Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 181/2022/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 181/2022/KDTM-PT NGÀY 04/10/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 14/9/2022 và 04/10/2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm, công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 59/2022/TLPT - KDTM ngày 23 tháng 5 năm 2022 về tranh chấp: Hợp đồng tín dụng.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 04/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện ML đã bị Công ty TNHH G7 là bị đơn kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 354/2022/QĐ-PT ngày 02 tháng 8 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 383/2022/QĐ-PT ngày 16/8/2022 giữa các đương sự :

- Nguyên đơn: Ngân hàng PT Trụ sở: Số 25A phố CL , phường CL , quận Đ Đ, Hà Nội Đại diện theo pháp luật: Ông Đào Quang T – Tổng Giám đốc Đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Văn N và ông Nguyễn Thiệu B , bà Nguyễn Thị Mai H – Sở Giao dịch I

- Bị đơn: Công ty TNHH G7 Trụ sở: Lô 49G, Khu công nghiệp QM , huyện ML , thành phố Hà Nội Đại diện theo pháp luật: Ông Phí Văn H – Giám đốc Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Cao Văn T thuộc Công ty Luật T & Partner Địa chỉ liên hệ: Số 15, ngõ 397/2 đường PVĐ, phường XĐ, quận BTL, Hà Nội

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Phí Văn H (SN 1958), bà Lê Thị Thanh T (SN 1968) Cùng cư trú tại: Số 302, phố MAT, phường TC, quận BĐ, Hà Nội

+ Ông Lê Hoài L (SN 1942), bà Nguyễn Thị H (SN 1943) Cùng cư trú tại: Thôn Đ , xã TC , huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc (Tại phiên tòa có mặt ông Nguyễn Thiệu B , bà Nguyễn Thị Mai H , ông Phí Văn H , bà Lê Thị Thanh T . Ông Lê Hoài L , bà Nguyễn Thị H xin vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đại diện nguyên đơn trình bày: Năm 2005, Công ty TNHH G7 có vay vốn tại Ngân hàng PT - Sở giao dịch I (được kế thừa quyền và nghĩa vụ từ Chi nhánh Qũy hỗ trợ phát triển Vĩnh Phúc), để đầu tư xây dựng Nhà máy cơ khí đúc vật tư thiết bị điện, theo Hợp đồng tín dụng số 03/2005/HĐTD ngày 29/7/2005; Phụ lục hợp đồng tín dụng số 05/2005/PLHĐTD ngày 29/12/2005; Hợp đồng tín dụng sửa đổi số 04/2009/HĐTDSĐ ngày 12/5/2009. Số vốn vay theo Hợp đồng tín dụng là 26.000.000.000đ (hai sáu tỷ); Lãi suất áp dụng trong hạn là 6,6%/ năm, lãi vay được tính kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên, lãi vay trả theo tháng; Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất nợ trong hạn; Thời hạn vay tính từ khi nhận khoản vay đầu tiên đến khi hoàn trả hết khoản nợ là 07 năm (84 tháng); Thời gian ân hạn 18 tháng; Thời điểm bắt đầu trả gốc tháng 6/2007. Số tiền Ngân hàng đã giải ngân là 10.111.160.000đ (mười tỷ một trăm mười một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng), qua 11 lần giải ngân, cụ thể:

Lần 1: Ngày 30/12/2005, giải ngân 500.000.000đ. Lần 2: Ngày 23/1/2006, giải ngân 592.500.000đ. Lần 3: Ngày 25/2/2006, giải ngân 349.900.000đ. Lần 4: Ngày 31/3/2006, giải ngân 111.960.000đ. Lần 5: Ngày 31/3/2006, giải ngân 807.800.000đ. Lần 6: Ngày 22/5/2006, giải ngân 400.000.000đ. Lần 7: Ngày 25/5/2006, giải ngân 1.000.000.000đ. Lần 8: Ngày 07/6/2006, giải ngân 1.969.000.000đ. Lần 9: Ngày 23/6/2006, giải ngân 1.752.000.000đ. Lần 10: Ngày 14/7/2006, giải ngân 700.000.000đ. Lần 11: Ngày 21/7/2006, giải ngân 1.928.000.000đ.

Để đảm bảo cho khoản vay trên Công ty TNHH G7 và bên thứ 3 thế chấp bảo lãnh tài sản gồm có:

1. Giá trị quyền sử dụng 41m2 đất và tài sản gắn liền với đất, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng số AC453104 do UBND quận BĐ , thành phố Hà Nội cấp ngày 14/9/2005 cho ông Phí Văn H và bà Lê Thị Thanh T tại địa chỉ 64B, tổ 58 tập thể Hồ Cá, phường TC , quận BĐ , Hà Nội (nay là số 302, phố MAT , phường TC , quận BĐ , thành phố Hà Nội). Theo hợp đồng bảo lãnh ngày 15/12/2005, bên bảo lãnh là ông Phí Văn H và bà Lê Thị Thanh T (đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên và môi trường quận BĐ , Hà Nội ngày 22/12/2005).

2. Giá trị quyền sử dụng 786m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X490777 đứng tên hộ ông Lê Hoài L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 18/3/2004. Theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 08/2009/HĐTCQSDĐ-NHPT.PC ngày 05/6/2009, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện VT , Vĩnh Phúc ngày 05/6/2009.

3. Giá trị quyền sử dụng 300m2 đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R8900193 đứng tên hộ ông Phí Văn L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 30/11/2001, theo hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba số 02/2005/HĐTC ngày 19/12/2005, bên bảo lãnh là ông Phí Văn L và bà Khổng Thị C tại xã TT , huyện VT , Vĩnh Phúc, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện VT , Vĩnh Phúc. Đối với hợp đồng bảo lãnh, tài sản bảo đảm này đã được Ngân hàng PT - Sở giao dịch I, thanh lý trả lại cho ông Phí Văn L vào ngày 12/7/2019.

4. Tài sản hình thành từ vốn vay theo hợp đồng theo hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 ký giữa Sở giao dịch I - Ngân hàng phát triển và Công ty TNHH G7 , gồm: Tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng, đường nội bộ, trạm biến áp ...) và tài sản máy móc thiết bị (cầu trục, máy đột dập, máy mài cầm tay, máy cắt thép, máy hàn, lò nhiệt luyện, lò cảm ứng trung tần, máy tiện ...). Đối với tài sản máy móc thiết bị đã được đăng ký giao dịch bảo đảm số AT 06000061BD tại Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tài sản trên đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tính đến ngày 09/3/2020, Công ty TNHH G7 đã trả cho Ngân hàng số tiền cụ thể như sau:

+ Tiền gốc đã trả: 8.171.750.043đ + Tiền lãi đã trả: 3.194.984.297đ. Tổng gốc + lãi: 11.366.734.340đ Tiền còn nợ gốc + nợ lãi chưa trả là:

+ Tiền gốc: 1.939.409.957đ + Tiền lãi: 2.438.133.005đ Tổng gốc + lãi chưa trả: 4.377.542.962đ.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng đến thời điểm ngày 31/8/2007 thì Công ty G7 vẫn trả nợ cho ngân hàng nhưng không trả đầy đủ cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và nợ gốc đã chuyển nợ quá hạn từ thời điểm 31/8/2007. Khi thực hiện hợp đồng hàng năm hai bên vẫn đối chiếu công nợ đến thời điểm năm 2011, sau đó hàng năm Ngân hàng vẫn lập phiếu đối chiếu công nợ và gửi cho công ty G7 nhưng phía Công ty không ký. Đến ngày 12/7/2019, Ngân hàng và Công ty TNHH G7 đã làm việc và hai bên đã chốt nợ đến hết ngày 11/7/2019:

- Số nợ gốc là: 2.343.409.957đ.

- Nợ lãi 2.196.670.501đ.

Tổng cộng là: 4.540.080.458đ.

Sau khi hai bên đối chiếu công nợ đến hết ngày 11/7/2019, thì hộ ông Phí Văn L là bên thế chấp tài sản bảo lãnh đã trả số tiền 404.000.000đ cho Ngân hàng để rút tài sản bảo lãnh của hộ ông Phí Văn L và Ngân hàng đã giải chấp tài sản của hộ ông Phí Văn L . Do vậy tính đến ngày 09/3/2020, Công ty TNHH G7 còn nợ Ngân hàng số tiền cụ thể là: - Số tiền nợ gốc còn lại là: 1.939.409.957 đồng;

- Số tiền nợ lãi là: 2.438.133.005 đồng (toàn bộ số tiền lãi đều là lãi quá hạn); Tổng số: 4.377.542.962 đồng.

Đối với hợp đồng tín dụng Ngân hàng có ký cho Công ty TNHH G7 vay số tiền là 26.000.000.000đ, tuy nhiên Ngân hàng chỉ giải ngân cho công ty vay số tiền là 10.111.160.000 đồng. Vì, năm 2006 và 2007 Ngân hàng có kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của công ty TNHH G7 , tuy nhiên công ty không sử dụng vốn vay đúng mục đích theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, không cung cấp các hóa đơn chứng từ đầy đủ theo quy định cho Ngân hàng do vậy ngân hàng không tiếp tục giải ngân nữa. Ngày 19/11/2007, Ngân hàng đã có văn bản số 527 gửi công ty TNHH G7 về việc không tiếp tục giải ngân theo hợp đồng tín dụng.

Nay ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:

- Buộc Công ty TNHH G7 phải thanh toán cho Ngân hàng phát triển toàn bộ số tiền vay nợ tính đến hết ngày 23/6/2021 (ngày Tòa án tiến hành hòa giải), cụ thể như sau:

+ Số tiền nợ gốc còn lại là: 1.939.409.957 đồng + Số tiền nợ lãi là: 2.933.787.133 đồng.

Tổng số: 4.873.197.090 đồng.

- Buộc Công ty TNHH G7 phải thanh toán lãi theo các Hợp đồng tín dụng đã ký phát sinh sau ngày 23/6/2021 cho đến khi Công ty thanh toán hết các khoản nợ tại Ngân hàng PT ;

Trường hợp Công ty TNHH G7 không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay, Ngân hàng đề nghị cho phát mại đối với tài sản thế chấp của gia đình ông H , bà Thủy; gia đình ông L , bà H và tài sản hình thành từ vốn vay theo Hợp đồng bảo đảm tiền vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 để thu hồi vốn vay đối với phần nghĩa vụ bảo đảm tương ứng của các tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

- Sau khi xử lý tài sản bảo đảm, toàn bộ số tiền thu được dùng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của Công ty TNHH G7 tại Ngân hàng PT , nếu số tiền thu được không đủ để thanh toán hết khoản nợ của Công ty TNHH G7 tại Ngân hàng PT thì Công ty phải tiếp tục thanh toán hết khoản nợ còn lại.

- Không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn - Người đại diện theo pháp luật của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện theo ủy quyền của ông L , bà H là ông Phí Văn H trình bày: Công ty TNHH G7 có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng PT vay số tiền 26.000.000.000đ để thực hiện dự án. Ngân hàng mới giải ngân cho Công ty số tiền hơn 10 tỷ đồng thì dừng lại. Ngân hàng thu lại ngay sau khi giải ngân là 2.424.000.000 đồng, số còn lại của khoản tiền vay đã giải ngân cho Công ty thì Công ty đã trả hết cả gốc và lãi cho Ngân hàng. Ngân hàng giữ 04 tài sản thế chấp của công ty TNHH G7 không giải chấp mặc dù Công ty đã trả hết số nợ trên. Đến tháng 7 năm 2019, Công ty phải trả tiền để rút tài sản thế chấp của hộ gia đình ông Phí Văn L do ông Lưu mắc bệnh hiểm nghèo, các con của ông Lưu yêu cầu bằng mọi cách phải rút sổ đỏ về trả cho gia đình trước khi ông Lưu mất, khi Công ty làm đề nghị giải chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Lưu thì ngân hàng yêu cầu Công ty phải ký vào phiếu đối chiếu công nợ ngày 12/7/2019 nếu không thì Ngân hàng sẽ không thực hiện việc giải chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Phí Văn L .

Việc ngân hàng cho rằng Công ty sử dụng không đúng mục đích vốn vay nên đã không giải ngân nữa là không đúng. Lý do thực tế Ngân hàng dừng không giải ngân cho Công ty là do mâu thuẫn nội bộ của Chi nhánh và mâu thuẫn giữa Chi nhánh với Ngân hàng PT nên đã dừng việc giải ngân không cho Công ty vay tiền nữa.

Việc ký phiếu đối chiếu công nợ là không khách quan và Công ty bị ép buộc. Công ty TNHH G7 khẳng định toàn bộ số nợ gốc của Ngân hàng phát triển đã được Công ty trả hết từ trước năm 2011. Nay công ty TNHH G7 không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi gốc và lãi của Ngân hàng. Công ty TNHH G7 đã trả nợ hết khoản nợ vay cho Ngân hàng theo 84 chứng từ đã sao gửi cho Tòa án, trong đó có 09 giấy viết tay và 75 những chứng từ là ủy nhiệm chi khi gửi tiền cho ngân hàng.

Ngày 08/4/2021, Công ty có đơn phản tố yêu cầu Ngân hàng bồi thường do không thực hiện đúng và vi phạm hợp đồng tín dụng:

1. Tiền lãi phải trả cho số vốn vay của Ngân hàng đầu tư vào dự án không phát huy hiệu quả như kế hoạch, mua thiết bị nhưng không thể đưa vào sử dụng do không đủ dây truyền, số tiền là 4.432.708.678đ.

2. Tiền giảm giá thiết bị do không thể đưa vào sử dụng dẫn đến hư hỏng, xuống cấp 1.094.201.850đ.

Tổng: 5.526.910.528đ.

Sau đó, công ty tự nguyện rút bớt số tiền yêu cầu số tiền Ngân hàng phải bồi thường, chỉ yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường cho Công ty G7 số tiền đúng bằng số tiền Ngân hàng đang yêu cầu Công ty phải trả bao gồm cả gốc và lãi tính đến hết ngày 23/6/2021, là 4.873.197.090đ, để đối trừ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng. Đồng thời yêu cầu Ngân hàng giải chấp đối với toàn bộ tài sản bảo đảm cho khoản vay. Trường hợp Ngân hàng rút đơn khởi kiện thì Công ty cũng rút yêu cầu phản tố.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Thanh T và là người đại diện theo ủy quyền của ông L , bà H trình bày: Năm 2006, Công ty TNHH G7 do ông Phí Văn H (chồng bà Thủy) là chủ sở hữu vốn, đã ký hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng PT 26 tỷ để thực hiện dự án xây dựng nhà máy cơ khí đúc. Ngân hàng đã giải ngân 10 tỷ 111 triệu đồng thì Ngân hàng có sự thay đổi nhân sự giám đốc chi nhánh, lãnh đạo mới của Ngân hàng không ủng hộ và không giải ngân tiếp cho dự án, khiến dự án dừng triển khai. Phía Ngân hàng cho rằng thiếu khối lượng, thiếu hóa đơn là không đúng do hợp đồng đang thực hiện, một số khoản giải ngân là tạm ứng hợp đồng thì chưa có khối lượng tại thời điểm giải ngân. Theo quy trình cho vay việc kiểm tra sau là bắt buộc để chứng minh việc sử dụng vốn vay, tuy nhiên phía Ngân hàng không làm đúng, phản ánh đúng thực trạng đầu tư của dự án. Mặc dù bị dừng dự án nhưng gia đình vẫn lo đầu tư từ các nguồn khác, tuy nhiên bị thu hẹp quy mô đầu tư, một số máy móc thiết bị đã đầu tư theo dự án ban đầu không được sử dụng, bỏ hoang trên 10 năm đến nay đã hỏng hóc. Về số tiền vay Ngân hàng trên 10 tỷ đã trả hết, tuy nhiên Ngân hàng không tính khoản tiền 2.424.000.000đ đã giao cho ông B , bà Anh từ ngày 21/6/2006 đến ngày 17/7/2006. Về tài sản bảo đảm đề nghị yêu cầu Ngân hàng trả lại tài sản của gia đình hiện Ngân hàng đang giữ và tài sản của bố mẹ bà Thủy do đã trả hết nợ.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên qua ông L , bà H trình bày: Ông L là bố đẻ của chị Thủy (bố vợ của anh Hoan). Vợ chồng ông L sinh được 05 người con gồm Lê Mai Lê, Lê Thị Thanh T , Lê Cẩm Thuần, Lê Hoài Việt, Lê Khiêm (đã mất năm 2008). Hiện trong sổ hộ khẩu gia đình chỉ có vợ chồng ông bà Lê Hoài L và Nguyễn Thị H . Đối với thửa đất số 189, tờ bản đồ số 02, diện tích 786m2, tại Thôn Đ , xã TC , huyện VT , Vĩnh Phúc, hiện vợ chồng ông bà đang sử dụng, đất có nguồn gốc các cụ để lại cho ông nội, ông nội để lại cho bố ông L , bố ông L để lại cho ông L . Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng năm 2004, đứng tên hộ ông Lê Hoài L , thời điểm cấp giấy chứng nhận trong sổ hộ khẩu gia đình chỉ có hai vợ chồng ông L , các con đã tách khẩu chuyển đi công tác, lấy chồng. Năm 2009, anh Hoan, chị Thủy có nói cần vay tiền để làm ăn kinh doanh và có mượn thửa đất để vay tiền và ông, bà có ký hợp đồng thế chấp để vợ chồng anh Hoan, chị Thủy vay tiền. Việc anh Hoan, chị Thủy vay tiền bao nhiêu của Ngân hàng ông không biết. Nay Ngân hàng khởi kiện thì anh Hoan và chị Thủy là người vay phải có trách nhiệm trả, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án công minh theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn trình bày: Ngân hàng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không chấp nhận yêu cầu phản tố của phí bị đơn. Đề nghị buộc Công ty TNHH G7 trả nợ cho Ngân hàng tính đến hết ngày 30/12/2021 gồm tiền nợ gốc là 1.939.409.957đ và tiền lãi là 3.141.959.629đ. Tổng 5.081.369.586đ (năm tỷ không trăm tám mốt triệu ba trăm sáu chín nghìn lăm trăm tám sáu đồng). Buộc Công ty TNHH G7 , tiếp tục phải thanh toán tiền lãi theo các hợp đồng tín dụng đã ký phát sinh sau ngày 30/12/2021 đến khi thanh toán hết khoản nợ. Trường hợp Công ty TNHH G7 không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay, đề nghị cho phát mại đối với tài sản thế chấp của gia đình ông H , bà Thủy; gia đình ông L , bà H và tài sản hình thành từ vốn vay theo Hợp đồng bảo đảm tiền vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 để thu hồi vốn vay đối với phần nghĩa vụ bảo đảm tương ứng của các tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát mại tài sản thế chấp không đủ để thanh toán khoản nợ thì Công ty TNHH G7 tiếp tục phải thanh toán số còn thiếu.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 04/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện ML đã quyết định.:

Xử: Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng PT đối với Công ty TNHH G7 , về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

1. Buộc Công ty TNHH G7 có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng PT , tính đến hết ngày 30/12/2021, tổng số tiền là 5.081.369.586 đồng (năm tỷ không trăm tám mốt triệu ba trăm sáu chín nghìn lăm trăm tám sáu đồng), gồm: Tiền nợ gốc 1.939.409.957đ; tiền nợ lãi 3.141.959.629đ.

Ngoài ra, Công ty TNHH G7 còn có trách nhiệm thanh toán toàn bộ phần lãi phát sinh kể từ ngày 31/12/2021, theo Hợp đồng tín dụng số 03/2005/HĐTD ngày 29/7/2005; Phụ lục hợp đồng tín dụng số 05/2005/PLHĐTD ngày 29/12/2005; Hợp đồng tín dụng sửa đổi số 04/2009/HĐTDSĐ ngày 12/5/2009 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ.

2. Trường hợp Công ty TNHH G7 không thanh toán trả nợ hoặc thanh toán không đầy đủ thì Ngân hàng PT có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho Ngân hàng gồm:

2.1. Giá trị quyền sử dụng 41m2 đất và tài sản gắn liền với đất, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng số AC453104 do UBND quận BĐ , thành phố Hà Nội cấp ngày 14/9/2005 cho ông Phí Văn H và bà Lê Thị Thanh T , tại địa chỉ 64B, tổ 58 tập thể Hồ Cá, phường TC , quận BĐ , Hà Nội (nay là số 302, phố MAT , phường TC , quận BĐ , thành phố Hà Nội). Theo hợp đồng bảo lãnh ngày 15/12/2005, đã được công chứng số 2279.2005/HĐBL và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên và môi trường quận BĐ , Hà Nội ngày 22/12/2005). Nghĩa vụ bảo đảm theo điểm 2.2 Điều 2 hợp đồng bảo lãnh ngày 15/12/2005 là 14.650.000.000đ (tương ứng 56,34%), theo các hợp đồng tín dụng đã ký.

2.2. Giá trị quyền sử dụng 786m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X490777 đứng tên hộ ông Lê Hoài L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 18/3/2004. Theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 08/2009/HĐTCQSDĐ-NHPT.PC ngày 05/6/2009, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc ngày 05/6/2009. Nghĩa vụ bảo đảm theo Điều 2 hợp đồng số 08/2009/HĐTCQSDĐ-NHPT.PC ngày 05/6/2009 gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác (nếu có) theo các hợp đồng tín dụng đã ký.

2.3. Tài sản hình thành từ vốn vay theo hợp đồng theo hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 ký giữa Sở giao dịch I - Ngân hàng PT và Công ty TNHH G7 , gồm: Tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng, đường nội bộ, trạm biến áp ...), và tài sản máy móc thiết bị (cầu trục, máy đột dập, máy mài cầm tay, máy cắt thép, máy hàn, lò nhiệt luyện, lò cảm ứng trung tần, máy tiện ...). Đối với tài sản máy móc thiết bị đã được đăng ký giao dịch bảo đảm số AT 06000061BD tại Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tài sản trên đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghĩa vụ bảo đảm theo điểm 2 Điều 7 hợp đồng số 04/2005/HĐBĐTV gồm trả gốc, lãi, lãi phạt quá hạn và phí (nếu có) theo các hợp đồng tín dụng đã ký.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn là Công ty TNHH G7 làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trái pháp luật, gây thiệt hại lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty G7 , cụ thể: Không đưa Công ty TNHH Ngân Hàng và Cán bộ của Ngân hàng PT là ông Nguyễn Thiệu B , bà Nguyễn Thị Kim Anh, bà Nguyễn Thị Hạnh và các con của vợ chồng ông L , bà H vào tham gia tố tụng là không đúng, xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không thu thập, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ theo đề nghị của bị đơn liên quan đến số tiền mà bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trả cho Ngân hàng. Vì vậy, bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện ML và giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thẩm quyền.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn và bị đơn đã được Tòa án tạo điều kiện để thỏa thuận giải quyết vụ án nhưng các bên không thỏa thuận được và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

-Nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn -Bị đơn trình bày: Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầukháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm hoặc bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của bị đơn trình bày luận cứ với nội dung: Quỹ hỗ trợ phát triển và bị đơn có ký hợp đồng tín dụng với khoản vay dài hạn trị giá 20.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giải ngân, mặc dù Công ty Ngân hàng G7 không có vi phạm gì nhưng Ngân hàng đã không tiếp tục giải ngân cho bị đơn từ cuối năm 2006 là vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng gây thiệt hại cho bị đơn. Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đặc biệt là các bút lục từ 311 đến búc lục 322 thể hiện rõ nguyên đơn đã nhận tiền của bà Thủy rồi. Vì vậy, đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có quan điểm: Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả khoản nợ gốc và lãi cho nguyên đơn là có căn cứ. Đối với các hợp đồng thế chấp do các bên ký kết là tự nguyện, phù hợp quy định của pháp luật và đã được công chứng nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc phát mại tài sản là có căn cứ. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Do bị đơn đã được Tòa án sơ thẩm triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vắng mặt nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này là đúng quy định. Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng:

Xét thấy, đơn kháng cáo của bị đơn nằm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí nên Tòa nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm là đúng thẩm quyền.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp hợp đồng tín dụng. Bị đơn là Công ty TNHH G7 (Sau đây gọi tắt là Công ty Ngân Giang G7) có trụ sở tại: Khu công nghiệp QM , huyện ML , Hà Nội. Căn cứ khoản 1 điều 30, điểm b khoản 1 điều 35, điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân huyện ML giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Hoài L , bà Nguyễn Thị H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt nên nên căn cứ khoản 2 điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nêu trên.

Về việc đưa người tham gia tố tụng: Công ty G7 đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với lý do Tòa án sơ thẩm không đưa bà Nguyễn Kim Anh – Giám đốc Ngân hàng phát triển chi nhánh Vĩnh Phúc , ông Nguyễn Thiệu B – Trưởng phòng tín dụng, bà Nguyễn Thị Hạnh – Thủ quỹ là những người đã nhận tiền trả nợ của Công ty vào tham gia tố tụng. Về ý kiến này của bị đơn thấy: Tranh chấp giữa các bên là tranh chấp về hợp đồng tín dụng, việc các cán bộ của Ngân hàng phát triển với bị đơn có tiến hành các giao dịch giao nhận tiền đều ghi là nhận từ bà Thủy, không phải là từ Công ty Ngân Giang G7. Các giấy tờ này đều là giấy biên nhận viết tay, không có mẫu, hay tiêu đề của Quỹ hỗ trợ phát triển hoặc Ngân hàng phát triển và không đóng dấu của Ngân hàng nên không thể hiện mối quan hệ trong hợp đồng tín dụng này nên Tòa án sơ thẩm không xác định những người này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng.

Đối với ý kiến của bị đơn về việc đưa Công ty Ngân Giang vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thấy: Quá trình ký và thực hiện hợp đồng tín dụng, các bên thứ 3 đã dùng tài sản bảo đảm của mình để thế chấp cho khoản vay của bị đơn gồm có: Quyền sử dụng đất mang tên ông Phí Văn H , bà Lê Thị Thanh T , Quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Lê Hoài L , Quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Phí Văn L , Tài sản hình thành từ vốn vay của Công ty G7 gồm: tài sản gắn liền với đất: nhà xưởng, đường nội bộ, trạm biến áp.. và máy móc thiết bị: cần trục, máy đột dập, máy mài cầm tay, máy cắt thép, máy hàn, lò nhiệt luyện...(các máy móc đã được đăng ký giao dịch bảo đảm còn tài sản trên đất chưa đăng ký). Đối với tài sản gắn liền với đất : Ngày 24/11/2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định số 4161/QĐ-UB về việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng nhà máy đúc vật tư thiết bị điện của Công ty TNHH G7 tại KCN QM , huyện ML , tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ đầu tư là Công ty Ngân Giang G7. Trước đó, ngày 28/5/2004, Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ký hợp đồng cho thuê đất đối với Công ty TNHH Ngân Giang (do ông Phí Văn H là đại diện theo pháp luật). Thấy rằng, Công ty Ngân Giang là chủ sở hữu của Công ty G7 (theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2500234955 do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch đầu tư TP Hà Nội cấp thay đổi lần thứ ngày 20/10/2014) và đều do ông Phí Văn H là người đại diện theo pháp luật trong suốt quá trình ký và thực hiện hợp đồng tín dụng (tại cấp phúc thẩm thì nguyên đơn nộp cho Tòa án Đăng ký kinh doanh của Công ty Ngân Giang thay đổi lần thứ 3 ngày 30/11/2004 do ông Phí Văn H làm đại diện theo pháp luật). Trường hợp sau này, nếu Công ty Ngân Giang thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì có thể khởi kiện bằng một vụ án khác đối với Công ty Ngân Giang G7.

Tài sản thế chấp trong vụ án này và các tài sản hình thành từ vốn vay của bị đơn hiện đang nằm trên phần đất do Công ty Ngân Giang thuê lại của Nhà nước, yêu cầu của nguyên đơn là phát mại các tài sản trên đất đó chứ không phải là phát mại liên quan đến quyền sử dụng đất của Công ty Ngân Giang nên Công ty Ngân Giang không phải là đương sự trong vụ án này.

Trong trường hợp phải phát mại các tài sản đó thì Công ty Ngân Giang chỉ có trách nhiệm tạo điều kiện cho Ngân hàng hoặc cơ quan thi hành án vào xử lý các tài sản trên đất không xâm hại gì đến quyền lợi của họ Theo tài liệu do bị đơn xuất trình, Công ty TNHH Ngân Giang có người đại diện mới là ông Lê Thanh Hạt, còn các thành viên khác chính là ông H và các con Về việc bị đơn cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm mở phiên tòa vắng mặt bị đơn (do ông Phí Văn H đại diện) là không đúng do ông nhận được giấy báo muộn đồng thời cũng không triệu tập người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông là không đúng. Thấy rằng: Ngày 22/12/2021, Tòa án sơ thẩm đã ban hành Thông báo mở lại phiên tòa vào ngày 30/12/2021. Theo biên bản giao ngày 28/12/2021 của Tòa án sơ thẩm thể hiện: cùng ngày 28/12/2021, Tòa án đã giao trực tiếp Thông báo mở lại phiên tòa cho ông Phí Văn H . Ông H đã ký nhận thông báo này và chính ông H đã ghi rõ “tôi nhận thay cho những người liên quan và cam kết giao lại cho họ ngay”. Vì vậy, ông cho rằng việc ông vắng mặt do Tòa án gửi giấy báo qua bưu điện cho ông cận ngày xét xử và ngày xét xử trùng với ngày mất (ngày giỗ) của bố ông nên ông không thể tham gia phiên tòa được và không triệu tập người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông là không có căn cứ. Do bị đơn vắng mặt tại phiên tòa nên Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của ông là đúng quy định.

Vụ án này Tòa án sơ thẩm đã hoãn phiên tòa 03 lần trong đó có 02 lần là bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn xin hoãn phiên tòa. Việc tống đạt văn bản tố tụng cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đều thông qua bị đơn (kể cả phiên tòa phúc thẩm hôm nay cũng vậy), do đó xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt đầy đủ và hợp lệ cho họ Về ý kiến của bị đơn cho rằng Tòa án sơ thẩm phải triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các con của ông L , bà H tham gia tố tụng thấy: Tòa án sơ thẩm đã tiến hành ghi lời khai của ông L , bà H , xác minh tại Công an xã TC , huyện VT , thu thập các tài liệu tại UBND huyện VT . Theo đó, quá trình thu thập và xác minh thể hiện: Ông L , bà H có lời khai ông, bà có 05 người con gồm: Lê Thị Cẩm Thuần, Lê Thị Mai Lê, Lê Hoài Việt, Lê Văn Khiêm (chết năm 2008) và Lê Thị Thanh T (vợ ông H ). Ngày 18/3/2004 UBND huyện VT đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Lê Hoài L . Theo xác nhận của Công an xã TC thể hiện, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận thì hộ ông L chỉ có ông L , bà H , ngoài ra không có ai khác. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ đưa ông L , bà H vào tham gia tố tụng là đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, theo tài liệu do nguyên đơn xuất trình ngày 04/6/2009, các con ông L , bà H là Lê Thị Mai Lê, Lê Thị Thanh T , Lê Thị Cẩm Thuần, Lê Hoài Việt đã cùng ký vào xác nhận và cam kết của đồng sở hữu tài sản bảo đảm tiền vay với nội dung các ông, bà đồng ý để ông L , bà H dùng toàn bộ tài sản là quyền sử dụng đất của ông L , bà H thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho Công ty Ngân Giang G7. Vì vậy, có căn cứ vững chắc xác định các con ông L , bà H không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì trong vụ án này. Nếu có tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình ông L , bà H thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác nếu họ có yêu cầu.

[2]. Về nội dung:

Ngày 29/7/2005, nguyên đơn (tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng là Quỹ hỗ trợ phát triển Vĩnh Phúc) và bị đơn ký hợp đồng cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển với nội dung:Nguyên đơn cho bị đơn vay số tiền 26 tỷ đồng để đầu tư dự án ĐTXD nhà máy cơ khí đúc vật tư thiết bị điện. Thời hạn vay 8,7 năm (84 tháng), thời gian trả nợ 5 năm 6 tháng (66 tháng). Lãi suất trong hạn 6,6%/năm. Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Ngoài ra các bên còn thỏa thuận các nội dung khác. Về phía nguyên đơn: Là Quỹ hỗ trợ Phát triển Vĩnh Phúc – do bà Nguyễn Kim Anh – Giám đốc Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Vĩnh Phúc đại diện. Về phía bị đơn do ông Phí Văn H – đại diện theo pháp luật. Đối với tư cách chủ thể ký hợp đồng tín dụng của nguyên đơn thấy: Ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 108/2006/QĐ- TTg về việc thành lập Ngân hàng PT trên cơ sở tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Ngân hàng phát triển kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm từ Quỹ hỗ trợ phát triển. Do vậy, sau khi ký hợp đồng tín dụng, phụ lục hợp đồng tín dụng và các hợp đồng thế chấp thì các bên (Công ty G7 và Ngân hàng PT ) đã ký các hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ mà trước đó Quỹ hỗ trợ đã ký với các bên. Việc ký Hợp đồng tín dụng số 03/2005/HĐTD ngày 29/7/2005; Phụ lục hợp đồng tín dụng số 05/2005/PLHĐTD ngày 29/12/2005; Hợp đồng tín dụng sửa đổi số 04/2009/HĐTDSĐ ngày 12/5/2009 do các bên tự nguyện, phù hợp về hình thức, nội dung không trái quy định của pháp luật nên phát sinh hiệu lực.

Quá trình thực hiện hợp đồng: Nguyên đơn đã nhiều lần giải ngân cho bị đơn tổng cộng 10.111.160.000đ (mười tỷ một trăm mười một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng), cụ thể:

Lần 1: Ngày 30/12/2005, giải ngân 500.000.000đ. Lần 2: Ngày 23/1/2006, giải ngân 592.500.000đ. Lần 3: Ngày 25/2/2006, giải ngân 349.900.000đ. Lần 4: Ngày 31/3/2006, giải ngân 111.960.000đ. Lần 5: Ngày 31/3/2006, giải ngân 807.800.000đ. Lần 6: Ngày 22/5/2006, giải ngân 400.000.000đ. Lần 7: Ngày 25/5/2006, giải ngân 1.000.000.000đ. Lần 8: Ngày 07/6/2006, giải ngân 1.969.000.000đ. Lần 9: Ngày 23/6/2006, giải ngân 1.752.000.000đ. Lần 10: Ngày 14/7/2006, giải ngân 700.000.000đ. Lần 11: Ngày 21/7/2006, giải ngân 1.928.000.000đ.

Tại các bản khai gửi Tòa án, bị đơn đã thừa nhận đã nhận được số tiền giải ngân nêu trên của nguyên đơn.

Về việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn:

Nguyên đơn cho rằng quá trình thực hiện hợp đồng bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 8.171.750.043 đồng nên còn nợ là 1.939.409.957 đồng. Ngoài ra, nguyên đơn còn phải chịu lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng Bị đơn cho rằng bị đơn đã thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi cho nguyên đơn nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trợ nợ gốc, lãi đối với hợp đồng này, ngoài ra bị đơn còn nộp yêu cầu phản tố buộc ngân hàng phải bồi thường do bị đơn bị tổn thất vì không được nguyên đơn giải ngân kịp thời (yêu cầu phản tố của bị đơn đã bị Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ do bị đơn vắng mặt đã được phân tích ở phần trên).

Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thấy:

Quá trình tham gia tố tụng, bị đơn xuất trình cho Tòa án 84 chứng từ gồm các ủy nhiệm chi, phiếu thu, phiếu chi, phiếu biên nhận tiền. Theo bảng kê chứng từ nộp tiền đã trả nợ gốc, lãi của Công ty G7 thì bị đơn đã thống kê chi tiết từng chứng từ, theo đó tổng số tiền bị đơn cho rằng đã thanh toán cho nguyên đơn nợ gốc là 10.595.750.000 đồng và nợ lãi là 3.160.183.955 đồng (tính đến ngày 12/7/2019).

Theo các chứng từ cũng như lời khai của các bên, thấy rằng: đối với số nợ gốc, bị đơn cho rằng đã trả thừa (484.590.000 đồng) vì bị đơn đã trả 10.595.750.000 đồng trong khi nguyên đơn giải ngân 10.111.160.000 đồng. Tuy nhiên, tài liệu thể hiện: trong 84 chứng từ thanh toán mà bị đơn xuất trình có 09 giấy biên nhận tiền viết tay. Các giấy biên nhận tiền này về cơ bản có nội dung ông Lê Thiệu Bình, bà Nguyễn Thị Kim Anh, bà Nguyễn Thị Hạnh (là cán bộ Ngân hàng phát triển) có nhận tiền của bà Lê Thị Thanh T (là vợ ông Phí Văn H ) và là Lê Thị Mai Lê (là chị gái bà Lê Thị Thanh T ) với tổng số tiền theo 09 giấy biên nhận là 2.424.000.000 đồng. Ông Nguyễn Thiệu B là người ký nhận trên một số phiếu biên nhận này cũng là đại diện của Ngân hàng có nhiều lời khai khẳng định số tiền này không liên quan đến hợp đồng tín dụng ký giữa hai bên mà số tiền này liên quan đến giao dịch giữa bà Thủy và Công ty Chè Thuận Phát. Bà Thủy đã khởi kiện Công ty Chè Thuận Phát và đã được Tòa án các cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm) giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật về số tiền này. Theo đó, bản án dân sự phúc thẩm số 31 ngày 13/7/2018 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận định ông Nguyễn Đức Thuận (Giám đốc và đại diện theo pháp luật của Công ty Chè Thuận Phát) đã nhận số tiền 2.424.000.000 đồng (theo 09 giấy biên nhận mà bà Thủy xuất trình) đặt cọc nhưng không vào sổ sách kế toán của Công ty là vi phạm pháp luật và phải có trách nhiệm cá nhân đối với số tiền này đã nhận của bà Thủy (nếu sau này bà Thủy có yêu cầu bằng một vụ án khác). Tại phần nhận định của Bản án giám đốc thẩm số 68/2019/DS-GĐT ngày 25/10/2019 của TAND cấp cao đã quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nội dung: Ông Nguyễn Đức Thuận (Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Chè Thuận Phát) thừa nhận có trách nhiệm cá nhân ông đối với giao dịch nhận số tiền 2.424.000.000 đồng tiền đặt cọc của bà Thủy. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có văn bản với nội dung không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao. Do vậy, có căn cứ khẳng định số tiền 2.424.000.000 đồng theo 09 giấy biên nhận mà bị đơn đưa ra đã được giải quyết ở một vụ án khác và không liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng giữa các bên trong vụ án này và không có căn cứ để chấp nhận 2.424.000.000 đồng phải được trừ vào khoản nợ như bị đơn yêu cầu Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14/9/2022, bị đơn cho rằng nguyên đơn và bị đơn đã cùng có văn bản xác nhận nợ (đến ngày 07/8/2006) với số tiền bị đơn còn phải nợ nguyên đơn là 7.483.160.000 đồng. Theo bị đơn, số nợ này là chính xác vì nguyên đơn đã giải ngân 10.111.160.000 đồng cho bị đơn nhưng do bị đơn đã trả được 2.424.000.000 đồng thì mới còn số nợ như trên. Do Nguyên đơn cho rằng nguyên đơn cần kiểm tra việc xác nhận nêu trên như bị đơn trình bày và cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu, chứng cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tạm ngừng phiên tòa để các bên làm rõ về số nợ theo xác nhận nêu trên của Ngân hàng. Quá trình thu thập tài liệu và kiểm tra hồ sơ, nguyên đơn đã nộp cho Hội đồng xét xử phúc thẩm phiếu đối chiếu đến ngày 31/12/2007. Theo phiếu đối chiếu này thể hiện nguyên đơn và bị đơn đã xác nhận tổng số dư nợ đến ngày 31/12/2007 là 9.533.409.957 đồng. Như vậy, Hội đồng xét xử thấy rằng, sau giấy xác nhận đến ngày 07/8/2006 với số nợ là 7.483.160.000 đồng thì còn phiếu đối chiếu đến ngày 31/12/2007 với số nợ mà các bên xác nhận là 9.533.409.957 đồng. Ngoài ra, nguyên đơn cũng giải trình về xác nhận nợ đến ngày 07/8/2006 với số tiền nợ là 7.483.160.000 đồng như sau: Số tiền 7.483.160.000 đồng chính là số tiền còn nợ của Công ty G7 tại Quỹ hỗ trợ phát triển đến ngày 07/8/2006. Khi Quỹ hỗ trợ phát triển được bàn giao sang Ngân hàng Phát triển (do Thủ tướng Chính phủ thành lập). Đến ngày 14/7/2006 và ngày 21/7/2006 thì Ngân hàng phát triển tiếp tục giải ngân 02 khoản nữa cho Công ty G7 với số tiền lần lượt là 700.000.000 đồng và 1.928.000.000 đồng nên tổng số tiền giải ngân là 10.111.160.000 đồng. Do Công ty đã trả được môt phần nên đến ngày 31/12/2007 Công ty Còn nợ Ngân hàng số tiền là 9.533.409.957 đồng theo phiếu đối chiếu nêu trên. Số tiền nợ 7.483.160.000 đồng là số tiền còn nợ lại Quỹ hỗ trợ phát triển trước khi chuyển sang thành Ngân hàng phát triển chứ không phải là số tiền còn nợ sau khi trừ đi 2.424.000.000 đồng (vì nếu là số tiền giải ngân 10.111.160.000 đồng trừ đi 2.424.000.000 đồng thì còn 7.687.160.000 chứ không phải là 7.483.160.000 đồng). Theo các tài liệu do nguyên đơn xuất trình thì tất cả 11 lần giải ngân với tổng số tiền là 10.111.160.000 đồng đều thông qua hình thức ủy nhiệm chi. Nguyên đơn chuyển vào tài khoản của bên thứ 3 là doanh nghiệp có hợp đồng mua bán, xây dựng với bị đơn theo đề nghị của bị đơn và bị đơn ký xác nhận nợ với nguyên đơn.

Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng tài liệu hồ sơ cũng như ý kiến giải trình của nguyên đơn là phù hợp và có căn cứ.

Thực tế, ngày 12/7/2019, các bên đã ký xác nhận phiếu đối chiếu số liệu về nợ gốc, lãi. Theo đó, đến hết ngày 11/7/2019 bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn 4.540.080.458 đồng trong đó: 2.343.409.957 đồng nợ gốc và 2.196.670.501 nợ lãi. Sau đó, hộ ông Phí Văn L nộp 404.000.000 đồng để rút tài sản bảo đảm nên số nợ gốc còn lại là 1.939.409.957 đồng. Về số tiền 404.000.000 đồng nộp để rút tài sản bảo đảm của hộ ông Phí Văn L , bị đơn nhất trí và không thắc mắc gì. Bị đơn cho rằng việc ký đối chiếu công nợ là không khách quan và bị đơn ký vì bị ép buộc nhưng bị đơn không đưa ra được các chứng cứ, chứng minh việc bị đơn bị ép buộc ký đối chiếu công nợ nên không chấp nhận ý kiến này của bị đơn.

Từ những phân tích trên, thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ gốc là 1.939.409.957 đồng là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Nguyên đơn kháng cáo cho rằng đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ cho nguyên đơn là không đúng nên không được chấp nhận.

Bị đơn cũng có đơn phản tố cho rằng việc ngân hàng chậm giải ngân làm ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể, do công ty không được giải ngân tiếp nên không có vốn để đầu tư vào máy móc, thiết bị khiến mọi hoạt động bị đình trệ gây thiệt hại đến bị đơn và yêu cầu ngân hàng bồi thường 5.526.910.528 đồng. Bị đơn cho rằng lý do giải ngân chậm là do mâu thuẫn trong nội bộ giữa lãnh đạo của Ngân hàng phát triển chứ không phải do công ty nhưng bị đơn chỉ có bảng kê thiệt hại chứ không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế, cụ thể do ngân hàng gây ra cũng như không chứng minh được về phía Ngân hàng có mâu thuẫn nội bộ dẫn đến việc không tiếp tục giải ngân cho Công ty. Tuy nhiên, do bị đơn vắng mặt 2 lần nên Tòa án sơ thẩm cũng đã đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố này của bị đơn.

Về nợ lãi: Theo thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, lãi suất trong hạn áp dụng cho toàn bộ thời gian vay vốn là 6,6%/năm. Lãi suất quá hạn là 150%/năm. Đến nay, nguyên đơn vẫn áp dụng mức lãi 6,6%/năm và quá hạn là 9,9%/năm. Thấy rằng, mức lãi suất nêu trên là có lợi cho bị đơn và thấp hơn nhiều so với mức lãi suất mà các ngân hàng khác áp dụng đối với khách hàng vay nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu về đòi lãi của nguyên đơn và giữ nguyên quyết định về lãi của Tòa án cấp sơ thẩm Về yêu cầu phát mại tài sản:

Thấy rằng, theo các hợp đồng thế chấp thể hiện: Khoản vay của Công ty G7 được bảo đảm bằng các tài sản sau:

-Quyền sử dụng 41m2 đất và tài sản gắn liền với đất, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng số AC453104 do UBND quận BĐ , thành phố Hà Nội cấp ngày 14/9/2005 cho ông Phí Văn H và bà Lê Thị Thanh T tại địa chỉ 64B, tổ 58 tập thể Hồ Cá, phường TC , quận BĐ , Hà Nội (nay là số 302, phố MAT , phường TC , quận BĐ , thành phố Hà Nội). Theo hợp đồng bảo lãnh ngày 15/12/2005 (đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên và môi trường quận BĐ , Hà Nội ngày 22/12/2005).

- Quyền sử dụng 786m2 và tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X490777 đứng tên hộ ông Lê Hoài L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 18/3/2004. Theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 08/2009/HĐTCQSDĐ- NHPT.PC ngày 05/6/2009, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện VT , Vĩnh Phúc ngày 05/6/2009.

- Quyền sử dụng 300m2 đất và tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R8900193 đứng tên hộ ông Phí Văn L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 30/11/2001, theo hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba số 02/2005/HĐTC ngày 19/12/2005, bên bảo lãnh là ông Phí Văn L và bà Khổng Thị C tại xã TT , huyện VT , Vĩnh Phúc, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện Vĩnh Tương, Vĩnh Phúc. (Ngân hàng PT đã giải chấp cho ông Phí Văn L vào ngày 12/7/2019) 4. Tài sản hình thành từ vốn vay theo hợp đồng theo hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 ký giữa Sở giao dịch I - Ngân hàng phát triển và Công ty G7 . Tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng, đường nội bộ, trạm biến áp ...) và tài sản máy móc thiết bị (cầu trục, máy đột dập, máy mài cầm tay, máy cắt thép, máy hàn, lò nhiệt luyện, lò cảm ứng trung tần, máy tiện ...). Đối với tài sản máy móc thiết bị đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo Đơn yêu cầu cầm cố tài sản số AT 06000061BD tại Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tài sản trên đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Các hợp đồng thế chấp nêu trên đều do các bên thế chấp tự nguyện thỏa thuận và ký kết, được công chứng và được đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật nên phát sinh hiệu lực. Đối với tài sản bảo đảm đứng tên hộ ông Phí Văn L , đã được nguyên đơn giải chấp nên không phải xem xét. Do các hợp đồng thế chấp phát sinh hiệu lực pháp luật nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc phát mại tài sản thế chấp là các tài sản bảo đảm nêu trên. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc nếu bị đơn không thanh toán được khoản nợ thì nguyên đơn được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mại các tài sản là có căn cứ. Các tài sản thế chấp do bên thế chấp quản lý, sử dụng và có cải tạo lại hoặc xây dựng thêm đều thuộc về tài sản thế chấp. Đây là trường hợp nhiều tài sản thế chấp để đảm bảo cho một nghĩa vụ và không phân chia tỷ lệ đảm bảo.

Bị đơn có ý kiến cho rằng hộ ông Lê Hoài L không có bất kỳ quan hệ vay vốn nào với Ngân hàng, không nhận chuyển nhượng nghĩa vụ trả nợ nào cho Công ty G7 với Ngân hàng. Không có bất kỳ tuyên bố hay bảo đảm trách nhiệm trả nợ thay khoản nợ của hộ ông L đối với nghĩa vụ trả nợ của Công ty G7 đối với Ngân hàng. Mặt khác, điều 2 của hợp đồng thế chấp thì nghĩa vụ được bảo đảm là nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi… của bên B (hộ ông L ) đối với Quỹ hỗ trợ phát triển theo hợp đồng tín dụng ký giữa Quỹ hỗ trợ phát triển và Công ty G7 nên hộ ông L không có bất kỳ nghĩa vụ nào đối với Quỹ hỗ trợ phát triển thì không thể dùng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ mà mình không có đối với Ngân hàng. Về ý kiến này của bị đơn thấy: Tại điều 2 Hợp đồng thế chấp về nghĩa vụ được bảo đảm quy định: Bên B (hộ ông L ) đồng ý dùng các tài sản bảo đảm nêu tại khoản 1 điều 1 để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ sau: Nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, tiền phí, … của bên B phát sinh theo hợp đồng cho vay vốn tín dụng ĐTPT (đầu tư phát triển) của nhà nước số 03/2005/HĐTD ngày 29/7/2005; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng ĐTPT sửa đổi, bổ sung số 04/2009/HĐTDSĐ-NHPT. PC ngày 12/5/2009 ký giữa Ngân hàng PT – Chi nhánh phát triển Vĩnh Phúc với Công ty TNHH G7 .

Như vậy, chính tại Điều 2 hợp đồng thế chấp, hộ ông L đã đồng ý dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng số 03/2005/HĐTD ngày 29/7/2005; Hợp đồng cho vay vốn tín dụng ĐTPT sửa đổi, bổ sung số 04/2009/HĐTDSĐ-NHPT. PC ngày 12/5/2009 ký giữa Ngân hàng PT – Chi nhánh phát triển Vĩnh Phúc với Công ty TNHH G7 . Đây là thế chấp tài sản của một bên (thứ ba) để đảm bảo nghĩa vụ đối với bên kia ( bên nhận thế chấp) theo điều 342 Bộ luật dân sự 2005 mà không hề quy định bên thế chấp tài sản và bên vay phải là một nên bị đơn cho rằng hộ ông L không có nghĩa vụ dùng tài sản bảo đảm của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty G7 là không đúng. Luận cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tương tự kháng cáo của bị đơn nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã phân tích, đánh giá nên không nêu lại nữa, chỉ lưu ý một nội dung như bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn đã trình bày thì từ 21/7/2006 Ngân hàng đã không cho vay thêm và ngày 19/11/2007 ngân hàng ra thông báo ngừng cho vay là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký mà đến 08/4/2021 bị đơn mới có đơn phản tố yêu cầu bồi thường là đã hết thời hiệu khởi kiện (03 năm) kể từ khi có hành vi vi phạm gây thiệt hại (nếu không phải là trường hợp bất khả kháng để còn thời hiệu khởi kiện) Từ những phân tích trên, thấy kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận, bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện ML , thành phố Hà Nội xét xử có căn cứ.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên chấp nhận Do bị đơn có đơn phản tố nhưng không đến Tòa án hai lần nên Tòa án sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố là đúng nhưng lại trả lại tạm ứng án phí là trái với điều 217 Bộ luật tố dụng dân sự và điều 18 Nghị quyết 326 của Ủy ban thường vụ quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án mà phải xung công quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng án phí này.

Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ những nhận định trên! Căn cứ các điều: 02, 342, 343, 351, 471, 474, 476 Bộ luật dân sự 2005. Căn cứ điều 90, Điều 91, Điều 94, Điều 95, Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng.

Căn cứ điều 147, khoản 1 điều 148, điểm a khoản 1 điều 289, khoản 2 điều 308, điều 313, 349 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ Nghị định 163/NĐ-CPNghị định 11/NĐ-CP của Chính Phủ về giao dịch bảo đảm Căn cứ Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm,thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH G7 , sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 04/01/2022 của Tòa án nhân dân huyện ML , thành phố Hà Nội (về án phí).

Xử:

1.Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng PT đối với Công ty TNHH G7 Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu phản tố của Công ty TNHH G7 .

Buộc Công ty TNHH G7 có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng PT , tính đến hết ngày 30/12/2021, tổng số tiền là 5.081.369.586 đồng (năm tỷ không trăm tám mốt triệu ba trăm sáu chín nghìn năm trăm tám sáu đồng), trong đó: Nợ gốc 1.939.409.957đ; nợ lãi 3.141.959.629đ.

Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH G7 tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thỏa thuận trong trong hợp đồng tín dụng tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi trả xong nợ gốc.

2. Trường hợp Công ty TNHH G7 không thanh toán trả nợ hoặc thanh toán không đầy đủ thì Ngân hàng PT có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho Ngân hàng PT gồm:

2.1. Quyền sử dụng 41m2 đất và tài sản gắn liền với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng số AC453104 do UBND quận BĐ , thành phố Hà Nội cấp ngày 14/9/2005 cho ông Phí Văn H và bà Lê Thị Thanh T , tại địa chỉ 64B, tổ 58 tập thể Hồ Cá, phường TC , quận BĐ , Hà Nội (nay là số 302, phố MAT , phường TC , quận BĐ , thành phố Hà Nội). Theo hợp đồng bảo lãnh ngày 15/12/2005, đã được công chứng số 2279.2005/HĐBL và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên và môi trường quận BĐ , Hà Nội ngày 22/12/2005).

2.2. Quyền sử dụng 786m2 và tài sản gắn liên với đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X490777 đứng tên hộ ông Lê Hoài L , do UBND huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 18/3/2004. Theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 08/2009/HĐTCQSDĐ- NHPT.PC ngày 05/6/2009, đã được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện VT , tỉnh Vĩnh Phúc ngày 05/6/2009.

2.3. Tài sản hình thành từ vốn vay theo hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 04/2005/HĐBĐTV ngày 28/12/2005 ký giữa Sở giao dịch I - Ngân hàng PT và Công ty TNHH G7 , gồm: Tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng, đường nội bộ, trạm biến áp ...), và tài sản máy móc thiết bị (cầu trục, máy đột dập, máy mài cầm tay, máy cắt thép, máy hàn, lò nhiệt luyện, lò cảm ứng trung tần, máy tiện ...). Đối với tài sản máy móc thiết bị đã được đăng ký giao dịch bảo đảm số AT 06000061BD tại Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tài sản trên đất chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.

2.4 Các cơ quan, tổ chức và các cá nhân đang ở, kinh doanh, sinh sống, quản lý các tài sản thế chấp trên dưới mọi hình thức phải di dời để thi hành án.

Các cá nhân, doanh nghiệp đang quản lý khu đất trên có tài sản hình thành từ vốn vay (mục 2.3) có trách nhiệm tạo điều kiện để Ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý phát mại tài sản thế chấp Trường hợp, nếu số tiền phát mại tài sản không đủ để thanh toán thì Công ty TNHH G7 tiếp tục có nghĩa vụ trả hết nợ số tiền còn thiếu cho Ngân hàng PT .

3. Về án phí:

Công ty TNHH G7 phải chịu tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 113.000.000 đồng và 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Được trừ vào 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 20338 của Chi cục thi hành án dân sự huyện ML , còn phải nộp 113.000.000 đồng Hoàn trả Ngân hàng PT số tiền tạm ứng án phí 56.000.000đ (năm mươi sáu triệu đồng), theo biên lai tạm ứng án phí số 0009437 ngày 28/2/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện ML .

Sung công quỹ Nhà nước 56.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố mà Công ty TNHH G7 đã nộp theo biên lai tạm ứng án phí số 0020109 ngày 10/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện ML .

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 04/10/2022 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

737
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 181/2022/KDTM-PT

Số hiệu:181/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 04/10/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về