Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công   số 265/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 265/2023/KDTM-PT NGÀY 20/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG

Ngày 18 và ngày 20/12/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 214/TLPT- KDTM ngày 12/10/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 28/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 732/2023/QĐXX-PT ngày 08/11/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 790/2023/QĐ-HPT ngày 28/11/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH V Trụ sở: Toà nhà E-Town, số 364 đường Cộng Hoà, phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trần Đức L - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo uỷ quyền: Bà Trần Thanh T - Sinh năm 1994 (Theo giấy uỷ quyền ngày 13/11/2023).

2. Bị đơn: Công ty cổ phần xây dựng F Trụ sở: Số 265 đường C, phường Dịch Vọng, quận C, Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Tiến D – Chủ tịch HĐQT

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hải T1 và ông Trần Văn H– (Theo giấy ủy quyền số 14A/GUQ-CT ngày 12/10/2023).

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện và lời khai tại Toà án, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 05/07/2016, Công ty cổ phần xây dựng F (viết tắt là Công ty F) và Công ty TNHH V (viết tắt là Công ty V) đã ký Hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC/ĐM/FAROS-V. Nội dung công việc: Thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp vật tư và thi công lắp đặt hệ thống sàn cáp dự ứng lực cho công trình thuộc Dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ - FLC Garden city với tổng giá trị là 24.473.192.172 đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%). Ngày 13/12/2016, Công ty F và Công ty V đã ký kết phụ lục hợp đồng số 05 điều chỉnh giảm khối lượng công việc, đồng thời giảm giá trị hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC/ĐM/FAROS-V xuống còn 11.920.542.052 đồng.

Sau khi Công ty V đã thực hiện xong công việc theo thỏa thuận tại hợp đồng, các bên đã tiến hành nghiệm thu. Ngày 30/9/2020, hai bên đã ký biên bản thanh lý quyết toán, biên bản hết hạn bảo hành. Theo văn bản tính giá trị đề nghị quyết toán lập ngày 20/3/2020, Công ty F phải thanh toán cho Công ty V số tiền còn lại là 1.555.217.340 đồng.

Tại Điều 20.4 của Hợp đồng có thỏa thuận: Nếu Công ty F thanh toán chậm cho Công ty V thì phải trả lãi cho những ngày chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán, tổng số tiền lãi không vượt quá 12% tổng số tiền chậm thanh toán.

Đến nay, Công ty F đã trả cho Công ty V số tiền là 739.529.099 đồng. Số tiền Công ty F còn nợ Công ty V là 815.688.241 đồng nợ gốc và tiền lãi chậm thanh toán.

Nay Công ty V khởi kiện Công ty F về việc tranh chấp hợp đồng thi công và yêu cầu Công ty F thanh toán cho Công ty V số tiền theo Hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC ký ngày 05/7/2016 và phụ lục Hợp đồng số 05 ký ngày 13/12/2016 nợ gốc: 815.688.241 đồng và tiền lãi chậm trả tạm tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 27/7/2023 là 33 tháng x 12%/năm, tương đương 1%/tháng x 815.688.241 đồng = 269.177.120 đồng. Tổng cộng là: 1.084.865.361 đồng.

Ngoài ra, khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu bị đơn không trả cho nguyên đơn số tiền như bản án tuyên thì buộc bị đơn phải trả thêm một khoản tiền lãi với lãi suất 12%/năm cho số tiền chậm trả và tương đương thời gian chậm trả.

2. Đại diện theo ủy quyền của bị đơn – Ông Nguyễn Hải T1 và ông Trần Văn H trình bày:

Công ty F xác nhận: Ngày 05/7/2016 có ký Hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC/ĐM/FAROS-V với Công ty V. Số tiền gốc mà Công ty F còn nợ Công ty V tính đến ngày 11/6/2023 là 815.688.241 đồng.

Đối với khoản tiền lãi với lãi suất là 12%/năm cho số tiền chậm trả, Công ty F cho rằng không có căn cứ nên không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn

3. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 28/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân quận C quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH V đối với Công ty cổ phần xây dựng F về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

2. Buộc Công ty cổ phần xây dựng F thanh toán cho Công ty TNHH V toàn bộ các khoản nợ gốc, lãi theo Hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC/ĐM/FAROS-V ngày 05/7/2016 và các phụ lục kèm theo được ký kết giữa hai bên là: 1.093.032.241 đồng (Trong đó, số tiền nợ gốc là 815.688.241 đồng, tiền lãi chậm thanh toán tạm tính đến ngày 30/7/2023 là 277.334.000 đồng).

Buộc Công ty cổ phần xây dựng F tiếp tục phải chịu lãi suất theo lãi suất 12%/năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Thời gian tính lãi được tính từ ngày 30/7/2023.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về quyền thi hành án và kháng cáo theo quy định của pháp luật.

4. Sau phiên tòa sơ thẩm:

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 09/8/2023, Công ty F có đơn kháng cáo đối với một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 28/2023/KDTM- ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân quận C, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại phần quyết định lãi suất chậm trả, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giới hạn tổng số tiền lãi chậm thanh toán ở mức 12%/ số tiền chậm thanh toán.

Ngoài đơn kháng cáo, người kháng cáo không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào khác.

5. Tại cấp phúc thẩm Tại phiên tòa hôm nay, Công ty V (nguyên đơn) vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và Công ty F (bị đơn) giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Công ty F (bị đơn) trình bày các nội dung kháng cáo như sau:

Tại Điều 20.4 Hợp đồng 363 quy định về việc phạt vi phạm hợp đồng được các bên thỏa thuận như sau: “Nếu Bên A thanh toán chậm cho Bên B thì Bên A sẽ phải trả lãi cho những ngày chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán. Tổng số tiền lãi không vượt quá 12% (mười hai phần trăm) tổng số tiền chậm thanh toán”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ từ Ngân hàng Nhà nước về lãi suất gửi tiết kiệm để làm căn cứ cho yêu cầu áp dụng lãi suất chậm thanh toán đối với bị đơn. Các đương sự có yêu cầu ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ để xác định lãi suất nhưng Toà án cấp sơ thẩm không xem xét.

Trong Hợp đồng các bên đã có thỏa thuận xác định lãi suất chậm thanh toán sẽ áp dụng theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố và tổng số tiền lãi không vượt quá 12% số tiền chậm thanh toán nhưng Toà án cấp sơ thẩm tự ý nhận định lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại và Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và áp sụng sai pháp luật, trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và thương mại – tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và không trái quy định của pháp luật. Vì vậy, Công ty F làm đơn kháng cáo không chấp nhận khoản lãi chậm thanh toán vượt quá 12% số tiền chậm thanh toán.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty F đồng ý trường hợp cho rằng thỏa thuận tại Điều 20.4 của Hợp đồng 363 không rõ ràng thì áp dụng lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015. Tuy nhiên, Công ty F vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận khoản lãi chậm thanh toán vượt quá 12% số tiền chậm thanh toán và không chấp nhận số tiền lãi chậm thanh toán kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm. Công ty F chấp nhận trả tiền lãi chậm thi hành án theo quy định của pháp luật.

Về thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán: Theo thỏa thuận tại Điều 9.4 của Hợp đồng 363, thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán phải là từ thời điểm sau 14 ngày làm việc sau khi hồ sơ quyết toán của Công ty V được Công ty F chấp nhận. Ngày 30/9/2020, hai bên đã ký biên bản thanh lý quyết toán, biên bản hết hạn bảo hành nên Công ty F đề nghị thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán phải là sau 14 ngày làm việc kể từ ngày 30/9/2020. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định tính lãi chậm thanh toán từ ngày 30/9/2020 là không đúng.

- Công ty V (nguyên đơn) trình bày:

Công ty V giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty V không đưa ra được căn cứ, lập luận về việc áp dụng mức lãi suất 12%/năm để yêu cầu tính số tiền chậm thanh toán theo yêu cầu khởi kiện. Công ty V đồng ý trường hợp cho rằng thỏa thuận tại Điều 20.4 của Hợp đồng 363 không rõ ràng thì áp dụng lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015. Tuy nhiên, Công ty V vẫn giữ nguyên quan điểm, không đồng ý mức giới hạn tiền lãi chậm thanh toán là 12% số tiền chậm thanh toán. Đây là thỏa thuận về phạt vi phạm và Công ty V không yêu cầu phạt vi phạm đối với Công ty F.

Đối với yêu cầu cung cấp thông tin Ngân hàng thương mại nơi Công ty V mở tài khoản thì Công ty V cung cấp là Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC – Chi nhánh Hà Nội. Số tài khoản là 002-504488-001. Kèm theo văn bản trình bày ý kiến, Công ty V cung cấp cho Tòa án thông tin Lãi suất cho vay cơ bản của Ngân hàng HSBC.

Về thời điểm tính lãi chậm thanh toán: Công ty V xác nhận ngày 30/9/2020, hai bên đã ký biên bản thanh lý quyết toán, biên bản hết hạn bảo hành và nhất trí với quan điểm của Công ty F về thời gian phải thanh toán theo thỏa thuận tại Điều 9.4 của Hợp đồng 363.

Các đương sự thống nhất xác nhận ngoài các tài liệu chứng cứ đã nộp cho Tòa án ra thì không còn tài liệu chứng cứ nào khác để nộp cho Tòa án và đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trình bày quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án:

- Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, mở phiên tòa và tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ xét thấy việc ký kết hợp đồng giữa hai bên là tự nguyện, đã được xác định bằng chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền. Các hợp đồng này đã được các bên tự nguyện thực hiện và không có tranh chấp cho đến khi thanh toán hợp đồng, chốt nợ giữa hai bên nên được xác định là hợp pháp. Theo văn bản tính giá trị đề nghị quyết toán, Công ty F phải thanh toán cho Công ty V số tiền còn lại là 1.555.217.340 đồng. Hiện nay, Công ty F đã trả cho Công ty V số tiền là 739.529.099 đồng, còn nợ Công ty V là 815.688.241 đồng. Các đương sự thừa nhận nội dung trên và không có kháng cáo nên có hiệu lực pháp luật.

Đối với nội dung kháng cáo Công ty F cho rằng tại Điều 20.4 Hợp đồng 363 các bên đã có thỏa thuận: “xác định lãi suất chậm thanh toán sẽ áp dụng theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tổng số tiền lãi không vượt quá 12% tổng số tiền chậm thanh toán”. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận vì xét thấy thỏa thuận tại Điều 20.4 về phạt vi phạm do chậm thanh toán là thỏa thuận không rõ ràng, không thực hiện được; các đương sự có sự nhầm lẫn, không thống nhất và có tranh chấp về thỏa thuận phạt vi phạm và lãi suất chậm thanh toán.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xác định lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 về quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng là lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi Công ty V (bên nhận thi công) mở tài khoản thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi Công ty F thanh toán đầy đủ cho Công ty V.

Tòa án cấp sơ thẩm buộc công ty F có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty V số tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 30/9/2020 tạm tính đến ngày 27/7/2023 là 277.334.000 đồng và tiếp tục phải chịu lãi suất theo lãi suất 12%/năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Mặt khác, tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm quyết định: “Buộc Công ty cổ phần xây dựng F tiếp tục phải chịu lãi suất theo lãi suất 12%/năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Thời gian tính lãi được tính từ ngày 30/7/2023”. Quyết định trên của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng với hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Do đó, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty F.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty F, sửa một phần bản án sơ thẩm về phần quyết định thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Về án phí: các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Xét về thủ tục kháng cáo:

Ngày 09/8/2023, Toà án nhân dân quận C nhận được đơn kháng cáo của Công ty F đối với một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 28/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Toà án nhân dân quận C. Đơn kháng cáo do ông Lê Tiến D, là người đại diện theo pháp luật của Công ty F. Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Công ty F làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết là đúng thẩm quyền.

Về người tham gia tố tụng: Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự trong vụ án. Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự có mặt theo Giấy triệu tập nên Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2].Về nội dung kháng cáo:

Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện, ngày 05/7/2016 Công ty F và Công ty V đã ký Hợp đồng thi công số 363 với tổng giá trị là 24.473.192.172 đồng (đã bao gồm thuế GTGT 10%). Ngày 13/12/2016, hai bên tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng số 05 điều chỉnh giảm khối lượng công việc, đồng thời giảm giá trị Hợp đồng thi công xuống còn 11.920.542.052 đồng. Việc ký kết hợp đồng giữa hai bên là tự nguyện, đã được xác định bằng chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền. Các hợp đồng này đã được các bên tự nguyện thực hiện và không có tranh chấp cho đến khi thanh toán hợp đồng, chốt nợ giữa hai bên nên được xác định là hợp pháp.

Sau khi Công ty V đã thực hiện xong công việc theo thỏa thuận tại hợp đồng, các bên đã tiến hành nghiệm thu. Ngày 30/9/2020, hai bên đã ký biên bản thanh lý quyết toán, biên bản hết hạn bảo hành. Theo văn bản tính giá trị đề nghị quyết toán lập ngày 20/3/2020, Công ty F phải thanh toán cho Công ty V số tiền còn lại là 1.555.217.340 đồng (bút lục 168-169). Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty F đã trả cho Công ty V số tiền là 739.529.099 đồng, còn nợ Công ty V là 815.688.241 đồng. Các đương sự thừa nhận nội dung trên và không có kháng cáo nên có hiệu lực pháp luật.

Hiện nay, theo nội dung đơn kháng cáo, các đương sự chủ yếu tranh chấp về việc tính lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm thanh toán là 815.688.241 đồng. Công ty F kháng cáo cho rằng trong Hợp đồng các bên đã có thỏa thuận xác định lãi suất chậm thanh toán sẽ áp dụng theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tổng số tiền lãi không vượt quá 12% tổng số tiền chậm thanh toán. Vì vậy, Công ty không chấp nhận khoản lãi chậm thanh toán vượt quá 12% tổng số tiền chậm thanh toán.

Tại Điều 20.4 Hợp đồng 363 quy định về việc Phạt vi phạm hợp đồng được các bên thỏa thuận như sau: “Nếu Bên A thanh toán chậm cho Bên B thì Bên A phải trả lãi cho những ngày chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán. Tổng số tiền lãi không vượt quá 12% (mười hai phần trăm) tổng số tiền chậm thanh toán”.

Xét thấy:

Thỏa thuận “lãi suất chậm thanh toán sẽ áp dụng theo lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố” là không rõ ràng, không xác định được cụ thể lãi suất là bao nhiêu và không thực hiện được do Ngân hàng Nhà nước hiện nay không công bố lãi suất quá hạn.

Đối với thỏa thuận “Tổng số tiền lãi không vượt quá 12% tổng số tiền chậm thanh toán” hiện nay các bên tranh chấp. Công ty V cho rằng thỏa thuận trên là thỏa thuận phạt vi phạm vì nằm trong phạm vi Điều 20 Hợp đồng 363 là thỏa thuận về Phạt vi phạm Hợp đồng. Công ty V không yêu cầu phạt vi phạm Công ty F nên không đồng ý mức giới hạn tiền lãi chậm thanh toán là 12% số tiền chậm thanh toán. Còn Công ty F xác định mặc dù thỏa thuận trên quy định tại điều khoản về Phạt vi phạm Hợp đồng nhưng không có từ ngữ nào là thỏa thuận phạt vi phạm và đề nghị xem xét đây là thỏa thuận về tính tiền lãi do chậm thanh toán.

Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, Công ty V không đưa ra được căn cứ, lập luận về việc áp dụng mức lãi suất 12%/năm để yêu cầu tính số tiền chậm thanh toán theo yêu cầu khởi kiện. Các đương sự đồng ý trường hợp cho rằng thỏa thuận tại Điều 20.4 của Hợp đồng 363 là không rõ ràng thì áp dụng lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015 là 10%/năm. Tuy nhiên, hiện nay các đương sự vẫn không thỏa thuận, thống nhất được với nhau về việc xác định tổng số tiền lãi do chậm thanh toán tại Điều 20.4 của Hợp đồng 363.

Như vậy, có thể thấy nội dung các thỏa thuận tại Điều 20.4 Hợp đồng thi công số 363 về phạt vi phạm do chậm thanh toán là thỏa thuận không rõ ràng, không thực hiện được; các đương sự có sự nhầm lẫn, không thống nhất và có tranh chấp về điều khoản thỏa thuận phạt vi phạm và lãi suất chậm thanh toán. Tại đơn khởi kiện, Công ty V yêu cầu Công ty F thanh toán tiền lãi chậm trả, không yêu cầu phạt vi phạm. Do đó, trong trường hợp Công ty V yêu cầu thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán thì phải xác định lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào nội dung công việc phải thực hiện theo Hợp đồng thì Hợp đồng thi công số 363 là hợp đồng thi công, thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại Điều 138, Điều 140 Luật xây dựng. Căn cứ Điều 146 Luật Xây dựng, Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 về quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì “Lãi suất chậm trả theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Trong vụ án này, lãi suất chậm trả phải là lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi Công ty V (bên nhận thi công) mở tài khoản thanh toán và được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi Công ty F thanh toán đầy đủ cho Công ty V. Do đó, kháng cáo của Công ty F đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng giới hạn tổng số tiền lãi chậm thanh toán ở mức 12% số tiền chậm thanh toán là không được chấp nhận.

Tại cấp phúc thẩm, Công ty V cung cấp Ngân hàng thương mại nơi Công ty V mở tài khoản thanh toán là Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC – Chi nhánh Hà Nội. Số tài khoản là 002-504488-001. Theo lãi suất cho vay trung hạn (12 tháng) của Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC – Chi nhánh Hà Nội là 6,2%/năm. Theo Bảng Phí Dành Cho Sản Phẩm Vay của Ngân hàng HSBC quy định: “Lãi suất phạt áp dụng khi thanh toán trễ hạn là 150% của mức lãi suất áp dụng và trên số dư nợ gốc quá hạn”. Do đó, lãi suất quá hạn đối với vay trung hạn (12 tháng) là: 6,2%/năm * 150% = 9,3%/năm.

Về thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán: Theo thỏa thuận tại Điều 9.4 của Hợp đồng 363, thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán phải là từ thời điểm sau 14 ngày làm việc sau khi hồ sơ quyết toán của Công ty V được Công ty F chấp nhận. Ngày 30/9/2020, hai bên đã ký biên bản thanh lý quyết toán, biên bản hết hạn bảo hành nên thời điểm bắt đầu tính lãi chậm thanh toán phải là sau 14 ngày làm việc kể từ ngày 30/9/2020, tức là từ ngày 21/10/2020.

Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định lãi suất theo quy định trên mà nhận định như sau: “Trong Hợp đồng hai bên đã thống nhất mức phạt vi phạm hợp đồng tối đã là 12% giá trị vi phạm và được áp dụng cách tính theo cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng Việt Nam. Xét thấy, mức lãi suất chậm trả mà nguyên đơn yêu cầu thấp hơn mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật”. Nhận định trên của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận của các đương sự trong hợp đồng.

Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận mức lãi suất chậm trả 12%/năm theo yêu cầu của nguyên đơn, xác định số tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 30/9/2020 đến ngày 27/7/2023 là: 34 tháng x 12%/năm x 815.688.241 đồng = 277.334.000 đồng, cũng là hoàn toàn không có căn cứ.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm, Công ty V cũng không đưa ra được các căn cứ để chứng minh cho yêu cầu mức lãi suất chậm trả 12%/năm.

Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc công ty F có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty V số tiền lãi chậm thanh toán tạm tính đến ngày 27/7/2023 là 277.334.000 đồng và tiếp tục phải chịu lãi suất theo lãi suất 12%/năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty F.

Mặt khác, tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm quyết định: “Buộc Công ty cổ phần xây dựng F tiếp tục phải chịu lãi suất theo lãi suất 12%/năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Thời gian tính lãi được tính từ ngày 30/7/2023”. Quyết định trên của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng với hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Do đó, chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty F, xác định số tiền lãi chậm trả Công ty F phải thanh toán cho Công ty V từ ngày 21/10/2020 đến ngày 27/7/2023 là:

33 tháng x 9,3%/năm x 815.688.241 đồng = 208.612.268 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, Công ty F còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty F và quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm đối với yêu cầu thanh toán số tiền lãi chậm trả do chậm thanh toán.

Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận, Công ty F không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015;

- Căn cứ Khoản 1 điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Khoản 1 Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 278; Điều 280, khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Căn cứ Điều 138, Điều 140, Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014;

- Căn cứ Điều 43 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 về quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng;

- Căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

- Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần xây dựng F và sửa một phần bản án sơ thẩm. Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH V đối với Công ty cổ phần xây dựng F về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

2. Buộc Công ty cổ phần xây dựng F thanh toán cho Công ty TNHH V toàn bộ các khoản nợ gốc, lãi theo Hợp đồng thi công số 363/2016/HĐTC/ĐM/FAROS-V ngày 05/7/2016 và các phụ lục kèm theo được ký kết giữa hai bên là: 1.024.280.509 đồng (Một tỷ không trăm hai mươi tư triệu hai trăm tám mươi nghìn năm trăm linh chín đồng). Trong đó, số tiền nợ gốc là 815.688.241 đồng, tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 21/10/2020 tạm tính đến ngày 27/7/2023 là 208.612.268 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, Công ty F còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Công ty cổ phần xây dựng F phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 42.728.415 đồng.

Công ty TNHH V phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với một phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là: 3.029.242 đồng. Đối trừ với số tiền tạm ứng án phí Công ty TNHH V đã nộp là 20.600.000 đồng (đã nộp tạm ứng lệ phí theo biên lai thu số AA/2020/0019200 của Chi cục thi hành án dân sự quận C, Hà Nội). Hoàn trả Công ty TNHH V số tiền là: 17.570.758 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả cho Công ty cổ phần xây dựng F 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm (đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0019678 ngày 23/8/2023 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Hà Nội).

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thi thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

5
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công   số 265/2023/KDTM-PT

Số hiệu:265/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về