Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng số 476/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 476/2022/KDTM-PT NGÀY 11/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG

Trong các ngày 15 tháng 6, ngày 4 và ngày 25 tháng 7 và ngày 03 và ngày 11 tháng 8 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án về kinh doanh thương mại thụ lý số: 10/2022/TLPT- KDTM ngày 25 tháng 02 năm 2022 về “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 56/2021/KDTM-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1947/2022/QĐXX-PT ngày 09 tháng 5 năm 2022 và các Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 9334/2022/QĐPT-KDTM ngày 15/6/2022, số 9334a/2022/QĐPT-KDTM 04/7/2022, số 9821/2022/QĐPT-KDTM ngày 25/7/2022 và số 9335/2022/QĐPT-KDTM ngày 03/8/2022, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Kim loại T; Địa chỉ trụ sở: Lô A01-02 đường số 1, KCN H, ấp 5, xã Đ, huyện H, tỉnh Long An.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Tôn Thất Hồ N là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền 01/GUQ-20 ngày 15/9/2020); địa chỉ: số 181/3 đường T, Phường N, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Bị đơn: Công ty TNHH Xây dựng Q (Đông Nam Á); Địa chỉ trụ sở: Số 801 Đại lộ L phường P, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn:

- Bà Lê Ngọc H; địa chỉ: Lầu 6, số 801 Đại lộ L, phường P, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;

- Ông Nguyễn Thành V; địa chỉ: D199 đường T, ấp L, xã P, huyện T1, tỉnh Đồng Nai;

Là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 07/4/2021) (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Vina P; Địa chỉ trụ sở: Tòa nhà M Sài Gòn, số 39 đường D, phường N, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Lê Hoàng H là người theo pháp luật (vắng mặt có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).

Người kháng cáo: Công ty TNHH Kim loại T, Công ty TNHH Xây dựng Q (Đông Nam Á) 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 15/9/2020, đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 21/01/2021 và lời trình bày của người đại diện hợp pháp Công ty TNHH kim loại T là nguyên đơn như sau:

Công ty TNHH kim loại T (nguyên đơn) và Công ty TNHH Xây dựng Q (Đông Nam Á) (bị đơn) ký kết 02 Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP380-SUBP-042 ngày 10/03/2019 (gọi tắt là HĐ-042) và Hợp đồng số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 12/01/2021 (gọi tắt là HĐ-021) để nguyên đơn lắp đặt các hạng mục Cửa và cửa sổ hợp kim nhôm công trình P Phân Khu 8 tại Nhơn Trạch – Đồng Nai và công trình P Phân Khu 5 tại Nhơn Trạch – Đồng Nai do Công ty Cổ phần Vina P là chủ đầu tư.

Thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã cung cấp và lắp đặt cho bị đơn toàn bộ cửa và cửa sổ hợp kim nhôm đúng chủng loại, số lượng, chất lượng theo yêu cầu cho cả 02 Hợp đồng nêu trên. Chủ đầu tư đã phát hành chứng chỉ nghiệm thu công trình hoàn thành và đã thanh toán 100% các công trình cửa sổ, cửa chính bằng nhôm/kính cho bị đơn.

Cụ thể quá trình thực hiện Hợp đồng phân khu 5 – HĐ-021 như sau: Theo hợp đồng, nguyên đơn cung cấp và lắp đặt các hạng mục cửa sổ, cửa chính nhôm/kính cho dự án Hoa Sen Đại Phước phân khu 5, Nhơn Trạch, Đồng Nai, giá trị hợp đồng là 17.600.000.100 đồng. Giá trị hợp đồng gồm có 3 phần thứ nhất là phần vật liệu, trong đó vật liệu khung chiếm 35% đơn giá, vật liệu kính/cánh chiếm 20% đơn giá; phần thứ hai là lắp đặt, trong đó lắp đặt khung chiếm 25% đơn giá, lắp đặt kính/cánh chiếm 10% đơn giá, lắp đặt phụ kiện chiếm 5% đơn giá và phần thứ ba là vệ sinh, bàn giao chiếm 5% đơn giá, được quy định tại Điều 5 của hợp đồng. Ngày 12/01/2021, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính 01 HĐ-021. Theo đó, tổng giá trị của Hợp đồng được điều chỉnh thành 17.412.737.763 đồng.

Hợp đồng này, nguyên đơn đã thực hiện lắp đặt xong vào tháng 12/2019. Bị đơn cùng với Chủ đầu tư, Đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình cũng đã tiến hành nghiệm thu công trình xong vào tháng 12/2019. Ngày 25/02/2021, Chủ đầu tư ban hành công văn số VDP-LT-Z8-T-002, xác nhận rằng Chủ đầu tư đã phát hành chứng chỉ nghiệm thu công trình (TOC - Over Certificate) cho bị đơn vào ngày 5/8/2020, ngày có hiệu lực là ngày 30/12/2019.

Tháng 12/2020 – 1/2021, nguyên đơn và bị đơn cùng tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành cho toàn công trình. Hai bên cũng đã lập biên bản ký, đóng dấu. Kết quả nghiệm thu cho thấy, hợp đồng phân khu 5 nguyên đơn thực hiện được 2.048 bộ, tương ứng với giá trị là 17.412.737.763 đồng. Sau đó, hai bên đã tiến hành ký, đóng dấu phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá trị hợp đồng đúng theo giá trị thực hiện là 17.412.737.763 đồng.

Tháng 4/2020, bị đơn có gửi hồ sơ quyết toán do bị đơn lập gửi qua nguyên đơn, cho rằng có 6 bộ khung và 69 bộ kính/cánh mặc dù đã được lắp ráp nhưng thiếu hồ sơ nghiệm thu vật liệu trước khi lắp đặt nên không được thanh toán theo phần trăm đơn giá vật liệu: vật tư khung 35% đơn giá, vật tư kính/cánh 20% đơn giá. Phần vật liệu khung, bị đơn chỉ tính giá trị trên 2.042 bộ (06 bộ không tính); phần vật liệu kính/cánh, bị đơn chỉ tính giá trị trên 1.979 bộ (69 bộ không tính); Còn phần lắp đặt khung, cánh/kính, phụ kiện và phần vệ sinh bàn giao bị đơn vẫn tính trên 2.048 bộ thực tế. Bị đơn đưa ra giá trị thực hiện là 17.282.702.872 đồng. Sau khi trừ phần chi phí điện nước 51.848.109 đồng và số tiền mà bị đơn đã thanh toán 13.614.060.152 đồng, bị đơn chỉ thừa nhận còn phải thanh toán cho hợp đồng phân khu 5 là 3.616.794.611 đồng, trong đó: số tiền giữ bảo hành là 435.318.444 đồng, số tiền phải thanh toán ngay là 3.181.476.167 đồng.

Nguyên đơn không chấp nhận việc bị đơn chỉ tính giá trị phần vật liệu khung trên 2.042 bộ, và phần vật liệu kính/cánh trên 1.979 bộ, mà phải tính phần vật liệu khung, kính/cánh trên 2.048 bộ thực tế.

Cụ thể quá trình thực hiện Hợp đồng phân khu 8: HĐ-042 như sau: Theo hợp đồng nguyên đơn cung cấp và lắp đặt các hạng mục cửa sổ, cửa chính nhôm/kính cho dự án Hoa Sen P phân khu 8, Nhơn Trạch, Đồng Nai, giá trị hợp đồng là 67.143.297.015 đồng. Giá trị hợp đồng gồm có 3 phần thứ nhất là phần vật liệu, trong đó vật liệu khung chiếm 35% đơn giá, vật liệu kính cánh chiếm 20% đơn giá; phần thứ hai là lắp đặt, trong đó lắp đặt khung chiếm 25% đơn giá, lắp đặt kính/cánh chiếm 10% đơn giá, lắp đặt phụ kiện chiếm 5% đơn giá và phần thứ ba là vệ sinh, bàn giao chiếm 5% đơn giá, quy định tại điều 5 của hợp đồng. Ngày 12/01/2021, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính 01 HĐ-042. Theo đó Tổng giá trị của Hợp đồng được điều chỉnh thành 68.366.691.821 đồng.

Thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã thực hiện lắp đặt xong vào tháng 04/2020. Bị đơn cùng với Chủ đầu tư, Đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình cũng đã tiến hành nghiệm thu công trình xong vào tháng 12/2019. Ngày 25/02/2021, Chủ đầu tư ban hành công văn số VDP-LT-Z8-T-002, xác nhận rằng Chủ đầu tư đã phát hành chứng chỉ nghiệm thu công trình (TOC - Over Certificate) cho bị đơn vào ngày 25/12/2020, ngày có hiệu lực là ngày 30/06/2019.

Tháng 12/2020 – 1/2021, nguyên đơn và bị đơn cùng tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành cho toàn công trình. Hai bên cũng đã lập biên bản ký, đóng dấu. Kết quả nghiệm thu cho thấy, hợp đồng phân khu 8 nguyên đơn thực hiện được 8.143 bộ, tương ứng với giá trị là 68.366.691.821 đồng. Sau đó, hai bên đã tiến hành ký, đóng dấu phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá trị hợp đồng đúng theo giá trị thực hiện là 68.366.691.821 đồng.

Tháng 4/2020, bị đơn có gửi hồ sơ quyết toán do bị đơn lập gửi qua nguyên đơn, cho rằng có 148 bộ khung và 991 bộ kính/cánh mặc dù đã được lắp ráp nhưng thiếu hồ sơ nghiệm thu vật liệu trước khi lắp đặt nên không được thanh toán theo phần trăm đơn giá vật liệu: vật tư khung 35% đơn giá, vật tư kính/cánh 20% đơn giá. Phần vật liệu khung, bị đơn chỉ tính giá trị trên 7.995 bộ (148 bộ không tính); phần vật liệu kính/cánh, bị đơn chỉ tính giá trị trên 7.152 bộ (991 bộ không tính); Còn phần lắp đặt khung, cánh/kính, phụ kiện và phần vệ sinh bàn giao bị đơn vẫn tính trên 8.143 bộ thực tế. Bị đơn đưa ra giá trị thực hiện là 65.661.106.167 đồng.

Nguyên đơn không đồng ý việc bị đơn tự giảm bớt số tiền phải thanh toán của 02 Hợp đồng với lý do chưa có biên bản nghiệm thu vật liệu trong quá trình thi công. vì lý do sau:

Theo quy trình, trước tiên bị đơn (nhà thầu chính) phải nghiệm thu vật liệu với nhà thầu phụ (nguyên đơn) trước tức là đã có hồ sơ nghiệm thu vật liệu đầy đủ, thì sau đó bị đơn mới tổ chức nghiệm thu vật liệu với Chủ đầu tư và Đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình.

Bị đơn đã cùng với chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình nghiệm thu vật liệu và các bên này cũng đã ký vào biên bản nghiệm thu vật liệu. Điều này có nghĩa hồ sơ nghiệm thu vật liệu đã đầy đủ. Chủ đầu tư cũng đã phát hành chứng chỉ nghiệm thu công trình.

Bị đơn và nguyên đơn cũng đã nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và đưa vào sử dụng.

Do đó, trường hợp hồ sơ nghiệm thu vật liệu bị thiếu (nếu có) là lỗi của bị đơn.

Bị đơn không chứng minh được, các khung, kính/cánh thiếu biên bản nghiệm thu vật liệu (nếu có) là không đảm bảo đúng chất lượng của nhà sản xuất theo quy định của hợp đồng. Trong khi đó, nguyên đơn chính là nhà sản xuất.

Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn yêu cầu:

Buộc bị đơn thanh toán tổng số tiền của 02 hợp đồng là 31.229.886.439 đồng + 2.827.113.683 đồng + 4.322.846.134 đồng = 38.379.846.256 đồng.

- Trong đó: Tổng tiền giữ bảo hành: 2.071.921.515 đồng + 70.677.842 đồng = 2.142.599.357 đồng.

- Tổng tiền phải thanh toán ngay là: 29.157.964.924 đồng + 2.756.435.842 đồng + 4.322.846.134 đồng = 36.237.246.899 đồng.

Trong trường hợp chậm thanh toán đối với số tiền Bị đơn còn phải thanh toán thêm tiền lãi trên số tiền chậm trả với mức lãi suất là 13,5%/năm tương ứng với thời gian chậm trả, cho đến khi trả hết.

Kể từ ngày thi hành án, trong trường hợp chậm thanh toán đối với số tiền nêu trên Bị đơn còn phải thanh toán thêm tiền lãi trên số tiền chậm trả với mức lãi suất là 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả. theo Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn tại các bản tự khai, biên bản ý kiến, biên bản hòa giải và tại phiên tòa ngày 23/12/2021 trình bày:

Công ty cổ phần Vina P (chủ đầu tư) và bị đơn - Công ty TNHH Xây dựng Q (Đông Nam Á) ký kết “Hợp đồng trọn gói với giá cố định” cho gói thầu xây dựng chính cho 380 căn nhà của dự án đảo hoa sen phân khu 8 và “Hợp đồng trọn gói với giá cố định” cho gói thầu thi công 73 căn biệt thự của dự án Hoa sen P phân khu 5.

Sau khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, với tư cách là nhà thầu chính của dự án, bị đơn đã ký hơn 200 hợp đồng thi công với các nhà thầu phụ để thực hiện nhiều hạng mục công việc thuộc hai dự án trên, trong đó đã ký với nguyên đơn - Công ty TNHH kim loại T hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số HĐ-042 và Phụ lục Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính 01 ngày 12/01/2021 để thực hiện một phần công việc của gói thầu xây dựng chính cho 380 căn nhà và HĐ-021 và Phụ lục Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính 01 ngày 12/01/2021 để thực hiện một phần công việc của gói thầu thi công 73 căn biệt thự.

Bị đơn xác nhận các Hợp đồng hai bên ký kết có hình thức, nội dung không trái pháp luật và được các chủ thể có đăng ký kinh doanh ký kết. Hợp đồng hợp pháp và có giá trị ràng buộc quyền, nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết.

Tất cả các hạng mục hiện nay đã được đưa vào sử dụng.

Hợp đồng phân khu 5 HĐ-021 nguyên đơn thực hiện được 2.048 bộ khung, cánh/kính và Hợp đồng phân khu 8 HĐ-042 nguyên đơn thực hiện được 8.143 bộ khung, cánh/kính.

Nguyên đơn đã xuất các hóa đơn sau cho bị đơn tổng cộng 19 hóa đơn giá trị gia tăng và bị đơn có sử dụng các hóa đơn này để khai báo thuế với cơ quan thuế.

Ngày 30/6/2020, hai bên có đối chiếu công nợ, bị đơn xác nhận và không phủ nhận bản đối chiếu công nợ này nhưng thực chất, việc đối chiếu công nợ này là để cho nguyên đơn báo cáo thuế chứ không phải căn cứ xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền như trong bản đối chiếu.

Trong 02 Hợp đồng này, Hợp đồng phân khu 5 HĐ-021: Vật liệu khung của 06 bộ, phần vật liệu kính/cánh của 69 bộ chưa được nghiệm thu trước khi lắp đặt và Hợp đồng phân khu 8 HĐ-042: Vật liệu khung của 148 bộ, phần vật liệu kính/cánh của 991 bộ chưa được nghiệm thu trước khi lắp đặt. Các bước nghiệm thu công việc xây dựng còn lại đều thực hiện đủ. Các hạng mục khác đều đã được nghiệm thu đầy đủ các bước.

Với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý đồng thời bị đơn không có nghĩa vụ phải thanh toán cho nguyên đơn khi nguyên đơn đã không thực hiện đúng hợp đồng. Cụ thể như sau:

Vi phạm nghiệm thu khối lượng và chất lượng công trình: Hợp đồng phân khu 5: Vật liệu khung của 06 bộ, phần vật liệu kính/cánh của 69 bộ chưa được nghiệm thu trước khi lắp đặt và Hợp đồng phân khu 8: Vật liệu khung của 148 bộ, phần vật liệu kính/cánh của 991 bộ chưa được nghiệm thu vật liệu trước khi lắp đặt.

Về công nợ, hóa đơn, giá trị khối lượng công việc thực tế:

Nguyên đơn phủ nhận ý kiến của bị đơn về việc “số liệu đối chiếu công nợ đến ngày 30/06/2020 không phản ánh đúng giá trị công việc”, mà cho rằng “giá trị 1.316.768.029 là giá trị điều chỉnh giảm trong quá trình thi công” là không đúng, khi nguyên đơn thiết kế bản vẽ thi công dựa trên hồ sơ thiết kế của dự án thì đã có điều chỉnh giảm này, khối lượng thiết kế thi công là khối lượng sau khi điều chỉnh giảm, chứ không phải điều chỉnh trong quá trình thi công. Cho dù có điều chỉnh giảm vào thời điểm nào thì khối lượng này thực tế không được thực hiện, giá trị xuất hóa đơn cho khối lượng không có thật trong thực tế là giá trị khai khống khi bị đơn rà soát lại toàn bộ hồ sơ của nguyên đơn. Việc bị đơn chưa phát hiện và vẫn kê khai thuế các hóa đơn cũng không thể hợp thức hóa giá trị khai khống. Bị đơn vẫn giữ lập trường trong giá trị xuất hóa đơn của HĐ-021 ước tính có 1.316.768.029 đồng là khối lượng khai khống, không có trong thực tế. Hiện tại, hai bên đang tiến hành nghiệm thu khối lượng công việc, khi hoàn thành công tác nghiệm thu này thì có thể tính ra giá trị quyết toán công trình và có thể chứng minh lập luận của bị đơn.

Đối với HĐ-042 nguyên đơn nhận định “chỉ có tổng phát sinh là 1.735.467.654 đồng, không có điều chỉnh giảm” là không đúng, căn cứ theo variation order (tạm dịch báo giá phát sinh) của nguyên đơn thì tổng của giá trị phát sinh tăng/ giảm (do điều chỉnh số lượng hợp đồng theo thay đổi về thiết kế) cộng với giá trị phát sinh tăng mà giá trị phát sinh tăng này không được chấp nhận. Cụ thế, khi thiết kế bản vẽ thi công nguyên đơn tự ý (bị đơn và chủ đầu tư không hề yêu cầu) thay đổi so với hồ sơ thiết kế của dự án một số loại cửa từ kính trong suốt thành kính mờ, cửa chạm sàn thành cửa treo (tạm dịch từ báo giá phát sinh của công ty T: “change from clear class to froster glass” và “change from casment window tophung window”) và trình bản vẽ thiết kế thi công cho tư vấn thiết kế của dự án (đơn vị này ký hợp đồng tư vấn thiết kế với chủ đầu tư) phê duyệt từ ngày 18/01/2019 đến 16/03/2019 mà không thông báo việc thay đổi này sẽ làm tăng chi phí công trình. Đến ngày 16/07/2019, tức 122 ngày sau khi bản vẽ thi công được tư vấn thì nguyên đơn gửi báo giá phát sinh nêu trên. Bị đơn đã căn cứ theo báo giá phát sinh của nguyên đơn để báo cho chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư không chấp thuận chi phí phát sinh tăng do chủ đầu tư không hề đưa ra yêu cầu thay đổi. Vì thế, bị đơn cũng không chấp thuận báo giá phát sinh tăng này của nguyên đơn do bị đơn cũng không hề đưa ra yêu cầu thay đổi, mà do nguyên đơn tự ý thay đổi thiết kế, không thực hiện đúng phạm vi công việc quy định tại Điều 2.1 Hợp đồng thi công nhôm kính: “bên a đồng ý giao cho bên b cung cấp và lắp đặt các hạng mục cửa và cửa sổ hợp kim nhôm… theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật được thẩm định…”, “toàn bộ vật tư hạng mục nhôm kính do bên b cung cấp theo đúng chủng loại, số lượng, chất lượng như thiết kế đã được chủ đầu tư chấp thuận”.

Ngoài ra, nguyên đơn còn nêu ra “giá trị đã được hai bên xác nhận là 64.216.582.801 đồng thấp hơn tổng giá trị hợp đồng là 67.143.297.015 đồng”, bị đơn cho rằng tổng giá trị xuất hóa đơn thấp hơn giá trị hợp đồng cũng không chứng minh được giá trị xuất hóa đơn không vượt thực tế. Việc này chỉ được xác định khi nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và tính toán giá trị công việc hoàn thành dựa trên khối lượng này và đơn giá hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện thanh toán cho các nhà thầu phụ, bị đơn phát hiện một số trường hợp do sai sót trong công tác đánh giá giá trị thanh toán tạm cho nhà thầu phụ dẫn đến giá trị đã thanh toán cho một số nhà thầu vượt quá giá trị công việc hoàn thành thực tế và trong một số trường hợp không thu hồi lại được giá trị thanh toán vượt. Vì thế, bị đơn thận trọng hơn trong việc thanh toán cho nhà thầu phụ và chỉ ưu tiên giải quyết cho những hồ sơ đủ điều kiện thanh toán và bắt đầu rà soát lại công tác thanh toán của hơn 200 hợp đồng thầu phụ của hai dự án. Sau khi nguyên đơn khởi kiện thì bị đơn có cử đại diện đến văn phòng của nguyên đơn để thương lượng giải quyết trên tinh thần hợp tác. Tại thời điểm đó bị đơn chưa đủ thời gian để rà soát lại toàn bộ khối lượng và giá trị công việc của nguyên đơn nên đã đưa ra phương án thanh toán thành 07 đợt để có thêm thời gian kiểm tra, tránh thanh toán vượt. Kế hoạch thanh toán cho số tiền 27.260.662.585 đồng không đồng nghĩa với việc bị đơn mặc nhận số tiền này là đúng, ngoài ra lúc đó bị đơn cũng không đồng ý chi trả lãi chậm trả do không có vi phạm điều khoản thanh toán.

Bị đơn cho rằng nguyên đơn không hoàn thành đúng tiến độ là theo những căn cứ cụ thể như sau:

HĐ-021 quy định về tiến độ thi công tại Điều 3 như sau: “công việc sẽ bắt đầu từ ngày 25-03-2019, việc lắp đặt các khung cửa phải hoàn thành vào ngày 30-06-19, tất cả các việc lắp đặt phải được hoàn thành vào ngày 30-07-19”. Thực tế, nguyên đơn đã không hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng, cụ thể đến ngày 30/07/2019 nguyên đơn vẫn chưa hoàn thành tất cả các việc lắp đặt, mà thực tế một khối lượng lớn vật liệu/cấu kiện được chuyển đến công trường sau ngày 30/07/2019 và hoàn thành công tác lắp đặt sau ngày 30/07/2019.

HĐ-042 quy định về tiến độ thi công tại điều 3 như sau: “công việc sẽ bắt đầu từ ngày 25-03-2019, việc lắp đặt các khung cửa phải hoàn thành vào ngày 10-06-19, tất cả các việc lắp đặt phải được hoàn thành vào ngày 30-08-19”. Thực tế, nguyên đơn đã không hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng, cụ thể đến ngày 30/08/2019 nguyên đơn vẫn chưa hoàn thành tất cả các việc lắp đặt, mà thực tế một khối lượng lớn vật liệu/cấu kiện được chuyển đến công trường sau ngày 30/08/2019 và hoàn thành công tác lắp đặt sau ngày 30/08/2019.

Căn cứ theo khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng thi công thì “Việc thanh toán sẽ được tính dựa vào khối lượng công việc thực tế do bên B hoàn thành trên công trường và được bên A nghiệm thu” và khoản 5.6 Điều 5 Hợp đồng về thời hạn thanh toán: “Bên a sẽ thanh toán cho bên b trong vòng 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thanh toán”, tức là sau khi nguyên đơn tiến hành nghiệm thu khối lượng công việc thực tế với bị đơn và nộp hồ sơ thanh toán thì bị đơn có nghĩa vụ phải thanh toán trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ thanh toán.

Việc thanh toán tạm cho các giai đoạn chuyển vật tư khung, cánh về công trường và công tác lắp đặt khung, cánh được quy định tại Điều 5.4 hai hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính không quy định thời hạn thanh toán. Việc thanh toán này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Trường hợp trong kỳ thanh toán các bên chưa đủ điều kiện để thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng (chưa có dữ liệu để điều chỉnh giá, chưa đủ thời gian để xác định chất lượng sản phẩm,...) thì có thể tạm thanh toán. khi đã đủ điều kiện để xác định giá trị thanh toán thì bên giao thầu phải thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng quy định tại khoản 3 điều này.” Cho đến thời điểm khởi kiện, nguyên đơn chưa thực hiện nghiệm thu khối lượng công việc thực tế hoàn thành trên công trường với bị đơn nên bị đơn chỉ tạm thanh toán dựa trên các chứng chỉ thanh toán tạm. Hợp đồng và các quy định của pháp luật không quy định thời hạn thanh toán cho các khoản tạm thanh toán, nên không thể xác định khoản tiền chưa thanh toán của các chứng chỉ thanh toán tạm là quá hạn hay chậm thanh toán.

Bị đơn đã kiểm tra đối chiếu và phản hồi bằng văn bản về giá trị khối lượng quyết toán mà nguyên đơn gửi qua email, trong đó công ty bị đơn không chấp nhận thanh toán đối với khối lượng vật tư không nghiệm thu chất lượng mà đã đưa vào sử dụng cho công trình. Nhưng sau đó nguyên đơn không điều chỉnh hồ sơ quyết toán đúng số liệu được kiểm tra đối chiếu, mà lại đề nghị bị đơn nghiệm thu bổ sung trái pháp luật để hợp thức hóa khối lượng vật tư không được nghiệm thu trong quá trình thi công.

Cụ thể, vào 31/3/2021, nguyên đơn gửi bảng tính Excel qua email nhờ bị đơn kiểm tra trước khi in, ký và gửi bản chính thức.

Đến ngày 26/04/2021, bị đơn đã phản hồi bằng văn bản cho nguyên đơn qua email. Trong đó, bị đơn đã đối chiếu khối lượng lắp đặt thực tế (từ Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế) với khối lượng công việc được nghiệm thu chất lượng (từ các biên bản nghiệm thu công việc xây dựng và Biên bản nghiệm thu hoàn thành công việc), từ đó phát hiện nguyên đơn đã đưa một số vật liệu không được nghiệm thu chất lượng (không có hồ sơ vật liệu, không có biên bản nghiệm thu vật liệu) vào sử dụng cho công trình với số lượng cụ thể là: tại Phân khu 8 (Zone 8) thuộc HĐ-042 có 148 bộ khung và 991 bộ cánh/kính, tại Phân khu 5 (Zone 5) thuộc HĐ-021 có 06 bộ khung và 69 bộ cánh/kính.

Trường hợp nguyên đơn không có các biên bản nghiệm thu để chứng minh thì phải điều chỉnh giá trị, khối lượng quyết toán theo số liệu mà đã kiểm tra đối chiếu, trong đó căn cứ theo Điều 5.2 Hợp đồng: “Việc thanh toán sẽ được tính dựa vào khối lượng công việc thực tế do Bên B hoàn thành trên công trường và được Bên A nghiệm thu” thì bị đơn sẽ không thanh toán cho khối lượng vật tư không được nghiệm thu chất lượng.

Trong công văn ký ngày 31/05/2021, nguyên đơn trình bày về việc đến nay mới cung cấp Phiếu yêu cầu nghiệm thu và hồ sơ vật liệu bổ sung là: “Kèm theo T gửi hồ sơ nguồn gốc xuất xứ vật liệu của 148 bộ khung và 991 bộ cánh của zone 8; 6 bộ khung và 69 bộ cánh của zone 5 mà trước đây CSCEC chưa nhận” nguyên đơn nêu lý do “trước đây CSCEC chưa nhận” nhưng thực tế là khi chuyển hàng đến công trường thì nguyên đơn đã không gửi kèm các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vật liệu cho bị đơn để công ty chúng tôi mời các bên liên quan tổ chức nghiệm thu chất lượng vật liệu trước khi đưa vào sử dụng cho công trình. Hành vi này của nguyên đơn vi phạm Điều 7.1 của cả hai hợp đồng nêu trên: “Khi hàng đến công trường, vật liệu cùng giấy tờ kèm hàng phải được kiểm tra và ký biên bản nghiệm thu đầu vào đạt chất lượng cho vật liệu thi công. Biên bản này là chứng từ bắt buộc để thanh toán theo điều 3 của hợp đồng này.” Đối với khối lượng vật liệu không được nghiệm thu chất lượng đã đưa vào sử dụng cho công trình, thì khi tiến hành quyết toán hợp đồng nguyên đơn mới gửi bù hồ sơ vật liệu và Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu đồng thời yêu cầu tính phần khối lượng vật liệu này vào giá trị quyết toán là trái với các quy định trong xây dựng công trình, trái với quy định hợp đồng, trái với Tiêu chuẩn Xây Dựng Việt Nam, có khả năng cấu thành tội phạm theo Bộ Luật Hình Sự.

Trong hợp đồng tại Điều 7.1 của hai Hợp đồng nêu trên: “Khi hàng đến công trường, vật liệu cùng giấy tờ kèm hàng phải được kiểm tra và ký biên bản nghiệm thu đầu vào đạt chất lượng cho vật liệu thi công. Biên bản này là chứng từ bắt buộc để thanh toán theo điều 3 của hợp đồng này.” Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công trình, nguyên đơn đã không cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến khối lượng vật liệu nêu trên (khối lượng vật liệu không được nghiệm thu chất lượng), mà tự ý đưa khối lượng vật liệu này vào sử dụng cho công trình.

Đến khi nộp hồ sơ quyết toán, bị phát hiện sự việc trên thì nguyên đơn lại gửi bù hồ sơ vật liệu và Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu nhằm mục đích hợp thức hóa khối lượng vật liệu không được nghiệm thu. Tại thời điểm nguyên đơn gửi bù hồ sơ vật liệu thì không thể thực hiện công tác nghiệm thu vật liệu do không phù hợp với quy định tại mục 4.1 nghiệm thu vật liệu, thiết bị, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình của Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam 371: 2006 nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng: Đối tượng nghiệm thu quy định tại mục số 4.1.2 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 371: 2006: “Các loại vật liệu, sản phẩm chế tạo sẵn trước khi sử dụng vào công trình”, còn thực tế thì tất cả vật liệu đã được sử dụng vào công trình. Và, tại thời điểm nguyên đơn gửi bù hồ sơ vật liệu và Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu thì cũng không thể thực hiện công tác nghiệm thu vật liệu theo trình tự nghiệm thu quy định tại điều 4.1.4 TCXDVN 371: 2006 do công trình đã hoàn thành và bàn giao cho 452 chủ nhà (380 căn nhà Zone 8 + 72 căn biệt thự zone 5).

Các hồ sơ vật liệu và Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu mà nguyên đơn gửi bù có dấu hiệu lập khống, không có trong thực tế. Cụ thể, đối với Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu và hồ sơ chất lượng mà công ty T đã lập bù với các số phiếu nghiệm thu từ VDP/SWB.Z8/CSC EC/MA/FI/ALD/178 đến 197 (nguyên đơn tự đánh số thứ tự tiếp theo số của biên bản nghiệm thu sau cùng được ký trong quá trình thi công) và tự điền ngày nghiệm thu cho các phiếu này là từ ngày 28/02/2020 đến ngày 14/05/2020 (nguyên đơn tự điền ngày tiếp theo ngày ký biên bản nghiệm thu sau cùng trong quá trình thi công), kèm theo các phiếu kiểm tra thành phẩm của nguyên đơn từ ngày 28/02/2020 đến ngày 14/05/2020. Tuy nhiên, căn cứ theo các Biên bản nghiệm thu nội bộ công việc xây dựng đã ký giữa bị đơn và nguyên đơn thì ngày 12/04/2020 là đợt nghiệm thu cuối cùng của công tác lắp đặt khung và cánh/ kính (đã nghiệm thu đủ số lượng 380 căn của zone 8 và không có biên bản nghiệm thu công việc xây dựng nào của hạng mục thi công nhôm kính được nghiệm thu sau ngày này), như vậy khi vật liệu khung và cánh/ kính đều đã được chuyển đến và hoàn thành lắp đặt tại công trường vào ngày 12/04/2020 thì làm sao T có thể tiến hành kiểm tra thành phẩm tại xưởng sản xuất từ ngày 13/04/2020 đến ngày 14/05/2020.

Các giá trị mà nguyên đơn đưa ra để khởi kiện đòi bị đơn phải trả tiền gốc và lãi đều không lập hồ sơ để người đại diện pháp luật của nguyên đơn đóng dấu và cung cấp cho bị đơn, mà các giá trị đó đều là do nguyên đơn tự tính toán.

Cụ thể, ngày 22/01/2021, nguyên đơn nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện cho Tòa án Nhân dân Quận 7 nêu ra các giá trị: Tổng giá trị quyết toán công trình HĐ-042 là: 68.366.691.821 đồng;Tổng giá trị quyết toán công trình HĐ-021 là: 17.412.737.763 đồng. Các giá trị này là số liệu tính toán một phía của nguyên đơn, chứ nguyên đơn chưa cung cấp cho bị đơn hồ sơ thanh toán quyết toán được nào thể hiện giá trị này được người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn ký tên, đóng dấu.

Các giá trị mà nguyên đơn đưa ra đều không đúng với giá trị quyết toán hợp đồng được kỹ sư QS của bị đơn kiểm tra đối chiếu và phản hồi bằng văn bản cho công ty T là: HĐ-042 là: 65.464.122.848 đồng; HĐ-021 là:

17.230.854.763 đồng.

Tuy nhiên, nguyên đơn không chỉnh sửa hồ sơ quyết toán theo số liệu bị đơn đã kiểm tra đối chiếu, cũng không cung cấp được biên bản nghiệm thu vật liệu khác, mà lại gửi bù hồ sơ vật liệu và Phiếu yêu cầu nghiệm thu vật liệu và yêu cầu chúng tôi phải tính giá trị khối lượng vật liệu không được nghiệm thu này vào giá trị quyết toán để thanh toán.

Hợp đồng giữa bị đơn và nguyên đơn giao kết điều khoản thanh toán tại Điều 5.2 là “Việc thanh toán sẽ được tính toán dựa vào khối lượng công việc thực tế do Bên B hoàn thành trên công trường và được Bên A nghiệm thu” nên việc bị đơn chỉ thanh toán đối với khối lượng công việc được nghiệm thu là hoàn toàn đúng với giao kết hợp đồng. Giữa bị đơn và nguyên đơn không hề ký bất kỳ văn bản nào thể hiện “bản chất giao dịch giữa hai bên” là sẽ thanh toán khối lượng công việc không được nghiệm thu. Trong khoản 5 Điều 144 Luật Xây dựng cũng quy định rõ “Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, việc thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu và đơn giá hợp đồng hoặc đơn giá điều chỉnh theo thỏa thuận hợp đồng” chứ không có bất kỳ quy định nào của pháp luật buộc phải thanh toán cho khối lượng công việc không được nghiệm thu.

Giá trị của các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) là do nguyên đơn dựa trên tỷ lệ phần trăm hoàn thành được thể hiện trên các bảng theo dõi công việc tại hiện trường và tính toán tạm theo giá trị ở cột thành tiền, chứ nguyên đơn chưa cung cấp bất kỳ hồ sơ nào thể hiện khối lượng nào để xác định giá trị thanh toán đúng theo quy định hợp đồng: Khối lượng hoàn thành thực tế được nghiệm thu nhân với phần trăm đơn giá của từng công tác.

Trong bản ý kiến ngày 17/12/2020, nguyên đơn nộp cho Tòa án thì nguyên đơn đã gọi các Bảng theo dõi nhập hàng và Bảng theo dõi lắp đặt, là “Bảng xác nhận khối lượng hàng tháng” là điều phi lý. Tiêu đề của các tài liệu này đã thể hiện rõ là bảng theo dõi chứ không phải là bảng xác nhận khối lượng hàng tháng, đồng thời nội dung thể hiện trong các Bảng theo dõi nhập hàng, Bảng theo dõi lắp đặt và bảng tính giá trị cho các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) do nguyên đơn lập cũng không thể hiện khối lượng công việc và giá trị khối lượng công việc như quy định của hợp đồng.

Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên đơn chưa cung cấp cho bị đơn hồ sơ thanh toán đúng quy định tại Điều 5 Hợp đồng ngoài các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC), chứng chỉ này chỉ được xem như hồ sơ thanh toán tạm.

Trong Nghị định 37/NĐ-CP, tại Điều 19 Thanh toán hợp đồng xây dựng cũng có nhắc đến việc thanh toán tạm: “4. Trường hợp trong kỳ thanh toán các bên chưa đủ điều kiện để thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng (chưa có dữ liệu để điều chỉnh giá, chưa đủ thời gian để xác định chất lượng sản phẩm,...) thì có thể tạm thanh toán. Khi đã đủ điều kiện để xác định giá trị thanh toán thì bên giao thầu phải thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng quy định tại khoản 3 Điều này.” Trong quá trình thực hiện công việc hợp đồng, khi các công việc hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu và cũng không có hồ sơ xác nhận khối lượng công việc để xác định giá trị thanh toán theo đúng quy định hợp đồng thì nguyên đơn đã lập các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC). Các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) được người đại diện pháp luật của nguyên đơn ký đóng dấu chỉ thể hiện giá trị được tính toán tạm dựa trên phần trăm công việc hoàn thành và chưa được nghiệm thu, chứ không thể hiện “khối lượng công việc thực tế do Bên B hoàn thành trên công trường và được Bên A nghiệm thu” như quy định tại Điều 5.2 của cả hai Hợp đồng: “Việc thanh toán sẽ được tính dựa vào khối lượng công việc thực tế được Bên B hoàn thành trên công trường và được Bên A nghiệm thu” cho nên các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) không phải là hồ sơ thanh toán được nêu tại Điều 5.6 của cả hai Hợp đồng: “Bên A sẽ thanh toán cho Bên B trong vòng 20 (hai mươi) ngày lịch kể từ ngày nhận được hồ sơ thanh toán”, mà chỉ là hồ sơ thanh toán tạm, nên bị đơn có quyền thanh toán tạm cho nguyên đơn căn cứ theo tình hình thực tế, chứ bị đơn không có nghĩa vụ thanh toán các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) này theo thời hạn quy định tại Điều 5.6 của cả hai Hợp đồng. Từ đó, việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền gốc đòi lãi suất chậm thanh toán đối với các Chứng chỉ thanh toán tạm (IPC) này là vô căn cứ, không đúng với giao kết hợp đồng.

Về yêu cầu thanh toán cho nguyên đơn số tiền gốc của là 27.260.662.585 đồng, bị đơn đề nghị Tòa án bác yêu cầu này của nguyên đơn do không có vi phạm (giao kết hợp đồng và nghị định 37/2015/NĐ-CP đều không quy định về thời hạn thanh toán của các khoản tạm thanh toán), hơn nữa giá trị trên là giá trị còn mập mờ chưa được làm rõ: khi nguyên đơn đủ điều kiện thanh toán theo Điều 5.2 Hợp đồng thì bị đơn sẽ thực hiện thanh toán đúng theo quy định hợp đồng.

Về yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán của hai hợp đồng là 2.433.510.345 đồng và 479.921.931 đồng, bị đơn đề nghị bác yêu cầu này của nguyên đơn do bị đơn không có vi phạm (giao kết hợp đồng và nghị định 37/2015/NĐ-CP đều không quy định về thời hạn thanh toán của các khoản tạm thanh toán nên không có cơ sở xác định là chậm thanh toán), hơn nữa số tiền lãi này đang được tính trên giá trị còn mập mờ chưa được làm rõ.

Trong quá trình thực hiện hai hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính, bị đơn luôn thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và điều khoản hợp đồng, không vi phạm hợp đồng và không vi phạm pháp luật. Vì thế, bị đơn mong được quý tòa đánh giá khách quan, công tâm, minh bạch và bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn không yêu cầu phản tố.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Vina P tại bản giải trình đề ngày 19/01/2021 có ý kiến trình bày như sau:

Công ty Cổ phần Vina P là Chủ đầu tư của công trình P phân khu 8 và Công trình P phân khu 5 tại Nhơn Trạch Đồng Nai và bị đơn là nhà thầu chính.

Bị đơn đã ký các Hợp đồng với nguyên đơn (là nhà thầu phụ) để thi công các hạng mục nhôm kính của Hợp đồng thầu chính giữa nguyên đơn và Chủ đầu tư.

Liên quan đến việc nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình P Phân Khu 8, Công ty Cổ Phần Vina P đã hoàn thành hạng mục nhôm, cửa và cửa sổ hợp kim nhôm kính và đã thanh toán 100% số tiền nêu tại chứng chỉ thanh toán số 23 (đính kèm bản giải trình này) cho bị đơn từ tháng 8 năm 2020.

Liên quan đến việc nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình P Phân Khu 5, Công ty Cổ Phần Vina P đã hoàn thành hạng mục nhôm, cửa và cửa sổ hợp kim nhôm kính và đã thanh toán 100% số tiền nêu tại chứng chỉ thanh toán số 16 (đính kèm bản giải trình này) cho bị đơn từ tháng 8 năm 2020; và Công ty không có bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào với nguyên đơn.

Nhận thấy rằng tranh chấp phát sinh liên quan đến các hợp đồng ký giữa bị đơn và nguyên đơn; Công ty Cổ Phần Vina P đã hoàn thành việc nghiệm thu và nghĩa vụ thanh toán cho bị đơn đối với các hạng mục nhôm, cửa và cửa sổ hợp kim nhôm kính được thực hiện bởi nhà thầu phụ là nguyên đơn; và Công ty Cổ Phần Vina P không có bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào và không có nghĩa vụ thanh toán trực tiếp cho nguyên đơn.

Công ty Cổ Phần Vina P đề nghị được vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án và vắng mặt tại phiên tòa xét xử.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 56/2021/KDTM-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Về hình thức: Xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Vina P.

2. Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Kim Loại T:

2.1 Buộc bị đơn - Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) phải thanh toán cho nguyên đơn - Công ty TNHH Kim Loại T tổng số tiền là 35.993.914.684 đồng, trả một lần ngay sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, trong đó:

- Số tiền còn nợ theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 15/3/2019 và Phụ lục kèm theo là 3.363.359.167 đồng.

- Số tiền còn nợ theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP380-SUBP-042 ngày 10/3/2019 và Phụ lục Hợp đồng kèm theo tổng cả nợ gốc và lãi theo Hợp đồng này là 32.630.555.517 đồng, trong đó: Số tiền nợ gốc là 28.806.493.505 đồng và số tiền nợ lãi tính tới ngày xét xử sơ thẩm là 3.824.062.012 đồng. Lãi tiếp tục tính kể từ ngày 29/12/2021 cho đến khi bị đơn thanh toán hết số tiền nợ gốc của Hợp đồng theo mức lãi suất nợ quá hạn.

2.2 Đình chỉ yêu cầu tính lãi suất theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 15/3/2019, số tiền là 441.624.813 đồng.

Ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra bản án còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Không đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm, ngày 11/01/2022 nguyên đơn nộp đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán trên khoản tiền chậm trả của HĐ-042 tính từ ngày 01/8/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm; Bị đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, lý do cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện chứng cứ, chấp nhận lời trình bày vô căn cứ của phía nguyên đơn. Bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời yêu cầu nguyên đơn phải lập hồ sơ quyết toán không bao gồm khối lượng công việc không nghiệm thu và cung cấp hồ sơ thanh quyết toán để làm căn cứ xác định giá trị và thời hạn thanh toán kể từ ngày bị đơn nhận được hồ sơ thanh toán.

* Tại phiên tòa Phúc thẩm:

Người kháng cáo đại diện nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn kháng cáo một phần nội dung của bản án sơ thẩm đã tuyên về lãi suất chậm trả đối với số tiền bị đơn chưa thanh toán trong HĐ-042 vì bản án sơ thẩm xác định thời điểm tính lãi chậm trả từ 05/01/2021 là không phù hợp. Cụ thể tổng giá trị thanh toán của HĐ-042 là 68.366.691.821 đồng, gồm giá trị 64.216.582.801 đồng đã được bị đơn xác nhận tại bản đối chiếu công nợ ngày 01/7/2020 và phần phát sinh thêm là 4.150.109.020 đồng được nghiệm thu vào ngày 04/01/2021. Vì vậy, lãi chậm trả được tính như sau:

- Số tiền đã xác nhận là 64.216.582.801 đồng vào ngày 01/7/2020 thì nghĩa vụ thanh toán của bị đơn theo hợp đồng quy định là trong hạn 20 ngày tức đến hết ngày 21/7/2020, nhưng với sự thiện chí của mình thì nguyên đơn tính thời điểm chậm trả bắt đầu từ ngày 01/8/2020, với lãi suất 13,5%/năm thì tiền lãi tạm tính đến ngày 28/12/2021 là 4.679.601.550 đồng (1) - Số tiền phát sinh thêm 4.150.109.020 đồng được nguyên đơn yêu cầu thanh toán thể hiện qua việc gửi hồ sơ quyết toán cho bị đơn vào ngày 26/04/2021, nhưng với sự thiện chí của mình thì nguyên đơn tính thời điểm chậm trả bắt đầu từ ngày 15/5/2021, với lãi suất 13,5%/năm thì tiền lãi tạm tính đến ngày 28/12/2021 là 340.174.317 đồng (2) (1) + (2) thì tổng cộng bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi là 5.019.775.867 đồng. Nguyên đơn đề nghị hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả như trên của nguyên đơn.

Đối với các yêu cầu kháng cáo của bị đơn thì nguyên đơn không đồng ý toàn bộ vì lý do: Toàn bộ công việc của nguyên đơn thực hiện theo 02 HĐ-042 và HĐ-021 đã được chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công, cùng với chính bị đơn hoàn tất việc nghiệm thu. Căn cứ khối lượng công việc nghiệm thu thực tế nguyên đơn và bị đơn đã ký 02 phụ lục hợp đồng điều chỉnh tổng giá trị của 02 hợp đồng để làm căn cứ thanh toán. Bị đơn lấy lý do thiếu biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào để từ chối thanh toán cho nguyên đơn là không chính đáng. Bởi, cho đến nay, chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công và bị đơn vẫn không có bất cứ khiếu nại nào về chất lượng đối với hạng mục cửa nhôm kính. Đồng thời chủ đầu tư xác định đã thanh toán 100% hạng mục nhôm kính cho bị đơn. Nguyên đơn đã thực hiện bổ sung hồ sơ để thanh quyết toán các hợp đồng đúng quy định nhưng bị đơn không nhận.

Người kháng cáo đại diện của bị đơn trình bày: Bị đơn kháng cáo không đồng ý thanh toán cho nguyên đơn vì những lý do như sau:

Hồ sơ quyết toán mà nguyên đơn gửi không đúng quy định. Cụ thể không cung cấp đầy đủ biên bản nghiệm thu đầu vào đạt chất lượng cho vật liệu thi công theo quy định tại Điều khoản 7.1 của các hợp đồng.

Chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng thực tế để làm cơ sở xác định tổng giá trị thanh toán.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán số tiền thể hiện trong các phụ lục của HĐ-042 và HĐ-021 là không có cơ sở bởi lẽ các phụ lục hợp đồng này là để điều chỉnh, bổ sung đơn giá hợp đồng và khối lượng hợp đồng mà nguyên đơn yêu cầu thay đổi và báo giá để đề nghị điều chỉnh theo kích thước và khối lượng thiết kế được duyệt trên bản vẽ thiết kế thi công. Do thời điểm ký phụ lục hợp đồng hai bên chưa thống nhất khối lượng hoàn thành thực tế nên tại điều 1.2 phụ lục HĐ-042 và HĐ-021 đều có ghi “Giá trị quyết toán sẽ căn cứ theo khối lượng nghiệm thu thực tế.”.

Bị đơn thừa nhận các bên có ký các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành vào ngày 29/12/2020 đối với HĐ-021 và ngày 04/01/2021 đối với HĐ-042 nhưng chỉ là nghiệm thu về khối lượng công việc thực tế, không bao gồm nghiệm thu về chất lượng các vật liệu mà nguyên đơn đã sử dụng để lắp đặt. Bị đơn vẫn giữ nguyên ý kiến về việc không đồng ý thanh toán đối với khối lượng các thành phẩm khung/cánh và vật liệu kính mà nguyên đơn sử dụng những vật liệu chưa được nghiệm thu đầu vào đạt chất lượng. Cụ thể bị đơn tự tính ra như sau: HĐ-042 có 148 bộ khung và 991 bộ cánh/kính quy ra giá trị là 2.705.585.654 đồng và HĐ-021 có 06 bộ khung và 69 bộ cánh/kính quy ra giá trị là 130.034.891 đồng.

Vì những lý do trên, bị đơn yêu cầu Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu thanh toán của nguyên đơn đối với khối lượng sản phẩm có sử dụng vật liệu chưa được nghiệm thu đầu vào, cụ thể bị đơn không phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền là 2.705.585.654 đồng + 130.034.891 đồng = 2.835.620.545 đồng. Đồng thời xác định bị đơn không vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên không phải chịu tiền lãi suất do chậm thanh toán như nguyên đơn yêu cầu.

Tại phiên tòa các bên đã thống nhất những nội dung như sau:

Nguyên đơn đã giao và bị đơn đã nhận đầy đủ bộ hồ sơ quyết toán của HĐ-042 cho số tiền 25.976.488.757 đồng + tiền bảo lưu là 1.636.603.071 đồng và HĐ-021 cho số tiền 3.181.476.168 đồng + tiền bảo lưu là 435.318.444 đồng.

Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên:

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán đã chấp hành theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xét xử phúc thẩm vụ án.

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng vụ án: các đương sự trong vụ án đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Căn cứ các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành giữa nguyên đơn, bị đơn và chủ đầu tư, đơn vị giám sát, việc thực tế chủ đầu tư đã nghiệm thu hạng mục nhôm kính và đã thanh toán 100% cho bị đơn, nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền còn lại của các hợp đồng theo giá trị khối lượng thực tế hoàn thành đã được nghiệm thu là có cơ sở, án sơ thẩm đã tuyên chấp nhận đối với yêu cầu này của nguyên đơn là phù hợp nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên phần này. Đối với yêu cầu kháng cáo về lãi suất chậm thanh toán, xét thấy nguyên đơn có vi phạm trong việc lập hồ sơ thanh toán gửi cho bị đơn, cụ thể là không có đầy đủ biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào nên bị đơn chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán, kháng cáo của bị đơn đối với nội dung này là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán của nguyên đơn. Đối với các phần khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo nên đề nghị giữ nguyên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử, nhận định:

[1] Cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án đúng theo thẩm quyền, xác định quan hệ tranh chấp, xác định tư cách tố tụng các đương sự trong vụ án đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

[2] Đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn còn trong thời hạn kháng cáo, có hình thức và nội dung đúng quy định nên được chấp nhận.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm Công ty Cổ Phần Vina P có đơn xin xét xử vắng mặt nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, xét xử vắng mặt Công ty Cổ Phần Vina P.

[4] Căn cứ nội dung kháng cáo của người đại diện phía nguyên đơn và bị đơn trình bày tại phiên tòa, nhận thấy những nội dung các bên đã thừa nhận, có sự thống nhất ý kiến như sau:

[5] Nguyên đơn và bị đơn ký kết với nhau 02 hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính. Cụ thể Hợp đồng số CSCECVN-SEA-DP380-SUBP-042 ngày 10/03/2019 (gọi tắt HĐ-042) với tổng giá trị hợp đồng là 67.143.297.015 đồng và Hợp đồng số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 15/03/2019 (gọi tắt HĐ-021) với tổng giá trị hợp đồng là 17.600.000.100 đồng. Nội dung hợp đồng là để nguyên đơn lắp đặt các hạng mục cửa đi và cửa sổ hợp kim nhôm tại Phân khu 5 và Phân Khu 8 công trình P, Nhơn Trạch – Đồng Nai do Công ty Cổ phần Vina P là Chủ đầu tư, bị đơn là nhà thầu thi công chính.

[6] Quá trình thực hiện hợp đồng, như sau:

[7] Đối HĐ-042 thì nguyên đơn đã thực hiện lắp đặt xong. Nguyên đơn, bị đơn cùng với chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình tiến hành nghiệm thu và lập các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành vào ngày 04/01/2021. Sau đó, ngày 12/01/2021 nguyên đơn và bị đơn ký Phụ lục Hợp đồng số CSCECVN-SEA-DP380-SUBP-042 có nội dung điều chỉnh giá trị hợp đồng thành 68.366.691.821 đồng (tăng 1.223.394.806 đồng so với hợp đồng).

[8] Đối với HĐ-021, thì nguyên đơn đã thực hiện lắp đặt xong. Nguyên đơn, bị đơn cùng với chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công xây dựng công trình tiến hành nghiệm thu và lập các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành vào ngày 29/12/2020. Sau đó, ngày 12/01/2021 nguyên đơn và bị đơn ký Phụ lục Hợp đồng số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 12/01/2021 điều chỉnh giá trị hợp đồng thành 17.412.737.763 đồng (giảm 187.262.337 đồng so với hợp đồng).

[9] Các bên xác nhận bị đơn đã tạm ứng thanh toán cho nguyên đơn một phần giá trị của HĐ-042 là 37.851.031.020 đồng và một phần giá trị của HĐ- 021 là 13.614.060.152 đồng.

[10] Những nội dung các bên tranh chấp và có kháng cáo như sau:

[11] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền còn lại căn cứ theo giá trị của từng hợp đồng đã được điều chỉnh qua các phụ lục. Cụ thể: đối với HĐ- 042 thì tổng giá trị thanh toán là 68.366.691.821 đồng - 37.851.031.020 đồng (đã tạm ứng) - 1.709.167.296 đồng (tiền bảo lưu giữ lại) = 28.806.493.505 đồng và đối với HĐ-021 thì tổng giá trị thanh toán là 17.142.737.763 đồng - 13.614.060.152 đồng (đã tạm ứng) - 435.318.444 đồng (tiền bảo lưu giữ lại) = 3.363.359.167 đồng.

[12] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả của HĐ-042 tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 28/12/2021 theo mức lãi suất nợ quá hạn là 13,5%/năm, tổng số tiền lãi yêu cầu là 5.019.775.867 đồng.

[13] Bị đơn chỉ đồng ý thanh toán một phần trong tổng số tiền mà nguyên đơn yêu cầu. Cụ thể: đối với HĐ-042: đồng ý thanh toán số tiền là 25.976.488.757 đồng/28.806.493.505 đồng và đối với HĐ-021 đồng ý thanh toán số tiền là 3.181.476.168 đồng/3.363.359.167 đồng.

[14] Bị đơn không đồng ý thanh toán một phần trong tổng số tiền mà nguyên đơn yêu cầu. Cụ thể là phần giá trị của số vật liệu chưa được nghiệm thu đầu vào: trong HĐ-042 có 148 bộ khung và 991 bộ cánh/kính quy ra giá trị là 2.705.585.654 đồng và trong HĐ-021 có 06 bộ khung và 69 bộ cánh/kính quy ra giá trị là 130.034.891 đồng.

[15] Bị đơn không đồng ý trả tiền lãi trên số tiền còn phải thanh toán của HĐ-042 như yêu cầu của nguyên đơn.

[16] Hội đồng xét xử căn cứ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ, những nội dung nguyên đơn và bị đơn đã trình bày thống nhất, nhận định về yêu cầu kháng cáo của các bên như sau:

[17] Căn cứ khoản 7.1 Điều 7 của HĐ-042 và HĐ-021 đều có quy định: “Khi hàng đến công trường, vật liệu cùng giấy tờ kèm hàng phải được kiểm tra và ký biên bản nghiệm thu đầu vào đạt chất lượng cho vật liệu thi công. Biên bản này là chứng từ bắt buộc để thanh toán theo điều 3 của hợp đồng này.” Như vậy, khi nguyên đơn nộp hồ sơ thanh toán mà không có đầy đủ biên bản nghiệm thu vật liệu đầu vào là chưa thực hiện đúng quy định của hợp đồng như lời trình bày của bị đơn.

[18] Thiếu sót này nguyên đơn đã khắc phục bằng cách lập lại các biên bản để bị đơn và các bên liên quan ký bổ sung. Bị đơn không đồng ý ký bổ sung biên bản theo cách ký lùi ngày vì cho rằng đây là việc lập biên bản khống, nhưng cũng không đưa ra giải pháp, cách thức nào để nguyên đơn khắc phục mà kiên quyết loại trừ không thanh toán phần giá trị tương ứng với khối lượng vật liệu thiếu biên bản nghiệm thu đầu vào.

[19] Nhận thấy, nguyên đơn có vi phạm thủ tục về nghiệm thu vật liệu đầu vào, lý giải của nguyên đơn đây là sơ suất trong quá trình nhập vật liệu vào công trình để thi công với khối lượng rất lớn, nhưng số lượng vật liệu bị thiếu biên bản nghiệm thu là không nhiều so với tổng số. Cụ thể theo số liệu mà bị đơn tự tính ra thì số vật liệu chưa có biên bản nghiệm thu tương đương với 148 bộ khung và 991 bộ cánh/kính trong tổng số 8.143 bộ đã lắp đặt theo HĐ-042 và tương đương 06 bộ khung và 69 bộ cánh/kính trong tổng số 2.048 bộ đã lắp đặt theo HĐ-021. Hơn nữa những vật liệu này đã được sử dụng lắp đặt hoàn thiện thành các bộ cửa, đã được chủ đầu tư nghiệm thu đạt chất lượng với bị đơn và thanh quyết toán 100% giá trị cho bị đơn. Thực chất vật liệu có biên bản nghiệm thu và vật liệu chưa có biên bản nghiệm thu là như nhau vì nguyên đơn trực tiếp sản xuất ra các vật liệu này, bị đơn cũng không xác định cụ thể đâu là những vật liệu chưa được nghiệm thu, bị đơn không chứng minh được các vật liệu này không đạt chất lượng như thế nào và thực tế đến hiện tại toàn bộ sản phẩm được nguyên đơn lắp đặt không bị ai khiếu nại về chất lượng. Xét thấy, lời trình bày của nguyên đơn là phù hợp với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ; bị đơn cũng xác nhận các sản phẩm do nguyên đơn lắp đặt không phát sinh sự cố gì về chất lượng nên chủ đầu tư và bị đơn không có khiếu nại, đồng thời nguyên đơn vẫn còn nghĩa vụ bảo hành theo quy định của hợp đồng nên trong quá trình sử dụng sản phẩm do nguyên đơn lắp đặt nếu có vấn đề về chất lượng thì chủ đầu tư và bị đơn được quyền yêu cầu nguyên đơn khắc phục theo quy định về bảo hành. Như vậy, việc bị đơn lấy lý do nguyên đơn có vi phạm như trên để từ chối thanh toán, không chấp nhận cho nguyên đơn khắc phục chứng từ và cũng không đề xuất giải pháp khắc phục là thể hiện sự thiếu thiện chí, bị đơn nhận thanh toán đầy đủ từ phía chủ đầu tư nhưng lại từ chối thanh toán cho nguyên đơn là không hợp lý. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán theo khối lượng thực tế đã được các bên nghiệm thu tại các biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành vào ngày 29/12/2020 và 04/01/2021 là phù hợp, đồng thời xác định tổng giá trị mà bị đơn phải thanh toán như yêu cầu của nguyên đơn tại đoạn [11].

[20] Nguyên đơn yêu cầu tính lãi chậm thanh toán dựa trên mốc thời điểm hai bên ký biên bản đối chiếu công nợ ngày 01/7/2020 và ngày bị đơn từ chối nhận hồ sơ thanh toán là không phù hợp quy định về thanh toán của hợp đồng, cụ thể: theo khoản 5.2 Điều 5 Hợp đồng thi công thì “Việc thanh toán sẽ được tính dựa vào khối lượng công việc thực tế do bên B hoàn thành trên công trường và được bên A nghiệm thu”; khoản 5.6 Điều 5 Hợp đồng về thời hạn thanh toán: “Bên A sẽ thanh toán cho bên B trong vòng 20 (hai mươi) ngày lịch kể từ ngày nhận được hồ sơ thanh toán”; Như phân tích tại đoạn [17] do hồ sơ thanh toán của nguyên đơn chưa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 7.1 Điều 7 Hợp đồng nên phía bị đơn có quyền từ chối nhận hồ sơ. Vì vậy, tại các mốc thời điểm mà nguyên đơn đã nêu thì bị đơn chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán. Kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền lãi 5.019.775.867 đồng do chậm thanh toán là không có cơ sở nên không được chấp nhận. Kháng cáo của bị đơn không đồng ý trả lãi trên số tiền chậm thanh toán của HĐ-042 là có căn cứ nên được chấp nhận.

[21] Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền nợ gốc của HĐ-042 là 28.806.493.505 và HĐ-021 là 3.363.359.167 là phù hợp. Tuy nhiên, việc chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả lãi do chậm thanh toán trong thời gian từ ngày 05/01/2021 đến ngày xét xử sơ thẩm với số tiền 3.824.062.012 đồng là chưa phù hợp như phân tích tại đoạn [20], nên cần áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu tính lãi suất chậm thanh toán của nguyên đơn.

[22] Đối với các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo nên giữ nguyên.

[23] Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 24, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm, nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được xác định lại như sau:

[24] Bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm đối với tổng số tiền phải trả cho nguyên đơn là 28.806.493.505 + 3.363.359.167 = 32.169.852.672 đồng, nên án phí phải chịu là 140.169.852 đồng.

[25] Nguyên đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu tính lãi không được chấp nhận với số tiền là 5.019.775.867 đồng, nên án phí phải chịu là 113.019.776 đồng.

[26] Các đương sự được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và phúc thẩm đã nộp.

[27] Căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, nhận thấy trong hợp đồng các bên không có quy định về lãi suất chậm thanh toán và tại phiên tòa cũng không thỏa thuận với nhau về mức lãi suất chậm thanh toán. Do đó việc quyết định lãi, lãi suất được căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Điều 306 Luật Thương mại. Do phần quyết định về nội dung này của Bản án sơ thẩm tuyên chưa rõ ràng nên cần bổ sung để làm căn cứ thi hành.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, Điều 271, Điều 273, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 306 Luật Thương mại; Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; khoản 3 Điều 24, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Sửa một phần bản án sơ thẩm.

1. Về hình thức: Xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Vina P.

2. Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Kim Loại T:

2.1 Buộc Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) phải thanh toán cho Công ty TNHH Kim Loại T tổng số tiền là 32.169.852.672 đồng (trong đó số tiền còn nợ theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA- DP380-SUBP-042 ngày 10/3/2019 là 28.806.493.505 đồng và số tiền còn nợ theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP- 021 ngày 15/3/2019 là 3.363.359.167 đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán.

2.2 Không chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH Kim Loại T đòi Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) trả số tiền lãi là 5.019.775.867 đồng theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP380-SUBP-042 ngày 10/3/2019.

2.3 Đình chỉ yêu cầu của Công ty TNHH Kim Loại T đòi Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) số tiền lãi là 441.624.813 đồng theo Hợp đồng thi công hạng mục nhôm kính số CSCECVN-SEA-DP73-SUBP-021 ngày 15/3/2019.

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) phải án phí số tiền là 140.169.852 đồng.

Công ty TNHH Kim Loại T phải chịu án phí số tiền là 113.019.776 đồng. Sau khi cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 70.590.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0041660 ngày 16/10/2020 và số tiền 56.128.433 đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0042248 ngày 21/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, thì Công ty TNHH Kim Loại T được hoàn lại số tiền là 13.698.657 đồng.

4. Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH Kim Loại T và Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) không phải chịu án phí phúc thẩm.

Hoàn lại cho Công ty TNHH Kim Loại T toàn bộ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu số AA/2021/0013896 ngày 12/01/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàn lại cho Công ty TNHH xây dựng Q (Đông Nam Á) toàn bộ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu số AA/2021/0013906 ngày 17/01/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

439
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng số 476/2022/KDTM-PT

Số hiệu:476/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 11/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về