Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 11/2022/KDTM-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN NGÔ QUYỀN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 11/2022/KDTM-ST NGÀY 29/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Ngày 29 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2022/TLST- KDTM ngày 14 tháng 3 năm 2022 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 24/2022/QĐXXST-KDTM ngày 06 tháng 9 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 34/2022/QĐST-KDTM ngày 22 tháng 9 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Đ; địa chỉ trụ sở: Đường N, Phường M, quận T, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

+ Bà Hoàng Minh P; nơi cư trú: Đường B, phường H, quận H, thành phố Hải Phòng, là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 29/3/2021); có mặt.

+ Ông Nguyễn Hữu D; nơi cư trú: Đường T, khu đô thị A, phường A, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 29/3/2021); vắng mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH V; địa chỉ trụ sở: Số 8/2/27/38 đường An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Văn Đ; nơi cư trú: Đường A, phường L, quận N, thành phố Hải Phòng, là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số 1404/2021/UQ-BA ngày 14/4/2021); có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Tổng Công ty Bảo hiểm P; địa chỉ trụ sở: Đường P, quận C, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty Bảo hiểm P: Bà Trần Thảo L;

nơi cư trú: Phường V, thành phố N, tỉnh Nam Định, là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số 140/UQ-PBH ngày 28/6/2022); vắng mặt (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

+ Công ty Cổ phần P; địa chỉ trụ sở: Đường N, Phường M, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần P: Bà Nguyễn Thị H; chức vụ: Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần P; là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền số 107/UQ-PVCFC ngày 29/12/2021); vắng mặt (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 09/12/2020 và quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn trình bày:

Công ty Cổ phần Đ (viết tắt là Công ty D) đã giao kết Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 với Công ty TNHH V (viết tắt là Công ty B) là Chủ sở hữu tàu Đại Nghĩa 18 để vận chuyển lô hàng là 1800 tấn phân bón Đạm Cà Mau đóng trong các bao có trọng lượng 50 kg/bao từ cảng Hoàng Diệu/Cần Thơ đi cảng Phúc Lộc hoặc Phúc Long/Ninh Bình. Theo quy định của Hợp đồng thì Công ty D đã tiến hành tạm ứng 50% tiền cước vận chuyển của lô hàng cho Công ty B với số tiền 243.000.000 đồng. Tàu Đại Nghĩa 18 sau khi xếp xong lô hàng nói trên, trên đường hành trình ra luồng Định An/Cần Thơ thì bị mắc cạn, lúc 13 giờ 15 phút ngày 16/12/2019, nước tràn vào hầm hàng dẫn đến việc tàu không thể tiếp tục hành trình được mà phải quay về Cần Thơ để chuyển hàng hóa sang tàu Minh Phú 88 do Công ty D thuê. Hậu quả của việc mắc cạn này đã làm hư hỏng hàng hóa vận chuyển trên tàu, gây thiệt hại về vật chất cho Công ty D, cụ thể: Phần tiền cước đã tạm ứng: 243.000.000 đồng; giá trị hàng hóa bị tổn thất: 1.403.166.400 đồng; chi phí giám định hàng hóa tổn thất: 220.377.820 đồng. Tổng cộng là 1.866.544.220 đồng.

Công ty D đã nhiều lần yêu cầu Công ty B bồi thường giá trị phần thiệt hại trên cũng như cùng thương lượng tìm cách giải quyết nhưng Công ty B không có bất kỳ phản hồi nào để giải quyết vụ việc. Vì vậy, Công ty D khởi kiện yêu cầu Công ty B bồi thường và hoàn trả cho Công ty D tổng số tiền 1.866.544.220 đồng cùng với tiền lãi phát sinh kể từ ngày Công ty D phải gánh chịu thiệt hại.

* Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Công ty D đã giao kết Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 với Công ty B là Chủ sở hữu tàu Đại Nghĩa 18 để vận chuyển lô hàng là 1800 tấn phân bón Đạm Cà Mau đóng trong các bao có trọng lượng 50 kg/bao từ cảng Hoàng Diệu, Cần Thơ đi cảng Phúc Lộc hoặc Phúc Long, Ninh Bình. Ngày 08/12/2019, Công ty B có tàu biển mang tên Đại Nghĩa 18 xuống hàng theo hợp đồng vận chuyển ký giữa Công ty D với Công ty B tại cảng Hoàng Diệu, Cần Thơ. Ngày 10/12/2019, tàu xếp hàng xong xuống tàu được 1.800 tấn Đạm đóng bao, kế hoạch hành trình đi Ninh Bình. Đến ngày 14/12/2019, lúc 14 giờ 00 phút tàu rời cảng ra Khu neo Trà Nóc, đến 07 giờ 00 phút tàu hành trình ra ngoài gần cầu phao 23 neo chờ nước và theo dõi thời tiết để ra cửa. 00 giờ 00 phút ngày 14/12/2019, tàu kéo neo hành trình theo hướng luồng Định An. Đến 03 giờ 00 phút tàu hành trình đến phao 5:6 và tàu bị kẹt cạn, tàu không nghe lái do sóng đánh mạnh mạn bên phải tàu và mất khả năng điều động, tàu bị dạt ra ngoài phía phao xanh và bị mắc cạn. Theo thông báo của Thuyền trưởng tàu Đại Nghĩa 18 sau khi tàu mắc cạn thì xuất hiện hiện tượng tàu nghiêng phải 15 độ, tàu thả neo để giữ tàu nhưng do sóng to tàu đã bị đánh đứt một neo trái và phát hiện có nước dâng lên 30cm. Đến 17 giờ 00 phút ngày 16/12/2019, tàu tiếp tục phát hiện nước ngập vào khoang số 02, đo được lượng nước dâng vào khoang là 40cm. Sau đó, thuyền trưởng xác định là tàu đã bị thủng khoang hàng số 02 và cho tàu hành trình cấp tốc quay lại. Khi tàu hành trình quay lại, lượng nước vào khoang hàng là quá lớn nên thuyền trưởng phải cho tàu cập cảng Cái Cui để hút nước, cứu tàu và cứu hàng. Sự việc tàu mắc cạn dẫn đến tàu bị thủng và ướt 400.000 tấn hàng Đạm đóng bao. Trong quá trình tàu xảy ra sự cố, Thuyền trưởng và thuyền viên tàu Đại Nghĩa 18 đã làm mọi cách để giúp tàu ra khỏi khu vực cạn, giảm tổn thất cho tàu và hàng hóa trên tàu.

Sau sự cố trên, Công ty B đã điều động người của Công ty có mặt tại hiện trường cùng bên phía chủ hàng phối hợp xử lý bóc tách hàng bị tổn thất và hàng không bị tổn thất. Ngày 18/12/2019, tàu được lai dắt về Cảng Cần Thơ để sau khi Bảo hiểm của hai bên chủ hàng và chủ tàu cùng nhau giám định tổn thất thì xác định tàu bị ướt 400.000 tấn hàng và phải được bóc tách khỏi hàng không bị ướt càng sớm càng tốt. Ngay sau đó, Công ty B đã thuê Cảng và xà lan để giải phóng hàng, số hàng bốc lên cảng là 400.000 tấn hàng ướt, còn lại 1,4 tấn hàng khô được sang xà lan. Số hàng ướt đã được các bên có liên quan xác nhận và bên Bảo hiểm của chủ hàng đã thu hồi và bán ngay sau đó.

Về phía Công ty B, sau khi giải phóng hàng đã đôn đốc để cho tàu lên đà kiểm tra thiệt hại của tàu. Vì là dịp cuối năm nên đã rất khó khăn cho việc tìm kiếm âu đà (và cũng do đặc điểm của vùng miền). Sau sự cố tàu phải chờ neo đến hơn một tháng mới tìm được âu đà, và quá trình nằm neo chờ như vậy đã thiệt hại vô cùng lớn về tài sản và tiền bạc. Vì tàu gặp sự cố vào cuối năm cộng với công việc sửa chữa tàu bị trì hoãn do tết âm lịch dẫn đến thiệt hại về kinh tế của Công ty B là rất lớn. Sau ngày 14/02/2020, tàu Đại Nghĩa 18 sữa chữa xong thì dịch Covid bùng phát, Công ty B đã cố gắng chèo chống đến ngày 05/11/2020 thì phải bán tàu vì tiền mua tàu là 100% vốn vay của ngân hàng lên khi bán Công ty vẫn còn phải nợ Ngân hàng 1.000.000.000 đồng. Vì vậy, Công ty B đề nghị nguyên đơn xem xét vì trường hợp tàu Đại Nghĩa 18 xảy ra mắc cạn là trường hợp bất khả kháng và Công ty B cũng đã nỗ lực để cứu hàng. Công ty B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì chưa đủ căn cứ xác định phần thiệt hại do Công ty D trả cho bảo hiểm. Số tiền 243.000.000 đồng mà Công ty D chuyển khoản tạm ứng sau khi tàu xuống hàng xong tại cảng để đổ dầu, Công ty B cũng đã có văn bản khấu trừ bằng số tiền mua vật dụng cứu hộ, thuê cảng, thuê xà lan nên Công ty B cũng không đồng ý trả số tiền này.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty Bảo hiểm P trình bày:

Công ty Bảo hiểm P Cà Mau - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Bảo hiểm P (viết tắt là P) là nhà bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa cho lô hàng Phân bón Urê Đạm Cà Mau đóng bao của Công ty Cổ phần P (viết tắt là Công ty Cà Mau) theo Hợp đồng bao bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa số C01/PVCFC-PCM/VCND/23/01/19 ký ngày 28/12/2018 và đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 19/23/02/VCND/PC00011 cấp ngày 01/02/2019, sửa đổi bổ sung số 19/23/02/VCND/PC00011/E16 cấp ngày 17/12/2019 với nội dung bảo hiểm như sau:

- Hàng hóa được bảo hiểm: 1.800 tấn (36.000 bao) phân Urê đóng bao.

- Hành trình bảo hiểm: Từ Cảng nhà máy Đạm Cà Mau đến Cảng Ninh Bình.

- Số tiền bảo hiểm: 12.240.000.000 đồng.

- Điều kiện/điều khoản bảo hiểm: Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1220/QĐ-PBH ngày 28/11/2016 của Tổng giám đốc P và các điều khoản mở rộng.

Ngày 28/6/2019, Công ty D và Công ty Cà Mau ký Hợp đồng vận chuyển số 538B.4/HĐDV-VC-KD/PVCFC-FALCOM. Sau đó Công ty D ký tiếp Hợp đồng vận chuyển số 331/HDVC/FC/2019 với Công ty B để thuê Công ty B vận chuyển lô hàng nêu trên bằng tàu Đại Nghĩa 18. Tàu Đại Nghĩa 18 thuộc quyền quản lý, sở hữu và khai thác của Công ty B và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Bảo hiểm Viettinbank) là nhà bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho tàu này.

Ngày 16/12/2019, khi tàu Đại Nghĩa 18 đang điều động trên sông Hậu đến đoạn phao 5,6 ra luồng/cửa Định An để hành trình đến cảng dỡ Ninh Bình trả hàng thì thuyền viên của tàu phát hiện có nước dằn (két ballast) 4 trái và 4 phải và sau đó xâm nhập vào trong két hầm hàng số 1 (khoang hàng lái) gây ướt hàng hóa. Ngay sau khi phát hiện nước xâm nhập vào trong két nước dằn và hầm hàng, tài Đại Nghĩa 18 được lệnh để điều động về cập cảng Hoàng Diệu nhằm mục đích kiểm tra và bốc dỡ, phân loại hàng.

Từ ngày 18/12/2019 đến ngày 23/12/2019, quá trình bóc tách dỡ phần hàng bị ướt được tiến hành với sự giám sát và chứng nhận của các bên liên quan. P đã chỉ định đơn vị giám định độc lập là Công ty Cổ phần Giám định Năng lượng Việt Nam (EIC) để tiến hành giám định và phát hành chứng thư giám định số 19511087 ngày 21/02/2020 với kết quả như sau:

Nguyên nhân tổn thất: Tổn thất đối với hàng hóa Phân bón Ure Đạm Cà Mau đóng bao xếp trong hầm hàng số 2 của tàu Đại Nghĩa 18 như nêu trên là do đã xảy ra sự số mắc cạn và làm rách/thủng tôn vỏ của tàu Đại Nghĩa 18 khi tài đang hành trình trên luồng An Định, Trà Vinh ngày 16/12/2019 nên nước sông xâm nhập vào trong hầm hàng số 2 của tàu Đại Nghĩa 18 và dâng cao, làm ẩm ướt hàng hóa chất xếp trong hầm và gây ra các tổn thất như đã nêu trên.

Căn cứ điều khoản bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm và Đơn bảo hiểm, Báo cáo giám định cuối cùng số 19511087 ngày 21/02/2020 của EIC, P đã thanh toán bồi thường tổn thất nêu trên cho Công ty Cà Mau số tiền 2.811.800.000 đồng. Ngày 24/3/2020, Công ty Cà Mau đã có văn bản “Thư chấp nhận bồi thường và chuyển quyền khiếu nại”, theo đó Công ty Cà Mau đồng ý “chuyển giao cho Bảo hiểm P, tới mức độ quyền lợi, lợi ích liên quan đến đối tượng bảo hiểm được chấp nhận bồi thường, quyền khiếu nại Bên thứ ba gây ra tổn thất nêu trên. Chúng tôi cam kết chuyển giao toàn bộ tài liệu pháp lý liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và cho phép Bảo hiểm P bất kỳ công việc, biên pháp mà Bảo hiểm P yêu cầu một cách hợp lý trong việc thực thi quyền khiếu nại bên thứ ba này trên danh nghĩa Bảo hiểm P và với chi phí do Bảo hiểm P chịu”.

Ngày 18/12/2020, P đã nộp đơn khởi kiện Công ty D tại Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Sau quá trình đàm phán, ngày 05/5/2022, Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau đã ra Bản án số 05/2022/KDTM-ST với nội dung chấp nhận sự thỏa thuận giữa Công ty D và P như sau: “Công ty Cổ phần Đ có trách nhiệm thanh toán cho Bảo hiểm P số tiền là 850.000.000 đồng” và Bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Việc Công ty D khởi kiện Công ty B theo Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 hoàn toàn không liên quan đến P nên P đề nghị Tòa án không triệu tập P tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, P đề nghị vắng mặt tại các phiên triệu tập, xét xử của Tòa án.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cà Mau trình bày:

Ngày 28/6/2019, Công ty Cà Mau ký Hợp đồng vận chuyển số 538B.4/HĐDV-VC-KD/PVCFC-FALCOM với Công ty D vận chuyển 1.800 tấn (36.000 bao) phân Urê đóng bao từ Cảng Nhà máy Đạm Cà Mau đến Cảng Ninh Bình.

P là nhà bảo hiểm lô hàng hóa vận chuyển nêu trên theo Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa trong lãnh thổ Việt Nam số 19/23/02/VCND cấp ngày 01/02/2019, sửa đổi bổ sung số 19/12/02/VCNĐ/PC00011 cấp ngày 17/12/2019 và Hợp đồng bao bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số C01/PVCFC- PCM/VCND/23/01/19 ký ngày 28/12/2018. Ngày 16/12/2019, khi tàu vận chuyển hàng hóa gặp sự cố, hậu quả làm cho 413,50 tấn hàng Phân bón Urê Đạm Cà Mau đóng bao bị hư hại.

Trên cơ sở báo cáo giám định của EIC, căn cứ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm P đã giải quyết bồi thường cho Công ty Cà Mau.

Ngày 24/3/2020, Công ty Cà Mau đã có văn bản “Thư chấp nhận bồi thường và chuyển quyền khiếu nại”, theo đó Công ty Cà Mau đồng ý “chuyển giao cho Bảo hiêm P, tới mức độ quyền lợi, lợi ích liên quan đến đối tượng bảo hiểm được chấp nhận bồi thường, quyền khiếu nại Bên thứ ba gây ra tổn thất nêu trên. Chúng tôi cam kết chuyển giao toàn bộ tài liệu pháp lý liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và cho phép Bảo hiểm P bất kỳ công việc, biên pháp mà Bảo hiểm P yêu cầu một cách hợp lý trong việc thực thi quyền khiếu nại bên thứ ba này trên danh nghĩa Bảo hiểm P và với chi phí do Bảo hiểm P chịu”. Theo đó Công ty Cà Mau đã thế quyền và chuyển giao quyền khiếu nại Công ty D là bên thứ ba gây ra tổn thất nêu trên cho P theo đúng quy định tại các điều khoản của Hợp đồng vận chuyển số 538B.4/HĐDV-VC-KD/PVCFC-FALCOM ngày 28/06/2019 và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Do vậy, Công ty Cà Mau không có ý kiến gì đối với yêu cầu của nguyên đơn là Công ty D trong vụ án nêu trên. Công ty Cà Mau không có yêu cầu độc lập và có văn bản đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

Ngày 18/12/2020, P đã nộp đơn khởi kiện Công ty D tại Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau yêu cầu Công ty D bồi hoàn cho P số tiền 1.758.839.571 đồng gồm: Giá trị tổn thất hàng hóa sau khi trừ thanh lý là 1.403.166.400 đồng; chi phí giám định hàng hóa tổn thất là 220.377.820 đồng; tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 24/3/2020 đến ngày khởi kiện 24/01/2021 là 135.295.351 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, P đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu Công ty D bồi thường chi phí giám định hàng hóa bị tổn thất là 220.377.820 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 135.295.351 đồng, thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty D bồi hoàn giá trị hàng hóa tổn thất là 850.000.000 đồng. Tại Bản án số 05/2022/KDTM-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã nhận định về mức độ tổn thất như sau: Số/khối lượng hàng hóa theo phiếu xuất kho: 1.800 tấn; số/ khối lượng hàng hóa còn tốt, nguyên vẹn: 1.386,5 tấn; số/khối lượng hàng hóa bị tổn thất: 413,5 tấn. Số tiền thiệt hại được tính như sau: Đơn giá hàng hóa: 6.800.000 đồng/tấn; giá trị tổn thất của 413,5 tấn hàng: 2.811.800.000 đồng; giá trị thu hồi hàng hóa thanh lý: 1.408.633.600 đồng; giá trị tổn thất sau khi trừ thanh lý: 1.403.166.400 đồng; chi phí giám định hàng hóa bị tổn thất: 220.377.820 đồng. Tổng số tiền thiệt hại là: 1.623.544.220 đồng. Việc hàng hóa bị tổn thất trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường giá trị hàng hóa bị thiệt hại. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Công ty D và P đã thống nhất thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Xét sự thỏa thuận của Công ty D và P là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử đã chấp nhận sự thỏa thuận cụ thể như sau:

- Buộc Công ty Cổ phần Đ phải trả cho Tổng Công ty Bảo hiểm P số tiền 850.000.000 đồng. Về thời gian thanh toán: Công ty Cổ phần Đ phải thanh toán cho Tổng Công ty Bảo hiểm P 05 lần: Lần 1: Thanh toán 450.000.000 đồng vào ngày 29/5/2022; lần 2: Thanh toán 100.000.000 đồng vào ngày 14/6/2022; lần 3: Thanh toán 100.000.000 đồng vào ngày 14/8/2022; lần 4: Thanh toán 100.000.000 đồng vào ngày 14/10/2022; lần 5: Thanh toán 100.000.000 đồng vào ngày 14/12/2022.

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Bảo hiểm P về yêu cầu buộc Công ty Cổ phần Đ bồi thường chi phí giám định hàng hóa bị tổn thất là 220.377.820 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 135.295.351 đồng.

Do Bản án số 05/2022/KDTM-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau không bị kháng cáo, kháng nghị nên Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Ngày 30/6/2022, Công ty D có đơn đề nghị rút một phần yêu cầu khởi kiện và thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện: Rút yêu cầu Công ty B bồi thường chi phí giám định là 220.377.820 đồng và tiền lãi chậm thanh toán; thay đổi yêu cầu về bồi thường giá trị hàng hóa tổn thất, chỉ yêu cầu Công ty B bồi thường giá trị hàng hóa tổn thất là 850.000.000 đồng và giữ nguyên yêu cầu Công ty B hoàn trả tiền cước đã tạm ứng là 243.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.093.000.000 đồng.

Tại phiên hòa giải ngày 29/8/2022, Công ty D và Công ty B đã thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

“- Về số tiền phải thanh toán: Công ty TNHH V phải hoàn trả và bồi thường cho Công ty Cổ phần Đ do vi phạm Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 là: Tiền cước vận chuyển đã tạm ứng: 243.000.000 đồng; giá trị hàng hóa bị tổn thất: 450.000.000 đồng. Tổng cộng là: 693.000.000 đồng.

- Về phương thức, thời hạn thanh toán:

+ Ngày 05/9/2022, Công ty TNHH V hoàn trả cho Công ty Cổ phần Đ số tiền cước vận chuyển đã tạm ứng là 243.000.000 (hai trăm bốn mươi ba triệu) đồng vào tài khoản của Công ty Cổ phần Đ theo số tài khoản 0531002559629, Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Đông Sài Gòn, Phòng Giao dịch Hồng Hà.

+ Kể từ tháng 1/2023, Công ty TNHH V sẽ trả cho Công ty Cổ phần Đ tiền bồi thường giá trị hàng hóa bị tổn thất là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng/tháng vào ngày 25 hàng tháng cho đến khi trả hết số tiền trên.” Sau khi hòa giải, Tòa án đã Thông báo nội dung hòa giải ngày 29/8/2022 cho những người liên quan là P và Công ty Cà Mau. P và Công ty Cà Mau đều có văn bản chấp nhận nội dung thỏa thuận trên. Tuy nhiên, ngày 05/9/2022, Công ty B không thực hiện việc hoàn trả số tiền cước vận chuyển đã tạm ứng như thỏa thuận nên Công ty D có đơn xin thay đổi ý kiến, không đồng ý với nội dung đã thỏa thuận tại biên bản hòa giải ngày 29/8/2022.

Tại phiên tòa, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là buộc Công ty B phải trả những khoản tiền sau: Phần tiền cước đã tạm ứng: 243.000.000 đồng; giá trị hàng hóa bị tổn thất: 850.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.093.000.000 đồng. Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng người đại diện hợp pháp của bị đơn vắng mặt lần thứ hai không có lý do. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có ý kiến như sau:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký; việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; bị đơn không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ tố tụng, vi phạm quy định tại các điều 70, 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 244, khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 145, 152, 158 Bộ luật Hàng hải; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần Đ, buộc bị đơn Công ty TNHH V hoàn trả và bồi thường cho Công ty Cổ phần Đ số tiền gồm: tiền cước đã tạm ứng: 243.000.000 đồng, giá trị hàng hóa bị tổn thất: 850.000.000 đồng. Tổng cộng: 1.093.000.000 đồng.

Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Đ về yêu cầu buộc Công ty TNHH V bồi thường tiền hàng hóa tổn thất là 553.166.400 đồng, chi phí giám định là 220.377.820 đồng và tiền lãi chậm thanh toán.

Về án phí: Công ty TNHH V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 44.790.000 đồng. Trả lại cho Công ty Cổ phần Đ số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp.

Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên toà, Tòa án nhận định:

- Về tố tụng:

[1] Đây là vụ án tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa Công ty D và Công ty B với mục đích lợi nhuận được quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự; bị đơn Công ty B có địa chỉ trụ sở trên địa bàn quận Ngô Quyền nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về sự vắng mặt của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Người đại diện hợp pháp của bị đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai không có lý do. Do đó, Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng đã có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt nên căn cứ khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Về nội dung:

[3] Việc giao kết Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 giữa nguyên đơn và bị đơn là hoàn toàn tự nguyện; tuân thủ quy định tại các điều 385, 401, 530, 531 Bộ luật Dân sự, Điều 145 Bộ luật Hàng hải với các điều khoản của hợp đồng không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do vậy, hợp đồng trên là hợp pháp, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

[4] Theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên A (Công ty D) đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình bao gồm tập kết đủ hàng cho bên B (Công ty B) tại cảng quy định, ngay khi giao hàng lên tàu của bên B xong, bên A đã tạm ứng cho bên B 50% giá trị cước vận chuyển, cung cấp các điều kiện khác để thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển, bên B đã làm hàng hóa bị tổn thất do sự cố tràn nước vào hầm hàng. Theo quy định tại Điều 2 của Hợp đồng quy định: “Bên B chịu trách nhiệm giao/nhận và bảo quản hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển.

Nếu hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, hao hụt thì bên B có trách nhiệm bồi thường theo đơn giá thị trường tại nơi giao”. Do đó, xác định bên B phải có nghĩa vụ bồi thường hàng hóa tổn thất cho bên A là có căn cứ.

[5] Theo Báo cáo giám định tổn thất số 19511087 ngày 21/02/2020 của Công ty Cổ phần giám định năng lượng Việt Nam (EIC) dựa trên biên bản hiện trường (có cân và kiểm đếm thực tế tại cảng) xác định số hàng tổn thất là 8.270 bao tương đương với 413.500 tấn hàng theo quy cách đóng bao ban đầu. Khối lượng tổn thất này được xác định theo lượng hàng hóa xếp lên tàu tại cảng đi (35.997 bao/1.799850 tấn) trừ đi lượng hàng hóa bình thường bóc tách dỡ tại cảng sau sự cố (27.727 bao/1386.350 tấn). Phương thức tính toán này là khách quan, theo đúng quy định tại Hợp đồng (mục 1.6) và đã được các bên thừa nhận.

[6] Căn cứ theo Phụ lục hợp đồng mua bán số 1020008317 ngày 04/12/2019 giữa Công ty Cà Mau và Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông (là người mua và người bán của lô hàng mà nguyên đơn thuê bị đơn vận chuyển) thì giá của hàng hóa phân bón Ure đạm Cà Mau do tàu Đại Nghĩa 18 vận chuyển là 6.800.000 đồng/tấn là giá tại thời điểm xảy ra sự cố. Do đó, xác định giá trị hàng hóa nguyên bản của 413.500 tấn hàng hóa là: 413.500 tấn x 6.800.000 đồng/tấn = 2.811.800.000 đồng dựa trên giá hợp đồng mua bán tại thời điểm xảy ra sự cố là phù hợp. Số hàng hóa tổn thất này ngay sau đó đã được thanh lý, thu về số tiền 1.408.633.600 đồng. Do đó, nguyên đơn xác định giá trị tổn thất thực tế là:

2.811.800.000 đồng - 1.408.633.600 đồng = 1.403.166.400 đồng và yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền trên là phù hợp với quy định tại Điều 541 Bộ luật Dân sự; Điều 152 Bộ luật Hàng hải.

[7] Tại Bản án số 05/2022/KDTM-ST ngày 05/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã quyết định: “Buộc Công ty Cổ phần Đ phải trả cho Tổng Công ty Bảo hiểm P số tiền là 850.000.000 đồng” và Bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, ngày 30/6/2022, nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ buộc bị đơn bồi thường giá trị hàng hóa bị tổn thất là 850.000.000 đồng là có căn cứ nên cần chấp nhận.

[8] Đối với số tiền cước bên A đã tạm ứng cho bên B là 243.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hàng hải thì: “Trường hợp hàng hoá bị thiệt hại do có tai nạn trong khi tàu biển đang hành trình thì dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng được miễn giá dịch vụ vận chuyển, nếu đã thu thì được hoàn trả lại”. Theo thỏa thuận trong Hợp đồng, bên A đã tạm ứng cho bên B 50% tiền cước vận chuyển, Bên B cũng xác nhận đã nhận số tiền trên. Do đó, việc bên A yêu cầu bên B hoàn trả phần cước vận chuyển đã nhận tạm ứng 243.000.000 đồng là có căn cứ nên cần chấp nhận.

[9] Từ những phân tích như trên, Hội đồng xét xử xét thấy có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty B phải bồi thường cho Công ty D giá trị hàng hóa bị tổn thất là 850.000.000 đồng, trả tiền cước vận chuyển đã tạm ứng là 243.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.093.000.000 đồng.

[10] Quá trình giải quyết vụ án, Công ty D rút một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu buộc Công ty B phải trả chi phí giám định là 220.377.820 đồng và tiền lãi chậm thanh toán. Xét việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tự nguyện nên cần chấp nhận, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu trên của nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về án phí:

[11] Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là: 36.000.000 đồng + 3% x (1.093.000 đồng - 800.000.000 đồng) = 44.790.000 đồng.

- Về quyền kháng cáo đối với bản án:

[12] Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39;

khoản 1 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1, khoản 3 Điều 228; khoản 2 Điều 244 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các điều 357; 385; 401; 468; 530; 531; 532; 533; 534 và 541 Bộ luật Dân sự;

Căn cứ các điều 145; 152; 158 Bộ luật Hàng hải;

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 quy định về hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Đ:

1. Công ty TNHH V phải trả cho Công ty Cổ phần Đ tiền tạm ứng cước vận chuyển và bồi thường tổn thất hàng hóa theo Hợp đồng vận chuyển số 331/HĐVC/FC/2019 ngày 03/12/2019 tổng số tiền gồm:

- Tiền cước vận chuyển đã tạm ứng: 243.000.000 (Hai trăm bốn mươi ba triệu) đồng.

- Giá trị hàng hóa bị tổn thất: 850.000.000 (Tám trăm năm mươi triệu) đồng. Tổng cộng là: 1.093.000.000 (Một tỷ, không trăm chín mươi ba triệu) đồng. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Đ về yêu cầu Công ty TNHH V phải trả chi phí giám định là 220.377.820 (Hai trăm hai mươi triệu, ba trăm bảy mươi bảy nghìn, tám trăm hai mươi) đồng và tiền lãi chậm thanh toán.

3. Về án phí:

Công ty TNHH V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 44.790.000 đồng (Bốn mươi bốn triệu, bảy trăm chín mươi nghìn) đồng.

Trả lại cho Công ty Cổ phần Đ số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 28.000.000 (Hai mươi tám triệu) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006951 ngày 31/3/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

4. Quyền kháng cáo đối với bản án:

Công ty Cổ phần Đ được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Công ty TNHH V, Tổng Công ty Bảo hiểm P và Công ty Cổ phần P được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

300
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 11/2022/KDTM-ST

Số hiệu:11/2022/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Ngô Quyền - Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về