Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công số 03/2024/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 03/2024/KDTM-PT NGÀY 28/02/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG

Trong các ngày 01, 23 và 28 tháng 02 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 25/2023/TLPT-KDTM ngày 23 tháng 11 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2023/KDTM-ST ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2023/QĐ-PT ngày 22/12/2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH T1 Trụ sở: Số A Lô B, khu dân cư T, phường T, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Bà Lai Mỹ T – Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ H, sinh năm 1968 Địa chỉ liên hệ: Số E B, phường A, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo giấy ủy quyền ngày 10/01/2023) (có mặt).

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Y Trụ sở: Lô N, đường số I, Cụm C, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An. Người đại diện theo pháp luật: Bà Hứa Huệ S – Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Số A N, phường Đ, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo giấy ủy quyền ngày 30/5/2023) (có mặt ngày 01 và 23/02/2024, vắng mặt ngày tuyên án).

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Cổ phần Y.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 10/01/2023, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn TNHH Thương mại và Xây dựng T2 và người đại diện theo ủy quyền là ông Đỗ H trình bày:

Ngày 30/3/2021, Công ty TNHH T1 (gọi tắt là Công ty T1) và Công ty Cổ phần Y (gọi tắt là Công ty Y) có ký kết Hợp đồng kinh tế số 26032021- YBY/HĐKT. Nội dung hợp đồng: Công ty T1 xây dựng công trình cho Công ty Y tại địa điểm Lô N đường số I, cụm C, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An. Đầu năm 2022, Công ty T1 đã hoàn thành các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết. Căn cứ biên bản nghiệm thu số 31122021/YBY/BBNT ngày 31/12/2021 và biên bản bàn giao ngày 14/01/2022 thì sau khi nhận bàn giao, Công ty Y đã đưa công trình vào sử dụng cho đến nay.

Trong thời gian bảo hành, Công ty Y yêu cầu Công ty T1 sửa chữa một số hạng mục thuộc về bảo hành và Công ty T1 đã sửa chữa xong. Tuy nhiên, kể từ ngày hai bên ký biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình đến nay đã trên 06 tháng nhưng phía Công ty Y vẫn không thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng cho Công ty T1. Công ty T1 đã nhiều lần yêu cầu, nhắc nhở nhưng Công ty Y vẫn không thanh toán. Nay Công ty T1 khởi kiện yêu cầu:

1. Buộc Công ty Y phải thanh toán cho Công ty T1 số tiền còn lại của hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT ngày 30/3/2021 là 3.654.081.170 đồng.

2. Buộc Công ty Y phải trả tiền phạt do chậm thanh toán trên số tiền nợ chậm trả nêu trên cho Công ty TNHH T1 từ ngày 15/7/2022 cho đến ngày khởi kiện (ngày 10/01/2023), tạm tính là 152.253.380 đồng (= 3.654.081.170đồng x 05 tháng x 10%/năm) 3. Buộc Công ty Y còn phải tiếp tục trả tiền phạt do chậm thanh toán tính từ ngày thụ lý vụ án (ngày 07/02/2023) cho đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 14/9/2023).

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn Công ty TNHH T1 không bổ sung yêu cầu, không cung cấp thêm chứng cứ gì khác. Nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu Công ty Y phải trả tiền phạt do chậm thanh toán từ ngày 15/7/2022 đến ngày 10/01/2023 là 152.253.380 đồng. Các yêu cầu còn lại nguyên đơn vẫn giữ nguyên.

Bị đơn Công ty Cổ phần Y do ông Nguyễn Văn Đ đại diện trình bày:

Công ty Y thống nhất ngày 30/3/2021 Công ty Y và Công ty T1 có ký hợp đồng giao nhận thầu xây dựng với nội dung: Công ty T1 sẽ thi công công trình nhà kho của Công ty Y tại địa chỉ: Lô N đường số I, Cụm C, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Long An. Tổng giá trị hợp đồng (đã bao gồm VAT) là 14.813.400.800đồng. Thời gian bảo hành công trình là 365 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu.

Ngày 31/12/2021, hai bên có ký biên bản nghiệm thu số 31122021/YBY. Sau khi nhận bàn giao công trình và đưa vào sử dụng thì Công ty Y phát hiện công trình thi công không đạt chất lượng theo hợp đồng và phát sinh nhiều hư hỏng như: cửa sổ, tường rào, cột kèo, phòng bảo vệ, sân trước, mái thông gió, cửa thoát hiểm, tường kho, tường văn phòng, nền nhà, hành lang kho, tường tróc sơn. Công ty Y đã thông báo và yêu cầu Công ty T1 sửa chữa, bảo hành công trình theo đúng thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, đến nay Công ty T1 vẫn chưa sửa chữa, khắc phục hết các hư hỏng nêu trên. Nay Công ty Y có yêu cầu phản tố đối với Công ty T1 như sau:

1. Buộc Công ty TNHH T1 phải sửa chữa dứt điểm các hư hỏng của công trình, cụ thể tại các vị trí: cửa sổ, tường rào, cột kèo, phòng bảo vệ, sân trước, mái thông gió, cửa thoát hiểm, tường kho, tường văn phòng, nền nhà, hành lang kho, tường tróc sơn. (Từ tháng 01 đến tháng 10 năm 2022 đã hư hỏng và có kèm hình ảnh).

2. Cung cấp cho Công ty Cổ phần Y hồ sơ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy mà Công ty TNHH T1 đã thi công tại công trình của Công ty Cổ phần Y. Hồ sơ bao gồm: việc mua bán sơn giữa Công ty T1 với đơn vị cung cấp sơn, hóa đơn, phiếu xuất kho…) Sau khi Công ty T1 hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục các hạng mục hư hỏng và cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến phần sơn chống cháy mà Công ty T1 đã thi công tại công trình thì Công ty Y sẽ thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng cho Công ty T1 là 3.654.081.170 đồng.

Tại bản án kinh doanh thương sơ thẩm số 12/2023/KDTM-ST ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã xử:

“1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH T1 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công” đối với Công ty Cổ phần Y. 2. Buộc Công ty Cổ phần Y phải thanh toán cho Công ty TNHH T1 số tiền còn nợ phát sinh từ Hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT ngày 30/3/2021 là 3.654.081.170 đồng và tiền lãi phát sinh từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/9/2023 là 423.593.269 đồng.

Tổng số tiền Công ty Cổ phần Y phải thanh toán cho Công ty TNHH T1 là 4.077.674.439 đồng (Bốn tỷ không trăm bảy mươi bảy triệu sáu trăm bảy mươi bốn nghìn bốn trăm ba mươi chín đồng) Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tương ứng với thời gian chậm trả theo qui định Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.

3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Y đối với Công ty TNHH T1 về việc “Yêu cầu khắc phục tình trạng hư hại của công trình xây dựng”.

4. Đình chỉ yêu cầu của Công ty TNHH T1 về việc buộc Công ty Cổ phần Y phải chịu tiền phạt do chậm thanh toán là 152.253.380 đồng.”.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của các bên đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 25 tháng 9 năm 2023, bị đơn Công ty Cổ phần Y kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc nguyên đơn phải sửa chữa, khắc phục các hư hỏng công trình xây dựng của bị đơn trong thời hạn bảo hành công trình.

Tại phiên toà phúc thẩm, Nguyên đơn trình bày, trước yêu cầu kháng cáo của Công ty Y về việc phải sửa chữa dứt điểm các hư hỏng của công trình sau đó Công ty Y mới đồng ý thanh toán cho Công ty T1 số tiền còn lại là 3.654.081.170 đồng thì Công ty T1 không đồng ý, vì những hư hỏng và nội dung yêu cầu sửa chữa trong thời gian bảo hành thì Công ty T1 đã thực hiện xong theo yêu cầu của Công ty Y, những hư hỏng nêu ra trong nội dung tin nhắn Zalo Công ty Y cung cấp cho Toà án cho đến đầu tháng 10/2022, sau đó, khoảng cuối tháng 10, tháng 11/2022, Công ty T1 đã cho đội thi công xuống khắc phục toàn bộ những hư hỏng theo yêu cầu của Công ty Y, sau đó Công ty Y không có bất kỳ ý kiến và yêu cầu sửa chữa nào khác cho đến khi Công ty T1 khởi kiện yêu cầu thanh toán khoản tiền còn lại theo hợp đồng thì C YBY mới đưa ra ý kiến là chỉ thanh toán tiền còn lại của hợp đồng khi Công ty T1 sửa chữa xong các hư hỏng trên thực tế, nhận thấy, những nội dung yêu cầu sửa chữa của Công ty Y đã ngoài thời gian bảo hành và những nội dung hư hỏng này không phải do lỗi của Công ty T1 trong quá trình thi công mà do lỗi của Công ty Y cho xe chở hàng hoá có trọng tải nặng chạy sát tường rào vào kho khi công trình đang thi công nên dẫn đến tường bị nghiêng, sàn bị nứt. Công ty T1 yêu cầu Công ty phải thanh toán toàn bộ số tiền còn lại và tiền phạt vi phạm theo yêu cầu của Công ty T1. Riêng đối với yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm, Công ty T1 có ý kiến như sau: Tại đơn khởi kiện ngày 10/01/2023, tại bản tự khai ngày 30/6/2023 và tại biên bản hòa giải 22/8/2023, công ty đều yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền còn lại theo Hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT ngày 30/3/2021 là 3.654.081.170đồng và tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tại mục 2 Điều VI mà các bên thỏa thuận tại Hợp đồng kinh tế. Tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn rút lại một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu Công ty Y phải trả tiền phạt do chậm thanh toán giai đoạn từ ngày 15/7/2022 đến ngày 10/01/2023 là 152.253.380 đồng và chỉ yêu cầu tính tiền phạt vi phạm do chậm nghĩa vụ thanh toán giai đoạn từ khi thụ lý vụ án (ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 14/9/2023). Nguyên đơn không áp dụng mức phạt vi phạm các bên thỏa thuận là 0,01% giá trị hợp đồng/ngày (0,01% x 14.813.400.800đ), tức là 1.481.340đồng/ngày với mong muốn bị đơn có thiện chí hợp tác trả tiền còn nợ cho nguyên đơn nên bị đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm với mức phạt 10%/năm. Vì tại hợp đồng các bên thỏa thuận là phạt vi phạm chứ không thỏa thuận lãi chậm thanh toán nên trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa Công ty đều xác định là yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm do chậm thanh toán chứ Công ty không yêu cầu tính lãi chậm thanh toán, nguyên đơn yêu cầu tính phạt vi phạm 02 giai đoạn là giai đoạn từ khi vi phạm 15/7/2022 đến trước ngày khởi kiện và tiền phạt vi phạm từ ngày thụ lý vụ án đến khi xét xử sơ thẩm vụ án, tại tòa sơ thẩm nguyên đơn đã rút lại một phần yêu cầu phạt vi phạm đối với giai đoạn từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/9/2022, có thể do sai sót trong quá trình soạn thảo nên cấp sơ thẩm xác định nhầm yêu cầu khởi kiện của Công ty là yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đối với số tiền còn nợ và giải quyết tính lãi chậm thanh toán từ 15/7/2022 đến ngày 14/9/2023 mà không trừ đi khoảng thời gian mà nguyên đơn đã rút, nhận thấy việc sai sót này không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và quy định của luật. Đối với yêu cầu cung cấp hồ sơ phòng cháy chữa cháy thì nội dung này các bên đã thực hiện xong nên Toà án cấp sơ thẩm đã ghi nhận và không giải quyết đối với yêu cầu này.

Đại diện theo pháp luật của bị đơn và đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình bày: Công ty Cổ phần Y yêu cầu Công ty TNHH T1 phải sửa chữa dứt điểm các hư hỏng của công trình trong thời gian bảo hành, cụ thể tại các vị trí: cửa sổ, tường rào, cột kèo, phòng bảo vệ, sân trước, mái thông gió, cửa thoát hiểm, tường kho, tường văn phòng, nền nhà, hành lang kho, tường tróc sơn và cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy mà Công ty TNHH T1 đã thi công theo yêu cầu của Công ty Y thì Công ty Y sẽ thanh toán toàn bộ khoản tiền còn lại theo yêu cầu của Công ty T1. Công ty Y không có ý kiến gì đối với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán hay tiền phạt do chậm thanh toán.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm nghị án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Công ty Cổ phần Y cho rằng Công ty T1 thi công không đúng bản vẽ theo hồ sơ thiết kế, lẽ ra Công ty Y không nghiệm thu, không đưa vào sử dụng mà yêu cầu Công ty T1 và đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát công trình thẩm định lại chất lượng công trình nhưng Công ty Y không thực hiện, chỉ có yêu cầu phản tố mà không cung cấp tài liệu, đơn vị thi công công trình không đạt chất lượng phải thi công lại hoặc bồi thường thiệt hại nếu có theo hợp đồng ký kết. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm Công ty Y cũng không xác định được những phần hư hỏng, thiệt hại cụ thể là bao nhiêu, phần nào đã sửa, phần nào chưa và không cung cấp được kết luận thẩm định về nội dung này. Sau khi Công ty T1 cho đội thi công xuống sửa chữa cho đến khi nguyên đơn khởi kiện, Công ty Y mới yêu cầu Công ty T1 phải khắc phục lại những hư hỏng là đã hết thời hạn bảo hành theo thỏa thuận tại Điều 12 hợp đồng. Vì vậy, yêu cầu kháng cáo của Công ty T1 là không có cơ sở chấp nhận.

Riêng tại phiên tòa phúc thẩm bà Hứa Huệ S, đại diện hợp pháp cho Công ty Cổ phần Y yêu cầu Công ty T1 cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng từ về phòng cháy chữa cháy để bị đơn trình cơ quan chức năng cấp phép hoạt động thì bà sẽ thanh toán phần tiền còn lại. Tuy nhiên, theo Biên bản hòa giải ngày 22/8/2023, Công ty T1 và Công ty Cổ phần Y thống nhất là Công ty T1 đồng ý cung cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với loại sơn đã thi công và tại phiên tòa sơ thẩm đại diện Công ty Cổ phần Y và Công ty T1 xác định các bên đã nhận đầy đủ hồ sơ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy và các bên thống nhất không tranh chấp nội dung này nên cấp sơ thẩm không xem xét là đúng pháp luật (nội dung được ghi nhận trong biên bản phiên tòa). Công ty Y cũng không kháng cáo đối với nội dung này. Nếu Công ty T1 bàn giao chưa đầy đủ hồ sơ, tài liệu về phòng cháy chữa cháy thì Công ty Y có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác.

Ngoài ra, qua xem xét hồ sơ vụ án nhận thấy: Tại đơn khởi kiện của nguyên đơn, thông báo thụ lý vụ án, bản tự khai của người đại diện theo ủy quyền của Công ty T1 và quá trình hòa giải của toà án cấp sơ thẩm, tất cả đều ghi nhận Công ty T1 yêu cầu Tòa án giải quyết 03 nội dung gồm: Yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng là 3.654.081.170 đồng; Yêu cầu công ty Y phải trả tiền phạt do chậm thanh toán tính từ ngày 15/7/2022 đến ngày nộp đơn khởi kiện là 152.253.380 đồng và yêu cầu Công ty Y phải trả tiền phạt do chậm thanh toán cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, Công ty T3 chỉ yêu cầu phải trả tiền phạt, giữa yêu cầu tính tiền phạt theo Điều 300 và tính tiền lãi do chậm thanh toán quy định tại Điều 306 Luật Thương mại thì đây là hai quan hệ pháp luật khác nhau trong khi nguyên đơn chỉ yêu cầu buộc Công ty Cổ phần Y phải trả tiền phạt chậm thanh toán, không hề yêu cầu tính lãi chậm thanh toán và tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty T1 rút yêu cầu trả tiền phạt tạm tính từ ngày 15/7/2022 đến ngày nộp đơn kiện là 152.253.000 đồng và được Tòa án chấp nhận đình chỉ yêu cầu này. Nhưng Bản án sơ thẩm lại giải quyết nội dung tính lãi chậm thanh toán từ ngày 15/7/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm trong khi chưa từng thụ lý giải quyết đối với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán và tính luôn lãi đối với khoảng thời gian nguyên đơn đã rút là chưa chính xác. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn thống nhất đối với nội dung tính lãi chậm thanh toán từ ngày thụ lý đến ngày xét xử sơ thẩm và không tranh chấp đối với tính lãi cũng như phạt chậm thanh toán, đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp và nội dung này cũng là có lợi cho bị đơn nên xét thấy không cần thiết phải hủy phần nội dung này của cấp sơ thẩm, mà đề nghị Hội đồng xét xử xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp, đúng với yêu cầu của nguyên đơn.

Từ những phân tích trên, căn cứ khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm về phần tiền phạt do chậm thanh toán từ ngày thụ lý vụ án cho đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 10% năm và tính lại án phí cho phù hợp. Các phần khác của Bản án sơ thẩm là đúng pháp luật cần giữ nguyên. Buộc Công ty Y phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về thủ tục tố tụng:

[1] Kháng cáo của bị đơn thực hiện đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:

[2] Về phạm vi xét xử phúc thẩm: Tại đơn kháng cáo, bị đơn chỉ kháng cáo một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm là yêu cầu sửa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc nguyên đơn phải sửa chữa, khắc phục các hư hỏng công trình xây dựng của bị đơn trong thời hạn bảo hành công trình. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn yêu cầu nguyên đơn cung cấp hồ sơ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy, nhận thấy, tại cấp sơ thẩm các bên xác định đã giao và nhận hồ sơ này nên không yêu cầu tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, bị đơn cũng không có kháng cáo đối với nội dung này nên căn cứ theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chỉ xem xét lại phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo nên yêu cầu phát sinh của bị đơn Công ty Y tại phiên tòa phúc thẩm không có cơ sở để xem xét giải quyết.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn về việc yêu cầu Công ty TNHH T1 đồng ý sửa chữa các hư hỏng của công trình trong thời gian bảo hành, cụ thể: cửa sổ, tường rào, cột kèo, phòng bảo vệ, sân trước, mái thông gió, cửa thoát hiểm, tường kho, tường văn phòng, nền nhà, hành lang kho, tường tróc sơn, thấy rằng:

[2.1] Ngày 31/12/2021, hai bên có ký biên bản nghiệm thu số 31122021/YBY. Sau khi nhận bàn giao công trình và đưa vào sử dụng thì Công ty Y phát hiện công trình thi công không đạt chất lượng theo hợp đồng và phát sinh nhiều hư hỏng như trên. Công ty Y đã thông báo và yêu cầu Công ty T1 sửa chữa, bảo hành công trình theo đúng thỏa thuận đã ký kết, những nội dung yêu cầu sửa chữa phát sinh từ tháng 01 đến tháng 10 năm 2022 và có hình ảnh kèm theo nội dung tin nhắn trên zalo giữa Công ty T1 và Công ty Y. Theo nội dung tin nhắn zalo và Văn bản số 04/YBY-2022 ngày 21/7/2022 (bút lục 60) do Công ty Y cung cấp thì thời gian các bên thống nhất để Công ty T1 xuống thực hiện khắc phục, sửa chữa theo yêu cầu của Công ty Y dự kiến vào tháng 10/2022. Bị đơn cũng thừa nhận Công ty T1 có cho người xuống thi công lại những nội dung bị hư hỏng nhưng chưa đạt yêu cầu, Công ty T1 cũng xác định vào khoảng tháng 10, tháng 11 Công ty T1 cho đội thi công xuống sửa chữa toàn bộ nội dung hư hỏng theo yêu cầu của Công ty Y và việc sửa chữa đã hoàn tất. Căn cứ vào toàn bộ tài liệu chứng cứ do bị đơn cung cấp thì từ sau thời gian tháng 10/2022 đến thời điểm nguyên đơn khởi kiện thì Công ty Y không có phát sinh bất kỳ yêu cầu sửa chữa nào, cũng như tin nhắn, văn bản nào yêu cầu Công ty T1 tiếp tục sửa chữa những hư hỏng còn tồn tại nên từ đó có cơ sở xác định bị đơn đã đồng ý với nội dung sửa chữa của bên Công ty T1. Đến khi Công ty T1 khởi kiện yêu cầu Công ty Y thanh toán nợ còn thiếu thì YBY mới không đồng ý và tiếp tục đưa ra yêu cầu sửa chữa những nội dung trên là đã quá thời gian bảo hành.

[2.2] Hơn nữa, theo Điều XII của Hợp đồng kinh tế mà các bên thỏa thuận điều kiện, nội dung để bảo hành công trình là “công trình được bảo hành 365 ngày tính từ ngày bên B đồng ý ký nghiệm thu, trong thời gian bảo hành, nếu có xảy ra hiện tượng hư hỏng do lỗi thi công hoặc chất lượng vật tư không đạt. Bên B sẽ gửi công văn thông báo cho bên A để tiến hành sửa chữa. Nếu bên A không tiến hành sửa chữa theo thông báo của bên B, thì bên B sẽ tự sửa chữa và toàn bộ chi phí do bên A chi trả”. Nhận thấy, bị đơn phản tố yêu cầu Công ty T1 phải sửa chữa những nội dung liệt kê nêu trên những không cung cấp được chứng cứ, kết luận giám định chứng minh những nội dung nào Công ty T1 đã sửa chữa đạt yêu cầu, những nội dung nào chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân và lỗi dẫn đến những hư hỏng đó là do đâu, thời gian hư hỏng là khoảng thời gian nào, những hư hỏng nào còn trong thời gian bảo hành, những hư hỏng nào nằm ngoài thời gian bảo hành nên không đủ cơ sở để chứng minh cho yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ và đủ điều kiện bảo hành nên không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.3] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Y. [3] Nguyên đơn Công ty T1 yêu cầu Công ty Y thanh toán tiền nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT ngày 30/3/2021 với số tiền là 3.654.081.170 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, Công ty Cổ phần Y thống nhất có ký kết Hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT và còn nợ lại số tiền 3.654.081.170 đồng. Công ty Y cho rằng lý do không thanh toán nợ là vì Công ty T1 không sửa chữa những hư hỏng của công trình theo yêu cầu, khi nào sửa chữa dứt điểm các hư hỏng mà Công ty Cổ phần Y yêu cầu. Lý do Công ty Y đưa ra để không thanh toán nợ là không phù hợp với thỏa thuận của các bên tại khoản Điều VI của Hợp đồng kinh tế, vì theo thỏa thuận này bị đơn có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại (thanh toán đợt 5) sau 06 tháng kể từ ngày nghiệm thu bàn giao công trình, nhận thấy, các bên đã ký biên bản nghiệm thu số 31122021/YBY/BBNT ngày 31/12/2021 và ký biên bản bàn giao ngày 14/01/2022 nhưng tính đến ngày khởi kiện (ngày 10/01/2023) bị đơn vẫn không thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ cho nguyên đơn là vi phạm thỏa thuận của các bên. Nhận thấy, thỏa thuận thời hạn bảo hành công trình là 365 ngày tính từ ngày nghiệm thu công trình theo Điều VIII của hợp đồng không ràng buộc và loại trừ nghĩa vụ thanh toán thanh toán của bị đơn, việc thanh toán tiền độc lập với nghĩa vụ bảo hành công trình nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu thanh toán số tiền còn nợ 3.654.081.170 đồng là phù hợp theo quy định các Điều 50 Luật Thương mại năm 2005 và Điều 280 Bộ luật Dân sự.

[4] Xét yêu cầu tính tiền phạt vi phạm:

[4.1] Từ phân tích tại mục [3] nêu trên, nhận thấy bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Điều X của Hợp đồng kinh tế nên theo thỏa thuận sẽ chịu phạt vi phạm là 0,01% giá trị hợp đồng (0,01% x 14.813.400.800 đồng), tức là 1.481.340 đồng/ngày. Tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm do chậm thanh toán từ ngày thụ lý vụ án ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm 14/9/2023 với mức phạt 10%/năm là thấp hơn mức mà các bên thỏa thuận, là có lợi cho bị đơn nên cấp sơ thẩm chấp nhận là đúng. Tuy nhiên, căn cứ theo các bút lục 02, 176, 184, số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là tiền phạt vi phạm do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định giải quyết về yêu cầu tính lãi chậm trả là không phù hợp với yêu cầu của nguyên đơn nên Hội đồng xét xử xác định lại đây là yêu cầu phạt vi phạm do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại.

[4.2] Về thời gian yêu cầu phạt vi phạm: Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện đối với số tiền phạt do chậm thanh toán tính từ ngày 15/7/2022 cho đến ngày khởi kiện (10/01/2023) là 152.253.380 đồng và cấp sơ đã đình chỉ giải quyết đối phần yêu cầu đã rút. Nguyên đơn chỉ yêu cầu phạt vi phạm từ ngày thụ lý vụ án ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm (14/9/2023) nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại tính lãi phạt từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/9/2023 là vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuy nhiên, các đương sự xác định không kháng cáo đối với nội dung này và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đề nghị điều chỉnh lại theo đúng yêu cầu của nguyên đơn. Nhận thấy sai sót này của cấp sơ thẩm không làm thay đổi bản chất, nội dung vụ án và việc điều chỉnh này có lợi cho bị đơn nên căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm về yêu cầu phạt vi phạm cho phù hợp với yêu cầu của nguyên đơn.

[4.3] Do đó, tiền phạt vi phạm do chậm thanh toán của số tiền 3.654.081.170 đồng tính từ ngày thụ lý vụ án ngày 07/02/2023 đến ngày 14/9/2023 là: 220.259.892 đồng (3.654.081.170 đồng x 10%/năm x 07 tháng 07 ngày). Tổng số tiền nợ gốc và lãi suất Công ty Y phải thanh toán cho Công ty T1 là 3.874.341.063 đồng.

[5] Đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Y phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận và phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm không có giá ngạch đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận. Hoàn trả tiền tạm ứng án đã nộp cho nguyên đơn.

[7] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Căn cứ Điều 29 326/2016/UBTVQH.14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án, bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[8] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Y. Sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2023/KDTM-ST ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An về yêu cầu phạt vi phạm.

Căn cứ các Điều 26, Điều 30, Điều 35, Điều 147, Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 3, Điều 8, Điều 11, Điều 280 Bộ luật Dân sự; Điều 10, Điều 300, Điều 317, Điều 319 Luật Thương mại 2005; khoản 2 Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH T1 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công” đối với Công ty Cổ phần Y. 2. Buộc Công ty Cổ phần Y phải thanh toán cho Công ty TNHH T1 số tiền còn nợ phát sinh từ Hợp đồng kinh tế số 26032021-YBY/HĐKT ngày 30/3/2021 là 3.654.081.170 đồng (ba tỷ sáu trăm năm mươi bốn triệu không trăm tám mươi mốt nghìn một trăm bảy mươi đồng) và tiền phạt do chậm thanh toán từ ngày 07/02/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 14/9/2023 là 220.259.892 đồng (hai trăm hai mươi triệu hai trăm năm mươi chín nghìn tám trăm chín mươi hai đồng). Tổng số tiền Công ty Cổ phần Y phải thanh toán cho Công ty TNHH T1 là 3.874.341.063 đồng (ba tỷ tám trăm bảy mươi bốn triệu ba trăm bốn mươi mốt nghìn không trăm sáu mươi ba đồng).

Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, bên có nghĩa vụ chậm thi hành sẽ phải chịu thêm khoản tiền lãi tính trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Y đối với Công ty TNHH T1 về việc “Yêu cầu khắc phục tình trạng hư hại của công trình xây dựng”, cụ thể yêu cầu Công ty TNHH T1 có nghĩa vụ sửa chữa các hư hỏng của công trình, cụ thể tại các vị trí: cửa sổ, tường rào, cột kèo, phòng bảo vệ, sân trước, mái thông gió, cửa thoát hiểm, tường kho, tường văn phòng, nền nhà, hành lang kho, tường tróc sơn cho bị đơn Công ty Cổ phần Y.

4. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty TNHH T1 về việc buộc Công ty Cổ phần Y phải chịu tiền phạt do chậm thanh toán từ ngày 15/7/2022 đến ngày 10/01/2023 là 152.253.380 đồng (một trăm năm mươi hai triệu hai trăm năm mươi ba nghìn ba trăm tám mươi đồng).

5. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Y phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sung công quỹ Nhà nước đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận là 109.486.821 đồng (một trăm linh chín triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn tám trăm hai mươi mốt đồng).

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần Y phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận theo mức án phí không có giá ngạch là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng).

Tổng số tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm Công ty Cổ phần Y phải nộp là 112.486.821 đồng (một trăm mười hai triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn tám trăm hai mươi mốt đồng) sung vào ngân sách nhà nước nhưng khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) theo biên lai thu số 0002735 ngày 15/8/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Hòa. Công ty Cổ phần Y còn phải nộp bổ sung số tiền 109.486.821 đồng (một trăm linh chín triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn tám trăm hai mươi mốt đồng).

H1 lại cho Công ty TNHH T1 số tiền tạm ứng án phí là 54.063.000 đồng (năm mươi bốn triệu không trăm sáu mươi ba nghìn đồng) theo biên lai thu 0007896 ngày 07/02/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Hòa.

Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bị đơn Công ty Cổ phần Y phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) nhưng khấu trừ 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) đã nộp theo biên lai thu số 0005845 ngày 03/10/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Công ty Cổ phần Y đã nộp đủ án phí.

6. Về hiệu lực của bản án: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án là ngày 28-02-2024.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

6
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công số 03/2024/KDTM-PT

Số hiệu:03/2024/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/02/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về