Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 24/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 24/2021/DS-PT NGÀY 12/07/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 7 năm 2021 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 32/2020/TLPT-DS ngày 11 tháng 11 năm 2020 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 69/2021/QĐ-PT ngày 25 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Lương Thúy L, sinh năm 1956; Địa chỉ: 108A Đ, phường Tr, thành phố H.

- Bị đơn: Bà Hàng Thị Ngọc C, sinh năm 1964 và ông Nguyễn Đình T, sinh năm 1961.

Cùng địa chỉ: 04 Đ, phường Tr, thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hàng Thị Ngọc C: Ông B, Luật sư của Văn phòng Luật sư B thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

Địa chỉ: 44 Phạm Hồng T, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Người kháng cáo:

+ Nguyên đơn Bà Lương Thúy L. Có mặt.

+ Bị đơn bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T. Đều có mặt.

- Người làm chứng: Bà Trần Thị Tâm Ph, sinh năm 1977; địa chỉ: 1/281 Chi lăng, phường P, thành phố Huế. Có mặt.

- Bà: Nguyễn Thị Th, sinh năm 1960; địa chỉ 21/4 X, phường Tr, thành phố Huế. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn bà Lương Thúy L trình bày:

Vào khoảng năm 2010, giữa bà và bà Hàng Thị Ngọc C, ông Nguyễn Đình T có giao dịch mượn số tiền 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng), bà C là người đại diện ký vào giấy mượn tiền, mục đích mượn tiền là xây dựng Bệnh viện Ung bướu tư nhân và mua sắm các thiết bị y tế. Hợp đồng vay không ghi tiền lãi nhưng các bên thỏa thuận bên ngoài mức lãi suất 2%/tháng. Khi mượn tiền, vợ chồng bà C hẹn khoảng vài tháng sẽ trả và bà C đã thực hiện trả tiền lãi từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2012 với số tiền 880.000.000 đồng. Sau nhiều lần đòi nợ bà C, ông T không trả nên đến ngày 24/01/2013, ông T, bà C viết giấy thỏa thuận, trong đó nhận nợ bà Lương Thúy L với số tiền 2.100.000.000đ và đến ngày 27/01/2013, vợ chồng ông T, bà Ctiếp tục ký giấy cam kết xác nhận nợ 11 người, trong đó nợ bà L 2.100.000.000đ (2.000.000.000đ là khoản vay ngày 08/10/2010 và 100.000.000đ tiền lãi từ tháng 10/2012 đến thời điểm chốt nợ). Bà L khẳng định số tiền trên là tài sản riêng của bà, không liên quan đến tài sản chung của vợ chồng (đã được ông Lê Thanh - chồng bà L xác nhận). Nay bà L yêu cầu vợ chồng bà Ct rả số tiền nợ 2.100.000.000 đồng, không yêu cầu trả tiền lãi.

Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, bà L xuất trình các chứng cứ sau:

1. Giấy bà Cvay bà L, S (sáng) 08/10/2010 số tiền 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng);

2. Giấy thỏa thuận đề ngày 24/01/2013 xác nhận nợ bà L 2.100.000.000đ;

3. Giấy cam kết đề ngày 27/01/2013 xác nhận nợ bà L 2.100.000.000đ.

Bị đơn bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T trình bày:

Không chấp nhận Giấy thỏa thuận và Giấy cam kết do Nguyên đơn xuất trình, vì những giấy tờ này vợ chồng ông T, bà C ký trong tình trạng bị ép buộc; khoản nợ 2.100.000.000đ xuất phát từ khoản nợ 2.000.000.000đ do bà C giao dịch với bà L, quá trình vay mượn giữa bà Cvà bà L thì không có bút tích nào của ông T nên đề nghị Hội đồng xét xử không xác định ông T là bị đơn trong vụ án này.

Đối với khoản vay 2.000.000.000đ, bà C đã trả cho bà L 400.000.000 đồng tiền gốc và quá trình vay mượn từ năm 2006, bà Cđã trả cho bà L 2.862.068.000 đồng tiền lãi, với nhiều mức lãi suất khác nhau.

Ngày 03/9/2015 và ngày 19/9/2015, bà Ccó yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án xem xét việc bà đã trả lãi số tiền 2.862.068.000đồng để đối trừ vào nợ gốc của bà còn nợ bà L. Để chứng minh ý kiến phản bác của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phía bị đơn đã cung cấp các chứng cứ gồm:

1. Bảng kê tính lãi đã trả với số tiền 2.862.068.000 đồng đề ngày 29/10/2014;

2. 01 đĩa CD có chữ KHACHI/CR-R80 cho rằng đó là bằng chứng vợ chồng bà bị chủ nợ ép ký nợ.

3. Một số giấy tờ ghi chép các con số của năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2012.

Vụ án này đã được Tòa án nhân dân thành phố Huế đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 24/11/2017, sau đó bị đơn kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 15/2018/DS-PT ngày 06/9/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo qui định pháp luật.

Sau khi giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Huế đã tiến hành lấy lời khai nguyên đơn, bị đơn; đã mở phiên đối chất, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, đã triệu tập hợp lệ phía bị đơn theo đúng qui định pháp luật tố tụng dân sự nhưng phía bị đơn nhiều lần vắng mặt nên không thể tiến hành được.

Tại bản án Dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 227; Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; áp dụng các Điều 471, 476, 477 Bộ luật dân sự 2005; Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thúy L. Buộc ông Nguyễn Đình T và bà Hàng Thị Ngọc C phải trả nợ cho bà Lương Thúy L số tiền 1.109.560.000đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Lương Thúy L có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Nguyễn Đình T, bà Hàng Thị Ngọc C chưa thi hành số tiền ở trên, thì hàng tháng còn phải chịu thêm một khoản tiền lãi, theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/10/2020 bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do:

Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại tư cách tham gia tố tụng trong vụ án của ông Nguyễn Đình T và xem xét các chứng cứ liên quan đến số tiền lãi 2.862.048.000đ và các chứng cứ mâu thuẫn nhau trong khoản tiền 400.000.000đ.

Ngày 14/10/2020 bà Lương Thúy L có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại theo yêu cầu của Nguyên đơn về việc bị đơn trả số tiền đã vay mượn và lãi đã thỏa thuận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận với nhau được nội dung giải quyết vụ án; đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại bản án dân sự sơ thẩm theo qui định pháp luật.

Người bảo vệ quyền lợi cho Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại bản án sơ thẩm trên cơ sở các chứng cứ do bị đơn cung cấp để giải quyết các khoản nợ gốc và lãi đã trả cho nguyên đơn theo qui định pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có quan điểm:

- Việc chấp hành pháp luật tố tụng: Kể từ khi thụ lý vu án cho đến thời điểm xét xử phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và tư các tham gia tố tụng của đương sự.

Về quan điểm:

a. Kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn trong hạn luật định theo qui định tại khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự.

b. Trên cơ sở các tài liệu có tại hồ sơ vụ án, lời khai các bên đương sự, nội dung kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và diễn biến tại phiên tòa: Căn cứ vào giấy ghi nhận nợ ngày 08/10/2010 với nội dung bà C nợ bà L với số tiền 2.000.000.000 đồng và phía bị đơn cũng thừa nhận. Sau đó, các bên xác lập hợp đồng mới bằng giấy thỏa thuận đề ngày 24/01/2013 và giấy cam kết ngày 27/01/2013 bằng cách chốt các khoản nợ lãi là: 100.000.000đ vào khoản nợ gốc 2.000.000.000 đồng là có căn cứ.

+ Đối với tiền lãi và mức lãi suất: Bà L thừa nhận từ 08 tháng 10 năm 2010 đến tháng 9/2012, bà thừa nhận đã nhận số tiền lãi của bà Clà 880 triệu đồng với mức lãi suất 2,4%/tháng nhưng không có tài liệu gì làm căn cứ chứng minh.

Phía bà Ctrình bày mức lãi suất bà trả cho bà L dao động từ 3,1%/tháng đến 3,3%/tháng, các bút tích này của bà Cxuất trình không liên tục về thời gian nên không có căn cứ để áp dụng tính mức lãi suất nào là phù hợp nhưng cấp sơ thẩm đã vận dụng và đưa ra để tính mức lãi suất 3,15%/tháng số tiền 2.000.000.000đ x 24 tháng = 1.512.000.000 đồng và cộng với số tiền lãi do hai bên chốt nợ lãi 100.000.000 đồng ngày 27/01/2013 = 1.612.000.000 đồng là không có cơ sở.

Căn cứ khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005; khoản 4 phần I Thông tư liên tịch số 01/1997/TTLT ngày 19/6/1997 của TANDTC – VKSNDTC – BTP – BTC để tính lại số tiền lãi mà bà Cđã thanh toán cho bà L, như sau:

Số tiền gốc là: 2.000.000.000 đồng x 1,125%/tháng x 27 tháng 19 ngày = 621.560.000 đồng. Số tiền được tính gốc là 2.000.000.000đ + 621.560.000đ lãi = 2.621.560.000đ. Số tiền lãi bà Cđã thanh toán vượt quá mức lãi suất được nguyên đơn thừa nhận: 880.000.000đ. Vậy số tiền bà C, ông Tphải trả cho bà L là: 2.000.000.000đ - 880.000.000đ = 1.120.000.000đ + 621.560.000đ = 1.741.000.000đ.

Đối với số tiền lãi 100.000.000đ bà L thừa nhận số tiền lãi của bị đơn 880.000.000đ nên đề nghị không xem xét.

Nội dung kháng cáo của bị đơn:

+ Về xác định ông T là bị đơn: Tại hợp đồng ủy quyền ngày 30/10/2013 của ông T và theo qui định tại Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nên xác định ông T bị đơn là có cơ sở. Việc ký giấy thỏa thuận, cam kết đều diễn ra trước ngày 28/01/2013 khẳng định phía bị đơn đã tự nguyện ký vào các tờ giấy cam kết thỏa thuận nêu trên là tự nguyện và phù hợp qui định pháp luật.

+ Về lãi: Không có căn cứ để chấp nhận các khoản lãi do bị đơn kê và cho rằng đã trả cho bà L trước ngày 08/10/2010.

Đối với khoản tiền 400.000.000đ phía bị đơn cho rằng đã trả cho nguyên đơn nhưng nguyên đơn không thừa nhận; bị đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn đề nghị đưa bà Th và bà Ph vào tham gia với tư cách người làm chứng để làm rõ nội dung phía nguyên đơn ép buộc bị đơn viết bản thỏa thuận và ký vào giấy cam kết nợ, nhưng không có căn cứ; nội dung này đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời tại công văn số 482/PC44 ngày 29/4/2016; tại cấp sơ thẩm bị đơn không yêu cầu, không nằm trong nội dung kháng cáo, vượt quá phạm vi kháng cáo theo qui định tại Điều 284 BLTTDS, đề nghị HĐXX không xem xét, giải quyết.

Đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn sửa một phần bản án sơ thẩm về số tiền gốc và lãi suất và án phí dân sự theo qui định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời khai của các đương sự, ý kiến của người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

Về thủ tục tố tụng: Bà Lương Thúy L, bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T có đơn kháng cáo trong thời hạn kháng cáo theo quy định của pháp luật nên kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn đều hợp lệ theo qui định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1] Về tố tụng:

Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp hợp đồng dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo qui định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự; xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự, của nguyên đơn, bị đơn đảm bảo theo đúng qui định tại các Điều 68, 70, 72 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ thụ lý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Bà Lương Thúy L trình bày:

Vào khoảng năm 2010, giữa bà và vợ chồng bà Hàng Thị Ngọc C, ông Nguyễn Đình T có thỏa thuận giao dịch vay mượn số tiền 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng) vào sáng 08/10/2010; bà Clà người đại diện trực tiếp ký vào giấy mượn tiền, mục đích của ông T, bà C là xây dựng Bệnh viện Ung bướu tư nhân và mua sắm các thiết bị y tế. Hợp đồng vay không ghi tiền lãi nhưng các bên thỏa thuận bằng miệng bên ngoài mức lãi suất 2%/tháng. Khi mượn tiền, vợ chồng bà Chẹn khoảng vài tháng sẽ trả; bà Cđã thực hiện trả tiền lãi từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2012 cho bà với số tiền 880.000.000đ (Tám trăm tám mươi triệu đồng).

Sau nhiều lần đòi nợ bà C, ông T không chịu trả nên đến ngày 24/01/2013, ông T, bà Cđã viết và ký vào giấy thỏa thuận, trong đó nhận nợ bà Lương Thúy L với số tiền 2.100.000.000đ và đến ngày 27/01/2013, vợ chồng ông T, bà Ctiếp tục ký vào giấy cam kết xác nhận nợ bà L 2.100.000.000đ, trong đó: 2.000.000.000đ là khoản vay ngày 08/10/2010 và 100.000.000đ tiền lãi tính từ tháng 10/2012 đến thời điểm hai bên chốt nợ - 27/01/2013, đã được hai bên thỏa thuận chuyển thành tiền gốc. Tổng cộng 2.100.000.000đ (Hai tỷ một trăm triệu đồng).

- Bị đơn bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T trình bày:

Không chấp nhận Giấy thỏa thuận và Giấy cam kết do nguyên đơn xuất trình vì những giấy này vợ chồng ông T, bà C ký trong tình trạng bị ép buộc; khoản nợ 2.100.000.000đ xuất phát từ khoản nợ 2.000.000.000đ do bà C giao dịch với bà L, quá trình vay mượn giữa bà C và bà L thì không có bút tích nào của ông T nên bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không xác định ông T là bị đơn trong vụ án này, mà xác định bị đơn là bà Cvà bà tự chịu trách nhiệm đối với khoản nợ này. Đối với khoản vay 2.000.000.000đ, bà C cho rằng đã trả cho bà L 400.000.000đ tiền gốc. Về khoản lãi quá trình vay mượn từ năm 2006 đến năm 2012 bà C đã trả cho bà L 2.862.068.000đ tiền lãi, với nhiều mức lãi suất khác nhau.

Ngày 03/9/2015 và ngày 19/9/2015, bà Ccó yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án xem xét việc bà đã trả lãi số tiền 2.862.068.000 đồng để đối trừ vào nợ gốc của bà còn nợ bà L; sau đó rút yêu cầu nên cấp sơ thẩm đã ra quyết định đình chỉ theo qui định pháp luật. Để chứng minh ý kiến phản bác của mình đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phía bị đơn đã cung cấp các chứng cứ như sau:

1. Bảng kê tính lãi đã trả với số tiền 2.862.068.000 đồng đề ngày 29/10/2014;

2. 01 đĩa CD có chữ KHACHI/CR-R80 cho rằng đó là bằng chứng vợ chồng bà bị chủ nợ ép ký nợ.

3. Một số giấy tờ ghi chép các con số của năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2012.

[2] Về nội dung:

Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Trên cơ sở lời khai của nguyên đơn, bị đơn và các tài liệu, chứng cứ do hai bên đương sự cung cấp, có cơ sở khẳng định:

2.1. Về số tiền gốc:

Việc làm ăn bằng cách thức vay mượn tiền giữa bà Lương Thúy L và bà Hàng Thị Ngọc C được diễn ra trong một thời gian dài qua rất nhiều năm; số tiền gốc được vay, mượn, trả đi, mượn lại nhiều lần, bằng nhiều khoản vay khác nhau; việc tính lãi giữa các bên trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, tính toán cũng bằng nhiều mức lãi suất khác nhau.

Bà C vay mượn tiền của nhiều người, trong đó có bà L với mục đích cho người khác vay lại để lấy tiền lãi.

Quá trình trả lãi, gốc giữa các bên tính lãi theo thỏa thuận, tự chi trả tự mở sổ theo dõi việc tính toán với nhau, có khoản ký xác nhận, có nhiều khoản tự thừa nhận không có ký xác nhận nguồn gốc khoản tiền gốc, tiền lãi hàng ngày, hàng tuần, tháng....Đến ngày 08/10/2010, bà L và bà Cđã thống nhất chốt số tiền gốc bà Ccòn nợ bà L là 2.000.000.000 đồng (Hai tỉ đồng) bằng chữ viết có sự thừa nhận của cả hai bên.

Do sau khi chốt nợ, nhiều lần đòi nợ không được, bà L đã yêu cầu vợ chồng Bà C, ông T ký xác nhận số tiền nợ gốc 2,1 tỷ đồng vào các ngày 24/01/2013 và 27/01/2013; trong đó tiền gốc 02 tỉ, 100 triệu đồng tiền lãi được chuyển thành tiền gốc. Tổng cộng 2,1 tỉ đồng.

Đề nghị Tòa án buộc vợ chồng bà C, ông Tphải trả nợ cho bà số tiền là 2,1 tỉ đồng. Tại cấp sơ thẩm bà thỏa thuận giảm số tiền gốc cho bà C400 triệu đồng, với điều kiện không kháng cáo và phải thực hiện nghĩa vụ trả hết số tiền còn lại cho bà, nhưng do bà C, ông T không thực hiện thỏa thuận trên nên nay bà không chấp nhận giảm số tiền này nữa và yêu cầu trả nợ cho bà số tiền gốc là 2,1 tỉ đồng.

- Phía bà C cho rằng quá trình trả nợ, bà đã trả cho bà L số tiền gốc 400 triệu đồng, nay chỉ còn nợ 1.600.000.000 đồng trong số tiền gốc 02 tỉ đồng và 100 triệu đồng tiền lãi được tính từ tháng 10/2012 đến 27/01/2013, hai bên đã tự nguyện thỏa thuận chuyển thành tiền gốc. Nay bà Cthừa nhận chỉ còn nợ bà L số tiền gốc là 1,7 tỉ đồng.

Về khoản tiền gốc tại bảng kê là tài liệu do bà Ckê khai thấy rằng: Ngoài số tiền đã vay 02 tỉ đồng hiện nay hai bên đang tranh chấp bà C thừa nhận có 05 lần vay tiền gốc của Bà L, trong đó có số tiền 515 triệu đồng hai bên thừa nhận có vay, cho vay và đã trả hết. Đối với số tiền gốc 400 triệu đồng bà Ckhai nại đã trả cho bà L trong số tiền gốc 02 tỉ đồng nhưng không có chứng cứ chứng minh thời gian trả cụ thể, số lần trả và chữ ký xác nhận của người nhận. Đồng thời cũng không được bà L chấp nhận nên không có căn cứ chấp nhận để đối trừ vào số tiền gốc số tiền này.

2.2. Về số tiền lãi tranh chấp:

- Theo trình bày của Nguyên đơn:

Quá trình khởi kiện, bà L thừa nhận đã lấy tiền lãi trong số tiền gốc 02 tỉ đồng từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2012 là 880 triệu đồng; số tiền lãi 100 triệu đồng hai bên đã tự nguyện thỏa thuận và chốt nợ vào các ngày 24/01/2013 và ngày 27/01/2013 nay bà yêu cầu bị đơn phải trả theo thỏa thuận; về tiền lãi còn lại từ tháng 27/01/2013 đến khi xét xử sơ thẩm bà không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.

- Đối với bị đơn: Chứng cứ do Bà C cung cấp là bản tự kê khai cùng các giấy tờ theo dõi trả lãi từ năm 2006 đến 2012 với số tiền 2.862.068.000 đồng, qua xem xét thấy rằng:

Các tài liệu này là nhiều loại giấy tờ vụn vặt, được xé từ lịch, vở để tự viết, kê khai nhưng không rõ ràng; để bà C tự theo dõi việc vay mượn, trả nợ giữa hai bên nhưng một số giấy tờ không thể hiện năm nào, chỉ có ngày, tháng (không rõ âm lịch hay dương lịch); có loại không có chữ ký hoặc xác nhận của người nhận; không thể hiện số tiền lãi này được tính từ nguồn gốc cụ thể từ số tiền gốc nào, vay vào thời điểm nào? Số tiền gốc là bao nhiêu? Ngày, tháng, năm vay số tiền gốc; đây là những chứng cứ gốc để xem xét nhưng không có căn cứ rõ ràng để có cơ sở xác định và chứng minh số tiền lãi bà Cđã trả cho bà L đối với mức của từng khoản vay cụ thể.

Tại bảng tự kê khai do bà C làm chứng cứ cung cấp cho Tòa án tại cấp sơ thẩm trong đó thể hiện thời gian vay tiền của bà đối với bà L từ năm 2006 đến 2012; ngoài số tiền gốc đang tranh chấp bà còn vay nhiều lần và được trả đi, vay lại nhiều lần bằng nhiều khoản khác nhau, thời gian khác nhau; trong đó có thể hiện số tiền gốc vay ngày 08/10/2010 là 2 tỉ đồng, phù hợp với chứng cứ và các tài liệu do nguyên đơn - bà L cung cấp, được bị đơn thừa nhận.

- Về tổng số khoản tiền lãi do bà Ckê khai cung cấp, xét thấy: Đây là các tài liệu, chứng cứ bà Ckê khai từ năm 2006 cho đến 2012, không có ai xác nhận việc đã giao trả hay chưa? Bà tự mở sổ sách, tự theo dõi và không có chữ ký xác nhận của bà L để làm căn cứ chứng minh cho yêu cầu phản bác của mình. Do hai bên thừa nhận đã chốt các khoản nợ vào ngày 08/10/2010 nên các khoản vay, lãi trở về trước ngày 08/10/2010 không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Tuy nhiên, quá trình quan hệ vay mượn tiền từ ngày 08/10/2010 đến ngày xác nhận nợ giữa hai bên 27/01/2013 do bà C kê khai thể hiện nhiều lần vay, trả tiền gốc, trả lãi nhiều lần của nhiều khoản vay khác nhau, không cụ thể; bà L cũng thừa nhận trong khoảng thời gian này từ 08/10/2010 đến tháng 9/2012 bà có nhận số tiền lãi trên số tiền gốc là 880 triệu đồng. Đối chiếu với lời khai và các chứng cứ khác do bà Ccung cấp về việc bà Cđã thực hiện nghĩa vụ trả lãi, mức lãi suất, thời gian trả lãi từ tháng 10/2010 đến tháng 10 năm 2012 cho bà L trên số tiền gốc 02 tỉ đồng cũng tương đương số tiền lãi bà L tính toán và thừa nhận; do đó có căn cứ để xem xét để tính toán cho phù hợp về khoản tiền lãi bà Cđã trả từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2012.

Đối với số tiền 2.862.068.000 đồng bà C cho rằng đây là số tiền lãi bà đã trả cho bà L được kê khai từ năm 2006 đến năm 2012 nhưng không chứng minh được đây là khoản lãi được tính cụ thể từ số tiền gốc nào và bao nhiêu? Hiện nay mâu thuẫn với số tiền gốc, lãi mà bà L đang khởi kiện. Xét thấy tài liệu tính lãi số tiền 2.862.068.000 đồng của bà C không được bà L xác nhận, không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ số tiền này.

Do cấp sơ thẩm đã đánh giá thiếu khách quan, phiến diện, không xem xét tòan diện chứng cứ do các bên cung cấp, tự đặt ra mức trung bình 3,15% để tính lãi suất khi chưa được sự chấp nhận của các bên đương sự, dẫn đến những sai sót trong việc tính toán về các khoản tiền gốc, lãi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự; xét thấy cần phải sửa bản án sơ thẩm.

Về nội dung kháng cáo tư cách tham gia tố tụng của ông T:

+ Khi vụ án được khởi kiện lần đầu: Ông Nguyễn Đình T đã có giấy ủy quyền cho bà Hàng Thị Ngọc C tham gia tố tụng tư cách bị đơn thay ông;

+ Phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai ông đã rút giấy ủy quyền và tự tham gia tố tụng tại phiên tòa theo qui định pháp luật tố tụng.

Đồng thời ông cũng như bà C đã thực hiện quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm theo qui định tại điều 70, 72 BLTTDS về quyền, nghĩa vụ của đương sự - Bị đơn.

Xét thấy:

Quá trình bà C thực hiện việc vay mượn tiền nhiều lần của bà L và của nhiều người khác được diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và liên tục qua nhiều năm với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, bà thừa nhận đây là một nghề làm ăn đối với bà nhằm tạo thu nhập để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, đóng góp vào nguồn thu nhập chung gia đình nên buộc ông T mặc nhiên phải biết rõ công việc này của bà Cẩm.

Khi xảy ra tranh chấp, bản thân ông là một bác sĩ, có đủ trình độ nhận thức, tinh thần minh mẫn, có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự; do đó vào các ngày 24/01/2013 và ngày 27/01/2013 ông đã thể hiện ý chí, đã thừa nhận và cùng bà C- vợ ông viết và ký vào 02 giấy gồm: 01 giấy xác nhận nợ và 01 giấy thỏa thuận xác nhận số nợ đối với bà Lương Thúy L là 2,1 tỉ đồng. Sau này vợ chồng ông cho rằng do bị ép buộc, không đủ minh mẫn nên đã ký xác nhận các văn bản này. Để chứng minh cho nội dung này, ông cung cấp cho Tòa án chứng cứ gồm đĩa DVD và ảnh chụp in sao lúc 28 giờ 58 phút ngày 28/01/2013 chứa hình ảnh nhiều người đến ép buộc vợ chồng ông ký vào 02 giấy xác nhận nợ nói trên.

Mặt khác, ông cũng đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự về hành vi đe dọa, cưỡng ép trả nợ đối với bà L và những người liên quan; nội dung này đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trả lời tại công văn số 482/PC44 ngày 29/4/2016, không có căn cứ xử lý hình sự.

Do đó, việc bà C, ông T cho rằng ông, bà ký xác nhận nợ cho bà L với số tiền 2,1 tỉ đồng vào các ngày 24/01/2013 và ngày 27/01/2013 do bị ép buộc là không có căn cứ chứng minh, cần bác bỏ.

Ngoài ra, các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện qua nhiều lần giải quyết, hòa giải và xét xử tại cấp sơ thẩm, nhiều tài liệu cho thấy bị đơn cố tình trốn tránh, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, như: Khi Tòa án phối hợp chính quyền địa phương tống đạt giấy triệu tập làm việc nhưng vợ chồng ông T, bà C đã có thái độ không hợp tác, từ chối không nhận, thiếu thiện chí và không đến làm việc; Tòa án phải hoãn làm việc, hoãn phiên hòa giải và hoãn phiên tòa nhiều lần, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

Lý do xin hoãn phiên tòa thể hiện tại các tài liệu có sự mâu thuẫn nhau, cụ thể: Khi bà C có đơn yêu cầu ngày 25/9/2020 về việc đề nghị hoãn phiên tòa ngày 26/9/2020 với lý do bị ốm phải điều trị mắt; nhưng tài liệu bà cung cấp thiếu thống nhất như: Sai họ: Hàng thành ; ngày, tháng, năm sinh:

01/01/1964 với 17/7/1964; đặc biệt tài liệu sao in từ dữ liệu điện tử ngày khám chữa bệnh thể hiện là 19/6/2020 lại bị sửa thành 25/6/2020.

Tại cấp sơ thẩm ông T, bà C không yêu cầu đưa người làm chứng vào tham gia tố tụng; nhưng tại cấp phúc thẩm sau khi Tòa án đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất ông, bà và người bảo vệ quyền lợi cho bà C đề nghị đưa bà Trần Thị Tâm Ph và Nguyễn Thị Th vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Để đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết nội dung vụ án và quyền lợi của bị đơn; cấp phúc thẩm chấp nhận đưa bà Th và bà Ph vào tham gia tố tụng theo qui định.

Tại đơn trình bày và lời khai tại phiên tòa của bà Ph, bà Th đều có nội dung phù hợp với lời khai của ông T, bà C và đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên không có căn cứ làm thay đổi nội dung vụ án.

Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử thấy rằng: Yêu cầu không đưa ông Nguyễn Đình T vào tham gia tố tụng vụ án với tư cách không phải là Bị đơn là không có căn cứ; cần phải được xác định là Bị đơn trong vụ án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cùng với bà C theo qui định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như cấp sơ thẩm đã xác định là có căn cứ, đảm bảo đúng qui định pháp luật tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.

2.3. Về số tiền gốc 2,1 tỷ đồng bà L làm căn cứ khởi kiện:

- Đối với yêu cầu của nguyên đơn:

Có căn cứ để xem xét yêu cầu của bà Lương Thúy L bởi lẽ Giấy xác nhận nợ có chữ ký của bà Hàng Thị Ngọc C đã xác nhận mượn tiền của bà L số tiền 2.000.000.000đ (Hai tỷ đồng) vào S (sáng) 08/10/2010 được hai bên thừa nhận làm căn cứ khởi kiện. Mặt khác, vào các ngày 24/01/2013 và ngày 27/01/2013 bà Cvà ông T đều đã cùng ký xác nhận nợ và giấy cam kết trả nợ số tiền gốc 2.000.000.000 đồng và thỏa thuận chuyển số tiền lãi 100.000.000đ từ tháng 10/2012 đến ngày chốt nợ 27/ 01/2013 thành số tiền gốc là 2,1 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm đều được nguyên đơn, bị đơn thừa nhận.

- Đối với ý kiến của bị đơn:

Tại phiên tòa hôm nay, bà C vẫn thừa nhận việc bà có nợ bà L số tiền 02 tỉ đồng như giấy xác nhận nợ ngày 08/10/2010 là có thật và đã được chốt nợ ngày 27/01/2013 với số tiền 2,1 tỉ đồng; trong đó gốc 02 tỉ đồng, 100 triệu đồng tiền lãi chuyển thành gốc. Tổng cộng 2,1 tỉ đồng, tuy nhiên bà cho rằng đã trả 400 triệu đồng nên chỉ còn nợ gốc là 1,7 tỉ đồng chứ không phải 2,1 tỉ đồng như yêu cầu của bà L. Quá trình giải quyết vụ án, qua nhiều lần đối chất bà C không đưa ra được chứng cứ chứng minh; không có căn cứ làm rõ được số tiền này bà đã trả vào thời điểm nào, ai là người nhận và không được nguyên đơn chấp nhận. Mặt khác, tại nội dung giấy xác nhận nợ và giấy thỏa thuận ngày 24/01/2013 và ngày 27/01/2013 bà C, ông Tđã ký xác nhận nợ 2,1 tỷ đồng, kể từ đó đến nay hai bên không còn thực hiện giao dịch nào liên quan đến tranh chấp số nợ trên; chứng tỏ số tiền 400 triệu đồng do bà C khai nại là không có căn cứ chấp nhận.

2.4. Về số tiền lãi:

Qúa trình vay mượn số tiền gốc 02 tỷ đồng ngày 08/10/2010 cho đến khi tranh chấp nợ, bà L thừa nhận có tính toán và nhận tiền lãi của bà C số tiền 880 triệu đồng, với mức lãi suất dao động từ 2,1 đến 2,4%/tháng; phù hợp một phần vào tài liệu, chứng cứ do bà C kê khai, cung cấp trong việc tính toán để trả lãi cho bà L, có căn cứ cần xem xét chấp nhận.

Từ đó đến nay bà không nhận lãi của bà Ctừ số tiền gốc này và qua nhiều lần xét xử và tại phiên tòa hôm nay bà cũng không yêu cầu bà C phải trả lãi số tiền này từ tháng 27/01/2013 cho đến ngày xét xử sơ thẩm. Vì vậy, Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

Đối với các tài liệu bà C kê khai không rõ ràng, cụ thể từng khoản vay, thời gian vay, thời gian trả số tiền gốc, tiền lãi...do quan hệ vay mượn có nhiều khoản vay, mượn nên không chứng minh được cụ thể số tiền lãi, mức lãi suất để có căn cứ xem xét; bà L cũng thừa nhận có một số tài liệu do bà ký xác nhận; do đó chỉ chấp nhận một phần yêu cầu trả lãi của bà C, cụ thể số tiền lãi cần được xem xét chấp nhận đã được trả cho Bà L trên số tiền gốc 02 tỷ đồng với mức lãi suất là 2,4%/tháng, thời gian trả lãi từ ngày 08/10/2010 đến ngày 08/10/2012 là có căn cứ.

Đối với số tiền lãi 100 triệu đồng đã được nguyên đơn, bị đơn thừa nhận chuyển thành tiền gốc để trả cho bà L (nguyên đơn), tại phiên tòa hôm nay xét thấy các bên đương sự tiếp tục tự nguyện, thỏa thuận và công nhận, không tranh chấp; cần được xem xét, chấp nhận. Do đó, khoản lãi trong thời gian từ tháng 10/2012 đến ngày 27/01/2013 có căn cứ đã được thanh toán, chuyển thành tiền gốc nên bị đơn không phải chịu là phù hợp pháp luật.

Do Tòa án cấp sơ thẩm một mặt không chấp nhận số tiền lãi do bà L kê khai; mặt khác cũng không đưa ra căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà C lại tự lấy mức lãi trung bình do bị đơn đưa ra để tính mức lãi suất cho bà Clà 3,15%/tháng để tính và áp dụng:

2.000.000.000đ x 3,15% tháng x 24 tháng = 1.512.000.000đ Cộng với số tiền lãi 100.000.000đ được tính từ tháng 10/2012 đến tháng 01/2013 để chấp nhận cho bà Cđã trả cho bà L tổng số tiền lãi:

1.612.000.000đ, đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nguyên đơn.

Do đánh giá thiếu khách quan, phiến diện và thiếu căn cứ nên Hội đồng xét xử cần căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự để sửa bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế theo qui định pháp luật.

Cần áp dụng qui định khoản 4 Mục I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 giữa Bộ tài chính - Bộ tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; Điều 1 Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; các Điều 471, 473, 474, 476, 477 Bộ luật dân sự 2005; các Điều 357, 468, Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để buộc vợ chồng bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T phải trả nợ gốc, lãi cho bà Lương Thúy L theo qui định pháp luật.

Do các đương sự tiếp tục tranh chấp về các khoản tiền gốc, mức tính lãi suất và số tiền lãi suất; không thỏa thuận với nhau được toàn bộ nội dung giải quyết vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm cần căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, mức độ lỗi của nguyên đơn, bị đơn, lời khai của các bên tại phiên tòa và các qui định của pháp luật để sửa án sơ thẩm.

Xét thấy, cần xem xét, chấp nhận mức lãi suất 2,4%/tháng do hai bên tính toán làm căn cứ để áp dụng tính số tiền lãi bà C đã trả cho bà L từ 08/10/2010 đến 08/10/2012, như sau:

+ Số tiền lãi bà C đã trả trên số tiền gốc 02 tỉ đồng cho bà L thời gian từ ngày 08/10/2010 đến ngày 08/10/2012 là:

2.000.000.000đ x 2,4%/tháng x 24 tháng = 1.152.000.000đ (1).

Do mức lãi suất được áp dụng để bị đơn đã trả cho nguyên đơn tại thời điểm (08/10/2010 đến 08/10/2012) cho phép vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qui định là: 09%/năm x 150% = 13,5%/năm;

Như vậy, mức lãi suất hàng tháng chỉ được pháp luật công nhận là:

13,5% : 12 tháng = 1,125%/tháng.

+ Do đó, số tiền lãi bà L chỉ được trả trên số tiền gốc 02 tỷ đồng tương ứng thời gian thỏa thuận 24 tháng, theo qui định pháp luật, là:

2.000.000.000đ x 1,125%/ tháng x 24 tháng = 540.000.000đ (2);

+ Vì vậy, số tiền lãi bà C được tính đã trả cho bà L vượt quá mức lãi suất qui định của Nhà nước, được chấp nhận để trừ vào số tiền gốc là:

1.152.000.000đ - 540.000.000đ = 612.000.000đ(3) Như vậy, số tiền gốc còn lại buộc vợ chồng bà C, ông T phải trả cho bà L là:

2.100.000.000đ - 612.000.000đ = 1.488.000.000 đồng (4).

[3] Về án phí:

3.1. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cần buộc bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm trên tổng số tiền gốc phải trả cho bà Lương Thúy L, là:

1.488.000.000 đồng, cụ thể:

- Số tiền án phí dân sự sơ thẩm phải chịu trên số tiền vượt quá 800.000.000đ đến 2.000.000.000đ là: 36.000.000 đồng (1) - Số tiền án phí dân sự sơ thẩm phải chịu trên số tiền còn lại là 3%:

1.488.000.000 đồng - 800.000.000 đồng = 688.000.000 đồng.

(688.000.000 đồng x 3%) = 20.640.000 đồng (2) Tổng số tiền án phí dân sự sơ thẩm bị đơn: Ông Nguyễn Đình T và bà Hàng Thị Ngọc C phải chịu là:

36.000.000đ (1) + 20.640.000 đồng(2) = 56.640.000 đồng;

Do yêu cầu được chấp nhận nên bà Lương Thúy L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, được trả lại số tiền đã nộp tạm ứng án phí là 18.500.000đ theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 006338 ngày 15/01/2013 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3.2. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Do kháng cáo được chấp nhận và sửa án sơ thẩm nên ông T, bà Cvà bà L được hoàn trả tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm; nhưng số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm của Ông T, bà Cđược tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần đơn kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, sửa bản án sơ thẩm như một phần ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng Điều 471, 474, 476, 477 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 357, Điều 468, Điều 688 Bộ luật dân sự 2015; Điều 25, Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; khoản 1, khoản 2 Điều 27; khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Tuyên xử:

1. Chấp nhận kháng cáo của bà Lương Thúy L, bà Hàng Thị Ngọc C và ông Nguyễn Đình T; sửa bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thúy L đối với ông Nguyễn Đình T và bà Hàng Thị Ngọc C.

Xử: Buộc ông Nguyễn Đình T và bà Hàng Thị Ngọc C phải trả nợ cho bà Lương Thúy L số tiền gốc còn lại là: 1.488.000.000 đồng (Một tỉ bốn trăm tám mươi tám triệu đồng chẵn).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Nguyễn Đình T, bà Hàng Thị Ngọc C chưa thi hành số tiền phải thi hành án, thì hàng tháng còn phải chịu thêm một khoản tiền lãi, theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

3. Về án phí dân sự:

3.1. Về án phí dân sự sơ thẩm:

+ Ông Nguyễn Đình T và bà Hàng Thị Ngọc C phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm là: 56.640.000 đồng (Năm mươi sáu triệu sáu trăm bốn mươi ngàn đồng chẵn).

+ Bà Lương Thúy L không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm được hoàn trả lại số tiền đã nộp là: 18.500.000đ theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2011/006338 ngày 15/01/2013 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3.2. Về án phí dân sự phúc thẩm:

+ Ông Nguyễn Đình T, bà Hàng Thị Ngọc C và bà Lương Thúy L không phải chịu; nhưng số tiền của ông T, bà Cđã nộp theo các Biên lai tạm ứng án phí số AA/2013/004523 ngày 19/01/2018; Biên lai số AA/2016/0000620 ngày 27/10/2020 và Biên lai số AA/2016/0000620 ngày 27/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; được tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Bà Lương Thúy L được hoàn trả lại số tiền 300.000đ tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2016/0000598 ngày 23/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự và Điều 7a, 7b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2004; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

221
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 24/2021/DS-PT

Số hiệu:24/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về