Bản án về tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản số 885/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 885/2020/KDTM-PT NGÀY 17/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN

Vào ngày 17 tháng 9 năm 2020 tại Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 118/2020/KDTMPT ngày 15 tháng 7 năm 2020 về tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận 7 bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 9771/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 7 năm 2020 và Quyết định Hoãn phiên tòa số 8834/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH L.

Địa chỉ trụ sở: Số 12 đường B, phường B, quận T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Ông Phan Đức A là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 20 tháng 12 năm 2017). (Có mặt)

Địa chỉ thường trú: Phường H, Thành phố Vinh, tỉnh N

2. Bị đơn: Ngân hàng TMCP X.

Địa chỉ trụ sở: 123 đường T, phường B, Quận M, Thành phố H;

Người đại diện hợp pháp: Bà Đặng Thị Ngọc T và ông Hồ Việt C là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 364/2020/EIBQ7/UQ-GĐ ngày 17/8/2020). (Có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty Cổ phần M; Địa chỉ trụ sở: Số 756 Đường H, phường T, Quận B, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Minh H là người đại diện theo ủy quyền ( Giấy ủy quyền số 03/2018/GUQ-MK ngày 03/01/2018) (Vắng mặt)

Địa chỉ: Chung cư P, phường X, huyện N, Thành phố H.

3.2. Công ty Cổ phần N.

Địa chỉ trụ sở: Ấp B, đường X, phường B, Quận C, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Ông Phan Đức A là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 22/8/2018 ) (Có mặt) Địa chỉ thường trú: Phường H, thành phố Vinh, tỉnh N

3.3. Công ty TNHH T.

Địa chỉ trụ sở: Số 11 đường H, phường Q, Quận B, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Minh L là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 02/2019/VP năm 2019). (Vắng mặt)

Địa chỉ: Số 23 đường Đ, khóm B, phường T, thành phố L, tỉnh An Giang

3.4. Công ty TNHH H.

Trụ sở: KCN V, xã Đ, Thành phố Vinh, Tỉnh N;

Người đại diện theo pháp luật của Công ty: Ông Châu Đại Q, chức vụ: Giám đốc;

địa chỉ nơi cư trú: 2, phường P, Quận B, Thành phố H (vắng mặt).

Người kháng cáo: Ngân hàng TMCP X.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 19 tháng 10 năm 2017, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 15 tháng 11 năm 2017, tại các bản tự khai, các biên bản hòa giải, các biên bản ghi nhận ý kiến và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L có ông Phan Đức A là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 14/02/2012 Công ty TNHH L (sau đây gọi tắt là Công ty L) có ký với Ngân hàng TMCP X Chi nhánh Quận 7 (sau đây gọi tắt là E) hợp đồng thế chấp tài sản số 18/12/EIBQ7-KHDN/TSTC về việc thế chấp 528 lóng Gỗ tròn Giả tỵ (Teak) nhập khẩu từ Myanmar có khối lượng là 298.004 m3. Trị giá hàng hóa thế chấp theo hợp đồng thế chấp được xác định theo biên bản xác định trị giá tài sản thế chấp ngày 14/02/2012 với trị giá định giá là: 5.721.676.800 đồng. Toàn bộ hàng hóa thế chấp này được dùng để thế chấp cho Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS- 201200153 ngày 15/02/2012 với trị giá vay là 3.500.000.000 đồng, lãi suất theo hợp đồng vay là 21,3%/năm. Để thực hiện hợp đồng thế chấp, E đã chỉ định Công ty Cổ phần M (sau đây gọi tắt là công ty M) làm đơn vị bảo quản tài sản thế chấp của Công ty L. Cùng ngày 14/02/2012, Công ty L có ký hợp đồng bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK giữa ba bên là Công ty L (Bên A); E (Bên B); Công ty M (Bên C) để bảo quản và trông giữ tài sản thế chấp nói trên. Ngày 15/02/2012 cả ba bên đã tiến hành lập biên bản bàn giao tài sản thế chấp đầy đủ.

Tháng 05/2012 quá trình ghé kho của Công ty M, Công ty L phát hiện hàng hóa thế chấp của Công ty mình cho E tại kho này bị thiếu hụt. Vào ngày 05/07/2012 Công ty L và E cùng tiến hành kiểm tra hàng hóa thế chấp theo hợp đồng thế chấp và đã lập biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp, theo biên bản này hàng đã thiếu hụt theo hàng hóa thế chấp là 118 lóng tương ứng 50.785m3. Trong quá trình kiểm tra Công ty L xác định được Công ty M đã cấu kết với Công ty TNHH T (gọi tắt là công ty T) và Công ty TNHH H (Gọi tắt là công ty H) bán tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của Công ty L, số hàng này đã được thế chấp cho E. Sau khi làm việc ông Châu Đại Q giám đốc Công ty T và Công ty H; đại diện E ông Nguyễn Kiện và các đơn vị liên quan đề nghị Công ty L tạo điều kiện về thời gian để họ khắc phục hậu quả.

Do muốn tạo điều kiện để các bên khắc phục sai lầm theo đề nghị nên Công ty L và các bên liên quan đã thỏa thuận lập Biên bản làm việc ngày 05/07/2012 với mong muốn đưa ra phương án giải quyết việc thiếu hụt hàng hóa nhưng đây chỉ là phương án tạm thời để các bên khắc phục hậu quả vì Công ty T, Công ty H và Công ty L là đối tác làm ăn lâu năm, trước khi vụ việc hàng bị thiếu hụt xảy ra thì Công ty L có mua một lô gỗ của Công ty T chính là số gỗ thế chấp cho E, việc mua bán này các bên đã hoàn tất với nhau về nghĩa vụ. Công ty L đã thanh toán tiền cho Công ty T và đã được xuất hóa đơn, hàng hóa đã được giao nhận đủ; tại thời điểm đó Công ty L cũng có bán cho Công ty T một lô gỗ loại gỗ khác, các bên cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với nhau. Khi phát hiện hàng hóa Công ty L bị mất và lý do mất xuất phát từ trách nhiệm của Công ty M. Do muốn tạo điều kiện cho Công ty M, Công ty T, Công ty H và với lời đề nghị của E để khắc phục hậu quả tránh xảy ra những tranh chấp về pháp luật và hậu quả đáng tiếc nên Công ty L cùng các Công ty trên đã lập một biên bản làm việc đề ngày 05/07/2012 với lý do hai bên có giao dịch mượn hàng của nhau nhưng thực tế không tồn tại việc mượn hàng hóa. Tuy nhiên, hết thời hạn trên Công ty T đã không khắc phục được hậu quả như biên bản đã ký kết.

Từ ngày 27/07/2012 đến ngày 04/10/2012 Công ty L đã hoàn trả đầy đủ gốc và lãi vay theo Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200153 ngày 15/02/2012 cho E. Cụ thể nợ gốc là 3.500.000.000 đồng và tổng tiền lãi kể cả lãi phạt là 51.981.497 đồng.

Sau khi tất toán khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200153 ngày 15/02/2012 thì E chỉ giải chấp được số lượng 410 lóng tương ứng 247.219 m3 cho Công ty L, còn thiếu 118 lóng tương ứng 50.785m3.

Ngày 19/02/2017, Công ty L có Công văn số 019/CV gửi E để yêu cầu trả lại lại tài sản thế chấp. Tuy nhiên, cho đến nay Công ty L vẫn không nhận được một văn bản hồi âm nào từ phía E. Số hàng hóa thiếu hụt của Công ty L đến nay vẫn chưa được phục hồi, việc để mất hàng hóa là do đơn vị bảo quản hàng hóa theo chỉ định của E là Công ty M đã làm mất số hàng thế chấp khi chưa được sự cho phép và đồng ý của E và đơn vị thế chấp hàng hóa là Công ty L. E chỉ định đơn vị bảo quản hàng hóa thế chấp yếu kém, làm mất tài sản thế chấp trái với quy định pháp luật nên phải chịu trách nhiệm trả lại số hàng hóa đã bị mất cho Công ty L.

Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện nguyên đơn trình bày: Sau khi các bên ký biên bản ngày 5/7/2012 Công ty L biết sẽ có rủi ro nhưng vẫn phải trả nợ cho E vì nếu không trả sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của L. Ngày 12/12/2013 Công ty L cũng đã có văn bản yêu cầu E phải làm thủ tục khởi kiện đối với Công ty T và Công ty M vì lý do Công ty M là đơn vị bảo quản hàng hóa do E chỉ định, nên chỉ E mới đủ tư cách khởi kiện Công ty M và vì hai Công ty này đã liên kết với nhau trong việc lấy gỗ của Công ty L ra bán mà chưa được sự cho phép của E nhưng E đã không khởi kiện.

Căn cứ theo chứng thư thẩm định giá số 3061219/CT-TV ngày 26/12/2019 của Công ty Cổ phần V thì Gỗ tròn giả tỵ (Teak) có nguồn gốc từ Myanmar tại thời điểm tháng 12 năm 2019 (Thời điểm thẩm định giá) có giá thị trường là 39.000.000 đồng/m3, nên 118 lóng = 50.785m3 có giá trị là 1.980.615.000 đồng . Do vậy, nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc E trả lại cho nguyên đơn 118 lóng gỗ Gỗ tròn giả tỵ (Teak) có nguồn gốc nhập khẩu từ Myanmar cho nguyên đơn, trường hợp E không có gỗ để trả thì buộc phải trả bằng tiền đối với 118 lóng gỗ tương ứng với giá trị theo kết quả thẩm định giá là 1.980.615.000 đồng và tiền thuế VAT 10% là 198.061.500 đồng. Tổng cộng là 2.178.676.500 đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Tại các bản tự khai, các biên bản hòa giải, các biên bản ghi nhận ý kiến và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện ủy quyền của bị đơn Ngân hàng TMCP X trình bày:

Ngày 14/02/2012, Công ty L có ký với E Hợp đồng thế chấp tài sản số 18/12/EIBQ7-KHDN/TSTC với nội dung thế chấp 528 lóng tương ứng 298.004 m3 Gỗ tròn giả tỵ nhập khẩu từ Myanmar trị giá 5.721.676.800 đồng để đảm bảo cho một phần Hợp đồng tín dụng số 1403-LAV-201000412 ngày 23/08/2010, nghĩa vụ trả nợ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp này là 3.500.000.000 đồng.

Thực hiện hợp đồng tín dụng số 1403-LAV-201000412, ngày 15/02/2012, E đã giải ngân cho Công ty L số tiền 3.500.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200153 để thanh toán tiền mua hàng hóa cho Công ty T, thời hạn vay 08 tháng kể từ ngày giải ngân.

Tài sản thế chấp được hai bên thỏa thuận là giao cho Công ty M bảo quản tại Cảng M, Quận 9 theo hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK ngày 14/02/2012, biên bản bàn giao ngày 15/02/2012, biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp ngày 15/02/2012 ký giữa Công ty L, E và Công ty M.

Thực hiện quyền và nghĩa vụ của E được quy định tại Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp, định kỳ hàng tháng E kết hợp cùng Công ty L và cảng trưởng Cảng M kiểm tra tài sản thế chấp theo các Biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp ngày 22/03/2012, ngày 11/04/2012 và ngày 18/05/2012.

Đến ngày 18/06/2012, E thực hiện kiểm tra định kỳ tài sản thế chấp thì phát hiện có tình trạng thiếu hụt tài sản nên đã cử thêm 2 nhân viên bảo vệ trực tại kho 24/24, không cho xuất hàng hóa ra khỏi kho.

Sau nhiều ngày sắp xếp lại kho và kiểm đếm số lượng hàng hóa còn lại tại Cảng M, ngày 05/07/2012, Công ty L, E và Công ty M đã thống nhất Biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp, trong đó, số lượng thực tế kiểm kê còn lại là 410 lóng tương ứng 247.219 m3, như vậy số lượng thiếu hụt là 118 lóng tương ứng 50.785 m3. Ý kiến của các bên đối với lượng hàng thiếu hụt là xử lý theo Biên bản làm việc ngày 05/07/2012.

Biên bản làm việc ngày 05/07/2012 được ký giữa người đại diện theo pháp luật của Công ty L, Công ty N, Công ty T, Công ty H, Công ty M. Nội dung biên bản làm việc thể hiện các Công ty T, Công ty H, Công ty L, Công ty N trong quá trình hợp tác kinh doanh có trao đổi và mượn hàng hóa với nhau. Để giải quyết lượng hàng hóa bị thiếu hụt của Công ty L do Công ty T đã lấy, đại diện các công ty cam kết trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 05/07/2012, Công ty L tất toán khoản vay tại Ngân hàng để giải chấp hàng được lưu giữ tại kho cảng M Quận 9.

Sau đó, Công ty L đã nộp tiền để trả nợ vay và E đã giải chấp lượng hàng hóa còn lại, ngày 04/10/2012 đã tất toán khoản vay theo hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200153.

Như vậy, trong quá trình nhận thế chấp hàng hóa, E đã thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp đã ký. Do đó, việc Công ty L yêu cầu E hoàn trả tài sản còn thiếu là không có cơ sở.

Tại phiên tòa ông Nguyễn Trọng Đ là người đại diện hợp pháp của E cho rằng việc thiếu hụt hàng hóa trong kho là do Công ty L, Công ty M và Công ty T tự làm việc với nhau. E nhận thế chấp trên giấy tờ và cũng đã hoàn trả lại toàn bộ giấy tờ của lô hàng sau khi Công ty L tất toán hết khoản nợ, còn về hàng hóa do bên thứ 3 là Công ty M là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa thế chấp. E chỉ có trách nhiệm giữ và bảo quản giấy tờ Tài sản bảo đảm, không có trách nhiệm bảo quản lô gỗ thực tế. E đã làm đúng quy trình nhận thế chấp tài sản theo quy định. Do vậy E không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì khoản nợ này đã được nguyên đơn tất toán vào ngày 04/10/2012. Trách nhiệm trả lại số gỗ đã mất cho Công ty L thuộc về Công ty M và Công ty T vì theo biên bản làm việc ngày 05/7/2012 và theo trình bày của Công ty M thì số gỗ bị thiếu hụt là của Công ty T nên Công ty M đã cho Công ty T lấy ra khỏi kho khi chưa có sự đồng ý của E. Như vậy Công ty L phải khởi kiện Công ty T hoặc Công ty M thì mới phù hợp thực tế, đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại các bản tự khai, các biên bản hòa giải, các biên bản ghi nhận ý kiến và tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần M – đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Minh H trình bày:

Theo hồ sơ tài liệu mà Công ty M tham gia ký kết và hiện đang lưu giữ, 118 lóng gỗ thiếu hụt mà Công ty L khởi kiện theo đơn khởi kiện tại biên bản làm việc ngày 05/7/2012 (được ký kết giữa Công ty M, Công ty T, Công ty H, Công ty N, Công ty L), ông Nguyễn Văn D – đại diện theo pháp luật Công ty L đã xác nhận rõ nguyên nhân như sau: “Trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa Công ty T và Công ty H do ông Châu Đại Q làm đại diện và Công ty N và Công ty L do ông Huỳnh Văn D làm đại diện, hai bên có trao đổi và mượn hàng lẫn nhau để thế chấp cho các Ngân hàng. Theo đó toàn bộ lượng gỗ mà Công ty N, Công ty L thế chấp cho Ngân hàng TMCP X Quận 7 được Công ty N và Công ty L mượn của Công ty T và Công ty H, vì vậy, dẫn đến việc Công ty T đã lấy ra khỏi cảng 494 lóng gỗ gồm 118 lóng gỗ giả tỵ và 376 lóng gỗ căm xe để xuất bán”.

Như vậy, 118 lóng gỗ giả tỵ mà Công ty L khởi kiện yêu cầu E trả lại và đưa Công ty M vào vụ việc với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải là tài sản thuộc sở hữu của Công ty L mà thuộc sở hữu của Công ty T và Công ty H, hai đơn vị này đã cho Công ty L mượn để thế chấp E và chính hai Công ty này đã lấy ra để xuất bán. Vì vậy, đã xảy ra việc thiếu hụt lượng hàng đã thế chấp tại E, nên cũng tại biên bản làm việc ngày 05/7/2012 Công ty L đã cam kết: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 05/7/2012, Công ty L sẽ tất toán khoản vay tại E để giải chấp toàn bộ hồ sơ tài sản thế chấp được lưu giữ tại kho Công ty M.

Như vậy, Công ty L dù đã biết rõ nguyên nhân thiếu hụt tài sản thế chấp và đã cam kết tự chịu trách nhiệm giải quyết với Ngân hàng nhưng lại khởi kiện và đề nghị đưa Công ty M vào vụ việc với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, điều này thể hiện sự lừa dối, thoái thác trách nhiệm và muốn đẩy trách nhiệm cho Ngân hàng và Công ty M.

Tại phiên tòa bà H trình bày: Việc E cáo buộc trách nhiệm của Công ty M đối với lô hàng 118 lóng gỗ đã mất là không có cơ sở. Ngày 04/10/2012 E đã có Công văn số 809/2012/EIBQ7/TB-GĐ gửi cho Công ty M xác định việc thế chấp hàng hóa của Công ty L cho Công ty M đã chấm dứt, hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK ngày 14/02/2012 đã hết hiệu lực. Ngoài ra E cũng gửi cho Công ty M Công văn số 691/2012 ngày 05/9/2012 đồng ý cho các bên thực hiện theo biên bản thỏa thuận ngày 05/7/2012. Như vậy, trách nhiệm của Công ty M đối với số hàng hóa thiếu hụt của Công ty L không còn. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, E cũng không yêu cầu chính thức bằng văn bản đối với Công ty M nên Công ty M không có trách nhiệm đối với số hàng hóa thiếu hụt của Công ty L. Bà xác định trước đó Công ty M đã cho T lấy hàng ra khỏi kho nhưng không nhớ vào thời điểm nào cũng không có giấy tờ xuất hàng, không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu lô hàng của Công ty T. Công ty M cũng không được Công ty T, Công ty L cung cấp văn bản xác nhận việc Công ty L mượn gỗ của Công ty T để thế chấp cho Ngân hàng.

Tại bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần N có ông Phan Đức A là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty Cổ phần N và Công ty L có chung một người đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Văn D. Công ty N đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của Công ty L đối với Ngân hàng và không có ý kiến hay yêu cầu gì khác.

Tại bản tự khai ngày 29/10/2019 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH T (gọi tắt là Công ty T) có bà Nguyễn Minh L là người đại diện ủy quyền trình bày:

Công ty T và Công ty L cùng ngành nghề kinh doanh gỗ nên có quen biết và cho mượn gỗ, hoán đổi công nợ với nhau cụ thể theo Biên bản ngày 05/7/2012 ký tại Công ty M là xác định số gỗ mà hai bên hoán đổi thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Quân Đội và Ngân hàng E. Sau khi ký biên bản thì hai bên đã thực hiện xong. Biên bản ngày 05/6/2013 Công ty T và L xác định số nợ của Công ty L tại E còn lại: 2.585.921.051 đồng, Công ty T phải hoàn trả cho Công ty L. Công ty L phải trả nợ của Công ty T tại Ngân hàng Quân Đội là 3.125.048.238 đồng. Công ty L đã nộp xong và E giải chấp lô gỗ của Công ty T để Công ty L nhận gỗ, các bên đã giải quyết xong.

Như vậy, Công ty T và Công ty L đã có các biên bản xác định việc hoán đổi tài sản thế chấp, Công ty L và Công ty T đã thực hiện đúng thỏa thuận, Công ty L đã nhận lô gỗ mà Công ty T thế chấp tại Ngân hàng Quân đội để bán. Hai công ty đã xác định chỉ còn công nợ 2.500.000.000 đồng và Công ty T đã trả được 300.000.000 đồng, còn lại 2.200.000.000 đồng không còn liên quan đến các lô gỗ ghi trong biên bản ngày 05/7/2012 tại Công ty M. Với lý do trên Công ty T và Công ty H không còn liên quan không chịu trách nhiệm gì nữa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Công ty TNHH Xuất nhập khẩu H:

Đã được Tòa án tiến hành tống đạt, niêm yết hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án và Giấy triệu tập để trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; tham gia buổi đối chất các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng Công ty H vẫn vắng mặt và cũng không gửi văn bản trình bày ý kiến . Tòa án cũng tiến hành tống đạt hợp lệ các Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Quyết định hoãn phiên tòa nhưng người đại diện hợp pháp của Công ty H vẫn vắng mặt tại phiên tòa.

Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận 7, Thành phố H đã quyết định:

- Căn cứ Khoản 1 Điều 30; điểm b Khoản 1 Điều 35; điểm g Khoản 1 Điều 40; Điều 147; Khoản 2 Điều 227; Khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 317; Điều 321; Điều 322; Điều 327; Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Căn cứ Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Xử:

1. Về hình thức: Xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH T, Công ty TNHH H.

2. Về nội dung:

2.1 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L: Buộc bị đơn Ngân hàng TMCP X phải trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L số tài sản thế chấp đã mất là 118 lóng Gỗ tròn giả tỵ (Teak) nhập khẩu từ Myanmar có khối lượng là 50.785m3. Trường hợp không có gỗ để trả thì phải trả bằng số tiền tương ứng là 1.980.615.000 đồng (một tỷ chín trăm tám mươi triệu, sáu trăm mười lăm nghìn). Trả làm 01 (Một) lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2.2 Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L về việc buộc bị đơn Ngân hàng TMCP X phải trả tiền thuế VAT 10% là 198.061.500 đồng (một trăm chín mươi tám triệu, không trăm sáu mốt nghìn năm trăm).

3. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Bị đơn Ngân hàng TMCP X phải chịu án phí là 71.418.450 đồng (bảy mốt triệu bốn trăm mười tám nghìn bốn trăm năm mươi), thi hành tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

- Nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L phải chịu án phí là 9.903.075 đồng (chín triệu chín trăm lẻ ba nghìn không trăm bảy mươi lăm). Hoàn trả lại cho nguyên đơn Công ty TNHH Lsố tiền chênh lệch do đã nộp là 16.664.850 đồng (mười sáu triệu sáu trăm sáu mươi bốn nghìn tám trăm năm mươi) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0024737 ngày 08/12/2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 7, Thành phố H.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05 tháng 6 năm 2020, Bị đơn - E nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn - E trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của L là không đúng với qui định của pháp luật và không phù hợp với sự thỏa thuận của các bên. Căn cứ Điều 3, Điều 4 Hợp đồng thế chấp tài sản số 18/12/EIBQ7- KHDN/TSTC ngày 14/02/2012 nêu rõ: Bên A (Ngân hàng E) lưu giữ toàn bộ giấy tờ gốc về quyền sử dụng tài sản bảo đảm; Bên B (L) có trách nhiệm bàn giao đầy đủ tài sản bảo đảm cho bên thứ 3 được chỉ định theo sự thỏa thuận là Cảng M, Quận 9, Thành phố H bảo quản theo Hợp đồng thuê bảo quản tài sản số 03/2011/HĐTK ngày 14/02/2012. Như vậy E và Công ty L đã thỏa thuận chọn Công ty M là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa thế chấp. E chỉ có trách nhiệm giữ và bảo quản giấy tờ, không có trách nhiệm bảo quản lô gỗ trên thực tế. Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK ngày 14/02/2012 giữa 03 bên: Công ty L, E, Công ty M là sự thỏa thuận giữa 03 bên, không phải sự chỉ định đơn phương của E như nhận định của tòa sơ thẩm. Khi mất hàng, chính người đại diện theo pháp luật của Công ty L đã ký vào Biên bản làm việc ngày 05/7/2012 xác nhận thực chất số lượng 118 lóng gỗ bị mất không phải của Công ty L mà do Công ty L mượn của Công ty H để thế chấp cho E, Công ty L biết 118 lóng gỗ tròn giả ty là do Công ty T lấy và đề nghị giải quyết hậu quả của việc mất hàng theo Biên bản làm việc 05 bên. Tiếp đó Công ty L đã thanh toán hết toàn bộ nợ gốc và lãi để tất toán khoản vay và giải chấp 410 lóng gỗ còn lại. Giờ Công ty L lại đi khởi kiện E yêu cầu trả hàng, đẩy trách nhiệm thiếu hụt hàng hóa cho E là bên không trực tiếp bảo quản hàng hóa, không lấy hàng, không có lỗi. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty L.

- Nguyên đơn - Công ty L trình bày: yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở vì E đã chỉ định đơn vị bảo quản hàng yếu kém làm mất hàng và không đi khởi kiện Công ty Mê Kong, E cũng đã thiếu trách nhiệm trong việc xử lý hàng thế chấp khi bị mất nên đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của bị đơn là có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ngân hàng E, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng thế chấp. Hợp đồng được thực hiện và tranh chấp phát sinh từ hoạt động của Ngân hàng E – Chi nhánh Quận 7 và nguyên đơn Công ty L yêu cầu Tòa án Quận 7 là nơi hợp đồng được thực hiện và phát sinh tranh chấp giải quyết. Do vậy Tòa án nhân dân Quận 7 xét xử sơ thẩm là đúng quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35 và Điểm b, điểm g Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Đơn kháng cáo của bị đơn - Ngân hàng E nộp đúng thời hạn và thủ tục hợp lệ, nên Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố H giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp qui định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Xét người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH T, Công ty TNHH H và Công ty Cổ phần M đã được tòa án triệu tập xét xử hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, do đó căn cứ Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án .

[3] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời thừa nhận của các đương sự tại phiên tòa có cơ sở xác định:

Ngày 14/02/2012, E và Công ty L ký Hợp đồng thế chấp số 18/12/EIBQ7- KHDN/TSTC, tài sản thế chấp là 528 lóng gỗ tròn Gỉa ty (# 298.00 m3) nhập khẩu từ Myanmar trị giá 5.721.676.800 đồng, để bảo đảm cho khoản vay theo Hợp đồng tín dụng kiêm Khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200153 ngày 15/2/2012 với trị giá vay là 3.500.000.000 đồng. Đồng thời cùng ngày 14/2/2012, Công ty L (bên thuê bảo quản tài sản), E và Công ty M ( Bên nhận bảo quản tài sản) ký Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK có nội dung Công ty M chịu trách nhiệm bảo quản 528 lóng gỗ gỗ tròn Gỉa ty (# 298.00 m3) mà Công ty L đã thế chấp cho E.

- Ngày 05/7/2012, Công ty L, Chi nhánh E Quận 7 và Công ty M lập Biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp, nội dung: số lượng thế chấp: 528 lóng # 298.004 m3 gỗ Gỉa Ty, số lượng thực tế kiểm kê còn lại 410 lóng # 247.219 m3, số lượng thiếu hụt 118 lóng # 50.785 m3 gỗ.

Cùng ngày, người đại diện theo pháp luật của Công ty L, Công ty N, Công ty T, Công ty H, Công ty M lập Biên bản làm việc ngày 05/7/2012, cùng tiến hành xác nhận và thống nhất biện pháp: “ để giải quyết lượng hàng hóa bị thiếu hụt của công ty Tân Phúc Lộc và công ty Nhà Tiền Chế gửi tại cảng M Quận 9 đã thế chấp cho Ngân hàng E do công ty T đã lấy, cam kết, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 5/7/2012 sẽ thực hiện các nội dung sau:

1- Công ty T và Công ty Hùng Hưng sẽ tất toán với Ngân hàng Quân Đội số tiền vay 6.013.000.000 đồng để giải chấp lô hàng gỗ trắc đã mượn của công ty Tân Phúc Lộc và Công ty Nhà Tiền Chế.

2- Công ty Tân Phúc Lộc và Công ty Nhà Tiền Chế tất toán 2 khoản vay tại Ngân hàng E với tổng số tiền vay 7.500.000.000 đồng để giải chấp 2 lô hàng được lưu giữ tại kho Cảng Mê Kong Quận 9 là lô gỗ Giá tỵ và lô gỗ Căm xe đã mượn của Công ty T và Công ty Hùng Hưng” - Sau đó từ ngày 27/7/2012 đến ngày 04/10/2012 Công ty L đã thanh toán đầy đủ số nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng kiêm Khế ước nhận nợ số 1403-LDS- 201200153 ngày 15/2/2012 cho E. Đến ngày 19/10/2017 nguyên đơn khởi kiện yêu cầu E phải bồi thường cho Công ty L số tiền là 2.178.676.500 đồng là trị giá của tài sản thế chấp đã mất là 118 lóng Gỗ tròn giả tỵ (Teak) nhập khẩu từ Myanmar có khối lượng là 50.785m3) theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 14/2/2012.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn - Ngân hàng E không đồng ý bồi thường cho Công ty L số tài sản thế chấp đã mất là 118 lóng Gỗ tròn giả tỵ (Teak) nhập khẩu từ Myanmar có khối lượng là 50.785m3, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Để bảo đảm cho khoản nợ 3.500.000.000 đồng mà ngân hàng E (Bên A) cho Công ty L (Bên B) vay (theo Hợp đồng cho vay số 1403) nên E và Công ty L đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 18/12/EIBQ7-KHDN/TSTC ngày 14/02/2012 nhận thế chấp 528 lóng gỗ tròn Gỉa Ty nhập khẩu từ Myanmar với khối lượng 298.00 m3. Tại Điều 3 của hợp đồng thế chấp hai bên thỏa thuận: “Bên A lưu giữ toàn bộ giấy tờ gốc (bản chính) về quyền sử dụng/quyền sử dụng tài sản bảo đảm. Về tài sản bảo đảm bên A giao cho bên thứ 3 được chỉ định bảo quản theo sự thỏa thuận là Cảng M, Quận 9 bảo quản theo Hợp đồng thuê bảo quản tài sản số 03/2012/HĐTK ngày 14/02/2012 (đính kèm).” Điều 4.6 của hợp đồng thế chấp quy định: “ Bên B có trách nhiệm bàn giao đầy đủ tài sản bảo đảm cho bên thứ 3 được chỉ định là Cảng M, Quận 9, Tp.HCM bảo quản theo Hợp đồng thuê bảo quản số 03/2012….”.

[5] Như vậy, căn cứ vào Hợp đồng thế chấp tài sản số 18/12/EIBQ7- KHDN/TSTC ngày 14/02/2012, Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp số 03/2012/HĐTK cùng ngày 14/02/2012, Biên bản bàn giao tài sản thế chấp ngày 15/02/2012 và sự thừa nhận của các đương sự tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định E không phải chịu trách nhiệm giữ, bảo quản tài sản thế chấp, nội dung các Hợp đồng nêu trên thể hiện Công ty L chỉ giao cho E giữ giấy tờ bản chính về quyền sở hữu tài sản chứ không chuyển giao tài sản thế chấp cho ngân hàng, điều này phù hợp với ý chí hai bên khi tiếp tục thống nhất thỏa thuận: Công ty L thuê và chịu trách nhiệm và nghĩa vụ: “Phải giao đủ số lượng tài sản bảo đảm vào kho bảo quản của Công ty M là bên nhận giữ tài sản thế chấp để công ty M bảo quản (Điều 5.1 của Hợp đồng Thuê) và thực tế Công ty L đã trực tiếp giao toàn bộ số tài sản thế chấp là lô gỗ 528 lóng gỗ tròn Gỉa Ty nhập khẩu từ Myanmar với khối lượng 298.00 m3 cho công ty M theo Biên bản bàn giao tài sản thế chấp ngày 15/02/2012. Hội đồng xét xử xét thấy việc tự nguyện thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp với nội dung giao tài sản thế chấp cho công ty M giữ, bảo quản là phù hợp với qui định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 342 Bộ luật Dân sự 2005 về Thế chấp tài sản.

[6] Quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều thừa nhận: E không phát hành các lệch xuất kho, nhưng công ty M - là bên nhận bảo quản tài sản thế chấp - vẫn để cho công ty T lấy hàng ra khỏi kho là không đúng với thỏa thuận của các bên tại Điều 6 và Điều 7 của Hợp đồng thuê bảo quản tài sản. Lẽ ra trong trường hợp này, căn cứ Khoản 1 Điều 352 Bộ luật Dân sự 2005, Công ty M phải có nghĩa vụ bồi thường số gỗ bị thiếu hụt, khi có căn cứ xác định công ty M thiếu trách nhiệm để mất mát tài sản trong việc bảo quản lô hàng hóa theo hợp đồng thuê bảo quản đã ký kết giữa các bên. Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ngay từ thời điểm ký Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp và Biên bản bàn giao tài sản thì quyền quản lý đối với tài sản thế chấp đã chuyển giao cho E để ngân hàng chỉ định giao cho Công ty M bảo quản, khi mất hàng lại không có đơn yêu cầu đối với Công ty M nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả lại giá trị hàng hóa bị mất cho nguyên đơn là không có cơ sở khi đã xác định được việc thiếu hụt hàng hóa xảy ra tại kho của Công ty M, không đúng với qui định của pháp luật và với thỏa thuận của các bên. Mặt khác, việc ngộ nhận khái niệm gởi giữ giấy tờ về quyền sở hữu tài sản và gởi giữ tài sản thế chấp nên cho rằng E phải chịu trách nhiệm bồi thường tài sản thế chấp vì đã có lỗi khi không tiến hành khởi kiện Công ty M và Công ty T theo yêu cầu của Công ty L khi nguyên đơn không có quyền khởi kiện Công ty M theo qui định tại Điều 7.2 của Hợp đồng Thuê bảo quản tài sản là không có cơ sở vì không phù hợp với qui định tại Điều 4 và Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

[7] Tại Biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp ngày 05/07/2012, Công ty L, E và Công ty M đã cùng thống nhất xác định số lượng thực tế kiểm kê còn lại 410 lóng # 247.219 m3, số lượng thiếu hụt 118 lóng # 50.785 m3 gỗ Gỉa Ty. Các bên thống nhất xử lý “ Lượng hàng thiếu hụt theo hợp đồng thế chấp được xử lý theo Biên bản làm việc ngày 05/07/2012 kèm theo”. Tại biên bản đã thể hiện rõ “Biên bản này được lập thành 3 bản, mỗi bên giữ 1 bản và được xem là phụ lục của Hợp đồng thế chấp tài sản, Hợp đồng thuê bảo quản tài sản thế chấp nói trên”.

Xét sau khi cam kết tại Biên bản làm việc ngày 05/07/2012 nêu trên, từ ngày 27/7/2012 đến ngày 04/10/ 2012 Công ty L đã thanh toán hết số nợ gốc và lãi theo đúng cam kết; Theo đó, E đã giải chấp lượng hàng hóa còn lại tương ứng. Diễn biến các bên thực hiện quá trình thanh toán, giải chấp nêu trên là phù hợp với cam kết tại Biên bản làm việc ngày 05/07/2012. Do đó, lời trình bày của nguyên đơn cho rằng biên bản làm việc ngày 05/7/2012 chỉ là giả tạo với mục đích nhằm hạn chế thiệt hại của các bên là không có cơ sở chấp nhận, bởi lẽ nội dung biên bản làm việc này thể hiện nguyên đơn biết rõ lý do việc thiếu hụt hàng hóa nên nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến việc mất hàng, cam kết tự chịu trách nhiệm thanh toán cho E số nợ tương ứng nghĩa vụ bảo đảm của hàng hóa bị mất và trên thực tế nguyên đơn đã thanh toán hết số nợ và lãi cho E từ ngày 04/10/2012 mà mãi đến ngày 19/10/2017 nguyên đơn mới đi khởi kiện E tranh chấp Hợp đồng thế chấp.

[8] Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của ngân hàng E đề nghị sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở theo đúng thỏa thuận của các bên tại Điều 5.5 của Hợp đồng thế chấp và phù hợp với qui định tại Khoản 1 Điều 348, Điều 350 và Điều 352 Bộ luật Dân sự 2005 nên được chấp nhận.

[9] Do sửa án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử phúc thẩm phải sửa lại án phí KDTM ST để phù hợp với các quy định pháp luật, nguyên đơn phải chịu án phí KDTM ST đối với phần yêu cầu khởi kiện không được Tòa án chấp nhận và người kháng cáo không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng TMCP X: Sửa bản án sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố H - Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 293, Điều 296, Khoản 2 Điều 308, Điều 309 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 342; Điều 348; Điều 350; Khoản 5 Điều 351; Khoản 1 Điều 352;

Điều 355 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 468 và Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015;

- Áp dụng Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ L về việc buộc Ngân hàng TMCP X phải bồi thường cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ L số tiền là 2.178.676.500 đồng (hai tỷ một trăm bảy tám ngàn sáu trăm bảy sáu ngàn năm trăm đồng) là trị giá của tài sản thế chấp đã mất là 118 lóng Gỗ tròn giả tỵ (Teak) nhập khẩu từ Myanmar có khối lượng là 50.785m3) theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 14/2/2012.

2. Về án phí:

- Nguyên đơn - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ L phải chịu án phí KDTMST là 75.573.000 đồng (bảy mươi lăm triệu năm trăm bảy ba ngàn đồng) nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 26.567.925 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0024737 ngày 08/12/2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 7, Thành phố H. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ L có nghĩa vụ phải nộp thêm số tiền là 49.005.075 đồng (bốn mươi chín triệu không trăm lẻ năm ngàn không trăm bảy mươi năm đồng).

- Ngân hàng TMCP X không phải chịu án phí KDTM phúc thẩm. Hoàn lại cho Ngân hàng TMCP X số tiền tạm ứng án phí KDTM phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 (hai triệu) đồng theo biên lai thu số AA/2018/0032660 ngày 19 tháng 8 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận 7, Thành phố H.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

24
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản số 885/2020/KDTM-PT

Số hiệu:885/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về