Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 238/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 238/2021/DS-PT NGÀY 07/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 07-12-2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 187/2020/TLPT-DS ngày 27-4-2020 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DSST ngày 26-7-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 544/2020/QĐ-PT ngày 08-11-2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông T; địa chỉ tạm trú: Nhà số 49/33 đường L, phường P, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 14-3-2019):

Nguyễn Thị Quỳnh M; địa chỉ cư trú: Nhà số 16 đường M1, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa, có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Bị đơn: Ông S; địa chỉ tạm trú: Thôn T, xã V, huyện V1, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 26-7-2028):

Ngô Thị Th; địa chỉ cư trú: Thôn T, xã V, huyện V1, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH H; địa chỉ: Thôn T, xã V, huyện V1, tỉnh Khánh Hòa.

Người đại diện theo pháp luật: Ông S.

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 26-7-2018):

Ngô Thị Th; địa chỉ cư trú: Thôn T, xã V, huyện V1, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn trình bày:

Ngày 05-5-2014, ông T và ông S ký kết Hợp đồng mua bán phần vốn góp trong Công ty TNHH H-Việt Nam (sau đây gọi là Công ty H). Theo đó, ông T sẽ nhận chuyển nhượng 33% phần vốn góp chủ sở hữu của ông S trong Công ty H. Ông T và ông S thỏa thuận thống nhất xác định giá chuyển nhượng dựa trên giá trị phần vốn chủ sở hữu của ông S tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể: Giá trị phần vốn chủ sở hữu của ông S sẽ được tính bằng giá trị các khoản tiền mà Công ty H sở hữu vào thời điểm đó, trừ đi các khoản nợ mà công ty có nghĩa vụ phải thanh toán. Trong Hợp đồng quy định: Giá trị phần vốn ông S sở hữu vào thời điểm chuyển nhượng là 6.318.120.285 đồng - 710.000.000 đồng + 100.000.000 đồng - 944.609.000 đồng = 4.763.511.285 đồng. Như vậy, ông T mua lại 33% vốn góp từ phía ông S với số tiền là 4.763.511.285 đồng x 33% = 1.571.958.724 đồng.

Ông T đã chuyển khoản cho ông S số tiền 1.571.958.724 đồng vào tháng 5- 2014 và được ghi nhận là nhà đầu tư thứ 2 của Công ty H, theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho công ty vào tháng 7-2014.

Sau thời điểm thanh toán và nhận chuyển nhượng 33% vốn góp của Công ty H, ông T mới phát hiện có một số khoản nợ của công ty đã phát sinh trước thời điểm ông T nhận góp vốn, nhưng lại không được ông S đề cập đến tại thời điểm ông T nhận chuyển nhượng vốn góp.

Trong thỏa thuận giữa hai thành viên của Công ty H, bất cứ phần lỗ hoặc thiệt hại nào liên quan tới vấn đề kinh doanh của công ty trước ngày chuyển nhượng phần vốn góp mà không được biết hoặc phát sinh trước tháng 5-2014 đều do ông S chịu trách nhiệm thanh toán. Đồng thời, giá trị phần vốn góp của ông S sẽ bằng với giá trị của công ty trừ đi các khoản nợ mà công ty có nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, bằng việc không công khai toàn bộ các vấn đề liên quan tới nghĩa vụ thanh toán của công ty, ông S đã làm giá trị phần vốn góp của ông được tăng lên đáng kể, dẫn đến việc ông T phải mua lại phần vốn góp của ông với giá cao hơn giá trị thực tế của phần vốn góp tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Do đó, sau khi làm rõ các khoản nợ của công ty phát sinh trước thời điểm góp vốn, ông T đã yêu cầu ông S phải thanh toán lại cho ông những khoản tiền mà ông đã phải thanh toán vượt quá giá trị thực tế của phần vốn góp tại thời điểm nhận chuyển nhượng. Sau khi bàn bạc và thỏa thuận, ông T và ông S đã ký kết hợp đồng vay tài sản ngày 27-01-2016. Trong hợp đồng có nêu các khoản tiền số 2, 6 và 9 liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp giữa cá nhân ông S và ông T. Ông T yêu cầu ông S phải thanh toán lại cho ông tổng số tiền là 322.589.847 đồng (là khoản nợ của công ty phát sinh trước khi ông T mua 33% vốn góp của công ty), cụ thể như sau:

- Về khoản tiền số 2 trong hợp đồng ngày 27-01-2016 là 207.240.000 đồng + lãi suất: Ông T và ông S thỏa thuận với các khoản lỗ trong năm 2014, thì ông T chỉ chịu trách nhiệm đối với 50% khoản lỗ, vì ông T gia nhập công ty vào thàng 7- 2014, nên ông chỉ chịu trách nhiệm trên thời gian nửa cuối năm 2014. Theo Báo cáo tài chính năm 2014 của công ty, thì số lợi nhuận khác của công ty bằng - 955.399.361 đồng, tức là một khoản lỗ. Tuy nhiên, số tiền này lại không được ông S giải thích một cách rõ ràng, đây là khoản lỗ không có lý do chính đáng.

Trong Báo cáo tài chính năm 2014, Kiểm toán viên cũng không thể xác định được cả số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của công ty. Đây được coi như một khoản tiền đã được ông S tự ý ghi nhận trong Báo cáo tài chính. Không những thế, ông S còn tìm cách làm giảm số lỗ bằng cách thêm vào một khoản tiền cân bằng khác (cũng không có căn cứ) được ghi là “trả trước cho người bán” = 301.000.000 đồng. Khoản tiền trả trước cho người bán được xem là phần khấu trừ cho khoản lỗ của công ty tại thời điểm báo cáo.

Như vậy, theo Báo cáo tài chính năm 2014, thì số lỗ của công ty = lợi nhuận (lỗ) - phần trả trước cho người bán = 955.399.361 đồng - 301.000.000 đồng = 654.399.361 đồng. Do ông S không thể giải thích rõ về những khoản tiền lỗ trong công ty trước thời điểm ông T nhận chuyển nhượng vốn góp (do thiếu tài liệu) nên ông T và ông S đã thống nhất sẽ chia đều 50% trong số tiền 654.399.361 đồng là 327.199.680 đồng sẽ được tính là một khoản điểu chỉnh của vốn chủ sở hữu để tính giá mua phần vốn góp.

Số tiền “trả trước cho người bán” mà ông S đã tự ý nêu là 301.000.000 đồng không có căn cứ rõ ràng, do đó ông S cũng cần hoàn trả lại cho ông T 33% của số tiền. Vì vậy, 301.000.000 đồng + 327.199.680 đồng = 628.199.6804 làm tròn là 628.000.000 đồng; 33% x 628.000.000 đồng = 207.240.000 đồng.

Số tiền 22.969.000 đồng là số lãi trên khoản tiền 628.000.000 đồng nêu trên, tính từ tháng 7-2014 đến ngày 31-12-2015 ở mức 7%/năm (chuyển tiền mua cổ phần đã diễn ra trong tháng 5-2014 (207.240.000 đồng x 7% x 19 tháng : 12). Tổng cộng khoản tiền số 2 là 207.240.000 đồng + 22.969.000 đồng = 230.209.0004 đồng.

- Về khoản tiền số 6 trong Hợp đồng ngày 27-01-2016 là 55.625.987 đồng: Đây là con số tạm tính số tiền phạt thuế của công ty vào năm 2012 và năm 2013 vào thời điểm ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, con số chính xác về khoản phạt thuế này chỉ được biết khi công ty nhận Quyết định số 235/QĐ-CT ngày 02-3-2016 của Cục thuế tỉnh Khánh Hòa về xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế. Do đó, số tiền nêu tại khoản tiền số 6 có sự thay đổi so với thời điếm ký kết hợp đồng.

Theo Bảng chi tiết tính phạt của Đoàn kiểm tra Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, thì từ năm 2014 đến hết Quý 4 năm 2014, công ty bị phạt tổng số thuế là 293.400.409 đồng. Căn cứ số liệu này, ông T đã tính số tiền phạt thuế từ năm 2012 đến hết năm 2013 là 223.863.175 đồng. Do đó, ông S phải hoàn trả lại cho ông T số tiền tương đương 33% khoản phạt trên là: 223.863.175 đồng x 33% = 73.874.847 đồng, thay thế số tiền 55.625.987 đồng trên Hợp đồng ngày 27-01-2016.

Số tiền 18.506.000 đồng (khoản tiền số 9) là lãi suất trên khoản tiền số 6 nêu trên, với mức lãi suất 7% tính từ ngày 22-02-2016 đến ngày 31-12-2016.

Mặc dù, đã ký kết Hợp đồng vay ngày 27-01-2016, nhưng ông S không thực hiện nghĩa vụ thanh toán lại các khoản tiền này cho ông T. Do đó, ông T yêu cầu Tòa án buộc ông S phải trả cho ông T các khoản vay là 230.209.000 đồng + 73.874.847 đồng + 18.506.000 đồng = 322.589.847 đồng, thay đổi so với số tiền 304.340.987 đồng trong đơn khởi kiện ban đầu. Nguyên đơn ông T yêu cầu bị đơn ông S trả một lần bằng tiền mặt.

Bị đơn trình bày:

Ông S không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T. Ông T cho rằng ông S vay nợ cả gốc và lãi là 304.340.987 đồng là không chính xác và có lợi cho ông T. Các con số do ông T đưa ra không phải do Công ty Hatco (Công ty dịch vụ kế toán - quản lý kế toán của Công ty H) cung cấp, nên không có giá trị pháp lý. Việc ông T nhầm lẫn các khoản cho vay của Công ty H với các khoản cho vay của cá nhân ông T với ông S là không hợp pháp. Ông S thừa nhận có vay tiền của ông T, nhưng số tiền nợ chính xác thì không nắm rõ.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DSST ngày 26-7-2019, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa:

Căn cứ các Điều 463, 466 và 470 của Bộ luật Dân sự; Điều 147 và Điều 271 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông T về yêu cầu Tòa án buộc ông S phải thanh toán cho ông T số tiền 322.589.847 đồng (ba trăm hai mươi hai triệu năm trăm tám mươi chín nghìn tám trăm bốn mươi bảy đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 30-7-2019, nguyên đơn là ông T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Ngày 30-7-2019, nguyên đơn là ông T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đơn kháng cáo của đương sự là trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, sau nhiều lần triệu tập, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt và có quan điểm giữ nguyên các nội dung kháng cáo. Căn cứ khoản 2 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định xét xử vắng mặt đương sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là ông T; giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của đương sự:

Ông T kháng cáo toàn bộ bản án, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét các vấn đề.

[2.1]. Về tố tụng:

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành các thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người đại diện theo ủy quyền của bị đơn; bị đơn là ông S và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH H, đều do bà Ngô Thị Th là người đại diện theo ủy quyền, nhưng bà Th không đến Tòa án. Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nhưng bà Ngô Thị Th vẫn vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt đương sự là đúng quy định tại Điều 227 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

[2]. Về nội dung:

Ngày 05-5-2014, ông T và ông S ký kết Hợp đồng mua bán phần vốn góp trong Công ty TNHH H. Tuy nhiên, sau thời điểm thanh toán và nhận chuyển nhượng vốn góp của Công ty H, thì ông T mới phát hiện có một số khoản nợ của công ty đã phát sinh trước thời điểm ông T nhận góp vốn, nhưng lại không được ông S đề cập đến tại thời điểm ông T nhận chuyển nhượng vốn góp. Do đó, ngày 27-01- 2016, giữa Công ty H, ông S và ông T đã ký Hợp đồng xác nhận và đối chiếu các khoản nợ liên quan giữa Công ty H và cá nhân ông S đối với ông T đã được phát sinh trước thời điểm mua bán phần vốn góp trong Công ty H.

- Đối với các khoản tiền số: 1, 5, 7, 8 trong hợp đồng ngày 27-01-2016, thì giữa Công ty H với ông T đã được giải quyết theo Quyết định số 03/2018/QĐST- DS ngày 11-7-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

- Đối với các khoản tiền số: 2, 6, 9 trong hợp đồng ngày 27-01-2016 mà ông T yêu cầu ông S phải thanh toán cho ông T tổng số tiền thực tế là 322.589.847 đồng thông qua hình thức hợp đồng vay tài sản của cá nhân, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Hợp đồng ngày 27-01-2016 là Biên bản thỏa thuận xác nhận công nợ giữa Công ty H, ông S và ông T đối với các khoản tiền phát sinh trước thời điểm năm 2014, mà ông T mua bán phần vốn góp đối với Công ty H và được xác định dựa trên Báo cáo tài chính ngày 31-12-2014, cũng như Quyết định số 235/QĐ-CT ngày 02-3-2016 của Cục thuế tỉnh Khánh Hòa về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty H. Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu nguyên đơn (ông T) cung cấp các tài liệu thỏa thuận việc góp vốn của hai bên được lập bằng văn bản tiếng Pháp nhưng ông T vẫn không cung cấp được cho Tòa án (bút lục số 42). Do đó, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và Hợp đồng ngày 27-01-2016, Tòa án cấp sơ thẩm xác định “Đây là tranh chấp giữa Công ty với các thành viên của công ty về việc góp vốn đầu tư”, từ đó không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn là ông T về yêu cầu Tòa án buộc ông S phải thanh toán cho ông T 322.589.847 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Như vậy, kháng cáo của nguyên đơn là ông đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, nhưng không có căn cứ để chấp nhận.

[3]. Về án phí dân sự:

Do kháng cáo không được chấp nhận, nên ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là ông T.

- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DS-ST ngày 26-7-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

2. Áp dụng các Điều 463, 466 và 470 của Bộ luật Dân sự, xử:

- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông T về việc yêu cầu Tòa án buộc ông S phải thanh toán cho ông T số tiền 322.589.847 đồng (ba trăm hai mươi hai triệu năm trăm tám mươi chín nghìn tám trăm bốn mươi bảy đồng).

3. Về án phí dân sự:

3.1. Về án phí phúc thẩm:

Căn cứ Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 219 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Ông T phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0001008 ngày 08-10-2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa, nay được chuyển thành án phí; ông T đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

3.2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Án phí dân sự sơ thẩm được thực hiện theo quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DS-ST ngày 26-7-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

196
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 238/2021/DS-PT

Số hiệu:238/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về