Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 01/2023/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 01/2023/KDTM-ST NGÀY 26/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Trong ngày 10, 14/9/2023 và 25, 26/09/2023, tại phòng xét xử Tòa án nhân dân huyện T xét xử sơ thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 04/2022/TLST-KDTM ngày 16 tháng 5 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp vận chuyển” và thụ lý yêu phản tố của bị đơn số 04B/2022/TLST-KDTM ngày 19 tháng 9 năm 2022 về việc “Yêu cầu đòi bồi thường tổn thất chung” - Nguyên đơn: Tổng công ty Bảo hiểm P Địa chỉ: Tòa nhà P, lô VP2 Y, phường Y, quận C, thành phố Hà Nội

- Người đại diện theo pháp luật ông Phạm Anh Đ – Tổng giám đốc.

Những người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đức A – chức vụ chuyên viên phòng pháp chế Tổng công ty bảo hiểm P; bà Trần Thảo L - chuyên viên phòng pháp chế Tổng công ty bảo hiểm P; Bà Nguyễn Thị Anh T – Chuyên viên phòng Hàng Hải – Ban giải quyết khiếu nại và quản lý rủi ro – Tổng công ty Bảo hiểm P; Bà Nguyễn Thị Vân A - Chuyên viên phòng giải quyết khiếu nại bảo hiểm Hàng Hải/ Văn phòng chăm sóc khách hàng Bảo hiểm P phía Bắc; ông Vũ Tiến T – Chức vụ: Phó phòng quản lý nghiệp vụ và Bồi thường Công ty Bảo hiểm P Quảng Ninh; Ông Ngô Xuân T – Chuyên viên phòng pháp chế.

– Có mặt ông Ngô Xuân T, bà Trần Thảo L và bà Nguyễn Thị Vân A

- Bị đơn: Công ty TNHH thương mại và vận tải V Địa chỉ: thôn T, xã H, huyện T, tỉnh T.

Người đại diện theo pháp luật – Ông Lê Đức N, chức vụ: Giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Đức N là Công ty Luật TNHH H do Luật sư Bùi Việt H – Giám đốc tham gia tố tụng:

Địa chỉ: Ngõ 104 đường L, phường D, quận Đ, Thành phố Hà Nội – Có mặt ông Bùi Việt H

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Tổng Công ty bảo hiểm B Địa chỉ trụ sở chính: Số 7 đường P, quận H, thành phố Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Tổng Giám đốc

Đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Phương A – Chức vụ: Phó giám đốc ban pháp chế và kiểm tra nội bộ. Đỗ Minh A – chuyên viên ban pháp chế và kiểm tra nội bộ; Ông Trần M - chuyên viên ban Giám định bồi thường Hàng Hải - Tổng công ty Bảo hiểm B (Theo văn bản uỷ

- Có mặt ông Trần Mạnh H, bà Đỗ Minh A + Công ty Cổ phần thương mại khoáng sản TP Địa chỉ: Số 3/2, thị trấn N, huyện T, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn S – Giám đốc (Đề nghị giải quyết vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, các văn bản gửi cho Tòa án, đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

1. Về yêu cầu khởi kiện: Tổng công ty Bảo hiểm P (Bảo hiểm P/ P) là Nhà bảo hiểm hàng hóa cho lô hàng than cám của Công ty Cổ phần Khoáng sản TP (gọi tắt là Công ty TP) theo Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa số C17/OP/VCND/05/17 ký ngày 10/08/2017 và Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 18/05/03/VCND/PC01842 cấp ngày 26/12/2018 với thông tin được bảo hiểm như sau: Đối tượng được bảo hiểm: 4.468,04 tấn than cám; Hành trình bảo hiểm: Từ Hải Phòng đến tỉnh Thừa Thiên Huế; Điều kiện, điều khoản bảo hiểm: Quy tắc áp dụng hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1220/QĐ-PBH ngày 28/11/2016 của Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm P. Toàn bộ hàng hóa được bảo hiểm là 4.468,04 tấn than cám được vận chuyển bởi đơn vị vận chuyển là Công ty TNHH Thương mại và Vận tải V ( gọi tắt là Công ty V) theo Hợp đồng vận chuyển trực tiếp số 20-12/2018/HĐVC/TP-VG ngày 20/12/2018 .Trên cơ sở các hợp đồng vận chuyển được ký kết, lô hàng được bảo hiểm nói trên được vận chuyển trên tàu V 09 từ cảng Lưu Kỳ, Hải Phòng lúc 08 giờ 00 ngày 31/12/2018 đến cảng dỡ/ cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế. Ngày 03/01/2019, tàu hành trình đến vùng biển Quảng Trị thì thời tiết có gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 6-7, sóng cao từ 2-3m đã làm gãy tấm be chắn sóng mạn trái (dài khoảng 21m), Thuyền trưởng đã quyết định cho chuyển hướng tàu V 09 và neo đậu tại khu vực đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị vào lúc 21 giờ 00 phút ngày 03/01/2019 tại vị trí có tọa độ 170 08’ 831N; 1070 20’ 493E. Đến khoảng 09 giờ 50 phút ngày 04/01/2019, do sóng to, gió lớn kèm dòng chảy mạnh đã làm tàu rê neo và tàu bị mắc cạn tại bãi đá ngầm, nước tràn vào hầm hàng số 01 cao khoảng 01m. Vị trí tàu tại thời điểm này là 17008’ 837N; 1070 20’ 492E cách đảo Cồn Cỏ khoảng 0,5 hải lý về phía Đông Nam. Sau đó, Thuyền trưởng đã lập tức báo động toàn tàu để tiến hành các biện pháp chống thủng, đồng thời lệnh cho Máy trưởng sử dụng 02 bơm la canh hầm hàng và 02 bơm hút khô để hút nước từ hầm hàng số 1 ra ngoài. Tuy nhiên, do nước tràn vào quá nhanh, mực nước trong hầm hàng số 01 ngày càng tăng, lúc này 04 bơm vẫn hoạt động do mũi tàu nằm trên bãi đá ngầm nên tàu bị mất điều động hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho thuyền viên, Thuyền trưởng quyết định phát tín hiệu cấp cứu yêu cầu cứu nạn và thông báo cho Đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tại đảo Cồn Cỏ trên kênh 16VHF và điện thoại báo cho Chủ tàu biết. Đến khoảng 11 giờ 45 phút ngày 04/01/2019, toàn bộ 10 thuyền viên và 01 hành khách trên tàu “ V 09” được tàu cá “QT-2019-TS” đưa vào đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị an toàn. Trong quá trình cứu hộ tàu V 09, 2.000 tấn than đã được chuyển tải sang tàu “Bình Dương 19” bằng cầu nổi “Mỹ Dung 15”, hàng hóa chuyển tải bao gồm cả hàng khô và hàng ướt lẫn lộn do không đủ điều kiện để bóc tách vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 07/01/2019. Lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày, tàu V 09 được kéo thoát nạn và đưa tới vị trí an toàn để neo đậu, xử lý các vết thủng. Tàu Bình Dương 19 đến khu neo cảng Chân Mây neo chờ lúc 15 giờ 30 phút ngày 08/01/2019. Tàu V 09 cập cảng Chân Mây lúc 10 giờ 00 phút ngày 11/01/2019. Từ ngày 11/01/2019 đến ngày 20/03/2019, quá trình bóc tách dỡ phần hàng bị ướt được tiến hành với sự giám sát và chứng kiến của các bên liên quan. Với tư cách là nhà bảo hiểm hàng của lô hàng nói trên, Bảo hiểm P đã chỉ định đơn vị giám định độc lập là Công Ty cổ phần giám định TL (gọi tắt là công ty giám định TL) để tiến hành giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Ngày 15/06/2020, Công ty giám định TL đã phát hành chứng thư giám định số 19GD0044/TT với kết quả như sau:

Nguyên nhân tổn thất:“Tổn thất đối với hàng hoá than cám trên tàu V 09 như đã nêu trên là do lỗi sơ suất không xác định được bãi đá ngầm của Thuyền trưởng, trong quá trình điều động, hành trình tàu va chạm với bãi đá ngầm dưới nước gây nên tổn thất nêu trên.” Mức độ tổn thất:

- Số/ khối lượng hàng hóa theo phiếu xuất kho: 4.468,040 tấn - Số/ khối lượng hàng hóa bình thường: 953,220 tấn - Số/ khối lượng hàng hóa tổn thất giao cho nhà máy LUKS: 3.443.090 tấn - Tổng cộng: 4.396,310 tấn - Chênh lệch: 71,730 tấn - Tỷ lệ hai hụt cho phép 0,6% (Theo HĐVC): 26,808 tấn - Số lượng hàng hóa hao hụt: 44,992 tấn - Số tiền thiệt hại được tính toán như sau:

-Đơn giá hàng hoá : 1.950.000 đồng/ tấn -Giá trị tổn thất hao hụt hàng hóa : 87.597.900 đồng

(1) -Đơn giá giảm giá trị thương mại : 60.000 đồng/ tấn -Giá trị thu hồi hàng hóa giảm giá trị thương mại : 206.585.400 đồng/ tấn

(2) -Chi phí bốc xếp, thuê kho tại cảng Chân Mây : 380.283.200 đồng

(3) -Chi phí giám định hàng hóa bị tổn thất : 88.654.341 đồng

(4) Tổng số tiền thiệt hại: (1) + (2) + (3) + (4) : 763.312.841 đồng (Bằng số: Bảy trăm sáu mươi ba triệu ba trăm mười hai nghìn tám trăm bốn mươi mốt đồng).

Căn cứ vào Giấy chứng nhận Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số: 18/05/03/VCND/PC01842 ngày 26/12/2018, Hợp đồng bảo hiểm số hàng hoá vận chuyển nội địa số: C17/OP/VCND/05/17 ngày 10/08/2017 và chứng thư giám định số 19GD0044/TT ngày 15/06/2020 của Công ty giám định TL, Tổng công ty bảo hiểm P đã bồi thường cho Công ty TP số tiền là: 674.466.500 đồng và thanh toán phí giám định với số tiền 88.654.341 đồng.

Ngày 07/07/2020, Công ty TP đã có văn bản “Thư chấp nhận bồi thường và chuyển quyền khiếu nại” với nội dung “chuyển giao cho Bảo hiểm P, tới mức độ quyền lợi, lợi ích liên quan đến đối tượng bảo hiểm được chấp nhận bồi thường, quyền khiếu nại Bên thứ ba gây ra tổn thất nêu trên. Chúng tôi cam kết chuyển giao toàn bộ tài liệu pháp lý liên quan đến đối tượng được bảo hiểm và cho phép Bảo hiểm P sử dụng toàn bộ quyền hạn và hỗ trợ Bảo hiểm P bất kỳ công việc, biện pháp mà Bảo hiểm P yêu cầu một cách hợp lý trong việc thực thi quyền khiếu nại bên thứ ba này trên danh nghĩa Bảo hiểm P và với chi phí do Bảo hiểm P chịu”.

Qua nhiều lần thương lượng nhưng Công ty V chưa bồi hoàn tiền tổn thất hàng hoá theo hợp đồng vận chuyển nên buộc Tổng công ty bảo hiểm P khởi kiện yêu cầu giải quyết các nội dung sau đây:

- Buộc công ty TNHH Thương mại và Vận tải V chịu trách nhiệm bồi thường cho Tổng công ty bảo hiểm P số tiền thiệt hại là: 674.466.500 đồng - Riêng đối với yêu cầu thanh toán phí giám định với số tiền 88.654.341 đồng, số tiền lãi chậm trả đã yêu cầu tính từ thời điểm ngày 20/07/2020 (tức là ngày NĐBH đã nhận tiền bồi thường và chuyển quyền yêu cầu V bồi hoàn cho Bảo hiểm P) đến ngày vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm thì đến nay Tổng công ty Bảo hiểm P xin rút yêu cầu.

2. Ý kiến của nguyên đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn:

Tổng công ty bảo hiểm P không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn vì các lý do sau:

- Yêu cầu phản tố của Công ty V với đối với Tổng công ty bảo hiểm P là không phù hợp với quy định bởi lẽ tại khoản 2 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố vì trong thư chấp nhận bồi thường và chuyển quyền khiếu nại ngày 07/07/2020 của Công ty TP thì Bảo hiểm P được Công ty TP chuyển giao quyền khiếu nại Bên thứ ba gây ra tổn thất lô hàng than cám. Công ty TP không chuyển giao nghĩa vụ liên quan đến đóng góp tổn thất chung cho Bảo hiểm P. Như vậy, nghĩa vụ bồi hoàn của Công ty V với Bảo hiểm P và nghĩa vụ đóng góp tổn thất chung của Công ty TP với Công ty V là hai nghĩa vụ độc lập giữa các chủ thể độc lập. Do đó, yêu cầu phản tố của Công ty V đối với Người bị phản tố là Tổng công ty Bảo hiểm P về việc buộc Bảo hiểm P thanh toán số tiền đóng góp tổn thất chung là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Bảo hiểm P không phải là đối tượng bị phản tố theo quy định nêu trên.

- Việc phân bổ bồi thường tổn thất chung của Công ty TNHH Giám định BĐ là không phù hợp vì: Theo hồ sơ vụ việc, tổn thất xảy ra ngày 04/01/2019 và Chủ tàu V 09 thực hiện tuyên bố tổn thất chung. Ngày 9/01/2019, Công ty V đã gửi Công văn tới Công ty TP thông báo về việc chỉ định Công ty TNHH Giám định BĐ thay mặt chủ tàu phân bổ tổn thất chung cho sự cố mắc cạn của tàu V 09, tuy nhiên, Công ty TNHH Giám định BĐ không có chức năng, ngành, nghề kinh doanh về Phân bổ tổn thất chung. Do vậy, việc Công ty V chỉ định Công ty TNHH Giám định BĐ để thực hiện phân bổ tổn thất chung không phù hợp quy định của pháp luật và kết quả tính toán phân bổ tổn thất chung của Công ty TNHH Giám định BĐ không có hiệu lực pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, Công ty V hoàn toàn không chỉ định được nhà phân bổ tổn thất chung phù hợp theo quy định. Vì vậy, Bảo hiểm P cho rằng Công ty V đã hết thời hạn chỉ định người phân bổ tổn thất chung. Vì các lý do trên, P không có cơ sở để xem xét đóng góp tổn thất chung theo bảng tính toán phân bổ của Công ty Giám định BĐ.

Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí và hợp tác, tại phiên toà hôm nay, Tổng công ty bảo hiểm P cũng có quan điểm như ý kiến tại phiên hoà giải ngày 05/6/2023 tại Toà án với nội dung như sau: Trong trường hợp các bên thống nhất thoả thuận được việc Công ty V phải bồi thường tổn thất hàng cho Tổng công ty bảo hiểm P số tiền là 420.000.000 đồng thì tổng công ty bảo hiểm P đồng ý chịu chi trả tổn thất chung theo yêu cầu của Công ty TNHH thương mại và vận tải V, mức đồng ý đóng góp tổn thất chung là 500.000.000 đồng. Nếu không không thống nhất được việc thoả thuận, bồi thường hàng như trên thì bảo hiểm P không đồng ý với bất kỳ mức đóng góp tổn thất chung nào khác trong vụ án này và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện bồi thường hàng hoá như đã trình bày ở trên.

Tại các đơn gửi Toà án, ý kiến tại phiên hoà giải và lời trình bày tại phiên toà sơ thẩm về yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại hàng hoá của nguyên đơn, đại diện Công ty V và đại diện Công ty bảo hiểm Bảo Việt có ý kiến thống nhất trình bày như sau:

Đại diện Công ty V và đại diện Tổng công ty Bảo hiểm B không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn với lý do sau đây:

- Về đánh giá thiệt hại: Tổng công ty bảo hiểm B và Công ty V chỉ nhất trí với kết quả giám định của Công ty giám định BĐ xác định mức độ thiệt hại hàng hóa là 419.612.616 đồng, không đồng ý với kết luận giám định của Công ty giám định TL là đơn vị giám định do Tổng công ty Bảo hiểm P chỉ định. Công ty giám định TL đã xác định mức thiệt hại hàng hóa là 674.466.500, trong đó phần giám định về chi phí bốc xếp, thuê kho bãi tại cảng Chân Mây là 380.283.200 đồng. Đánh giá này không phù hợp bởi lẽ theo hồ khiếu nại kèm theo gồm: Hợp đồng kinh tế số 1201/2019/HĐKT đề ngày 12/01/2019 và Hợp đồng kinh tế số 0603/2019/HĐKT đề ngày 06/03/2019, Biên bản xác nhận đề ngày 20/03/2019 giữa Doanh nghiệp tư nhân LN với Công ty Cổ phần Thương mại TP không có các hồ sơ, chứng từ theo quy định như: Biên bản nghiệm thu, Biên bản Quyết toán, Hóa đơn GTGT, chứng từ chuyển tiền; tên hàng vận chuyển: Clinker - sai với thực tế là Than cám; Nội dung dịch vụ: Vận chuyển, bốc xếp & kho bãi – Không ghi cụ thể bốc xếp từ đâu đến đâu, không ghi cụ thể địa điểm vận chuyển từ đâu đến đâu, không ghi thời gian lưu bãi và không có thời gian thực hiện hợp đồng. Chi phí bốc xếp, thuê kho bãi tại cảng Chân Mây không bóc tách, tính toán chi tiết và nêu cơ sở tính toán khiếu nại hợp lý, hồ sơ, chứng từ khiếu nại không đầy đủ, sai lệch không phản ánh đúng mức độ thiệt hại trên thực tế nên Nguyên đơn dựa theo kết luận giám định về mức độ thiệt hại của Công ty giám định TL để khởi kiện yêu cầu bồi thường là không phù hợp.

- Yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn – Tổng công ty bảo hiểm P đã hết thời hiệu khởi kiện, cụ thể: Tổn thất hàng hóa trên tàu V 09 phát sinh vào ngày 03/01/2019. Đơn khởi kiện của P đề ngày 26/01/2022 và căn cứ khởi kiện của P là yêu cầu bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển đường biển. Theo Điều 169 – Bộ luật hàng hải quy định:”Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 01 năm kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng.” Như vậy, thời hiệu vụ việc đã kết thúc vào ngày 03/01/2020.

- Yêu cầu của nguyên đơn không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vì trên thực tế, Công ty V không có bất cứ tuyên bố nào về việc thừa nhận nghĩa vụ đối với yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty bảo hiểm P mà luôn có quan điểm từ chối yêu cầu bồi thường của Tổng công ty bảo hiểm P do không phát sinh nghĩa vụ mà chỉ đề xuất hỗ trợ để chia sẻ thiệt hại với Tổng công ty bảo hiểm P. Bị đơn đã có đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với Tổng công ty bảo hiểm P trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm nên căn cứ theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử sơ thẩm cần phải tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty bảo hiểm P theo quy định pháp luật.

- Bị đơn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại hàng, căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 151 Bộ luật Hàng Hải Việt nam 2015 vì xác định nguyên nhân tổn thất phát sinh một phần do lỗi của thuyền viên trong việc điều khiển tàu V 09 và theo quy định của pháp luật về hợp đồng vận chuyển đường biển, người vận chuyển – Công ty V sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất hàng hóa của Tổng công ty bảo hiểm P nếu do lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên. Do được miễn trách nhiệm nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Riêng về số tiền lãi chậm trả, do Tổng công ty bảo hiểm P rút yêu cầu nên đại diện công ty V, đại diện công ty Bảo hiểm B không có ý kiến. Đại diện công ty V và Tổng công ty B đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ theo Điều 151 Bộ luật hàng hải 2015 xác định không phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với toàn bộ yêu cầu khởi kiện;

Tại bản trình bày ý kiến, và ý kiến tại phiên toà sơ thẩm, đại diện Bị đơn trình bày yêu cầu phản tố như sau:

Công ty TNHH Thương mại và Vận tải V, tham gia bảo hiểm thân tàu theo Điều kiện B - Phần I: Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thủy nội địa theo Phần III: Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thủy nội địa theo Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số TCT.TS.19.HD15 ký kết ngày 27/12/2018, người bảo hiểm là Tổng công ty bảo hiểm B. Ngày 31/12/2018, tàu V 09 vận chuyển 4.468MT than cám từ cảng Lưu Kỳ - Hải Phòng đến cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế. Số hàng hóa này được chủ hàng là Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản TP mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm P Quảng Ninh theo Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hóa trong lãnh thổ Việt Nam số 18/05/03/VCND/PC01842 ký ngày 26/12/2018. Ngày 03/01/2019, trên đường hành trình đến vùng biển Quảng Trị, tàu gặp thời tiết gió mùa Đông Bắc mạnh cấp 6-7, sóng cao 2-3m đánh gãy be chắn sóng của tàu. Thuyền trưởng đã quyết định chuyển hướng tàu vào khu vực đảo Cồn Cỏ để neo đậu. Ngày 04/01/2019, do sóng to gió lớn kèm theo dòng chảy mạnh, tàu bị mắc cạn tại khu vực cách đảo Cồn Cỏ khoảng 0,5 hải lý. Thuyền trưởng đã phải yêu cầu tàu cứu hộ để đưa tàu và hàng hóa thoát khỏi khu vực bị mắc cạn. Ngày 09/01/2019, Chủ Tàu đã tuyên bố tổn thất chung và chỉ định đơn vị phân bổ tổn thất chung là Công ty TNHH Giám định BĐ. Tuyên bố này đã được gửi cho chủ hàng là Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản TP. Bản tuyên bố Tổn thất chung đã được gửi cho Công ty TP và Bảo hiểm P. Theo Bản phân bổ tổn thất chung mà Công ty TNHH Giám định BĐ phát hành ngày 19/09/2019, tổng chi phí tổn thất chung là 2.120.000.000 VND, trong đó phần thân tàu là 1.439.056.000 VND và phần hàng hóa là 615.860.000 VND, nhiên liệu là 28.196.000 VND và cước vận chuyển là 36.888.000 VND. Tháng 06/2020, Công ty V đã nhận được phần bồi thường chi phí tổn thất chung phần thân tàu từ Bảo hiểm B, riêng tiền bảo hiểm hàng hoá chưa được Công ty bảo hiểm B bồi thường. Ngày 03/10/2019, Công ty V đã gửi yêu cầu bồi thường tổn thất chung nhưng Công ty TP vẫn không có hành động đóng góp tổn thất chung. Trong quá trình giải quyết vụ án, do Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản TP đã có văn bản uỷ quyền cho Tổng công ty Bảo hiểm P giải quyết với trách nhiệm là người bảo hiểm, nên Công ty V có yêu cầu phản tố buộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm P thanh toán số tiền đóng góp tổn thất chung theo đúng cam kết và theo bảng phân bổ tổn thất chung do Công ty TNHH Giám định BĐ thực hiện, quá trình hoà giải và tại phiên toà, Công ty V rút một phần yêu cầu, số tiền yêu cầu hiện nay là 500.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi.

Do không hòa giải được nên phải đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên phát biểu về tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào nghị án cơ bản đúng quy định. Về nội dung vụ án đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 1 Điều 147; các Điều 71, 72, 73, 200; 217; 271 273; 228; 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 157, Điều 360, Điều 365; khoản 2 Điều 370. Điều 419; khoản 5 Điều 534 Bộ luật dân sự; Điều 87 Luật giao thông đường thuỷ nội địa; Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm; các Điều 195; 292, 293, 296, 322, 326 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 xử, không chấp nhận việc Tổng công ty Bảo hiểm B và Công ty V đề nghị áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; không chấp nhận Tổng công ty Bảo hiểm B và Công ty V đề nghị áp dụng quy định về miễn trách nhiệm bồi thường hàng hoá đối với Công ty V; đề nghị đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty bảo hiểm P về yêu cầu bồi thường chi phí giám định và yêu cầu tính lãi chậm trả do người khởi kiện rút yêu cầu; Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về đòi bồi thường thiệt hại tiền hàng, số tiền được chấp nhận là 419.621.616 đồng, số tiền không chấp nhận là 254.873.384 đồng, do không có tài liệu chứng cứ chứng minh phần chi phí vận chuyển tại cảng Chân Mây có liên quan đến việc khắc phục, hạn chế thiệt hại hàng hoá; Đề nghị đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu phân bổ tổn thất chung và yêu cầu tính lãi do bị đơn tự nguyện rút yêu cầu, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn và buộc nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn số tiền tổn thất chung được là 500.000.000 đồng. Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị tuyên nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn về tranh chấp về hợp đồng vận chuyển với nội dung tranh chấp là đòi bồi thường hàng hoá thiếu hụt, hư hỏng, mất mát theo hợp đồng vận chuyển và yêu cầu phản tố của bị đơn là yêu cầu đòi bồi thường tổn thất chung phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh đều có mục đích lợi nhuận và bị đơn có địa chỉ trụ sở tại huyện T, nguyên đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện Thái Thuỵ. Tòa án xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện T là đúng với quy định khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.2] Đối với việc thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn:

Trong vụ án này, yêu cầu phản tố của bị đơn đưa ra là yêu cầu bồi thường tổn thất chung có mối quan hệ mật thiết với việc giải quyết tranh chấp yêu cầu đòi bồi thường hàng hoá theo Hợp đồng vận chuyển hàng hoá, yêu cầu này không nằm cùng với yêu cầu của nguyên đơn nhưng giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty TP đã có văn bản uỷ quyền việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường tổn thất chung cho Tổng công ty bảo hiểm P, hơn nữa theo quy định Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa số C17/OP/VCND/05/17 ký ngày 10/08/2017 và Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam số 18/05/03/VCND/PC01842 cấp ngày 26/12/2018 giữa Công ty TP và Công ty Bảo hiểm P Quảng Ninh và với các quy định pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm thì trách nhiệm cuối cùng chi trả tổn thất chung thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm.Vì vậy để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan giữa các bên yêu cầu phản tố của bị đơn thoả mãn quy định tại Điều 72, Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự. Toà án thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn để giải quyết trong vụ án này là đúng quy định.

[1.3]. Trong vụ án này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần TP biết rõ về Toà án thụ lý giải quyết vụ án, đã được tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng không đến Toà án làm việc, có đơn gửi Toà án, chuyển giao cho Tổng công ty bảo hiểm P tham gia giải quyết các vấn đề về bồi thường thiệt hại về hàng hoá, về bồi thường tổn thất chung, có đơn xin vắng mặt nên căn cứ vào khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vụ án vắng mặt người đại diện của Công ty TP.

[1.4]. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị áp dụng Điều 169 Bộ luật Hàng Hải về thời hiệu đối với yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị Toà án xác định yêu cầu bồi thường thiệt hại hư hỏng hàng hóa phát sinh từ hợp đồng vận chuyển giữa Công ty V và Công ty TP có thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày 03/01/2019, tổng công ty bảo hiểm P nộp đơn khởi kiện ngày 26/01/2022 đã hết thời hiệu khởi kiện nên phải đình chỉ giải quyết vụ án. Xét chứng cứ do hai bên cung cấp thể hiện: Ngày 26/2/2020, Công ty TP gửi Công văn số 26-02/2020/CV-TP đến Công ty V về việc yêu cầu bồi thường tổn thất hàng hóa. Công ty TP đề nghị Công ty V xác nhận về việc bồi thường thiệt hại nêu trên, trong trường hợp không có phản hồi, Công ty TP sẽ thực hiện việc khởi kiện theo đúng nội dung của Hợp đồng vận chuyển đã ký. Ngày 7/7/2020, Công ty TP ký Thư chấp nhận bồi thường và chuyển quyền khiếu nại cho Tổng công ty Bảo hiểm P. Căn cứ văn bản chuyển quyền khiếu nại, ngày 4/8/2020, tổng công ty Bảo hiểm P đã gửi văn bản số 1247/CSB-HH yêu cầu Công ty V bồi hoàn số tiền là: 674.466.500 đồng. Ngày 18/11/2021, đại diện theo ủy quyền của Công ty V gửi văn bản số 11/2021/BVL-BH yêu cầu Tổng công ty Bảo hiểm P đóng góp tổn thất chung liên quan đến sự cố tàu V 09 bị mắc cạn tại khu vực Cồn Cỏ - Quảng Trị ngày 04/1/2019. Ngày 23/11/2021, Tổng công ty Bảo hiểm P có văn bản phúc đáp số 1981/CSB-HH tiếp tục đề nghị Công ty V thực hiện nghĩa vụ bồi thường tổn thất hàng của Công ty TP. Sau các trao đổi, giao dịch, đại diện Công ty V không bồi thường cho Tổng công ty Bảo hiểm P theo các điều kiện/điều khoản của Hợp đồng vận chuyển số 20-12/2018/HĐVC/TP-VG. Do vậy, xác định quyền lợi của Công ty TP/Bảo hiểm P đã bị xâm phạm từ ngày 23/11/2021. Quan hệ Hợp đồng vận chuyển giữa hai bên là Hợp đồng vận chuyến hàng hoá theo chuyến nên cần phải áp dụng quy định tại Điều 195 Bộ luật hàng hải quy định về thời hiệu như sau: “Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm”. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày 23/11/2021. Tổng công ty bảo hiểm P nộp đơn khởi kiện là ngày 26/01/2022 nằm trong thời hiệu khởi kiện. Hơn nữa trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cũng có đề xuất chia sẻ và đưa ra các quan điểm hoà giải vụ án, cần xác định tính lại thời hiệu khởi kiện trong trường hợp thừa nhận một phần, hoặc toàn bộ yêu cầu theo quy định của Điều 157 Bộ luật dân sự. Từ những phân tích nêu trên không chấp nhận việc đại diện Công ty V và đại diện Tổng công ty bảo hiểm B đề nghị tuyên đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện.

[1.5] Nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với nội dung đề nghị bồi thường số tiền giám định là 88.654.341 VNĐ và xin rút yêu cầu tính lãi đối với số tiền yêu cầu bồi thường; bị đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố về tổn thất chung từ 652.748.000 đồng còn 500.000.000 đồng và không yêu cầu tính lãi đối với số tiền này nên căn cứ vào Điều 217; Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ một phần đối với yêu cầu của Nguyên đơn, đình chỉ một phần đối với yêu cầu phản tố của bị đơn [2]. Xét yêu cầu của nguyên đơn.

[2.1]. Về trách nhiệm bồi thường:

Báo cáo giám định của Công ty giám định BĐ và Công ty giám định TL đều thể hiện thống nhất về nguyên nhân xảy ra sự cố làm tổn thất hàng như sau: Tổn thất đối với hàng hoá than cám trên tàu V 09 là do lỗi sơ suất không xác định được bãi đá ngầm của Thuyền trưởng, trước và trong quá trình điều động, hành trình tàu va chạm với bãi đã ngầm dưới nước gây nên tổn thất, cụ thể:

[2.1.1] Căn cứ theo diễn biến sự cố và đánh giá của Công ty giám định TL: Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn có cảnh báo gió đông bắc ở vịnh bắc bộ mạnh cáp 5, giật cấp 6, cấp 7 tại vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, sóng biển cao từ 2m đến 3m nhưng thuyền trưởng vẫn tiếp tục điều động tàu cho đến khi sóng đánh làm gãy be chắn sóng mạn trái của tàu thì Thuyền trưởng mới điều động tàu đến địa điểm neo đậu. Bên cạnh đó, tại nơi neo đậu, máy trưởng không duy trì hoạt động của máy chính ở chế độ sẵn sàng để kịp thời xử lý khi có những trường hợp xấu xảy ra dẫn đến tình trạng tàu bị trôi, rê neo và va chạm vào bãi đá ngầm.

Tàu được trang bị các thiết bị như Hải đồ, radar, GPS tuy nhiên lại không đánh dấu vị trí đá ngầm trên hải đồ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng tàu bị lên cạn, rách mũi ngay khi đâm va vào đá ngầm do lỗi sơ suất không xác định được bãi đá ngầm của Thuyền trưởng (không phải do bão gió làm rê neo gây mắc cạn, rách thân vỏ).

[2.1.2] Theo Báo cáo giám định cuối cùng của Công ty TNHH Giám định BĐ (Badinco) số tham chiếu: 20/09/1593/HP/TN ngày 23/11/2020 thực hiện theo yêu cầu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (nhà bảo hiểm của chủ tàu V 09) tại mục 5.2. Nguyên nhân cũng kết luận: Tàu neo đậu trú gió tại khu neo đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị trong điều kiện thời tiết xấu (gió Đông Bắc cấp 5-6) và dòng chảy mạnh dẫn tàu bị rê neo, thuyền viên đã sơ suất trong quá trình trực ca cảnh giới khi không phát hiện ra để có biện pháp xử lý kịp thời dẫn đến tàu dạt vào bãi đá ngầm và mắc cạn làm thủng đáy tàu và có nguy cơ chìm đắm gây nên sự cố.

[2.1.3] Theo Hợp đồng vận chuyển số 20-12/2018/HĐVC/TP-VG được ký ngày 20/12/2018 giữa Công ty V và Công ty TP quy định tại Điều 11 quy định về trách nhiệm của bên vận chuyển – tức trách nhiệm của Công ty TNHH TM&VT V như sau: “Bảo đảm an toàn hàng hóa trong quá trình vận chuyển.Tại cảng dỡ Chủ tàu phải bồi thường khi hàng hóa bị thiếu hụt theo giá trị trên hóa đơn VAT (số lượng thiếu hụt được tính = Số lượng giám định tại cảng xếp – Số lượng qua cân tại cảng dỡ - tỷ lệ hao hụt cho phép)”

[2.2] Như vậy, theo Hợp đồng vận chuyển, Công ty V phải có trách nhiệm vận chuyển 4.400 tấn than cám từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế theo hình thức qua cân tại cảng xếp/dỡ hàng, đảm bảo hàng hóa nguyên vẹn, an toàn trong quá trình vận chuyển. Nếu hàng hóa bị thiếu hụt thì Công ty V phải bồi thường theo quy định của pháp luật và thoả thuận tại Hợp đồng vận chuyển hai bên đã tự nguyện ký kết. Thực tế thiệt hại đã xảy ra như: Hao hụt hàng, giảm chất lượng hàng và những chi phí khác để khắc phục như bốc xếp, phơi, cân hàng. Thoả thuận của hai bên tại hợp đồng vận chuyển không trái pháp luật và không quy định về việc loại trừ trách nhiệm khi lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên. Trong quan hệ này người vận chuyển (người vận chuyển thực tế) phải có trách nhiệm bồi thường vì đã xảy ra thiệt hại, có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Vì vậy, căn cứ vào Điều 360, Điều 365; Điều 419; khoản 5 Điều 534 Bộ luật dân sự; Điều 87 Luật giao thông đường thuỷ nội địa; Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 11 Hợp đồng vận chuyển số 20- 12/2018/HĐVC/TP-VG ngày 20/12/2018 giữa Công ty V và Công ty TP xác định việc Tổng công ty bảo hiểm P khởi kiện yêu cầu Công ty V phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất hàng hoá theo hợp đồng vận chuyển là có cơ sở.

[2.3] Đánh giá về mức độ thiệt hại hàng hóa:

[2.3.1] Tổng công ty bảo hiểm P căn cứ vào kết luận giám định của Công ty giám định TL, yêu cầu công ty V chịu trách nhiệm bồi thường giá trị hàng hoá bị thiệt hại là: 674.466.500 VNĐ. Trong khi, công ty TNHH giám định BĐ chỉ xác định mức độ thiệt hại hàng hóa là 419.612.616 VNĐ, giảm hơn đánh giá của Công ty giám định TL là 254.853.884 đồng.

[2.3.2] Hai kết luận giám định có nội dung đánh giá thiệt hại thống nhất với nhau ở các nội dung sau:

- Giá trị hàng hoá hao hụt: 44,922 tấn x 1.950.000 đồng /tấn= 87.597.900 đồng; (1) - Giảm giá trị thương mại: 60.000 đồng/tấn; 3.443,090 tấn x 60.000đồng/tấn = 206.585.400 đồng (2) - Đánh giá theo hợp đồng kinh tế số 0603/2019/HĐKT lập ngày 06/03/2019 DNTN LN cho công ty Cổ phần thương mại dịch vụ TP vói tổng giá trị là 99.830.000 đồng (3) ở nội dung Xúc cân hàng (xếp hàng lên phương tiện của Người nhận hàng và cân xác định khối lượng); Thuê kho bãi (thuê kho bãi chứa hàng, phơi hàng trong suốt quá trình chờ xử lý hàng hoá tổn thất); Phơi than: Thuê xe cơ giới xúc than ra bãi để phơi và thu gom lại Tổng số thiệt hại được 2 kết luận giám định đánh giá như nhau gồm (1) + (2) + (3) = 87.597.900 + 206.585.400 + 99.830.000 = 394.013.300 đồng (4) Những thiệt hại này được các bên đương sự thừa nhận, đây là chứng cứ không phải chứng minh trong vụ án này.

[2.3.3]Đối với các nội dung có sự đánh giá khác nhau giữa hai kết luận giám định, nằm ở hạng mục chi phí bốc dỡ từ tàu vận chuyển vào kho bãi xử lý và thuê kho bãi trong thời gian xử lý hàng hoá tổn thất. Công ty giám định TL đánh giá thiệt hại này là 280.453.200 đồng, trong khi Công ty giám định BĐ chỉ xác định thiệt hại này 25.579.816 đồng, từng hạng mục cụ thể như sau:

+ Công ty Giám định TL chấp nhận toàn bộ thiệt hại theo Hợp đồng kinh tế số 1201/2019/HĐKT lập ngày 12/01/2019 giữa DNTN LN cung cấp dịch vụ trọn gói cho công ty Cổ phần thương mại TP với tổng giá trị Hợp đồng là 280.453.200 đồng (đánh giá chung, không bóc tách) + Công ty Giám định BĐ xác định chi phí này như sau: Bốc xếp từ tàu lên xe (chỉ tính phần phát sinh chênh lêch so với phiếu vận chuyển): 2.245.400 đồng; Vận chuyển hàng hoá từ cảng vào bãi (đánh giá theo đơn hàng) là 6.000 đồng/tấn cho phần khối lượng hàng hoá tổn thất chênh lệch so với phiếu vận chuyển: 22.436.256 đồng;

[2.3.4]Trong hồ sơ gửi giám định có Hợp đồng 1201/2019/HĐKT lập ngày 12/01/2019 giữa DNTN LN ký với Công ty TP cung cấp dịch vụ trọn gói cho công ty Cổ phần thương mại TP với tổng giá trị Hợp đồng là 280.453.200 đồng có các vấn đề sau không rõ ràng: Tên hàng vận chuyển: Clinker - sai với thực tế là Than cám; Nội dung dịch vụ: Vận chuyển, bốc xếp & kho bãi – Không ghi cụ thể bốc xếp từ đâu đến đâu, không ghi cụ thể địa điểm vận chuyển từ đâu đến đâu, không ghi thời gian lưu bãi; Không có thời gian thực hiện hợp đồng. Không có các hồ sơ, chứng từ theo quy định như: Biên bản nghiệm thu, Biên bản Quyết toán, Hóa đơn GTGT, chứng từ chuyển tiền. Tuy nhiên toàn bộ chi phí này đã được Công ty giám định TL thừa nhận. Kết luận của Công ty giám định BĐ đã đánh giá loại bỏ phần chi phí bốc xếp hàng từ tàu lên xe và phần cân phần hàng hoá tổn thất mà chỉ tính phần chênh lệch khối lượng so với phiếu vận chuyển nên kết luận của Công ty giám định BĐ về thiệt hại đối với các hạng mục này là 25.579.816 đồng (5), số liệu này là hợp lý hơn. Nên chỉ có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Xác định thiệt hại hàng hoá là 394.013.300 đồng (4) + 25.579.816 đồng (5) = 419.612.616 đồng; Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn với số tiền 674.466.500 đồng - 419.612.616 đồng = 254.853.884 đồng.

2.4. Xét yêu cầu phản tố của bị đơn về yêu cầu nguyên đơn thanh toán tiền đóng góp tổn thất chung.

[2.4.1] Tại phiên toà, Công ty V yêu cầu giải quyết buộc Tổng công ty Bảo hiểm P thanh toán số tiền đóng góp tổn thất chung là 500.000.000, không yêu cầu tính lãi. Đối với yêu cầu này, nguyên đơn không đồng ý vì lý do yêu cầu phản tố của bị đơn không đúng quy định của pháp luật về thụ lý yêu cầu phản tố . Về vấn đề này, ý kiến của nguyên đơn đã bị bác bỏ như phân tích đánh giá tại phần [1.2] [2.4.2] Tổng công ty Bảo hiểm P có ý kiến phản bác không chấp nhận đóng góp tổn thất chung nhưng quá trình hoà giải và tại phiên toà đều giữ nguyên ý kiến với nội dung: “Trong trường hợp các bên thống nhất thoả thuận được việc Công ty V phải bồi thường tổn thất hàng cho Tổng công ty bảo hiểm P số tiền là 420.000.000 đồng thì Tổng công ty Bảo hiểm P đồng ý chịu trả tổn thất chung theo yêu cầu của Công ty V, mức đồng ý đóng góp tổn thất chung là 500.000.000 đồng” . Cũng trong quan hệ này, ngày 18/4/2023, người được bảo hiểm là Công ty TP đã có ý kiến về yêu cầu phản tố của bị đơn với nội dung: “Đối với trách nhiệm đóng góp tổn thất chung, theo các điều khoản bảo hiểm của đơn bảo hiểm hàng hoá thì trách nhiệm của chủ hàng cũng chính là trách nhiệm của Người bảo hiểm là Tổng công ty bảo hiểm P, do đó để thuận tiện trong việc xét xử công ty TP uỷ quyền cho tổng công ty bảo hiểm P tham gia vụ kiện và có trách nhiệm đóng góp tổn thất chung cho chủ tàu” . Như vậy thể hiện P cũng đã chấp nhận chi trả đóng góp tổn thất chung mức 500.000.000 đồng nhưng phải đặt trong điều kiện hoà giải được với nhau trong quan hệ trả tiền bồi thường hàng hoá tổn thất với mức là 420.000.000 đồng.

[2.4.3] Theo đánh giá phân bổ tổn thất chung của Công ty giám định BĐ thì: chủ tàu V 09 là Công ty V, tham gia bảo hiểm thân tàu theo Điều kiện B - Phần I: Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa và bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thủy nội địa theo Phần III: Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thủy nội địa theo Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số TCT.TS.19.HD15 ký kết ngày 27/12/2018 đối với Tổng công ty Bảo hiểm B. Ngày 31/12/2018, tàu V 09 vận chuyển 4.468MT than cám từ cảng Lưu Kỳ - Hải Phòng đến cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế. Số hàng hóa này được chủ hàng là Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản TP mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm P Quảng Ninh. Đến ngày 03/01/2019, trên đường hành trình đến vùng biển Quảng Trị, tàu gặp nạn. Ngày 09/01/2019, Công ty V đã tuyên bố tổn thất chung và chỉ định đơn vị phân bổ tổn thất chung là Công ty TNHH Giám định BĐ theo đúng quy định của pháp luật. Bản tuyên bố Tổn thất chung đã được Công ty V gửi cho Công ty TP và Bảo hiểm P. Công ty CP Thương mại Khoáng sản TP đồng ý việc chỉ định Công ty giám định BĐ là người phân bổ tổn thất chung, đồng thời xác nhận trách nhiệm đóng góp tổn thất chung. Việc tuyên bố tổn thất chung, chỉ định đơn vị giám định phân bổ tổn thất chung của chủ tàu là đúng với quy định tại Điều 292, 293, 296, 297 Bộ luật Hàng Hải Việt Nam 2015, kết luận phân bổ tổn thất chung của Công ty Giám định BĐ là chứng cứ duy nhất về vấn đề này nên chấp nhận là làm căn cứ xem xét giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.

[2.4.4] Căn cứ vào Điều 72, Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, điều 296 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 khoản 4 điều 72 Bộ luật Tố tụng Dân sự; khoản 2 điều 370 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 292, 293, 296, 297 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 Buộc Tổng công ty Bảo hiểm P thanh toán số tiền đóng góp tổn thất chung cho Công ty V là 500.000.000 đồng. Do Công ty V đã rút yêu cầu tính lãi nên không xem xét giải quyết về lãi

[3]. Áp dụng Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, bù trừ nghĩa vụ giữa Tổng công ty bảo hiểm P và Công ty V. Tổng công ty bảo hiểm P còn phải thanh toán cho Công ty V số tiền là 500.000.000 đồng - 419.612.616 đồng = 80.387.384 đồng [4]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Áp dụng các Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí, Công ty V phải chịu án phí đối với các yêu cầu của Tổng Công ty bảo hiểm P được chấp nhận; Tổng Công ty bảo hiểm P có nghĩa vụ chịu án phí đối với yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận. Đối trừ vào tạm ứng án phí đã nộp của các bên, nếu thiếu các bên phải chịu trách nhiệm nộp thêm, nếu thừa trả lại cho các bên

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Khoản 4 Điều 147; Điều 271; 273; các điều 72; 200; 217; 228; 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 360, Điều 365; Điều 419; khoản 5 Điều 534 Bộ luật Dân sự; Điều 87 Luật giao thông đường thuỷ nội địa; Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm; khoản 2 điều 370 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 195; 292, 293, 296, 297, 332, 326 Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí xử;

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn số tiền giám định 88.654.341 đồng và yêu cầu về lãi suất chậm thanh toán số tiền đã bồi thường; Đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với số tiền rút yêu cầu tổn thất chung là 152.748.000 đồng và yêu cầu về lãi chậm thanh toán số tiền đóng góp tổn thất chung.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện bồi thiệt hại thường hàng hoá của Tổng Công ty bảo hiểm P, buộc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V phải bồi thường cho Tổng Công ty bảo hiểm P số tiền là 419.612.616 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty bảo hiểm P số tiền là 254.853.884 đồng.

3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của công ty cổ phần vận tải biển V, buộc Tổng công ty bảo hiểm P phải bồi thường tổn thất chung cho Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V số tiền 500.000.000 đồng Đối trừ quyền được bồi thường tiền tổn thất hàng hoá vào số tiền phải thực hiện nghĩa vụ trả tổn thất chung, Công ty bảo hiểm P phải trả cho Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V số tiền là 500.000.000 đồng - 419.612.616 đồng = 80.387.384 đồng Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại 80.387.384 đồng) cho đến khi thi hành án xong khoản tiền này, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Về án phí: Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V phải chịu 20.785.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; Tổng công ty bảo hiểm P phải chịu 34.194.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm (đối với số tiền yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận là 500.000.000 đồng và số tiền yêu cầu bồi thường hàng hoá không được chấp nhận là 254.853.884). Đối trừ số tiền tạm ứng án phí 15.000.000 tại biên lai số 0004183 ngày 19/9/2023 của Chi cục thi hành án dân sự vào nghĩa vụ án phí của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V còn phải nộp án phí là 5.980.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; Đối trừ số tiền tạm ứng án phí 17.266.000 theo biên lai số 0004133 ngày 05/5/2022 của Chi cục thi hành án dân sự vào nghĩa vụ thi hành án phí của Tổng công ty bảo hiểm P, Tổng công ty Bảo hiểm P còn phải nộp 16.928.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 5. Quyền kháng cáo:

Đại diện hợp pháp của Tổng công ty bảo hiểm P, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển V, tổng công ty Bảo hiểm B có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần thương mại khoáng sản TP vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận tống đạt hợp lệ bản án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 9 Luật thi hành án dân sự; điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

406
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển số 01/2023/KDTM-ST

Số hiệu:01/2023/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thái Thụy - Thái Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:26/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về