Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công số 03/2024/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 03/2024/KDTM-PT NGÀY 23/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG

Ngày 23 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 54/2023/TLPT-KDTM ngày 22 tháng 11 năm 2023 về việc “tranh chấp hợp đồng thi công”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 14/2023/KDTM-ST ngày 21/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 53/2023/QĐPT-KDTM ngày 05 tháng 11 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 02/2024/QĐ-PT ngày 08/01/2024, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH K1; địa chỉ: số F Đ, Phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Tô Bá T, sinh năm 1977; địa chỉ thường trú: số B Lô A, Chung cư H, Phường C, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH K2; địa chỉ: Lô B-F-CN đường DE5A, Khu công nghiệp M, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Đặng Thị Kim C, sinh năm 1996; chức danh: Quản lý nhân sự; địa chỉ liên hệ: Công ty TNHH K2, Lô B- 6C4-CN đường DE5A, Khu công nghiệp M, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương, có mặt.

- Người kháng cáo: bị đơn Công ty TNHH K2.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung bản án sơ thẩm:

1. Theo Đơn khởi kiện đề ngày 09/5/2023, lời khai trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Tô Bá T trình bày:

Ngày 24/12/2020, Công ty Trách nhiệm hữu hạn K1 (sau đây gọi là Công ty K1) ký kết với Công ty TNHH K2 (sau đây gọi là Công ty K2) để thi công nguồn cho thiết bị xưởng rèn, thi công trạm biến áp, nguồn cho thiết bị 03 pha 220V và phát sinh thi công Camera do di dời vị trí tại Lô B_6C4_CN Đường D, Khu Công Nghiệp M, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Giá trị hợp đồng (bao gồm 10 % thuế VAT) là: 3.972.209.740 đồng. Ngày 20/5/2021, đại diện hai công ty lập Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình, Công ty K2 nhận công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng cho đến nay.

Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty K2 đã thanh toán cho Công ty K1 tổng số tiền là 2.700.000.000 đồng. Tính đến ngày 10/4/2023, Công ty K2 còn nợ Công ty K1 số tiền gốc là 1.271.237.333 đồng và lãi chậm thanh toán với số tiền là 419.508.540 đồng. Công ty K1 nhiều lần gửi thư yêu cầu thanh toán số tiền còn lại nhưng Công ty K2 đưa ra nhiều lý do để không thanh toán.

Ngày 09/5/2023, Công ty K1 khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty K2 phải trả số tiền gốc là 1.271.237.333 đồng và tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền gốc kể từ ngày 10/6/2021 đến 10/4/2023 là 419.508.540 đồng. Tổng cộng là 1.690.745.873 đồng.

Sau khi khởi kiện ngày 27/6/2023, Công ty K2 đã trả cho Công ty K1 số tiền gốc là 1.271.237.333 đồng. Ngày 20/7/2023, đại diện nguyên đơn có đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện thanh toán số tiền 1.271.237.333 đồng nhưng giữ nguyên yêu cầu tính tiền lãi chậm thanh toán.

Tại Văn bản trình bày ý kiến ngày 15/9/2023 của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Công ty K2 phải trả tiền lãi chậm thanh toán trên số tiền gốc 1.271.237.333 đồng với lãi suất theo thỏa thuận của hợp đồng là 0,05%/ngày, tính từ ngày 21/6/2021 đến ngày 26/6/2023. Tuy nhiên, nguyên đơn chỉ yêu cầu 720 ngày, đối với khoảng thời gian vượt quá 720 ngày nguyên đơn không yêu cầu. Thành tiền là:

1.271.237.333 đồng x 0,05% x 720 ngày = 457.645.440 đồng.

2. Quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Đặng Thị Kim C trình bày: Thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về việc ký kết Hợp đồng thi công số: 37/2020/HĐTC ngày 24/12/2020. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty K2 đã thanh toán cho Công ty K1 số tiền là 2.700.000.000 đồng, còn lại 1.271.237.333 đồng thì Công ty K2 chưa thanh toán là do:

+ Nguyên đơn thi công công trình không đảm bảo chất lượng, khi đưa vào hoạt động thì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nên máy móc hoạt động không bình thường gây mất thời gian.

+ Phía Công ty K2 có yêu cầu nguyên đơn bảo hành nhưng phía nguyên đơn không cho người qua kiểm tra, khắc phục.

+ Công ty K2 nhiều lần yêu cầu nguyên đơn xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định về hóa đơn thì Công ty K2 mới thanh toán được và có căn cứ để vay tiền Ngân hàng nhưng phía nguyên đơn không xuất. Đến tháng 02/2023, nguyên đơn mới xuất hóa đơn và gửi cho Công ty K2.

+ Trong thời gian thi công công trình thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Công ty K2 cũng rất khó khăn. Cho đến tháng 01/2023 thì mới hoạt động sản xuất bình thường trở lại.

+ Giám đốc đại diện của Công ty K2 là ông Oh In K nhiều lần liên hệ với bên nguyên đơn để giải quyết công nợ nhưng bên nguyên đơn không đồng ý gặp mặt. Đến khi Công ty K2 nhận được văn bản của Tòa án nhân dân thị xã B thì mới biết bên Công ty K1 khởi kiện.

+ Từ năm 2020, Công ty K2 không có bảo lãnh cho ai tên là Park Tea S (người ký tên trong Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021) và trong bảng lương của Công ty K2 cũng không có ai tên Park Tea S. Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021 do nguyên đơn cung cấp không phải là ý chí đồng ý của bị đơn nên bị đơn phản đối văn bản này. Văn bản này do nguyên đơn xuất trình thì nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh, bị đơn không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định đối với chữ viết, chữ ký, con dấu hay bất kỳ nội dung gì trên văn bản này. Nếu nguyên đơn có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì bị đơn sẽ hỗ trợ cung cấp mẫu dấu và toàn bộ tài liệu cần thiết để phục vụ công tác giám định.

Ngày 27/06/2023, bị đơn yêu cầu phía nguyên đơn giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhiều lần nhưng không được, nên bị đơn đã quyết định trả cho nguyên đơn số tiền gốc là 1.271.237.333 đồng và tự thuê người đến sửa chữa máy móc thiết bị của mình. Mọi thiệt hại từ quá trình này, bị đơn sẽ khởi kiện nguyên đơn bằng một vụ án khác, không yêu cầu giải quyết trong vụ án này.

Đối với yêu cầu trả tiền lãi chậm thanh toán thì bị đơn không đồng ý vì các lý do sau:

+ Nguyên đơn không có quyền yêu cầu tính lãi chậm thanh toán khi không thực hiện đúng việc lắp đặt máy móc đảm bảo chất lượng, kỹ thuật khiến bị đơn không thể vận hành được và không bảo hành cho bị đơn.

+ Đến tháng 02/2023 nguyên đơn mới tiến hành xuất hóa đơn dù bị đơn không có cung cấp bất cứ văn bản xác nhận nghiệm thu nào.

+ Văn bản nghiệm thu của bị đơn cung cấp không phải là ý chí đồng ý của công ty B. Người ký biên bản nghiệm thu không phải là người của Công ty K2 như đã phân tích ở trên.

Mặt khác, tại mục 6.2 của Điều 6 Hợp đồng, có quy định về trường hợp lãi suất do chậm thanh toán. Cụ thể như sau: “Trong trường hợp bên A (K2) thanh toán chậm cho bên B (Sung Hwa) so với thời gian quy định tại điều 2 của hợp đồng này, bên A sẽ phải thanh toán thêm cho bên B 0.05%/ngày chậm thanh toán. Thời gian chậm thanh toán không quá 01 tháng”. Từ ngữ tại mục 6.2 của Điều 6 nêu trên được bị đơn hiểu như sau: Thời gian chậm thanh toán theo Hợp đồng được tính lãi suất là 0.05%/ngày. Nhưng mức lãi suất này được giới hạn bởi thời gian là không quá 01 tháng. Hợp đồng đã nêu rõ bằng cả tiếng Việt và tiếng Hàn, nhưng nguyên đơn cố tình áp dụng sai để tính tiền lãi nhiều hơn.

Do đó, Căn cứ vào Hợp đồng thì Công ty K2 chỉ đồng ý thanh toán cho Công ty K1 số tiền lãi chậm thanh toán 01 tháng theo lãi suất 0.05%/ngày trên tổng số tiền 1.271.237.333 đồng, thành tiền là: 19.068.560 đồng. Bị đơn không có đơn phản tố đối với nguyên đơn trong vụ án này.

Bản án sơ thẩm số 14/2023/KDTM-ST ngày 21/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH K1 đối với bị đơn Công ty TNHH K2 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

Buộc Công ty TNHH K2 phải thanh toán cho Công ty TNHH K1 số tiền là 457.645.440 đồng (bốn trăm năm mươi bảy triệu, sáu trăm bốn mươi lăm nghìn, bốn trăm bốn mươi đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực thi hành và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải thanh toán cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH K1 đối với bị đơn Công ty TNHH K2 đối với yêu cầu thanh toán tiền nợ gốc là 1.271.237.333 đồng (một tỷ, hai trăm bảy mươi mốt triệu, hai trăm ba mươi bảy nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng).

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 04/10/2023, Công ty TNHH K2 kháng cáo yêu cầu sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ý kiến bị đơn: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về tiền lãi chậm thanh toán của nguyên đơn.

Ý kiến nguyên đơn: Không chấp nhận kháng cáo, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, những người tiến hành tố tụng và đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Về nợ gốc, nguyên đơn rút lại yêu cầu này là hoàn toàn tự nguyện. Tòa sơ thẩm đình chỉ là đúng quy định khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về lãi suất chậm trả: Tòa sơ thẩm chấp nhận mức lãi suất chậm trả 0.05%/ngày là đúng quy định Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên đây là vụ án kinh doanh thương mại, thay vì nhận định mức lãi suất này phù hợp Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, Tòa sơ thẩm lại nhận định phù hợp Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là chưa chính xác, nhưng không làm thay đổi nội dung giải quyết vụ án nên không cần thiết sửa án sơ thẩm. Do đó, Tòa sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về áp dụng luật đối với nội dung này.

- Về thời gian thanh toán: Căn cứ mục 2.2 Điều 2 Hợp đồng số 37/2020/HĐTC ngày 24/12/2020 do hai bên ký kết đã thỏa thuận “Thời hạn thanh toán bên A (bị đơn) sẽ thanh toán 100% sau khi hoàn thành công trình”. Như vậy, có căn cứ xác định hai bên có thỏa thuận thời gian thanh toán hợp đồng là phù hợp khoản 2 Điều 147 Luật xây dựng năm 2014, tại khoản 2 này quy định “Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng do các bên thỏa thuận”.

Đối chiếu tài liệu chứng cứ tại hồ sơ, thấy: Chứng cứ nguyên đơn cung cấp có biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình vào ngày 20/5/2021 (BL 19, 104) do hai bên ký và đóng dấu có thể hiện nội dung “công trình đạt yêu cầu so với thiết kế đã duyệt”, căn cứ khoản 5 Điều 144 Luật xây dựng năm 2014 quy định “... việc thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu...” nên có căn cứ xác định công trình đã hoàn thành nên được nghiệm thu vào ngày 20/5/2021, do đó bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn như đã thỏa thuận tại mục 2.2 Điều 2 Hợp đồng “thanh toán 100% sau khi hoàn thành công trình”. Bị đơn kháng cáo không thừa nhận Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021 nhưng không yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định, không cung cấp được biên bản nghiệm thu nào khác sau khi đã nhận và sử dụng công trình. Đồng thời, bị đơn cho rằng nguyên đơn bàn giao công trình không đảm bảo chất lượng nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận.

- Về thời gian tính lãi suất do chậm thanh toán: Theo mục 6.2 Điều 6 của Hợp đồng hai bên có thỏa thuận “Trong trường hợp bên A (bị đơn) thanh toán chậm cho bên B (nguyên đơn) so với thời hạn quy định tại Điều 2 hợp đồng này, bên A (bị đơn) sẽ phải thanh toán thêm cho bên B (nguyên đơn) 0,05%/ngày chậm thanh toán. Thời gian chậm thanh toán không vượt quá 01 tháng”. Như vậy, trường hợp vượt quá 01 tháng kể từ ngày 20/5/2021, nghĩa là đến ngày 21/6/2021 bị đơn chưa thanh toán nợ thì bị đơn phải chịu lãi suất do chậm thanh toán nợ như đã thỏa thuận tại Điều 6 của hợp đồng.

Bị đơn Công ty TNHH K2 kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, ý kiến của Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Bị đơn Công ty TNHH K2 kháng cáo cho rằng theo mục 6.2 điều 6 hợp đồng thì bị đơn chỉ phải chịu lãi suất chậm thanh toán trong hạn 01 tháng, biên bản nghiệm thu không đúng quy trình, không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của bị đơn, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bị đơn trả hết tiền theo hợp đồng là thừa nhận công trình đã hoàn thành là không có cơ sở chấp nhận nên yêu cầu sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Nguyên đơn không chấp nhận kháng cáo của bị đơn vì cho rằng công trình đã hoàn thành, đã được đại diện bị đơn nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng chậm thanh toán nên yêu cầu phải thanh toán số tiền lãi là 457.645.440 đồng.

[2] Theo mục 2.2 Điều 2 Hợp đồng thi công số: 37/2020/HĐTC ngày 24/12/2020 các bên thỏa thuận Công ty K2 phải thanh toán cho nhà thầu Công ty K1 100% sau khi hoàn thành công trình mà không căn cứ vào thời gian xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho giá trị công trình. Theo mục 5.1 Điều 5 Hợp đồng thi công số: 37/2020/HĐTC quy định trách nhiệm của chủ đầu tư Công ty TNHH K2 phải nghiệm thu, duyệt khối lượng hoàn thành và tiếp nhận công trình khi đủ điều kiện bàn giao, còn trách nhiệm của nhà thầu Công ty K1 chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH K2 làm tốt công tác giám sát của mình. Đồng thời, theo điểm c, đ khoản 2 Điều 112 Luật Xây dựng quy định chủ đầu tư có nghĩa vụ “Tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng phù hợp với hình thức quản lý dự án, hợp đồng xây dựng; Tổ chức nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình” và theo điểm h khoản 2 Điều 113 Luật Xây dựng quy định “Nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ tham gia nghiệm thu công trình”. Theo khoản 2, 3 Điều 123 Luật Xây dựng cũng quy định: “Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng”. Đồng thời, theo Điều 88 Luật Xây dựng quy định: “Chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng. Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ công việc do mình thực hiện”. Như vậy, đối chiếu với thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng thi công số: 37/2020/HĐTC và quy định pháp luật về xây dựng thì trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, duyệt khối lượng hoàn thành thuộc nghĩa vụ của chủ đầu tư Công ty TNHH K2, không phải của nhà thầu Công ty K1. Nguyên đơn Công ty K1 đã xuất trình được Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021 có chữ ký ghi tên ông Park Tae S1 đại diện chủ đầu tư với chức vụ Giám đốc kỹ thuật và đóng con dấu của Công ty TNHH K2.

Bị đơn kháng cáo cho rằng biên bản nghiệm thu không đúng quy trình, không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của bị đơn, không thừa nhận ông Park Tae S1 là đại diện chủ đầu tư nhưng không yêu cầu giám định, không cung cấp được biên bản nghiệm thu nào khác là vi phạm nghĩa vụ của chủ đầu tư như đã phân tích ở trên. Mặc khác, bản thân bị đơn thừa nhận đã nhận, đưa công trình vào sử dụng thời gian dài và đã thanh toán hết số tiền còn lại theo hợp đồng 1.271.237.333 đồng (thanh toán sau khi nguyên đơn khởi kiện) nên bị đơn kháng cáo xác định chưa hoàn thành công trình, chưa nghiệm thu để từ đó không chấp nhận thanh toán lãi chậm trả cho nguyên đơn là không đúng quy định pháp luật và sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nên không có cơ sở chấp nhận.

[3] Bị đơn kháng cáo cho rằng chỉ phải chịu lãi suất chậm thanh toán trong thời hạn 01 tháng theo mục 6.2 điều 6 hợp đồng là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ, tại mục 6.2 của Điều 6 Hợp đồng thi công số 37/2020/HĐTC ngày 24/12/2020 quy định: “Trong trường hợp bên A thanh toán chậm cho bên B so với thời gian quy định tại điều 2 của hợp đồng này, bên A sẽ phải thanh toán thêm cho bên B 0.05%/ngày chậm thanh toán. Thời gian chậm thanh toán không quá 01 tháng”. Như vậy, mục 6.2 của Điều 6 Hợp đồng thi công số 37/2020/HĐTC chỉ cho phép thời gian chậm thanh toán là không quá 01 tháng, ngoài khoảng thời gian trên sẽ được xác định là chậm thanh toán nên nguyên đơn yêu cầu tính tiền lãi do chậm thanh toán sau 01 tháng từ ngày ký Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021 là có cơ sở chấp nhận.

Về thời hạn tính lãi: Theo Mục 2.2 Điều 2 của Hợp đồng quy định: “Thời hạn thanh toán: “Bên A sẽ thanh toán 100% sau khi hoàn thành công trình”. Theo nguyên đơn, ngày hoàn thành công trình là ngày các bên ký Biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình ngày 20/5/2021. Bị đơn được chậm thanh toán 01 tháng nên ngày bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán là từ ngày 21/6/2021 đến ngày 26/6/2023, nguyên đơn chỉ yêu cầu tính đối với số nợ cuối cùng theo đơn khởi kiện là 1.271.237.333 đồng, không tính tiền lãi chậm thanh toán đối với các khoản tiền chậm thanh toán đã trả trước đây. Thời gian tính lãi từ ngày 21/6/2021 đến ngày 26/6/2023 là hơn 720 ngày nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu thanh toán 720 ngày, với mức lãi suất theo thỏa thuận 0.05%/ngày là 457.645.440 đồng. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp với thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng thi công số 37/2020/HĐTC, phù hợp Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và có lợi cho bị đơn nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.

[4] Từ những cơ sở nhận định nêu trên, xét kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp.

[5] Về án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Bị đơn kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên, sự;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 308, 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự

- Căn cứ Điều 306 của Luật Thương mại;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH K2 về việc “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2023/KDTM- ST ngày 21/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương như sau:

2.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH K1 đối với bị đơn Công ty TNHH K2 về việc: “Tranh chấp hợp đồng thi công”.

Buộc Công ty TNHH K2 phải thanh toán cho Công ty TNHH K1 số tiền là 457.645.440 đồng (bốn trăm năm mươi bảy triệu, sáu trăm bốn mươi lăm nghìn, bốn trăm bốn mươi đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực thi hành và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ, thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải thanh toán cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2.2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH K1 đối với bị đơn Công ty TNHH K2 đối với yêu cầu thanh toán tiền nợ gốc là 1.271.237.333 đồng (một tỷ, hai trăm bảy mươi mốt triệu, hai trăm ba mươi bảy nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng).

2.3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Bị đơn Công ty TNHH K2 phải chịu 22.305.817 đồng (hai mươi hai triệu, ba trăm lẻ năm nghìn, tám trăm mười bảy đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Hoàn trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH K1 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 31.361.188 đồng (ba mươi mốt triệu, ba trăm sáu mươi mốt nghìn, một trăm tám mươi tám đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số AA/2021/0011238 ngày 23/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã B, tỉnh Bình Dương.

3. Án phí phúc thẩm: Bị đơn Công ty TNHH K2 phải chịu 2.000.000 đồng, được khấu trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000 (hai triệu) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0012393 ngày 16/10/2023 của Chi cục Thi hành án thị xã B.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

624
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công số 03/2024/KDTM-PT

Số hiệu:03/2024/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:23/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về