TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 08/2023/KDTM-PT NGÀY 18/08/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG
Ngày 18 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 03/2023/TLPT- KDTM ngày 25 tháng 5 năm 2023, về việc: “Tranh chấp hợp đồng thi công”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2023/KDTM-ST ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2023/QĐ-PT, ngày 05 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH cơ khí xây dựng D Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ánh D; địa chỉ: Số 139 N, TDP5, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T; địa chỉ: Số 50 L, phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Mai Thị Ngọc A; địa chỉ: Số 59 T, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
+ Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật S
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Võ Thị T; địa chỉ: Số 28/8A T, phường B, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.
+ Công ty cổ phần bia S – Chi nhánh Đắk Lắk; địa chỉ: Số 01 N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Ánh D trình bày: Ngày 24/7/2020 công ty TNHH cơ khí xây dựng D (gọi tắt là Công ty D) có gặp gỡ trao đổi việc thi công lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời nhà máy bia S- Đắk Lắk với công ty TNHH thương mại kỹ thuật S (gọi tắt là Công ty S) tại văn phòng 180/28/39 N, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi hai bên thỏa thuận Công ty D tiếp tục chuẩn bị hồ sơ và chuẩn bị hợp đồng.
Ngày 10/8/2020, ông Trần V có nhờ Công ty D hỗ trợ, kết hợp với ông Trần Anh N (kĩ thuật viên của Công ty S) tiến hành lắp đặt một số công tác cơ bản, chuẩn bị cho quá trình thi công. Để thực hiện khâu chuẩn bị, phía ông D có đề nghị mượn của Công ty D giàn giáo, ván đứng, đồng thời thỏa thuận miệng các hạng mục cầu thang inox (đã hoàn thành), hệ thống chân phủ lưới an toàn (đã hoàn thành), hệ thống nước vệ sinh pin (đã thi công được 80%). Công ty D đã tiến hành thi công và chờ ký hợp đồng.
Ngày 17/8/2020, Công ty D đã phối hợp với ông Trần Anh N bắt đầu tập kết các trang thiết bị thi công và bắt đầu thi công các hạng mục của khâu chuẩn bị. Đến ngày 14/9/2020, Công ty D đã hoàn thiện cầu thang inox (đã thanh toán), hệ thống chân phủ lưới an toàn (đã thanh toán), 80% hệ thống nước vệ sinh pin (đã tạm ứng 8.000.000đồng của Công ty T trên tổng số 24.440.000đồng). Đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng 2720I-IN-AN ngày 15/9/2020 với Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T (Gọi tắt là Công ty T) về việc lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời để thi công công trình tại nhà máy bia S- Đắk Lắk (Công ty T là đơn vị cung cấp vật tư còn Công ty D là đơn vị thi công công trình, tuy nhiên Công ty T chỉ cung cấp pin, rail, dây điện, còn lại các phần thi công khác như sắt, nước, cầu thang do Công ty D cung cấp). Giữa Công ty T, công ty S và nhà máy bia S – Đắk Lắk có ký kết hợp đồng thi công hay không thì Công ty D không biết.
Từ ngày 15/8/2020 đến 30/9/2020, Công ty D đã ứng của Công ty T tổng số tiền 110.000.000 đồng.
Ngày 21/9/2020, Công ty D đã lắp đặt xong phần rail nhôm (có biên bản xác nhận khối lượng tại công trường giữa BCH công trường, không có đại diện bên A do từ đầu đến khi xảy ra sự cố bên A đều không cử đại diện tham gia tại công trường) cũng trong thời gian đó thì có phát sinh các vấn đề về thiếu vật tư thi công.
Ngày 23/9/2020, Công ty D nghe ông Nguyễn Trần Nhẫn G - chỉ huy trưởng thông báo bằng miệng về việc Công ty D không được tiếp tục thi công công trình do nhà máy bia yêu cầu toàn bộ công nhân của Công ty D phải có chứng chỉ hành nghề.
Công ty D đã có thông báo cho Công ty T bằng các thông báo ngày 01/10/2020, ngày 19/10/2020, ngày 22/10/2020. Đến ngày 26/10/2020, giữa Công ty D và Công ty T thỏa thuận không thành nên nay Công ty D khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty T phải bồi thường tổng số tiền 198.952.000đồng.
Tại phiên tòa Công ty D rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu Công ty T bồi thường số tiền 126.000.000 đồng. Rút một phần yêu cầu buộc Công ty T bồi thường đối với số tiền 122.952.000 đồng.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty T buộc Công ty D bồi thường số tiền 350.000.000 đồng thì Công ty D không đồng ý. Đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.
*Đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T trình bày:
Nội dung công việc mà Công ty D thực hiện cho Công ty T theo Hợp đồng kinh tế số 27201-TN-AD ký kết ngày 15/09/2020 như sau: Lắp đặt sàn thao tác, lắp đặt rail nhôm, lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, kết nối hệ thống tiếp địa.
Tại Khoản 6.2 Điều 6 của Hợp đồng kinh tế, phía Công ty D cam kết cung cấp nhân sự có đủ quyền, kinh nghiệm mà nhân sự có đủ quyền và kinh nghiệm chỉ được kiểm chứng và công nhận bằng các chứng chỉ hành nghề, thể hiện nhân sự đã được đào tạo và có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Tuy nhiên, Công ty D lại cho rằng những hạng mục thi công của hợp đồng chủ yếu là khuân vác, lắp đặt, không cần bất cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nào và cũng không cần thiết đội ngũ nhân công có chứng chỉ hành nghề là vi phạm các điều khoản đã cam kết tại Hợp đồng kinh tế.
Trong quá trình thi công, khi đã có yêu cầu từ Công ty T nhưng Công ty D vẫn không cung cấp được nhân sự có chứng chỉ hành nghề nên đại diện Công ty D là ông Nguyễn Ánh D (Giám đốc công ty) đã ký tên và đóng dấu tại Biên bản ngày 05/10/2020 với nội dung “Ban chỉ huy công trường đệ trình ban giám đốc xem xét quyết toán và thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Cơ khí xây dựng D và có phương án chỉ đạo Ban Chỉ Huy công trường để giải quyết công việc trên”. Như vậy, Công ty D đã thừa nhận việc Công ty không cung cấp được nhân sự đủ năng lực để thi công công trình, tự nguyện và chủ động đề xuất thanh lý hợp đồng với Công ty T, phía Công ty T vẫn luôn thực hiện đầy đủ điều khoản đã cam kết là thanh toán 50% số tiền của hợp đồng nhưng nay Công ty D khởi kiện thì cho thấy sự không trung thực, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty T.
Công ty D cho rằng việc Công ty T thanh toán 50% giá trị hợp đồng thể hiện năng lực thi công của họ rất tốt. Phía Công ty D đã gửi biên bản nghiệm thu nhưng Công ty T không gửi trả lại. Việc Công ty T thanh toán tiền chỉ thể hiện một điều duy nhất là Công ty T đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình theo điều 5 của hợp đồng kinh tế chứ không mang ý nghĩa là Công ty D thi công tốt nên mới được thanh toán tiền. Việc Công ty T chưa gửi lại biên bản nghiệm thu là vì Công ty D chỉ thi công đạt được 10% khối lượng công việc, nhân sự không đủ năng lực, chất lượng công trình không đạt, vì vậy mới chưa thể nghiệm thu công trình.
Công ty D cho rằng Công ty T chiếm giữ bất hợp pháp trang thiết bị của Công ty D và cho đến khi bị kiện thì mới trả lại. Ngay sau khi hai bên ký hợp đồng hợp tác, Công ty D đã đưa nhân công và các dụng cụ, trang thiết bị vào công trình để phục vụ việc thi công. Khi bị yêu cầu thanh lý hợp đồng thì Công ty D lại cố tình chây ỳ, không chịu di dời các trang thiết bị của mình. Sau đó lại cho rằng Công ty T chiếm giữ bất hợp pháp các trang thiết bị này. Mặt khác, tại khoản 9.1 Điều 9 Hợp đồng kinh tế có nêu rằng Công ty T có quyền tạm dừng toàn bộ hoặc một phần công việc của Hợp đồng nếu nhận thấy Công ty D vi phạm điều khoản tại Hợp đồng, việc Công ty T vẫn để các trang thiết bị của Công ty D tại công trình mà không tự ý di dời là điều hoàn toàn phù hợp với các cam kết tại Hợp đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty T đã hoàn trả các trang thiết bị này cho Công ty D.
Về yêu cầu phản tố của Công ty T: Công ty T nhận thầu Công trình xây lắp năng lượng mặt trời của chủ đầu tư là Nhà máy bia S – Đăk Lăk. Dựa trên hồ sơ năng lực của Công ty D nên Công ty T mới ký kết hợp đồng kinh tế về việc thuê Công ty D cung cấp nhân sự thi công công trình. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên lỗi dẫn đến chấm dứt Hợp đồng hoàn toàn do lỗi của Công ty D, thiệt hại mà Công ty T phải gánh chịu không chỉ về mặt vật chất mà thiệt hại vô cùng lớn đến danh dự, uy tín của Công ty T. Do đó, căn cứ Điều 9 của Hợp đồng kinh tế, Công ty T có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi Công ty D vi phạm điều khoản của hợp đồng (Cung cấp nhân sự không có chứng chỉ nghề, thời gian thi công không đúng tiến độ, không có trách nhiệm trong quá trình thực hiện hợp đồng, không đạt về chất lượng công trình, tiền ăn cho 30 người lao động của Công ty D trong thời gian 01 tháng là 40 triệu đồng). Tiếp tục căn cứ Điều 10 của Hợp đồng kinh tế, Công ty D phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty T về những thiệt hại mà Công ty T phải gánh chịu, cụ thể:
Buộc Công ty D bồi thường số tiền 200.000.000 đồng đối với những thiệt hại về danh dự và hình ảnh của Công ty T. Buộc Công ty D phải hoàn trả lại số tiền 50% giá trị hợp đồng kinh tế số 2720L-TN-AD vì Công ty D không thi công tới 10% giá trị công trình trên thực tế với số tiền là 110.000.000đồng; Buộc Công ty D phải hoàn trả số tiền ăn cho 30 người lao động của Công ty D trong thời gian 01 tháng là 40.000.000 đồng. Tổng số tiền công ty T yêu cầu công ty D phải bồi thường là 350.000.000đồng. Và không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Vì những lẽ trên, yêu cầu khởi kiện của Công ty D là hoàn toàn không có căn cứ, đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xét xử bác yêu cầu khởi kiện của Công ty D, chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty T đã nêu trên.
*Người có quyền nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH thương mại dịch vụ kỹ thuật S trình bày:
Công ty S hoàn toàn không liên quan tới việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa Công ty T với Công ty D. Công ty ký hợp đồng với T và được Công ty T cung cấp nhân lực cho công ty để thi công dự án điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy bia S. Trong quá trình thi công, nhận thấy trình độ nhân lực không đạt yêu cầu, cụ thể chỉ có 02 người có chứng chỉ hành nghề còn lại là lao động phổ thông, Chủ đầu tư là nhà máy bia S Đắk Lắk đã thông báo yêu cầu tất cả công nhân không được phép lắp pin và buộc đội nhân công phải rời khỏi công trường.
Công ty T đã bổ sung nhân lực thay thế đạt yêu cầu trình độ để tiếp tục thực thi dự án cho công ty. Tuy nhiên việc cung cấp nhân lực không đạt trình độ đã gây ra thiệt hại cho công ty nên công ty yêu cầu Công ty T phải bồi thường cho Công ty S số tiền 220.000.000 đồng. Công ty S đã đại diện thay mặt Công ty T bàn giao các vật tư cho Công ty D. Ngoài ra Công ty S không liên quan gì với Công ty D.
Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 04/2023/ KDTM-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 146, khoản 1 Điều 147, Điều 227, Điều 266, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ: Điều 385, Điều 388, Điều 401, Điều 419 Bộ luật dân sự năm 2015
Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH cơ khí xây dựng D.
Buộc Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty TNHH cơ khí xây dựng D số tiền 66.000.000 đồng (sáu mươi sáu triệu đồng chẵn) Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH cơ khí xây dựng D buộc Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T bồi thường số tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T về việc yêu cầu Công ty TNHH cơ khí xây dựng D bồi thường số tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng) Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của công ty TNHH cơ khí xây dựng D về việc yêu cầu công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T bồi thường số tiền 122.952.000 đồng (Một trăm hai mươi hai triệu chín trăm năm mươi hai ngàn đồng) Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm, còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 27/4/2023, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Mai Thị Ngọc A có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm số 04/2023/KDTM-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng:
- Về tố tụng: Đối với Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, bác đơn kháng cáo của Công ty T – Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 04/2023/KDTM-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí, nên được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là phù hợp.
[2] Về nội dung: Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, HĐXX thấy:
Ngày 15/9/20220, Công ty T (bên A) và Công ty D (bên B) ký kết Hợp đồng kinh tế số 27201-TN-AD, theo đó Công ty D sẽ thi công lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời nhà máy bia S - Đắk Lắk, cụ thể: Lắp đặt sàn thao tác, rail nhôm, tấm pin năng lượng mặt trời, kết nối hệ thống tiếp địa; thời hạn thực hiện hợp đồng là 30 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng; giá trị hợp đồng là 220.000.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã tạm ứng cho Công ty D tổng số tiền 110.000.000 đồng, đến ngày 21/9/2020 Công ty D đã lắp đặt xong phần rail nhôm. Ngày 23/9/2020, Công ty D được thông báo tạm dừng thi công do nhà máy bia Sài Gòn miền trung (Chủ đầu tư) yêu cầu toàn bộ công nhân của Công ty D phải có chứng chỉ hành nghề. Sau đó, Công ty T đã có công văn số 09/CV/TN-2020 thông báo đến Công ty D về việc thanh lý hợp đồng.
Tại đơn khởi kiện ngày 16/12/2020, Công ty D khởi kiện yêu cầu Công ty T phải bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật số tiền 198.952.000 đồng, bao gồm:
1. Khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán 66.000.000đ 2. Nhân công lắp đặt thêm giàn thao tác 7.500.000đ 3. Nhân công lắp đặt lưới an toàn 10.000.000đ 4. Hàn thêm cọc tiếp địa 1.500.000đ 5. Thuê trang thiết bị 68.452.000đ 6. Cung ứng vật tư chậm tiến độ 23.500.000đ 7. Bồi thường hợp đồng 10% 22.000.000đ Ngày 30/3/2023, Công ty D thay đổi về số tiền yêu cầu T phải bồi thường. Cụ thể, từ yêu cầu T bồi thường 198.952.000 đồng lên 214.100.00đ (số cộng đúng 214.600.000đ) gồm:
1. Chân chống lưới an toàn số lượng 200 cái là 40.000.000đ và 294kg cầu thanh Inox tổng 44.100.000đ, tổng 84.100.000đ 2. Khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán 66.000.000đ 3. Nhân công lắp đặt thêm giàn thao tác 7.500.000đ 4. Nhân công lắp đặt lưới an toàn 10.000.000đ 5. Hàn thêm cọc tiếp địa 1.500.000đ 6. Cung ứng vật tư chậm tiến độ 23.500.000đ 7. Bồi thường hợp đồng 10% 22.000.000đ.
Xét Bản án sơ thẩm nhận định số tiền 15.148.000đ tăng lên là yêu cầu bổ sung vượt phạm vi khởi kiện ban đầu và không xem xét giải quyết là không đúng. Bởi lẽ, cùng quan hệ pháp luật tranh chấp. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn không kháng cáo nên không thuộc phạm vi xét xử của cấp phúc thẩm cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 122.952.000đ, các khoản cụ thể gồm:
1. Nhân công lắp đặt thêm giàn thao tác 7.500.000đ 2. Hàn thêm cọc tiếp địa 1.500.000đ 3. Thuê trang thiết bị 68.452.000đ 4. Cung ứng vật tư chậm tiến độ 23.500.000đ 5. Bồi thường hợp đồng 10% 22.000.000đ.
Do đó, Bản án sơ thẩm đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 122.952.000đ là có căn cứ. Như vậy, Công ty D còn yêu cầu Công ty T phải trả 76.000.000đ (trong đó, khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán 66.000.000đ; nhân công lắp đặt lưới an toàn 10.000.000đ). Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm Công ty D lại cho rằng số tiền Công ty T đã tạm ứng cho Công ty D tổng 110.000.000 đồng nhưng chỉ có 60.000.000đ là tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng, còn 50.000.000đ là Công ty T thanh toán ngoài hợp đồng. Do đó, Công ty D yêu cầu Công ty T phải trả 126.000.000đ (trong đó 116.000.000đ là khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán; nhân công lắp đặt lưới an toàn 10.000.000đ). Bản án sơ thẩm nêu không cụ thể, diễn đạt không rõ ràng từng khoản, yêu cầu của nguyên đơn là vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi tổng số tiền cụ thể mà nguyên đơn yêu cầu nên cần rút kinh nghiệm.
[3] Xét yêu cầu khởi kiện của Công ty D:
[3.1] Đối với yêu cầu Công ty T thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán là 116.000.000 đồng, xét thấy:
Căn cứ vào khoản 6.2 Điều 6 của Hợp đồng kinh tế số 27201-TN-AD ngày 15/9/2020 được ký kết giữa Công ty T và Công ty D quy định về quyền và trách nhiệm của bên B: “Bên B phải lập và trình bên A sơ đồ tổ chức công trường với nhân viên có đủ quyền, có kinh nghiệm để xử lý các công việc tại công trường, biện pháp thi công, tiến độ thi công các phần việc của hợp đồng”. Theo đó, Hợp đồng chỉ quy định bên B phải cung cấp các công nhân có đủ quyền và kinh nghiệm, chứ không thỏa thuận cụ thể công nhân phải có chứng chỉ hành nghề đối với loại công việc cụ thể. Công ty D đã cung cấp được các công nhân có Giấy chứng nhận, chứng chỉ huấn luyện; thẻ an toàn lao động; công nhận kết quả hoàn thành khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động về an toàn cơ khí và công trường xây dựng; ký Hợp đồng bảo hiểm con người. Do đó, việc Công ty T đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm hợp đồng thỏa thuận giữa các bên. Công ty D yêu cầu Công ty T phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là có căn cứ.
Tại Điều 5 của Hợp đồng quy định về thanh toán hợp đồng thì hình thức thanh toán thành 3 đợt, cụ thể: “đợt 1 bên A tạm ứng 30% giá trị hợp đồng cho bên B trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng được ký kết, đợt 2 bên A thanh toán 50% giá trị hợp đồng cho bên B (sau khi khấu trừ giá trị tạm ứng) trong vòng 3 ngày kể từ ngày bên B thi công xong hạng mục lắp rail nhôm và hai bên ký biên bản nghiệm thu, đợt 3 bên A thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng cho bên B trong vòng 3 ngày kể từ ngày bên B hoàn thiện hợp đồng và hai bên ký kết biên bản nghiệm thu”. Căn cứ nhật ký thi công và bảng diễn giải khối lượng thực tế đợt 1 ngày 21/9/2020 thể hiện Công ty D đã hoàn thành khối lượng các công việc theo tiến độ, hoàn thành lắp đặt rail nhôm, phụ kiện và hệ thống tiếp địa; có xác nhận của chỉ huy trưởng công trình ông Nguyễn Trần Nhẫn G. Như vậy, theo thỏa thuận thanh toán giữa các bên và khối lượng công việc hoàn thành thì có căn cứ để xác định Công ty D đã hoàn thành 80% khối lượng công việc theo hợp đồng là phù hợp. Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án các bên không cung cấp được biên bản nghiệm thu hợp đồng, không thống nhất được khối lượng công việc mà Công ty D đã hoàn thành theo hợp đồng; hiện trạng công trình tại thời điểm Công ty D chấm dứt thi công cũng không còn nên Tòa án không thể tiến hành giám định để xác định Công ty D đã thực hiện được bao nhiêu % của hợp đồng. Công ty D và Công ty T xác nhận đã chuyển và nhận số tiền 110.000.000 đồng, tương ứng với 50% giá trị hợp đồng. Công ty D cho rằng trong 110.000.000 đồng đã nhận chỉ có 60.000.000 đồng là của hợp đồng kinh tế đã thi công xong, còn 50.000.000 đồng là tiền ngoài hợp đồng nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh và không được Công ty T thừa nhận. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty T phải thanh toán cho Công ty D 30% giá trị hợp đồng chưa thanh toán, tương ứng với số tiền 66.000.000 đồng là phù hợp, bác yêu cầu đối với số tiền 50.000.000 đồng.
[3.2] Đối với yêu cầu bồi thường chi phí nhân công lắp đặt lưới an toàn là 10.000.000 đồng, xét thấy: Đây là phần việc ngoài hợp đồng, được ghi nhận trong biên bản ngày 21/9/2020 với số nhân công là 20 người. Tuy nhiên, Công ty D không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gốc thể hiện đã thi công lắp đặt lưới an toàn, nhật ký thi công không thể hiện nội dung này và không được Công ty T thừa nhận, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đối với yêu cầu này của nguyên đơn là phù hợp. Tại cấp phúc thẩm, Công ty D xác định thỏa thuận nhân công lắp đặt với Công ty S nên xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với nội dung này. Tuy nhiên, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nên không lấy ý kiến của bị đơn về việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do đó, không chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.
[4] Xét đơn phản tố và nội dung kháng cáo của bị đơn Công ty T, thấy rằng: Như đã phân tích và nhận định ở mục [3.1] thì Công ty T không cung cấp được chứng cứ chứng minh lỗi dẫn đến chấm dứt hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên là do Công ty D nên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty D là phù hợp. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận thanh toán giữa các bên và khối lượng công việc hoàn thành để xác định Công ty D đã hoàn thành 80% khối lượng công việc theo hợp đồng là phù hợp. Không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu phản tố và nội dung kháng cáo của bị đơn Công ty T.
[5] Xét đơn yêu cầu của nguyên đơn Công ty D yêu cầu Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án hiện đang lưu giữ tại Công ty T, xét thấy: Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Công ty T đã cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án và trình bày ngoài những tài liệu đã cung cấp cho Tòa án thì không còn tại liệu nào để cung cấp. Mặt khác, sau khi xét xử sơ thẩm Công ty D không có đơn kháng cáo, nên Tòa án cấp phúc thẩm không xét đơn yêu cầu của Công ty D.
[6] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T.
Giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2023/KDTM-ST ngày 20/4/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.
[2] Tuyên xử:
[2.1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH cơ khí xây dựng D.
Buộc Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty TNHH cơ khí xây dựng D số tiền 66.000.000 đồng (sáu mươi sáu triệu đồng chẵn).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[2.2] Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH cơ khí xây dựng D buộc Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T bồi thường số tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) [2.3] Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T về việc yêu cầu Công ty TNHH cơ khí xây dựng D bồi thường số tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng) [2.4] Đình chỉ giải quyết đối với một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH cơ khí xây dựng D về việc yêu cầu Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T bồi thường số tiền 122.952.000 đồng (Một trăm hai mươi hai triệu chín trăm năm mươi hai ngàn đồng) [3] Về án phí phúc thẩm: Buộc Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ T phải chịu 2.000.000đ (Hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được khấu trừ số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số: AA/2022/0001971 ngày 12/5/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công số 08/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 08/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 18/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về