Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 96/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ LONG XUYÊN, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 96/2022/DS-ST NGÀY 29/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong ngày 29 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 112/2022/TLST-DS ngày 15 tháng 4 năm 2022 về tranh chấp “Hợp đồng tín dụng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 177/2022/QĐXXST-DS ngày 12 tháng 5 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 164/2022/QĐST-DS ngày 02 tháng 6 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 206/2022/QĐST-DS ngày 22 tháng 6 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 245/2022/QĐST-DS ngày 12 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng TMCPAC;

Trụ sở: Số 442 đường NTMK, phường A, Quận X, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Từ Tiến P, chức vụ: Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Vũ Thị Anh Đ, chức vụ: Giám đốc Phòng Quản lý nợ; Địa chỉ: Số 9 THĐ, phường M, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (theo giấy ủy quyền số 70/UQ-QLN.22 ngày 20/01/2022 của người đại diện theo pháp luật).

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng:

+ Ông Nguyễn Hữu T, chức vụ: Giám đốc quan hệ khách hàng cá nhân; Địa chỉ: Số 09 THĐ, phường M, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (theo giấy ủy quyền số 174/UQ-QLN.22 ngày 03/3/2022 của Ngân hàng TMCPAC) (có mặt).

+ Ông Trần Trung T2, chức vụ: Nhân viên xử lý nợ; Địa chỉ: Lầu 8, Tòa nhà ACB, 444A-446 Cách mạng tháng tám, phường 11, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (theo giấy ủy quyền số 1435/UQ-QLN.22 ngày 14/7/2022 của Ngân hàng TMCPAC) (có mặt).

- Bị đơn: Ông Nguyễn Thành T1, sinh năm 1979; Địa chỉ: Số 21/26 Khóm D, phường H, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (vắng mặt không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TMCPAC (viết tắt là Ngân hàng) trình bày nội dung:

Căn cứ Đơn đề nghị cấp thẻ tín dụng của ông Nguyễn Thành T1 ký ngày 16/4/2010, Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế số 4791.3825.3103.8658 ngày 16/4/2010 và các văn bản khác của ông Nguyễn Thành T1 ký với Ngân hàng TMCPAC – Chi nhánh An Giang – Phòng giao dịch Long Xuyên về việc sử dụng thẻ tín dụng. Ngày 16/4/2010 Ngân hàng ACB cấp thẻ tín dụng cho ông Nguyễn Thành T1 số thẻ: 4791.3825.3103.8658; Loại thẻ: Visa Chuẩn (thẻ tín dụng quốc tế); Hạn mức: 10.000.000 đồng; Lãi suất: Theo bản các điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ tín dụng của ACB.

Ngày 07/10/2011, ông Nguyễn Thành T1 có giấy đề nghị gia hạn/thay đổi hạn mức thẻ tín dụng tăng lên thành: 20.000.000 đồng. Ngày 30/12/2013, ông Nguyễn Thành T1 có Giấy xác nhận về việc nhận thẻ /PIN. Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, ông Nguyễn Thành T1 đã không thanh toán đầy đủ cho Ngân hàng ACB theo thông báo giao dịch hàng tháng. Do đó, ngày 22/3/2019, Ngân hàng ACB đã chuyển khoản nợ thẻ sang nợ quá hạn và chấm dứt sử dụng thẻ trước hạn, ngày 09/8/2019, Ngân hàng ACB ra thông báo chuyển nợ quá hạn và thu hồi nợ trước hạn đối với thẻ tín dụng nêu trên.

Tính đến ngày 29/7/2022, Ngân hàng TMCPAC yêu cầu ông Nguyễn Thành T1 phải thanh toán toàn bộ số tiền nợ 42.471.416 đồng; trong đó nợ gốc là 18.891.495 đồng; lãi quá hạn là 23.579.921 đồng và tiền lãi P sinh theo mức lãi suất nợ quá hạn do các bên đã thỏa thuận trong Giấy đề nghị cấp thẻ tín dụng, bản các điều khoản và điều kiện sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng kể từ ngày 30/7/2022 đến khi thanh toán hết nợ.

Bị đơn ông Nguyễn Thành T1 vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa nên Tòa án không ghi nhận ý kiến của ông về nội dung đơn khởi kiện của Ngân hàng và không cung cấp ý kiến, tài liệu, chứng cứ.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo luật định. Nguyên đơn chấp hành đúng quy định pháp luật tại Điều 70 và 71 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với bị đơn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Điều 70, Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Căn cứ Đơn đề nghị cấp thẻ tín dụng của ông Nguyễn Thành T1 ký ngày 16/4/2010, Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế số 4791.3825.3103.8658 ngày 16/4/2010 và các văn bản khác của ông T1 ký với Ngân hàng TMCPAC - Chi nhánh An Giang - Phòng giao dịch Long Xuyên về việc sử dụng thẻ tín dụng. Ngân hàng TMCPAC yêu cầu ông T1 trả nợ gốc, lãi quá hạn và lãi P sinh chưa thanh toán cho ngân hàng là có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên, căn cứ vào bảng kê tính lãi của ngân hàng, nhận thấy đối với phương cách tính thanh toán (Điều 5 của hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế) giữa ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ tín dụng là khi khách hàng có phát sinh giao dịch (giao dịch rút tiền mặt và giao dịch thanh toán bằng thẻ) và thanh toán tiền nợ lại cho ngân hàng với số tiền tương ứng đã sử dụng và số tiền khách hàng chưa thanh toán sẽ chuyển tiếp qua nợ kỳ sau được thể hiện thông qua bảng tính chi tiết quá trình sử dụng thẻ tín dụng của của ngân hàng cung cấp. Xét thấy, kỳ giao dịch mà ông T1 không thanh toán hoặc có thanh toán nhưng còn dư nợ thì ngân hàng cộng tiền nợ gốc với phí, lãi, phạt chậm trả phát sinh của kỳ trước chuyển sang thành nợ đầu kỳ (nợ gốc) của kỳ sau và tiếp tục tính lãi trên số nợ đầu kỳ này. Như vậy, số tiền mà ngân hàng yêu cầu phía ông T1 phải trả cho đến cuối kỳ là không chính xác vì số tiền này đã bao gồm tiền phí, lãi, phạt chậm trả phát sinh của mỗi kỳ phía trước đó. Do đó, Ngân hàng TMCPAC yêu cầu ông T1 trả đối với số tiền 2.726.911 đồng là chưa phù hợp quy định pháp luật (lãi chồng lãi). Căn cứ các Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng; Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông T1 trả cho ngân hàng số tiền nợ bao gồm nợ gốc (dư nợ tính lãi) 16.164.584 đồng, lãi quá hạn 23.579.921 đồng và lãi phát sinh đến khi trả dứt nợ với mức lãi suất thỏa thuận trên vốn gốc ban đầu (dư nợ tính lãi). Không chấp nhận đối với số tiền dư nợ không tính lãi 2.726.911 đồng (phí, lãi, phạt chậm trả) như phân tích trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, ý kiến của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Nguyên đơn là Ngân hàng, người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Hữu T (theo giấy ủy quyền số 174/UQ-QLN.22 ngày 03/3/2022 tại Ngân hàng TMCPAC) và ông Trần Trung T2 (theo giấy ủy quyền số 1435/UQ-QLN.22 ngày 14/7/2022) tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn. Căn cứ vào Điều 85, Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử chấp nhận người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn và được thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

[1.2] Ngân hàng khởi kiện ông Nguyễn Thành T1 yêu cầu trả tiền vốn vay và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng, bao gồm Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế số 4791.3825.3103.8658 ngày 16/4/2010; Đơn đề nghị cấp thẻ ngày 16/4/2010; giấy đề nghị gia hạn/thay đổi hạn mức thẻ tín dụng ngày 07/10/2011; Thông báo chuyển nợ quá hạn và thu hồi nợ trước hạn ngày 09/8/2019. Do đó, xác định đây là quan hệ tranh chấp về hợp đồng tín dụng được quy định tại khoản 3 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.3] Tòa án thực hiện thủ tục tống đạt các văn bản tố tụng cho ông T1 bằng phương thức niêm yết công khai tại địa chỉ số 21/26, khóm D, phường H, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là địa chỉ nguyên đơn đã ghi trong đơn khởi kiện và đúng với địa chỉ nơi cư trú của ông T1 theo hợp đồng đã ký. Tại biên bản xác minh ngày 15/4/2022 của Công an phường H xác định “Đương sự Nguyễn Thành T1, sinh năm 1979. Có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú số 21/26, khóm D, phường H, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang”. Bị đơn ông T1 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần và tống đạt thông báo thụ lý, quyết định đưa vụ án ra xét xử và các văn bản tố tụng khác đúng quy định nhưng bị đơn vắng mặt không lý do và không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, điều này cho thấy bị đơn đã tự tước bỏ quyền được chứng minh của mình. Đồng thời, ông T1 phải chịu hậu quả của việc không chứng minh. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án làm căn cứ giải quyết vụ án vắng mặt bị đơn theo khoản 4 Điều 91; điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Về nội dung vụ án:

[2] Ngân hàng yêu cầu ông T1 trả tổng cộng 42.471.416 đồng; trong đó nợ gốc là 18.891.495 đồng; lãi quá hạn là 23.579.921 đồng (tạm tính đến ngày 29/7/2022) và tiếp tục trả tiền lãi phát sinh trên số nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại hợp đồng đã ký cho đến khi thanh toán hết khoản nợ.

[3] Hội đồng xét xử xét thấy hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng và ông T1 được xác lập theo Hợp đồng tín dụng, bao gồm Hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế số 4791.3825.3103.8658 ngày 16/4/2010; Đơn đề nghị cấp thẻ ngày 16/4/2010; giấy đề nghị gia hạn/thay đổi hạn mức thẻ tín dụng ngày 07/10/2011;

Thông báo chuyển nợ quá hạn và thu hồi nợ trước hạn ngày 09/8/2019. Theo đó, hợp đồng được ký kết trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, hình thức và nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật nên đây là hợp đồng hợp pháp, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng theo quy định tại các Điều 471, Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005. Trong quá trình thực hiện hợp đồng phía ông T1 đã không thực hiện nghĩa vụ trả vốn, lãi suất đúng hạn là vi phạm nghĩa vụ của bên vay và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên cho vay.

Tuy nhiên, đối với quá trình giao dịch rút tiền trả lãi, phí, phạt chậm trả và gốc của ông T1 được thể hiện qua các “Bảng chi tiết quá trình sử dụng thẻ tín dụng (từ ngày 07/5/2010 đến ngày 07/4/2019)” và Bảng kê tính lãi khách hàng Nguyễn Thành T1, nhận thấy đối với các khoản ghi nợ liên quan đến tài khoản thẻ tại mục 4.3 Điều 4 và Điều 5 quy định về thanh toán – cách tính lãi của Hợp đồng sử dụng thẻ quốc tế giữa ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ tín dụng là khi khách hàng có phát sinh giao dịch (giao dịch rút tiền mặt và giao dịch thanh toán bằng thẻ) và thanh toán tiền nợ lại cho ngân hàng với số tiền tương ứng đã sử dụng và số tiền khách hàng chưa thanh toán sẽ chuyển tiếp qua nợ kỳ sau. Theo đó, kỳ giao dịch mà ông T1 không thanh toán hoặc có thanh toán nhưng còn dư nợ thì ngân hàng đã cộng tiền nợ gốc với phí, lãi, phạt chậm trả phát sinh của kỳ trước chuyển sang thành nợ đầu kỳ (nợ gốc) của kỳ sau và tiếp tục tính lãi trên số nợ đầu kỳ này. Như vậy, cho thấy số tiền mà ngân hàng yêu cầu phía ông T1 phải trả cho đến cuối kỳ là không chính xác vì số tiền này đã bao gồm tiền phí, lãi, phạt chậm trả phát sinh của mỗi kỳ phía trước đó. Do đó, Ngân hàng TMCPAC yêu cầu ông T1 trả đối với số tiền 2.726.911 đồng là chưa phù hợp (lãi chồng lãi) được quy định tại Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Do đó, Hội đồng xét xử chỉ xác định số nợ gốc (dư nợ tính lãi) ông T1 giao dịch còn nợ lại đến thời điểm ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn là 16.164.584 đồng.

Số tiền nợ lãi trên nợ gốc chưa thanh toán: 23.579.921 đồng.

Không chấp nhận đối với số dư nợ không tính lãi (bao gồm: phí, lãi, phạt chậm trả) là 2.726.911 đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà ông T1 phải trả cho Ngân hàng TMCPAC là 39.744.505 đồng, trong đó nợ gốc: 16.164.584 đồng, nợ lãi trên nợ gốc chưa thanh toán: 23.579.921 đồng.

Ngoài ra, ông T1 còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi phát sinh của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông T1 phải nộp án phí dân sự theo quy định pháp luật. Ngân hàng phải chịu án phí đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 85, khoản 4 Điều 147, 186, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, 273, 278 và Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 471, 474, 478 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010;

- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

- Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng TMCPAC.

Buộc bị đơn ông Nguyễn Thành T1 có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCPAC (do Ngân hàng TMCPAC – chi nhánh An Giang đại diện) nhận tổng số tiền: 39.744.505 đồng (ba mươi chín triệu, bảy trăm bốn mươi bốn nghìn, năm trăm linh năm đồng) (tạm tính đến ngày 29/7/2022), bao gồm nợ gốc (dư nợ tính lãi) 16.164.584 đồng (mười sáu triệu, một trăm sáu mươi bốn nghìn, năm trăm tám mươi bốn đồng), lãi quá hạn 23.579.921 đồng (hai mươi ba triệu, năm trăm chín mươi bảy nghìn, chín trăm hai mươi mốt đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (29/7/2022), ông T1 còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

[2] Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCPAC đối với yêu cầu buộc ông T1 trả số tiền 2.726.911 đồng (Hai triệu, bảy trăm hai mươi sáu nghìn, chín trăm mười một đồng).

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Nguyễn Thành T1 phải nộp 1.987.225 đồng (một triệu, chín trăm tám mươi bảy nghìn, hai trăm hai mươi lăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ngân hàng TMCPAC phải nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào 970.278 đồng (chín trăm bảy mươi nghìn, hai trăm bảy mươi tám đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0001173, ngày 12 tháng 4 năm 2022 tại Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Long Xuyên. Ngân hàng TMCPAC được nhận lại 670.278 đồng (sáu trăm bảy mươi nghìn, hai trăm bảy mươi tám đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.

[4] Về quyền kháng cáo:

Nguyên đơn Ngân hàng TMCPAC được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Bị đơn vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

367
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 96/2022/DS-ST

Số hiệu:96/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Long Xuyên - An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về