TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 05/2022/KDTM-PT NGÀY 14/06/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ TRANG TRẠI CHĂN NUÔI
Trong các ngày 09 và 14 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 01/2022/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 02 năm 2022 về việc “tranh chấp hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi”.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 18/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2022/QĐ-PT ngày 10/5/2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần A; địa chỉ: Phường W, Quận R, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thạch Thùy T; địa chỉ liên lạc: Phường S, quận M, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền theo Văn bản ủy quyền ngày 29/11/2021, có mặt.
2. Bị đơn: Bà Phạm Nguyễn Kim H – Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C, sinh năm 1997; địa chỉ cư trú của bà H: Khu phố K, phường X, thị xã Y, tỉnh Bình Dương; địa chỉ Hộ kinh doanh Trang trại C: xã Z, huyện U, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Lê Vinh Thái H, sinh năm 1975, địa chỉ: Phường D, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh (theo Giấy ủy quyền ngày 26/4/2022), có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: ông Đoàn Đình M, là Luật sư của Văn phòng Luật sư ĐN – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Phường H, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án.
3. Người kháng cáo:
3.1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần A.
3.2. Bị đơn: Bà Phạm Nguyễn Kim H – Chủ hộ kinh doanh Trang trại C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm:
* Tại đơn khởi kiện ngày 24/9/2020 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 14/11/2018, Công ty Cổ phần A (sau đây gọi tắt là Công ty A) và Hộ kinh doanh Trang trại C (sau đây gọi tắt là Trang trại C) ký kết Hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi số 03/HDDV/FARM ngày 14/11/2018 (sau đây gọi tắt là Hợp đồng). Theo đó, Trang trại C có trách nhiệm đầu tư xây dựng toàn bộ các công trình, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; xây dựng và vận hành khu xử lý nước thải; thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để Công ty A được cấp phép và duy trì hoạt động chăn nuôi đàn heo quy mô 13.200 con tại các thửa đất số 456, 457, 197, 250, tờ bản đồ số 46 thuộc ấp P, xã TĐ, huyện U, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thuê là 12 năm, giá thuê trang trại có 02 giai đoạn gồm: Giai đoạn một giá thuê là 510.000.000 đồng/tháng và giai đoạn hai là 830.000.000 đồng/tháng, tiền đặt cọc là 2.490.000.000 đồng. Ngày 28/01/2019 và 06/3/2019 nguyên đơn đã chuyển toàn bộ số tiền cọc cho bị đơn. Từ ngày Hợp đồng có hiệu lực 14/11/2018 đến ngày 31/01/2020 Công ty A đã thanh toán 6.261.000.000 đồng tiền thuê trang trại cho bị đơn.
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, Trang trại C nhiều lần bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra vào các ngày 27/5/2019, ngày 20/8/2019 và ngày 17/9/2019, kết quả kiểm tra xác định Trang trại C chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý (không có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hoạt động chăn nuôi), chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường. Công ty A đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt ba lần đối với các hành vi trên với tổng số tiền 1.557.555.996 đồng. Toàn bộ số tiền này đã được Công ty A đóng theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/10/2019, Công ty A và Trang trại C đã họp và cùng thống nhất nội dung: “Tiền phạt vi phạm môi trường cho cơ quan nhà nước C cam kết chuyển cho Công ty A đóng trong thời hạn theo quyết định xử phạt. Nếu không, A đóng trước cấn trừ vào tiền thuê trại, tính lãi 10%/năm cho C trong thời gian C không trả đúng cam kết theo quyết định xử phạt”. Ngoài nội dung trên, hai bên còn thỏa thuận giá tiền thuê trại sẽ giảm từ 830.000.000/tháng xuống còn 415.000.000 đồng/tháng từ ngày 01/8/2019 cho đến khi bên cho thuê hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đủ công suất như cam kết trong hợp đồng và được cơ quan nhà nước phê duyệt; nếu trang trại chăn nuôi bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo quyết định của cơ quan nhà nước thì hợp đồng thuê sẽ chấm dứt, bên cho thuê phải trả lại tiền đặt cọc cho bên thuê.
Ngày 31/01/2020, giữa Công ty A và Trang trại C đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê trang trại nêu trên vì Quyết định số 2837/QĐ-XPVPHC ngày 01/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã xử phạt bổ sung với nội dung buộc đình chỉ trang trại chăn nuôi. Hai bên đã tiến hành bàn giao tài sản thuê vào ngày 01/02/2020.
Sau khi chấm dứt hợp đồng, Công ty A đã nhiều lần liên lạc, gửi thư đề nghị Trang trại C xác nhận công nợ và yêu cầu thanh toán các khoản tiền nợ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trang trại C vẫn không thanh toán các khoản tiền còn nợ, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty A. Vì vậy, Công ty A khởi kiện yêu cầu Trang trại C thanh toán cho Công ty A các khoản tiền sau:
+ Tiền đặt cọc theo Hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi số 03/HDDV/FARM ngày 14/11/2018: 2.490.000.000 đồng.
+ Tiền điện tại khu vận hành xử lý nước thải mà Công ty A đã thanh toán thay cho Trang trại C (tháng 10/2019, tháng 11/2019, tháng 12/2019, tháng 01/2020): 82.187.600 đồng.
+ Tiền xử phạt vi phạm hành chính Công ty A đã đóng thay Trang trại C:
1.557.555.996 đồng.
Đối với các khoản tiền lãi Công ty A yêu cầu Trang trại C thanh toán các khoản tiền lãi phát sinh tính đến ngày 18/11/2021 (thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án). Cụ thể:
- Tiền lãi phát sinh từ tiền xử phạt vi phạm hành chính do Trang trại C không hoàn trả đúng thời hạn theo các quyết định xử phạt tạm tính đến ngày 18/11/2021 là 308.211.927 đồng.
- Tiền lãi do chậm thanh toán khoản tiền đặt cọc và tiền điện tại khu vận hành và xử lý nước thải, tạm tính đến ngày 18/11/2021 là 443.261.918 đồng.
Trong khoảng thời gian thuê, Trang trại C đã cung cấp cho Công ty A hoá đơn tài chính hợp pháp đối với khoản tiền thuê trang trại tháng 11/2019 với số tiền là 415.000.000 đồng nên Công ty A đồng ý cấn trừ khoản nợ này. Sau khi đã cấn trừ nghĩa vụ, Công ty A yêu cầu Trang trại C phải thanh toán tổng số tiền còn lại là 4.466.217.441 đồng.
Nguyên đơn thừa nhận trong thời gian thuê Công ty A còn thiếu tiền thuê trang trại của bị đơn số tiền 1.510.067.000 đồng. Tuy nhiên, nguyên đơn không đồng ý khấu trừ số tiền này vào nghĩa vụ của bị đơn vì đã quá 06 tháng nhưng bị đơn không xuất trình hóa đơn chứng từ hợp pháp. Mặt khác, bị đơn không có yêu cầu phản tố và không nộp tạm ứng án phí theo quy định nên Hội đồng xét xử không thể xem xét yêu cầu này của bị đơn. Nếu sau này Trang trại C có tranh chấp về số tiền này thì sẽ khởi kiện bằng một vụ kiện khác.
Bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán tiền điện và tiền vệ sinh chuồng trại sau khi bàn giao trang trại là không có căn cứ vì tiền điện là do nguyên đơn trả thay cho bị đơn trong suốt quá trình thuê, bị đơn cũng thừa nhận và đồng ý trả cho nguyên đơn số tiền điện còn thiếu nên không có việc nguyên đơn còn thiếu tiền điện của bị đơn. Đối với tiền dọn vệ sinh các bên không thỏa thuận và khi nguyên đơn giao trả trang trại bị đơn cũng không có ý kiến nào khác nên nguyên đơn không chấp nhận yêu cầu của bị đơn.
* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn về việc đồng ý trả lại nguyên đơn số tiền cọc và tiền điện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Trang trại C chưa đáp ứng được các nội dung tại Hợp đồng thuê và các quy định pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi nên đã nhiều lần bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.557.555.996 đồng. Sự thỏa thuận nội dung trong hợp đồng và thỏa thuận ngày 04/10/2019 giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật, nguyên đơn đã nộp thay bị đơn khoản tiền này nên Trang trại C có nghĩa vụ hoàn trả lại và phải thanh toán tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ.
Hợp đồng thuê trang trại đã chấm dứt và ngày 18/12/2019 Công ty A đã gửi đến Trang trại C văn bản về việc chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/01/2020. Thực tế, tại thời điểm 31/01/2020, các bên đã tiến hành bàn giao trang trại. Do đó, đã phát sinh nghĩa vụ Trang trại C hoàn trả số tiền đặt cọc, tiền điện. Mặc dù, Công ty A đã nhiều lần yêu cầu thanh toán các khoản tiền này nhưng đến nay, Trang trại C vẫn chưa thực hiện việc thanh toán. Do đó, theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, Công ty A yêu cầu Trang trại C thanh toán tiền lãi phát sinh là hoàn toàn có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả tổng số tiền là 4.466.217.441 đồng.
* Tại bản tự khai ngày 25/11/2020 và trong quá trình giải quyết vụ án đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Thống nhất với toàn bộ lời trình bày của nguyên đơn về quá trình ký kết, thực hiện và chấm dứt Hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi số 03/HDDV/FARM ngày 14/11/2018. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến như sau:
Đối với khoản tiền đặt cọc theo hợp đồng thuê là 2.490.000.000 đồng, bị đơn không đồng ý trả lại vì hai bên đều có thiệt hại khi hợp đồng chấm dứt trước thời hạn. Theo giá thuê ban đầu là 830.000.000 đồng/tháng nhưng đến ngày 04/10/2019 thì hai bên thỏa thuận giá thuê đã giảm xuống còn 415.000.000 đồng/tháng tính từ tháng 8/2019. Trang trại C đồng ý giảm số tiền thuê như đã nêu trên vì thực chất không phải giảm số tiền thuê mà số tiền đã giảm sẽ được khấu trừ vào số tiền cọc mà nguyên đơn đã đặt cọc cho bị đơn, tức là sau này khi hợp đồng chấm dứt thì bị đơn không phải trả lại tiền cọc cho nguyên đơn nữa. Từ ngày giảm tiền thuê đến ngày hợp đồng chấm dứt là 06 tháng thì số tiền thanh toán đã giảm bằng với số tiền cọc là 2.490.000.0000 đồng nên tính đến thời điểm hiện nay số tiền cọc này không còn tồn tại, bị đơn không còn nợ nguyên đơn số tiền này nên không đồng ý thanh toán và cũng không đồng ý trả tiền lãi.
Đối với số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính là 1.557.555.996 đồng, bị đơn thống nhất thanh toán lại số tiền bị xử phạt lần 1 và lần 2 là 982.777.998 đồng vào tiền thuê trang trại vì từ tháng 8/2019 phía nguyên đơn đã không thanh toán cho bị đơn. Đối với số tiền bị xử phạt lần 3 không do lỗi của bị đơn nên bị đơn không đồng ý thanh toán vì hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường là do nguyên đơn thực hiện. Bị đơn không đồng ý khoản tiền lãi phát sinh từ tiền xử phạt vi phạm hành chính vì như đã trình bày là số tiền xử phạt đã được khấu trừ vào tiền thuê trang trại từ tháng 8/2019 đến tháng 31/01/2020.
Đối với tiền điện và tiền lãi phát sinh từ tiền điện thì bị đơn sẽ thanh toán nếu đầy đủ chứng từ.
Tại phiên tòa ngày 18/11/2021 bị đơn đồng ý trả lại nguyên đơn số tiền cọc 2.400.000.000 đồng và đồng ý trả lại tiền điện tại khu vận hành xử lý nước thải mà Công ty A thanh toán thay Trang trại C (tháng 10/2019, tháng 11/2019, tháng 12/2019, tháng 01/2020) là 82.187.600 đồng. Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn cũng thừa nhận số tiền thuê trang trại còn nợ bị đơn là 1.510.067.000 đồng nên đề nghị Hội đồng xét xử cấn trừ vào số tiền nêu trên, sau khi cấn trừ nghĩa vụ phía Trang trại C sẽ đồng ý thanh toán số tiền còn lại cho nguyên đơn là 933.618.600 đồng. Đối với các khoản tiền khác bị đơn không đồng ý thanh toán theo yêu cầu của nguyên đơn. Ngoài ra, Trang trại C yêu cầu A phải thanh toán tiền điện tháng 01/2020 là 58.302.000 đồng mà Công ty A chưa trả lại cho Trang trại C và tiền công vệ sinh, tiền điện phát sinh cho việc làm vệ sinh chuồng trại là 67.200.000 đồng sau khi bên Công ty A giao trả lại trang trại.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày:
Việc nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận bị đơn phải chịu các khoản phạt vi phạm hành chính thay cho nguyên đơn là một thỏa thuận trái pháp luật nên bị vô hiệu vì Công ty A thải trực tiếp ra môi trường. Chất thải gồm các bao bì, chai lọ làm tắc nghẽn đường cống dẫn đến nước thải tràn ra ngoài không qua hệ thống xử lý. Ngay tại thời điểm lập biên bản và ra quyết định xử phạt, Trang trại C đã có ý kiến về việc Công ty A xả rác làm tắc cống xả dẫn đến nước thải tràn ra ngoài. Công ty A là người trực tiếp vi phạm pháp luật, nhưng Công ty A không thông báo kịp thời cho Trang trại C cũng như không có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị đối với các sai phạm trong quá trình lập biên bản và ra quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dẫn đến việc bị xử phạt không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Trang trại C không đồng ý chịu trách nhiệm với 03 khoản tiền phạt đối với hành vi vi phạm của Công ty A.
Đối với các khoản tiền lãi: Hợp đồng thuê trang trại đến nay vẫn chưa thanh lý, ngày 01/02/2020 hai bên mới ký biên bản bàn giao trang trại. Vì chưa ký biên bản thanh lý hợp đồng nên chưa thể xác định được cách xử lý tiền cọc như thế nào nên không thể bắt C chịu tiền lãi phát sinh từ tiền đặt cọc. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính 03 lần là lỗi của Công ty A và trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt trái với quy định pháp luật chứ không do lỗi của Trang trại C. Vì vậy, Trang trại C không chịu trách nhiệm đối với khoản lãi phát sinh từ khoản tiền phạt vi phạm hành chính của Công ty A.
Nguyên đơn cho rằng bị đơn vi phạm việc xuất trình hóa đơn là không có căn cứ bởi lẽ chính số tiền 415.000.000 đồng là tiền thuê trang trại của tháng 11/2019 đã được bị đơn xuất hóa đơn hợp pháp nhưng nguyên đơn không thanh toán đúng hạn. Số tiền thuê trang trại nguyên đơn còn thiếu của bị đơn là đương nhiên phải thanh toán và pháp luật cho phép khấu trừ quyền và nghĩa vụ nên bị đơn không cần phải yêu cầu phản tố và cũng không cần phải giải quyết bằng vụ án khác.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 18/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần A về việc “tranh chấp hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi” với bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ hộ kinh doanh Trang trại C.
2. Buộc bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ hộ kinh doanh Trang trại C phải thanh toán cho Công ty Cổ phần A số tiền 2.620.276.566 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu về tính lãi với số tiền 751.473.845 đồng của Công ty Cổ phần A đối với bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ hộ kinh doanh Trang trại C.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm trả, quyền kháng cáo, kháng nghị, quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Ngày 30/11/2021, nguyên đơn Công ty Cổ phần A kháng cáo bản án sơ thẩm và kháng cáo bổ sung ngày 01/12/2021 đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 30/11/2021, bị đơn bà Phạm Nguyễn Kim H – Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, không yêu cầu tính tiền lãi đối với 82.187.600 đồng tiền điện, đề nghị xem xét lại số tiền nguyên đơn còn nợ bị đơn. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án chưa triệt để, hợp đồng chưa chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của các bên chưa được xác định. Nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu mất tiền cọc theo thỏa thuận, yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại cho bị đơn số tiền 7.470.000.000 đồng và trả tiền thuê đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 21 tháng x 415.000.000 đồng. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là do hành vi của nguyên đơn nên bị đơn không chấp nhận nộp phạt, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bị đơn.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:
- Về tố tụng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn tiền đặt cọc, tiền điện và tiền đóng phạt vi phạm hành chính, tiền lãi trên số tiền đặt cọc tính từ ngày 01/02/2020 đến khi xét xử sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu tính tiền lãi đối với tiền xử phạt vi phạm hành chính, ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn không yêu cầu tính lãi đối với số tiền điện mà bị đơn còn nợ.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các bên đương sự trình bày, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Ngày 18 tháng 11 năm 2021, Tòa án nhân dân huyện U xét xử sơ thẩm vụ án và ban hành Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST, ngày 30/11/2021 nguyên đơn Công ty A kháng cáo bản án sơ thẩm và kháng cáo bổ sung ngày 01/12/2021. Ngày 30/11/2021, bị đơn bà Phạm Nguyễn Kim H – Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Người kháng cáo nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, đóng tạm ứng án phí đúng quy định tại các Điều 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn đủ điều kiện được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[1.2] Về thủ tục hòa giải: Tòa án cấp sơ thẩm ra Thông báo số 11/TB-TA ngày 07/01/2021 để mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào lúc 09 giờ ngày 15/01/2021, tại biên bản xác định việc không hòa giải được ngày 15/01/2021 thể hiện người đại diện hợp pháp của bị đơn vắng mặt không rõ lý do nên Tòa án lập biên bản xác định việc không hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự, lẽ ra trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm phải lập biên bản ghi nhận sự vắng mặt của đương sự, hoãn phiên hòa giải và tiếp tục ấn định thời gian hòa giải lần hai, nếu đương sự tiếp tục vắng mặt trong phiên hòa giải lần hai thì Tòa án mới lập biên bản về việc không hòa giải được. Việc tổ chức hòa giải của Tòa án cấp sơ thẩm như trên là vi phạm thủ tục tố tụng, tuy nhiên xét thấy quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, các đương sự không có thiện chí hòa giải, đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự cũng không đồng ý hòa giải nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để tiến hành lại thủ tục hòa giải, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm cần phải rút kinh nghiệm đối với thiếu sót nêu trên.
[2] Về nội dung:
[2.1] Các đương sự thống nhất việc ký kết hợp đồng, nội dung thỏa thuận, việc giao nhận tiền cọc, thay đổi giá thuê, xử phạt vi phạm hành chính, thỏa thuận ngày 04/10/2019, chấm dứt hợp đồng và bàn giao tài sản thuê. Do vậy, đây là các tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2.2] Nguyên đơn cho rằng sau khi chấm dứt hợp đồng, Trang trại C không thanh toán các khoản tiền còn nợ nên khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Hộ kinh doanh Trang trại C do bà Phạm Nguyễn Kim H là đại diện hộ kinh doanh phải trả tổng số tiền 4.466.217.441 đồng, cụ thể:
+ Tiền đặt cọc: 2.490.000.000 đồng.
+ Tiền điện tại khu vận hành xử lý nước thải mà Công ty A đã thanh toán thay cho Trang trại C (tháng 10/2019, tháng 11/2019, tháng 12/2019, tháng 01/2020): 82.187.600 đồng.
+ Tiền xử phạt vi phạm hành chính Công ty A đã đóng thay Trang trại C:
1.557.555.996 đồng.
Công ty A yêu cầu Trang trại C thanh toán các khoản tiền lãi phát sinh tính đến ngày 18/11/2021 (thời điểm xét xử sơ thẩm). Cụ thể:
- Tiền lãi phát sinh từ tiền xử phạt vi phạm hành chính do Trang trại C không hoàn trả đúng thời hạn theo các quyết định xử phạt tạm tính đến ngày 18/11/2021 là 308.211.927 đồng.
- Tiền lãi do chậm thanh toán khoản tiền đặt cọc và tiền điện tại khu vận hành và xử lý nước thải, tạm tính đến ngày 18/11/2021 là 443.261.918 đồng.
Nguyên đơn xác định còn nợ bị đơn 03 tháng tiền thuê là 1.245.000.000 đồng.
[2.3] Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn đồng ý trả cho nguyên đơn tiền đặt cọc 2.490.000.000 đồng và tiền điện 82.187.600 đồng, không chấp nhận thanh toán các khoản tiền còn lại theo yêu cầu của nguyên đơn, đề nghị khấu trừ 1.510.067.000 đồng nguyên đơn còn nợ tiền thuê trang trại vào số tiền bị đơn đồng ý trả cho nguyên đơn, yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán tiền điện tháng 01/2020 là 58.302.000 đồng cho bị đơn và tiền công vệ sinh, tiền điện phát sinh cho việc làm vệ sinh trang trại là 67.200.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn không chấp nhận trả tiền cọc, chỉ chấp nhận thanh toán tiền điện nếu nguyên đơn xuất hóa đơn, giữ nguyên các ý kiến khác.
[3] Xét yêu cầu khởi kiện của bị đơn:
[3.1] Về yêu cầu trả tiền đặt cọc và tiền lãi trên số tiền cọc:
Theo thỏa thuận tại mục 6 Biên bản họp ngày 04/10/2019: “Trong trường hợp bị Nhà nước đình chỉ/tạm đình chỉ, hai bên thống nhất sẽ chấm dứt hợp đồng thuê trại, trả tiền cọc theo như hợp đồng”. Thực hiện thỏa thuận này, sau khi có Quyết định số 2837/QĐ-XPVPHC ngày 01/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xử phạt bổ sung buộc đình chỉ trang trại chăn nuôi, hai bên đã tiến hành bàn giao tài sản thuê vào ngày 01/02/2020. Do vậy, hợp đồng thuê trại chấm dứt theo quy định tại khoản 2 Điều 422 Bộ luật Dân sự, việc phát sinh các tranh chấp sau khi chấm dứt hợp đồng không ảnh hưởng đến việc chấm dứt hợp đồng, các bên đều có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Bị đơn đưa ra lý do hợp đồng chưa được thanh lý, chưa xác định được quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để cho rằng hợp đồng chưa chấm dứt, không chấp nhận trả tiền cọc cho nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận. Do hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận nên ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu mất cọc, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại, trả tiền thuê đến giai đoạn xét xử sơ thẩm là không phù hợp. Mặt khác trong suốt quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, bị đơn không đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, trả tiền thuê đến giai đoạn xét xử sơ thẩm nên không có cơ sở xem xét. Bị đơn phải có trách nhiệm trả lại cho nguyên đơn 2.490.000.000 đồng tiền đặt cọc. Do bị đơn chậm trả tiền cọc theo thỏa thuận nên phải chịu tiền lãi trên số tiền cọc theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại. Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán là 1,145%/tháng (tương đương 0,038%/ngày), tính đến thời điểm xử sơ thẩm bị đơn đã chậm trả 21 tháng 18 ngày. Do vậy, tiền lãi là:
2.490.000.000 đồng x 21 tháng x 1,145%/tháng = 598.720.500 đồng;
2.490.000.000 đồng x 18 ngày x 0,038%/ngày = 17.031.600 đồng;
Tổng cộng: 615.752.100 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả cho nguyên đơn tiền đặt cọc là có căn cứ nhưng không buộc bị đơn trả lãi suất là không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn.
[3.2] Về yêu cầu trả tiền điện 82.187.600 đồng và tiền lãi trên số tiền điện:
Các bên đều thừa nhận đây là tiền điện khu xử lý nước thải của các tháng 10, 11, 12/2019 và tháng 01/2020. Nguyên đơn cho rằng nghĩa vụ thanh toán tiền điện cho khu xử lý nước thải là của bị đơn, nguyên đơn có nghĩa vụ thanh toán tiền điện sử dụng, nguyên đơn đã nộp thay cho bị đơn số tiền này nên yêu cầu bị đơn trả lại. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn đồng ý thanh toán số tiền điện này. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn đồng ý thanh toán với điều kiện nguyên đơn phải xuất hóa đơn cho bị đơn. Xét thấy yêu cầu xuất hóa đơn của bị đơn là không phù hợp bởi lẽ hóa đơn thu tiền điện là do cơ quan Điện lực ban hành cho người sử dụng là Công ty A, việc thỏa thuận chia trách nhiệm thanh toán là việc nội bộ giữa bên cho thuê và bên thuê, không thể buộc nguyên đơn xuất hóa đơn tiền điện cho bị đơn, đồng thời, hợp đồng cũng không quy định nội dung này, do vậy ý kiến của bị đơn không được chấp nhận. Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn 82.187.600 đồng tiền điện. Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn không yêu cầu tính tiền lãi. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả cho nguyên đơn tiền điện là có căn cứ.
[3.3] Về yêu cầu trả tiền xử phạt vi phạm hành chính nguyên đơn đã nộp:
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính là 1.557.555.996 đồng, bị đơn không đồng ý vì cho rằng các vi phạm hành chính bị xử phạt do lỗi của nguyên đơn, các quyết định xử phạt trái quy định của pháp luật. Xét thấy, các vi phạm bị xử phạt thuộc trường hợp chưa đủ giấy phép hoạt động và xả thải vượt chuẩn cho phép, các vi phạm thuộc trách nhiệm của bị đơn bởi lẽ theo thỏa thuận tại khoản 2.5 Điều 3 Hợp đồng thì: “Bên cho thuê sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp và duy trì các giấy phép, chấp thuận về việc xây dựng tài sản thuê, về hoạt động chăn nuôi tại địa điểm cho thuê và về việc cho thuê tài sản thuê…”; tại khoản 8.5 Điều 8 Hợp đồng quy định: “Bên cho thuê chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành như: Xử lý nước thải, chất thải rắn, mùi,…và tuân theo các quy định thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi theo phụ lục III”. Bị đơn cho thuê trang trại để chăn nuôi khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc xử lý nước thải chưa đảm bảo quy định. Đồng thời, sau khi các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra và xác định các hành vi vi phạm, ngày 04/10/2019 bị đơn và nguyên đơn lập bản thỏa thuận ghi nhận nội dung: “Tiền phạt vi phạm môi trường do cơ quan Nhà nước C cam kết chuyển cho Công ty Cổ phần A đóng trong thời hạn theo quyết định xử phạt. Nếu không, A đóng trước cấn trừ vào tiền thuê trại, tính lãi 10%/năm cho C trong thời gian C không trả đúng cam kết theo quyết định xử phạt”. Nội dung thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện nên có giá trị thực hiện với các bên, do vậy, bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản tiền phạt do vi phạm hành chính nêu trên. Bị đơn cho rằng các quyết định hành chính ban hành trái pháp luật nhưng sau khi biết các quyết định này, bị đơn không thực hiện quyền khiếu nại, các quyết định đều đã có hiệu lực pháp luật và đã được thi hành xong nên ý kiến của bị đơn không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn có trách nhiệm hoàn trả cho nguyên đơn tiền nộp phạt vi phạm hành chính là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3.4] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền lãi phát sinh từ tiền xử phạt vi phạm hành chính: Theo thỏa thuận ngày 04/10/2019, nếu bị đơn không chuyển tiền để đóng phạt thì nguyên đơn sẽ đóng và sau đó cấn trừ vào tiền thuê, nguyên đơn thừa nhận còn nợ tiền thuê các tháng 11, 12/2019 và tháng 01/2020 với số tiền 1.245.000.000 đồng, bị đơn yêu cầu cấn trừ là hợp lý, việc cấn trừ là thực hiện theo thỏa thuận ngày 04/10/2019, không cần thiết có yêu cầu phản tố mới được xem xét như ý kiến của bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm khấu trừ số tiền xử phạt vào tiền nợ thuê trang trại chưa thanh toán là phù hợp, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu tính lãi của nguyên đơn.
[3.5] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về số tiền còn nợ bị đơn:
Nguyên đơn thừa nhận còn nợ tiền thuê các tháng 11, 12/2019 và tháng 01/2020 với số tiền 1.245.000.000 đồng, không phải 1.510.067.000 đồng như bản án sơ thẩm nhận định. Trong số tiền 1.510.067.000 đồng gồm có 1.245.000.000 đồng tiền thuê trang trại 03 tháng, 220.000.000 đồng tiền nguyên đơn đã chi phí để xây nhà cân heo và số tiền này đã được trừ vào tiền thuê trang trại tháng 5/2019, còn lại 45.067.000 đồng là tiền điện xử lý chất thải của tháng 8 và tháng 9/2019, đã trừ vào tiền thuê tháng 9 và tháng 10/2019. Do vậy, nguyên đơn chỉ còn nợ bị đơn 03 tháng tiền thuê trang trại là 1.245.000.000 đồng. Bị đơn thống nhất với nguyên đơn về hai khoản tiền nhà cân heo và tiền điện nhưng cho rằng trên thực tế nguyên đơn không xây nhà cân heo, còn toàn bộ tiền điện là nghĩa vụ thanh toán của nguyên đơn nhưng nguyên đơn đã trừ hai khoản tiền này vào tiền thuê trang trại là không đúng nên xem như nguyên đơn còn nợ bị đơn.
Xét thấy:
Theo biên bản nghiệm thu ngày 18/4/2019, các bên đã tiến hành nghiệm thu nhà cân heo, đồng thời thỏa thuận nguyên đơn “chi một lần 220.000.000 đồng” cho bị đơn và “đây là hạng mục nằm trong phần tài sản của chủ đầu tư”. Biên bản có chữ ký của bà Ngô Kim Thủy ở phần chủ đầu tư. Do vậy, có cơ sở xác định nguyên đơn đã tiến hành xây dựng nhà cân heo và đây là tài sản của bị đơn nên bị đơn phải trả chi phí xây dựng. Nguyên đơn đã chi tiền để xây dựng và trừ vào tiền thuê trang trại tháng 5/2020, sau khi nguyên đơn khấu trừ bị đơn không có ý kiến phản đối. Do vậy, bị đơn không nợ nguyên đơn số tiền 220.000.000 đồng.
Đối với 45.067.000 đồng tiền điện: Theo quy định tại mục 2 Phụ lục III ngày 14/11/2018 về thỏa thuận xử lý chất thải chăn nuôi thì bên cho thuê chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ chất thải chăn nuôi và trên thực tế thì bị đơn đã thanh toán cho khoản tiền điện này thể hiện tại “Văn bản những vấn đề liên quan đến trang trại” ngày 08/10/2019 của bị đơn đã gửi cho nguyên đơn. Tại phần nhận định về yêu cầu thanh toán 82.187.600 đồng tiền điện, bị đơn cũng thừa nhận trách nhiệm chi trả tiền điện cho khu xử lý nước thải và đồng ý trả cho nguyên đơn. Do vậy, bị đơn cho rằng nguyên đơn có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ tiền điện cho trang trại là không có cơ sở chấp nhận. Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán số tiền này. Nguyên đơn đã chi trả thay cho bị đơn và khấu trừ vào tiền thuê tháng 9 và tháng 10/2019. Do vậy, nguyên đơn không nợ bị đơn số tiền 45.067.000 đồng. Như vậy, có cơ sở xác định nguyên đơn còn nợ bị đơn 1.245.000.000 đồng.
Từ những phân tích trên, bị đơn có trách nhiệm trả cho nguyên đơn các khoản tiền sau: tiền đặt cọc: 2.490.000.000 đồng; lãi suất tiền cọc: 615.752.100 đồng; tiền điện: 82.187.600 đồng; tiền xử phạt vi phạm hành chính:
1.557.555.996 đồng; tổng cộng: 4.745.495.696 đồng. Khấu trừ số tiền nguyên đơn còn nợ bị đơn: 1.245.000.000 đồng, bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn:
3.500.495.696 đồng.
[3.6] Trang trại C yêu cầu Công ty A phải thanh toán tiền điện tháng 01/2020 là 58.302.000 đồng, tiền công vệ sinh, tiền điện phát sinh cho việc làm vệ sinh trang trại là 67.200.000 đồng, nguyên đơn không chấp nhận. Xét thấy hai bên không có thỏa thuận về việc vệ sinh trang trại sau khi chấm dứt hợp đồng, bị đơn cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bị đơn là có cơ sở.
[4] Từ những phân tích nêu trên, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn không phù hợp với quy định của pháp luật nên không được chấp nhận, đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ nên được chấp nhận, sửa một phần bản án sơ thẩm.
[5] Về án phí:
- Án phí kinh doanh, thương sơ thẩm: Nguyên đơn, bị đơn phải nộp án phí theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm, trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp cho nguyên đơn và bị đơn.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng:
- Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Khoản 2 Điều 422 Bộ luật Dân sự;
- Điều 306 Luật Thương mại;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/2021/KDTM-ST ngày 18/11/2021 của Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh Bình Dương như sau:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần A về việc “tranh chấp hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi” với bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C.
2. Buộc bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C phải thanh toán cho Công ty Cổ phần A số tiền 3.500.495.696 đồng (ba tỷ năm trăm triệu bốn trăm chín mươi lăm nghìn sáu trăm chín mươi sáu đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán xong thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành án xong.
Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Cổ phần A về việc không yêu cầu tính lãi đối với số tiền 82.187.6.00 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần A về việc yêu cầu bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C thanh toán 308.211.927 đồng (ba trăm linh tám triệu hai trăm mười một nghìn chín trăm hai mươi bảy đồng) tiền lãi suất trên số tiền xử phạt vi phạm hành chính 751.473.845 đồng (bảy trăm năm mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi ba nghìn tám trăm bốn mươi lăm đồng).
4.Về án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:
4.1 Công ty Cổ phần A phải nộp số tiền 15.411.000 (mười lăm triệu bốn trăm mười một nghìn) đồng, khấu trừ vào số tiền 55.978.000 (năm mươi lăm triệu chín trăm bảy mươi tám nghìn) đồng đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0031177 ngày 19/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U, Công ty Cổ phần A được hoàn trả số tiền 40.567.000 (bốn mươi triệu năm trăm sáu mươi bảy nghìn) đồng.
4.2 Bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C phải nộp số tiền 102.000.000 (một trăm linh hai triệu) đồng.
5. Về án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm:
Công ty Cổ phần A không phải nộp, hoàn trả cho Công ty Cổ phần A 2.000.000 (hai triệu) đồng theo các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0009896 ngày 10/02/2022 và số 0009804 ngày 30/11/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U.
Bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C không phải nộp, hoàn trả cho Bà Phạm Nguyễn Kim H - Chủ Hộ kinh doanh Trang trại C 2.000.000 (hai triệu) đồng theo các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0009895 ngày 10/02/2022 và số 0009805 ngày 30/11/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng thuê trang trại chăn nuôi số 05/2022/KDTM-PT
Số hiệu: | 05/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 14/06/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về