là cô cứ nhận giúp cháu đi thì bà mới nói với bà N giúp cho chị N2 chứ bà không biết cụ thể chị N2 vay của bà N bao nhiêu, vay như thế nào. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện đòi tiền của bà N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Cao Thị Bích N2 trình bày: Chị N2 là con ruột của bà G, là cháu gọi bà G bằng cô. Thỉnh thoảng giữa chị và bà G có việc cho nhau vay mượn tiền. Tuy nhiên việc vay mượn tiền giữa chị và bà G là việc cá nhân, không liên quan gì đến mối quan hệ vay mượn tiền giữa bà N và bà G.

Tại phiên tòa sơ thẩm chị N2 trình bày: “Số tiền mà mẹ tôi gửi tiền về với danh nghĩa là mẹ tôi cho cô tôi vay nên mẹ tôi mới gửi về, đấy là do tôi nói dối. Khi mẹ tôi đòi tiền thì tôi đành phải nói là cô tôi trả rồi và tôi đã nhận rồi, mẹ tôi chỉ cần biết là cô tôi đã trả cho mẹ tôi rồi và tôi đã cầm số tiền đó từ cô, còn tôi nói với cô tôi là cháu sẽ nhận trách nhiệm trực tiếp trả cho mẹ cháu số tiền đấy này nên tôi viết thế để nhờ cô nói với mẹ tôi đỡ phải lời qua tiếng lại”.

Ngoài ra, chị không biết việc bà G có vay tiền của bà N hay không. Chị không chứng kiến việc bà N và bà G đưa, nhận tiền cho nhau. Chị không biết việc bà G viết giấy biên nhận ngày 28/6/2020 về việc nhận nợ của bà N số tiền 100.000 Bảng Anh. Chị chưa bao giờ nhận được số tiền nào từ bà G đưa mà liên quan đến số tiền 100.000 Bảng Anh như bà N trình bày.

Tại biên bản kiểm tra việc tiếp nhận, giao nộp công khai chứng cứ, chị N2 trình bày: Các tin nhắn trong Vi bằng là do bà G đối phó với bà Trần Thị N. Bà N gửi tiền về cho chị nhưng chị làm ăn thua lỗ hết. Sau đó, bà N đòi nhiều thì chị có bảo bà G đứng ra nhận nợ hộ. Do bà G muốn giúp đỡ chị nên mới đứng ra nhận nợ thay. Chị không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị N.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2023/DS-ST ngày 23/6/2023, Tòa án nhân dân thành phố H đã quyết định:

Căn cứ Điều 26, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 147; Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 117, Điều 122, Điều 123, Điều 131 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ Điều 22 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005;

Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Mức thu án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị N. Giao dịch cho vay theo giấy biên nhận ngày 28/6/2020 giữa người cho vay là bà Trần Thị N và người vay là bà Cao Thị Kim G, số tiền 100.000 Bảng Anh vô hiệu. Buộc bà Cao Thị Kim G phải trả cho bà Trần Thị N số tiền 2.800.000.000 Đồng Việt Nam.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 23/6/2023, bị đơn bà Cao Thị Kim G có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng quyền lợi của bà chưa được bảo đảm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn bà Cao Thị Kim G giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu đòi nợ của nguyên đơn bà Trần Thị N vì cho rằng bà chỉ là người đứng ra nhận nợ giúp chị Cao Bích N2 và số tiền đó do chị N2 toàn quyền sử dụng nên chị N2 mới là người phải trả nợ cho bà N.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Cao Thị Bích N2 xác nhận nội dung trình bày tại phiên tòa của bà G và thừa nhận chị mới là người vay mượn và chịu trách nhiệm trả cho bà N số tiền 100.000 Bảng Anh tại Giấy biên nhận ngày 28/6/2020 giữa người cho vay là bà Trần Thị N và người vay là bà Cao Thị Kim G. Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị N.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về tố tụng việc tu n theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa thấy: Giao dịch cho vay theo giấy biên nhận ngày 28/6/2020 giữa người cho vay là bà Trần Thị N và người vay là bà Cao Thị Kim G, số tiền 100.000 Bảng Anh là vi phạm quy định tại Điều 22 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm việc vay ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam giữa các cá nhân. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị N, tuyên bố giao dịch dân sự nêu trên vô hiệu; buộc bà Cao Thị Kim G phải trả cho bà Trần Thị N số tiền 2.800.000.000 Đồng Việt Nam là có căn cứ. Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của bà Cao Thị Kim G, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Căn cứ vào Bản án sơ thẩm, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, sau khi thảo luận và nghị án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1 Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn Cao Thị Kim G kháng cáo trong hạn luật định và hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Đ y là tranh chấp về giao dịch vay tiền; nguyên đơn có nơi cư trú tại nước Anh; bị đơn có nơi cư trú tại quận N1, thành phố H nên Toà án nhân dân thành phố H thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện:

Nguyên đơn bà Trần Thị N khẳng định giữa bà và bà G có việc vay tài sản là tiền Bảng Anh, thể hiện tại Giấy biên nhận có nội dung “Tôi tên là Cao Thị Kim G có vay của chị N số tiền 100.000 Bảng Anh... H ngày 28/6/2020”. Bà G là người đã trực tiếp viết và ký vào nội dung nhận vay số tiền trên.

Bị đơn là bà Cao Thị Kim G thừa nhận bà có ký tại Giấy biên nhận nêu trên nhưng thực tế bà không vay số tiền trên của bà N mà là cháu gái bà đồng thời là con gái ruột của bà N là chị Cao Thị Bích N2 vay. Để chứng minh, bà G cung cấp các tin nhắn trong ứng dụng Z giữa bà G và bà N được thể hiện trên Vi bằng số 15 ngày 30/3/2023 của Văn phòng thừa phát lại B giữa bà G với bà N có nội dung bà G nhắn tin việc bà ký nhận nợ với bà N là để nhận nợ hộ con gái của bà N là chị Cao Thị Bích N2.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị N2 xác nhận: “Các tin nhắn trong Vi bằng là cô G đối phó với mẹ tôi là bà N, mẹ tôi gửi tiền về cho tôi. Tôi sử dụng tiền đó để làm ăn nhưng bị thua lỗ. Sau đó mẹ tôi đòi tôi nhiều lần thì tôi có bảo cô G đứng ra nhận hộ tôi. Do cô G muốn giúp đỡ tôi nên mới đứng ra nhận nợ thay tôi. Sau khi mẹ tôi đòi cô tôi quá thì tôi cũng có nói với cô G là cứ nói sự thật là tôi đã sử dụng tiền của mẹ tôi”. Tuy nhiên, nội dung này không được bà N thừa nhận nên có căn cứ khẳng định giao dịch vay tài sản giữa các bên như trình bày của nguyên đơn bà Trần Thị N là có thật.

[4] Xét Hợp đồng vay tài sản ngày 28/6/2020 thể hiện bằng Giấy biên nhận giữa bà N và bà G đối với số tiền 100.000 Bảng Anh thì thấy: Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm việc vay ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam giữa các cá nhân. Do đó, Nguyên đơn bà Trần Thị N và bị đơn bà Cao Thị Kim G không đảm bảo điều kiện được giao dịch ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Mặc dù các đương sự trình bày không biết quy định của pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc vay ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam nhưng bà N là người có ngoại tệ cho vay, vì vậy buộc bà N phải biết các quy định về việc vay ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật. Tòa án sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bà N và tuyên bố giao dịch vay tài sản bằng ngoại hối giữa bà N và bà G bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật là đúng quy định tại Điều 122 và Điều 123 của Bộ luật dân sự năm 2015.

[5] Theo Công văn số 847 ngày 23/5/2023 của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá áp dụng cho Bảng Anh tính đến ngày 22/5/2023 là 1 Bảng Anh = 31.008 VND (như vậy, 100.000 Bảng Anh = 3.100.800.000 đồng). Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn yêu cầu quy đổi 100.000 Bảng Anh ra tiền Việt Nam đồng tương đương 2.800.000.000 đồng là thấp hơn tỉ giá tham khảo và tỉ giá tính chéo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 23/6/2023 là có lợi cho bị đơn. Việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ của Tòa án sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định.

[6] Do giao dịch bằng ngoại hối của các bên là vô hiệu nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

[7] Mặc dù chị Cao Thị Bích N2 thừa nhận việc nhờ bà G vay hộ 100.000 Bảng Anh của bà N để làm vốn kinh doanh, xác nhận việc bà G chỉ là người đứng ra nhận tiền hộ chị N2 và số tiền đó do chị N2 toàn quyền sử dụng, xác nhận việc chị tự nguyện nhận trách nhiệm trả nợ số tiền 100.000 Bảng Anh cho bà N nhưng thỏa thuận này giữa bà G và chị N2 không được bà N đồng ý nên Tòa án sơ thẩm căn cứ Giấy biên nhận ngày 28/6/2020 để buộc bà Cao Thị Kim G phải trả lại cho bà Trần Thị N số tiền 100.000 Bảng Anh tương đương với số tiền 2.800.000.000 Việt Nam đồng là đúng quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự. Bà G có thể khởi kiện đối với chị N2 bằng một vụ án dân sự khác hoặc thỏa thuận về việc chị N2 tự nguyện trả nợ thay trong giai đoạn thi hành án.

[8] Từ những phân tích nêu trên cho thấy Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tuyên bố giao dịch vay tài sản theo Giấy biên nhận ngày 28/6/2020 giữa bà Trần Thị N và bà Cao Thị Kim G về việc vay 100.000 Bảng Anh bị vô hiệu; Buộc bà G phải hoàn trả cho bà N số tiền 100.000 Bảng Anh tương đương số tiền 2.800.000.000 đồng tiền Việt Nam là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà G; Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

[9] Kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn bà Cao Thị Kim G phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định nhưng được khấu trừ số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí mà bà đã nộp.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn là bà Cao Thị Kim G; Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố H.

2. Bà Cao Thị Kim G phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) án phí dân sự phúc thẩm; được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí mà bà đã nộp tại biên lai thu số 0000065 ngày 14 tháng 7 năm 2023 của Cục Thi hành án dân sự thành phố H.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 44/2024/DS-PT

Số hiệu:44/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về