TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 09/2022/KDTM-PT NGÀY 26/10/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN VÀ LẮP ĐẶT THIẾT BỊ XỬ LÝ NƯỚC THẢI TUYẾN NỔI
Ngày 19 - 26 tháng 10 năm 2022, tại Trụ sở TAND tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2022/KDTM-PT ngày 17 tháng 6 năm 2022, về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán và lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tuyến nổi”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 68/2022/QĐ-ST ngày 05/9/2022 và các QĐ hoãn phiên tòa giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Quốc tế N1 Địa chỉ: Số B28, HH04, khu đô thị Việt Hưng, phường Giang B, quận Long Biên, Thành Phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Ngô Quỳnh H1 - Giám đốc. Vắng mặt Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đức K - Luật sư, Công ty Luật Hà Nội A. Có mặt Địa chỉ: Số 17 phố Tố Hữu, phường Trung V, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Bị đơn: Công ty cổ phần Giấy Mục S1.
Địa chỉ: Khu 3 thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ X, Thanh Hóa Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Duy H2 - Chức vụ: Chủ tịch HĐQT. Có mặt - Người làm chứng:
1. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1964 - Chức vụ : Giám đốc Công ty Cp Giấy Mục S1. Có mặt Địa chỉ: Số 16/47 phường Đông V1, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
2. Ông Trịnh Ngọc H3 , sinh năm 1960- Chức vụ: Phó giám đốc Công ty Cp Giấy Mục S1. Có mặt Địa chỉ: Khu 01 thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ X, tỉnh Thanh Hóa.
3. Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1975 - Chức vụ: Kế toán trưởng Công ty CP Giấy Mục S1. Có mặt.
Địa chỉ: Số 31 L, phường Ba Đ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện, tại bản tự khai và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn là ông Nguyễn Đức K trình bày:
Ngày 02/7/2020, công ty TNHH Quốc tế N1 có ký hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị tuyến nổi số 0106/2020/HĐMBTB/N1 - MUCSON, tổng giá trị hợp đồng là 2.420.000.000đ với công ty cổ phần Giấy Mục S1. Phía công ty Giấy Mục S1 đã thanh toán cho công ty N1 số tiền là 726.000.000đ, tương ứng với 30% giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại là 1.694.000.000đ, tương ứng 70% giá trị hợp đồng bên Mục S1 mở cam kết thanh toán LC không hủy ngang tại Ngân hàng đầu tư và phát triển BIDV chi nhánh Thanh Hóa. Phía N1 đã tiến hành giao hàng và lắp đặt tại nhà máy của công ty Giấy Mục S1, hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và kết thúc khi hai bên hoàn thành vận hành và chạy thử có nghiệm thu và bàn giao theo Điều 5 của hợp đồng.
Để lắp vận hành máy móc thì phía công ty Giấy Mục S1 phải chịu trách nhiệm lắp đặt phần hạng mục đáy móng DAF theo thiết kế và bản vẽ của N1, cung cấp vật tư, nhân sự lắp đặt, đồng thời đảm bảo về an toàn hệ thống. Còn phía công ty N1 sẽ cử kỹ sư hướng dẫn lắp đặt thiết bị trên nền móng đó và thực hiện và hướng dẫn việc vận hành chạy thử trước bàn giao. Toàn bộ mang tính hệ thống và không thể tách rời.
Trong quá trình thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, sự chuẩn bị vật tư lắp đặt có nhiều quan điểm bất đồng. Qua các văn bản trao đổi phía công ty Giấy Mục S1 thừa nhận có khác về các chỉ số khi thi công đáy móng DAF (chỉ số thiết kế và chỉ số thực tế khác nhau theo hướng gia tăng nguy hiểm đến tài sản và tính mạng con người khi vận hành, có thể sẽ phát sinh ngay lập tức hoặc sẽ phát sinh sau một thời gian vận hành). Vì vậy phía N1 đã nhiều lần chủ động làm việc, trao đổi với Mục S1 để tìm giải pháp nhưng không có sự hợp tác. Đến ngày 19/4/2021, công ty N1 nhận được công văn số 26/2021/TB-GMS ngày 12/4/2021 của công ty Giấy Mục S1 có phần nội dung thể hiện “Hợp đồng 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON ngày 02/7/2020 đã ký với bên N1 hết hiệu lực”. Công ty Giấy Mục S1 tự ý khẳng định hợp đồng hết hiệu lực mà không đưa ra được căn cứ nào dựa trên thỏa thuận của hợp đồng đã ký (vi phạm Điều 10 của Hợp đồng). Trước đó, phía Công ty Giấy Mục S1 cũng tự ý rút toàn bộ tiền bảo đảm thanh toán LC (không hủy ngang) mở tại Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Thanh Hóa trong khi hợp đồng vẫn đang được hai bên thực hiện và chưa hoàn thành xong. Như vậy là vi phạm Điều 2 của Hợp đồng về nghĩa vụ đảm bảo thanh toán.
Đến thời điểm khởi kiện, phía N1 vẫn đang thực hiện hợp đồng đầy đủ, khối lượng công việc lắp đặt đã hoàn thiện 96% và được hai bên xác nhận tại biên bản làm việc số 05/2021/BB/MS-N1 ngày 05/2/2021. Đề nghị Tòa án buộc bên công ty Giấy Mục S1 phải thanh toán số tiền 1.597.200.000đ tương ứng với phần hàng hóa và thiết bị mà phía công ty N1 đã lắp đặt hoàn thành.
Tại Bản tự khai, quá trình hòa giải và tại phiên tòa Bị đơn là Công ty CP Giấy Mục S1, Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy H2- Chức vụ: Chủ tịch HĐQT trình bày:
Vào ngày 02/7/2020, công ty cổ phần Giấy Mục S1 ký hợp đồng số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON với công ty TNHH Quốc tế N1, về việc công ty N1 nhận cung cấp, lắp đặt, hướng dẫn vận hành, bàn giao DAF tuyến nổi và các thiệt bị đi kèm, với công suất xử lý nước thải đạt 200m3/h; chất lượng nước sau xử lý đạt TSS ≤ 350mg/l, với chi phí hóa chất giới hạn như đã thống nhất trong hợp đồng. Giá trị của hợp đồng là 2.420.000.000đ, tiến độ thanh toán là 30% đặt cọc sau khi ký hợp đồng và 70% mở L/C không hủy ngang (theo khoản 2 Điều 2 của Hợp đồng).
Sau khi ký kết Hợp đồng Công ty CP Giấy Mục S1 đã thực hiện đặt cọc 30% theo hợp đồng với số tiền là 726.000.000đ.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng thì bên phía công ty N1 đã vi phạm các nội dung sau:
+ Về tiến độ giao hàng chậm: N1ài ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 có tác động nguyên nhân chủ quan nên thời gian bàn giao DAF từ ngày 17/7/2020 (ngày bên A chuyển 30% tiền đặt cọc) đến ngày 19/11/2020 mới giao hàng để thi công lắp đặt, như vậy là thời gian kéo dài thêm 65 ngày so với hợp đồng. Tính đến tháng 6/2021 thì thời gian kéo dài trên 6 tháng.
+ Chất lượng vỏ DAF không đúng hợp đồng: Thực tế chiều dày thành DAF chỉ có 3mm so với hợp đồng vỏ bằng thép sơn Epoxy chiều dày vỏ 12mm tùy từng vị trí; Tại khoản 1 Điều 1 của hợp đồng vì vậy khi vận chuyển thành DAF bị núng 13 điểm, khi lắp đặt bị lệch tâm (như Biên bản ghi nhận ngày 25/11/2020 của kỹ thuật 2 bên). Đồng thời sau khi kiểm tra xử lý DAF dò nước từ ngày 22/2/2021 đến ngày 26/2/2021, N1 đã cử 4 cán bộ kỹ thuật đến Mục S1 xử lý chưa đạt. Trong 2 ngày 06 và 07/3/2021, Mục S1 đã tự kiểm tra xác nhận DAF bị phình ra đã ghi trong văn bản số 18/2021/CV/GMS ngày 10/3/2021 thông báo cho N1 biết. Công ty Giấy Mục S1 khẳng định nguyên nhân do thành DAF mỏng 3mm không đảm bảo. Công ty Giấy Mục S1 thi công phần đáy móng đúng theo yêu cầu trong hợp đồng số 0106 ngày 02/7/2020 ký với công ty N1.
+ Tiến độ lắp đặt chậm: Do việc cung cấp bản vẽ thiếu thống nhất, thiếu chuẩn mực nên quá trình thi công lắp đặt đáy DAF và bản mã ghép hàn DAF phải sửa chữa nên kéo dài thời gian lắp đặt được ghi nhận tại biên bản ghi nhận ngày 25/11/2020 của kỹ thuật hai bên.
+ Công ty N1 tự ý kéo dài không tiến hành chạy thử, bàn giao: DAF lắp xong ngày 28/12/2020, ban đầu bên N1 thông báo cho Mục S1 kế hoạch chạy thử từ ngày 28/12/2020 đến ngày 30/12/2020, tuy nhiên khi lắp đặt xong 96% các nội dung công việc bên N1 không tiến hành hiệu chỉnh thiết bị, chạy thử bàn giao, tự ý đưa ra lý do móng DAF thi công không đúng bản vẽ cung cấp của N1. Phía N1 đã tự ý đưa ra các lý do để không thực hiện tiếp các nội dung còn lại của hợp đồng.
+ Yêu cầu thanh toán: Tại công văn số 0705/2021/N1-MS ngày 07/5/2021, N1 yêu cầu Mục S1 thanh toán số tiền còn lại là 1.597.200.000đ mới thực hiện tiếp hợp đồng. Đây là yêu cầu không đủ điều kiện thanh toán L/C theo khoản 3 Điều 2 của hợp đồng.
Nay quan điểm của Công ty CP Giấy Mục S1 là không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Đề nghị phía công ty N1 tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng yêu cầu Giám đốc Công ty N1 là bà Ngô Thị Quỳnh Hoa phải vào làm việc trực tiếp với công ty Giấy Mục S1 và thời gian thực hiện không kéo dài quá 60 ngày và phía công ty N1 phải thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch.
Tại bản tự khai và tại phiên tòa Người làm chứng là ông Nguyễn Văn L - Giám đốc Công ty CP Giấy Mục S1 trình bày:
Căn cứ Hợp đồng số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON ngày 02/7/2020 Công ty CP Giấy Mục S1 (Bên A) và công ty TNHH Quốc tế N1 (Bên B) đã ký Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải DAF tuyển nổi. Theo mục 3 điều 4 của Hợp đồng: Bên A hoàn thành xây dựng móng DAF và đáy bể theo bản vẽ do bên B cung cấp trước khi bên B giao hàng hóa. Bên A tự đánh giá chất lượng nền móng tại địa điểm của mình để có phương án thi công đảm bảo chất lượng công trình. Vào ngày 06/8/2020 anh Trung là thợ kỹ thuật của Công ty N1 vào Công ty Giấy Mục S1 để bàn bạc vị trí xây dựng móng DAF và tiến độ thi công móng Daf để bên N1 kịp bàn giao thiết bị lắp đặt. Căn cứ bản vẽ bên N1 chuyển qua zalo ngày 09/7/2020; Trong phần ghi chú bản vẽ chung của N1 cung cấp có yêu cầu: Toàn bộ công việc xây dựng bao gồm: Lắp đặt đường ống, tấm thép sàn thao tác lan can cầu thang, thiết kế kết cấu … thuộc phạm vi chủ đầu tư và với điều kiện mặt bằng tại khu vực xưởng sơ chế bột của công ty; Thiết kế và dự toán của hạng mục móng DAF tuyến nổi thuộc công trình hệ thống DAF tuyến nổi đã được công ty Thế Sơn lập và được HĐQT phê duyệt tại Quyết định số 36/2020/QĐ - HĐQT ngày 01/9/2020 để tôi chỉ đạo thi công. Từ ngày 02/9/2020 đến ngày 04/9/2020 dọn mặt bằng, giác móng, đào móng; Từ ngày 05/9/2020 đến ngày 06/9/2020 đổ lót móng bê tông đá 4 - 6 mac 75; Từ ngày 07/9/2020 đến 10/9/2020 gia công cốt thép, ghép cốt pha, đế, trụ và dầm giằng móng; Từ ngày 11/9/2020 đến ngày 12/9/2020 đổ bê tông đế trụ và dầm móng; Ngày 13/9/2020 bảo dưỡng bê tông; Ngày 15/9/2020 đắp đất móng, dầm mặt bằng, tháp dỡ cốt pha móng và dầm móng; Ngày 16/9/2020 ghép cốt pha các trụ móng ; Ngày 17/9/2020 đổ bê tông các trụ móng; Bê tông đá 1-2 max 200; Ngày 18/9/2020 bảo dưỡng bê tông; Từ ngày 19/9/2020 đến ngày 28/9/2020 ghép cốt pha, gia công cốt thép dầm sàn và đổ bê tông dầm sàn DAF, bê tông đá 1- 2 Max 200; Ngày 29 và 30/9/2020 bảo dưỡng bê tông. Quá trình thi công móng DAF theo đúng kết cấu của bản vẽ thiết kế và dự toán được duyệt do công ty Thế Sơn lập(Có ghi nhật ký công trình và biên bản nghiệm thu từng phần thi công của hạng mục công trình). Đến ngày 10/12/2020 chuyên gia Ấn Độ và anh Dương Việt Trung đến kiểm tra lắp đặt DAF có yêu cầu bổ sung độ vát của đáy DAF để thoát bùn tôi đã chỉ đạo sửa chữa lại đúng yêu cầu trên. Sau khi đã lắp đặt DAF phía Công ty cổ phần Quốc tế N1 đã có kế hoạch chạy thử để bàn giao nhưng phía Công ty N1 lại không thực hiện.
Người làm chứng là ông Trịnh Ngọc H3 - Phó giám đốc Công ty CP Giấy Mục S1 trình bày tại phiên tòa và tại Bản tự khai:
Căn cứ Hợp đồng số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON ngày 02/7/2020 Công ty CP Giấy Mục S1 (Bên A) và công ty TNHH Quốc tế N1 (Bên B) đã ký Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải DAF tuyển nổi.
Kể từ ngày 16/12/2020 tôi cùng anh Nguyễn Văn K (Kỹ thuật chỉ đạo lắp máy móc thiết bị của bên N1) chỉ đạo bộ phận lắp đặt thiết bị kiểm tra, chuẩn bị việc lắp đặt DAF tuyển nổi đã phải sửa lại lắp đặt bản mã trong và N1ài do hướng dẫn trước đó chưa cụ thể và chính xác; Ngày 19/11/2020 thiết bị DAF về hai bên tiến hành lắp đặt và đã kiểm tra vỏ thành DAF chỉ dày có 03mm và trên vỏ DAF có 13 điểm núng do bốc xếp và vận chuyển hàng gây nên. Hai bên đã thống nhất ghi trong nhật ký hoặc Biên bản ghi nhận. Hai bên đang thuê cần cẩu lao động để tập trung lắp đặt, sáng ngày 21/11/2020 bên Công ty TNHH Quốc tế N1 tự ý đơn phương Thông báo dừng việc lắp đặt, gây ảnh hưởng tiến độ lắp đặt và lãng phí tiền thuê cần cẩu, nhân công. Hai bên đã có Biên bản ghi nhận; Từ ngày 22/11/2020 hai bên lại tiến hành lắp đặt bình thường ghi chép Nhật ký cụ thể hàng ngày bên N1 đang giữ.
Quá trình lắp đặt DAF không có bản vẽ chi tiết lắp ghép mà chỉ có bản vẽ chung nên quá trình thi công chỉ theo hướng dẫn kỹ thuật bên N1 nên đã thực hiện không đúng một số nội dung như sau:
Thân DAF gồm 32 tấm ghép lại, lẽ ra phải làm 32 bản mã 200 x 200 thay cho vòng vành khuyên lắp vỏ thân DAF nhưng hình ảnh ông Trung bên N1 trao đổi với anh C bên Giấy Mục S1 là 06 tấm nên ban đầu chỉ triển khai làm 12 tấm bản mã 200 x 200, ngày 09/12/2020 thống nhất nâng lên 24 tấm ghép 200 x 200 khi lăp ghép gặp khó khăn.
Đường ống nước quanh thành DAF lắp ghép với nhau bằng măng sông nhưng triển khai lắp ghép bằng hàn nên thi công được ½ vòng tròn phát hiện lại phải cắt tháo ra lắp lại.
Vành chắn nước trung tâm DAF lắp sát nên không lắp được chi tiết tiếp theo, phải tháo ra lắp bu lông treo mới tiếp tục lắp tiếp theo được…vv.
Do vỏ thành DAF mỏng nên các tấm ghép bị cong vênh khi ghép vào tâm DAF bị xô lệch 30mm không chỉnh lại được và lắp tấm cuối vào rất khó khăn. Quá trình lắp đặt kỹ thuật 2 bên trao đổi thống nhất thực hiện kế hoạch. Ngày 19/12/2020 hai bên có biên bản ghi nhận về việc thống nhất hoàn thiện các việc còn lại để từ ngày 26/12/2020 đến ngày 30/12/2020 tiến hành hiệu chỉnh thiết bị, chạy thử công nghệ để nghiệm thu bàn giao đi vào sử dụng. Nhưng sau đó bên N1 tự ý dừng thực hiện hợp đồng không thực hiện các công việc tiếp theo. Tiếp đến chiều ngày 09/01/2021 kỹ thuật hai bên gặp nhau làm việc và thống nhất việc lắp đặt đã xong 96% nội dung công việc. Bên N1 đã tháo bình trộn đem đi sửa chữa. Khi bên N1 thử tải nước 3 gia đoạn thì xung quanh thành DAF dò nước 10 điểm theo lỗ bulong lắp ghép. Bên N1 tự ý dừng hợp đồng từ đó đến nay Công ty Giấy đã nhiều lần yêu cầu bên N1 hoàn thiện và lập kế hoạch chạy thử bàn giao theo điều 5 của Hợp đồng nhưng N1 không thực hiện. Ngày 27/3/2021 Công ty CP Giấy Mục S1 đã có công văn đề nghị bên N1 có kế hoạch chạy thử, nghiệm thu và bàn giao DAF đưa vào sử dụng trước ngày 10/4/2021, nếu không thực hiện thì coi như bên N1 đã đơn phương tự đình chỉ hợp đồng đã ký kết theo khoản 3 điều 8 của Hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại bên N1 vẫn không thực hiện Hợp đồng, không bàn giao nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Người làm chứng là bà Nguyễn Thị G - Kế toán trưởng Công ty CP Giấy Mục S1 trình bày tại phiên tòa và tại Bản tự khai như sau:
Ngày 02/7/2020 Công ty CP Giấy Mục S1(Bên A) và công ty TNHH Quốc tế N1 (Bên B) đã ký Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải DAF tuyển nổi số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON. Tổng giá trị hợp đồng là 2.420.000.000đ. Tại khoản 2 điều 1 của Hợp đồng tiến độ thanh toán cụ thể:
- Đợt 1: Đặt cọc 30% sau khi ký Hợp đồng = 726.000.000đ. Ngày 17/7/2020 Công ty CP Giấy Mục S1 đã thực hiện đặt cọc 30% theo hợp đồng với số tiền là 726.000.000đ.
- Đợt 2: Thanh toán 70% mở LC không hủy ngang. Công ty CP Giấy Mục S1 đã mở LC 70% giá trị hợp đồng khi bên B thông báo hàng đã sản xuất xong và trước khi giao hàng.
- Hồ sơ thanh toán LC:
+ Biên bản nghiệm thu bàn giao hàng hóa đưa vào sử dụng tại nhà máy của bên A.
+ Kết quả xét nghiệm 03 mẫu nước trước và sau DAF đảm bảo hiệu quả như nêu tại điều 1 của Hợp đồng do Viện hóa, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam thực hiện.
+ Các hồ sơ hàng hóa bao gồm: C/O, C/Q, hướng dẫn vận hành DAF, cataloque các thiết bị đi kèm DAF.
Công ty CP Giấy Mục S1 đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu N1 hoàn thiện và lập kế hoạch chạy thử, bàn giao đưa vào sử dụng theo điều 5 của Hợp đồng nhưng phía bên N1 đã không phối hợp thực hiện. Ngày 27/3/2021 Công ty CP Giấy Mục S1 đã có công văn đề nghị bên N1 có kế hoạch chạy thử, nghiệm thu và bàn giao DAF đưa vào sử dụng trước ngày 10/4/2021, nếu không thực hiện thì coi như bên N1 đã đơn phương tự đình chỉ hợp đồng đã ký kết theo khoản 3 điều 8 của Hợp đồng. Đến thời điểm hiện tại bên N1 vẫn không thực hiện Hợp đồng, không bàn giao nghiệm thu đưa vào sử dụng. Phòng kế toán không có hồ sơ, cơ sở pháp lý đảm bảo để thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng. Bên công ty TNHH Quốc tế N1 kéo dài thời gian nghiệm thu, bàn giao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Công ty Giấy Mục S1..
Tại bản án số 01/2022/DS-ST ngày 28 tháng 4 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Thọ X đã Quyết định:
Áp dụng: Khoản 1 điều 30; Điểm b khoản 1 điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 401; 410; 430; 431; 432; 433; 434 Bộ luật dân sự.
Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Quốc Tế N1 về việc buộc Công ty CP Giấy Mục S1 phải thanh toán toàn bộ số tiền mua bán hàng hóa là 1.597.200.000đ theo Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải DAF tuyển nổi số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON N1ài ra bản án còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
* Ngày 29/4/2022, đại diện Công N1 có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty cổ phần giấy Mục S1 phải thanh toán số tiền 1.597.200đ tương ứng với phần thiết bị, hàng hóa mà bên nguyên đơn đã lắp đặt hoàn thành.
Tại phiên tòa:
* Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Đại diện nguyên đơn cho rằng HĐKT đã kết thúc thì bên Mục S1 phải có trách nhiệm thanh toán giá trị thiết bị, hàng hóa mà bên nguyên đơn đã lắp đặt. Đề nghị Tòa không cần xem xét nội dung HĐ do hai bên đã ký kết, và nguyên nhân vì sao HĐ kết thúc khi chưa hoàn thành theo cam kết của hai bên.
* Quan điểm của bị đơn: Đề nghị HĐXX bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn, nếu Công ty N1 có thiện chí thì Công Ty Mục S1 vẫn đồng ý để Công Ty N1 tiếp tục thực hiện HĐ và Mục S1 sẽ thanh toán đầy đủ theo thỏa thuận của HĐ.
* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa:
- Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến phiên tòa Thẩm phán và Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 28/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thọ X, tỉnh Thanh Hóa.
- Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí tòa án. Đề nghị HĐXX buộc nguyên đơn phải chịu án phí KDTM PT theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của các đương sự, kiểm sát viên
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Kháng cáo của Công ty TNHH Quốc tế N1 trong hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật nên được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Tại phiên tòa vắng mặt nguyên đơn, nhưng đã có mặt đại diện theo ủy quyền. Do đó, HĐXX vẫn tiến hành xét xử vắng mặt là phù hợp theo quy định tại điểm khoản 2 điều 228 BLTTDS.
Trước khi mở phiên tòa đại diện Công ty N1 cho rằng Tòa án hai cấp chấp nhận ông L, ông H3, bà G (Người của Công ty N1) tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là vi phạm tố tụng. Phía Công ty N1 cũng có các cán bộ kỹ thuật nhưng không được đưa vào làm chứng. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 77 BLTTDS quy định: “Người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng”. Những người của Công ty Mục S1 trực tiếp tham gia chỉ đạo và thi công, lắp đặt DAF với cán bộ kỹ thuật của Công ty N1 và làm thủ tục hồ sơ thanh toán, nên lời khai của họ cũng là một nguồn chứng cứ nếu phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Phía Công ty N1 cũng có quyền yêu cầu Tòa án đưa các Cán bộ kỹ thuật vaog tham gia tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, nhưng quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm Công ty N1 không yêu cầu. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Công ty N1 đề nghị Tòa tiếp tục xét xử mà khôgn cần bổ sung người làm chứng của Công ty N1.
[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Đây là vụ án KDTM “Tranh chấp hợp đồng mua bán và lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tuyến nổi” giữa Công ty cổ phần Quốc Tế N1 và Công ty cổ phần Giấy Mục S1, thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại khoản 1 điều 30; Điểm b khoản 1 điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3] Xét nội dung kháng cáo của Công ty cổ phần Quốc Tế N1:
Công ty cổ phần Quốc Tế N1 đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty cổ phần giấy Mục S1 phải thanh toán số tiền 1.597.200đ tương ứng với phần thiết bị, hàng hóa mà bên nguyên đơn đã lắp đặt hoàn thành.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Quốc tế N1 là ông Nguyễn Đức K cho rằng, phía Công ty N1 không quan tâm đến những điều khoản ghi trong Hợp đồng và nguyên nhân vì sao HĐ kết thúc khi chưa hoàn thành theo cam kết, vì ngày 12/4/2021 phía Công ty CP Giấy Mục S1 đã đơn phương đình chỉ Hợp đồng nên Hợp đồng 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON ngày 02 tháng 07 năm 2020 đương nhiên hết hiệu lực. Công ty N1 chỉ yêu cầu phía Mục S1 thanh toán số tiền tương ứng với phần hàng hóa và thiết bị mà phía N1 đã lắp đặt hoàn thành.
Tuy nhiên, đây là vụ án KDTM “Tranh chấp hợp đồng mua bán và lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tuyến nổi” giữa Công ty cổ phần Quốc Tế N1 và Công ty cổ phần Giấy Mục S1, thì về nguyên tắc cần phải xem xét, đánh giá các thỏa thuận do hai bên đã thống nhất ký kết trong hợp đồng, phải đánh giá 1 cách toàn diện trong quá trình thực hiện hợp đồng bên nào vi phạm hợp đồng, nguyên nhân vì sao hpọ đồng kết thúc trước khi hoàn thành các nội dung hai bên đã cam kết thực hiện thì mới có căn cứ để xem xét yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn.
Xét về hình thức và nội dung của hợp đồng: Tại thời điểm ký Hợp đồng các bên đều có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật; nội dung các điều khoản cam kết trong Hợp đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bên đã được Nhà nước cấp phép, phù hợp pháp luật và đạo đức xã hội. Sau khi ký kết Hợp đồng, các bên thực hiện các điều khoản đã cam kết, cụ thể: Bên bán là Công ty TNHH Quốc tế N1 đã lắp đặt thiết bị tuyến nổi DAF và các thiết bị đi kèm DAF như Bơm đầu vào, Bơm cao áp, máy nén khí…; bên mua là Công ty CP Giấy Mục S1 đã đặt cọc 30% giá trị hợp đồng cho bên B. Ngày 17/7/2020 Công ty Cổ phần Giấy Mục S1 đã thực hiện đặt cọc 30% theo Hợp đồng với số tiền 726.000.000đ.
Xét quá trình thực hiện hợp đồng: Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mua bán và lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tuyến nổi giữa Công ty cổ phần Quốc Tế N1 và Công ty cổ phần Giấy Mục S1, phía Công ty TNHH Quốc tế N1 đã vi phạm một số điều khoản Hợp đồng, cụ thể:
- Theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng về Lắp đặt, chạy thử: Công ty CP Giấy Mục S1 cung cấp các tài liệu chứng cứ đều thể hiện Kỹ sư của các bên đã lắp đặt, mặc dù trong quá trình lắp đặt có một số khó khăn, vướng mắc nhưng các bên đều đã khắc phục để lắp đặt xong thiết bị.
- Theo Điều 5 của Hợp đồng là nghiệm thu bàn giao: Đến giai đoạn chạy thử để nghiệm thu, bàn giao thì phía Công ty TNHH Quốc tế N1 không thực hiện. Quá trình giải quyết vụ án tại tại Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty CP Giấy Mục S1 đã đề nghị Công ty TNHH Quốc tế N1 tiếp tục thực hiện Hợp đồng về phần “chạy thử” để nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng phía Công ty N1 từ chối không thực hiện và vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty CP Giấy Mục S1 phải thanh toán hết số tiền còn lại.
Như vậy, Công ty TNHH Quốc tế N1 đã vi phạm Điều 4 và Điều 5 của Hợp đồng về việc chạy thử, nghiệm thu và bàn giao.
- Tại Điểm ii, Khoản 2, Điều 2 của Hợp đồng về tiến độ thanh toán có ghi: “… Thanh toán L/C sau khi có Biên bản nghiệm thu bàn giao thiết bị đưa vào sử dụng”;
Tại Khoản 3, Điều 2 quy định về hồ sơ thanh toán L/C bao gồm: “Biên bản nghiệm thu hàng hóa đưa vào sử dụng tại Nhà máy của bên A (Công ty CP Giấy Mục S1); Kết quả xét nghiệm 03 mẫu nước trước và sau DAF đảm bảo hiệu quả như nêu tại Điều 1 của hợp đồng này do Viện Hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thực hiện. Việc lấy 03 mẫu bất ký sẽ do cán bộ kỹ thuật của hai bên cùng lấy và xác nhận…”.
Việc Công ty TNHH Quốc tế N1 nại lý do không tiếp tục thực hiện Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON là do phía Công ty Mục S1 thi công móng DAF không đúng thiết kế, không đảm bảo an toàn cho việc vận hành hệ thống DAF. Tuy nhiên, Công ty N1 không có bản vẽ thiết kế cụ thể, quá trình thi công móng DAF Công ty N1 có cán bộ kỹ thuật giám sát, Công ty Mục S1 đã xử lý móng theo yêu cầu của cán bộ kỹ thuật Công ty N1 và sau đó Công ty N1 đã đồng ý và tiến hành lắp đặt xong thiết bị. Tuy nhiên, DAF lắp xong ngày 28/12/2020, ban đầu bên N1 thông báo cho Mục S1 kế hoạch chạy thử từ ngày 28/12/2020 đến ngày 30/12/2020, tuy nhiên khi lắp đặt xong 96% các nội dung công việc bên N1 không tiến hành hiệu chỉnh thiết bị, chạy thử để bàn giao. Hội đồng thẩm định ở cấp sơ thẩm cũng đã xác định đáy móng DAF không có hiện tượng rạn nứt, hư hỏng. Công ty N1 cũng không chứng minh được việc đáy móng không đảm bảo các chỉ số như thế nào? (Chỉ số thiết kế và thực tế).
Công ty N1 yêu cầu Công ty Mục S1 thanh toán số tiền còn lại là 1.597.200.000đ mới thực hiện tiếp hợp đồng. Đây là yêu cầu không đủ điều kiện thanh toán L/C theo khoản 3 Điều 2 của hợp đồng.
Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 401, 410, 430, 431, 432, 433, 434 BLDS, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Quốc tế N1 là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Kháng cáo của Công ty TNHH Quốc tế N1 về việc đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn là Công ty CP Giấy Mục S1 phải thanh toán số tiền 1.597.200.000đ tương ứng với phần hàng hóa và thiết bị mà phía Công ty TNHH Quốc tế N1 đã lắp đặt hoàn thành là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Về án phí: Nguyên đơn phải chịu án phí KDTM PT vì kháng cáo không được chấp nhận, được trừ vào tạm ứng án phí đã nộp.
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308; khoản 2 điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 28/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thọ X, tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ: Khoản 1 điều 30; Điểm b khoản 1 điều 35; Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm; Điều 401; 410; 430; 431; 432; 433; 434 BLDS; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Quốc Tế N1 về việc buộc bên công ty Giấy Mục S1 phải thanh toán số tiền 1.597.200.000đ tương ứng với phần hàng hóa và thiết bị mà phía công ty N1 đã lắp đặt hoàn thành 96% theo Hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải DAF tuyển nổi số 0106/2020/HĐMBTB/N1-MUCSON.
Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH Quốc Tế N1 phải chịu 2.000.000đ án phí KDTM PT, được trừ vào tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000đ tại Biên lai thu số 0014266 ngày 27/5/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thọ X.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán và lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tuyến nổi số 09/2022/KDTM-PT
Số hiệu: | 09/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/10/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về