TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 49/2023/DS-PT NGÀY 26/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 26/9/2023, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 43/2023/TLPT-DS ngày 06/7/2023, về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 08/5/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 72/2023/QĐ-PT ngày 09/8/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 121/2023/QĐ-PT ngày 06/9/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ngân hàng P.
Địa chỉ trụ sở: Số B, phố C, quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Quang T – Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Hoàng H - Giám đốc Ngân hàng P, chi nhánh K - Bình Định (Theo văn bản ủy quyền số: 1969/GUQ.NHPT-PC ngày 02/11/2020).
Người được ủy quyền lại: Bà Tạ Thị Kim N – Phó Giám đốc Ngân hàng P, chi nhánh K - Bình Định (Theo văn bản ủy quyền số: 164/GUQ.NHPT.KVQNG-BĐ ngày 28/11/2022); địa chỉ: số B đường H, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Huỳnh Ngọc Ấ - Luật sư của Văn phòng L2, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ: Số I đường Q, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
- Bị đơn: Bà Bùi Thị Châu L – sinh năm 1958 và ông Nguyễn Trần H1 – sinh năm 1959; cư trú tại lô E, đường số F, khu công nghiệp Q, phường Q, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Trần H1 ủy quyền cho bà Bùi Thị Châu L (theo giấy ủy quyền ngày 18/8/2023).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Đức N1 - Luật sư của Văn phòng L3 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ số D đường L, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Trần Nhật H2 – sinh năm 1983; cư trú tại lô E, đường số F, khu công nghiệp Q, phường Q, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
- Người kháng cáo: Ngân hàng P là nguyên đơn trong vụ án.
(Bà Tạ Thị Kim N, ông Huỳnh Ngọc Ấ, bà Bùi Thị Châu L, ông Trần Đức N1 có mặt, ông Nguyễn Trần Nhật H2 vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn là Ngân hàng P do bà Tạ Thị Kim N người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Quỹ hỗ trợ phát triển nay là Ngân hàng P cho Doanh nghiệp tư nhân P1 (sau chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn A và thực hiện giải thể Công ty); hai thành viên công ty là bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 (sau đây gọi chung là Doanh nghiệp) vay tiền theo 03 Hợp đồng tín dụng đã ký kết, giải ngân đến nay còn nợ, cụ thể từng hợp đồng:
Ngày 06/6/2003, Quỹ hỗ trợ Phát triển chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD với số tiền vay là: 5.200.000.000 đồng, mục đích vay để đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy C1, thời hạn vay và hoàn thành việc trả nợ gốc và lãi là 84 tháng tính từ ngày 25/7/2003; thời hạn trả nợ gốc là 72 tháng, trả từ quý 3 năm 2004; lãi suất nợ trong hạn 5,4%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất nợ trong hạn. Giải ngân thực tế là 5.198.968.262 đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên đã ký Phụ lục hợp đồng số 01-05/2003/PL-HĐTD ngày 05/01/2004; Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (sửa đổi, bổ sung) số 07/2009/HĐTD-SĐBS ngày 19/10/2009; Biên bản cam kết tiếp tục thực hiện hợp đồng ngày 26/11/2010; Hợp đồng tín dụng đầu tư (sửa đổi, bổ sung) số 02- 05/2012/HĐTDĐTSĐBS-NHPT-SĐBS ngày 27/4/2012.
Tính đến ngày 26/4/2023, bị đơn đã trả 5.198.968.262 đồng tiền vay gốc và 1.456.230.008 đồng tiền lãi; còn nợ 1.501.472.932 đồng tiền lãi; trong đó nợ lãi trong hạn 204.834.776 đồng và lãi quá hạn 1.296.638.156 đồng. Yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn 1.501.472.932 đồng.
Để bảo đảm khoản vay theo hợp đồng tín dụng, ngày 25/3/2005, nguyên đơn và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 21/2005/HĐ, dùng toàn bộ nhà máy C1 (hình thành bao gồm vốn vay, vốn tự có, vốn khác) để bảo đảm cho khoản vay tại Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD, ngày 06/6/2003. Toàn bộ tài sản đã được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Ngày 11/6/2009, Ngân hàng P – Chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2009/TDXK-NHPT với số tiền vay tối đa là: 1.797.240.000 đồng, giải ngân thực tế là 1.328.900.000 đồng; thời hạn vay 28 tháng kể từ ngày dự kiến là ngày 11/6/2009; lãi suất trong hạn theo từng thời điểm giải ngân (lãi suất tín dụng xuất khẩu tại thời điểm là 6,9%/năm, lãi suất thỏa thuận là 10,08%/năm), lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Tính đến ngày 26/4/2023, khoản vay theo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2009/TDXK-NHPT ngày 11/6/2009 bị đơn đã trả hết tiền gốc vay; còn nợ tiền lãi trên nợ gốc trong hạn 9.299.226 đồng và 18.048.107 đồng lãi phạt trên tiền lãi chậm trả; nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn 27.347.333 đồng.
Ngày 25/9/2009, Ngân hàng P – Chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT với số tiền vay là: 3.000.000.000 đồng, đã giải ngân thực tế là 2.500.000.000 đồng; thời gian vay là 05 tháng kể từ ngày 25/9/2009; mục đích vay để chi trả tiền mua ruốc phục vụ cho xuất khẩu; lãi suất trong hạn tại thời điểm vay là 6,9%/năm, được hưởng lãi suất hỗ trợ là 4%/năm theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn được tính trên cả số nợ gốc và lãi chậm trả.
Do chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân P1 thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn A (viết tắt là Công ty TNHH A) nên ngày 01/3/2012, Ngân hàng P – Chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (hợp đồng sửa đổi, bổ sung) số 09A/2012/TDXK-NHPT để sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009.
Để bảo đảm khoản vay theo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu ngày 25/9/2009, Ngân hàng P – Chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ ruốc khô xuất khẩu số 09/2009/HĐTCTS-NHPT để bảo đảm cho khoản vay của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009.
Ngày 27/4/2012, Ngân hàng P – Chi nhánh K và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay (sửa đổi, bổ sung) số 01-21/2012/HĐBĐTVSĐBS-NHPT-QNG để hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 21/2005/HĐ ngày 25/3/2005 cũng dùng để bảo đảm cho khoản vay tại Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009.
Tính đến ngày 26/4/2023, bị đơn đã trả 1.291.756.569 đồng, trong đó trả nợ gốc là: 1.149.746.510 đồng, nợ lãi 142.010.059 đồng; còn nợ 1.350.253.490 đồng nợ gốc và tiền lãi trong hạn 20.016.501 đồng; lãi quá hạn là 2.845.254.079 đồng; lãi phạt trên nợ lãi chậm trả là 3.006.906.675 đồng; tổng nợ của hợp đồng là 7.222.430.745 đồng.
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả nợ gốc và nợ lãi của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số: 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009 tính đến ngày 26/4/2023 là: 7.222.430.745 đồng (trong đó nợ gốc 1.350.253.490 đồng; nợ lãi trong hạn 20.016.501 đồng; lãi quá hạn 2.845.254.079 đồng và lãi phạt trên nợ lãi chậm trả là 3.006.906.675 đồng).
Do Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngày 27/8/2010, Ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản thế chấp là nhà máy để xử lý thu hồi nợ. Quá trình xử lý tài sản thế chấp, Ngân hàng đã ký Hợp đồng bán đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Q thuộc Sở Tư pháp, hợp đồng số: 23/HĐ- BĐGTS ngày 09/6/2011, cùng ngày Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản có thông báo số: 34B/TB-TTDVBĐGTS về việc đăng ký và tổ chức bán đấu giá, thời gian đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản: Đến 17 giờ 00 ngày 16/6/2011; thời gian đấu giá tài sản lúc 14 giờ 00 ngày 17/6/2011; giá khởi điểm 11.993.116.520 đồng. Ngày 22/6/2011, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trả lời tại văn bản số: 33/TTDVBĐGTS nội dung không có người đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản.
Ngày 05/01/2013, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản có thông báo số: 02/TTDVBĐGTS về việc đăng ký và tổ chức bán đấu giá, thời gian đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản: Đến 11 giờ 00 ngày 04/3/2013; thời gian tổ chức cuộc đấu giá tài sản: Vào lúc 08 giờ 00 ngày 05/3/2013; Giá khởi điểm 11.750.781.000 đồng. Ngày 05/3/2013, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trả lời bằng văn bản số 33/TTDVBĐGTS nội dung không có người đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá tài sản.
Ngày 18/3/2014, Ngân hàng Đ cho Doanh nghiệp ký hợp đồng cho Công ty Cổ Phần Đ1 thuê nhà máy với thời hạn 03 năm, năm thứ nhất từ ngày 18/3/2014 đến ngày 17/3/2015 giá 82.000.000 đồng/tháng; năm thứ hai từ ngày 18/3/2015 đến ngày 17/3/2016 giá 90.200.000 đồng/tháng; năm thứ ba từ ngày 18/3/2016 đến ngày 17/3/2017 giá 99.220.000 đồng/tháng; toàn bộ tiền thuê nhà máy phải chuyển vào tài khoản Ngân hàng P để Ngân hàng trừ các khoản chi phí việc xử lý tài sản trước đó, sau đó sẽ thu nợ gốc, nợ lãi (Hợp đồng thuê tài sản ngày 18/3/2014). Đến tháng 12/2015 chấm dứt hợp đồng vì Doanh nghiệp bị giải thể. Tiền cho thuê nhà máy được 1.230.000.000 đồng. Ngân hàng khấu trừ vào tiền thuê bảo vệ và chi phí thu giữ tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản là 787.342.277 đồng, còn lại 442.657.723 đồng trừ vào nợ gốc của Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD ngày 06/6/2003.
Nay, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền còn nợ của 03 hợp đồng nêu trên tính đến ngày 26/4/2023 là 8.751.251.010 đồng, trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng; lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng và từ ngày 27/4/2023 bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả hết nợ.
Trường hợp bị đơn không trả nợ hoặc trả nợ không đủ thì yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ. Trong trường hợp sau khi xử lý tài sản thế chấp mà không đủ thanh toán số nợ thì bị đơn phải có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số nợ còn lại cho nguyên đơn. Ngoài ra, nguyên đơn không có yêu cầu gì khác.
* Tại đơn khởi kiện phản tố, đơn khởi kiện bổ sung, các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa bị đơn là bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 do bà Bùi Thị Châu L đại diện trình bày:
Doanh nghiệp tư nhân P1, thành lập ngày 27/6/2002, Chủ doanh nghiệp là bà Bùi Thị Châu L. Ngày 11/6/2010, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH A, gồm 02 thành viên góp vốn: Bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1. Ngày 04/6/2014, Phòng đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép kinh doanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn A bị giải thể.
Bị đơn thừa nhận giữa Ngân hàng P và Doanh nghiệp tư nhân P1 có ký kết 03 hợp đồng tín dụng và các hợp đồng thế chấp tài sản, đã trả nợ gốc và nợ lãi như nguyên đơn trình bày là đúng.
Ngân hàng P đã tiến hành thu giữ tài sản thế chấp là nhà máy C1 để bán đấu giá thu hồi nợ, cụ thể: Ngày 27/8/2010, Ngân hàng tiến hành niêm phong, đóng cửa nhà máy C1; thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp canh giữ tài sản, không cho phía bên bị đơn sản xuất kinh doanh. Sau đó, tiến hành định giá nhà máy C1, đem ra bán đấu giá 02 lần và tự thực hiện các biện pháp, phương thức xử lý tài sản thế chấp là tài sản của Doanh nghiệp chúng tôi để thu hồi nợ nhưng không thành.
Ngân hàng vẫn tiếp tục thu giữ nhà máy, đến ngày 18/3/2014, Ngân hàng cho thuê nhà máy. Đến tháng 12/2015 chấm dứt việc cho thuê. Tiền cho thuê nhà máy được 1.230.000.000 đồng, Ngân hàng tự xử lý bằng việc khấu trừ vào tiền thuê bảo vệ và chi phí thu giữ tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản là 787.342.277 đồng, còn lại 442.657.723 đồng trừ vào nợ gốc của Hợp đồng tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD ngày 06/6/2003.
Giữa Ngân hàng, Công ty TNHH A, Công ty Trách nhiệm hữu hạn D1 (viết tắt là Công ty TNHH D1) có thỏa thuận bán nhà máy C1 cho Công ty TNHH D1. Công ty TNHH D1 đã chuyển cho Ngân hàng số tiền 3.255.153.966 đồng vào cuối năm 2015 để trả nợ cho khoản tiền gốc vay của Hợp đồng tín dụng đầu tư số: 05/2003/HĐTD, ngày 06/6/2003, nhưng do Công ty TNHH D2 thanh toán tiền mua nhà máy (có xin gia hạn nhưng Ngân hàng không đồng ý) nên việc mua bán nhà máy không thành.
Ngân hàng khởi kiện yêu cầu các thành viên Công ty TNHH A trả số tiền còn nợ như trên, bị đơn không đồng ý vì: Ngân hàng niêm phong, đóng cửa và thu giữ nhà máy nhưng không xử lý nhà máy để thu hồi nợ là lỗi ở Ngân hàng.
Ngày 27/8/2010, Ngân hàng tiến hành niêm phong, thu giữ nhà máy, thuê bảo vệ, thuê Công ty thẩm định giá, bán đấu giá hai lần không thành nhưng không tiếp tục đưa ra bán đấu giá nhà máy. Mãi đến ngày 18/3/2014, Ngân hàng cho thuê nhà máy để lấy tiền trừ nợ. Đến tháng 12/2015, Ngân hàng tự ý hủy bỏ hợp đồng thuê nhà máy. Sau đó, Ngân hàng ký hợp đồng mua bán nhà máy với V, rồi hủy hợp đồng và tiếp tục quản lý nhà máy cho đến nay không cho bị đơn sản xuất, kinh doanh nên không có lợi nhuận để trả nợ; đồng thời bị đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án kể từ ngày 27/8/2010, theo đó bị đơn chỉ đồng ý trả lại tài sản là tiền đã vay chưa trả còn lại (nợ gốc) của 03 hợp đồng tín dụng là 1.350.235.490 đồng, bị đơn không đồng ý trả các khoản nợ lãi trong hạn, quá hạn và lãi phạt chậm trả vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
* Bị đơn yêu cầu phản tố: Việc thu giữ nhà máy nhưng không xử lý đúng quy định pháp luật, làm cho nhà máy bị xuống cấp, hư hỏng, giảm sút giá trị sử dụng; căn cứ bị đơn đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại giá trị tài sản bị giảm sút là: Theo chứng thư thẩm định giá năm 2011 thì tổng giá trị tài sản của nhà máy là 11.993.116.520 đồng, trong đó giá trị tài sản gồm các hạng mục thế chấp là 9.788.116.520 đồng và giá trị tài sản không thuộc hạng mục thế chấp (thiết bị dây chuyền sản xuất tinh bột và tủ đông gió công suất 3.000kg/mẻ) là 2.205.000.000 đồng (Ngân hàng tự thuê Công ty thẩm định định giá) và theo chứng thư thẩm định giá năm 2022 thì giá trị tài sản chỉ còn lại là 3.518.129.166 đồng. Như vậy, giá trị tài sản bị giảm sút là 6.269.987.354 đồng, làm tròn là 6.269.980.000 đồng. Tại đơn khởi kiện bổ sung bị đơn yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường cho bị đơn tổng số tiền là 8.334.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán cân nhắc lại, bị đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với phần yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản không thuộc dự án nhà máy C1 (hạng mục không thuộc tài sản thế chấp), là thiết bị dây chuyền sản xuất tinh bột và tủ đông gió công suất 3.000kg/mẻ với số tiền là 2.205.000.000 đồng. Nay, bị đơn yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường cho bị đơn số tiền thiệt hại là 6.269.980.000 đồng. Ngoài ra, bị đơn không có yêu cầu gì thêm.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Trần Nhật H2 không đến Tòa án làm việc và cũng không có văn bản trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 08/5/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử phần yêu cầu khởi kiện của bị đơn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản không thuộc dự án nhà máy C1, là thiết bị dây chuyền sản xuất tinh bột cá và tủ đông gió 3.000kg/mẻ với số tiền là 2.205.000.000 đồng.
2. Đình chỉ xét xử phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu về tiền lãi trong hạn, lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi với số tiền 7.400.997.520 đồng.
3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền nợ gốc của các hợp đồng tín dụng. Buộc bị đơn ông Nguyễn Trần H1 và bà Bùi Thị Châu L phải trả cho Ngân hàng P số tiền nợ gốc là 1.350.250.490 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bị đơn không trả nợ hoặc trả nợ không đủ thì Ngân hàng P có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp đã được ký kết để Ngân hàng thu hồi nợ. Trong trường hợp sau khi xử lý tài sản thế chấp mà không đủ thanh toán số nợ thì ông Nguyễn Trần H1, bà Bùi Thị Châu L phải có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số nợ còn lại cho Ngân hàng P.
4. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1. Buộc Ngân hàng P phải bồi thường cho bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 số tiền 6.269.980.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng khác và quyền kháng cáo của các đương sự.
* Ngày 17/5/2023 và ngày 24/5/2023 nguyên đơn là Ngân hàng P có đơn kháng cáo, kháng cáo bổ sung với nội dung: Sửa bản án sơ thẩm số 16/2023/DS- ST ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
* Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu ý kiến tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là Ngân hàng P, sửa bản án sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
* Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu ý kiến tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng P, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng kể từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều chấp hành đúng theo quy của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn làm trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự là hợp lệ, nên được chấp nhận.
Về nội dung: Sau khi phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến công khai tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng P, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 08 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi theo hướng: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn là ông Nguyễn Trần H1 và bà Bùi Thị Châu L phải trả cho Ngân hàng P số tiền: 5.726.296.228 đồng (trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng) và từ ngày 27/4/2023 bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả hết nợ; Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng P buộc bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 phải có trách nhiệm trả cho Ngân hàng số tiền lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng; chấp nhận yêu cầu khởi kiện phản tố của bị đơn, buộc Ngân hàng P phải bồi thường thiệt hại cho bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 số tiền 6.269.980.000 đồng; đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản không thuộc dự án nhà máy C1, là thiết bị dây chuyền sản xuất tinh bột cá và tủ đông gió 3.000kg/mẻ với số tiền là 2.205.000.000 đồng. Về án phí và chi phí tố tụng khác đề nghị đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Ngày 08/5/2023, Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi tuyên án vụ án nêu trên. Ngày 17/5/2023 và ngày 24/5/2023, nguyên đơn là Ngân hàng P có đơn kháng cáo, kháng cáo bổ sung (gọi tắt là Ngân hàng). Về thời hạn kháng cáo, hình thức và nội dung đơn kháng cáo đúng quy định tại Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, đơn kháng cáo của Ngân hàng là hợp lệ, nên được chấp nhận.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét kháng cáo của Ngân hàng về việc chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[2.1.1] Doanh nghiệp tư nhân P1, thành lập ngày 27/6/2002, Chủ doanh nghiệp: Bà Bùi Thị Châu L (gọi tắt là Doanh nghiệp). Ngày 11/6/2010 chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH A, gồm 02 thành viên góp vốn: Bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1. Ngày 10/12/2014, Công ty TNHH A giải thể tại Quyết định số 01/QĐ-Cty; ngày 29/12/2014, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Q có Thông báo số 352/ĐKKD thông báo doanh nghiệp giải thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ, trường hợp trước khi giải thể Công ty không kê khai chính xác các khoản còn thiếu nợ, dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận cho giải thể doanh nghiệp, thì các thành viên của Công ty phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán. Trong lúc Công ty TNHH A đang còn nợ tiền của Ngân hàng nhưng không khai báo mà làm thủ tục giải thể Công ty là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc Ngân hàng P khởi kiện bà Bùi Thị Châu L, ông Nguyễn Trần H1 là đúng quy định pháp luật.
Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận: Ngân hàng cho Doanh nghiệp vay tiền theo 03 Hợp đồng tín dụng đã ký kết, giải ngân và hiện nay còn nợ, cụ thể:
- Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD ngày 06/6/2003, với số tiền vay là: 5.200.000.000 đồng, mục đích vay để đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy C1, thời hạn vay và hoàn thành việc trả nợ gốc và lãi là 84 tháng tính từ ngày 25/7/2003; thời hạn trả nợ gốc là 72 tháng, trả từ quý 3 năm 2004; lãi suất nợ trong hạn 5,4%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất nợ trong hạn. Giải ngân thực tế là 5.198.968.262 đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên đã ký Phụ lục hợp đồng số 01-05/2003/PL-HĐTD ngày 05/01/2004; Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (sửa đổi, bổ sung) số 07/2009/HĐTD-SĐBS ngày 19/10/2009; Biên bản cam kết tiếp tục thực hiện hợp đồng ngày 26/11/2010; Hợp đồng tín dụng đầu tư (sửa đổi, bổ sung) Số 02-05/2012/HĐTDĐTSĐBS-NHPT-SĐBS ngày 27/4/2012.
Tính đến ngày 26/4/2023, bị đơn đã trả 5.198.968.262 đồng tiền vay gốc và 1.456.230.008 đồng tiền lãi; còn nợ 1.501.472.932 đồng tiền lãi; trong đó nợ lãi trong hạn 204.834.776 đồng và lãi quá hạn 1.296.638.156 đồng. Yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn 1.501.472.932 đồng.
Để bảo đảm khoản vay theo hợp đồng tín dụng, ngày 25/3/2005, nguyên đơn và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 21/2005/HĐ dùng toàn bộ nhà máy C1 (hình thành bao gồm vốn vay, vốn tự có, vốn khác) để bảo đảm cho khoản vay tại Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD, ngày 06/6/2003. Toàn bộ tài sản đã được đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2009/TDXK-NHPT ngày 11/6/2009, với số tiền vay tối đa là: 1.797.240.000 đồng, giải ngân thực tế là 1.328.900.000 đồng; thời hạn vay 28 tháng kể từ ngày dự kiến là ngày 11/6/2009; lãi suất trong hạn theo từng thời điểm giải ngân (lãi suất tín dụng xuất khẩu tại thời điểm là 6,9%/năm, lãi suất thỏa thuận là 10,08%/năm), lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Tính đến ngày 26/4/2023, khoản vay theo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2009/TDXK-NHPT ngày 11/6/2009 bị đơn đã trả hết tiền gốc vay; còn nợ tiền lãi trên nợ gốc trong hạn 9.299.226 đồng và 18.048.107 đồng lãi phạt trên tiền lãi chậm trả; nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho nguyên đơn 27.347.333 đồng.
- Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009, với số tiền vay là: 3.000.000.000 đồng, đã giải ngân thực tế là 2.500.000.000 đồng; thời gian vay là 05 tháng kể từ ngày 25/9/2009; mục đích vay để chi trả tiền mua ruốc phục vụ cho xuất khẩu; lãi suất trong hạn tại thời điểm vay là 6,9%/năm, được hưởng lãi suất hỗ trợ là 4%/năm theo quy định tại Điều 5 của hợp đồng, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn được tính trên cả số nợ gốc và lãi chậm trả.
Do chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân P1, thành Công ty T1 nên ngày 01/3/2012, Ngân hàng và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (hợp đồng sửa đổi, bổ sung) số 09A/2012/TDXK-NHPT để sửa đổi, bổ sung Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009.
Để bảo đảm khoản vay theo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu ngày 25/9/2009, Ngân hàng và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ ruốc khô xuất khẩu số 09/2009/HĐTCTS-NHPT để bảo đảm cho khoản vay của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK- NHPT ngày 25/9/2009.
Ngày 27/4/2012, Ngân hàng và Doanh nghiệp ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay (sửa đổi, bổ sung) số 01- 21/2012/HĐBĐTVSĐBS-NHPT-QNG để hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 21/2005/HĐ ngày 25/3/2005 cũng dùng để bảo đảm cho khoản vay tại Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009.
Tính đến ngày 26/4/2023, bị đơn đã trả 1.291.756.569 đồng, trong đó trả nợ gốc là: 1.149.746.510 đồng, nợ lãi 142.010.059 đồng; còn nợ 1.350.253.490 đồng nợ gốc và tiền lãi trong hạn 20.016.501 đồng; lãi quá hạn là 2.845.254.079 đồng; lãi phạt trên nợ lãi chậm trả là 3.006.906.675 đồng; tổng nợ của hợp đồng là 7.222.430.745 đồng.
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả nợ gốc và nợ lãi của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số: 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009 tính đến ngày 26/4/2023 là: 7.222.430.745 đồng (trong đó nợ gốc 1.350.253.490 đồng; nợ lãi trong hạn 20.016.501 đồng; lãi quá hạn 2.845.254.079 đồng và lãi phạt trên nợ lãi chậm trả là 3.006.906.675 đồng).
Tính đến ngày 26/4/2023 bị đơn còn nợ 03 hợp đồng trên là 8.751.251.010 đồng, trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng; lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng.
Bị đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án kể từ ngày 27/8/2010, theo đó bị đơn chỉ đồng ý trả lại tài sản là tiền đã vay chưa trả còn lại (nợ gốc) của 03 hợp đồng tín dụng là 1.350.235.490 đồng, bị đơn không đồng ý trả các khoản nợ lãi trong hạn, quá hạn và lãi phạt chậm trả vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
[2.1.2] Ngày 18/3/2014, Ngân hàng đồng ý cho Doanh nghiệp ký hợp đồng cho Công ty Cổ Phần Đ1 thuê nhà máy với thời hạn 03 năm, năm thứ nhất từ ngày 18/3/2014 đến ngày 17/3/2015 giá 82.000.000 đồng/tháng; năm thứ hai từ ngày 18/3/2015 đến ngày 17/3/2016 giá 90.200.000 đồng/tháng; năm thứ ba từ ngày 18/3/2016 đến ngày 17/3/2017 giá 99.220.000 đồng/tháng; toàn bộ tiền thuê nhà máy phải chuyển vào tài khoản Ngân hàng trừ các khoản chi phí việc xử lý tài sản trước đó, sau đó sẽ thu nợ gốc, nợ lãi (bút lục 664). Đến tháng 12/2015 chấm dứt hợp đồng vì Doanh nghiệp bị giải thể. Tiền cho thuê nhà máy được 1.230.000.000 đồng. Ngân hàng khấu trừ vào tiền thuê bảo vệ và chi phí thu giữ tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản là 787.342.277 đồng, còn lại 442.657.723 đồng trừ vào nợ gốc của Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD ngày 06/6/2003.
Xét thấy, ngày 29/7/2017, Công ty TNHH A có công văn số 09/CV-ATP về việc đề nghị Chi nhánh Ngân hàng P xem xét chấp thuận cho thuê nhà máy (bút lục 678). Ngày 18/3/2014, Chi nhánh Ngân hàng P có văn bản số 111/NHPT.QNG-TD về việc thống nhất cho phép bà Bùi Thị Châu L – giám đốc Công ty TNHH A được ký hợp đồng cho thuê Nhà máy C1 (bút lục 665). Tại biên bản làm việc ngày 09/01/2014, đại diện giữa Chi nhánh Ngân hàng P, Công ty TNHH A và Công ty cổ phần Đ1 thống nhất việc cho thuê nhà máy C1; số tiền thuê được sử dụng để trả chi phí xử lý tài sản bảo đảm trước, sau đó sẽ thu nợ gốc, nợ lãi (bút lục 667). Như vậy, việc cho thuê nhà máy C1 là do các bên tự thỏa thuận, đúng pháp luật nên phát sinh hiệu lực pháp luật đối với các bên. Do đó, việc Ngân hàng sử dụng số tiền cho thuê để khấu trừ vào tiền thuê bảo vệ và chi phí thu giữ tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản là 787.342.277 đồng, còn lại 442.657.723 đồng trừ vào nợ gốc của Hợp đồng cho vay tín dụng đầu tư phát triển số: 05/2003/HĐTD ngày 06/6/2003 là có căn cứ, phù hợp với sự thỏa thuận của các bên.
[2.1.3] Xét yêu cầu của bị đơn về áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Theo điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này” Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Tại Điều 1 sửa đổi Điều 18 về giải quyết tranh chấp của Hợp đồng tín dụng đầu tư (sửa đổi, bổ sung) số 02-05/2012/HĐTDDTSĐBS-NHPT-QNG, ngày 27/4/2012, quy định: “…Nếu các bên không tiến hành thương lượng hoặc thương lượng không thành thì tranh chấp được giải quyết tại Tòa án nơi Bên cho vay đặt trụ sở. Quyết định của Tòa án có hiệu lực bắt buộc đối với các Bên theo quy định của pháp luật” (bút lục 283).
Quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng xác định thời điểm vi phạm cả 03 hợp đồng tín dụng nêu trên đều trước năm 2010, đến ngày 27/8/2010 thì Ngân hàng tự chọn phương thức xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, tiến hành thu giữ tài sản, không lựa chọn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Quá trình xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, Ngân hàng đã dùng nhiều biện pháp như tổ chức bán đấu giá, cho doanh nghiệp khác thuê lại nhà máy. Trong khoảng thời gian từ ngày 27/8/2010 đến ngày khởi kiện 30/8/2016 giữa nguyên đơn và bị đơn có nhiều biên bản làm việc xác định các khoản nợ; việc giải thể của Công ty TNHH A; kế hoạch trả nợ của các thành viên Công ty TNHH A. Cụ thể: Tại biên bản làm việc ngày 26/6/2015 (bút lục số 1395) giữa đại diện Ngân hàng và bà Bùi Thị Châu L, ông Nguyễn Trần H1 họp bàn về phương án xử lý các khoản nợ của Công ty TNHH A đã xác định: Các khoản nợ của Công ty TNHH A tính đến ngày 20/6/2015 là 7.679.229.290 đồng, trong đó: Nợ vay TDĐT là 4.653.254.528 đồng, trong đó: Nợ gốc là 3.255.153.966 đồng; nợ lãi là 1.398.100.562 đồng. Nợ vay TDXK là 3.025.974.762 đồng, trong đó: Nợ gốc là 1.350.253.490 đồng; nợ lãi 1.675.721.272 đồng.
Do Công ty TNHH A giải thể không đúng quy định tại Điều 158 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 40 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ nên theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 40 của Nghị định này thì ông H1, bà L phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số nợ chưa thanh toán cho Ngân hàng. Tại biên bản làm việc này, bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 thống nhất số liệu các khoản nợ trên và đồng ý có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nợ hiện nay của Công ty TNHH A còn nợ Ngân hàng. Như vậy, phía bị đơn thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
Theo Điều 157 của Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại từ ngày 27/6/2015. Do đó, đến ngày 30/8/2016 Ngân hàng khởi kiện là còn thời hiệu khởi kiện.
Từ những nhận định trên, xét thấy yêu cầu của bị đơn về áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu trả nợ 03 hợp đồng tín dụng của nguyên đơn là không có căn cứ nên không được chấp nhận.
[2.1.3] Xét yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền còn nợ của 03 hợp đồng nêu trên tính đến ngày 26/4/2023 là 8.751.251.010 đồng, trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng; lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng và từ ngày 27/4/2023 bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả hết nợ, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Các đương sự đều thừa nhận hiện nay bị đơn còn nợ tiền gốc của 03 hợp đồng số tiền 1.350.253.490 đồng. Tính đến ngày 26/4/2023 lãi suất trong hạn của 03 hợp đồng trên là 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng.
Đối với lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng, Hội đồng xét xử nhận thấy: Các Hợp đồng tín dụng số 05/2009/TDXK-NHPT ngày 11/6/2009 và Hợp đồng tín dụng số 09/2009/TDXK-NHPT ngày 25/9/2009, Hợp đồng tín dụng sửa đổi bổ sung số 09A/2012/TDXK-NHPT ngày 01/3/2012 đều không có nội dung bên vay phải trả tiền lãi phạt do chậm trả lãi. Theo khoản 5 Điều 474 Bộ luật Dân sự 2005, quy định “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn”; khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng N2; Điều 13 Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQT ngày 31/8/2007 của Ngân hàng P và mục 1.2.3.3 của Phương pháp hạch toán kế toán phần III đều không quy định doanh nghiệp phải chịu lãi phạt do chậm trả lãi. Do đó, Ngân hàng yêu cầu bà L và ông H1 phải trả lãi phạt do chậm trả lãi đối với 03 Hợp đồng tín dụng trên là không có căn cứ nên không được chấp nhận.
Từ những nhận định trên, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 phải có trách nhiệm trả cho Ngân hàng số tiền: 5.726.296.228 đồng (trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng) và từ ngày 27/4/2023 bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả hết nợ. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng buộc bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 phải có trách nhiệm trả cho Ngân hàng số tiền lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng.
[2.2] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[2.2.1] Bị đơn có Đơn khởi kiện phản tố đề ngày 23/3/2018, bị đơn yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường 1.254.000.000 đồng (bút lục 1436). Tuy nhiên, tại đơn khởi kiện bổ sung ngày 24/01/2022, đơn khởi kiện phản tố bổ sung lần 1 ngày 24/4/2022 và tại phiên tòa bị đơn yêu cầu bồi thường cho bị đơn số tiền 6.269.980.000 đồng là thiệt hại do tài sản bị thu giữ từ ngày 27/8/2010 (ngày Ngân hàng thu giữ tài sản), nhưng do Ngân hàng chậm xử lý tài sản, dẫn đến nhà xưởng, thiết bị máy móc xuống cấp, gây thiệt hại cho bị đơn. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn thuộc loại yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 (tương ứng Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2005).
[2.2.2] Ngày 02/11/2016, bị đơn nhận được Thông báo thụ lý vụ án số 714/TB-TLVA ngày 01/11/2016 của Tòa án cấp sơ thẩm (bút lục 1573), tại Thông báo thụ lý có nội dung Ngân hàng yêu cầu “....trong trường hợp bà L, ông H1 không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có quyền xử lý tài sản thế chấp...”. Hội đồng xét xử xét thấy: Ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp vào ngày 27/8/2010 là nhằm mục đích bán để thu hồi nợ và quyền thu giữ tài sản của Ngân hàng được thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp, cũng như quy định tại khoản 5 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng khoản 5 Điều 323 Bộ luật dân sự năm 2015), nhưng đến ngày nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án thì lúc này bị đơn mới biết được Ngân hàng đã không tự xử lý tài sản thu hồi nợ, mà thay đổi sang khởi kiện yêu cầu trả nợ và thay đổi biện pháp từ “tự xử lý” tài sản thế chấp sang yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp nếu bị đơn không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ.
Như vậy, cùng với khoản nợ tín dụng và một tài sản thế chấp nhưng Ngân hàng đã thực hiện 2 biện pháp nhằm mục đích thu hồi nợ, ngày 27/8/2010 Ngân hàng thu giữ tài sản, bà L và ông H1 không phản đối; ngày nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, bà L và ông H1 mới biết được các khoản nợ tín dụng Ngân hàng vẫn tính đến ngày Ngân hàng khởi kiện, tài sản thế chấp Ngân hàng lại yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự xử lý, nên lúc này bà L, ông H1 mới biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, nên cần phải tính mốc thời gian từ khi bị đơn nhận được Thông báo thụ lý vụ án là ngày 02/11/2016. Tại Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”. Do đó, ngày 23/3/2018, bị đơn có đơn khởi kiện phản tố thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Ngân hàng bồi thường thiệt hại về tài sản vẫn còn trong hạn. Mặt khác, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Ngân hàng thừa nhận kể từ ngày 27/8/2010 đến nay, Ngân hàng vẫn đang thu giữ tài sản thế chấp và chưa giao trả tài sản lại cho bị đơn, sau 02 lần bán đấu giá nhưng không có người đấu giá mãi cho đến ngày 01/12/2020, Ngân hàng mới thanh lý Hợp đồng bán đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Q (bút lục 2255, 2256). Do đó, yêu cầu áp dụng thời hiệu của nguyên đơn đối với yêu cầu phản tố của bị đơn không được chấp nhận.
[2.3]. Xét yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại:
Theo quy định tại Điều 584, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “....bồi thường thiệt hại về tài sản phải là thiệt hại thực tế đã xảy ra và người bồi thường phải có lỗi dẫn đến thiệt hại...”.
Ngày 12/8/2010, Ngân hàng ban hành Thông báo số 427/NHPT-QNg-TD về việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay dự án Nhà máy C1 (bút lục 1012); ngày 27/8/2010, Ngân hàng lập Biên bản thu giữ tài sản đảm bảo tiền vay (bút lục 998); như vậy, Ngân hàng đã thực hiện Điều 6 của Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 21/2005/HĐ ngày 25/3/2005, Điều 9 của Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 09/2009/HĐTCTS- NHPT và Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp để xử lý thu hồi nợ là đúng thỏa thuận đã ký trong hợp đồng thế chấp và đúng quy định của pháp luật. Nhưng khi thu giữ nhà máy, Ngân hàng không xử lý để thu hồi nợ cho đến nay Ngân hàng vẫn đang giữ nhà máy (thể hiện nhà máy thu giữ ngày 27/8/2010 Ngân hàng đã làm các thủ tục ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Q thuộc Sở Tư pháp, thuê thẩm định giá và đưa ra bán đấu giá theo Thông báo bán đấu giá số 34/TB-TTDVBĐGTS ngày 09/6/2011 và Thông báo số 02/TB- TTDVBĐGTS ngày 05/01/2013, cả hai lần đều không có người đăng ký đấu giá; việc đưa nhà máy ra bán đấu giá để thu hồi nợ dừng lại và đến ngày 01/12/2020 Ngân hàng P với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Q thuộc Sở Tư Pháp mới thanh lý hợp đồng bán đấu giá tài sản số 23/HĐBĐGTS ngày 09/6/2011). Mặt khác, tại Văn bản số 318/NHPT.QNG-TD ngày 11/11/2013 của Ngân hàng P – chi nhánh K (bút lục 2589), Ngân hàng đã khẳng định “Tài sản nhà máy để lâu trên 3 năm không sử dụng, bảo quản, hiện đã bị xuống cấp, giảm giá trị…”. Như vậy, Ngân hàng tự lựa chọn hình thức xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, đã biết tài sản thu giữ bị xuống cấp từ năm 2013, Ngân hàng là người tiến hành thu giữ tài sản, quản lý tài sản, nhưng vẫn không xử lý, không có các biện pháp bảo quản tài sản. Do đó, tài sản xuống cấp, giảm sút giá trị sử dụng như hiện nay là lỗi hoàn toàn của Ngân hàng.
Về thiệt hại thực tế xảy ra: Sau khi Ngân hàng trực tiếp thu giữ nhà máy, Vào năm 2011, tự thuê Công ty thẩm định giá độc lập tiến hành định giá tài sản. Tổng giá trị tài sản tại thời điểm thẩm định giá năm 2011 là: 11.993.116.520 đồng, trong đó giá trị tài sản gồm các hạng mục thế chấp là: 9.788.116.520 đồng; tại biên bản hòa giải ngày 04/11/2022 nguyên đơn và bị đơn thống nhất lựa chọn Công ty TNHH T2 tiến hành định giá lại nhà máy và làm căn cứ để xác định mức (giá trị) thiệt hại để giải quyết vụ án. Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH T2 ngày 12/12/2022 thì giá trị tài sản thuộc hạng mục thế chấp tại thời điểm định giá là 3.518.129.166 đồng. Như vậy, có căn cứ xác định thiệt hại thực tế xảy ra đối với tài sản thế chấp là 6.629.987.354 đồng (làm tròn 6.269.980.000 đồng) (9.788.116.520 đồng – 3.518.129.166 đồng).
Theo quy định tại Điều 585 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:“Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Do đó, bị đơn yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại với số tiền là 6.269.980.000 đồng là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
[3]. Từ những phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn.
[4]. Về án phí:
[4.1] Án phí dân sự sơ thẩm:
Do không chấp nhận yêu cầu tính lãi phạt chậm trả lãi của Ngân hàng là 3.024.954.782 đồng và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là 6.269.980.000 đồng nên Ngân hàng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là [112.000.000 đồng + (0.1% x 5.294.934.782 đồng) = 117.294.935 đồng] (Một trăm mười bảy triệu, hai trăm chín mươi tư nghìn, chín trăm ba mươi lăm đồng); được khấu trừ 56.510.713 đồng (Năm mươi sáu triệu, năm trăm mười ngàn, bảy trăm mười ba đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2014/0001645 ngày 28/10/2016 và 640.000 đồng (sáu trăm bốn mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: 0003736 ngày 10/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí hợp lệ nên căn cứ Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (viết tắt là Nghị quyết số 326), Hội đồng xét xử chấp nhận miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả 32.310.000 đồng (Ba mươi hai triệu, ba trăm mười ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí cho bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2016/0003326 ngày 28/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
[4.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên Ngân hàng P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Ngân hàng P 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006146 ngày 06/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
[5]. Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa là phù hợp với nhận định trên.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.
Chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng P; sửa bản án dân sự sơ thẩm số 16/2023/DS-ST ngày 08/5/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Áp dụng khoản 3 Điều 26 và các Điều 35, 39, 144, 147, 155, 157, 158, 184, 244, 217, 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 351, 355, 474, 604, 605, 607, 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 157, 249, 299, 317, 318, 320, 322, 323, 429, 584, 585, 589, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 51, 52, 54, 56 của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997; các Điều 91, 95 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010; Khoản 6 Điều 158, khoản 5 Điều 159 của Luật Doanh nghiệp năm 2005; Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng N2; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử phần yêu cầu khởi kiện của bị đơn là bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản không thuộc dự án nhà máy C1, là thiết bị dây chuyền sản xuất tinh bột cá và tủ đông gió 3.000kg/mẻ với số tiền là 2.205.000.000 đồng (Hai tỷ, hai trăm lẻ năm triệu đồng).
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn ông Nguyễn Trần H1 và bà Bùi Thị Châu L phải trả cho Ngân hàng P số tiền:
5.726.296.228 đồng (Năm tỷ, bảy trăm hai mươi sáu triệu, hai trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm hai mươi tám đồng) (trong đó: Nợ gốc 1.350.253.490 đồng; lãi trong hạn 234.150.503 đồng; lãi quá hạn 4.141.892.235 đồng) và từ ngày 27/4/2023 bị đơn phải tiếp tục trả lãi theo thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng đã ký kết cho đến khi trả hết nợ.
Trường hợp bị đơn không trả nợ hoặc trả nợ không đủ thì Ngân hàng P có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp đã được ký kết để Ngân hàng thu hồi nợ. Trong trường hợp sau khi xử lý tài sản thế chấp mà không đủ thanh toán số nợ thì ông Nguyễn Trần H1, bà Bùi Thị Châu L phải có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số nợ còn lại cho Ngân hàng P.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng P buộc bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 phải có trách nhiệm trả cho Ngân hàng số tiền lãi phạt chậm trả lãi 3.024.954.782 đồng (Ba tỷ, không trăm hai mươi bốn triệu, chín trăm năm mươi bốn nghìn, bảy trăm tám mươi hai đồng).
4. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1. Buộc Ngân hàng P phải bồi thường cho bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 số tiền 6.269.980.000 đồng (Sáu tỷ, hai trăm sáu mươi chín triệu, chín trăm tám mươi nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án là bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án là Ngân hàng P còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
5. Về án phí:
5.1. Án phí dân sự sơ thẩm:
Ngân hàng P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 117.294.935 đồng (Một trăm mười bảy triệu, hai trăm chín mươi tư nghìn, chín trăm ba mươi lăm đồng) được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 56.510.713 đồng (Năm mươi sáu triệu, năm trăm mười ngàn, bảy trăm mười ba đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2014/0001645 ngày 28/10/2016 và 640.000 đồng (sáu trăm bốn mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: 0003736 ngày 10/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả 32.310.000 đồng (Ba mươi hai triệu, ba trăm mười ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí cho bà Bùi Thị Châu L và ông Nguyễn Trần H1 theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2016/0003326 ngày 28/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
5.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên Ngân hàng P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Ngân hàng P 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006146 ngày 06/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
6. Về chi phí tố tụng khác:
6.1. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Ngân hàng P tự nguyện chịu số tiền 2.800.000 đồng (Hai triệu, tám trăm nghìn đồng). Ngân hàng P đã nộp và đã chi phí xong.
6.2. Chi phí định giá tài sản số tiền 16.000.000 đồng (Mười sáu triệu đồng) bà Bùi Thị C và ông Nguyễn Trần H1 tự nguyện chịu. Bà L, ông H1 đã nộp và chi phí xong.
7. Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 49/2023/DS-PT
Số hiệu: | 49/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về