Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng số 23/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 23/2022/KDTM-PT NGÀY 18/08/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG

Ngày 18 tháng 8 năm 2022 tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 09/2022/TLPT- KDTM ngày 23 tháng 6 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng” Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 21 tháng 04 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1938/2022/QĐ-PT ngày 22 tháng 7 năm 2022 và Quyết định Hoãn phiên tòa số 1938/2022/QĐ-PT ngày 05-8-2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần S (S)

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn H, chức vụ Tổng giám đốc; Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Phạm Văn T (giấy ủy quyền số 08/GUQ ngày 26/9/2018 của Tổng giám đốc); địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

- Ông Nguyễn Hữu T (giấy ủy quyền số 07/GUQ ngày 26/9/2018 của Tổng giám đốc); địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

- Ông Vũ Duy D (giấy ủy quyền số 09/GUQ ngày 26/9/2018 của Tổng giám đốc); vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Tấn K, Công ty Luật TNHH P, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

2. Bị đơn: ng ty Cổ phần I (I) Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị D, chức vụ Tổng giám đốc;

địa chỉ: thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền (Theo Giấy ủy quyền số: 443/I/HO-21 ngày 01/11/2021 của Tổng giám đốc) gồm có:

- Bà Vũ Thị H, sinh năm 1960, thành viên Hội đồng quản trị; vắng mặt.

- Bà Đàm Cẩm D, sinh năm 1982, Trưởng phòng kế hoạch; có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Xuân H, sinh năm 1976, cán bộ phụ trách thương mại; địa chỉ: Hà Nội; vắng mặt.

- Bà Vũ Thùy L, sinh năm 1982, cán bộ pháp chế; có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng Thương mại cổ phần B; người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đ T, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Minh H, chức vụ: Phó Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 1, thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần B - Chi nhánh Đà Nẵng (B Đà Nẵng); Địa chỉ trụ sở: Đà Nẵng; có mặt. (Quyết định ủy quyền số 1746/QĐ-B.ĐN ngày 17-11-2021)

4. Người kháng cáo: Công ty Cổ phần S (S)

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Nội dung vụ án được tóm tắt theo trình bày của đương sự như sau:

- Theo đơn khởi kiện ngày 25/5/2018, đơn khởi kiện bổ sung cùng ngày 25/5/2018 và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn – đại diện Công ty S trình bày:

Ngày 09/5/2017, Công ty Cổ phần S - S (viết tắt là Công ty S) và Công ty Cổ phần I - I (viết tắt là Công ty I) đã ký kết Hợp đồng cung cấp lắp đặt số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S (nay gọi là Hợp đồng 09.05) về việc thi công xây dựng hạng mục cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí thuộc dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại V và khách sạn 5 sao V, Huế tại địa chỉ số 50A đường V, thành phố H với giá trị hợp đồng (tạm tính) sau thuế là 31.673.087.519 đồng.

Theo Hợp đồng đã ký, S và I thống nhất việc thanh toán theo từng đợt trên cơ sở việc phê duyệt hồ sơ thanh toán của I. Do I không thực hiện thanh toán nên ngày 25/5/2018, S nộp hồ sơ khởi kiện I về việc chậm thanh toán của bốn (04) đợt thanh toán. Đến hôm nay, S chỉ yêu cầu khởi kiện I về việc chậm thanh toán của hai (02) đợt thanh toán là Đợt 1 và Đợt 2, (02 Đợt còn lại sẽ tiếp tục khởi kiện trong vụ án khác). Đó là số tiền còn thiếu của lần thanh toán đợt 1 là 61.757.884 đồng và toàn bộ số tiền của lần thanh toán đợt 2 là 1.251.916.258 đồng, tổng là 1.313.674.142 đ và các khoản tiền lãi do chậm thanh toán. Số tiền này là của các đợt đề nghị thanh toán theo từng đợt chứ không phải là đề nghị thanh quyết toán toàn bộ công trình.

Theo Hợp đồng đã ký, S và I thống nhất việc thanh toán theo từng đợt trên cơ sở việc phê duyệt hồ sơ thanh toán của I, và hồ sơ vụ án cũng như thực tế đã chứng minh I đã phê duyệt hồ sơ thanh toán đợt 1 và 2 cho S qua việc đã kiểm tra hồ sơ thanh toán và yêu cầu S xuất hoá đơn giá trị gia tăng cho 02 đợt này. Do đó, việc I không thanh toán là vi phạm nghĩa vụ thanh toán từng đợt theo thoả thuận tại hợp đồng.

Theo Hợp đồng số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S ngày 9/5/2017: Tại Điều 7.3.3 Hợp đồng, các bên đã thỏa thuận:

“Trong vòng 7 ngày từ khi nhận hồ sơ đề nghị thanh toán hợp lệ theo quy định, TVGS và Bên A có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận thanh toán cho Bên B. Nếu có yêu cầu giải trình, bổ sung chứng từ, Bên A có trách nhiệm thông báo cho Bên B bằng văn bản nêu rõ các nội dung yêu cầu sửa chữa sai sót/giải trình/bổ sung chứng từ.

Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ thanh toán đầy đủ được Bên A phê duyệt, Bên A có trách nhiệm thanh toán cho Bên B đến 85% giá trị khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu và trừ các khoản sau: Trừ giá trị tạm ứng; các giá trị tiện ích; các khoản trừ khác nếu có” Bộ hồ sơ thanh toán của Đợt 1 và Đợt 2: Theo hồ sơ đề nghị thanh toán đã được I phê duyệt vào các ngày 18/08/2017 cho Đợt 1 và ngày 27/09/2017 cho Đợt 2 thì: Đợt 1: Hồ sơ hoàn thành ngày 18/08/2017 và xuất hóa đơn VAT số 482. Giá trị sản lượng thực hiện: 2.243.515.767 đồng (gồm cả thuế VAT); Giá trị giữ lại:

448.703.152 đồng (20% gia trị); Trừ giá trị tạm ứng: 673.054.730 đồng (30% giá trị); Giá trị đã thanh toán: 1.060.000.000 đồng; Giá trị còn lại thanh toán:61.757.884 đồng. Đợt 2: Hồ sơ hoàn thành ngày 27/09/2017 và xuất hóa đơn VAT số 485; Giá trị sản lượng thực hiện: 2.503.832.516 đồng; Giá trị giữ lại:

500.766.502 đồng (20% giá trị); Trừ giá trị tạm ứng:751.149.756 đồng (30% giá trị); Giá trị đã thanh toán: 0 đồng; Giá trị còn lại thanh toán: 1.251.916.258 đồng.

Căn cứ các điều khoản thanh toán trong Hợp đồng, các quy định chuẩn mực kế toán đã ban hành, quy định về thuế, quy định về hóa đơn được viện dẫn ở trên thì hai đợt thanh toán này (Đợt 1 và Đợt 2) Công ty S hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của Hợp đồng; hoàn thành ghi nhận doanh thu và được ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2017 và 2 Đợt thanh toán này phù hợp, hợp lý và đã đầy đủ chứng từ. Do vậy, I phải có nghĩa vụ thanh toán cho S số tiền thanh toán Đợt 1 và Đợt 2, không thể viện dẫn là hồ sơ thanh toán còn thiếu mà không chứng minh được. Từ những phân tích ở trên, yêu cầu của nguyên đơn về việc khởi kiện I chậm thanh toán của hai (02) đợt thanh toán là Đợt 1 (61.757.884 VND) và Đợt 2 (1.251.916.258 VND) là hoàn toàn có cơ sở.

Các khoản phạt Hợp đồng mà VG phạt I rồi I đề cập là không có căn cứ: vì thứ nhất: VG là chủ đầu tư dự án; I là tổng thầu; S chỉ là một trong những nhà thầu phụ. Chúng tôi hoàn toàn không được I cho gặp đại diện của chủ đầu tư chứ nói gì đến biết được nội dung Hợp đồng giữa VG và I; biết được nội dung trao đổi phạt giữa VG với I. Trên công trường lúc đó có hơn 20 nhà thầu cùng thi công; không lý do gì mà I bị phạt lại đổ trách nhiệm cho riêng S khi các bên chưa ngồi lại với nhau để đối chiếu đúng sai. Thứ hai, trong hồ sơ thanh toán mà công ty S đã gửi I phê duyệt và đại diện I - ông Trần Minh Đ Phó Tổng giám đốc đã ký xác nhận mà không đề cập đến các khoản phạt hợp đồng?. Do đó, các khoản phạt phát sinh (nếu có) do các I chưa đề cập cũng như chưa được các bên thống nhất sẽ được giải quyết trong vụ kiện khác của các hồ sơ thanh toán Đợt 3 và Đợt 4. I có lỗi và luôn gây khó khăn để kéo dài việc thanh toán: Nguyên đơn chỉ nói riêng trong hồ sơ thanh toán Đợt 1 và Đợt 2; I đã biết việc giám sát của Chủ đầu tư đã chuyển đi và đã thông báo cho S rằng I sẽ tự chuyển hồ sơ thanh toán ra Thanh Hóa cho giám sát chủ đầu tư ký - email ngày 07/8/2017; thế nhưng sau đó khi nhận được hồ sơ thanh toán Đợt 1 và Đợt 2 do S gửi, I lại yêu cầu phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của Giám sát Chủ đầu tư.

S tạm dừng thi công là đúng pháp luật: Hợp đồng số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S ngày 9/5/2017. Tại Điều 12.2.1 Hợp đồng, các bên đã thỏa thuận “Bên B có quyền tạm dừng công việc của hợp đồng nếu bên A chậm thanh toán cho bên B quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán theo quy định tại điều 7 - ở trên. Với điều kiện Bên B hoàn thành đúng và đầy đủ các trách nhiệm theo quy định hợp đồng.” Tại Điều 12.2.2 Hợp đồng, các bên đã thỏa thuận “Sau khi áp dụng biện pháp dừng hợp đồng sau 14 ngày Bên B không nhận số tiền thanh toán từ Bên A thì Bên B dừng hợp đồng và gởi thông báo cho Bên A.”. Công văn số 107/2017-CV-CT ngày 27/9/2017. Công văn số 171/2017-CV-CT ngày 30/11/2017 về việc Chậm thanh toán cho nhà thầu S. Như tại phân tích ở trên, xuyên suốt quá trình từ tháng 09/2017 đến nay, S luôn đề nghị I phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho S theo những thoả thuận đã thống nhất trong hợp đồng để S có điều kiện tiếp tục thực hiện phần công việc của mình, thế nhưng I đã cố tình dây dưa không thực hiện. I hoàn toàn có lỗi không thực hiện việc thanh toán cho S số tiền còn thiếu theo hoá đơn lần 1, không thanh toán số tiền theo hoá đơn lần 2 và không làm thủ tục thanh toán đợt 3 và đợt 4 theo hồ sơ S đã gởi, cũng như không thống nhất phương án thanh toán trước khoản tiền nhân công cho phần công việc dang dở theo bảng nhân lực tối thiểu như trong Công văn số 01/2018/CV-CT ngày 03/01/2018. Chính vì vậy, ngày 30/11/2017, căn cứ vào Điều 12.2.1 Hợp đồng, S đã có văn bản tạm dừng thi công công trình. Việc tạm dừng thi công là hoàn toàn đúng theo thoả thuận trong hợp đồng.

Tiền lãi chậm thanh toán: Căn cứ các quy định tại Hợp đồng, việc tính lãi được thực hiện như sau:

Phương pháp tính: Thời gian nhận hồ sơ và phê duyệt hồ sơ là 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Thời gian thanh toán là 07 ngày kể từ ngày phê duyệt hồ sơ. Thời gian tính lãi là 30 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán Theo Điều 11.4 Hợp đồng. Lãi suất cơ bản của ngân hàng là 9%/năm, tương đương với 0,0247%/ngày.

Bảng tính lãi thanh toán Đợt 1: ngày bắt đầu tính lãi 18-9-2017, ngày cuối cùng tính lãi 21-4-2022, số ngày tính lãi 1.676 ngày, số tiền tính lãi 61,757,884; tiền lãi 25,566,035. Bảng tính lãi thanh toán Đợt 2: ngày bắt đầu tính lãi 27-10- 2017, ngày cuối cùng tính lãi 21-4-2022, số ngày tính lãi 1.637 ngày, số tiền tính lãi 1.251.916.258; Tiền lãi 531.764.603đồng. Tiền 2 đợt: 1.313.674,142 đồng. Tổng tiền 1.845.438.745đồng.

Từ những nội dung và cơ sở được trình bày, phân tích ở trên, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, và khối lượng thực tế công việc đã hoàn thành tại công trình V - Huế. Công ty S đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - buộc Công ty I thanh toán cho Công ty S các khoản tiền sau: Thanh toán số tiền theo 02 đợt thanh toán là 1.313.674.142 đồng; Tiền lãi chậm thanh toán theo quy định tại Điều 11.4 Hợp đồng đến ngày Công ty I hoàn tất nghĩa vụ thanh toán (tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 21 tháng 04 năm 2022) là 531.764.603 đồng. Tổng giá trị yêu cầu Công ty I thanh toán là 1.845.438.745 đồng.

- Bị đơn - đại diện Công ty I trình bày:

Quá trình giao kết Hợp đồng 09/5/2017, chúng tôi nhất trí như ý kiến của nguyên đơn Công ty S.

Thực hiện Hợp đồng, I đã ứng trước tiền tạm ứng 30% tổng giá trị hợp đồng vào ngày 17/5/2017 theo đúng cam kết hai bên đã ký. Tuy nhiên nhà thầu S không đảm bảo tiến độ, chất lượng, không đáp ứng đủ năng lực theo hợp đồng đã ký. Vì vậy, ngày 25/12/2017, hai bên đã thỏa thuận cắt giảm khối lượng công việc, khối lượng cắt giảm tương ứng 60% giá trị hợp đồng ký ban đầu. Cụ thể các sai phạm của S như sau:

S liên tục vi phạm tiến độ hợp đồng (được xác định tại các Biên bản họp hai bên các ngày 16/5/2017, 30/5/2017, 03/6/2017, 13/6/2017, 25/7/2017, 01/8/2017, 03/8/2017, 05/9/2017, 14/9/2017, 29/9/2017, ngày 12/10/2017); S liên tục vi phạm không đáp ứng số lượng và chất lượng nhân lực cho công trình (được xác nhận tại các Biên bản họp hai bên các ngày 05/06/2017, 13/6/2017, 14/6/2017, 21/6/2017, 23/6/2017, 26/6/2017, 27/6/2017, 04/7/2017, 11/7/2017, 21/7/2017 và 12/10/2017); S liên tục vi phạm, không tuân thủ các biện pháp thi công, vi phạm nội quy công trường, an toàn lao động…tại công trình như: không có nhật ký thi công, chỉ huy trưởng vắng mặt, báo cáo sai số lượng nhân công, thi công không đảm bảo chất lượng, không vệ sinh khu vực làm việc…(được xác nhận qua các Biên bản phạt, công văn thông báo phạt của chủ đầu tư VG, Biên bản hiện trường số 1104, 1106, 1108 cùng các công văn của Tổng thầu I số 02, 03 ngày 16/8/2017) và S liên tục không đáp ứng việc cung cấp vật tư cho công trình theo như hợp đồng đã ký.

Nhà thầu S không đủ năng lực tiếp tục thi công các hạng mục còn lại của công trình và đề nghị cắt khối lượng giao cho nhà thầu khác Trước những vi phạm liên tục có tính hệ thống của S trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, I đã hết sức nỗ lực hợp tác, thiện chí tạo điều kiện cho S thực hiện hợp đồng, cụ thể:

Về thanh toán hợp đồng: Tạm ứng 30% giá trị hợp đồng ký ban đầu là 9.501.926.256 đồng nhưng toàn bộ khối lượng sau cắt giảm thì tổng giá trị là gần 12 tỷ đồng. Đến nay, I chưa thu hồi được giá trị tạm ứng cho phần cắt giảm này.

- Thanh toán đợt 1: I đã hỗ trợ tạm ứng thanh toán cho Nhà thầu S giá trị 1.060.000.000 đồng, trong khi nhà thầu chưa đủ hồ sơ thanh toán theo quy định tại hợp đồng.

- Thanh toán đợt 2: Nhà thầu S đã tự ý trả khu vực thi công và gửi thông tin, với vi phạm này, I có quyền thu hồi tạm ứng nhưng vẫn tạo điều kiện và chấp nhận bù trừ (căn cứ vào các biên bản phạt có chữ ký của đại diện S) vào khoản thanh toán mà nhà thầu I đã tạm ứng cho S thừa do cắt giảm khối lượng.

- Thanh toán đợt 3, 4: Hồ sơ thanh toán của nguyên đơn gửi cho bị đơn chưa đủ điều kiện theo quy định của Hợp đồng, mặc dù I đã liên tục nhắc nhở.

I yêu cầu nguyên đơn làm hồ sơ thanh toán các đợt phải theo quy định của hợp đồng, nội dung bao gồm cả phần nguyên đơn đã làm và những phần nguyên đơn phải chịu phạt vi phạm, phải bù trừ, bồi thường thiệt hại cho bị đơn. Do đó, chúng tôi không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 26/3/2019, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố nhưng sau đó đến ngày 03/7/2019, bị đơn đã có đơn xin rút toàn bộ nội dung yêu cầu phản tố.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - Ngân hàng B chi nhánh Đà Nẵng trình bày tại Văn bản 1605/B.ĐN ngày 08-10-2018 (bl248):

Ngày 12/5/2017, Ngân hàng B chi nhánh Đà Nẵng có phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng số 478/B.ĐN-KHDN1 với số tiền bảo lãnh là 3.167.308.752 đồng và Bảo lãnh tạm ứng số 479/B.ĐN-KHDN1 với số tiền bảo lãnh là 9.501.926.256 đồng cho Công ty S để thực hiện thi công theo hợp đồng cung cấp lắp đặt số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S ngày 09/5/2017 giữa Công ty S và công ty I.

Căn cứ về việc dừng thanh toán 02 thư bảo lãnh (Bảo lãnh tạm ứng số 479/B.ĐN-KHDN1 ngày 12/5/2017 và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng số 478/B.ĐN- KHDN1 ngày 12/5/2017 cho I là: Trên cơ sở Ngân hàng nhận được 02 văn bản sau:

Ngày 30/5/2018, Ngân hàng B Đà Nẵng nhận được Công văn số 272/2018/CV-TA ngày 28/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Huế yêu cầu B Đà Nẵng tạm dừng giao dịch liên quan đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh thanh toán để Tòa án xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ngày 05/6/2018, Ngân hàng B Đà Nẵng nhận được Quyết định số 23/QĐ- CCTHADS ngày 05/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng về việc cưỡng chế không thực hiện công việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh thanh toán nói trên.

Ngày 01/10/2018, Ngân hàng B nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại số 19/QĐ-TA ngày 26/9/2018 và Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2839/QĐ-BPKCTT ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án nhân dân thành phố Huế đã áp dụng tại Quyết định số 284/2018/QĐ- BPKCTT ngày 31/5/2018. Tính đến thời điểm khởi kiện, tổng khối lượng mà S thi công là hơn 13 tỉ đồng, nhưng Công ty I mới chỉ thanh toán hơn 01 tỉ đồng. Do sự việc có xảy ra tranh chấp và đang được Tòa án thụ lý giải quyết nên Ngân hàng phải chờ kết quả giải quyết cuối cùng của Tòa án.

[2] Tại Bản án sơ thẩm số: 03/2019/KDTM-ST ngày 04-11-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định:

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217; khoản 3 Điều 218; khoản 2 Điều 219; khoản 2 Điều 235 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án; Xử:

Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 06/2018/TLST- KDTM ngày 08/8/2018 về việc Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng, giữa:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần S (S) - Bị đơn: Công ty Cổ phần I (I) - Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng thương mại cổ phần B;

người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đ Tú, chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bản án sơ thẩm còn tuyên về: Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án; án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 15/11/2019, Công ty Cổ phần S (S) kháng cáo toàn bộ Bản án số:

03/2019/KDTM-ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế do không khách quan, không đúng với thỏa thuận của 02 bên và không đúng với quy định của pháp luật và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Cổ phần I (I) thanh toán số tiền 1.313.674.142 và tiền lãi chậm thanh toán cho đến khi I thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán số tiền này.

[3] Tại Bản án phúc thẩm số: 11/2020/KDTM-PT ngày 25/5/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; chấp nhận kháng cáo của S; Hủy bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 03/2019/KDTM-ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm và Quyết định về tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Ngày 10/6/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý, giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hòa giải theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự nhưng các bên đương sự vẫn không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/3/2022, nguyên đơn là Công ty S đưa ra yêu cầu nếu Công ty I chấp nhận trả cho nguyên đơn số tiền 700.000.000 đồng thì nguyên đơn sẽ rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Yêu cầu này của phía nguyên đơn không được bị đơn chấp nhận và các bên không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Đồng thời Công ty S trình bày chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết buộc Công ty I phải thanh toán theo 02 đợt thanh toán là: 1.313.674.142 đồng; Tiền lãi chậm thanh toán theo quy định tại Điều 11.4 Hợp đồng đến ngày Công ty I hoàn tất nghĩa vụ thanh toán (tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 21 tháng 04 năm 2022) là 531.764.603 đồng. Tổng giá trị yêu cầu Công ty I thanh toán là 1.845.438.745 đồng. Công ty S chưa yêu cầu Công ty I phải thanh toán đợt 3 và đợt 4.

[4] Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 21 - 4 - 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định:

Căn cứ Điều 385, 398, 403, 422 của Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 30, Điều 37, Điều 91, Điều 93, Điều 147, Điều 244, khoản 1 Điều 235 , Điều 262, Điều 266 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 3 Điều 26, tiểu mục 1.4 mục 1 phần II của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần S (S) buộc bị đơn Công ty Cổ phần I (I) phải thanh toán giá trị thi công của đợt 3, đợt 4 theo hợp đồng kinh tế số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần S (S) buộc bị đơn Công ty Cổ phần I (I) phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền theo 02 đợt thanh toán là 1.313.674.142 đồng và Tiền lãi chậm thanh toán theo quy định tại Điều 11.4 Hợp đồng đến ngày Công ty I hoàn tất nghĩa vụ thanh toán (tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 21 tháng 04 năm 2022) là 531.764.603 đồng. Tổng giá trị yêu cầu Công ty I thanh toán là 1.845.438.745 đồng (Một tỷ, tám trăm bốn mươi lăm triệu, bốn trăm ba mươi tám ngàn, bảy trăm bốn mươi lăm đồng).

[5] Kháng cáo:

Ngày 05-05-2022 Công ty Công ty Cổ phần S (S) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Công ty S đã thi công công trình theo Hợp đồng gồm 04 đợt nghiệm thu khối lượng. Nay S chỉ khởi kiện yêu cầu thanh toán đợt 1 và đợt 2, là 02 đợt đã được hai bên thống nhất đối chiếu nghiệm thu khối lượng, I đã đồng ý thanh toán 02 đợt này nên S đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho I, nên I phải tiếp tục thanh toán đầy đủ 02 đợt này số tiền còn lại là 1.845.438.745 đồng. Đối với đợt 3 và đợt 4 do đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ để đối chiếu nên chưa khởi kiện, nhưng tổng khối lượng mà S thi công đã gần 13 tỷ đồng. Việc nghiệm thu thanh toán đợt 3 và đợt 4 sẽ được thực hiện đồng thời với thanh toán toàn bộ Hợp đồng.

[6] Tại Phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện của Người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo, cho rằng hai bên đã nghiệm thu khối lượng công việc thi công theo đợt 1 và đợt 2, Công ty S đã xuất Hóa đơn giá trị gia tăng nên I phải tiếp tục thanh toán đủ số tiền 02 đợt này. Số tiền I ứng cho S, thực chất là nằm toàn bộ trong số tiền bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện Hợp đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần B; nếu I tự cho rằng S vi phạm Hợp đồng mà rút số tiền này ra thì S bị thiệt hại nặng. Đề nghị sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau:

Về tố tụng: Thẩm phán, Thư ký phiên tòa và các đương sự đều chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án: Công ty S yêu cầu bị đơn Công ty I thanh toán cho Công ty S các khoản tiền sau: Thanh toán số tiền theo 02 đợt thanh toán là 1.313.674.142 đồng; Tiền lãi chậm thanh toán theo quy định tại Điều 11.4 Hợp đồng đến ngày Công ty I hoàn tất nghĩa vụ thanh toán (tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 21 tháng 04 năm 2022) là 531.764.603 đồng; tổng giá trị yêu cầu Công ty I thanh toán là 1.845.438.745 đồng. Theo hợp đồng 09.05 ngày 09/5/2017, nay các bên đã dừng thi công, có tranh chấp về việc xác định lỗi và phạt vi phạm Hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại; do đó cần phải nghiệm thu thanh toán toàn bộ khối lượng đã thi công theo Hợp đồng, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên khi phải dừng thực hiện hợp đồng thì mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên. Do đó, đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Ngày 09 tháng 5 năm 2017, Công ty I (nhà thầu chính) và Công ty S (nhà thầu phụ) đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 09.05/2017/HVH/HĐCCLĐ/I-S giao nhận thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí dự án công trình V V Huế tại địa chỉ số 50A đường V, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hợp đồng này gồm có 17 điều, trong đó các điều khoản cơ bản gồm: nội dung công việc I giao và S đồng ý nhận thực hiện công việc cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí (trừ tầng 1 trung tâm thương mại)-thuộc dự án V V Huế; tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày (ngày bắt đầu kể từ ngày ký hợp đồng, ngày kết thúc dự kiến 04/5/2018); giá trị hợp đồng (tạm tính) sau thuế 31.673.087.519 đồng; trách nhiệm của các bên; nghiệm thu bàn giao; bảo hành công trình; phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại. S phải nộp cho I chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng có giá trị bằng 10% giá trị hợp đồng trong vòng 07 ngày, kể từ ngày hợp đồng được hai bên ký kết; I tạm ứng 30% giá trị hợp đồng cho S trong vòng 05 ngày.

Công ty I đã chuyển vào tài khoản của Công ty S mở tại Ngân hàng thương mại cổ phần B - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng số tiền tạm ứng 30% là 9.501.926.256 đồng. Công ty S đã nộp cho I Chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng số 478/B.ĐN-KHDN1 với số tiền là 3.167.308.752 đồng và Bảo lãnh số tiền tạm ứng số 479/B.ĐN-KHDN1 với số tiền bảo lãnh là 9.501.926.256 đồng của Ngân hàng B- Chi nhánh Đà Nẵng.

[2] Công ty S thi công cho đến ngày 25/12/2017 với giá trị khối lượng đã thi công được chia làm 04 đợt nghiệm thu đề nghị thanh toán, với tổng giá trị khối lượng khoảng 12.500.000.000 đồng; hai Công ty xảy ra tranh chấp và đến ngày 10/01/2018 thì Công ty S không còn thi công các hạng mục còn lại của hợp đồng (so với thời hạn thi công hai bên đã ký kết trong hợp đồng là gần 01 năm (360 ngày).

Theo hồ sơ đề nghị thanh toán đã được I phê duyệt cho Đợt 1 thì Hồ sơ hoàn thành phê duyệt ngày 18/08/2017 và xuất hóa đơn VAT số 482; giá trị sản lượng thực hiện: 2.243.515.767 đồng (gồm cả thuế VAT); giá trị giữ lại: 448.703.152 đồng (20% gia trị); Trừ giá trị tạm ứng: 673.054.730 đồng (30% giá trị). I đã thanh toán 1.060.000.000 đồng, còn lại chưa thanh toán 61.757.884 đồng. Đợt 2: Hồ sơ hoàn thành phê duyệt ngày 27/09/2017 và xuất hóa đơn VAT số 485; giá trị sản lượng thực hiện: 2.503.832.516 đồng; giá trị giữ lại 500.766.502 đồng (20% giá trị); trừ giá trị tạm ứng 751.149.756 đồng (30% giá trị). I đã phê duyệt nhưng chưa thanh toán số tiền còn lại 1.251.916.258 đồng.

Nay Công ty S yêu cầu thanh toán đợt 1 và đợt 2 với tổng số tiền còn lại phải tiếp tục thanh toán là 1.845.438.745 đồng; trong đó giá trị thi công của đợt 1 còn lại là 61.757.884 đồng và đợt 2 chưa thanh toán là 1.251.916.258 đồng, tiền lãi chậm thanh toán là 531.764.603 đồng. Công ty I cho rằng tại giai đoạn thi công đợt 1, Công ty S bị phạt 11.000.000 đồng nên bù trừ vào giá trị thanh toán còn lại của Đợt 1; đối với số tiền thanh toán Đợt 2 do Công ty S tự ý trả khu vực thi công nên I bù trừ vào giá trị thanh toán tạm ứng thừa do cắt giảm khối lượng (tạm ứng 30% tổng giá trị hợp đồng, nay thi công mới 1/3 khối lượng hợp đồng). Số tiền phải hoàn trả tạm ứng do cắt giảm khối lowngj thi công là 7.064.076.650 đồng, nhưng được trừ vào tiền thanh toán đợt 2 là 1.261.916.258 đồng còn lại I có quyền thu hồi tạm ứng là 5.812.160.932 đồng. (Bút lục 207-213).

[3] Theo Bộ hồ sơ thanh toán của Đợt 1 và Đợt 2, tổng số tiền là 4.747.348.283 đồng; trong khi phía bị đơn I đã chuyển tiền tạm ứng là 9.501.926.256 đồng. Như vậy, giá trị thi công xây lắp của Đợt 1 và Đợt 2 không vược quá số tiền đã tạm ứng. Giá trị sản lượng do S thi công Đợt 1 và Đợt 2 đã được I phê duyệt chấp nhận thanh toán; nhưng hai bên lại phát sinh tranh chấp bù trừ giá trị hoàn trả tạm ứng do cắt giảm khối lượng chung của hợp đồng và các khoản tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; các khoản tiền này I ước tính cao hơn giá trị phải thanh toán cho 02 đợt. S cho rằng giá trị thi công đến ngày 25/12/2017 với giá trị khối lượng đã thi công khoảng 12.500.000.000 đồng, vượt số tiền đã tạm ứng là tính cho cả 04 đợt, trong khi đó giá trị sản lượng thi công của đợt 3 và đợt 4 chưa được hai bên thống nhất xác nhận, và do nằm ngoài phạm vi yêu cầu khởi kiện nên chưa được xem xét. Từ đó, xét thấy do đã xảy ra tranh chấp toàn bộ Hợp đồng, nên yêu cầu thanh toán riêng số tiền của đợt 1 và đợt 2 là không phù hợp.

[4] Đồng thời, Công ty I cho rằng Công ty S bị phạt do lỗi của nhà thầu với số tiền phạt khoảng 3.200.000.000 đồng theo hợp đồng đến nay chưa được thanh toán. Nội dung này hai bên chưa thống nhất đối chiếu, xác định có hay không để xác định lỗi và mức tiền phạt, mức bồi thường cụ thể; và do ngoài phạm vi khởi kiện trong vụ án này nên chưa được xem xét. Bản án sơ thẩm cũng đã nhận định “Trong trường hợp chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn và không thể giải quyết được triệt để vụ án”. Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, hai Công ty cần phải kiểm tra, đối chiếu tổng giá trị khối lượng đã thi công (bao gồm cả sản lượng thi công hai bên đã thừa nhận tại đợt 1 và đợt 2 và sản lượng thi công hai bên chưa thừa nhận ở đợt 3 và đợt 4), xem xét trách nhiệm của mỗi bên theo Hợp đồng, xác định lỗi và mức tiền phạt, để thanh toán toàn bộ Hợp đồng với nhau; trong trường hợp xảy ra tranh chấp không thực hiện được thì khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu được giải quyết trong một vụ án khác.

[5] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên quyết định của Bản án án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Công ty S phải chịu 2.000.000đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần S (S), giữ nguyên quyết định của Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 21 - 4 - 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Về án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm, Công ty S phải chịu 2.000.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0000095 ngày 24-5-2022 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (18-8-2022). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

404
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng số 23/2022/KDTM-PT

Số hiệu:23/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:18/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về