TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 73/2023/KDTM-PT NGÀY 10/07/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
Ngày 10 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 39/2023/TLPT-KDTM ngày 07 tháng 4 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 330/2017/KDTM-ST ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1484/2023/QĐPT- KDTM ngày 22 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xuất khẩu B.
Trụ sở: 958/18 A, Phường A, quận T, Tp. Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Trần Ngọc H, sinh năm 1972 (vắng mặt) Địa chỉ: 133B, Phường B, quận G, Tp. Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 19/5/2016)
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T mặt) Minh.
Trụ sở: Số 28 đường N, Phường C, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Đ - Chức vụ: Giám đốc (xin vắng Địa chỉ: 364/11 T, phường P, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Công ty E (Thái Lan) (vắng mặt).
Địa chỉ: 889 T, Y, , Bangkok 10120, Thailand.
2/ Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển N.
Địa chỉ: Lầu 2 T, số 63BC V, Phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Bà Lý Thị Minh T – Chức vụ: Giám đốc (xin vắng mặt).
3/ Công ty H (vắng mặt).
Địa chỉ: 2994 L Netherlands.
4/ Công ty C(vắng mặt). Địa chỉ: 12 R, France.
5/ Công ty TNHH H(vắng mặt). Địa chỉ: 23 M Thailand.
- Người kháng cáo: Bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B có ông Trần Ngọc H là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Tháng 9/2010, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Sản xuất và Xuất khẩu B (sau đây gọi tắt là Công ty B) có bán chậu trồng cây bằng đá mài nhựa cho Công ty C (Pháp) theo điều kiện FOB cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, Công ty B đã liên hệ với Công ty TNHH T (sau đây gọi tắt là Công ty H) để thuê vận chuyển hàng đến cảng R Hà Lan cho bên mua. Ngày 05/9/2010, Công ty B có giao lô hàng chậu trồng cây gồm 01 container 40 feet số hiệu UESU 4218468, trị giá 16.776 USD cho Công ty H và được bị đơn cấp 03 bản chính Vận đơn (Bill of Lading) số hiệu VN5251730A đề ngày 05/9/2010 tại Văn phòng của Công ty H (số 28 N, Phường A, quân T, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tháng 10/2010, tàu đã cập cảng nhưng lô hàng không được giao cho bên mua hàng của Công ty B mà được giao cho người khác nhưng phía nguyên đơn không biết chính xác là ai, mặc dù nguyên đơn vẫn còn giữ bản chính vận đơn và không hề yêu cầu sửa đổi vận đơn hay thay đổi người nhận hàng.
Việc làm của Công ty H đã làm mất hàng của Công ty B, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Do đó, Công ty B khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty H trả cho nguyên đơn số tiền 16.776 USD là trị giá của lô hàng gốm sứ đã bị giao không đúng quy định của pháp luật, được quy ra tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử.
Bị đơn Công ty TNHH T có ông Lê Thanh H là người đại diện theo ủy quyên trình bày:
Ngày 30/8/2010, Công ty H có nhận được thư điện tử từ Công ty 284. B yêu cầu lấy đặt chỗ bên hãng tàu cho lô hàng gồm 01 container 20 và 01 container 40 xuất khẩu đi Hà Lan theo điều kiện FOB Hồ Chí Minh. Công ty H đã liên lạc với Hãng tàu ANL để lấy đặt chỗ cho lô hàng này trên chuyến tàu: ASTA RICKMERS OH 336R đi ngày 05/9/2010 và Công ty H đã cấp vận đơn (Bill of Lading) thứ cấp số VN5251730A. Công ty B đồng ý giao hàng lên tàu và chấp nhận vận đơn thứ cấp trên.
Ngày 28/9/2010, Công ty E có chuyển tiền cước tàu cho Công ty H để thanh toán cho Hãng tàu ANL số tiền 5.315 USD. Theo thỏa thuận, Công ty H chỉ nhận tiền hoa hồng từ Công ty E số tiền là 50 USD, tất cả các phí vận chuyển đều do Công ty Extra Maritime chi trả trước.
Ngày 02/10/2010, tàu cập cảng ở Hà Lan và Công ty HS and A BV Groningseweg 3 đã giao hàng cho Công ty C theo yêu cầu của Công ty E và đúng với người nhận hàng trên vận đơn thứ cấp.
Ngày 28/10/2010, Công ty B thông báo chưa nhận được tiền thanh toán của một container 40 trong lỗ hàng trên, số tiền là 18,054.62 USD. Sau một thời gian đàm phán, Công ty HBE đã trả cho Công ty B số tiền là 3,500 USD vào ngày 24/11/2010, còn lại là 14,554.62 USD.
Việc Công ty B không nhận được tiền hàng không phải là trách nhiệm của Công ty H bởi Công ty H chỉ là đại lý vận tải thứ cấp, không phải người vận chuyển hàng nên yêu cầu khởi kiện của Công ty B là không có cơ sở. Đại diện bị đơn đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty C trình bày:
Tại Văn bản đề ngày 30/9/2014 được Đại sứ quán nước quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứng nhận chữ ký, đại diện Công ty C xác định không nhận được container 40 khối (40 pieds) No 46 SC-CPE0410 ETD 5/9/10 mà nguyên đơn đã giao cho bị đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển N có bà Nguyễn Thị Thanh T là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển N (sau đây gọi tắt là Công ty N) làm đại diện cho hàng tàu ANL Singapore tại Việt Nam có vận chuyển lỗ hàng gồm 1 container 20 và 1 container 40 của Công ty TNHH T từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh đi Rotterdam, Hà Lan vào ngày 05/9/2010. Sau khi nhận được thanh toán cước vận chuyển của Công ty H, Công ty N đã phát lệnh giao hàng tại cảng đến cho Công ty HS and A thông qua đại lý của Công ty tại Rotterdam, Hà Lan. Công ty N đã hoàn thành trách nhiệm giao hàng nên mọi tranh chấp giữa Công ty B và Công ty H, Công ty N không chịu trách nhiệm. Bà Nguyễn Thị Thanh T là người đại diện theo ủy quyền của Công ty N có đơn xin được vắng mặt trong tất cả quá trình tố tụng, các buổi làm việc, phiên họp hòa giải và xét xử của Tòa án.
Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ủy thác tư pháp cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty E có trụ sở tại Thái Lan, Công ty HS and A BC Groningseweg 3 có trụ sở tại Hà Lan và Công ty TNHH Ha Be Enterprise có trụ sở tại Thái Lan nhưng không nhận được văn bản trả lời.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 330/2017/KDTM-ST ngày 23 tháng 3 năm 2017 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B.
Buộc Công ty TNHH T có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B số tiền 16.776 USD, quy ra tiền Việt Nam là 381.234.600 (ba trăm tám mươi mốt triệu hai trăm ba mươi bốn nghìn sáu trăm) đồng là trị giá của lô hàng gốm sứ đã bị giao không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, lệ phí ủy thác tư pháp và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 27/3/2017, bị đơn là công ty TNHH T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị đơn là Công ty TNHH T (có ông Lê Đ là người đại diện theo pháp luật) có đơn xin xét xử vắng mặt và có ý kiến vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì bị đơn là đơn vị làm dịch vụ và vận đơn mà nguyên đơn khởi kiện chỉ là phó bản, bị đơn cấp khi giao hàng ở cảng.
Nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B (có ông Trần Ngọc H đại diện theo ủy quyền), vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm thực hiện đúng các quy định của pháp luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông Lê Đ và đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển N là bà Lý Thị Minh T, xin vắng mặt; đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Trần Ngọc H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác, vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử phúc thẩm vắng mặt các đương sự.
- Về nội dung: Tại cấp phúc thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Tòa án đã triệu tập lần thứ hai, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công ty TNHH Dịch vụ tàu biển N, xin vắng mặt; nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn lại, đều vắng mặt. Căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt những đương sự này.
[2] Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 05/9/2010, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B có giao lô hàng chậu trồng cây gồm 01 container 40 feet số hiệu UESU 4218468, trị giá 16.776 USD cho Công ty TNHH T và được cấp 03 bản chính Vận đơn (Bill of Lading) số hiệu VN5251730A đề ngày 05/9/2010 tại Văn phòng của Công ty TNHH T (số 28 N, Phường A, quân T, Thành phố Hồ Chí Minh).
[3] Tại Điều 73 Bộ luật Hàng hải Việt Nam về chứng từ vận chuyển thì vận đơn đường biển (viết tắt là B/L- Bill of Lading) là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển do người vận chuyển lập, ký và cấp cho người gửi hàng trong đó người vận chuyển xác nhận đã nhận một số hàng nhất định để vận chuyển bằng tàu biển và cam kết giao số hàng đó cho người có quyền nhận hàng tại cảng đích với chất lượng tốt và số lượng đầy đủ như biên nhận. Là chứng từ rất quan trọng về nghiệp vụ giữa người gửi hàng với người vận tải, giữa người gửi hàng với người nhận hàng. Nó như là một bằng chứng về giao dịch hàng hóa, là bằng chứng có hợp đồng chuyên chở. Phía bị đơn thừa nhận vận đơn này do bị đơn xuất cho nguyên đơn. Và xác định chữ ký trong vận đơn là chữ ký của một nhân viên trong Công ty chứ không phải chữ ký của người đại diện theo pháp luật của bị đơn.
[4] Xét thấy, theo tập quán vận tải quốc tế quy định: “Trong hành nghề xuất nhập khẩu hầu như ai cũng phải biết và thường xuyên nhắc đến Bill vì nó là một chứng từ rất quan trọng thể hiện linh hồn của lô hàng. Bill gốc (Original Bill) là bill cho hãng tàu hoặc forwder phát hành. Trên Bill phải là bản có chữ ký bằng tay (manually signed), đây cũng là điều quan trọng nhất để phân biệt đó là vận đơn gốc hay không, mọi vận đơn có đóng dấu hay có chữ Original mà không có chữ ký bằng tay lên trên vận đơn đều không được coi là vận đơn gốc. Các bản sao, chụp (photocopy) in, đánh máy mà được ký bằng tay thì cũng được coi là vận đơn gốc”. Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định vận đơn do bị đơn phát hành cho nguyên đơn là vận đơn gốc được pháp luật quy định.
[5] Về việc giao nhận hàng hóa: Nguyên đơn đã làm đầy đủ thủ tục khai nhận hàng hóa xuất cảnh thông qua Cơ quan hải quan, trị giá lô hàng đã được ghi rõ, đầy đủ và chính xác. Bị đơn đã nhận đủ hàng hóa do nguyên đơn giao. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn thừa nhận đây là hợp đồng vận tải FOB. Theo tập quán thương mại quốc tế quy định: “FOB là một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free on Board. Người bán hàng giao hàng cho người mua qua lan can tàu tại cảng xếp hàng. Khi hàng đã lên tàu nghĩa là người bán đã hết trách nhiệm. Trong điều kiện này thì người bán chỉ việc vận chuyển hàng từ kho của mình ra cảng và làm thủ tục hải quan hàng xuất khẩu...”. Tại Văn bản đề ngày 30/9/2014 được Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp chứng nhận, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cacterium Plantarium Earl xác định chưa nhận được lô hàng từ nguyên đơn hoặc bị đơn.
Từ những căn cứ trên có cơ sở xác định, Công ty TNHH T là bên có lỗi, vi phạm cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng, không giao hàng đúng theo yêu cầu của nguyên đơn đã được ghi trong vận đơn, nên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
[6] Bị đơn kháng cáo cho rằng vận đơn mà bị đơn phát hành là vận đơn thứ cấp, chỉ có giá trị tham khảo và yêu cầu Tòa án mời người vận chuyển đối chất. Xét thấy, theo nhận định nêu tại mục [4] thì vận đơn mà bị đơn phát hành có giá trị ràng buộc, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc ủy thác tư pháp đúng quy định pháp luật, nên nội dung trình bày trong đơn kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận.
[7] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới để chứng minh nên không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa là có căn cứ chấp nhận.
[8] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[9] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty TNHH T phải chịu, theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn T. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 330/2017/KDTM-ST ngày 23/3/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Áp dụng các Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73 và khoản 1 Điều 77 Bộ luật Hàng hải năm 2005; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B.
Buộc Công ty TNHH T có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu B số tiền 16.776 USD, quy ra tiền Việt Nam là 381.234.600 (ba trăm tám mươi mốt triệu hai trăm ba mươi bốn nghìn sáu trăm) đồng là trị giá của lô hàng gốm sứ đã bị giao không đúng quy định của pháp luật.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án, công ty TNHH T không tự nguyện thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với số tiền chưa thi hành án, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng, được cấn trừ vào số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0033960 ngày 04/4/2017 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Trách nhiệm hữu hạn T còn phải nộp 1.700.000 (Một triệu bảy trăm ngàn) đồng.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 73/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 73/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 10/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về