Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 102/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 102/2023/KDTM-PT NGÀY 26/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong ngày 26/5/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 32/KTPT ngày 15/2/2023 về tranh chấp hợp đồng tín dụng do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 54/2022/KDTM-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 175/2023/QĐXX - PT ngày 05/4/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 228/2023/QĐPT- KDTM ngày 26/4/2023, giữa:

Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP SGCT Trụ sở: …………….. Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: ông Vũ Quang L, Chủ tịch HĐQT. Người đại diện theo ủy quyền: ông Nghiêm Phú D, Giám đốc Ngân hàng TMCP SGCT (theo giấy ủy quyền số 269/GUQ -SGB ngày 07/10/2021) và ông Nguyễn Đình T đại diện ủy quyền tham gia tố tụng theo Giấy ủy quyền số 05/GUQ/CNHN-2022 ngày 18/01/2022. SaigonBank là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông D và ông T có mặt tại phiên tòa.

Bị đơn: Công ty TNHH CC Trụ sở: …… quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Thị P, Giám đốc. Bà P thường trú tại ….. phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1962. Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị S là bà Đỗ Thị Thao H, sinh năm 1970, địa chỉ …. quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Bà H có văn bản trình bày ý kiến và xin vắng mặt tại phiên tòa.

2. Bà Nguyễn Thị Kim O, sinh năm 1965, chị Vũ Hồng V, sinh năm 1996;

3. Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1968;

4. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1957 (đã mất ngày 27/9/2020). Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông S là anh Nguyễn Trung P, sinh năm 1982;

5. Anh Nguyễn Trung P, sinh năm 1982;

6. Chị Nguyễn Thị Mai T, sinh năm 1978 (vợ của ông Đ);

7. Chị Nguyễn Thị Hồng N, sinh năm 1973;

8. Cháu Nguyễn Đức A, sinh năm 2010 và cháu Nguyễn Tuấn T, sinh năm 2015 (con của anh Đ) do ông Nguyễn Văn Đ và bà Nguyễn Thị Mai T làm người đại diện hợp pháp;

9. Chị Vũ Hồng V, sinh năm 1996 (con gái bà O).

Các đương sự trên đều thường trú tại …. phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

10. Chị Chu Thị N, sinh năm 1988, thường trú tại …., phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

11. Phòng công chứng số …. TP Hà Nội, trụ sở tại ………., phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 09/06/2008, Ngân hàng TMCP SGCT (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) và Công ty TNHH CC (sau đây gọi tắt là bị đơn) ký Hợp đồng tín dụng số 502/2008/HĐTDTL-DN (sau đây gọi tắt là Hợp đồng tín dụng số 502) và ngày 07/11/2008 ký Hợp đồng tín dụng sửa đổi, bổ sung số 502A/HĐTDTL-DN/SĐBS (sau đây gọi tắt là Hợp đồng tín dụng số 502A) để bị đơn vay của nguyên đơn số tiền là 7 tỷ đồng. Mục đích mua bán kinh doanh đường mía, lãi suất cho vay là 1,5%/ tháng, phạt chậm trả đối với nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Theo Giấy nhận nợ số 502/2008 ngày 09/06/2008 và Giấy nhận nợ sửa đổi, bổ sung số 502A/2008 ngày 07/11/2008, nguyên đơn đã giải ngân cho bị đơn số tiền 7 tỷ đồng, Thời hạn vay 06 tháng kể từ ngày 09/6/2008 đến ngày 09/12/2008. Theo quy định của Hợp đồng tín dụng và Giấy nhận nợ thì bị đơn có nghĩa vụ thanh toán lãi phát sinh vào cuối mỗi tháng và nợ gốc đến hạn chậm nhất vào ngày 09/12/2008. Trong tổng số tiền 7 tỷ đồng nêu trên có 6 tỷ đồng được bảo đảm bằng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số …. phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107275140 hồ sơ gốc số 6236.2002.QĐUB/25482.2002 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 10/9/2002. Đăng ký tại Sở Địa chính nhà đất TP Hà Nội ngày 29/8/2002. Theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất của người thứ ba số 10991.07 ký ngày 09/10/2007, và Phụ lục hợp đồng thế chấp ngày 07/11/2008 do Công chứng viên Phòng công chứng số 1 TP Hà Nội chứng nhận. Trị giá tài sản bảo đảm là 6 tỷ đồng. Thời hạn thế chấp là 10 năm và 1 tỷ đồng được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là 424 tấn hạt nhựa nguyên sinh các loại nhập khẩu theo 03 tờ khai hàng hoá nhập khẩu số 1093 đăng ký ngày 25/01/2008, số 2685 đăng ký ngày 12/02/2008, số 1980 đăng ký ngày 15/02/2008, theo Hợp đồng thế chấp số 7401.08 ký ngày 03/06/2008 do Phòng công chứng số 1 TP Hà Nội chứng nhận. Trị giá tài sản bảo đảm là 10 tỷ đồng, thời hạn thế chấp là 01 năm. Trong phạm vi vụ kiện này nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án xử buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền nợ gốc là 6 tỷ đồng và nợ lãi phát sinh của dư nợ gốc đối với số tiền này. Cụ thể tính đến ngày 30/9/2022 với số tiền nợ gốc là 6 tỷ đồng, lãi trong hạn là 220.206.713 đồng, lãi quá hạn là 22.693.500.000 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 28.913.706.713 đồng Trong trường hợp bị đơn không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên phát mại tài sản thế chấp là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại .....mang tên bà Nguyễn Thị S với dư nợ gốc là 6 tỷ đồng và nợ lãi phát sinh cho dư nợ gốc đối với số tiền này. Ngoài ra, nguyên đơn không yêu cầu xử lý tài sản là 100 tấn hạt nhựa vì sau khi thế chấp tài sản bảo đảm này cho bị đơn quản lý, S đó bà  P Giám đốc của bị đơn đã bán số hạt nhựa này.

Bị đơn do bà Nguyễn Thị P làm đại diên theo pháp luật trình bày:

Bị đơn và nguyên đơn có ký Hợp đồng tín dụng số 502 và Hợp đồng tín dụng số 502A đúng như nguyên đơn trình bày. Đối với khoản vay tại nguyên đơn, có 2 tài sản bảo đảm, một là 424 tấn hạt nhựa trị giá 10 tỷ đồng để đảm bảo cho khoản vay 5 tỷ đồng hai là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhà số .....trị giá 2.860.000.000 đồng để bảo đảm cho khoản vay 2 tỷ đồng. Ngày 07/11/2008, nguyên đơn và bị đơn có đề nghị bà S ký tiếp Phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản để nâng giá trị tài sản của gia đình bà S lên thành 6 tỷ đồng và bảo đảm cho khoản vay 6 tỷ đồng của bị đơn. Đối với việc ký lại Phụ lục Hợp đồng thế chấp này, bà gọi bà S đến và nhờ bà S ký giúp để bổ sung vào hồ sơ tín dụng cho đầy đủ. Bị đơn cũng như cán bộ nguyên đơn và Công chứng viên lúc đó tại Phòng công chứng cũng không giải thích, không thông báo, không cho biết việc nâng giá trị tài sản nhà tại số .....lên thành 6 tỷ đồng và đảm bảo cho khoản vay 6 tỷ đồng của bà S. Sau khi bà S ký Hợp đồng thế chấp, công chứng chứng thực xong, việc vay tiền và giải ngân giữa nguyên đơn với bị đơn như thế nào, bà không nói cho bà S được biết. Còn nguyên đơn có thông báo cho bà S biết hay không thì bà không biết. Nay do hoàn cảnh khó khăn, bị đơn chưa có điều kiện để trả nợ ngay cho nguyên đơn được. Bị đơn xác nhận khoản nợ nêu trên tại nguyên đơn và đề nghị nguyên đơn tạo điều kiện để bị đơn có thời gian hoạt động kinh doanh, trả nợ dần cho nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị S và người đại diện theo ủy quyền của bà S trình bày:

Ngày 09/10/2007, bà S có ký Hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhà số .....trị giá 2.860.000.000 đồng để bảo đảm cho khoản vay 2 tỷ đồng của bị đơn tại nguyên đơn. Hợp đồng thế chấp này đã được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau khi bà S ký Hợp đồng thế chấp, công chứng chứng thực xong, việc vay, giải ngân giữa nguyên đơn và bị đơn như thế nào thì bà S không được biết. Ngày 07/11/2008, nguyên đơn và bị đơn có đề nghị bà S ký tiếp Phụ lục Hợp đồng thế chấp. Sau này bà S mới được biết Phụ lục Hợp đồng thế chấp này đã nâng giá trị tài sản của gia đình lên thành 6 tỷ đồng và đảm bảo cho khoản vay này của bị đơn. Tuy nhiên, Phụ lục Hợp đồng thế chấp được ký lại này không được đăng ký giao dịch bảo đảm. Khi nguyên đơn khởi kiện bị đơn tại Tòa án thì bà S mới biết về việc vay nợ của bị đơn tại nguyên đơn. Trong cùng một ngày 07/11/2008, giữa các bên nguyên đơn, bị đơn và bà S đã lập và ký các Biên bản định giá nâng giá trị tài sản bảo đảm nhà .....từ 2.860.000.000 đồng lên 6 tỷ đồng, lập và ký Phụ lục hợp đồng thế chấp, lập và ký Phụ lục hợp đồng tín dụng, bị đơn có văn bản xin giải chấp 342 tấn hạt nhựa, nguyên đơn ra văn bản chấp nhận giải chấp. Đây là một việc làm bất bình thường vì trong một ngày mà các bên có nhiều quyết định như vậy. Sau khi cho vay một thời gian ngắn đến tháng 10/2008, bị đơn không thể tiếp tục trả nợ được, bà  P giám đốc chuẩn bị bị tạm giam, mà nguyên đơn vẫn cho giải chấp số lượng 342 tấn hạt nhựa và tăng giá trị nhà của bà S lên 6 tỷ đồng và 100 tấn hạt nhựa còn lại là để cho phù hợp với giá trị tài sản để bảo đảm số tiền 7 tỷ đồng như Hợp đồng tín dụng đã ký, tăng giá trị tài sản bảo đảm lên nếu bị đơn không trả được nợ thì ngôi nhà của bà S có giá trị lớn và bảo đảm cho toàn bộ khoản vay. Việc bà S ký Hợp đồng thế chấp ngày 07/11/2008 không được bị đơn và cán bộ nguyên đơn giải thích rõ ràng mà chỉ bảo với bà S là cần phải ký lại. Bà S tin bà  P và tin vào uy tín của cán bộ nguyên đơn, hơn nữa bà S cho rằng, theo trình tự của nguyên đơn nếu tăng giá trị nhà đất thì cũng phải thông báo cho gia đình biết để cho bà và gia đình cũng biết giá trị nhà đất của mình là bao nhiêu tiền nhưng trên thực tế nguyên đơn không đến nhà bà để xem xét, thẩm định. Năm 2007, định giá của nguyên đơn đối với tài sản của bà S tại 335 Bạch Mai là 2.860.000.000 đồng, tuy nhiên chỉ sau một năm, cũng vẫn tài sản này đã được nguyên đơn tăng giá lên gấp 3 (ba) lần tức là 6 tỷ đồng trong khi đó không nêu rõ căn nhà tăng giá do xây dựng thêm hay do biến động giá. Hiện tại nhà đất thế chấp này có 3 gia đình đang sinh sống. Nguồn gốc là do gia đình bà S thuê của Nhà nước và được mua lại theo chủ trương chính sách của nhà nước. Tiền mua lại diện tích nhà đất này là của cả gia đình cùng góp tiền mua. Để thuận lợi cho việc làm sổ đỏ, gia đình đã thống nhất để mình bà S đứng tên. Việc xây dựng căn nhà này cũng là cả nhà góp tiền chứ không phải là tiền của cá nhân bà S. Nhà của gia đình bà S tại .....được xây dựng từ năm 2001, xây 4 tầng. Thời điểm năm 2007, khi ký Hợp đồng thế chấp bảo lãnh cho khoản vay của bị đơn, căn nhà này không được sửa chữa, cơi nới gì thêm. Sau thời điểm tháng 10/2007, cho đến khi bà S ký Phụ lục hợp đồng thì căn nhà này vẫn nguyên trạng như vậy.

Nay nguyên đơn yêu cầu gia đình bà S phải chấp nhận tài sản của bà S bảo đảm cho khoản vay 6 tỷ đồng nợ gốc của bị đơn tại nguyên đơn thì bà S không đồng ý.

Việc bà S ký Phụ lục hợp đồng thế chấp ngày 07/11/2008 là do bà không được bị đơn và cán bộ nguyên đơn giải thích rõ ràng, Công chứng viên không giải thích rõ nội dung, bà S cũng không đọc kỹ lại hợp đồng. Hơn nữa, Phụ lục hợp đồng này không được đăng ký giao dịch bảo đảm. Bà S chỉ chịu trách nhiệm bảo lãnh cho bị đơn số tiền 2 tỷ đồng nợ gốc tại nguyên đơn theo đúng nội dung của Hợp đồng thế chấp ngày 09/10/2007.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Kim O, ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Mai T, ông Nguyễn Trung P, bà Nguyễn Thị Hồng N, chị Vũ Hồng V cùng thống nhất trình bày:

Ngôi nhà số ….. hiện nay có 3 gia đình đang sinh sống. Nguồn gốc nhà đất là do gia đình thuê của Nhà nước và được mua lại theo Nghị định số 61/CP. Tiền mua lại diện tích nhà đất này là của cả gia đình cùng góp tiền mua. Để thuận lợi cho việc làm sổ đỏ, gia đình đã thống nhất để một mình bà S đứng tên. Việc xây dựng căn nhà này cũng là cả nhà góp tiền chứ không phải là tiền của cá nhân bà S. Việc bà S mang tài sản chung của cả gia đình đi thế chấp bảo lãnh cho khoản vay của bị đơn, mọi người đều không được biết. Bà S cũng không bàn bạc, trao đổi với mọi người về việc này. Sau khi nguyên đơn khởi kiện buộc bà S và gia đình phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bị đơn thì bà S mới nói lại toàn bộ sự việc cho gia đình chúng tôi được biết. Chúng tôi cũng thống nhất với ý kiến của bà S là nếu bà S đã ký bảo lãnh cho bị đơn thì bà S phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng thế chấp ngày 09/10/2007 đối với căn nhà số .....trị giá 2.860.000.000 đồng bảo đảm cho khoản vay 2 tỷ đồng nợ gốc của bị đơn tại nguyên đơn thì chúng tôi chấp nhận và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, với bản Phụ lục Hợp đồng ngày 07/11/2008 nâng giá trị tài sản là nhà số .....của gia đình chúng tôi lên thành 6 tỷ đồng thì chúng tôi không chấp nhận vì không đúng quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Chu Thị N trình bày:

Năm 2015, bà có thuê cửa hàng tại …. có diện tích khoảng 8 m2, giá thuê mỗi tháng 9 triệu đồng. Các bên không làm hợp đồng thuê nhà mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Sau khi thuê bà chỉ mua sắm đồ dùng như bàn ghế, tủ kính... phục vụ kinh doanh. Bà không cải tạo sửa chữa gì liên quan đến cửa hàng và nhà đất của bà S. Trong trường hợp phải xử lý tài sản là nhà đất của gia đình bà S thì bà không có ý kiến gì và chấp hành các quyết định của Tòa án. Bà xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Phòng công chứng số ...TP Hà Nội trình bày:

Về trình tự thủ tục công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản số 10991.07 ngày 09/10/2007 và Phụ lục hợp đồng thế chấp số công chứng 10991.07 ngày 07/11/2008 do Công chứng viên Phòng công chứng số .... TP Hà Nội công chứng là đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định tại thời điểm chứng nhận.

Thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện bị đơn vào năm 2010 thì vụ án thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2011/KDTM- ST ngày 21/01/2011 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn. Buộc bị đơn phải trả nguyên đơn số tiền nợ gốc là 7 tỷ đồng, nợ lãi là 4.328.003.224 đồng (tính đến ngày 21/01/2011). Tổng cộng là 11.328.003.224 đồng.

Xác nhận Hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số nhà .....thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị S ký ngày 09/11/2007 có hiệu lực, chỉ đảm bảo cho khoản vay gốc là 2 tỷ đồng và khoản lãi cho đến khi xét xử sơ thẩm là 1.236.573.349 đồng. Tổng cộng cả hai khoản là 3.236.572.349 đồng.

Trường hợp bị đơn không thanh toán trả cho nguyên đơn số nợ 11.217.753.224 đồng hoặc bà Nguyễn Thị S không trả thay được số tiền 3.236.572.349 đồng thì nguyên đơn có quyền đề nghị Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội tiến hành phát mại tài sản đảm bảo là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở để thu hổi số tiền mà bà S có trách nhiệm trả thay cho bị đơn theo Hợp đồng thế chấp ngày 09/11/2007 số tiền là 3.326.572.349 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đề nghị xử lý phát mại tài sản là nhà số .....để thu hồi nợ gốc của bị đơn vay là 6 tỷ đồng và khoản lãi, tổng cộng là 9.709.717.049 đồng. Ngày 25/01/2011, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Ngày 28/01/2011, bà Nguyễn Thị S có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm bà S rút kháng cáo.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 203/2011/KDTM-PT ngày 19/10/2011, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị S. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về Hợp đồng tín dụng số 502.

Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn theo Hợp đồng tín dụng số 508 tổng số tiền là 11.328.003.224 đồng, trong đó nợ gốc là 7 tỷ đồng, nợ lãi tính đến ngày 21/01/2011 là 4.328.003.224 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

Xác nhận Hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở tại số .....thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị S và Phụ lục hợp đồng thế chấp số 10991.07 đảm bảo cho khoản vay gốc là 6 tỷ đồng và khoản lãi tính đến ngày 21/01/2011 là 3.709.717.049 đồng. Tổng cộng hai khoản là 9.709.717.049 đồng.

Trong trường hợp bị đơn không thanh toán trả cho nguyên đơn số nợ là 11.328.003.224 đồng hoặc bà S không trả thay được số tiền 9.709.717.049 đồng thì nguyên đơn có quyền đề nghị Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội xử lý phát mại tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số .....để thu hồi nợ gốc của bị đơn vay nguyên đơn là 6 tỷ đồng và khoản lãi tính đến ngày 21/01/2011 là 3.709.717.049 đồng. Tổng cộng hai khoản là 9.709.717.049 đồng.

Ngày 09/5/2013, bà Nguyễn Thị S có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 203/2011/KDTM-PT ngày 19/10/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 08/2015/KDTM-GĐT ngày 07/5/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định:

Hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 203/2011/KDTM-PT ngày 19/10/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2011/KDTM-ST ngày 21/01/2011 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Với các lý do là các bên ký Phụ lục hợp đồng thế chấp được công chứng, nhưng không đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Các điều khoản trong hợp đồng thế chấp đã được sửa đổi trong Phụ lục hợp đồng cả về tài sản thế chấp và quyền lợi của các bên. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Phụ lục hợp đồng không phải đăng ký giao dịch lại và buộc bà S có trách nhiệm đối với toàn bộ khoản vay 6 tỷ đồng và lãi theo phụ lục hợp đồng thế chấp là không đúng. Đối với việc bảo lãnh của bà S, tại thời điểm năm 2007 nhà đất tại số .....được định giá 2.860.000.000 đồng để bảo đảm cho khoản vay 2 tỷ đồng, năm 2008 nhà đất này được định giá lên 6 tỷ đồng và bảo đảm cho khoản vay 6 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 01 năm giá trị nhà đất này (tài sản thế chấp) tăng trên 02 lần. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ việc tăng giá trị tài sản thế chấp này là do giá đất tăng hay do có sự thay đổi, bổ sung tài sản thế chấp từ nhà gạch 01 tầng, diện tích sử dụng 31,9 m2 sang nhà bê tông 04 tầng, diện tích 150,2 m2. Chưa làm rõ cùng một ngày nguyên đơn đã giải chấp 324 tấn hạt nhựa mà bị đơn đã thế chấp, liền sau đó định giá lại tài sản thế chấp của bà S lên 6 tỷ đồng, ký Phụ lục hợp đồng thế chấp với bà S để bảo lãnh cho khoản vay 6 tỷ đồng thì bà S có biết việc giải chấp 324 tấn hạt nhựa của nguyên đơn hay không, để xác định có việc giữa nguyên đơn và bị đơn câu kết với nhau nhằm đẩy hết trách nhiệm trả nợ cho bà S (người bảo lãnh) hay không. Giả thiết phụ lục hợp đồng thế chấp là hợp pháp thì việc bà S thế chấp nhà đất bảo lãnh cho khoản vay 6 tỷ đồng, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc bà S phải trả cả gốc, lãi hơn 9 tỷ đồng có đúng không, vấn đề này cũng cần làm rõ. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì nguyên đơn chỉ được cho vay 70- 75% trị giá tài sản thế chấp, tài sản thế chấp của bà S được xác định có trị giá 6 tỷ đồng nhưng nguyên đơn cho vay 6 tỷ đồng là bằng 100% giá trị tài sản thế chấp. Như vậy, nguyên đơn đã làm sai và trái với nguyên tắc cho vay thì trách nhiệm của nguyên đơn như thế nào. Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cần xác minh làm rõ những vấn đề trên, nếu xác định có hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay thì tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Công an có thẩm quyền để xử lý về hình sự.

Ngày 07/5/2015, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thụ lý lại vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 26/2015/TLST- KDTM. Ngày 16/5/2016, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại đến Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 06/10/2016, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án, sau đó nguyên đơn rút đơn khởi kiện, do vậy Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã đình chỉ giải quyết vụ án. Sau khi rút đơn khởi kiện nguyên đơn nộp lại đơn khởi kiện. Ngày 11/6/2020, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng thụ lý vụ án theo trình tự sơ thẩm.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 54/2022/KDTM- ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

2. Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tổng cộng số tiền cả gốc và lãi tính đến ngày 30/9/2022 là 21.497.019.213 đồng. Trong đó nợ gốc là 6 tỷ đồng, lãi trong hạn là 257.456.713 đồng và lãi quá hạn là 15.239.562.500 đồng.

3. Không chấp nhận số tiền lãi quá hạn theo yêu cầu của nguyên đơn là 7.453.937.500 đồng.

4. Kể từ ngày 01/10/2022, bị đơn còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thoả thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của nguyên đơn thì lãi suất mà bị đơn phải tiếp tục thanh toán cho nguyên đơn theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của nguyên đơn cho vay.

5. Trường hợp bị đơn không trả được nợ cho nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp sau để thu hồi nợ là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số .....của bà Nguyễn Thị S. Phạm vi số tiền phải thu hồi từ việc phát mại tài sản này là 2 tỷ đồng nợ gốc và số tiền nợ lãi tạm tính đến ngày 30/9/2022 là 4.946.477.546 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi trong phạm vi bảo đảm của tài sản bảo đảm này tính đến ngày 30/9/2022 là 6.946.477.546 đồng cùng toàn bộ lãi phát sinh trên dư nợ gốc kể từ ngày 01/10/2022 với mức lãi suất quá hạn các bên đã thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ trong phạm vi bảo đảm.

6. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đề nghị xử lý tài sản là nhà đất tại số .....để thu hồi nợ của bị đơn phạm vi bảo đảm với số nợ gốc là 6 tỷ đồng và lãi phát sinh.

7. Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp thì những người có hộ khẩu và những người không có hộ khẩu nhưng thực tế đang sinh sống trên đất có nghĩa vụ phải thi hành quyết định này.

8. Trong trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên, nguyên đơn kháng cáo một phần Bản án và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm:

1. Buộc bị đơn phải trả ngay cho nguyên đơn số tiền (tạm tính đến ngày 30/9/2022) như sau: nợ gốc 6 tỷ đồng, nợ lãi 22.913.706.713 đồng. Tổng cộng 28.913.706.713 đồng. Tiếp tục trả các khoản lãi, phạt chậm trả, chi phí phát sinh khác kể từ ngày 30/9/2022 đến khi trả hết nợ. Thanh toán ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

2. Trong trường hợp bị đơn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên, xử lý toàn bộ tài sản thế chấp là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 335 Bạch Mai của bà Nguyễn Thị S để thu hồi nợ. Tài sản thế chấp nêu trên bảo đảm cho số tiền nợ gốc 6 tỷ đồng và lãi phát sinh.

3. Trường hợp sau khi bán tài sản bảo đảm mà không đủ thanh toán số tiền vốn gốc nợ vay, tiền lãi vay, lãi phạt có liên quan, chi phí Tòa án, chi phí phát mãi tài sản thì bị đơn có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số tiền còn thiếu.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu khởi kiện và trình bày:

Việc ký phụ lục hợp đồng thế chấp nâng giá trị của tài sản thế chấp từ 2.860.000.000 đồng lên 6 tỷ đồng, theo quy định của pháp luật thì nguyên đơn không phải đăng ký lại theo Thông tư 05/2011/TT-BTP về đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngày 02/2/2014, nguyên đơn có văn bản hỏi Cục giao dịch có bảo đảm và đã được trả lời vào ngày 27/11/2014 là không phải đăng ký giao dịch bảo đảm lại.

Việc nguyên đơn và bà S ký lại phụ lục hợp đồng, nâng giá trị tài sản lên và cho bị đơn rút tài sản thế chấp là hoạt động bình thường của ngân hàng. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét phần kháng cáo này của nguyên đơn.

Đối với kháng cáo phần Bản án sơ thẩm không chấp nhận số tiền phạt chậm trả lãi theo yêu cầu của nguyên đơn là 7.453.937.500 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vì nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận trong hợp đồng về khoản tiền này.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và sửa Bản án sơ thẩm.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị S là bà Đỗ Thị Thao Hà có đơn xin vắng mặt và gửi văn bản trình bày:

Bà Nguyễn Thị S giữ nguyên các lời khai/lời trình bày của bà tại cấp sơ thẩm. Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét, bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên các quyết định của Bản án cấp sơ thẩm vì những lý do sau đây:

Ngày 9/10/2007, bà Nguyễn Thị S có ký hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhà số 335 Bạch Mai trị giá 2.860.000.000 đồng bảo đảm cho khoản vay 2 tỷ đồng của bị đơn tại nguyên đơn. Hợp đồng thế chấp này đã được công chứng, chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Sau khi bà S ký hợp đồng thế chấp, công chứng chứng thực xong, việc vay, giải ngân giữa nguyên đơn và bị đơn như thế nào bà S không được biết.

Ngày 07/11/2008, nguyên đơn và bị đơn có đề nghị bà S ký tiếp Phụ lục hợp đồng thế chấp. Tại Phụ lục hợp đồng thế chấp này đã nâng giá trị tài sản của gia đình bà S lên thành 6 tỷ đồng và đảm bảo cho khoản vay 6 tỷ đồng của bị đơn. Tuy nhiên, Phụ lục hợp đồng thế chấp được ký lại này không được đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hợp đồng thế chấp ngày 09/10/2007 có thời hạn 10 năm, mặc dù chưa hết thời hạn 10 năm nhưng tại Phụ lục hợp đồng ngày 7/11/2008 có sửa đổi lại Điều 3 của Hợp đồng là thời hạn được tính từ ngày ký Phụ lục. Theo quy định tại Nghị định số 163/CP về đăng ký giao dịch bảo đảm thì Phụ lục hợp đồng của bà S với nguyên đơn được sửa đổi cả về đối tượng, về thời hạn hiệu lực của Hợp đồng cũng như về nghĩa vụ đảm bảo từ 2 tỷ lên 6 tỷ. Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc thay đổi/bổ sung tại Phụ lục hợp đồng ngày 7/11/2008 buộc phải Đăng ký lại giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký nhà đất mới hợp pháp.

Lý do bà S cho bị đơn mượn sổ đỏ, theo bà S cho biết, bà S và bà  P là Giám đốc bị đơn là chị em kết nghĩa. Bà S gọi bà Cát là mẹ đẻ bà  P là mẹ nuôi. Khi bà  P mượn sổ của gia đình bà S, vì là chị em kết nghĩa nên bà S cho mượn. Theo bà  P nói, việc mượn sổ đỏ nhằm mục đích nâng cấp tài sản của bị đơn để nâng cao hạn mức khoản vay và bất kỳ lúc nào bà S muốn lấy lại sổ đỏ đều được. Bà S và các thành viên trong gia đình bà S không được bà  P cho vay lại.

Việc bà S ký Hợp đồng thế chấp ngày 7/11/2008 không được bà P và cán bộ Ngân hàng giải thích rõ ràng mà chỉ bảo với bà S là cần phải ký lại. Bà S tin bà P và tin vào uy tín của cán bộ Ngân hàng, hơn nữa bà S cho rằng, theo trình tự của Ngân hàng nếu tăng giá trị nhà đất thì cũng phải thông báo cho gia đình biết để cho bà và gia đình cũng biết giá trị nhà đất của mình là bao nhiêu tiền nhưng trên thực tế nguyên đơn không đến nhà bà để xem xét, thẩm định.

Nguyên đơn yêu cầu gia đình bà S phải chấp nhận tài sản của bà S đảm bảo cho khoản vay 6 tỷ đồng của bị đơn thì bà S không đồng ý. Việc bà S ký Phụ lục hợp đồng thế chấp ngày 7/11/2008 mà không được bị đơn, cán bộ Ngân hàng, Công chứng viên giải thích rõ nội dung. Hơn nữa, ngoài tài sản của bà S là căn nhà 335 Bạch Mai, để đảm bảo cho khoản vay trên của bị đơn tại nguyên đơn còn có tài sản khác là 424 tấn hạt nhựa trị giá 10 tỷ đồng để đảm bảo cho khoản vay 5 tỷ của bị đơn. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, làm rõ tại sao nguyên đơn lại đồng ý cho bị đơn rút tài sản này ra đồng thời nâng khống giá trị tài sản nhà 335 Bạch Mai của bà S lên 6 tỷ đồng để ép bà S phải chịu trách nhiệm về khoản nợ 6 tỷ này hay là nguyên đơn thông đồng với bị đơn để đẩy trách nhiệm trả toàn bộ khoản vay cho bà S.

Năm 2007, định giá của nguyên đơn đối với tài sản của bà S tại số 335 Bạch Mai là 2.860.000.000 đồng, tuy nhiên chỉ sau 1 năm, cũng vẫn tài sản đấy đã được nguyên đơn tăng giá lên gấp hơn hai lần là 6 tỷ đồng trong khi đó không nêu rõ căn nhà tăng giá do xây dựng thêm hay do biến động giá.

Nhà số 335 Bạch Mai hiện có 3 gia đình đang sinh sống. Nguồn gốc là do gia đình bà S thuê của nhà nước và được mua lại theo Nghị định số 61/CP. Tiền mua lại diện tích nhà đất này là của cả gia đình cùng góp tiền mua. Để thuận lợi cho việc làm sổ đỏ, gia đình đã thống nhất để mình bà S đứng tên. Việc xây dựng căn nhà này cũng là cả nhà góp tiền chứ không phải là tiền của cá nhân bà S.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: kháng cáo của nguyên đơn trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, nguyên đơn đã thực hiện đúng các quyền tố tụng quy định của pháp luật, đã được trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về nội dung kháng cáo: nguyên đơn kháng cáo về khoản tiền chậm trả lãi và giá trị bảo đảm đã được các cấp Tòa án xem xét đầy đủ và đúng quy định của pháp luật nên không có cơ sở để chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Nguyên đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả trình bày của nguyên đơn tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguyên đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn là hợp lệ.

Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Nguyên đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng:

1. Buộc bị đơn phải trả ngay cho nguyên đơn số tiền (tạm tính đến ngày 30/9/2022) như sau: nợ gốc 6 tỷ đồng, nợ lãi 22.913.706.713 đồng. Tổng cộng 28.913.706.713 đồng và tiếp tục trả các khoản lãi, phạt chậm trả, chi phí phát sinh khác kể từ ngày 30/9/2022 đến khi trả hết nợ. Thanh toán ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

2. Trong trường hợp bị đơn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại toàn bộ tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bị đơn. Tài sản bị kê biên và phát mại là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số .....để bảo đảm cho số tiền nợ gốc 6 tỷ đồng và lãi phát sinh.

3. Trường hợp sau khi bán tài sản bảo đảm mà không đủ thanh toán số tiền vốn gốc nợ vay, tiền lãi vay, lãi phạt có liên quan, chi phí Tòa án, chi phí phát mãi tài sản thì bị đơn có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số tiền còn thiếu.

Hội đồng xét xử thấy Bản án sơ thẩm đã tuyên về phần nợ gốc và nợ lãi của bị đơn đúng theo thỏa thuận mà hai bên đã ký trong Hợp đồng tín dụng, đây là hợp đồng có thỏa thuận điều chỉnh lãi theo từng thời kỳ, Tòa án sơ thẩm đã tính toán và điều chỉnh lãi như vậy là chính xác nên phần kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán thêm là 7.453.937.500 đồng là không có căn cứ để chấp nhận.

Đối với kháng cáo của nguyên đơn đề nghị Tòa án phúc thẩm chấp nhận cho xử lý tài sản bảo đảm để bảo đảm cho dư nợ 6 tỷ đồng của bị đơn và lãi phát sinh, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ mới và vấn đề này đã được Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao xem xét tại Quyết định giám đốc thẩm số 08/2015/KDTM- GĐT ngày 07/5/2015 nên kháng cáo này của nguyên đơn không có căn cứ để chấp nhận.

Về nội dung kháng cáo là trường hợp sau khi bán tài sản bảo đảm mà không đủ thanh toán số tiền nợ gốc, tiền lãi vay, lãi phạt có liên quan, chi phí Tòa án, chi phí phát mãi tài sản thì bị đơn có trách nhiệm tiếp tục thanh toán số tiền còn thiếu. Hội đồng xét xử nhận thấy, trong các tranh chấp về hợp đồng tín dụng ký trước ngày 01/1/2017, thì Tòa án chỉ chấp nhận số tiền nợ gốc và nợ lãi (gồm lãi trong hạn và lãi quá hạn), nên việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả các khoản tiền lãi phạt có liên quan, chi phí Tòa án, chi phí phát mại tài sản là không có căn cứ để chấp nhận.

Đối với yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên buộc bị đơn phải trả ngay tiền sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử thấy khi Bản án có hiệu lực pháp luật nguyên đơn đã có quyền này để yêu cầu bị đơn phải trả tiền, nếu bị đơn không thanh toán cho nguyên đơn, nguyên đơn có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án thì hành Bản án theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm kinh doanh thương mại.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ:

- Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng;

- Các điều 318, 322, 323, 342, 343 và 355 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng TMCP SGCT.

2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 54/2022/KDTM- ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng.

3. Về án phí phúc thẩm:

Ngân hàng TMCP SGCT phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 12831 ngày 19/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

115
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 102/2023/KDTM-PT

Số hiệu:102/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 26/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về