TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KIẾN XƯƠNG, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 02/2024/KDTM-ST NGÀY 23/02/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
Ngày 23 tháng 02 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện X, tỉnh T xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2023/TLST- KDTM ngày 30 tháng 6 năm 2023 về “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2023/QĐXXST- KDTM ngày 30 tháng 10 năm 2023 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH thương mại vận tải T.
Địa chỉ: số 271, phố P, tổ 18, phường K, thành phố T, tỉnh T.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Tuấn T – Chức vụ: Giám đốc công ty. (có đơn xin xét xử vắng mặt)
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Phạm Huy H – Đoàn luật sư tỉnh T.
Địa chỉ: Văn phòng luật sư H và cộng sự, số 145, phố C, phường Q, thành phố T, tỉnh T. (có đơn xin xét xử vắng mặt).
- Bị đơn: Công ty TNHH So Y (nay đổi tên thành Công ty TNHH may mặc M) Địa chỉ: thôn N, xã H, huyện K, tỉnh T.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Quốc H – Chức vụ: Giám đốc công ty. (vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày:
Công ty TNHH Thương mại vận tải T (viết tắt Công ty T) thành lập và đăng ký kinh doanh Công ty TNHH một thành viên từ năm 2013 mã số doanh nghiệp 10001011091, ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển hàng hóa, đăng ký thay đổi lần thứ 4 ngày 30/8/2022.
Ngày 01/8/2018, công ty TNHH S, nay là công ty TNHH may mặc M (Công ty M) và công ty T có ký kết hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY với nội dung: Công ty M thuê Công ty T tổ chức vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa các loại theo tuyến đường, số lượng và trọng lượng theo yêu cầu của công ty M. Kèm theo là phụ lục hợp đồng số 01, trong đó quy định: cước vận tải hàng lẻ từ Công ty M – Nội Bài và từ Công ty M – Hải Phòng. Quá trình thực hiện hợp đồng, từ ngày 01/8/2018 đến năm 2019, Công ty M đã thanh toán đầy đủ cước vận chuyển và xếp dỡ cho Công ty T. Nhưng năm 2020, Công ty M chưa trả cước phí vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa. Ngày 15/11/2021, hai bên đã tổng hợp đối chiếu công nợ. Thời điểm này, công ty TNHH S đã đổi tên thành Công ty TNHH may mặc M do bà V làm giám đốc đại diện đã xác nhận đến ngày 15/12/2020 còn nợ công ty T 217.595.000 đồng. Ngày 15/11/2022, hai bên đã xác nhận vào bảng tổng hợp đối chiếu công nợ, Công ty M đã xác nhận đến ngày 13/8/2021 còn nợ công ty T 275.028.726 đồng. Từ đó đến nay, Công ty M vẫn chưa thanh toán số tiền vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa như trên cho Công ty T nên Công ty T khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện X buộc Công ty M trả số tiền cước phí vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa còn nợ là 275.028.726 đồng. Buộc Công ty M phải chịu lãi suất chậm trả do chậm trả theo thỏa thuận 1%/tháng tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 15/5/2023 là 3 năm với tổng số tiền lãi bằng 275.028.726 x 3 năm x 12 % = 99.010.341 đồng. Tổng số tiền Công ty M phải trả là 374.049.000 đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã thực hiện đúng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng và thực hiện vận chuyển hàng hóa cho Công ty M theo thỏa thuận. Tại các thông báo số 01, 02 về việc xác nhận công nợ và thực hiện tính lãi suất cho khoản công nợ của Công ty T có xác nhận của Công ty M xác định số tiền lãi quá hạn tính 1%/tháng. Ngày 15/11/2022, hai bên đã xác nhận vào bảng tổng hợp đối chiếu công nợ, Công ty M đã xác nhận đến ngày 13/8/2021 còn nợ Công ty T 275.028.726 đồng. Từ đó đến nay, giữa 2 công ty không phát sinh nghĩa vụ theo hợp đồng nguyên tắc số 03. Tuy nhiên từ thời điểm 31/8/2019 việc thanh toán của Công ty M cho Công ty T không thực hiện theo như thỏa thuận hợp đồng. Sau rất nhiều lần thông báo và trao đổi nhưng Công ty T vẫn không nhận được tiền thanh toán của Công ty M.
Tại phiên toà nguyên đơn đề nghị Tòa án nhân dân huyện X xem xét giải quyết cụ thể:
1. Buộc công ty Công ty M trả cho Công ty T cước phí vận chuyển hàng hóa còn nợ gốc là 275.028.726 đồng.
2. Buộc công ty Công ty M phải chịu lãi suất do chậm trả quá hạn tính từ 14/8/2021 đến ngày 23/02/2024 theo lãi suất trung bình quá hạn của ba ngân hàng thương mại.
Tại Công văn số 2677/ĐKKD ngày 24/8/2023 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh T v/v cung cấp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH S có nội dung: Công ty TNHH S có mã số doanh nghiệp 1000187092 đã đổi tên thành Công ty TNHH may mặc M; thông tin về tên, địa chỉ, người đại diện ô n g B ù i Q u ố c H của Doanh nghiệp đăng ký và được cập nhật trên Hệ thống quản lý thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: Công ty TNHH may mặc M, địa chỉ trụ sở chính: thôn N, xã H, huyện K, tỉnh T; người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Quốc H - chức vụ: Giám đốc.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản cho công ty TNHH So Y (nay đổi tên thành công ty TNHH may mặc M) nhưng đại diện hợp pháp của Công ty không đến Tòa án để làm việc, không trình bày các quan điểm, ý kiến.
Tại biên bản xác minh ngày 11/10/2023 tại Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hòa Bình, huyện X, tỉnh T có nội dung: Đại diện Tòa án cùng đại diện UBND xã H đến trụ sở công ty TNHH S (nay đổi tên thành công ty TNHH may mặc M) tại thôn N, xã H, huyện K, tỉnh T để làm việc nhưng không gặp ai, công ty khóa cổng nên không tiến hành làm việc được.
Tại biên bản xác minh ngày 26/12/2023 tại Công an thị trấn X, huyện X, tỉnh T có nội dung: Về tình trạng cư trú hiện nay của ông Bùi Quốc H và bà Vũ Thị Thanh X, theo dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì ông H và bà X đăng ký nơi cư trú tại tổ dân phố C, thị trấn K, huyện K, tỉnh T. Tuy nhiên thực tế, ông H và bà X không có mặt ở tổ dân phố C, thị trấn K, huyện K, tỉnh T.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện X, tỉnh T phát biểu ý kiến:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ quy định tại các Điều 70, 71 Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ quy định tại các Điều 70, 72 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về quan điểm giải quyết vụ án:
Căn cứ các Điều 30, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 357, 468, 530, 531, 533, 535, 536 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 306 Luật thương mại năm 2005; Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty T, buộc công ty M phải trả cho công ty M toàn bộ tiền cước phí vận chuyển là 275.028.726 đồng theo hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY, phụ lục hợp đồng số 01 và tiền lãi chậm trả căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại huyện X, tỉnh T tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm).
- Về án phí: Bị đơn phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
* Về tố tụng:
[1] Công ty thương mại vận tải T (sau đây gọi tắt là Công ty T) khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH may mặc M (sau đây gọi tắt là công ty M) có địa chỉ trụ sở tại thôn N, xã H, huyện K, tỉnh T để buộc công ty M phải thanh toán tiền cước phí vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa theo Hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY nên xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện X, căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nên Viện kiểm sát nhân huyện X tham gia phiên tòa là đúng với quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Bị đơn, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty M đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Tòa án đã niêm yết các văn bản tố tụng tại trụ sở thôn N và UBND xã H huyện K, tỉnh T. Nguyên đơn có đơn xin vắng mặt tại phiên toà. Vì vậy căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
* Về nội dung:
[4] Xét yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán tiền nợ gốc và nợ lãi. Hội đồng xét xử nhận thấy:
[ 4.1] Về hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa: Hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY, Phụ lục số 01 thuộc hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY được ký kết giữa công ty T và Công ty M, được các bên tự nguyện thỏa thuận, ký kết bởi những người có đủ thẩm quyền, năng lực hành vi dân sự, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do vậy Hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY và Phụ lục số 01 thuộc hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY trên là hợp pháp và là căn cứ để các bên thực hiện. Khoản 1 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn” do đó Công ty TNHH S có mã số doanh nghiệp 1000187092 đã đổi tên thành Công ty TNHH may mặc M; thông tin về tên, địa chỉ, người đại diện ông B của Doanh nghiệp đăng ký và được cập nhật trên Hệ thống quản lý thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: Công ty TNHH may mặc M, địa chỉ trụ sở chính: thôn Nam Tiền, xã Hòa Bình, huyện X, tỉnh T; người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Quốc H - chức vụ: Giám đốc là người đại diện cho doanh nghiệp Công ty TNHH S nay đã đổi tên Công ty TNHH may mặc M, địa chỉ trụ sở chính: thôn N, xã H, huyện K, tỉnh T là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.
[4.2] Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là tổ chức người và phương tiện đầy đủ để vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa theo tuyến đường, số lượng và trọng lượng theo yêu cầu của Công ty M. Hai bên cũng thỏa thuận về thời gian và phương thức thanh toán như sau: hàng tháng, hai bên thống nhất khối lượng vận chuyển bằng bảng kê đối chiếu công nợ và ngày mùng 5 của tháng kế tiếp, có ký xác nhận của hai bên và bảng kê đó dùng làm cơ sở để thanh toán. Căn cứ vào các bảng đối chiếu công nợ trên, Công ty T và Công ty M lập 02 bảng tổng hợp công nợ từ ngày 01/01/2020 - 31/12/2020 vào các ngày 20/5/2021 và 15/11/2022, trong đó bảng tổng hợp công nợ ngày 15/11/2022 xác định tổng số tiền mà Công ty M còn nợ công ty T là 275.028.726 đồng. Do đó, việc Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty M phải thanh toán số tiền còn nợ 275.028.726 đồng là có căn cứ, cần được chấp nhận.
[4.3] Về yêu cầu tính lãi chậm trả của nguyên đơn: Trong Hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY, Phụ lục số 01 thuộc hợp đồng nguyên tắc số 03/2018/HĐNT/TRP-SY không có nội dung thỏa thuận của hai bên về việc tính lãi suất đối với số tiền mà bên có nghĩa vụ thanh toán chậm thanh toán. Từ năm 2020, Công ty M đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước phí giao nhận, vận chuyển đối với Công ty T, được thể hiện bằng việc Công ty T đã 02 lần ra thông báo về việc xác nhận công nợ và thực hiện tính lãi suất cho khoản công nợ. Do đó tuy hai bên không có thỏa thuận cụ thể về việc tính lãi trong trường hợp chậm thanh toán, nhưng cần áp dụng Điều 306 Luật Thương mại để chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán của nguyên đơn. Mức lãi suất mà nguyên đơn yêu cầu tính trên tổng số tiền nợ gốc mà Công ty M còn nợ chưa thanh toán là 275.028.726 đồng. Xét thấy mức lãi suất quá hạn chậm thanh toán mà nguyên đơn yêu cầu lãi suất trung bình quá hạn của ba ngân hàng (Ngân hàng thương mại đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh T, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện X, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh T) trên thị trường do các Ngân hàng thương mại áp dụng đến ngày xét xử vụ án, nên chấp nhận cách tính lãi của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi quá hạn trên số tiền 275.028.726 đồng tính từ ngày 14/08/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án 23/02/2024 là: 275.028.726 đồng x 932 ngày x (14,55% + 11,25% + 11,16%) 12,32%/năm = 86.520.000 đồng.[4.4] Như vậy, tính đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án, bị đơn có trách nhiệm phải thanh toán cho nguyên đơn tổng số tiền 361.930.560 đồng gồm 275.028.726 đồng tiền nợ gốc và 86.520.000 đồng tiền lãi quá hạn chậm thanh toán.
[4.5] Đối với phía bị đơn là Công ty M đã được tống đạt hợp lệ Thông báo về việc thụ lý vụ án, Thông báo phiên hoà giải và tiếp cận chứng cứ công khai chứng cứ, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên toà. Như vậy Công ty M biết rõ nội dung cũng như số tiền mà công ty T đã khởi kiện nhưng người đại diện hợp pháp của Công ty M không đến Toà án để giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự “ Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”. Do đó bị đơn đã từ bỏ quyền chứng minh của mình và phải chấp nhận số tiền nợ chưa thanh toán mà nguyên đơn đã khởi kiện.
[5] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của Công ty T được chấp nhận toàn bộ nên Công ty T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Công ty M phải thanh toán cho Công ty T tiền cước vận chuyển và tiền lãi phát sinh do đó phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
[6] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 357, 468, 530, 531, 533, 535, 536 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 306 Luật Thương Mại; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:
1. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T.
2. Buộc Công ty M phải có nghĩa vụ trả cho Công ty T tổng số tiền tính đến ngày 23/02/2024 là: 361.548.726 đồng (trong đó nợ gốc là 275.028.726 đồng; nợ lãi quá hạn chậm thanh toán là 86.520.000 đồng).
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Trả lại nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 18.072.500 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0001926 ngày 27/6/2023 của Chi cục thi hành án dân sự huyện X.
Công ty M phải chịu 18.077.436 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa được quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 02/2024/KDTM-ST
Số hiệu: | 02/2024/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kiến Xương - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 23/02/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về