Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 165/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 165/2022/DS-PT NGÀY 12/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong ngày 12 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên tòa để xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 144/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 5 năm 2022 về “tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2022/DS-ST ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 163/2022/QĐ-PT ngày 09 tháng 6 năm 2022, giữa:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị R, sinh năm 1963;

Địa chỉ: Ấp H, xã Đ, huyện Đ1, tỉnh Long An.

2. Bị đơn:Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1978;

Địa chỉ: Số 655, ấp H, xã Đ, huyện Đ1, tỉnh Long An.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông D là ông Võ Văn Đ – Luật sư Văn phòng Luật sư Võ Văn Đ thuộc Đoàn Luật sư Tỉnh Long An.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. NLQ1.

3.2. NLQ2.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn D.

5. Kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 22 tháng 11 năm 2021 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 14 tháng 02 năm 2022 của bà Nguyễn Thị R, cùng những lời trình bày như sau:

sau:

Vào năm 2020, bà R có cho ông Nguyễn Văn D mượn tiền nhiều lần như 1. Ngày 07 tháng 3 năm 2020 cho mượn 100.000.000 đồng;

2. Ngày 16 tháng 3 năm 2020 cho mượn 50.000.000 đồng;

3. Ngày 08 tháng 3 năm 2020 cho mượn 170.000.000 đồng;

4. Ngày 18 tháng 5 năm 2020 cho mượn 100.000.000 đồng;

5. Ngày 03 tháng 6 năm 2020 cho mượn 70.000.000 đồng;

6. Ngày 09 tháng 7 năm 2020 cho mượn 540.000.000 đồng;

7. Ngày 20 tháng 7 năm 2020 cho mượn 350.000.000 đồng.

Tổng cộng cho ông D mượn là 1.380.000.000 đồng. Ông D hứa đến tết Nguyên Đán năm 2021 sẽ trả cho bà để xây nhà vì là chỗ quen biết nên không tính lãi (mẹ vợ của ông D là chị em họ của bà R). Đến hạn ông D không trả, cố tình lẫn tránh.

Nay bà khởi kiện yêu cầu ông D trả tiền vốn 1.380.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả từ khi mượn đến khi xét xử sơ thẩm là 415.117.466 đồng.

Bị đơn ông Nguyễn Văn D có lời trình bày như sau: Khoảng giữa năm 2020, do có nhu cầu qua Campuchia đánh bài ăn thua bằng tiền nên ông có nói với bà R cho mượn tiền để đi làm ăn, bà R tin tưởng cho ông mượn tiền không tính lãi, thời gian trả đến tết Nguyên Đán năm 2021. Cụ thể ông có mượn tiền bà R như sau:

1. Ngày 07 tháng 3 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng;

2. Ngày 16 tháng 3 năm 2020 mượn 50.000.000 đồng;

3. Ngày 08 tháng 3 năm 2020 mượn 170.000.000 đồng;

4. Ngày 18 tháng 5 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng;

5. Ngày 03 tháng 6 năm 2020 mượn 70.000.000 đồng;

6. Ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông đi chơi Campuchia về còn dư 50.000.000 đồng, ông có trả cho bà R 50.000.000 đồng để làm tin rồi ông có mượn của bà R thêm 100.000.000 đồng nên bà R ghi tổng cộng số tiền 540.000.000 đồng;

7. Ngày 20 tháng 7 năm 2020 mượn 350.000.000 đồng.

Tổng số tiền ông mượn của bà R còn nợ đồng ý trả là 890.000.000 đồng, không đồng ý trả tiền lãi chậm trả.

Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã tiến hành hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2022/DS-ST ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã căn cứ các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 91, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 463, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà R về việc “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với ông D.

Buộc ông D phải trả cho bà R tiền gốc là 1.380.000.000 đồng và 290.160.000 đồng tiền lãi chậm trả. Tổng cộng: 1.670.160.000 đồng (Một tỷ sáu trăm bảy mươi triệu một trăm sáu mươi ngàn đồng).

Về chi phí giám định: Ông D phải chịu 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng) nộp hoàn trả cho bà R.

Áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tính lãi chậm thi hành.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông D phải chịu 62.104.800 đồng (sáu mươi hai triệu một trăm lẻ bốn nghìn tám trăm đồng). Hoàn trả cho bà R 37.002.000 đồng (ba mươi bảy triệu không trăm lẻ hai nghìn đồng) theo biên lai số 0009689 ngày 14 tháng 02 năm 2022 và 0009036 ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Hòa.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo; quyền và nghĩa vụ của các đương sự ở giai đoạn thi hành án.

Bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Ngày 31 tháng 3 năm 2022, ông D kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu sửa án sơ thẩm, đồng ý trả cho bà R tiền gốc 890.000.000 đồng (tám trăm chín mươi triệu đồng).

Ngày 05 tháng 4 năm 2022 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm số 22/2022/DS-ST, ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà R đối với số tiền gốc 890.000.000 đồng và tính mức lãi suất 0.83%/tháng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị.

Nguyên đơn bà R trình bày: Không đồng ý yêu cầu kháng cáo của ông D.

Yêu cầu trả số tiền 1.380.000.000 đồng như án sơ thẩm đã tuyên. Ngày 09 tháng 7 năm 2020 xác định ông D mượn 540.000.000 đồng, mượn lần 01 là 100.000.000 đồng đến buổi chiều ông D mượn lần 02 là 440.000.000 đồng nên giấy nợ ghi tổng 540.000.000 đồng, không có việc ông Dĩ trả 50.000.000 đồng vào ngày 09 tháng 7 năm 2020. Các giấy mượn tiền do bà viết ông D ký tên, từ khi mượn tiền đến nay ông D chưa trả. Đồng thời, bà yêu cầu tính lãi từ tháng 10 năm 2020 trên tổng số tiền 1.380.000.000 đồng, lãi suất 20%/năm.

Bị đơn ông D trình bày: Ông xác chỉ còn nợ bà R 890.000.000 đồng và đồng ý trả lãi 0.83%/tháng tính từ khi vi phạm là tháng 3 năm 2021. Ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông chỉ mượn bà R 100.000.000 đồng, sau khi trả cho bà R 50.000.000 đồng và cộng các lần mượn trước thì bà R ghi tổng cộng 540.000.000 đồng, đến ngày 20 tháng 7 năm 2020 ông có mượn tiếp 350.000.000 đồng. Nên tổng nợ 890.000.000 đồng.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dĩ trình bày: Cấp sơ thẩm tuyên buộc ông D trả cho bà R số tiền gốc 1.390.000.000 đồng và tính lãi suất 20%/năm, số tiền lãi 290.160.000 đồng là chưa phù hợp. Bà R căn cứ vào số tiền của giấy nợ ngày 07 tháng 3 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng; ngày 16 tháng 3 năm 2020 mượn 50.000.000 đồng; ngày 08 tháng 3 năm 2020 mượn 170.000.000 đồng; ngày 18 tháng 5 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng; ngày 03 tháng 6 năm 2020 mượn 70.000.000 đồng và giấy nợ ngày 9 tháng 7 năm 2020 540.000.000 đồng; giấy nợ ngày 20 tháng 7 năm 2020 mượn 350.000.000 đồng để khởi kiện ông D yêu cầu trả số tiền gốc 1.390.000.000 đồng. Tuy nhiên, tổng 04 giấy nợ trước ngày 9 tháng 7 năm 2020 là 490.000.000 đồng; đến ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông D trả bà R 50.000.000 đồng và mượn 100.000.000 đồng nên bà R ghi tổng cộng 540.000.000 đồng, cộng giấy nợ ngày 20 tháng 7 năm 2020 ông D mượn 350.000.000 đồng nên số tiền ông D nợ bà R là 890.000.000 đồng.

Ngày 09 tháng 7 năm 2020 nếu ông D không trả bà R 50.000.000 đồng và giữa các bên không có mối quan hệ thì việc bà R tiếp tục cho ông D mượn 540.000.000 đồng trong khi các giấy nợ trước chưa trả là không có sức thuyết phục. Bà R không có căn cứ chứng minh ngày 09 tháng 7 năm 2020 đưa tiền cho ông D 02 lần, hoàn toàn không có việc buổi sáng cho ông D mượn 100.000.000 đồng mà ghi giấy nợ 540.000.000 đồng rồi sau đó đến buổi chiều ông D đến mượn 440.000.000 đồng như lời bà R trình bày là không phù hợp.

Qua các giấy nợ bà R ghi, ông D chỉ ký tên thể hiện mỗi lần ông D mượn tiền bà R ghi rất cụ thể, nên từ đó cho thấy không có việc ông D nhận tiền 02 lần mà bà R chỉ ghi tổng cộng 540.000.000 đồng như bà R trình bày. Vì vậy, sự giải thích số tiền tổng cộng 540.000.000 đồng ngày 09 tháng 7 năm 2020 của bà R là không phù hợp. Theo quy luật khi mượn tiền ghi tổng cộng tức là tổng cộng của các lần mượn trước đó, nếu trong một ngày ông D mượn nhiều lần thì bà R có thể ghi mượn lần 01 và mượn lần 02 nhưng tại giấy ghi nợ hoàn toàn không thể hiện. Từ phân tích trên, xác định đến ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông D chỉ nợ bà R số tiền 540.000.000 đồng là phù hợp với chứng cứ và lời trình bày của ông D và ngày 20 tháng 7 năm 2020 mượn 350.000.000 đồng nên tổng nợ gốc là 890.000.000 đồng.

Đối với lãi suất, hợp đồng vay hai bên trình bày không có lãi suất. Vì vậy, lãi suất quá hạn đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 468 và theo quy định tại Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP là không quá 10%/năm tương đương 0.83%/tháng. Thời gian tính lãi tính từ khi vi phạm trả là tết nguyên đáng năm 2021, hai bên thống nhất là tính tháng 3 năm 2021, cụ thể như sau: 890.000.000 đồng x 12 tháng x 0.83%/tháng = 88.644.000 đồng. Tổng số tiền gốc và lãi ông D đồng ý trả cho bà R là 978.640.000 đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Dĩ.

Các đương sự không có thỏa thuận gì khác.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu:

Cấp phúc thẩm thực hiện đúng pháp luật về tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Bị đơn kháng cáo, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa kháng nghị đúng quy định tại các Điều 273, Điều 276, Điều 278, Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên đủ điều kiện xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Về yêu cầu kháng cáo và kháng nghị: Ông D kháng cáo cho rằng chỉ nợ tiền gốc bà R 890.000.000 đồng. Bà R thì xác định ông D nợ tiền gốc 1.380.000.000 đồng. Năm 2020 ông D mượn của bà R nhiều lần cụ thể ngày 7 tháng 3 năm 2020 vay 100.000.000 đồng; ngày 16 tháng 3 năm 2020 mượn 50.000.000 đồng; ngày 08 tháng 3 năm 2020 mượn 170.000.000 đồng; ngày 18 tháng 5 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng; ngày 03 tháng 6 năm 2020 mượn 70.000.000 đồng. Tổng số tiền mượn trước ngày 09 tháng 7 năm 2020 nợ 490.000.000 đồng; ngày 09 tháng 7 năm 2020 bà R trình bày ông D mượn 02 lần, lần đầu 100.000.000 đồng và lần sau 440.000.000 đồng nên ghi tổng cộng là 540.000.000 đồng, ông D trình bày ngày này chỉ mượn 100.000.000 đồng và đã trả 50.000.000 đồng. Tuy nhiên, ông D không có căn cứ chứng minh đã trả 50.000.000 đồng. Giấy mượn tiền ngày 09 tháng 07 năm 2020 không thể hiện nội dung là tổng cộng của các giấy vay trước và ông D cũng không yêu cầu bà R hủy các giấy nợ trước đây nên lời trình bày của ông D ngày 09 tháng 7 năm 2020 mượn bà R 100.000.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận. Đến ngày 20 tháng 7 năm 2020 ông D mượn tiếp 350.000.000 đồng nên án sơ thẩm tuyên buộc ông D trả cho bà R số tiền nợ gốc 1.380.000.000 đồng là phù hợp. Từ nhận định trên, thay đổi một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa.

Tuy nhiên, cần sửa bản án sơ thẩm về mức lãi suất và tuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hợp đồng vay hai bên xác định không có lãi nên cần áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự với mức lãi 0.83%/tháng, cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi 20%/năm (1.66%/tháng) là chưa đúng quy định pháp luật.

Đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của ông D và một phần kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 22/2022/DS-ST, ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Kháng cáo của ông D và kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa hợp lệ nên vụ án được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về phạm vi xét xử phúc thẩm: Ông D kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm. Căn cứ phạm vi xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung vụ án có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

[3] Xét kháng cáo và kháng nghị thấy rằng: Bà R khởi kiện yêu cầu ông D trả 1.380.000.000 đồng và lãi suất chậm trả theo mức lãi 20%/năm tính từ ngày 07 tháng 6 năm 2020 đối với giấy nợ trước ngày 03 tháng 6 năm 2020, sau ngày 03 tháng 6 năm 2020 tính lãi từ ngày ký giấy nợ cho đến khi xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm bà R yêu cầu ông D trả tổng tiền gốc là 1.380.000.000 đồng và đồng ý tính mức lãi 20%/năm, tính từ tháng 10 năm 2020 đối với các khoản tiền (tính sau 03 tháng của lần vay sau cùng là tháng 07 năm 2020). Ông D xác định chỉ nợ tiền của bà R đồng ý trả 890.000.000 đồng và lãi suất 0.83%/tháng tính từ ngày vi phạm là tháng 3 năm 2021 (tết nguyên đán năm 2021) đến ngày xét xử sơ thẩm là 12 tháng (ngày 21 tháng 3 năm 2022).

[3.1] Theo các giấy ghi mượn tiền thể hiện ngày 07 tháng 3 năm 2020 ông D mượn bà R 100.000.000 đồng; ngày 16 tháng 3 năm 2020 mượn 50.000.000 đồng; ngày 08 tháng 3 năm 2020 mượn 170.000.000 đồng; ngày 18 tháng 5 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng; ngày 03 tháng 6 năm 2020 mượn 70.000.000 đồng. Tổng số tiền mượn trước ngày 09 tháng 7 năm 2020 là 490.000.000 đồng; Đến ngày 09 tháng 7 năm 2020 giấy ghi mượn tiền thể hiện ông D mượn 100.000.000 đồng và ghi tổng cộng 540.000.000 đồng. Bà R trình bày tại cấp sơ thẩm ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông D mượn 100.000.000 đồng, do trong lúc nói chuyện ông D vay tiếp 440.000.000 đồng nên ghi tổng cộng 540.000.000 đồng; tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm bà R trình bày buổi sáng ông D mượn 100.000.000 đồng đến buổi chiều ông D mượn tiếp 440.000.000 đồng nên giấy ghi tổng cộng 540.000.000 đồng. Lời trình bày của bà R giải thích về số tiền ghi tổng cộng 540.000.000 đồng mượn 02 lần trong ngày là mâu thuẫn với nhau và không phù hợp như lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông D là không thể buổi sáng ông D đến mượn 100.000.000 đồng mà ghi giấy nợ của tổng số tiền mượn tiếp của buổi chiều. Mặt khác, bà R không có căn cứ chứng minh việc giao tiền cho ông D 02 lần, lần 01 giao 100.000.000 đồng và lần 02 giao 440.000.000 đồng. Theo nguyên tắc khi ghi “tổng cộng” là tổng cộng của các lần mượn trước, nếu trong ngày ông Dĩ mượn 02 lần thì bà R có thể lập giấy giao tiền 02 lần. Ngoài ra, tại giấy ghi nợ do bà R tự ghi thể hiện nội dung “D trả T ngày 50 triệu, 9/7 mượn 100 triệu” sau đó bà R tự gạch đi và lập giấy ghi nợ khác ghi “ngày 09 tháng 7 năm 2020 nội dung 100triệu, tổng cộng 540.000.000 đồng” và ông D ký tên. Từ nhận định trên, lời trình bày và giải thích số tiền 540.000.000 đồng là sau khi trừ 50.000.000 đồng ông D đã trả cho bà R và cộng các khoản mượn ngày 07 tháng 3 năm 2020; ngày 16 tháng 3 năm 2020; ngày 08 tháng 3 năm 2020; ngày 18 tháng 5 năm 2020; ngày 03 tháng 6 năm 2020 và ngày 09 tháng 7 năm 2020 mượn 100.000.000 đồng như lời trình bày của ông D và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông D có căn cứ chấp nhận.

Như vậy, đủ căn cứ xác định từ ngày 07 tháng 3 năm 2020 đến ngày 09 tháng 7 năm 2020 ông D nợ bà R tổng cộng 540.000.000 đồng và ngày 20 tháng 7 năm 2020 ông D mượn tiếp bà R 350.000.000 đồng. Tổng số tiền ông D mượn bà R còn nợ là 890.000.000 đồng. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà R 1.380.000.000 đồng chỉ được chấp nhận một phần là 890.000.000 đồng. Bà R bị bác yêu cầu khởi kiện đối với số tiền gốc là 490.000.000 đồng.

[3.2] Đối với số tiền lãi, bà R khởi kiện trình bày vay không lãi, ông D trình bày vay có lãi; tại phiên tòa các bên trình bày thống nhất vay không lãi và thời hạn trả là tết nguyên đán năm 2021 nên thời hạn vi phạm trả tiền là tính từ tháng 3 năm 2021 đến ngày xét xử sơ thẩm tháng 3 năm 2022 là 12 tháng. Cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 20%/năm tương đương 1.66%/tháng là chưa phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự “đối với hợp đồng vay không lãi suất, có thời hạn thì lãi suất quá hạn 50% mức lãi suất tối đa Bộ luật dân sự cho phép tức tương đương 0.83%/tháng”. Vì vậy, cần điều chỉnh mức lãi suất phù hợp như sau: 890.000.000 đồng x 0.83% x 12 tháng = 88.644.000 đồng. Như vậy tiền lãi bà R yêu cầu chỉ chấp nhận một phần với số tiền 88.644.000 đồng, tiền lãi yêu cầu bị bác là 326.473.466 đồng (415.117.466 đồng – 88.644.000 đồng).

Chấp nhận môt phần yêu cầu khởi kiện của bà R, ông D phải trả cho bà R tổng số tiền gốc và lãi là 978.644.000 đồng (890.000.000 đồng tiền gốc + 88.644.000 đồng tiền lãi ). Bác yêu cầu khởi kiện của bà R đối với số tiền gốc và lãi là 816.473.466 đồng (490.000.000 đồng tiền gốc + 326.473.466 đồng tiền lãi).

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông D phải chịu án phí tính trên số tiền phải trả cho bà R, số tiền án phí phải chịu 41.359.320 đồng. Bà R phải chịu án phí tính trên số tiền bị bác yêu cầu, số tiền án phí phải chịu 36.494.203 đồng; bà R được khấu trừ tiền tạm ứng phí đã nộp 10.302.000 đồng và 26.700.000 đồng, hoàn trả cho bà R số tiền còn lại sau khi khấu trừ là 507.797 đồng.

[5] Về chi phí giám định: Ông D phải chịu 7.000.000 đồng. Do bà R đã nộp tạm ứng xong nên ông Dĩ phải hoàn trả chi phí giám định cho bà R.

[6] Từ nhận định mục [3], chấp yêu cầu kháng cáo của ông D và kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm. Lời đề nghị của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An có căn cứ một phần, được chấp nhận.

[7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên ông D không phải chịu theo Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn D; Chấp nhận kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2022/DS-ST ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa.

Căn cứ các Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 91, Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 463, Điều 466, Điều 468 Bộ luật dân sự;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị R về việc "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" với ông Nguyễn Văn D.

Buộc ông Nguyễn Văn D trả cho bà Nguyễn Thị R số tiền 978.644.000 đồng (chín trăm bảy mươi tám triệu sáu trăm bốn mươi bốn nghìn đồng).

2. Bác yêu cầu của bà Nguyễn Thị R về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn D trả tiền gốc và lãi là 816.473.466 đồng (tám trăm mười sáu triệu bốn trăm bảy mươi ba nghìn bốn trăm sáu mươi sáu đồng).

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Nguyễn Văn D phải chịu 41.359.000 đồng (bốn mươi mốt triệu ba trăm năm mươi chín nghìn đồng).

Buộc bà Nguyễn Thị R phải chịu 36.494.000 đồng (ba mươi sáu triệu bốn trăm chín mươi bốn nghìn đồng). Khấu trừ tiền tạm ứng án phí bà Nguyễn Thị R đã nộp 10.302.000 đồng theo biên lai thu số 0009698 ngày 14 tháng 02 năm 2022 và 26.700.000 đồng theo biên lai thu số 0009036 ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Hòa. Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị R số tiền 508.000 đồng (năm trăm lẻ tám nghìn đồng).

4. Về chi phí giám định: Ông Nguyễn Văn D hoàn trả cho bà Nguyễn Thị R 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng).

5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn D không phải chịu, hoàn trả cho ông Nguyễn Văn D 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0009995 ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Án xử công khai phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành ngay sau khi tuyên án.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

205
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 165/2022/DS-PT

Số hiệu:165/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:12/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về